#
Điền Ngọc Phách là thợ cơ điện đạt đến hạng tận cùng bậc 7/7. Anh đem bàn tay vàng đó ra làm thơ. Với thơ, Điền Ngọc Phách cũng đã kỳ công như một thợ kim hoàn tinh xảo. Anh chỉn chu trong chữ nghĩa, suy ngẫm, cố giải phóng lời để giải thoát ý, công phu cân chỉnh phép làm thơ nên tạo ra được những món đồ nữ trang hoàn hảo, có giá.
Sở trường sở đoản của Điền Ngọc Phách là thơ tứ tuyệt. Anh biết cách làm và làm hay thể thơ cực khó này. Tứ tuyệt Điền Ngọc Phách có tứ cốt vững, da thịt ngôn ngữ chắc, chọn được khoảnh khắc để sinh thành và đẩy được tới cao trào. Tám mươi bài trong tập Trắng thu, mỗi bài một vẻ, chứa đầy tâm trạng, nỗi niềm, trải nghiệm, có giọng điệu riêng, hàm xúc lay động lòng người.
Thuyền ai rẽ trắng chiều thu lặng
Trắng rợn ghành xa nước biệt dòng
Phấn bay nhoà mãi bờ lau trắng
Sịch nửa bai chèo khoả trắng không.
(Trắng thu 1)
Đây là cảnh lữ thứ tha phương cầu thực nay cuối đời lần về cố hương:
Đưa cháu về quê nội
Trở lại, ông một mình
Thực đường, sao lẫn lối
Đất trời đều chông chênh.
(Đường về)
Anh cảm nhận cuộc đời từ cái nhìn có chiều sâu kinh nghiệm qua một ô cửa :
Vẫn là ô cửa sổ
L ồ lộ một khuôn trời
Bằng yên hay sóng gió
Đóng mở tự hồn tôi !
(Qua cửa sổ)
Cái nhìn mang tầm vóc thiên nhiên chứa chất ngụ ngôn thu gọn vào thế thái nhân tình:
Dại khờ là chú ốc sên
Mòn bao nhiêu lưỡi bò trên chót cành
Dại khờ là bác cao xanh
Khóc đem vãi nắng, cười đành đổ mưa
(Dại khờ)
Những câu thơ thế sự chín và thấm:
Gớm cho men danh lợi
Nhắp vào túy lúy say
Bước ra từ bóng tối
Muốn nhai nuốt rạng ngày.
(Vạ chí)
Có lúc nhà thơ lại buông thả tắm hồn trong thiên nhiên kỳ ảo:
Ô hay! Trời đất quang mưa gió
Sao giọt trăng ngần lấp lánh rơi
Gom từ sâu thẳm vầng sương khói
Vàng xuống nhân gian ngọt suối người.
(Lệ trăng)
Khi nửa đời nhìn lại, anh trầm tưởng với phong thái ung dung đạo cốt "Tha hương nửa dúm chiều hoen bãi - Lửng nón vàng thu gió rụng đầy" (vàng thu). Điền Ngọc Phách bình lặng nhìn đời, phát hiện ra "Chiều buông. Ngoái lại trông chừng - Nắng vài ba sợi ngang lưng bạc rồi" (Lục bát không đề), để chiêm nghiệm "Ngỡ như mọi sự đã già - Mà không, trẻ mãi trong ta nỗi buồn"(Phía ấy). Anh chấp nhận quy luật đời biện chứng trong nuối tiếc khi tuổi tác đã xế "Mái xanh trao lại đàn con trẻ - Đầu bạc trông theo nhạn cuối trời" (Giọt). Khi suy tư về tình yêu, từ những mặt đối lập trong thống nhất, nhà thơ tạo được những ngược chiều hình thức thú vị "Trái thêm ngày - trái chín/ Tình thêm ngày - tình xanh" (Chín xanh). Khi quyết đoán hành động, Điền Ngọc Phách không ngần ngại hành xử "Ngẩn ngơ giữa ngả ba người - Dám đem thế chấp một đời mẹ ru" (Lời sám hối).
Thơ Điền buồn, nhưng lúc cần, anh cũng biết giữ cho hồn mình thanh tân lên cùng với năm tháng. Nhà thơ thật tinh nghịch, hóm:
Hỏi vay mấy giỏ hương đồng
Một hai liếp gió, dăm vòng hoa mưa
Men thơ ủ lấy ... đã thừa
Thêm đôi hớn hở cho vừa ý xuân
(Hành trang xuân)
Điền Ngọc Phách là người có pháp thuật hóa thân vào các thiếu nữ một cách duyên dáng nhuần nhuyễn y như thật từ cái ỡm ờ lấp lửng:
Ấy là cây thơ dở dang
Lắc hoài bím túc đuôi sam em cười
Biết mình đã thế thì thôi
Cũng đeo đẳng lấy thói người nhà quê
Em thương cái nỗi vụng về
Em yêu cái tội ngu ngờ thị thành
Câu thơ ngõ lội mái gianh
Cũng hoai mùi rạ, cũng tanh vị bùn
Câu thơ chập chững chân run
Cũng đau bẫy rập, cũng non cánh giàng
Giận hoài bớm tóc đuôi sam
Mười cửa thương, chín độ làm khổ nhau.
(Ấy là…)
Đến đây, bạn đọc sẽ hoài nghi, phân vân đặt câu hỏi – không biết nguyên nhân nào đã sinh hạ ra được những vần thơ lịch lãm và chín chắn từ người thợ ấy?
Tôi cho rằng có hai nguyên nhân khởi sự sau đây:
(1) Vận may không phải lúc nào cũng mỉm cười với người tử tế. Điền Ngọc Phách có một tuổi thơ thật nhọc nhằn nên sớm già trước tuổi. Vào đời, việc lớn đầu tiên là anh không có quyền lựa chọn cho mình một nghề nghiệp (!) Hoàn cảnh bó buộc bức Điền phải lãnh lấy một công việc bất đắc dĩ. Nhưng càng về sau, anh mới nghiệm ra rằng: nghề nào cũng cao quý, không có nghề hèn, chỉ có người hèn. Điền Ngọc Phách đã phải sớm lấy cơ bắp của mình làm kế sinh nhai. Trong việc này, đừng tưởng người kén nghề, nghề cũng kén người ra trò. Nghề thử thách và đào luyện ra người. Điền sinh nghề tử nghiệp, anh không đùa với nghề. Anh chịu thương chịu khó mầy mò học hỏi nâng tay nghề lên bậc cao, "Cùng hàng chục kỹ sư hàng trăm công nhân kỹ thuật đắp da đổi thịt, lắp chân gá tay cho ngàn cỗ máy dệt sống lại gieo thoi, nhả vải" (Tự thuật). Rõ là nghề không làm danh giá người mà chính người làm danh giá cho nghề.
Nhưng khốn nỗi, với Điền cuộc đời đâu có xuôi chèo mát mái, nó như cái ao tù chật chội, sống ép hồn, chết rấp xác. Rủi ro thường tìm đến và rủ rỉ đi bộ cùng anh. Trong chuỗi ngày khốn khó đó, Điền Ngọc Phách biết từ tốn nhận phần vinh giữ lấy cái phần nhục. Điền không khinh đời, nên không lánh đời. Anh trụ vững giữa cuộc sống đầy chông chênh. Cõi tục bon chen quả là thiếu gì cách để kiếm tiền nhưng lạy chúa có rất ít cách để lương thiện! Sống, Điền đã kiên cường đương đầu với mọi nghịch cảnh. Anh luôn thầm nhắc hãy tự giữ gìn rồi trời sẽ phù trợ cho. Điền cố gồng người lên giữ thăng bằng cho mặt đất để cuộc đời anh rộng lớn hơn cả bầu trời. Không lùi bước trước những xỏ xiên, bất công, ngang trái, Điền đã không bị đè bẹp bởi các tai ương. Điền biết giới hạn, thoả mãn và phát huy các tiềm năng của mình. Hoạn nạn càng lớn cuộc sống càng xứng đáng và có ý nghĩa. Với Điền, may là rủi và rủi cũng là may. Hoạ - phúc là hai gã bạn luôn đồng hành cùng anh. Tay nghề giỏi thế mà cho đến tận nay Điền vẫn sống trong đạm bạc, nghèo túng, nhưng anh vẫn làm chủ được tâm hồn mình bằng đức khiêm cung, giản dị. Trong chịu đựng, Điền gặt hái được sự an hoà. Thường thì "Người biết giữ chí không nghĩ tới hình" (Trang Tử), nhìn thân thể tiều tuỵ, gầy yếu, râu tóc trắng cước, đôi mắt mở to sáng trong với những câu thơ khắc chạm công phu, ta đã nhìn thấu chân tướng của Điền. Giá trị đích thực của con người là ở nơi nhân cách chứ phải đâu ở nơi của cải họ có. Điền Ngọc Phách đã đem nhân cách của mình ra để giải toả mọi bất hạnh trên đời. Điền sống thanh thản bởi anh đã bảo toàn một cuộc đời trung thực trong bươn chải truân chiên. Nhiều người cùng cảnh sở dĩ rơi vào bất hạnh bởi không chịu đựng nổi được bất hạnh. Lòng quả cảm của Điền trước cuộc sống là sự biểu hiện bộc trực trọn vẹn về ý thức trách nhiệm. Điền hiểu người trí không bao giờ cố đạt tới cái không thể có. Vốn là người trải đời, sống nhiều và hợp lý, lại biết cách suy xét nên Điền đã làm phong phú cuộc đời anh lên gấp bội. Hãy yên lòng ! Xã hội chỉ thừa nhận và tôn trọng những phẩm giá được tôi luyện trong việc làm, trong hành vi, trong thành quả cống hiến của anh ta đối với mọi người.
Người nghèo không sợ, khổ không núng là kẻ khó khuất phục. Trái tim Điền Ngọc Phách trong sạch không một vết nhơ. Trái tim đó khó có ai doạ nạt nổi. Rômanh Rôlăng ví kiếp người là cái cung, dây cung là mộng ảo, biết tìm đâu cho ra một tay xạ thủ bây giờ? Điền có thể thủ vai đó được chăng? Điều dễ nhận ra ở nhà thơ này là sự thật cuộc đời của Điền Ngọc Phách cay đắng hơn nghệ thuật của anh rất nhiều. Hoạn nạn làm lớn con người, Điền trải tai ương của chính cuộc đời mình ra làm chất liệu cho thơ. Xuất phát từ trái tim mình anh đi đến với trái tim người. Thơ ấy sống và sâu bởi đằm chất tự truyện chân chính. Thơ Điền là tiếng vọng của nhân gian chứ không phải là bầu vú mọng sữa dành cho ai đó.
Aragông bảo "Hạnh phúc chẳng bao giờ huy hoàng - Le bonheur n'est jamais". Người cùng khốn thơ dễ hay. Điền không chú ý đến hiện tượng, anh chỉ quan tâm đến bản chất các sự kiện. Không tự sự rườm rà, anh phơi trần cái tâm trạng tứa máu trần trụi của mình trước hiện thực bộn bề. Nỗi đau của người thơ thường được khái quát dựng thành số phận ẩn dưới những sự cố tai quái, bất ngờ.
Ngàn xưa trút sạch... lâu rồi
Tôi làm tôi của khóc cười thực... hư...
Thật mình sao cứ hình như
Giọt tin rơi rụng, giọt ngờ loáng bay
Cái vui riêng của hôm nay
Mà sầu nhân thế tự ngày sơ sinh.
(Lượm)
Ba biến cố trọng đại của một đời người là Sinh, sống, chết. Con người cảm thấy hớn hở reo vui khi được sinh ra, quên lãng để sống và rên xiết khi giã từ dương thế. Làm thơ là lúc người thơ được sống lại thời quá vãng êm đềm nhằm nuốt trôi mọi mùi vị chua chát của thế tục trong hiện tại, rồi với trực giác siêu tưởng hướng tới tương lai bằng những mơ tưởng ảo huyền. Người ta nói nhà thơ là thầy của hy vọng, cũng phải.
Người đời thường chuộng danh hơn trọng đức. Trong thời buổi trên giành danh, dưới tranh lợi đang diễn ra thảm khốc, Điền Ngọc Phách ung dung tự tại sống co vào nội tâm. Niềm vui sướng khởi từ thế giới nội tâm là niềm vui sướng đích thực. Đó là cách tốt nhất để anh được ngụp lặn giữa yêu thương. Lòng thương đời yêu người là phẩm tiết được thu lượm từ những chiến thắng tinh thần, gặt hái được qua khốn khó. Trong văn chương, nghệ thuật không thể tiến xa được nếu không bắt nguồn từ một tình yêu cao cả đối với con người.
Điền Ngọc Phách tổng kết đời mình “ Sống trọn một đời chỉ là mộng ảo – Mòn mỏi nhân tình lang bạt túi thơ” (Đốt một tuần thơ). Anh đau cái đau “Hồn tôi góc khuất đã lưu đày - Tuổi thơ hờn tủi quá khứ đắng cay” (Sâu thẳm tâm hồn). Cuộc sống khắc nghiệt mài mòn những quan điểm thời thượng và gậm nhấm linh hồn con người. Anh ngậm ngùi bảo “Thì quên, quên hết sự đời – Thì mong, mong hết kiếp người kiếp ta” (Chuốc cạn tình ta). Trong hơi men chếnh choáng, Điền bỗng cất cái giọng khinh bạc hòa cả làng tất tần tật “Giầu nghèo cũng thế thôi mà - Được thua thôi cũng nên bà nên ông”. Nội tạng Điền Ngọc Phách bị đánh tả tơi, bầm dập. Để vơi nhẹ đi chứng trầm uất kinh niên của mình, anh làm thơ như thổ ra từng búng huyết, mỗi hình tượng được chiết ra từ những tai biến kinh người với một bút pháp cao thủ:
Gió giật - hoa rơi một cánh
Chao ôi một kiếp người đi
Gió thoảng - hoa xoè một cánh
Chừng như đâu đó người về !
(Một cánh hoa)
Suốt một đời lăm lăm “Bút mực rèn đạo nghĩa” (Bạn xưa) dẫu cho “Thơ lay lắt sớm, tình rong ruổi chiều”. Khi “Nắng nghiêng đã ấm mái đầu hành hương” (Gốc xuân), Điền Ngọc Phách là người vui sướng có chừng mực và chừng mực trong khổ đau. Trái tim Điền chứa đầy những bí mật với nỗi day dứt riêng triền miên. Đau phận mình nên xót phận người, Điền cảm hiểu đức vị tha bồ tát của Kính Tâm "Hai tay ẵm hạt máu rơi - giọt tâm đẫm một kiếp người đi hoang" (Giọt tâm). Anh thương người mẹ đẻ tài hoa mà phận hẩm "Mẹ đối mặt chân vùi bỏng cát - Cọng rau già gom vạt rau non" (Với Lô Giang). Anh trân trọng trước từng bước chân tảo tần của người vợ đạo hạnh "Là đây em cần mẫn lệch vai gầy - chiếc đòn mảnh cong đôi đầu toan tính (Tứ tuyệt tặng vợ). Anh thành kính trước sự hy sinh quả cảm của một cô Thanh niên xung phong. Anh trân trọng khắc ghi ảnh hình "Vai trần sém nửa quê hương dặm dài" (Dệt từ huyền thoại) của những công nhân nhà máy dệt Minh Phương. Anh tần ngần trên bến Vị "Mái chèo vô định còn thưa lối về" xao xuyến nhớ Tú Xương... Những khổ đau ấy bắt nhạy được với tần số đắng chát của Nguyễn Bính "Lòng đỏ son cho đời bạc vôi" (Hồn thơ hoa rượu). Anh lắc đầu hoài nghi trước chùa Phật nằm, hỏi "Ngoạ thiền liệu có hết trầm luân?". Người càng mạnh càng hiền, càng thông minh càng khiêm tốn, Điền biết cách tư duy để cho không quá cao ngạo, cao siêu. Người trí ít lầm lẫn nên anh chân thành mở cửa trái tim mình. Điền Ngọc Phách có cái lưỡi mềm sắc ẩn trong tim. Trí tuệ là vật phẩm có giá trị nhất chứa trong con người ấy. Xem quả biết trái ngon, đọc Điền, ta thấy tiếng nói của anh đã lột được tính cách, dòng giống. Nhân cách của thi nhân giống như hương thơm tỏa ra trinh bạch từ các loài hoa.
Đáng yêu từ nỗi dại khờ
Thản nhiên đứng giữa đôi bờ lợi danh
(Về với quê hương)
Và, thật là sĩ quân từ, Điền Ngọc Phách quả là thú vị trong giọng điệu bả lả này :
Nào xin nửa dúm mặn mòi
Cho ta muối lại nửa đời nhạt tênh.
(Vị biển)
*
(2) Non nước Ninh Bình thơ mộng quê cha với cảnh quan được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn cộng với Phú Thọ quê thứ hai - đất linh gốc Tổ với bao sự tích thần kỳ là những chất liệu phong phú cho nhà thơ mặc sức thả bút trữ tình. Điền Ngọc Phách có một hồn thơ đằm thắm và tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật. Khi Điền trông mong ai đó, anh viết "Miệt mài ngõ đợi mờ sương khói - cũng chỉ mưa đằm bạc áo đêm" (Ngõ đợi), anh nhìn ra "Nghe từ nẻo vắng nguồn xa ấy - Một thoáng xanh về… sông biếc sâu" (Thoáng quê), anh thoáng thấy "Giá chưa vòi või miền xa lắc - Chắc phấn mưa dăng bớt ngại ngần (Tự khúc xuân). Bốn mùa thay đổi, hạ đến "Nóng ran rát nửa bàn tay - Thì ra… hè đã xua mây trắng trời" (Chia xa), bỗng chớp mắt thu về "Cao cao lắm muộn mùa con én vẫy - Cánh loang dài… vương đáy mắt thu đi…" (Thu). Một đêm xem hoa quỳnh nở, anh rón rén rình "Có phải gom hương từ thinh lặng - Nên hồn dè dặt thở đêm xanh" (Dè dặt). Anh tâm niệm "Tay mềm thảng thốt đài bung nụ - Chấp chới hương chiều cánh bướm hoang " (Vườn hương). Tâm hồn đó rất mơ hồ sương khói "Hình như vậy… mùa đông dành hơi thở - Cho nụ mầm đơm biếc gọi xuân sang - Hình như vậy… nắng hè gom sắc nhớ - Cho cành thu nhè nhẹ nắng hoe vàng'" (Hình như). Ta thấy người thơ se lòng trước ngã ba sông "Cánh bèo lãng đãng về đâu đó - Để khúc tiêu trầm vẳng cuối khơi" (Bến Hạc chiều thu), thường thắc thỏm trước "Vàng cúc thu này gửi đáy không" (Gửi cúc thu). Anh còn trở về sống lại xa xăm thời thơ ấu "Chiếc cò ngậm nắng men sông" (Tuổi thơ). Anh quả quyết đinh ninh "Sóng lòng bồi lở lòng ta - Tình chưa kịp trẻ đã già sông thu"(Lở bồi). Anh hân hoan với những con thuyền "Chở đầy nắng ấm vàng cam quýt - Vàng ríu bờ xuân mở bến sang" (Xuân vàng). Anh ngẩn ngơ trước cảnh chiều tà "Tiếng đâu nhẹ thế chiều vương khói - Chẳng nhắp mà say đến khẽ khàng" (Thoáng quê). Có khi, anh còn nổi sóng lòng "Lặng im cho cháy hoàng hôn - Lặng im cho cạn sóng cồn gió thiêu" (Một mai), bên cái da diết dịu dàng "Trước thềm rụng trắng hoa cau - Nhặt đôi thơm trước, ủ đau thơm này" (Hoa rụng). Anh trằn trọc với vầng trăng khuya, có lúc “Trăng tà, trăng tà thì trăng tà - Một vầng run sáng một vầng xa” (Lệ trăng), mở lòng ra cho hoài niệm ập về với cõi nhớ "Đồi chiều gặp lại loài hoa ấy - Thắp nẻo tình xa búp lửa chờ" (Hoa đồi). Điền hay thảng thốt, nghĩ ngợi "Giật mình rơi trắng vào đêm - Mỏng tang một sợi tóc mềm vương tay - Hương chanh tím nhẹ đâu đây - Vài ngôi sao lạc rắc đầy lối khuya" (Hương khuya). Và có lúc, anh tâm nguyện sẵn sàng dâng hiến "Xin làm trái chín rụng mềm đất quê".Điền đã tạo dựng được những câu thơ sắc nét, đẹp.
Trong tình yêu, Điền là người dễ cảm "Để cái nhìn hoá dại - đóng đinh vào tim tôi" (Giá). Người yêu như ảo ảnh "Em còn vòi vọi tua rua muộn - Buông nhạt bờ Ngân gió vịn hờ" (Vịn bờ Ngân). Người yêu như hoa lá cỏ cây “Phất phơ bờ em vườn cà bung tím - Sắc hoa gần hay sắc áo em xa”(Bến đợi).Anh thấy tuổi tác thật chênh vênh giữa hai người "Tháng ngày gom mãi mòn chân tóc - Tôi đã đông mà em vẫn thu" (Mùa không đồng điệu). Nhưng tình yêu mãnh liệt đã vượt lên trên mọi so le "Lẹ làng em thấm hồn tôi - Thì đem lưới lá chặn lời phong ba" (Chút thôi mà). Anh ước muốn xoa dịu "Xé dăm sợi ấm vá lành nỗi đêm" (Lạc tình ca). Anh trầm ngâm thỉnh cầu "Đừng xanh đôi mắt gieo sầu lên mưa" (Mưa rơi phố vắng). Anh thầm thì thổ lộ "Lòng anh khuya vịnh vắng - Thuyền em neo gió trời" (Thầm ru). Rồi, rốt cuộc họ "Đến được phút cùng nhau chân thật - Đôi đầu thương nhớ gánh mòn vai" (Tạ lỗi), lòng luôn tự vấn tình đã chín thực hay mộng "Với tay… rớt một đốm sao - Cầm lên hạt đắng mặn vào hạt thương" (Hạt đắng hạt thương). Anh cũng lo âu, buồn khổ như ai giữa đời thường "Người đi nắng lụi mưa ào phía tôi" (Người đi). Anh cả nghĩ "cành đông dẫu muộn dăm ba bữa - Đâu dễ cho xuân ngắn lại ngày!" (Xuân say). Họ quyết kề vai sát cánh "Hành trang đi tới ngày mai - Lời ru rẽ cỏ dặm dài ngàn thông" (Lại đến mùa thu). Và rồi, một tiếng chim bừng thức "Giọng chiều em rót vàng rung lối về" (Chim hót cuối chiều).
Có lẽ, dễ chịu nhất là lúc Điền Ngọc Phách thủ thỉ, âu yếm với chính lòng mình:
Lúa ơi! Gió đã chuyển cành
Thì vay ngọn nắng cho thành gié thơm
Hương mùa lọc tự bùn ươm
Thì gom nhuỵ đất mà đơm hạt vàng
(Gió mùa chuyển hạt)
Người đời chớ lo cuộc sống vô vị, đơn điệu đến nỗi chán chường lẩn tránh nó, tự tách mình ra khỏi quyền năng của tạo hoá đã ban phát rộng rãi cho mỗi chúng ta. Mặt trời mọc buổi sáng, lặn buổi chiều, hết mưa là nắng, đêm tận tiếp ngày dài… biết bao điều kỳ diệu đã diễn ra đầy thi vị dưới cái điệp khúc buồn nản và cằn cỗi đó. Rõ ràng cái gì chứa lợi ích của con người, cái đó là nội dung của nghệ thuật. Với Điền, cuộc sống ở đâu, thơ ca ở đấy. Sống đã rồi hẵng viết. Nhiều người làm thơ nhưng họ không học sống, cũng không học nói, đa số chỉ bập bẹ.
Trong thi pháp của mình, Điền Ngọc Phách tâm niệm "Hồn đằm trong máu nên thơ". Anh bảo khi "Vùng thẳm sâu loé sáng, thơ đang tới". Anh còn tâm đắc "Viết không nhìn rõ chữ mới được thơ hay”.
Đã kỳ khu với thơ tất không tránh khỏi những cầu kỳ làm dáng, lập dị. Điền Ngọc Phách cũng có những câu khó đọc:
Đã quên bện lấy lá bùa
Trách chi muối mặn tím chùa hoàng hôn
(Trách chi)
Đã "Lá" mà "bện" được ư? "Muối mặn" thì can cớ liên đới chi với "tím chùa?" Những chi tiết phi lôgíc như thế dễ làm khó hiểu bạn đọc, bắt họ phải ngỡ ngàng. Điền Ngọc Phách dễ sa đà vào cách chơi chữ nhấn nhá, chứ không có mấy chút nội dung:
Ta ngồi chếnh choáng mòn thu cũ
Dốc cạn trăng run xoá đỉnh đầu
(Trắng thu 2)
hoặc lạc vào lối mòn người ta đã viết nhẵn:
Em về gom nắng ban trưa
Hong ngang chiều tím … cho vừa lòng anh.
(Lạc tình ca)
Chỉ sợ ngọt bùi chưa hái được
Tình sầu thiên cổ đã mùa lên
(Còn đó trái sầu)
Tài sản Điền gia còn lại là gì sau chừng ấy năm làm lụng cấy gặt vất vả gian nan? Giữa cuộc đời lận đận ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, Điền Ngọc Phách đã trình làng bảy tập thơ mà hầu hết chỉ là những bản nháp, tập dượt để chuẩn bị cho sự ra đời của một điệu thơ riêng kết tinh trong thi tập Giọt tâm, đặc biệt là giai phẩm Trắng Thu. Trên con đường gập ghềnh hành hương về thánh địa của thơ ca, Điền thường gật gù thành tâm “Phẳng phiu một góc giấy này –Vui buồn…ờ cũng tỉnh say với đèn” (Ngọn đèn)
Trong nghệ thuật, Điền Ngọc Phách đến muộn. Cũng chẳng sao, nổi tiếng sớm chỉ tổ phải oằn vai gánh nặng. Anh có một Giọt tâm, nên mới cao tay Nâng bầu huyền thoại. Năng lực có nghĩa lý gì khi thời gian chưa đủ độ chín và thời vận không bén mảng đến cùng ta? Giữa Lãnh địa cô đơn, Điền Ngọc Phách lảnh lót cất lên một tiếng Chim hót cuối chiều.
Thi nhân của chúng ta vốn là người đôn hậu, "đôn hậu là thuộc tính của người thơ" - Điền bảo thế. Người đó xem "Thơ là thiên sứ của tâm linh", nó "Cứu rỗi linh hồn tôi”. Co lần, người đó tha thiết van lơn “Chớ thay tim tụi, bởi đâu còn người thơ nữa". Điền chỉ ưng sống để làm thi sĩ.
Lá cuối tìm về đất
Rùng mình - cây tàn đông
Đốt câu thơ hành khuất
Sẻ chia chút não nùng.
(Đồng cảm)
Điền Ngọc Phách đã xem thơ là sách giáo khoa của cuộc đời, là niềm an ủi cho những thống khổ của con người. Thơ đã là của anh, chính anh, vì anh, cho anh. Cũng lạ, từ cõi riêng của một người bỗng chốc biến thành cái hư ảo đắm đuối của muôn người. Điền Ngọc Phách là ai? Đến từ đâu? có gì trong đó? Vị Thượng toạ trụ trì ở Hương Tích - người đặt tên khai sinh cho anh đã giải thích thế này: Ngọc Phách là biểu tượng chiếc nậm hổ phách trong chuỗi tràng hạt của nhà chùa.
Nghệ thuật quả đã góp phần đào luyện thành danh những công dân trái nghề và kiện toàn xã hội bằng những sợi dây ràng buộc mọi thứ, mọi tín đồ thơ lại. Nhìn toàn cục, thơ Điền Ngọc Phách cũng chỉ mới là thứ thơ vẫy vùng trong sông suối. Bao giờ thì anh oà thơ ra tới biển lớn?
Tôi rất thích thú được biểu dương, giới thiệu với bạn đọc một nhà thơ công nhân thực thụ. Người đó đã và luôn mong:
Được như hạt táo sân đình
Tôi về lượm hết nhân tình học gieo
(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)