Những góc nhìn Văn hoá

Dẫn nhập vào thông diễn luận của Gadamer (Kỳ III)

       

Gadamer                                                                                      

CHƯƠNG 2

VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP

 

Phương pháp và tính hiện đại

Bốn chương tiếp theo đây nhắm đến giải thích các ý tưởng chủ đạo của Gadamer trong chừng mực chúng được triển khai ở trong tác phẩm chính của ông, Chân lý và Phương pháp. Có rất nhiều chủ đề và ý tưởng được đề ra ở trong trước tác đồ sộ này, nhưng như tiêu đề của nó đã chỉ ra, vấn đề phương pháp (method) và sau cùng là một sự truy vấn về sự thỏa đáng của phương pháp nghiêm ngặt (rigid method), là mối bận tâm chủ đạo xem như là luận điểm chính của công trình này. Chương này phản ánh quan niệm phương pháp như nó xuất hiện nổi bật ở trong lịch sử triết học hiện đại và tập trung vào phê phán về khái niệm phương pháp mà cách tiếp cận thông diễn của Gadamer đề ra. Điều này sẽ khiến chúng ta xem xét đến trọng tâm của cái này là gì ở trong Chân lý và Phương pháp. Để tuyên bố lại những lối giải thích bị lu mờ và bị trấn áp về chân lý từ những thời kỳ trước hiện đại, Gadamer cần có thể giải thích về sự nảy sinh của phương pháp như là đặc điểm chủ đạo của triết học hiện đại trước khi ông có thể đưa ra một tuyên bố về bản chất của chính bản thân phương pháp như là lý do giải thích tại sao những hướng tiếp cận khác về chân lý đã biến mất mà không có dấu vết nào từ bối cảnh văn hóa cả. Qua đó, đáng lưu ý rằng “sự tái tuyên bố” và “sự hồi sinh” của các ý tưởng đã bị lãng quên hoặc đã bị trấn áp là có tầm quan trọng sống còn đối với kiểu mẫu hoạt tác (modus operandi) của Gadamer. Thông diễn luận triết học, lập trường mà ông đề ra ở trong Chân lý và Phương pháp, nâng cấp cho một luận đề lịch sử quan trọng. Thời hiện đại nhìn quá khứ chỉ từ viễn tượng của hiện tại và không đánh giá trong chừng mực mà ở đó cách đọc của nó về những thời kỳ quá khứ là ở trong một sự nguy hiểm của việc tẩy xóa đi các chan lý hữu ích. Giá trị của thông diễn luận triết học không đơn thuần cảnh giác chúng ta với mối nguy hại này mà còn làm sống lại các ý tưởng và các chân lý đó - được phân phát một cách dễ dãi ở trong cái tên diễn trình (progress) hoặc sự tiến bộ (advancement), tức là tính hiện đại (modernity). Sự ổn định hiện đại về phương pháp che khuất các phương cách thay thế trong việc tiếp cận chân lý.

Descartes và cuộc truy tìm phương pháp

Năm 1637 thường được dẫn ra như là thời điểm quan trọng ở trong lịch sử của triết học. Nó là năm mà ấn bản của trước tác tuy ngắn nhưng lại có một tầm quan trọng vượt bậc tác động lên tư tưởng triết học đương thời lẫn sau đó. Trước tác Diễn ngôn về phương pháp[1] của Descartes rất có tính cách mạng bởi vì chỉ với 6 chương ngắn nó đã tiến hành cải biến nhiều yếu tố chính thống của tư tưởng kinh viện trước đó thành các quan niệm đậm nét hơn và không tham vọng gì khác ngoài việc thiết đặt nên chương trình dành cho hệ hình nhận thức và chân lý mới mẻ. Cuộc phối trộn của tư tưởng Thiên chúa giáo và chủ nghĩa Aristotle đã thống trị triết học kinh viện trước Descartes và tác phẩm của ông đã tìm cách mang lại cho tư tưởng triết học những nền tảng xác đáng hơn của khoa học tự nhiên. Điều mà tư tưởng cổ đại thiếu sót, thì các nhà triết học thế kỷ XVII giả định, là thủ tục phương pháp luận với sự quan trọng của cái được gọi là một nền Khoa học Mới. Descartes là người tiến hành thiết lập nó.

Tìm cách đặt tri thức của con người lên trên đôi chân của sự xác định và sự chắc chắn của khoa học tự nhiên kiểu Newton, Descartes đã nghĩ ra một phương pháp tiếp cận đến tính chính xác. Ông đã giải thích ở trong chương một, chương có tính tự truyện của quyển Diễn ngôn, cách làm thế nào ông đã cảm thấy cơ cấu nhận thức ở vào thời kỳ này nằm nghỉ cái gì đó chẳng khác hơn là “những nền tảng yếu ớt” (shaky foundations), nói cách khác, dựa trên những quyền uy truyền thống của triết học Hy Lạp cổ đại, văn học cổ điển và kinh điển, Thánh kinh, lẫn thế giá. Về cơ bản, Descartes không thực sự phản đối những uy quyền cổ đại – bởi vì, ông giả định, chúng lưu trú ở nơi không gì khác hơn là những tính xác suất, các quan niệm, những sự tư biện không thể xác chứng cho nên ông chỉ đang loại bỏ tính hợp thức của quyền uy kinh điển mà thôi. Tầm quan trọng của Descartes là sự truy vấn của ông về tính hợp thức (legitimacy) của các kinh điển mà quyền uy của chúng nằm ở chỗ khó có một sự gắn kết tự chuẩn hóa cho quyền lực của truyền thống. Descartes đã đề ra một bước chuyển lớn ở trong tính hợp thức; một hệ hình thay đổi từ quyền uy của kinh điển sang quyền uy của lý tính. Quyền uy đúng đắn duy nhất mà ông đề ra là quyền uy của lý tính và tác phẩm khiêm tốn của ông chứng minh cách thức đôi bàn tay hướng dẫn của một phương pháp bất khả sai (infallible method) sẽ đảm bảo những chân lý đúng đắn bằng với những chân lý của các ngành khoa học tự nhiên và đẩy lùi ra sau những nền tảng không vững chắc của văn học và quá khứ khi chúng quá câu nệ vào sách vở. Các thuật ngữ chính xác của phương pháp của ông không cần được phiên ra ở đây, mặc dù nói ngắn gọn chúng xem xét đến sự gợi ý của chúng từ các thủ tục của các ngành khoa học chuẩn xác như của hình học và lô-gíc học. Về cơ bản, Descartes đang áp dụng phương pháp khoa học được tạo ra một cách mới mẻ không nhắm đến thế giới tự nhiên bên ngoài mà phân vùng ông nhắm đến được khám phá ra kể từ đây chính là tư tưởng triết học. Việc thiết lập cả phạm vi và những giới hạn của tư tưởng con người lẫn những nền tảng dựa trên đó mà các ý tưởng xác đáng được thiết đặt cần đến một phương pháp thủ tục dựa vào sự bắt cặp với khoa học tự nhiên.

Luận đề “cogito” trứ danh (tôi suy tư vậy tôi tồn tại) thực sự được đề ra, hoặc được rút ra một cách chính xác, cổ xúy cho việc sử dụng phương pháp của Descartes. Luận đề “cogito” là hệ quả của quá trình hoài nghi (doubt) được điều chỉnh một cách thẳng thừng khi mà bản thân các chủ thể tác giả của nó nhắm đến. Ở trong ý thức về mọi sự vật, anh ta có thể hoài nghi theo hướng tri nhận về việc anh ta đi đến một kết luận xác chắc rằng anh ta không thể thực sự nghi ngờ rằng anh ta đang hoài nghi. Đây là kết luận của anh ta. Việc hoài nghi là một kiểu mẫu tư duy vì anh ta càng nghi ngờ thì anh ta càng thực sự chứng minh rằng anh ta đang tư duy. Vì dù thế nào đi nữa thì Descartes có đó, dù gì đi nữa thì kiểu mẫu của con người anh ta phải có, anh ta phải, trước mọi thứ, hiện hữu như là một sự vật biết suy tư (thinking thing). Từ đây, Descartes giả định một cách tất yếu theo sau rằng bởi vì anh ta là một sự vật đang tư duy nên điều này phải là yếu tính của anh ta và chiều kích thân xác của anh ta đơn thuần có tính ngẫu nhiên và thứ cấp: thậm chí nếu không có thân xác anh ta vẫn là một sự vật biết tư duy. Phải tốn nhiều bút mực nữa mới phân tích rõ được luận đề cogito mà Descartes cổ xúy có hợp lô-gíc hay không. Điều quan trọng từ quan điểm của chúng ta là ở đây. Sự hiện hữu mà Descartes nhắm đến như là sự vật biết tư duy, ông nhận định, là không thể được nói được. Tối thiểu có một phần của nhận thức là xác chắc một cách tuyệt đối, tức là, bất kỳ điều gì đó đang được nghĩ đến đều hiện hữu. Chúng ta hãy quay trở lại trí tuệ của các nhà cổ đại dành cho đoạn này. Vấn đề của Descartes dành cho những hình thức nhận thức của quá khứ có liên quan đến các tuyên bố còn hồ nghi của họ với tính hợp thức. Làm thế nào chúng ta biết được có hay không các câu chuyện của Kinh Thánh hoặc các lịch sử của Herodotus là đáng tin hoặc đúng đắn, chúng ta phải truy vấn, theo tinh thần của nghiên cứu khoa học luận? Chúng ta không có phương pháp đáng tin cậy, từ lập trường hiện tại, để xác chứng cho các chân lý, những sự ủy nhiệm từ phía các câu chuyện được đặt cơ sở theo hướng tri nhận lên những điều tai nghe mắt thấy và sự tưởng tượng thêu dệt của những người đi trước kia của chúng ta. Mặt khác, tính xác thực của luận đề cogito, giống như chân lý của mọi lập trường chuẩn thuận cho phương pháp nghiêm ngặt, là sự tự xác nhận (self-authenticating). Descartes nói đến luận đề cogito rằng ông biết nó với tính rõ ràng và sự minh nhiên, nói cách khác, nó là điều đúng một cách minh nhiên theo đó các văn bản và bài viết cổ xưa là không rõ ràng một cách hiển nhiên. Vấn đề thực sự của trí tuệ thời cổ đại, từ quan niệm của tinh thần khoa học mới, là quyền uy của nó có thể nằm nghỉ tốt hết ở thiên kiến, mê tín, tư kiến, những sự bất thường của kiểu dáng lịch sử và những phán đoán thiếu khuyết về chúng thiếu vắng những cái nhìn sáng suốt và các nguyên lý của công cuộc truy tầm khoa học. Với Descartes, vẻ đẹp của phương pháp của ông nằm ở chỗ nó có tính sáng rõ, được thiết lập một cách rõ ràng, và vì thế là đúng đắn một cách minh nhiên.

Luận đề cogito không chỉ xét đến sự minh chứng cho chân lý lô-gíc; nó còn nói đến điều gì đó nữa về bản chất của bản ngã và các hình thức của nhận thức mở ra cho nó. Trong việc quay vào bên trong, bằng hoạt động nội quan, Descartes nhắm đến chính ông, ông chứng minh rằng nhận thức đúng đắn là một thuộc tính nội tại (inner attribute) của chủ thể nhận biết cá biệt (individual knowing subject). Descartes là nhân vật quan trọng ở trong lịch sử triết học không chỉ vì ông đã cái biến những hình thức của quyền uy dựa vào đó mà chủ thuyết kinh viện trước kia làm cơ sở, và đã mở ra một lời biện hộ mạnh mẽ cho lý tính của con người như là suối nguồn của mọi chân lý, mà còn bởi vì phương pháp mới mẻ của ông đã chứng minh là có tầm ảnh hưởng một cách đến khó tin. Không hoài nghi gì nữa, giai đoạn lịch sử tri thức được biết đến như là thời Khai sáng (Enlightenment) sẽ không xuất hiện nếu không có trước tác mở màn trước đó của Descartes, người quả thật là một trong những vị anh hùng của các nhà tư tưởng cấp tiến ở Pháp thế kỷ XVIII, các triết gia.

Tư tưởng Khai sáng khó để mô tả một cách ngắn gọn. Nó là trào lưu tri thức cấp tiến với những nền móng của nó có trong thế kỷ XVIII ở Bắc Âu nhưng đã trở nên đồng nghĩa với tính hiện đại triết học (philosophical modernity). Có nhiều cách để nói đến thời kỳ này của “dự án Khai sáng” như là một trào lưu với tập hợp những mục đích và mục tiêu có thể xác minh một cách rõ ràng. Dù gì đi nữa thì Khai sáng đã thiết đặt sự nhấn mạnh lớn lao của nó lên năng lực của lý tính con người để cải biến, triển khai và khắc phục những thực hành theo lệ thường truyền thống. Có một mối liên kết khá thẳng thừng giữa việc truy vấn về quyền uy của trí tuệ bình dân và tư tưởng ở trong Diễn ngôn về phương pháp và niềm tin điển phạm của Khai sáng mà lý tính sẽ trở thành sự kiểm thảo về mặt xã hội, tức là về mặt lý tính, những niềm tin và hoạt động có thể châp nhận được.

Khai sáng, trong chiến dịch chính trị của nó tiến hành dẹp bỏ một bên mọi hình thức mù quáng và phản động của tư tưởng, không có sự kiểm thảo của lý tính, sang những cái nhìn tinh mẫn của nó về những tác động nguy hại của giáo điều, mê tín, thiên kiến và quyền uy bị tước đoạt về mặt chính trị và tôn giáo. Nói cách khác, bất kỳ thực hành chính trị, đạo đức, tôn giáo hay pháp luật nào, tự chúng đều không đạt được bởi một mình lý tính, được thiết đặt một cách trực tiếp dưới sự ngờ vực như là các tác động đen tối của sự phản động. Truyền thống triết học, bắt đầu với Descartes, mang lý tính đến với vị thế cao quý này và nó đã trở thành một cây gậy đập vào các ý tưởng và các thực hành, được xem là ít có những phần dư thừa của quá khứ được thừa kế.[2]

Việc thiết đặt phương pháp khoa học và lý tính đồng thời với nhau, chúng ta có thể gọi là sự phối trộn kết quả, mang lại tính hợp thức cho thời hiện đại, lý tính khoa học (scientific rationality). Từ nó, người ta đã triển khai thành những tác động giải thích mãnh liệt của khoa học và sự ứng dụng của chúng, tức công nghệ. Ở trong địa hạt của các ngành khoa học nhân văn, chúng có một ảnh hưởng tỏa khắp dựa vào các quan niệm triết học và chính trị, truyền cảm hứng cho những cái nhìn về con người như là một động vật lý tính thuần túy.

Đến đây, chúng ta có thể quay trở lại vấn đề phương pháp mà chúng ta đã nói ở lúc bắt đầu của chương này. Tính hiện đại thiết đặt một niềm tin không thể phê phán ở trong năng lực của phương pháp để thiết lập nên các chân lý tự xác minh. Hệ quả là, nếu ta xem nó như một sự đánh mất đích thực, ở chỗ sự phụ thuộc thời cổ đại vào quyền uy của văn bản (và kinh sách) được thiết đặt trong sự hoài nghi và các hoạt động thường ngày, về cơ bản không có những nền tảng lý tính để nắm bắt chúng hoặc mang chúng đến với một sự tôn kính triết học, đã bị thải hồi. Các chiều hướng truyền thống của việc thực hành với các sự vật, nhìn chung tùy thuộc vào các thực hành theo lệ thường, là những lời nguyền rủa đối với thời kỳ lý tính khoa học. Vì thế, chúng ta thấy rằng, có lẽ như là một quy luật của lịch sử triết học hoặc một sự thật dễ hiểu, nó là một cánh cửa mở ra những sự khép lại khác, lúc mà chủ nghĩa duy lý khoa học có được thời kỳ hưng thịnh, thì những hoạt động thực hành hằng ngày và những quyền uy truyền thống (chứng tỏ quyền uy của các văn bản cổ đại) bị tháo dỡ, bị mất tín nhiệm, và theo đó đã bị lãng quên.

Gadamer và phương pháp

Lịch sử phát triển của phương pháp và sự biện minh triết học, từ Descartes đến giai đoạn gần đây, cung cấp một bối cảnh và nền tảng sống động cho công trình của Gadamer.[3] Thiết đặt vị thế của mình ngược lại với dòng chảy chung của tư tưởng hiện đại và trào lưu Khai sáng Gadamer tiến hành truy vấn về vị thế của phương pháp và tra vấn sự câu nệ của tính hiện đại lên nó như là một ma trận và bước chuyển theo phương cách tìm kiếm nhận ​​thức không thể nghi ngờ. Sự phụ thuộc vào phương pháp được chấp nhận một cách hợp lý, với tất cả các lợi ích tiến bộ lẫn cách mạng của nó - bao gồm chương trình nghị sự của thời hiện đại về tự do chính trị và quyền tự chủ, ứng dụng công nghệ và khoa học vào y học – gia tăng khoảng cách giữa chính nó với thế giới trước nó. Mặc dù khám phá ra phương pháp trình bày một cái gì đó của sự đoạn tuyệt triệt để với quá khứ, bản thân quá khứ, theo quan điểm thông diễn, luôn luôn ở với chúng ta. Sẽ là sai lầm nếu quên đi việc những sự tạo lập lớn hơn như truyền thống luôn hiện diện và quên đi bối cảnh thích hợp mà ở đó chúng ta phải đặt ra những cái có vẻ như triệt để, cách mạng và bất liên tục. Gadamer tìm kiếm cả hai câu hỏi về sự tự đảm bảo của thời hiện đại để rồi tiến hành khôi phục lại các khía cạnh của những gì chúng ta mà đã đánh mất khi vẽ lên các chủ thuyết lẫn niềm tin của thời Khai sáng. Về nguyên tắc, những gì đã mất là một sự hòa hợp, một ý nghĩa của thế giới như là không bị phân chia bởi cái cũ và mới, cổ điển và cổ xưa, kinh viện và hiện đại, mà là một phần của một truyền thống lớn hơn. Việc thiết lập một phương pháp mới dành cho nền tảng tri ​​thức luôn luôn phải hòa giải chính nó với tác nhân căn bản hơn của truyền thống, qua đó mọi hoạt động văn hoá được nâng cao và duy trì. “Truyền thống”, Gadamer nhận định, “có một sự biện minh nằm ngoài nền tảng lý  tính và theo một thước đo lớn hơn sẽ xác định các định chế và thái độ nhận thức của chúng ta” (trang 281).

Truyền thống và sự cách tân khái niệm ấy gần đây ở trong lý thuyết văn hoá và xã hội[4] lẫn triết học, chủ yếu liên quan đến sự hồi sinh của nó trong công trình của Gadamer. Trong Chân lý và Phương pháp, nó là một quan niệm chính, dẫu vậy tầm quan trọng của nó không nên được phóng đại quá mức.[5] Trong việc thách thức lại quyền uy của Khai sáng, điều quan trọng là phải nhìn thấy rằng những người thừa kế trào lưu này đã làm theo truyền thống, tức những gì mà Descartes đã làm đối với di sản tri thức của mình, các uy quyền theo kinh sách của quá khứ: trong cả hai trường hợp, họ đã chen vào giữa truyền thống và lý tính. Ý niệm cho rằng nó được coi như là một tác lực nguyên chất và là một phép thử trung tính, từ đó lý tính có thể thẩm tra vị thế và sức ủy nhiệm của truyền thống là đầy nghi vấn bởi vì cái mà chúng ta xác định là hợp lý luôn được định nghĩa theo các tham số của truyền thống. Một quan niệm như thế về lý tính cần phải đứng ở ngoài bất kỳ một bối cảnh văn hoá và lịch sử nào đó. Đối với một số quan niệm hiện đại về lý tính thì kiểu vận động này là không có tính nghi vấn, tiền giả định một sự trừu tượng bất khả. Tuy nhiên, lý tính được xác định như thế, thì nó chắc chắn là một trong những ý niệm đầy ảo tưởng ở trong triết học, nó phải được đặt trong một bối cảnh văn hoá cụ thể, trong khuôn khổ lịch sử nhất định. Vì vậy, giấc mơ Khai sáng của một lối giải thích về lý tính như là một công cụ mạnh mẽ dành cho việc thẩm tra các uy quyền của truyền thống bị đặt thành vấn đề. Nói cách khác, khả năng phơi bày tất cả các truyền thống là trái ngược nhau, hoặc muốn có được hợp lý thì ta phải tiền giả định rằng lý tính và truyền thống chống lại và loại trừ lẫn nhau một cách thẳng thừng.

Chống lại ý niệm cho rằng truyền thống đứng vững hoặc rơi vào ánh sáng của một lý tính không thiên vị, Gadamer nhìn theo một hướng khác, nhắm đến ý nghĩa nguyên ủy (original meaning) của truyền thống. Bắt nguồn từ tiếng Latinh tradere, nghĩa là “nắm giữ” (to hand on), từ này nói đến hoạt động truyền tải, chuyển tải một cái gì đó từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có một cách để hiểu sự truyền tải này như một hoạt động không phản tư, lặp lại một cách vô thức từ cha đến con trai. Nhưng những kỹ năng và mưu mẹo, được truyền lại như là một phần của truyền thống, không chỉ đơn thuần là lặp lại như dựa trên dây chuyền sản xuất, mà cái được điều vượt liên tục như thế diễn ra ở trong một quá trình được làm lại và giải thích lại. Thật vậy, có nghĩa là lý tính không phải là cái đứng bên ngoài truyền thống như là một sử kiểm thử vô tư, là cái tự nó được truyền lại ở trong truyền thống. Các hoạt động mưu mẹo, như là một “việc biết làm thế nào để”, bao chứa trí tuệ thực hành đã được tích lũy của truyền thống. Đối với Gadamer, truyền thống là một tác lực quan trọng ở trong văn hoá; nó chẳng bao giờ có thể bị lu mờ và giảm trừ thành một hỗn hống của những niềm tin hữu lý hoặc phi lý bởi vì niềm tin và lý tính tự bản thân chúng là một phần của những bối cảnh rộng hơn được gọi là truyền thống. Truyền thống đóng một vai trò quan trọng như thế ở trong tác phẩm của Gadamer; nó đồng nghĩa với yếu tố quan trọng khác của thế giới thường nhật (“thế giới đời sống”), tức ngôn ngữ: “Truyền thống không chỉ đơn giản là một quá trình mà kinh nghiệm dạy cho chúng ta hiểu biết và cách điều phối; nó là ngôn ngữ” (TM, trang 358). Vì vậy, để loại bỏ truyền thống như là đối thủ của lý tính là đánh mất đi yếu điểm mà lý tính có thể tự nó là một đặc tính của truyền thống. Ý tưởng làm cho truyền thống trở thành một đối tượng nghiên cứu giả định một cách sai lầm rằng có một không gian khái niệm và không gian phê phán được tìm thấy ở bên ngoài truyền thống, một điểm tựa Archimede để từ đó đánh giá lý tính hoặc các hoạt động truyền thống khác. Chúng ta chẳng bao giờ có thể thoát khỏi truyền thống như chúng ta đã luôn ở trong nó.

Những hệ quả triết học của một cách nhìn như thế ảnh hưởng sâu rộng và là trọng tâm của công trình của Gadamer, nó sẽ được trình bày chi tiết hơn khi công trình của ông về ngôn ngữ và sự diễn giải được thảo luận ở trong Chương 5. Nếu truyền thống là một khía cạnh của đời sống xã hội không mở ra cho nghiên cứu lý tính thì giả thuyết hiện đại cho rằng phương pháp hướng dẫn một cách chính xác một ai đó theo sự tiết lộ của chân lý đột nhiên có vẻ như hoàn toàn trở nên khả nghi.

Sự phục hồi của truyền thống, thẩm quyền và thiên kiến

Tư tưởng hiện đại không phân phối một cách dễ dàng với truyền thống và cùng với đó là trường hợp với các ý tưởng tiền Khai sáng được liên hệ đến, “uy quyền” (authority) và “thiên kiến” (prejudice). Trước hết, chúng ta hãy xem xét đến cách giải quyết của Gadamer về uy quyền.

Bằng cách gì mà quyền hành (right) là cái gì đó có thực, thông qua cái gì mà các vị vua điều hành quyền uy của mình, công chức phục vụ và từ ngữ có nghĩa gì khi họ/chúng thực hiện? Sao lại có thẩm quyền của một ai đó? Đây là những câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi về thực tiễn chính trị, sự thống trị của các vị linh mục và sức mạnh của các thực hành đạo đức. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một giả định về những người Khai sáng theo lý thuyết âm mưu mà tất cả quyền uy đều nhất thiết bị tước đoạt và trở nên bất hợp pháp nếu không thể có được sự thừa nhận, sự phê chuẩn của lý tính. Gadamer nhận xét, “khái niệm uy quyền có thể được xem như đối lập một cách tuyệt đối với lý tính và tự do” (TM, trang 279). Nhìn bề ngoài, đây không phải là một ý tưởng điên rồ như thế; có rất nhiều uy quyền ở trong đời sống xã hội được bảo đảm, chứ không phải chỉ lý tính mà đôi khi còn có quyền lực và sự thống trị. Nhưng liệu điều này có đề ra khả năng của một dấu chỉ chân thực về uy quyền hay không?

Đối với Gadamer, điều này không nhất thiết phải là có thực; trên thực tế uy quyền, uy quyền thực sự, thực hiện tính hợp thức của riêng nó: “Uy quyền... được hiểu một cách chính xác, không liên quan gì đến sự tuân phục mù quáng với các mệnh lệnh. Thật vậy, uy quyền không phải thực hiện với sự tuân phục mà là với tri thức” (TM, trang 279). Đi vào khuôn mặt của lý thuyết đương đại, ông lấy ví dụ về ngành sư phạm. Một số người có thể cho rằng uy quyền của giáo viên không gì khác hơn là quyền lực xã hội độc đoán được tạo ra ở trong các tác nhân của nhà nước mang lại quyền lực song hành của sự thi hành luật pháp và sự trừng phạt. Sự hiểu này về uy quyền phụ thuộc vào một trong nhiều khả năng biểu nghĩa của nó, nhưng đối với Gadamer, có một ý nghĩa khác về uy quyền, từ đó một con người hiện đại hơn, không còn nghi ngờ gì nữa, được rút ra nhưng bị lu mờ bởi ý nghĩa trước đây, của uy quyền thực sự. Vì vậy, một giáo viên giỏi có uy quyền không phải do việc tuân theo sự trừng phạt luôn chực sẵn ở đó – mà là vì những lý do khác. Gadamer tuyên bố rằng uy quyền thực sự của giáo viên, hoặc bất kỳ người nào khác trong việc sở hữu uy quyền thực sự, không phải do sự đầu tư quyền lực xã hội mà là ở khả năng mở ra các câu hỏi và làm cho những vấn đề nhất định có vẻ trở nên quan trọng, đặc biệt và đáng xem xét (vì chúng đưa chúng ta đến trọng tâm của những gì mà chúng ta hướng đến, trong những chân trời văn hoá hạn định của chúng ta). Uy quyền thực sự của giáo viên là ở trong những câu hỏi mà nhà giáo dục truyền cảm hứng – một bà đỡ kiểu Socrates hơn hẳn so với vị giảng viên giáo điều - làm sống động, sinh động và quan trọng đối với những người tìm kiếm tri thức thật sự. Điều này có ý nghĩa khi nói rằng một giáo viên giỏi mang lại uy quyền của riêng mình; uy quyền ở trong những câu hỏi mà họ mở ra chứ không phải là những biện pháp trừng phạt mà họ có thể áp lên những người kém cỏi và không có ý chí.

Vấn đề của uy quyền không chỉ là quyền lực xã hội và sự đầu tư của nó ở trong các tầng lớp và cá nhân riêng biệt. Theo Gadamer, nó có một chiều kích triết học nặng ký. Chúng ta có thể chuyển đổi các vấn đề của uy quyền thành các vấn đề xung quanh sự chân xác của các văn bản, các ý tưởng và các bài viết. Thay vì yêu cầu việc có chăng một tác phẩm triết học là đúng, theo nghĩa của một thực tại đang trình hiện một cách chính xác, thay vào đó chúng ta có thể nghiên cứu về tính chân xác của các vấn đề mà nó nảy sinh và tìm cách trả lời chúng. Nhìn dưới khía cạnh này, sự xem xét về uy quyền của một bản văn cụ thể, một văn bản triết học cụ thể, sẽ không phải là không có. Gadamer tìm cách chứng minh rằng, có những vấn đề được mở ra bởi các văn bản bằng bất cứ lý do nào đó quan trọng hơn cái tạo ra văn bản. Uy quyền được định ra ở các cá nhân, tuy nhiên, nguồn gốc của nó thì lại là “sự công nhận và tri thức” (tr. 279). Để có được uy quyền là để biết cái gì đó và nhận thức là nhận thức về truyền thống. Đây chính xác là cái mà Descartes đã thiếu sót. Trong qua trình hoài nghi của ông, mọi thứ thiết lập nên cái không thể được thiết đặt ra ở trong hoài nghi mà ông ta đã định hình nên một “bộ mã đạo đức tạm thời” (provisional moral code). Nhưng, như Gadamer chứng minh, bộ mã đạo đức tạm thời không là gì khác hơn ngoài một hệ thống đạo đức đang hiện hữu một cách thực sự của thời đại Descartes. Uy quyền của đạo đức có thể chẳng bao giờ được nắm giữ cho sự chuyên chú lý tính chỉ vì cái được xem là lý tính đã được xác định bởi bộ mã đạo đức.

Thiên kiến, theo một số khía cạnh nào đó, mang một tầm quan trọng đặc biệt của thế giá, như cách xem xét của Gadamer về nó cho chúng ta biết nhiều về các thủ tục và các quy chế triết học của ông. Giống truyền thống và uy quyền, thiên kiến đã chịu sự giày vò đầy xáo động nơi đôi bàn tay của Khai sáng: “Có một thiên kiến của Khai sáng xác định yếu tính của nó: thiên kiến nền tảng của Khai sáng là thiên kiến chống lại tự thân thiên kiến” (TM trang 270). Giống uy quyền, có cả hai cách đọc khẳng định và phủ định về thuật ngữ thiên kiến, và Khai sáng nhấn mạnh đến cách đọc phủ định trong khi đó nó phớt lờ đi cách đọc khẳng định. Ngoài ra, Gadamer còn tìm cách khai mở và hồi sinh các ý nghĩa phụ của những thuật ngữ đã được khảm lên những thiên kiến của thời hiện đại.

Từ thiên kiến về mặt từ nguyên được phân thành chữ trước-luật (pre-judice) hay tiền phán đoán (pre-judgement). Phán đoán sẽ không có nếu không có yếu tố “pre” đến trước nó. Mọi phán đoán đều được đặt điều kiện bởi các tiền phán đoán. Đây là ý nghĩa tiền hiện đại, khá cũ so với cách mà Gadamer muốn dùng từ thiên kiến để nhắm đến sự chú ý của chúng ta trong khi đó sự hiểu tương tự về thiên kiến là phán đoán chưa phản tư (unreflective judgement) hoặc sự suy luận hấp tấp, nảy sinh ở trong sự cuồng tín của tư kiến thuần túy chủ quan hoặc sự nhai lại không có phản tư của trí tuệ được tiếp nhận một cách thuần túy. Luận điểm được đề ra ở đây đó là các phán đoán có thể được tạo ra không phải bởi một lý tính trung tính và trừu tượng mà là bởi một tập hợp những sự bao chứa tiền phản tư với thế giới đứng đằng sau các phán đoán và trên thực tế khiến cho chúng khả hữu. Một điều kiện tạo ra các phán đoán có phản tư và có giá trị về thế giới là sự sở hữu của các thiên kiến: không có các tiền phán đoán thì không thể có các phán đoán. Quan niệm cho rằng phản tư và phán đoán tùy thuộc vào các nhân tố khác hơn chính bản thân chúng, một thế giới được diễn giải có tính chỉnh thể là một thế giới trầm lặng, không có sự phản tư, bị hấp thu bởi cá nhân ở trong các hoạt động thường nhật của sự xã hội hóa và sự tiếp biến văn hóa, là trọng tâm của sự truy vấn mà Gadamer muốn đáp lại trào lưu Khai sáng. Điều ông muốn tháo dỡ là giả định cho rằng lý tính là một loại hình ma trận và là nền tảng dành cho suy tư và sự hiểu. Thay vì xem xét lý tính như là nền tảng, một phân tích sâu sắc hơn cần được đề ra để khám phá cái nằm đằng sau lý tính và cái khiến cho tự thân lý tính khả hữu. Bước quay trở lại loại hình thẩm tra này được khả hữu bởi nhận thức của Gadamer về truyền thống thông diễn luận, đặc biệt hơn là ở lối sử dụng của thầy ông, Heidegger, về truyền thống đó mà Gadamer tiếp thu và sử dụng theo những cách thức đầy hấp dẫn và mới mẻ.

Điều mà truyền thống thông diễn luận loại bỏ là ý niệm cho rằng một thế giới thống nhất mang lại lối vào một loại hình nhận thức xác định. Kể từ thời đại của các nhà cổ đại, điều này đã là một giấc mơ của các nhà triết học, và ở bất kỳ nơi đâu, rõ ràng hơn cả là với trào lưu Khai sáng, nhưng thông diễn luận thể hiện rằng mọi sự hiểu của con người sau cùng đều là sự diễn giải. Một viễn tượng dựa vào thế giới luôn chỉ là điều đó; chẳng bao giờ có một bức tranh không có trung gian về chiều hướng mà các sự vật thực sự có, chắc chắn nó có tính tạm thời và bị giới hạn cũng như chẳng bao giờ có thể có một cái nhìn về chiều hướng mà các sự vật thực sự có bởi vì chiều hướng mà các sự vật thực sự có mơ hồ như là viên đá của nhà triết học. Điều chúng ta chẳng bao giờ lãng quên đi là cái mà chúng ta luôn là một phần của cái mà chúng ta tìm cách hiểu: lỗ trống giả định giữa người biết và cái biết còn hơn là một đường thẳng đứt đoạn hoặc giới hạn luôn thay đổi hơn cả một vực thẳm.

Gadamer tác động lên chúng ta để suy nghĩ lại về những giả định căn bản của Khai sáng. Tác phẩm của ông muốn chống lại hơn nữa khuynh hướng của nhiều tư tưởng hiện đại (hiện đại chủ nghĩa). Cách nhìn mà ông tán thành là một phần của một sự công kích kịch liệt chung chống lại ý niệm của cái có trước đó, ý niệm cho rằng thế giới là ổn định, được trình ra và vì nhiều lý do được đặt nền tảng hơn cả nơi công cụ vật lý lẫn khái niệm mà chúng ta sở hữu để lĩnh hội nó.

Chúng ta đã nhắc đến chủ nghĩa duy lý khoa học như là ví dụ chính yếu của tư tưởng đã được phương pháp hóa. Cuộc tìm kiếm phương pháp chính xác là một nỗ lực khắc phục những thiếu khuyết của tư tưởng tiền triết học; một sự tùy thuộc vào tư kiến và tư duy thuần túy chủ quan. Phương pháp chính xác, nó được giả định, mang lại lối vào bản tính đúng thật của thế giới. Ví dụ nổi tiếng của Descartes cho điều này là về cục sáp ong, như việc thay đổi hiện tượng và miếng sáp ong như nó được nắm bắt bởi tư duy thuần túy được coi như là cái gì đó không thay đổi ở trong bản tính của nó là một ví dụ hay cho điều này. Sáp ong xét như hiện tượng luôn thay đổi từ không có mùi thơm khi lạnh sang thơm ngát khi ấm lên, rắn đặc lại khi lạnh, dẻo và thậm chí lỏng khi nóng. Nhưng tư duy, cái nắm bắt bản tính đúng thật của sáp ong, lại tìm thấy bản chất ẩn giấu và bí mật của nó là ổn định và bất biến. Ví dụ này mang lại một mô hình khoa học. Tư duy, tư kiến, tri giác và các thuộc tính thân xác của cá nhân mang lại lối vào chẳng khác gì hơn ngoài việc thay đổi và những sự biểu hiện bất xác định; những khía cạnh này của cá nhân không gì khác hơn là những sự xao nhãng khỏi cuộc truy tìm tri thức thuần túy. Nhưng điều mà quan niệm khoa học này nhắm đến không để ý là người nghiên cứu hay người thí nghiệm là một phần của cái mà họ đang nghiên cứu. Bất kể việc một người đó có cẩn thận về phương pháp đã sử dụng để nghiên cứu thế giới đi chăng nữa, thì người ta phải luôn nhớ rằng thế giới là cái được nhìn từ một cơ cấu và chiều kích con người cụ thể. Sự nhận thức của Kant rằng không gian và thời gian lẫn các phạm trù là cái mà các cá nhân đóng góp vào sự hiểu của chúng ta về thế giới và thế giới không được đem lại trong chừng mực mà nó không được kiến tạo (hoặc được cấu tạo) bởi tư duy của con người ngay đây được nắm bắt bởi nhiều nhà triết học. Nhận thức theo kiểu Kant rằng tất cả tri ​​thức sau cùng đều là tri ​​thức của/về con người, tri thức khởi đi từ một sự nhận thức đặc biệt của con người, nó đặt ra câu hỏi triết học quan trọng về mối quan hệ giữa các chủ thể và các đối tượng. Giấc mơ của khoa học là xoá bỏ tính đặc trưng của chủ thể và tính tổng thể của văn hoá của người nghiên cứu, qua đó tập trung vào một tính phổ quát được giả định chung cho tất cả các chủ thể. Đối với Descartes, tính phổ quát là lý tính và sự áp dụng của một phương pháp, bất kể những dị loại ở trong ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, v.v. sẽ luôn mang lại những kết quả và giải pháp giống nhau. Điều này phải chăng có liên quan đến với huyền thoại của Cái được quy định (myth of the Given)? Nó giả định rằng lý tính sẽ cho phép truy cập vào tính phổ quát đó để vượt qua tính đặc thù của thời gian và không gian. Nếu Cái được quy định là khả nghi thì sau đó làm thế nào chúng ta tiếp tục nếu chúng ta muốn đạt được tri thức? Nếu chủ thể luôn là một phần của bức tranh, phải chăng điều này không làm cho mọi kiến ​​thức trở thành chủ quan hay không? Đây là một câu hỏi quan trọng mà công việc của Gadamer phải đối mặt. Câu trả lời từ viễn tượng của thông diễn luận triết học là các chủ thể và các đối tượng không thể chia cắt với nhau được.

Huyền thoại của Cái được quy định giả định rằng có một thế giới ở ngoài kia để được khám phá nếu chỉ khi chúng ta có thể tìm ra phương pháp đúng đắn để chúng ta có thể tìm thấy một cái gì đó giống như một “Chìa khóa thần kỳ!”, một cách để mở khóa kho báu bí ẩn. Toàn bộ sự phụ thuộc của thời hiện đại vào chủ nghĩa duy lý khoa học đã làm quay trở lại một chặng đường dài trong lịch sử triết học. Khoảng cách giữa các chủ thể và các đối tượng giống như khoảng cách giữa sự biểu hiện và thực tại, cùng lỗ trống quan trọng nhất của tất cả, giữa tư duy và thế giới. Kể từ Plato, theo một cách đọc về lịch sử triết học, tư tưởng tìm cách sao chép chính xác thế giới. Thật vậy, ở đây, tiêu điểm triết học là tái tạo thế giới trong tư duy. Điều này phụ thuộc vào một quan điểm nhất định về tư tưởng và ngôn ngữ tiến hành xem nó chủ yếu có tính bắt chước, tượng trưng và mang tính ký hiệu ở trong tự nhiên. Ngôn ngữ có phải là một cách để sao chép thế giới hay không? Về huyền thoại của Cái được quy định, ngôn ngữ mô tả một thế giới đã có từ trước. Nhưng liệu nó có thể tiếp nhận được vấn đề theo cách khác hay không? Liệu chúng ta không thể nói rằng nếu không có ngôn ngữ thì không có thế giới? Hoặc nói theo cách khác, chúng ta không thể nói rằng ngôn ngữ cấu thành thế giới hơn là mô tả nó? Ngôn ngữ cũng được coi là phương tiện trầm lặng qua đó những suy tưởng du hành. Theo quan điểm này, suy tưởng có trước ngôn ngữ; trên thực tế sẽ không có ngôn ngữ nếu như trước đó không có suy tưởng nghĩ đến nó, như đã nói, làm cho chính nó biểu hiện ở trong lời nói.

Ngoài ra, có thể đảo ngược đối cực ở đây và nghĩ đến khả năng ngôn ngữ có trước suy tưởng. Liệu có vô lý để cho rằng tư tưởng không là gì khác hơn ngoài hành ngôn đã được nội tại hóa (internalized speech)? Tôi sẽ cho rằng, trên thực tế, có thể hợp lý hơn cả ý tưởng cho rằng tư tưởng đến trước tiên và sau đó được phiên chuyển thành lời nói. Cái tương tự với tư duy không lời nói (wordless thought) là gì? Một ý nghĩ không thể nói lên là gì; vị thế của nó là gì và làm thế nào để nó được hiểu và được truyền đạt? Để khiến cho suy nghĩ có trước mục đích lời nói phần nào đó là có trước tất cả các mục đích và các vấn đề bị tê liệt. Có một truyền thống tổng thể ở trong triết học bác bỏ tính chính thống của tính tối cao của tư tưởng và lý tính. Ở truyền thống này, vào thời kỳ hiện đại bắt đầu với Hamann, ngôn ngữ bao chứa tất cả mọi thứ. Ngôn ngữ không được coi là một phương tiện truyền đạt chủ yếu. Ngôn ngữ là một hình thức diễn đạt (expression). Điều làm cho ngôn ngữ khả hữu không phải là mối quan hệ trình hiện giữa từ ngữ và sự vật, mà là ý tưởng cho rằng ngôn ngữ chủ yếu có tính diễn đạt. Nó thể hiện một lối sống (“hình thái đời sống” (form  of  life) của Wittgenstein).

Tất cả điều này như là một cách giới thiệu về Gadamer. Di sản của chủ nghĩa duy lý khoa học, và các lập trường triết học khác nhau mà nó phụ thuộc, chất đầy những khó khăn. Chính vị thế và sự tồn tại của các ngành khoa học nhân văn đang bị đe doạ. Chân lý như là một sản phẩm của phương pháp bất khả sai phớt lờ đi chân lý của kinh nghiệm được cất giữ ở trong một truyền thống văn hoá chung. Đây là tất cả các cách mở đầu cho chiều hướng đích thực đối với công việc của ông. Điều này cho thấy cách làm thế nào chân lý chẳng bao giờ được đặt thành phương pháp cả. Cuối cùng, nó là cái gì đó mà chúng ta chẳng đi đến và cũng chẳng đạt được. Tất cả các hoạt động của chúng ta ở trong thế giới xã hội đang “trên đường đến” chân lý nhưng cuối cùng thì ta không bao giờ đến được.

Tóm lại, Gadamer truy vấn về những nền tảng của Khai sáng; cụ thể hơn ông bác bỏ sự phụ thuộc của nó vào quan niệm phương pháp đạt được từ các quy trình của khoa học tự nhiên. Phương pháp, theo quan niệm của thời hiện đại, che khuất các yếu tố của trí tuệ và sự hiểu về thế giới. Luôn luôn có tính thực tế hơn lý thuyết, các hình thức của sự hiểu bị lu mờ bằng phương pháp có thể được tuyên bố lại như là các khía cạnh của uy quyền, thiên kiến và truyền thống. Tuy nhiên, những quan niệm về uy quyền, thiên kiến và truyền thống không cần được xem như là những trở lực và trở ngại để giải phóng lý tính mà như là những phương tiện của chính lý tính và sự tự do.

Chương này đã giới thiệu một số ý tưởng quan trọng nhất trong tác phẩm của Gadamer. Nó cũng mang lại - một vài cách nhìn sâu sắc về cách tiến hành của ông. Xem xét các khái niệm và nghiên cứu kỹ lưỡng chúng không đơn thuần là các phạm trù lô-gíc mà còn là các phạm trù lịch sử và văn học đang thể hiện ra. Như được chứng thực với uy quyền, thiên kiến và truyền thống, Gadamer đã cho phép các thuật ngữ này nói lại bằng cách mở ra những sắc thái ẩn kín và chìm nghỉm của ý nghĩa mà thời hiện đại đã tìm cách gạt đi. Ghi nhớ điều này, giúp khơi gợi nên câu hỏi sau đây. Nếu Gadamer chỉ quan tâm đến ý nghĩa của từ ngữ thì ông không giống như một nhà triết học phân tích có nhiệm vụ làm sáng tỏ ý nghĩa bằng cách chú ý đến cách chúng ta sử dụng từ ngữ? Ngược lại, cách thức của Gadamer mang tính văn học hơn logic học. Trong việc chú trọng đến các biến thể ngôn ngữ, ông cố nhắm đến ngôn ngữ trong bối cảnh văn hoá và lịch sử, và cho thấy những hàm ý rộng lớn hơn đối với triết học và sự diễn giải về những bối cảnh này. Ông không đánh giá lại các quan niệm về uy quyền, thiên kiến ​​và truyền thống, mà chỉ đơn giản là soi sáng những ý nghĩa đã mất; ông đưa ra một phê phán về triết học hiện đại. Cũng như là một phê phán về tính hiện đại, ông tiến hành trình bày một viễn tượng thay thế với những hệ quả sâu xa cho triết học. Phù hợp với lập trường của ông, cái thay thế không phải là một hệ thống triết học cấp tiến mới mẻ; nó chỉ đơn giản là sự hồi sinh một con đường của sự hiểu mà tư duy và kinh nghiệm đời thường vốn đã bị gạt ra bên lề, đáng buồn cười, bởi truyền thống. Sự thay thế này ông gọi là thông diễn luận, hay cụ thể hơn là thông diễn luận triết học. Thông diễn luận, nghệ thuật diễn giải, về nguồn gốc là một từ Hy Lạp cổ, nhưng Gadamer cho rằng, đó là trọng tâm của tất cả các hình thức của sự hiểu và trình ra một hồi đáp triệt để cho một cái nhìn về thế giới được điều chỉnh theo phương pháp. Thông diễn luận diễn tả tốt nhất mối quan hệ của chúng ta với thế giới, nhưng bởi vì màn sương của tư tưởng hiện đại, nơi mà mọi thứ được định nghĩa trong những giới hạn của phương pháp, chúng ta không thể nhận ra các cái thay thế khác.

Thông diễn luận, khi được xem như là một cách tồn tại ở trong thế giới, là hình thức sự hiểu nguyên thủy nhất. Chúng ta không phải là những chủ thể nắm bắt các đối tượng mà là những sự vật “thông diễn” ở trong truyền thống. Tuy nhiên, thông diễn luận, thực hành được thiết lập bài bản về việc diễn giải các văn bản, là một vấn đề khác tuy có phần liên quan. Lịch sử và sự phát triển của nó cần phải được đánh dấu từ sự xuất hiện của thông diễn luận về kinh thánh, văn học và luật pháp ở thế kỷ XVII và XVIII đến thế kỷ XX, để thấy rằng ngay cả thông diễn luận cũng trở nên bị ô uế và ý nghĩa của “thông diễn luận” mà Gadamer cổ xúy cũng cần được giải thoát khỏi những sự chộp bắt của tư tưởng hiện đại. Để đạt được điều này, Gadamer quay sang công việc mà việc hiệu chỉnh triệt để thông diễn luận đã tạo ra nguồn cảm hứng to lớn dành cho thông diễn luận triết học.

 

Phạm Tấn Xuân Cao dịch

Dịch từ Chris Lawn (2006) Gadamer: A Guide for the Perplexed, Continuum

 

 


[1] Tiêu đề đầy đủ bằng tiếng Pháp là Discours de la Méthode pour bien conduire sa raisoll, et chercher la vérité dans  les sciences. Plus la Dioptrique, les Météores et la Géométrie qui sont des essais de cette Methode.  Và bằng tiếng Anh:  Discourse  on  the Method  of  rightly conducting one’s reason  and seeking the truth  in  the sciences,  and in addition the Optics, the Meteorology, and the Geometry,  which are essays in this Method (Diễn ngôn về phương pháp trong việc hướng dẫn một cách đúng đắn lý tính của ai đó và truy tầm chân lý ở trong các ngành khoa học, cũng như ở trong quang học, khí tượng học và hình học, tiến hành những cuộc kiểm thảo theo phương pháp này).

[2] Mặc dù tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng với tư tưởng Khai sáng, Descartes không chia sẻ khuynh hướng chống chủ nghĩa một cách rõ ràng như những người hậu duệ của ông thông qua lòng mộ đạo của ông thường có vẻ như mang tính chiến thuật hơn, một mưu mẹo không chỉ là sự thành tâm mà còn là một sự xúc phạm Tòa án Tôn giáo.

[3] Như chúng ta sẽ thấy ngay đây Gadamer  không đứng một mình ở trong cuộc phê phán của ông về Descartes và di sản của ông ấy:  thật vậy, hầu hết mỗi nhà triết học ở thế kỷ XX đều đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ việc phê phán Descartes.

[4] Công trình xã hội học của Edward Shils,  và trong thời gian gần đây, của Anthony Giddens, cùng chú ý đến điều này.

[5] Truyền thống trở nên ít quan trọng hơn ở trong tác phẩm của Gadamer sau Chân lý và Phương pháp, được thay thế bởi quan niệm đã được gánh vác về mặt luân lý và chính trị hơn đó là tình đoàn kết, nó được xem như là một sự mô tả chính xác hơn về tác nhân ràng buộc thuộc về trọng tâm của đời sống xã hội.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559197

Hôm nay

2214

Hôm qua

2301

Tuần này

2515

Tháng này

226740

Tháng qua

122920

Tất cả

114559197