Không ai lên tiếng vì lẽ phải, không ai kiện cáo vì sự thật; người ta hi vọng hão huyền và nói điều dối trá, người ta khai mầm tai họa và gieo rắc điều gian ác. Những việc của chúng là những việc tội lỗi, bàn tay chúng gây ra bạo hành; chân chúng chạy về phía tội ác và hấp tấp làm máu vô tội phải đổ; những toan tính của chúng là toan tính tội lỗi; sự tàn phá và huỷ diệt nằm trên đường đi của chúng; chúng không biết được con đường bằng an, cũng chẳng có công lí trên con đường của chúng, tự bản thân chúng làm sai lệch đường đi của mình; không một ai đi theo chúng biết được sự an lành. Chính vì thế mà công lí rời xa chúng ta, lẽ phải cũng không đến với chúng ta; chúng ta chờ đợi ánh sáng, nhưng chỉ có bóng tối; chúng ta chờ đợi hào quang, nhưng lại bước vào đêm đen; chúng ta sờ soạng trên tường giống những người mù, và bước đi mò mẫm như không có mắt, giữa trưa mà chúng ta vấp ngã như vào lúc nhá nhem, như ở đêm tối, như người đã chết”.
Isaiah, LIX 2-4, 6-10
“Chỉ xin nhắc nhở, rằng các quốc gia khác nhau của châu Âu đã mắc nợ 130 tỉ, trong đó có gần 110 tỉ đã vay từ suốt một thế kỉ, rằng toàn bộ món nợ khổng lồ ấy được vay chủ yếu để chi phí cho chiến tranh, rằng các quốc gia châu Âu phải nuôi 4 triệu người trong quân đội ở thời bình và có thể tăng số này lên tới 110 triệu vào thời chiến; rằng hai phần ba ngân sách của họ bị ngốn vào lãi suất của nợ và việc nuôi các đội quân bộ binh và hải quân”.
Molinari
“Thế mà chiến tranh lại đang được kính trọng hơn bất kì thời nào. Diễn viên diệu nghệ của công việc ấy, tên sát nhân thiên tài, ngài Moltke, đã đáp lại các đại biểu của thế giới bằng những lời kì cục như thế này:
- Chiến tranh là thiêng liêng, là tạo tác kì diệu, là một trong những quy luật thần thánh của thế giới. Nó gìn giữ tất cả những tình cảm vĩ đại và cao thượng trong con người: danh dự, lòng hào hiệp, đức hạnh, sự can đảm; tóm lại, nó cứu con người thoát khỏi chủ nghĩa duy vật ghê tởm.
Vì vậy, hợp lại thành những bầy bốn trăm nghìn người, đi suốt ngày đêm không nghỉ, không nghĩ gì, không suy nghĩ, không học hành gì, không đọc gì, không cần hữu dụng cho ai, mục nát trong rác rưởi, ngủ giữa bùn lầy, sống như súc vật, trong u mê vĩnh cửu, cướp bóc các thành phố, đốt phá các làng mạc, làm cho các dân tộc khánh kiệt, rồi khi gặp một đám thịt người khác y như thế, thì lăn xả vào họ, tắm máu thành ao, lấy thịt băm phủ kín ruộng đồng, đem hàng đống xác người rải lên mặt đất, bản thân trở thành tàn phế, sẽ sứt đầu mẻ trán chẳng lợi lộc gì cho bất kì ai, cuối cùng chết ngoẻo ở đâu đó giữa cánh đồng xa lạ, giữa lúc cha mẹ các người, vợ con các người đang hấp hối vì đói,- cái đó được gọi là cứu người thoát khỏi chủ nghĩa duy vật ghê tởm”.
Guy de Maupassant
Lại chiến tranh. Lại những thống khổ không cần cho ai và chẳng bởi cái gì, lại dối trá, lại sự u mê của tất cả, sự háo thú của con người.
Những người cách nhau hàng vạn dặm, hàng chục nghìn người, phía này là những đệ tử Phật giáo tin theo luật cấm sát sinh, không giết cả người lẫn các loài vật, đầu kia là những tín đồ Kitô giáo tuyên tín luật về tình hữu ái và thương yêu, đang kiếm tìm nhau, cả trên mặt đất lẫn dưới bể, để giết nhau, hành hạ nhau, khiến nhau trở thành tàn phế một cách hung hãn nhất, như bầy dã thú.
Đó là cái gì vậy? Đây là mơ hay thật? Một cái gì đó đang xẩy ra, nhẽ ra không phải là như thế, không thể là như thế, - vẫn muốn tin đây chỉ là giấc mộng, và muốn tỉnh giấc.
Nhưng không, chẳng phải mơ, mà là hiện thực khủng khiếp.
Vẫn còn có thể hiểu được, khi một người Nhật bị rứt khỏi đồng ruộng của mình, nghèo túng, thất học, bị lừa gạt, được người ta mớm cho, rằng Phật giáo không phải là lòng trắc ẩn với mọi sinh linh, mà là sự hiến tế cho các thần tượng, cũng như khi một chàng trai ít học đáng thương ở Tula, ở Nizegorod được nhồi sọ, rằng đạo Kitô là sự thờ phụng Đức Kitô, Đức Mẹ, các vị thánh và các tranh thánh, - có thể hiểu được khi những người ấy bị bạo lực lâu đời và sự lường gạt dẫn tới quan niệm, rằng những tội ác tày trời trên cõi thế - sát hại những người anh em mình - là một việc oanh liệt,- những người ấy có thể làm những việc khủng khiếp kia, mà không nghĩ là mình có lỗi trong những việc làm như vậy. Nhưng làm thế nào mà những người được gọi là có văn hoá lại có thể tuyên truyền chiến tranh, chi viện cho nó, có thể tham chiến, và, đây mới thật là điều khủng khiếp hơn cả, trong khi bản thân không phải chịu những hiểm nguy của chiến tranh lại khích động chiến tranh, đẩy những người anh em bất hạnh, bị lừa gạt của mình ra mặt trận? Bởi lẽ những người được gọi là có văn hoá như thế, chưa nói gì tới giới luật Kitô giáo, nếu họ thừa nhận mình là người có đạo, thì nhất thiết không thể không biết về tất cả những gì đã được viết và đang được viết, đã được nói và đang được nói về sự tàn khốc, vô bổ và phi lí của chiến tranh. Chính vì biết tất cả những điều đó, nên họ mới được xem là những người có văn hoá. Chưa kể đến Hội nghị Haag đã nhận được sự tán dương chung của mọi người, đến những cuốn sách dày, mỏng, đến những bài báo, những diễn văn luận bàn về khả năng giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng pháp đình quốc tế, tất cả những người có văn hoá không thể không biết, rằng những cuộc tổng vũ trang chống đối nhau giữa các quốc gia tất yếu sẽ dẫn tới chiến tranh liên miên hoặc phá sản khánh kiệt, hay cả cách này lẫn cách kia; không thể không biết, rằng ngoài những tốn phí khổng lồ, vô bổ hàng tỉ rúp, tức là tổn phí nhân lực cho việc chuẩn bị chiến tranh, trong chính những cuộc chiến tranh này, sẽ có hàng triệu người mạnh khoẻ, giàu nghị lực nhất sẽ phải bỏ mạng ở ngay thời kì lao động sung mãn tuyệt vời của cuộc đời họ (những cuộc chiến tranh ở thế kỉ trước đã khiến 14 000 000 người thiệt mạng). Những người có văn hoá không thể không biết, rằng lí do dẫn đến chiến tranh bao giờ cũng chỉ là những thứ chẳng những không đáng phải bỏ vào đó một mạng người, mà một phần mười số tiền bạc đã chi trả cho cuộc chiến cũng không đáng phải tiêu pha (việc giải phóng những người da đen (ở Mĩ) đã đòi hỏi phải chi phí nhiều gấp mấy lần so với tiền chuộc tất cả những người da đen ở phương Nam). Mọi người đều biết, không thể không biết một điều cơ bản, rằng chiến tranh khơi dậy ở con người những tình cảm thú tính thấp hèn luôn luôn làm hỏng, làm hoá thú con người. Mọi người đều biết, những lí lẽ chứng minh cho lợi ích của chiến tranh, kiểu như lí lẽ của De-Maistre, Moltke và nhiều người khác đưa ra, đều không có cơ sở, bởi vì tất cả những lí lẽ ấy đều dựa vào nguỵ biện, theo đó, có thể tìm thấy mặt tiện ích trong mọi bất hạnh của con người, hoặc dựa vào khẳng định hoàn toàn tuỳ tiện, rằng xưa kia bao giờ cũng có chiến tranh, nên sau này chiến tranh lúc nào cũng sẽ có, cứ như những hành vi xấu xa của con người có thể được biện hộ bởi những kết luận và lợi ích mà chúng mang đến, hoặc bởi những việc chúng đã được thực hiện trong một thời gian rất dài. Tất cả những người được gọi là có văn hoá đều biết rõ những điều đó. Thế mà chiến tranh bỗng nổ ra, và trong nháy mắt, toàn bộ những điều ấy bị lãng quên, còn bản thân những ai vừa hôm qua còn chứng minh sự tàn khốc, vô bổ, phi lí của chiến tranh, nay lại chỉ nghĩ, chỉ nói, chỉ viết về chuyện, làm thế nào để giết được nhiều người hơn, tàn phá, huỷ diệt sản phẩm lao động của con người được nhiều hơn, và làm thế nào để thổi bùng lên mạnh mẽ hơn ngọn lửa thù hận loài người trong lòng những người vốn hiền lành, chẳng làm ai mếch lòng, yêu lao động, những người dùng sức lao động của mình để nuôi ăn, may mặc, chu cấp cho những kẻ học thức rởm đang buộc họ phải thực hiện những công việc khủng khiếp, trái với lương tri, lợi ích và tín ngưỡng của họ.
II
“Và Micromégas nói:
- Ồ, các ngài, những nguyên tử có lí trí, nơi Bản Thể vĩnh hằng tỏ rõ tài nghệ của nó và oai phong của nó, phải rồi, các ngài hãy tận hưởng những niềm vui thuần khiết trên trái đất của các ngài, bởi khi ham muốn vật chất ít như vậy, mà tinh thần lại phát triển như thế, các ngài nên sống trong tình yêu thương và tâm tưởng, vì đó là đời sống đích thực của những bản thể tinh thần”.
Nghe những lời như thế, tất cả các nhà triết học đều lắc đầu, và một vị bộc trực nhất trong số họ nói rằng, ngoại trừ một số không đáng kể, có rất ít những người khả kính, toàn bộ cư dân còn lại đều là những kẻ mất trí, ác nhân và bất hạnh. - Nếu cái ác sinh ra từ nhục thể, tức là phần nhục thể ở ta nhiều quá mức cần thiết, còn như cái ác sinh ra từ tinh thần, tức là tinh thần quá thừa thãi,- vị ấy nói.- Ví như ở ngay lúc này đây, hàng nghìn kẻ mất trí có đội mũ đang giết hàng nghìn con vật khác có vấn khă, hoặc đang bị chúng giết, và điều đó từng diễn ra từ đời xửa đời xưa trên khắp trái đất.
- Vì cái gì mà những con vật nhỏ bé ấy lại bất hoà với nhau?
- Chỉ vì một mẩu bùn đất cỏn con của ai đó, bằng cỡ gót chân của ngài,- nhà triết học đáp, - mà không một ai trong đám người đang đâm chém nhau kia có chút quan hệ mảy may với cái mẩu bùn đất âý. Với họ, vấn đề chỉ là ở chỗ, cái mẩu kia thuộc về người được gọi là hoàng đế, hay thuộc về người được gọi là giáo chủ, mặc dù cả người này lẫn người kia đều chưa ai nhìn thấy mẩu đất này. Hầu như không một ai trong số những con vật đang tàn sát lẫn nhau nhìn thấy con vật mà vì nó, họ phải xông vào đâm chém.
- Này những kẻ bất hạnh, - Syrian thốt lên,- Điên khùng cuồng dại như thế, liệu có thể tưởng tượng được chăng! Quả thật, ta muốn bước ba bước và xéo nát toàn bộ cái tổ kiến của quân sát nhân nực cười ấy.
- Đừng uổng công làm việc này,- người ta đáp lời ông,- Họ sẽ tự lo chuyện ấy. Vả lại, không nên trừng phạt họ, mà phải trừng phạt lũ man rợ ngồi trong cung điện của mình để hạ lệnh giết người và sai khiến tạ ơn Thượng Đế linh đình vì việc đó”
Voltaire.
“Sự điên rồ của những cuộc chiến tranh hiện nay được biện hộ bởi lợi ích của triều đại, bởi tính dân tộc, bởi sự thăng bằng của châu Âu, bởi danh dự. Lí do cuối cùng này mang tính mọi rợ nhất, vì không có một dân tộc nào mà lại không xúc phạm bản thân bằng mọi tội ác và những hành vi đáng xấu hổ, ckhông có một dân tộc nào mà lại không nếm trải đủ mọi sự nhục nhã như vậy. Nếu danh dự vẫn tồn tại ở các dân tộc, thì cách thức dùng chiến tranh để bảo vệ nó mới kì cục làm sao, tức là bảo vệ bằng tất cả những tội ác mà một người trung thực sẽ làm cho bản thân bị ô danh: đốt phá, cướp bóc, giết chóc…”
Anatole France
“Bản năng giết người man rợ trong chiến tranh đã được trau dồi và khuyến khích suốt hàng nghìn năm cần mẫn tới mức, nó đã cắm rễ sâu vào não bộ con người. Nhưng cần phải hi vọng rằng, một nhân loại ưu tú hơn, so với nhân loại của các ngài, sẽ biết giải thoát khỏi tội ác khủng khiếp ấy.
Nhưng khi ấy, cái nhân loại ưu tú kia sẽ nghĩ gì về nền văn minh được gọi là tinh tế mà chúng ta vẫn tự hào?
Thì cũng gần giống như những gì chúng ta đang nghĩ về dân Mexiko thời cổ với tục ăn thịt người họ, cùng một lúc vừa hiếu chiến, vừa sùng đạo, vừa đầy thú tính”.
Letourneau
“Đôi khi một lãnh chúa tấn công lãnh chúa khác vì sợ bị tay ấy tấn công. Đôi khi người ta bắt đầu chiến tranh vì kẻ thù quá mạnh, nhưng đôi khi lại vì kẻ thù quá yếu; đôi khi vì láng giềng của chúng ta thèm thuồng cái mà chúng ta đang sở hữu hoặc đang sở hữu cái mà chúng ta đang thiếu. Thế là bùng nổ chiến tranh cho tận tới khi họ chiếm được cái mà họ cần, hoặc phải giao nộp cái mà chúng ta cần”
Jonathan Swift
Đang xẩy ra một cái gì đó khó hiểu và không thể chịu nổi về mặt tàn ác, dối trá và ngu xuẩn.
Hoàng đế Nga, chính là người từng kêu gọi tất cả các dân tộc chung sống hoà bình, vừa tuyên bố trước toàn dân rằng, dù mọi mối quan tâm của ngài đều dành cho việc gìn giữ nền hoà bình mà trái tim ngài vẫn quí trọng (những mối quan tâm được bộc lộ qua việc đánh chiếm các vùng đất đai của người khác và tăng cường quân đội để bảo vệ những vùng đất đã chiếm được ấy), ngài, do sự xâm lăng của quân Nhật, hạ lệnh làm những việc nhắm vào người Nhật, như những việc quân Nhật đã làm để nhắm vào người Nga, tức là giết họ; và khi bố cáo lời kêu gọi tàn sát, ngài nhắc đến Thiên Chúa, xin Chúa ban phước lành cho tội ác khủng khiếp nhất ở dương thế. Hoàng đế Nhật Bản cũng tuyên bố đúng như thế trong quan hệ với người Nga. Các luật gia uyên bác, các ngài Muraviev và Martens, ra sức chứng minh, rằng chẳng có gì mâu thuẫn giữa việc kêu gọi các dân tộc chung sống hoà bình và kích động chiến tranh xâm chiếm đất đai của người khác. Rồi các nhà ngoại giao in ấn và gửi đi những thông tư viết bằng thứ tiếng Pháp tế nhị, trong đó họ chứng minh một cách chi tiết và chu đáo, - dù họ thừa biết, chẳng ai tin họ, rằng chỉ sau tất cả những cố gắng thiết lập các quan hệ hoà bình (thực ra, sau tất cả những cố gắng lừa bịp các nước khác), chính phủ Nga mới buộc phải tìm đến kế sách duy nhất giải quyết vấn đề một cách hợp lý, tức là tìm tới sự giết người. Và các nhà ngoại giao Nhật Bản cũng viết đúng như thế. Các học giả, các nhà sử học, triết học, từ phía mình, đem so sánh hiện tại với quá khứ và rút ra từ sự so sánh ấy những kết luận thâm thuý, bàn luận tràng giang đại hải về quy luật vận động của các dân tộc, về quan hệ giữa chủng tộc da vàng và da trắng, đạo Phật và đạo Kitô, rồi dựa vào những kết luận và lí lẽ ấy để biện hộ cho việc tín đồ đạo Kitô giết hại những người chủng tộc da vàng, hệt như các học giả, các triết gia Nhật Bản biện hộ cho việc giết hại những người chủng tộc da trắng. Các tạp chí, trong khi không giấu giếm niềm vui của mình, ráng sức vượt trội nhau, không từ một sự dối trá trắng trợn, vô sỉ nhất nào, dùng đủ mọi cách khác nhau để chứng minh rằng chỉ người Nga mới vừa có lẽ phải, vừa hùng mạnh, lại vừa tốt đẹp về mọi mặt, còn người Nhật đã không có lẽ phải lại yếu ớt và xấu xa về mọi phương diện, và tất cả những ai thù địch hoặc muốn trở thành kẻ thù của người Nga - người Anh, người Mỹ cũng đều xấu xa như thế, còn người Nhật và phe ủng hộ người Nhật lại chứng minh những điều y như vậy về người Nga.
Cánh nhà binh, những kẻ được đào tạo nghề giết người thì chẳng nói làm gì, nhưng đám người được gọi là có văn hoá, không bị cái gì hay ai thúc dục làm chuyện đó, như các giáo sư, các nhà hoạt động trong các tổ chức dân quản, sinh viên, các vị quý tộc, thương gia, cũng biểu lộ những tình cảm thù nghịch, khinh mạn với người Nhật, người Anh, người Mĩ mà mới hôm qua họ còn có thiện cảm hoặc thờ ơ, và chẳng có bất kì sự cần thiết nào, cũng biểu lộ những tình cảm hèn hạ, quỵ luỵ trước Sa hoàng, trong khi ấy thì họ tỏ thái độ ít nhất cũng hoàn toàn dửng dưng với ngài, nhưng lại quả quyết với ngài về tình yêu vô hạn và tinh thần sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình vì ngài.
Và người thanh niên bất hạnh, rối trí, được tôn làm thủ lĩnh của dân tộc một trăm ba mươi triệu người thường xuyên bị lừa gạt và bị đẩy vào tình trạng buộc phải mâu thuẫn với chính bản thân mình, vừa tin tưởng, vừa biểu dương, vừa chúc phúc cho đoàn quân mà ngài gọi là của mình làm việc giết người, để bảo vệ những vùng đất mà ngài càng có ít quyền hơn để có thể gọi là của mình. Tất cả mọi người trao tặng cho nhau những bức tranh thánh gớm ghiếc mà chẳng những dân có văn hoá không ai tin, mà ngay cả đám mugic thất học cũng không còn đoái hoài, và mọi người phủ phục xuống đất vái lạy, hôn hít những tranh thánh ấy và nói những lời khoa trương, dối trá không ai tin cả.
Đám nhà giàu hi sinh một phần rất nhỏ tài sản tích cóp bất lương của mình vào việc giết chóc, hoặc tổ chức trợ giúp cho việc giết chóc, còn những người nghèo mà chính phủ bóp nặn của họ đến hai tỉ mỗi năm lại xem làm như thế là cần thiết, nên hiến cho chính phủ cả những đồng xu của mình. Chính phủ xúi dục và khuyến khích đám du đãng phóng dật, những kẻ vác chân dung Sa hoàng chạy nhặng khắp đường phố, hát hò, gào thét “ura” và làm đủ mọi chuyện càn quấy trong bộ dạng ái quốc. Và trên khắp nước Nga, từ cung đình đến thôn xóm hẻo lánh, các vị chăn chiên của giáo hội tự xưng là Kitô giáo cầu xin vị Thiên Chúa từng răn dạy phải yêu thương kẻ thù, cầu xin Thiên Chúa - Tình Yêu trợ giúp cho công việc của quỷ dữ, trợ giúp cho việc giết người.
Và do bị mụ mị bởi những lời cầu nguyện, cổ xuý, hiệu triệu, những đám diễu hành, những bức tranh, tờ báo, tấm bia thịt, hàng trăm triệu người ăn mặc như nhau, mang những thữ vũ khí giết người khác nhau, giã biệt cha mẹ, vợ con, với nỗi buồn trong lòng, nhưng lại đầy vẻ ngang tàng bồng bột, đi tới nơi mà họ sẽ liều thân, làm công việc khủng khiếp nhất: giết những người mà họ không hề quen biết, những người chưa từng làm điều gì tồi tệ với họ. Và theo sau họ là những bác sĩ, những nữ y tá từ thiện, những người không hiểu vì lẽ gì mà lại nghĩ, rằng ở nhà họ không thể phục vụ cho những con người thường dân, hiền lành, đang đau khổ, mà chỉ có thể phục vụ cho những kẻ đang làm công việc tàn sát lẫn nhau. Còn những người ở nhà thì hân hoan với những tin tức về việc giết chóc và khi biết rằng, người Nhật bị giết nhiều, thì họ tạ ơn cái đấng mà họ gọi là Chúa Trời vì điều đó.
Và tất cả cái đó không chỉ được xem là biểu hiện của các tình cảm cao quý, mà những ai kiêng tránh các biểu hiện ấy, nếu họ có ý định thức tỉnh dân chúng, còn bị xem là quân phản bi, là đồ bán nước, luôn luôn có nguy cơ trở thành đối tượng bị xỉ vả và đánh đập bởi đám đông cuồng nộ, không có một thứ vũ khí nào khác ngoài bạo lực thô lỗ để bênh vực cho sự điên khùng và tàn ác của mình.
III
“Chiến tranh đào luyện con người, khiến mọi người không còn là công dân và biến thành lính tráng. Thói quen của họ đã tách họ ra khỏi xã hội, tình cảm chính của họ là trung thành với người chỉ huy, họ học thói chuyên quyền ở những nơi đồn trú, làm quen với việc dùng bạo lực để đạt được các mục đích của mình, đùa dỡn cả với pháp luật và hạnh phúc của đồng loại; niềm khoái chá cơ bản của họ là những cuộc phiêu lưu dữ dội, những mối hiểm nguy. Họ chán ghét những công việc yên ổn.
Chiến tranh tự nó sinh ra chiến tranh và kéo dài đến vô tận. Dân tộc chiến thắng say sưa với thành công lại thèm khát những chiến thắng mới; dân tộc bị thất thiệt nổi giận vì thua trận vội vàng khôi phục danh dự và những mất mát của mình.
Các dân tộc bị những xúc phạm qua lại khiến cho nhau căm hận luôn muốn hạ nhục, tàn phá lẫn nhau.Họ vui mừng vì bệnh tật, đói kém, bần cùng, mất mát xẩy ra ở nước cừu địch.
Việc tàn sát hàng nghìn người thay cho sự cảm thông gợi dậy ở họ niềm vui hả hê: các thành phố chăng đèn rực sáng, và cả nước ăn mừng.
Trái tim của con người bị chai sạn và những dục vọng tồi tệ nhất của nó được dung dưỡng như thế. Con người chối bỏ những tình cảm thân thiện và nhân ái”
Channing
“Tuổi tòng quân đã đến, và bất kì một chàng trai nào cũng phải tuân thủ những mệnh lệnh không lời giải thích của một tên đê tiện hoặc một kẻ vô học; anh ta phải tin, rằng sự cao quý và vĩ đại chính là làm sao để từ bỏ ý nguyện của mình và trở thành công cụ cho ý nguyện của người khác, đâm chém, rồi bị đâm chém, khổ sở vì đói, khát, mưa gió và lạnh giá, trở thành tàn phế mà không biết vì sao, chẳng có khoản thù lao nào khác ngoài chén rượu trong ngày giáp trận và lời hứa về một thứ của nả không sờ mó được và hão huyền, ấy là sự bất tử sau khi tử nạn và niềm vinh quang mà một nhà báo về ban tặng hay từ chối bằng ngòi bút của mình, khi anh ta đang ngồi trong phòng ấm.
Súng nổ. Chàng trai bị thương, đổ vật xuống. Đồng đội dẫm đạp, kết liễu cuộc đời anh. Họ chôn anh trong tình trạng bán sống bán chết, và khi ấy, anh có thể tận hưởng sự bất tử. Đồng đội, người thân sẽ quên anh, người mà anh dâng hiến cả hạnh phúc, nỗi đau và cả cuộc đời mình chưa bao giờ từng biết biết đến anh. Rồi nhiều năm sau, một ai đó sẽ tìm được những mảnh xương đã khô trắng của anh và dùng xương ấy làm sơn đen và si đánh giày kiểu Anh để chải sạch đôi ủng cho vị tướng của anh”.
Alphonse Karr
“Họ bắt người hoàn toàn khoẻ mạnh, vào lúc sung mãn nhất của tuổi trẻ, đặt súng vào tay anh ta, khoác lên lưng chiếc ba lô, còn trên đầu anh ta thì khắc dấu quân hiệu, rồi nói với anh; “Này, người anh em, có một ông vua như thế đã xử tệ với ta, cho nên, bạn phải tấn công tất cả thần dân của ông ấy; ta đã tuyên bố với hắn, rằng vào ngày ấy, bạn sẽ có mặt ở nơi biên thuỳ của họ để giết họ…”
“Do thiếu kinh nghiệm, bạn có thể sẽ nghĩ, rằng kẻ thù của chúng ta cũng là những con người, nhưng họ không phải là người, mà là quân Phổ, quân Pháp (quân Nhật); bạn sẽ phân biệt nòi giống nhân chủng của họ qua màu quân phục của họ. Bạn hãy cố hoàn thành nghĩa vụ của mình sao cho tốt hơn, bởi vì ta, tuy ở nhà, nhưng sẽ dõi theo bạn. Nếu bạn chiến thắng, thì khi các bạn trở về, ta sẽ mặc quân phục đến với các bạn và sẽ nói: hỡi binh sĩ, ta rất hài lòng về các người. Nếu như chẳng may bạn phải nằm lại nơi chiến trường, điều này rất có thể xẩy ra, thì ta sẽ gửi thông báo cho gia đình bạn về cái chết của bạn để gia đình biết mà khóc than bạn và thừa kế tài sản bạn để lại. Nếu bạn cụt tay, cụt chân, ta sẽ trả tiền đúng với giá của chúng. Nếu như bạn còn sống mà không đủ sức để mang ba lô nữa, thì ta sẽ cho bạn giải ngũ, và bạn có thể chết ngổe ở đâu tuỳ ý, điều đó chẳng can hệ gì tới ta”.
Claude Tillier
“Và tôi đã ngộ ra thế nào là kỉ luật, cụ thể là, khi nói với lính, tiểu đội trưởng bao giờ cũng đúng, khi nói với tiểu đội trưởng, trung sĩ bao giờ cũng đúng, khi nói với trung sĩ, chuẩn uý bao giờ cũng đúng, và cứ thế cho đến tận thống chế, dù họ nói rằng, hai lần hai là năm! Thoạt đầu, điều đó thật khó hiểu, nhưng việc mỗi trại lính có treo một tấm biển đã giúp ngộ ra điều đó, và người ta đọc nó để làm sáng tỏ quan điểm của mình. Trên cái biển ấy đã ghi tất cả những gì một người lính có thể muốn làm, ví vụ như trở về quê, từ chối thực hiện quân dịch, không phục tùng chỉ huy của mình cùng nhiều cái khác nữa, và với tất cả những ttội ấy, đều có ghi những hình phạt: tử hình hoặc năm năm lao động khổ sai”.
Erckmann-Chatrian
“Tôi mua một tên da đen, nó là của tôi; tôi cho nó ăn, cũng như cho nó mặc tồi tệ và đánh nó, mỗi khi nó không nghe lời. Nào có gì đáng ngạc nhiên? Chẳng lẽ chúng ta quan tâm tới binh lính của mình tốt hơn? Chẳng lẽ họ không bị tước đoạt tự do giống hệt tên da đen kia. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ, một người lính có giá rẻ hơn rất nhiều. Một tên da đen tốt, giá hiện nay chí ít cũng phải 500 écu, một người lính tốt, giá chỉ là 50. Cả tên da đen lẫn người lính đều không được rời khỏi địa điểm mà người ta giữ họ lại; phạm một lỗi nhỏ, cả người này lẫn người kia đều bị đánh đập; tiền công gần như nhau, nhưng tên da đen có lợi thế hơn người lính ở chỗ, cuộc sống của nó không gặp nguy hiểm và nó được sống với vợ con mình”.
(Questions sur l’Encyclopédie, par des amateurs, Art. Esclavage.)
Cứ y như là chưa từng có một Voltaire, một Montaigne, một Pascal, một Swift, một Kant, lẫn một Spinoza cùng hàng trăm nhà văn khác, những người đã bóc trần với sức mạnh lớn lao sự vô nghĩa và vô ích của chiến tranh và phản ánh sự tàn bạo, vô đạo đức và mạn rợ của nó, và, cái chính là, cứ y như chưa từng có Đức Kitô và lời răn của Ngài về tình huynh đệ của nhân loại và tình yêu đối với Thiên Chúa và loài người.
Cứ nhớ lại toàn bộ điều đó và nhìn vào những gì đang diễn ra xung quanh mình hiện nay, thì ta sẽ thấy được một nỗi kinh hoàng, không phải là những kinh hoàng trước chiến tranh, mà là nỗi kinh hoàng tột đỉnh, hơn mọi nỗi kinh hoàng: ý thứ về sự bất lực của lí trí con người.
Cái duy nhất phân biệt con người và con vật, cái tạo thành giá trị của con người, - lí trí của nó, hoá ra là cái vô dụng, vô bổ, thậm chí, chẳng những vô bổ, mà còn là thứ phụ tùng có hại, chỉ gây khó cho mọi hoạt động, giống như dây cương trật khỏ đầu ngựa, rối tung dưới chân nó và chỉ làm nó sôi tiết.
Có thể hiểu được việc một tín đồ đa thần giáo người Hy Lạp, La Mã, thậm chí cả người theo đạo đồ Kitô thời trung đại do không biết kinh Phúc Âm và mù quáng tin vào mọi mệnh lệnh của nhà thờ nên có thể tham chiến và, khi tham chiến, còn hãnh diện vì quân hàm của mình, nhưng làm sao một tín đồ Kitô ngoan đạo, thậm chí không ngoan đạo, nhưng bản thân đã vô tình thấm nhuần những lí tưởng của đạo Kitô về tình huynh đệ của loài người và tình yêu những lí tưởng đã cổ vũ biết bao tác phẩm của các nhà triết học, đạo đức học, các nghệ sĩ trong thời đại chúng ta, làm sao một con người như thế lại có thể cầm lấy súng hoặc đứng vào khẩu đại bác và ngắm vào những đám ngườit, mong giết họ sao cho được nhiều nhất?
Người Assyria, La Mã, Hy Lạp có thể tin rằng, khi tham chiến, họ không chỉ hành động thuận theo lương tri, mà thậm chí còn làm việc thiện. Nhưng dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn là những tín đồ Kitô giáo, và đạo Kitô, dù bị xuyên tạc thế nào, thì tinh thần chung của nó vẫn không thể không nâng chúng ta lên trình độ cao nhất của trí tuệ mà từ đó, chúng ta không thể không cảm thấy sâu sắc chẳng những sự phi lí, tàn khốc của chiến tranh, mà cả sự đối nghịch hoàn toàn của nó với tất cả những gì được chúng ta xem là tốt đẹp và đích đáng. Và bởi thế, chúng ta không thể làm điều đó, chẳng những với thái độ vững tin, cương quyết, bình thản, mà còn tránh được ý thức về tội ác của mình, thoát được cảm giá tuyệt vọng của một tội đồ - sát nhân, kẻ vừa bắt đầu giết nạn nhân của mình, nhưng trong thâm tâm ý thức được tội lỗi của công việc được khởi sự, phải cố kích động mình, làm cho bản thân hăng tiết để đủ sức kết thúc một công việc khủng khiếp. Toàn bộ sự hưng phấn khác thường, cuồng nhiệt, nóng bỏng, điên rồ đang bao trùm các tầng lớp chóp bu ăn không ngồi rồi của xã hội Nga hiện nay chỉ là dấu hiệu thú nhận tính chất tội ác của sự việc đã xẩy ra. Tất cả những diễn từ trâng tráo, giả dối về lòng trung thành, ngưỡng mộ hoàng đế, về tinh thần sẵn sàng hy sinh cuộc sống (lẽ ra phải nói là cuộc sống của người khác, chứ không phải của mình), mọi hứa hẹn lấy thân mình bảo vệ miền đất lạ kia, mọi sự đền ơn cho nhau một cách vô nghĩa bằng những lá quân kì và những bức tranh thánh kệch cỡm, mọi cuộc lễ tạ, mọi việc sắm sửa vải trải giường và vải băng bó, tất cả các quyên góp cho hạm đội và hội Chữ thập Đỏ nhưng được chuyển cho chính phủ mà nghĩa vụ trực tiếp của nó là, đã có điều kiện cần bao nhiêu tiền thì thu dụng của nhân dân bấy nhiêu, và đã tuyên bố chiến tranh thì phải xây dựng một hạm đội cần thiết và tổ chức mọi phương tiện đang cần thiết để băng bó cho thương binh, tất cả những lời khấn nguyện khoa trương, vô nghĩa và phạm thánh của phái thân Slave khi đọc lên ở các thành phố khác nhau thì được báo chí thông báo như là tin tức quan trọng, tất cả những cuộc diễu hành ấy, những yêu cầu về quốc ca, những tiếng hô “ura”, toàn bộ sự giả dối khủng khiếp, mất trí, không sợ bị bóc trần, vì đó là sự giả dối chung, của báo chí, toàn bộ sự lú lẫn và điên khùng mà xã hội Nga hiện nay đang mắc phải và đang lan truyền dần dần sang quần chúng,- tất cả cái đó chỉ là dấu hiệu về sự ý thức được tính tội ác của cái việc đang được làm.
Tình cảm trực tiếp mách bảo mọi người, rằng những gì họ đang làm là không được làm, nhưng tựa như một tên sát nhân không thể dừng lại khi đã bắt đầu xẻ xác nạn nhân của mình, cũng như thế, nhưỡng người Nga giờ đây cảm thấy lí lẽ không thể bác bỏ cho chiến tranh là công việc đã được bắt đầu. Chiến tranh đã được bắt đầu, và vì thế phải tiếp tục nó. Với những kẻ dốt nát, lầm lạc, thiển cận nhất, những kẻ hành động dưới ảnh hưởng của những dục vọng tầm thường và do bị làm ngu dại, điều đó được quan niệm như vậy. Và cả những người có học thức nhất ở thời đại chúng ta cũng đang biện luận giống hệt như thế, khi họ chứng minh, rằng con người không có tự do ý chí, cho nên, giá như chính nó có ngộ ra, rằng công việc do nó khởi xướng là tồi tệ, thì nó cũng không thể dừng lại được.
Và những con người đã đâm ra lú lẫn, đã hoá thú vẫn tiếp tục công việc khủng khiếp.
IV
“Thật ngạc nhiên biết chừng nào, nhờ ngoại giao và báo chí, một sự bất hoà nhỏ nhất cũng có thể biến thành cuộc chiến tranh thần thánh. Khi Anh và Pháp tuyên chiến với Nga vào năm 1856, thì việc ấy xẩy ra chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt đến mức, cần phải đào bới rất lâu trong trong tài liệu lưu trữ ngoại giao mới hiểu được nguyên nhân ấy. Nhưng đồng thời, hậu quả của sự bất hoà kì lạ kia là cái chết của 500 nghìn người lương thiện và chi phí hết từ 5 đến 6 tỉ.
Thực ra, nguyên nhân thì cũng có, nhưng đó là những nguyên nhân mà người ta không thú nhận. Napoléon III muốn qua liên minh với Anh và một cuộc chiến may mắn để khẳng định quyền lực có nguồn gốc tội lỗi của mình; người Nga thì muốn chiếm Constantinople; người Anh muốn khẳng định nền thương mại hùng cường của Anh và ngăn cản ảnh hưởng của người Nga ở phương Đông. Dưới dạng này hay dạng khác, nó bao giờ cũng toát lên vẫn tinh thần của sự chiếm đoạt và bạo lực ấy”.
Richet
“Liệu có thể còn gì đó vô lí hơn là việc một người có quyền giết tôi, vì anh ta sống phía bên kia sông và đức vua của anh ta bất hoà với nhà vua của tôi, dù bản thân tôi chẳng hề xích mích với anh ta?”.
Pascal
“Cư dân của trái đất vẫn đang ở trong tình trạng vô nghĩa, vô lí, ngu muội tới mức, đọc báo chí của những nước văn minh, ngày nào ta cũng thấy sự tranh luận về những quan hệ ngoại giao giữa các nguyên thủ quốc gia nhiều liên minh để chống lại một kẻ thù giả định và tổ chức những cuộc chiến tranh mà khi tiến hành, các dân tộc cho phép những nhà lãnh đạo của mình toàn quyền sử dụng họ như súc vật được dẫn tới lò sát sinh, mà dường như chẳng mảy may ngờ rằng cuộc đời mỗi con người là tài sản riêng của nó.
Tất cả cư dân của hành tinh kì lạ này đều được giáo dục theo một tín niệm, rằng có các dân tộc, các đường biên giới, các quốc kì, và tất cả đều có ý thức mờ nhạt về nhân tính tới mức, trước ý niệm tổ quốc, tình cảm ấy biến mất hoàn toàn …Thật ra là nếu những người có suy nghĩ biết thoả thuận với nhau, thì tình cản ấy sẽ thay đổi, bởi vì không một cá nhân nào muốn có chiến tranh…Nhưng vẫn có những móc ngoặc chính trị mà nhờ đó, hàng triệu kí sinh trùng có thể tồn tại”.
Flammarion
“Nếu nghiên cứu các hoạt động khác nhau của nhân loại một cách thấu đáo, chứ không hời hợt, thì ta không thể ghìm nén một ý nghĩ sầu muộn sau đây: để kéo dài sự thống trị của cái ác trên trái đất đã phải sử dụng bao nhiêu mạng người và việc thành lập các đội quân thường trực góp phần tối đa vào việc duy trì cái ác ấy như thế nào.
Sự ngạc nhiên và cảm giác sầu muộn còn tăng lên, nếu nghĩ, rằng tất cả những điều đó đều vô ích và rằng, cái ác được tuyệt đại đa số nhân loại tiếp nhận một cách cả tin như thế thường chỉ do sự ngu xuẩn của họ, do họ để cho một dúm người tương đối ít ỏi khôn khéo và đồi bại bóc lột mình”
Patrice Larroque
Hãy hỏi một anh binh nhì, binh nhất, một viên chuẩn uý từng lìa bỏ cha mẹ già, bỏ vợ, bỏ con, xem vì sao anh ta chuẩn bị giết những người mà mình không quen biết,- thoạt đầu, anh ta sẽ ngạc nhiên trước câu hỏi của ngài. Là người lính, anh ta đã tuyên thệ và phải thực hiện mệnh lệnh của cấp chỉ huy. Nếu như ngài nói với anh ta, rằng chiến tranh, tức là sự giết người, trái với lời răn “cấm sát sinh”, thì anh ta sẽ nói: “Nhưng làm thế nào, nếu như người ta tấn công chúng tôi? Vì Nga Hoàng. Vì chính đạo”. (Trả lời câu hỏi của tôi, một người nó: - Nhưng biết làm thế nào, nếu nó xâm hại vật thiêng? - Vật thiêng nào? - Ngọn cờ ấy mà). Nếu ngài có ý định giải thích cho người lính ấy, rằng lời răn của Chúa chẳng những quan trọng hơn lá cờ, mà còn quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên cõi đời, thì anh ta sẽ làm thinh, hoặc nổi giận và bẩm báo với cấp chỉ huy.
Hãy hỏi một viên sĩ quan, một vị tướng, xem tại sao ông ấy ra mặt trận, ông ta sẽ trả lời các ngài, rằng ông ta là quân nhân, mà đã là quân nhân thì phải bảo vệ tổ quốc. Việc giết người là trái với tinh thần của luật Kitô giáo chẳng làm ông ấy phải động lòng, bởi vì ông ta hoặc là không tin luật ấy, hoặc giả có tin, thì cũng không tin vào bản thân luật, mà tin vào những giải thích được gán cho luật ấy. Và cái chính là ông ta, bởi chưng là một người lính, bao giờ cũng đánh tráo câu hỏi có tính chất cá nhân về việc ông ta phải làm gì bằng câu hỏi chung về quốc gia, về tổ quốc: “Giờ đây, khi tổ quốc lâm nguy, cần hành động, chứ không bàn luận”,- ông ta sẽ nói.
Hãy hỏi các nhà ngoại giao vẫn chuẩn bị các cuộc chiến tranh bằng những trò lừa bịp của mình, xem vì sao họ lại làm điều đó. Họ sẽ nói với ngài rằng hoạt động của họ có mục đích thiết lập hoà bình giữa các dân tộc, rằng mục đích ấy chỉ có thể đạt được bằng hoạt động ngoại giao và chuẩn bị chiến tranh, chứ không thể bằng các lí thuyết duy tâm, viển vông. Và hệt như các vị quân nhân bao giờ cũng đặt ra vấn đề chung thay cho câu hỏi về cuộc sống của họ, các nhà ngoại giao cũng sẽ nói về lợi ích của nước Nga, về dã tâm của các quốc gia khác, về thế cân bằng châu Âu, chứ không nói về cuộc sống sống và hoạt động của mình.
Hãy hỏi các nhà báo xem, vì sao họ dùng sự viết lách của mình để xúi giục mọi người tham chiến, - họ sẽ nói, rằng chiến tranh nói chung là cần thiết và có lợi, nhất là cuộc chiến tranh hiện nay, họ sẽ khẳng định ý kiến ấy của mình bằng những lời lẽ ái quốc mập mờ và, giống hệt các vị quân nhân và các nhà ngoại giao, trả lời câu hỏi về việc, vì sao anh ta, một nhà báo, một cá nhân cụ thể, một con người bằng xương bằng thịt, lại hành động như thế, anh ta sẽ nói về lợi ích chung của dân tộc, về quốc gia, về văn minh, về giống nòi da trắng.
Tất cả mọi người từng chuẩn bị cho chiến tranh sẽ lí giải về sự tham gia của mình vào công việc chiến tranh giống hệt như thế. Có thể, họ sẽ tán thành ý tưởng, giá mà tiêu diệt được chiến tranh thì tốt, nhưng bây giờ thì chưa thể làm được, bây giờ, họ, với tư cách là những người Nga và những người đang giữ vị trí nhất định của một thủ lĩnh, một thành viên hội đồng tự quản, một bác sĩ, một nhà hoạt động hội Chữ thập Đỏ, có sứ mệnh hành động, chứ không bàn luận. Khi có một sự nghiệp vĩ đại chung,- họ sẽ nói,- thì chẳng còn lúc nào để nghĩ về bản thân.
Vị Sa Hoàng tưởng chừng là người khởi xướng toàn bộ công việc cũng sẽ nói như thế. Cũng như người lính, ngài sẽ ngạc nhiên trước câu hỏi, liệu bây giờ đây có cần chiến tranh hay không. Thậm chí, ngài chẳng hề nghĩ tới chuyện, liệu bây giờ có thể kết thúc được chiến tranh hay không. Ngài sẽ nói, rằng ngài không thể không thực hiện những gì mà cả dân tộc đang đòi hỏi ở ngài, rằng mặc dù bản thân ngài thừa nhận chiến tranh là tội ác tày trời và ngài đã và đang sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để triệt tiêu chiến tranh, nhưng trong trường hợp này, ngài không thể không tuyên chiến và không thể không kéo dài cuộc chiến. Điều đó là cần thiết đối với lợi ích và sự vĩ đại của nước Nga.
Tất cả mọi người khi trả lời câu hỏi, vì sao anh ta, một người nào đó, một Ivan, Piôter, Nikolai, dù thừa nhận bản thân có bổn phận trước giới luật đạo Kitô, một giới luật chẳng những cấm sát hại đồng loại, mà còn đòi hỏi phải yêu thương họ, phục vụ họ, lại cả gan tham gia chiến tranh, tức là tham gia bạo lực, cướp bóc, giết người, - bao giờ họ cũng sẽ trả lời, rằng họ hành động như thế hoặc là vì tổ quốc, hoặc vì tín ngưỡng, hoặc vì lời tuyên thệ, hoặc vì danh dự, hoặc vì nền văn minh, hoặc vì lợi ích mai sau của toàn thể nhân loại, nói chung là vì một cái gì đó trừu tượng, không xác định. Ngoài ra, tất cả những người ấy luôn luôn bận bịu hoặc là với việc chuẩn bị chiến tranh, hoặc là điều khiển, hay là bàn luận về chiến tranh, đến nỗi, lúc rảnh rỗi, họ chỉ có thể rời công việc để nghỉ ngơi và chẳng có thời gian dành cho những suy luận, mà họ xem là vô bổ, về cuộc sống của mình.
V
“Tư duy bàng hoàng ngưng lại trước thảm hoạ không tránh khỏi đang đợi chúng ta ở cuối thế kỉ, và cần phải sẵn sàng trước thảm hoạ ấy. Suốt 20 năm (đến nay đã hơn 40 năm rồi) mọi nỗ lực của khoa học đã bị vắt kiệt vào việc chế tạo các vũ khí huỷ diệt, và sắp tới sẽ chỉ cần mấy phát đại bác để tiêu diệt cả một đạo quân; phục vụ trong quân đội giờ đây không chỉ có mấy chục ngàn người cùng đinh bị mua chuộc giống như trước kia, mà là nhiều dân tộc, hàng loạt dân tộc sẵn sàng giết hại lẫn nhau. Để chuẩn bị cho họ giết chóc, gnười ta thổi lên ở họ ngọn lửa thù hận và quả quyết với họ, rằng họ căm thù nhau, và những con người vốn nhu mì tin ngay vào điều đó, rồi chẳng mấy chốc nữa, sau khi nhận được mệnh lệnh vô nghĩa phải tàn sát lẫn nhau mà chỉ có Chúa mới biết là vì sự tranh chấp các đường biên giới nực cười nào, hay là vì các lợi ích thương mại, thuộc địa nào đó, những đám đông thường dân sẽ nhảy bổ vào nhau một cách tàn bạo như một bầy thú hoang.
Và giống như bầy cừu, họ sẽ kéo nhau đến lò sát sinh, dù biết rõ, họ đang đi đâu, biết rõ, rằng họ sẽ bỏ mặc những người vợ của mình, rằng con cái của họ sẽ bị đói khát; nhưng họ sẽ đi, chừng nào họ vẫn còn say sưa với những lời réo rắt và giả dối, chừng nào họ vẫn còn bị lừa gạt mà nghĩ rằng, tàn sát là nghĩa vụ của mình, rằng người ta sẽ cầu xin Chúa Trời ban phước lành cho những việc làm đẫm máu của họ. Và họ sẽ đi, giẫm nát mùa màng mà họ đã gieo trồng, đốt trụi những thành phố mà họ đã xây dựng, họ sẽ đi với tiếng hát khoái chá, tiếng reo hò sung sướng, âm nhạc tưng bừng, không hề căm hận khiêm nhường và hiền lành, dù rằng, trong họ vẫn có sức mạnh, và nếu như có thể đồng thuận, thì họ sẽ tạo ra được trí khôn lành mạnh và tình hữu ái thay cho những mánh khoé mọi rợ của các nhà ngoại giao”.
É. Rod
“Một chứng nhân kể rằng, anh ta được mục kích cuộc chiến tranh Nga - Nhật hiện nay, khi bước ra boong tuần dương hạm Varjage. Một cảnh tượng kinh hoàng. Khắp nơi đầy máu, những mẩu thịt người, thân mình cụt đầu, những cánh tay bị đứt lìa ra, mùi máu khiến những người quen việc nhất cũng phải buồn nôn. Tháp tác chiến bị thiệt hại nặng nề nhất. Tạc đạn xé toang trên đỉnh chóp của nó và giết chết viên sĩ quan trẻ tuổi đang chỉ huy ngắm bắn. Kẻ xấu số chỉ còn lại một cánh tay co quắp nắm chặt lấy đồ nghề. Trong số bốn người từng là chỉ huy, có hai người bị xé ra từng mảnh, hai người khác bị thương nặng(đó là những người mà tôi đã kể và cả hai chân của họ đều bị cắt bỏ, rồi sau đó lại bị bị cắt một lần nữa); viên chỉ huy thoát nợ bằng một cú đập của mảnh vỡ vào thái dương.
Và đó chưa phải là tất cả. Những người trung lập không thể nhận chuyển thương binh lên tàu của mình, vì chứng hoại thư và bệnh sốt đã bị lây lan.
Chứng hoại thư và sự lây nhiễm lên mủ trong quân y viện cùng với đói khát, hoả hoạn, sự tàn phá, bệnh tật, thương hàn, đậu mùa cũng làm thành một bộ phận của niềm vinh quang chiến trận,- chiến tranh là như thế.
Trong khi đó, Joseph Maistre lại ca tụng ân huệ của chiến tranh thế này: “Khi tâm hồn con người vì nhu nhược mà mất đi sự cứng cáp của nó, trở thành vô thần vô thánh và hấp thụ những tệ nạn hủ bại nảy sinh từ sự dư thừa của văn minh, nó chỉ có thể hồi phục ở trong máu”.
Ngài Vogüé, viện sĩ viện hàn lâm, cũng như ngài Brunetière cùng nói gần giống như thế.
Nhưng những kẻ nghèo khó bị biến thành bia đỡ đạn thì có quyền không tán thành điều đó.
Rủi thay, họ không dám kiên định trong chính kiến của mình. Mọi điều ác đều nảy sinh từ đấy. Từ lâu, do đã quen cho phép huỷ hoại bản thân bởi những vấn đề mà họ không hiểu, họ tiếp tục làm điều đó và vẫn nghĩ, rằng mọi việc đang tiến triển rất tốt đẹp.
Vì thế, những xác chết bây giờ mới nằm đó làm mồi cho những chú tôm biển ở dưới nước.
Trong lúc đạn bi phá vỡ hết sạch những gì quanh họ, chưa chắc họ đã vui mừng nghĩ rằng, tất cả những điều đó đang diễn ra vì lợi ích của họ, để phục hồi tâm hồn của những người đương thời từng đánh mất tính cứng cáp của bản thân bởi sự thừa thãi của văn minh.
Chắc là những kẻ bất hạnh chưa được đọc Joseph Maistre. Tôi khuyên các vị thương binh hãy đọc ông giữa hai lần băng bó.
Họ sẽ hiểu ra rằng, chiến tranh cũng cần thiết giống như tên đao phủ, bởi vì, cũng như tên đao phủ, chiến tranh là sự biểu hiện cho lẽ công bằng của Thượng Đế.
Và ý tưởng vĩ đại này sẽ là niềm an ủi cho họ, khi xương cốt của họ đang bị lưỡi cưa của bác sĩ phẫu thuật cưa cụt.
“Trên tờ “Thư tín Nga”, tôi đã đọc được một lời bàn luận nói rằng lợi thế của nước Nga là ở chỗ nó có một nguồn nguyên liệu người vô tận.
Với những đứa trẻ bị người ta giết cha, những người vợ mất chồng, những người mẹ mất con, nguồn nguyên liệu ấy chẳng bao lâu nữa sẽ cạn kiệt”.
Hardouin
(Từ lá thư cá nhân gửi một bà mẹ người Nga, tháng Ba, 1904)
“Anh hỏi, liệu giữa các dân tộc văn minh, chiến tranh có cần nữa chăng. Tôi trả lời: chẳng những đã không còn cần thiết nữa, mà nó chưa bao giờ từng là cái cần thiết, chưa bao giờ. Nó bao giờ cũng phá huỷ sự phát triển đúng đắn của lịch sử nhân loại, phá huỷ luật lệ đảm bảo cho sự tiến bộ.
Nếu hậu quả của các cuộc chiến tranh đôi khi và có lúc từng mang lại lợi ích cho nền văn minh chung, thì tác hại của nó vẫn lớn hơn gấp bội. Chúng ta bị mắc lừa, vì chỉ một phần kết cục tai hại được thấy rõ tức thời. Phần tác hại lớn hơn, và là phần quan trọng nhất, chúng ta rất khó nhận ra. Cho nên, chúng ta không thể chấp nhận chữ “nữa”. Việc chấp nhận chữ ấy sẽ trao cho những kẻ bênh vực chiến tranh cái quyền khẳng định, rằng sự tranh luận giữa chúng ta chỉ là công việc thích hợp nhất thời và sự đánh giá mang tính cá nhân, và khi ấy, sự bất đồng của chúng ta chỉ còn gói lại ở chuyện, chúng ta xem chiến tranh là vô ích, còn họ lại xem chiến tranh vẫn hữu ích. Họ sẵn lòng đồng ý với chúng ta, với cách đặt vấn đề như thế, và sẽ bảo, rằng chiến tranh quả là có thể trở thành vô ích, thậm chí có hại, nhưng chỉ là sau này, chứ không phải bây giờ; còn bây giờ, họ cho là cần phải tiến hành với nhân dân các đợt chích máu khủng khiếp được gọi là những cuộc chiến tranh mà chúng đang diễn ra chỉ nhằm thoả mãn thói háo danh cá nhân của một thiểu số nhỏ bé nhất.
Bởi vậy, nguyên nhân duy nhất của mọi cuộc chiến đã và hiện vẫn là thế này: quyền lực, danh vọng, sự giàu có của một số ít người và sự thiệt hại cho đông đảo nhân dân, mà sự cả tin tự nhiên của họ và những định kiến được cái thiểu số ấy tạo ra và nuôi dưỡng, đã tạo ra khả năng này”.
Gaston Moch
Những người của thế giới Kitô chúng ta và ở thời đại chúng ta giống một kẻ sau khi bỏ lỡ con đường chính đáng, càng đi xa càng nhận ra rõ hơn, rằng mình không đến được cái nơi cần đến. Rồi càng nghi ngờ vào sự đúng đắn của con đường đang đi, anh ta càng phóng nhanh hơn và liều lĩnh hơn theo con đường ấy với niềm an ủi là sẽ thoát được ra một chỗ nào đó. Nhưng sẽ đến lúc hoàn toàn vỡ lẽ, rằng con đường anh ta đang đi chẳng dẫn tới đâu ngoài cái vực sâu đã bắt đầu nhìn thấy trước mặt.
Nhân loại Kitô giáo ở thời đại chúng ta hiện đang lâm vào tình cảnh như vậy. Quả đã quá rõ, rằng nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống như hiện nay và trong cuộc đời của mỗi cá nhân cũng như của các quốc gia riêng lẻ chỉ mưu cầu lợi ích cho mình và đất nước mình, và như hiện nay, vẫn tiếp tục dùng bạo lực để đảm bảo có được nguồn lợi ấy, thì, vì tất yếu phải gia tăng các phương tiện để người này chống lại người kia, nước này chống lại nước kia, chúng ta, thứ nhất, sẽ ngày càng bị khánh kiệt do phải ném phần lớn sức sản xuất của mình vào việc vũ trang, thứ hai, do huỷ diệt những người khoẻ mạnh nhất trong các cuộc chiến tranh tàn sát lẫn nhau, nên ngày càng bị thoái hoá, bị suy sụp và băng hoại đạo đức.
Tất cả sẽ diễn ra như thế, nếu chúng ta không sửa đổi cuộc sống của mình, điều đó cũng hiển nhiên, giống sự hiển nhiên trong toán học, rằng hai đường thẳng không song song dứt khoát sẽ gặp nhau. Nhưng điều này không chỉ đúng về phương diện lí thuyết: trong thời đại chúng ta, nó đã trở thành hiển nhiên chẳng những với lí trí, mà còn với cả tình cảm nữa. Vực thẳm mà chúng ta đang tiến tới đã hiện ra trước mắt, ngay cả những người bình thường nhất, chẳng cần là triết nhân hay học giả, cũng không thể không nhìn thấy, rằng càng tăng cường vũ trang để chống đối lẫn nhau mạnh hơn, càng bắn giết lẫn nhau nhiều hơn trong các cuộc chiến, chúng ta, giống những chú nhện trong ống bơ, không thể đạt được một cái gì khác ngoài sự tiêu diệt lẫn nhau.
Một người thành thật, nghiêm túc, khôn ngoan hẳn đã không thể tự an ủi bằng ý tưởng, rằng cơ sự vẫn còn có thể uốn nắn, giống như trước kia người ta nghĩ, nếu có nhà nước quân chủ toàn thế giới của La Mã, của Charle đại đế, của Napoléon, hay chính quyền tôn giáo thời trung cổ của giáo hoàng, hay các liên minh thần thánh, hay trạng thái cân bằng chính trị của cuộc hoà tấu châu Âu và các toà án hoà bình quốc tế, hoặc, như một số người vẫn nghĩ, có sự gia tăng các lực lượng binh bị và vũ khí huỷ diệt cực mạnh mới được chế tạo.
Không thể xây dựng nhà nước quân chủ toàn thế giới hoặc nền cộng hoà với nhiều bang của châu Âu, vì không đời nào, các dân tộc khác nhau muốn ghép lại thành một quốc gia. Hay là xây dựng một toà án quốc tế để giải quyết các tranh chấp quốc tế? Nhưng ai sẽ là người buộc phía tranh chấp với hàng triệu binh sĩ phục vụ trong quân đội phải tuân thủ quyết định của toà án? Giải trừ quân bị? Chẳng ai muốn và cũng chẳng ai có thể khai mào. Hay nghĩ ra vũ khí giết hại khủng khiếp hơn nữa, ví như khinh khí cầu mang bom chứa hơi ngạt và tạc đạn mà người ta sẽ trút xuống đầu nhau? Dù người ta nghĩ ra được cái gì đi nữa, thì các quốc gia cũng đã có những vũ khí sát hại như thế, còn tấm bia thịt thì đã từng bước đi dướigươm đao, giờ đây tiếp tục bước đi dưới đạn súng, sau đạn súng, nó sẽ ngoan ngoãn bước đi dưới những trái phá, bom, trọng pháo tầm xa, đạn bi, mìn, và rồi sẽ bước đi dưới làn bom chứa hơi ngạt được rải xuống từ khinh khí cầu.
Không gì nói rõ hơn các diễn từ của ngài Muraviёv và giáo sư Martens về việc chiến tranh Nhật Bản chẳng hề mâu thuẫn với Hội nghị Haag về hoà bình, không gì rõ hơn các diễn từ ấy chỉ ra cho ta thấy cái công cụ truyền đạt tư tưởng - lời nói trong thế giới của chúng ta đã đoạ lạc đến mức nào và khả năng tư duy rành mạch , hợp lí đã hoàn toàn biến mất ra sao. Tư duy và lời nói giờ đây được sử dụng không cho việc chỉ đạo hoạt động của con người, mà nhằm biện hộ cho bất kì hoạt động nào, dù nó có phạm tội đến đâu. Cuộc chiến tranh Boeren gần đây và cuộc chiến tranh Nhật Bản hiện nay, một cuộc chiến lúc nào cũng có thể biến thành lò sát sinh dành cho tất cả mọi người, chẳng mảy may nghi ngờ, đã chứng minh điều đó. Mọi lập luận chống lại chủ nghĩa quân phiệt chỉ có thể tác động rất ít tới việc chấm dứt chiến tranh, y như đem các lí lẽ hùng hồn, đầy thuyết phục, nói với bầy chó đang xâu xé lẫn nhau, rằng đem cái miếng thịt chúng đang xâu xé mà chia ra, thì sẽ có lợi cho chúng nhiều hơn so với việc cắn nhau và để tuột mất miếng thịt mà con chó qua đường, không tham gia vào cuộc ẩu đả, sẽ tha đi mất.
Chúng ta đã lấy đà phóng thật nhanh tới vực thẳm và không thể dừng lại và thế nào cũng sẽ lao xuống.
Bất kì ai khôn ngoan, có nghĩ về cảnh ngộ mà hiện nay nhân loại đang lâm vào và về những gì mà nó nhất định chuốc lây, không thể không thấy rõ, rằng chẳng có bất kì lối thoát thực tế nào ra khỏi cảnh ngộ ấy, rằng không thể tìm thấy bất kì một tổ chức, một cơ quan nào cứu nổi chúng ta thoát khỏi cái chết mà chúng ta đang lao tới một cách không thể phanh hãm.
Chưa kể tới các nguy cơ kinh tế không thể giải quyết, rất phức tạp và ngày càng phức tạp hơn, chỉ riêng những quan hệ giữa các các quốc gia chạy đua vũ trang chống đối lẫn nhau, bất kì lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ và đang bùng nổ thành những cuộc chiến tranh, đã đủ chỉ rõ sự huỷ diệt không tránh khỏi mà toàn bộ nhân loại được gọi là văn minh đang bị cuốn vào.
Vậy phải làm gì bây giờ?
VI
“Khi hoàn thành sứ mệnh của mình, Đức kitô đã kiến lập nền tảng của một xã hội mới. Trước ngài, các dân tộc thuộc về một hoặc nhiều vị chúa tể, giống như bầy gia súc thuộc về các chủ nhân của chúng. Đức Kitô đã kết thúc tình trạng vô tổ chức ấy, giúp những cái đầu cúi gập ngẩng lên, giải phóng bao kiếp nô lệ. Ngài dạy họ, rằng cùng bình đẳng trước Thiên Chúa, mọi người đều tự do ngang nhau, rằng tự bản thân, không thể một ai có quyền lực trước những người anh em của mình, rằng bình đẳng và tự do - những luật lệ thiêng liêng của giống người - là bất khả xâm phạm; rằng quyền lực không thể trở thành quyền, rằng trong tổ chức xã hội, nó là một trách nhiệm, là sự phụng sự, là một kiểu nô lệ được đảm nhiệm tự do vì lợi ích chung. Xã hội do Kitô kiến lập là như thế. Liệu có phải điều đó chúng ta đang nhìn thấy trên cõi đời này? Liệu có phải học thuyết ấy đang ngự trị trên trái đất? Là đầy tớ hay là chúa tể các đấng quân vương của các dân tộc trong thế giới của chúng ta? Suốt 18 thế kỉ, thế hệ này truyền cho thế hệ khác học thuyết của Kitô và các thế hệ đều bảo rằng, người ta tin Ngài; vậy mà điều gì đã đổi thay trên thế giới? Các dân tộc bị giày xéo và đau khổ, tất cả đều chờ đợi sự giải phóng được hứa hẹn, và cũng chẳng phải vì lời của Kitô không đúng hay không thiết thưc, mà bởi tại các dân tộc, hoặc không hiểu rằng, việc thực hiện học thuyết phải được tiến hành bởi sự nỗ lực riêng, bởi ý chí kiên cường của họ, hoặc, do ngủ quên trong tình trạng bị hạ nhục, họ không làm mỗi một việc đem lại thắng lợi, - sẵn sàng chết cho chân lí. Nhưng họ đã bừng tỉnh. Giữa họ, có một cái gì đó đang động cựa; họ đã nghe thấy một tiếng nói vang lên: sự giải thoát đã gần kề”.
Lamennais
“Không thể không thừa nhận là thế kỉ XIX muốn bước sang một ngả đường mới. Nhân loại ở thế kỉ này bắt đầu hiểu ra, rằng cần có luật pháp và toà án dành cho cả các dân tộc, rằng tội ác của một dân tộc chống lại một dân tộc, dù được tiến hành ở một quy mô rất rộng lớn, cũng đáng căm ghét chẳng kém gì tội ác của người này chống lại người kia”.
Quételet
“Tất cả mọi người đều có chung một gốc tích, đều phải chịu một lề luật và đều được dành sẵn cho một mục đích.
Chính vì thế, chúng ta cần có một tín ngưỡng, một mục đích hành động, một ngọn cờ để dưới đó, mọi người phải chiến đấu. Hành động, nước mắt và lòng quả cảm là ngôn ngữ chung của toàn thể nhân loại mà tất cả mọi người đều hiểu”
Joseph Mazzini
“…Không, tôi xin mời hãy chứng kiến sự phẫn nộ từ lương tri của bất kì ai đã nhìn thấy máu của đồng bào mình đổ ra như thế nào, hoặc từng là nguyên nhân gây ra việc ấy,- chỉ mỗi một cái đầu thì chưa đủ để mang nổi sức nặng của không biết bao nhiêu vụ giết người. Có bao nhiêu người tham chiến, cần phải có bấy nhiêu cái đầu. Muốn trở thành những người có trách nhiệm trước luật máu mà họ đã tạo ra, cần làm thế nào để họ chí ít là hiểu được điều đó. Nhưng những thiết chế ưu tú đang nói tới ở đây dẫu sao cũng sẽ chỉ là tạm thời, bởi vì, xin nhắc lại lần nữa, tất cả quân đội và chiến tranh cần phải kết thúc; bất chấp lời lẽ của một nhà nguỵ biện mà ở một chỗ khác tôi đã bác bỏ, sẽ là giả dối, nếu bảo chiến tranh, ngay cả khi phải chống lại ngoại bang, là thần thánh, sẽ là giả dối, nếu bảo đất khát máu. Chiến tranh bị Chúa Trời và ngay cả những người tham chiến, những người từng trải nghiệm nỗi kinh hoàng bí ẩn của nó nguyền rủa. Còn đất thì xin trời ban nước cho các dòng sông của mình và sương mai tinh khiết từ những đám mây”.
Alfred de Vigny.
“ Con người được tạo ra cũng ít để cưỡng bức, như là để tuân phục. Nhân loại trở nên hư đốn ở cả hai phía vì hai thói quen ấy. Chỗ này thì u mê, chỗ kia thì hỗn xược, chẳng ở đâu có phẩm chất chân chính của con người”.
Considérant.
“Nếu những người lính của tôi bắt đầu suy nghĩ, thì sẽ không còn lại một ai trong quân ngũ”.
Friedrich II
Hai nghìn năm trước, Thánh Ioann - Người rửa tội và sau ngài, Đức Kitô từng nói với mọi người: “Thời gian đã viên mãn, vương quốc của Chúa đã cận kề, hãy tỉnh ngộ (μεταυοειτε) và hãy tin vào Tin Mừng” (Mark, I, 15). Và “Nếu không tỉnh ngộ, tất cả các người sẽ chết” (Luc, XIII, 5).
Nhưng nhân loại đã không nghe lời Ngài. Và cái chết mà Ngài tiên lượng đã gần kề. Và chúng ta, những người ở thời đại này, không thể không nhìn thấy nó. Chúng ta đang chết và vì vậy không thể bỏ ngoài tai cái phương sách giải thoát tuy cũ về thời gian, nhưng với chúng ta thì vẫn mới. Chúng ta không thể không thấy rằng chưa kể tới những tai hoạ khác bắt nguồn từ cuộc sống xấu xa và phi lí của mình, chỉ nội việc sắm sửa chiến cụ và những cuộc chiến tranh tất yếu sẽ xẩy ra do sự sắm sửa ấy dứt khoát sẽ huỷ diệt chúng ta. Chúng ta không thể không thấy rằng tất cả những phương thức thực tiễn mà loài người nghĩ ra để giải thoát mình khỏi những tai ương đã trở nên và buộc phải trở nên bất lực, và sự bất hạnh trong cảnh ngộ của các dân tộc đang chạy đua vũ trang chống đối lẫn nhau không thể không gia tăng và ngày càng gia tăng. Và vì thế, hơn bao giờ hết, hơn bất kì ai, những lời của Kitô có quan hệ với chúng ta và thời đại của chúng ta.
Đức Kitô nói: hãy tỉnh ngộ, tức là từng người hãy dừng lại ở lĩnh vực hoạt động đã được khởi đầu của mình và hãy tự vấn: ta là ai? ta từ đâu mà ra và đâu là mục đích của đời ta? Và, sau khi trả lời những câu hỏi ấy, hãy dựa vào câu trả lời mà xác địn những gì ta đang làm có đúng là mục đích của đời ta? Và chỉ cần mỗi người ở thế giới và thời đại của chúng ta, tức là chỉ cần mỗi người hiểu được bản chất học thuyết của đạo Kitô, dừng lại chốc lát trong hoạt động của mình, tạm quên đi việc người ta gọi mình là gì: hoàng đế, binh nhì, bộ trưởng, nhà báo,- và nghiêm túc tự hỏi bản thân: ta là ai và mục đích của ta là gì,- để hoài nghi tính hữu ích, chính đáng, hợp lí trong hoạt động của mình. Trước khi tôi là hoàng đế, là binh nhì, là bộ trưởng, là nhà báo, - bất kì ai ở thời đại và thế giới Kitô giáo của chúng ta cũng phải trả lời cho bản thân: trước tiên, ta là con người, tức là một sinh thể hữu hạn được ý chí tối cao phái tới một thế giới vô hạn về thời gian và không gian, để rồi sau khi lưu lại ở đấy trong giây lát sẽ chết, tức là biến mất khỏi thế giới ấy. Chính vì thế, mọi mục đích cá nhân, xã hội, và ngay cả những mục đích chung toàn nhân loại mà tôi có thể đặt ra cho bản thân hay nhân loại đặt ra cho tôi, do sự hữu hạn của đời tôi , cũng như sự vô hạn của cuộc sống vũ trụ mà tất cả đều bé mọn và đều phải lệ thuộc vào mục đích tối cao mà để đạt được nó, tôi được gửi tới thế giới này. Mục đích cuối cùng ấy, do sự hữu hạn của tôi, tôi không với tới được, nhưng nó vẫn có (sũng như phải có cái đích của toàn bộ sinh tồn), và công việc của tôi là trở thành công cụ cho nó, có nghĩa, mục đích của tôi là trở thành công bộc của Chúa Trời, thực hiện cơ đồ của Ngài. Và khi đã hiểu ra mục đích của mình là như thế, thì bất kì ai ở thế giới và thời đại của chúng ta cũng không thể không nhìn nhận khác đi những bổn phận mà bản thân mình hoặc mọi người áp đặt cho mình.
Trước khi thần dân làm lễ đăng quang, tôn mình lên ngôi hoàng đế - hoàng đế phải tự nhủ,- trước khi ta cam kết thực hiện những nghĩa vụ của một nguyên thủ quốc gia, ta, bằng việc mình đang sống, từng hứa thực hiện những gì mà ý chí tối cao đã phái ta đến với cuộc đời này đòi hỏi ở ta. Những đòi hỏi ấy ta không chỉ biết, mà còn cảm thấy trong trái tim mình. Như được nói trong giáo luật Kitô mà ta tuyên tín, những đòi hỏi ấy tựu trung là ta phải tuân theo ý Chúa và thực hiện những gì Người muốn ở ta, phải yêu thương đồng loại và phụng sự họ, phải đối xử với đồng loại giống như ta muốn người khác đối xử với mình. Vậy ta có làm điều đó không khi ta chỉ huy mọi người, ta ban bố bạo lực, án tử hình và công việc kinh khủng nhất - các cuộc chiến tranh?
Thần dân nói với ta, rằng ta phải làm những điều ấy. Chúa lại nói, rằng ta phải làm một việc hoàn toàn khác. Chính vì thế, dù thần dân có nói với ta bao nhiêu đi nữa, rằng ta, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, cần phải chỉ huy những cuộc bạo hành, thu nạp cống vật, các án tử hình và, cái chính là, chiến tranh, thì ta vẫn không muốn và không thể làm điều đó.
Cả anh lính được sai bảo phải giết người, cả viên bộ trưởng xem sắm sửa chiến cụ là bổn phận của mình, lẫn nhà báo đang kích động chiến tranh, và bất kì người nào từng nêu cho mình câu hỏi, anh ta là cái gì và mục đích của anh ta trong đời sống là ở đâu, đều phải nói với bản thân chính điều ấy. Và chỉ cần một nguyên thủ quốc gia ngưng điều khiển chiến tranh, một người lính ngưng tham chiến, một bộ trưởng ngừng sắm sửa chiến cụ, một nhà báo ngừng kích động chiến tranh, cũng như nếu không có toàn bộ các cơ quan mới, các thiết bị, các thế cân bằng, các pháp định, thì tự nó sẽ được thủ tiêu ngay lập tức tình trạng bế tắc mà nhân loại tự đặt mình vào đó, không chỉ trong quan hệ với chiến tranh, mà cả với mọi tai hoạ mà họ rước về cho mình.
Bởi vậy, dù điều này có vẻ kì cục thế nào, muốn tìm được sự giải cứu vững chắc và hiển nhiên giúp thoát khỏi những tai ương mà tự chúng ta mang lại cho bản thân, thoát khỏi chiến tranh - điều khủng khiếp nhất trong những tai ương ấy, thì không thể dựa vào những biện pháp chung bên ngoài nào đó, mà phải quay lại một cách giản đơn với nhận thức của từng người riêng lẻ, sự nhận thức đã được Đức Kitô đề xuất từ 1900 năm trước, - sao cho mỗi người tỉnh ngộ, tự hỏi bản thân: anh ta là ai? ta sống để làm gì? ta nên làm gì và không nên làm cái gì?
VII
“Đang có một ý kiến thịnh hành cho rằng, tôn giáo không phải là yếu tố bất biến của bản chất con người. Nhiều người bảo chúng ta, rằng đó chỉ là một giai đoạn phát triển của tư duy và tình cảm đặc trưng cho nhân loại ở giai đoạn sơ kì và ít nhiều còn thiếu văn hoá trong đời sống con người; rằng nó là một cái gì đó mà từ đây con người dần dần trưởng thành và sẽ bỏ lại sau lưng mình.
Chúng ta có thể xem xét vấn đề này một cách điềm tĩnh, vì nếu tôn giáo chỉ là sự mê, thì đúng là chúng ta phải thoát khỏi nó. Nhưng nếu tôn giáo là đặc tính của đời sống cao quý và tốt đẹp nhất của con người, thì sự nghiên cứu về vấn đề này theo tinh thần Kitô giáo sẽ phải chỉ rõ cho chúng ta điều đó. Nếu các vị tìm thấy dấu ấn trên mỗi đồng tiền, và đồng nào cũng chỉ có một dấu ấn như thế, thì các vị phải tin, hiển nhiên là phải tin, rằng cái đã để lại dấu ấn trên mỗi đồng tiền là một cái gì đó có thật. Cho nên, ở những nơi các vị tìm thấy một đặc tính phổ quát và ổn định nổi bật ở bản chất con người hoặc bản chất của một thực thể khác nào đó, các vị hoàn toàn có thể tin rằng, trong thế giới có một cái gì đó tương thích với cái đã tạo ra đặc tính ấy. Các vị sẽ tìm thấy ở mọi nơi và mọi lúc, con người bao giờ cũng là một sinh vật có tôn giáo. Các vị sẽ thấy nó ở đâu cũng tin, rằng có một thế giới bí ẩn đang vây bọc quanh mình. Dù các vị dựa vào lí luận nào đi nữa để xem xét toàn bộ thế giới, thì thế giới cũng đã biến chúng ta thành cái như chúng ta đang hiện hữu, và nếu thế giới không phải là một trò bịp, thì những gì trong chúng ta phù hợp với thế giới này cũng chính là hiện thực, bởi vì thế giới hiện thực đòi hỏi chúng ta phải có những đặc tính ấy ”
Savage
“Tôn giáo là nhà hoạt động cao quý và tao nhã nhất trong việc giáo dục con người, là sức mạnh vĩ đại nhất của văn minh, trong khi đó, những biểu hiện bề ngoài của tín ngưỡng và hoạt động chính trị ích kỉ lại là những vật cản chính cho tiến bộ của nhân loại. Hoạt động của cả giới tăng lữ lẫn nhà nước đối lập với tôn giáo. Sự nghiên cứu của chúng ta đã chỉ ra, rằng bản chất vĩnh cửu và thần thánh của tôn giáo thấm đẫm trái tim con người đều khắp ở tất cả những nơi có tiếng đập và có sự cảm nhận về trái tim ấy. Kết luận hợp lí từ những công trình nghiên cứu của chúng ta đã chỉ cho chúng ta thấy một nền tảng thống nhất của tất cả các tôn giáo vĩ đại, một học thuyết thống nhất từng phát triển từ thủa sơ khai của đời sống loài người cho đến tận ngày nay…”
“ Từ trong thâm sâu của mọi tín ngưỡng vẫn lưu chuyển một luồng mặc khải duy nhất, vĩnh hằng, một dòng tôn giáo thống nhất của lời Chúa nói với con người.
Người Parsi cứ việc đeo giá nến, người Do Thái cứ việc đeo bùa, người theo đạo Kitô đeo thánh giá, người Hồi giáo mang tấm hình bán nguyệt, nhưng hãy để tất cả những người ấy nhớ rằng, đó chỉ là hình thức và tiêu hiệu, trong khi, bản chất chính yếu của mọi tôn giáo là tình yêu đồng loại - từ Manu, Zôrôát, Đức Phật, Moyse, Sokrates, Hillel, Kitô, Paul, cho đến Mohamed đều đòi hỏi như thế”.
Maurice Flügel
“Thiếu một tín ngưỡng chung và một mục đích chung, thì không một xã hội nào có thể tồn tại; hoạt động chính trị là sự áp dụng, tôn giáo mới thiết lập nguyên lí. Hễ ở đâu không có một tín ngưỡng chung như thế, nơi ấy ý chí của đa số sẽ thống trị, mà ý chí này thì thay đổi thường xuyên và luôn áp chế phần còn lại. Không có thượng đế thì có thể cưỡng bức dân chúng, nhưng không thể thuyết phục họ. Không có thượng đế thì đa số sẽ trở thành tên độc tài, chứ không thể trở thành nhà giáo dục của dân chúng.
Cái mà chúng ta cần, nhân dân cần, cái mà thời đại chúng ta đang đòi hỏi để tìm kiếm một lối ra, thoát khỏi sự nhơ nhuốc của thói ích kỉ, của hoài nghi và phủ định mà họ bị nhấn chìm trong đó,- ấy là niềm tin mà nhờ đó, mọi tâm hồn của chúng ta có thể chấm dứt mò mẫm tìm kiếm những mục đích cá nhân, có thể cùng nhau tiến bước do chỉ thừa nhận một nguồn cội, một lề luật, một mục đích. Bất kì một tín ngưỡng nào xuất hiện trong tình cảnh tàn lụi của những tín ngưỡng cũ, đã lỗi thời cũng làm thay đổi trật tự xã hội hiện hành, bởi vì một tín ngưỡng mãnh liệt tất yếu sẽ gắn chặt với mọi lĩnh vực hoạt động của nhân loại…
Nhân loại sẽ nhắc lại trong các hình thức khác nhau và mức độ khác nhau những lời khấn nguyện đức Chúa: “xin vương quốc của Thiên Chúa xuống cả với mặt đất, giống như ở trên trời”.
Mazzini
“Con người có thể xem mình là con vật giữa những con vật sống bằng ngày hôm nay, nó có thể xem mình là thành viên của gia đình và thành viên của xã hội từng sống lâu đời, có thể và thậm chí nhất định phải xem mình (vì lí trí của nó cuốn nó tới đó một cách không thể cưỡng lại) như một phần của toàn bộ thế giới vô tận đang sống trong thời gian vĩnh hằng. Chính vì thế, ngoài mối quan hệ với những hiện tượng gần gũi của đời sống, con người có lí trí bao giờ cũng kiến tạo mối quan hệ với thế giới vô tận trong không gian và thời gian và do vậy, với nó đó là thế giới không tài nào hiểu thấu, dù vẫn biết nó là một chỉnh thể. Sự kiến lập một mối quan hệ như thế giữa con người với cái chỉnh thể không tài nào hiểu thấu mà nó thấy mình là một bộ phận và nó rút ra từ đó kim chỉ nam cho mọi hành vi của mình, ấy chính là cái đã được và đang được gọi là tôn giáo. Và vì thế, tôn giáo đã và sẽ mãi mãi là sự thiết yếu và là điều kiện không thể xoá bỏ trong đời sống của con người có trí tuệ và nhân loại úo trí tuệ”.
“Tôn giáo chân chính là mối quan hệ được con người thiết lập với sự sống vô tận bao bọc quanh nó, mối quan hệ gắn chặt cuộc sống của nó với cái vô cùng vô tận ấy và chỉ đạo các hành vi của nó”.
L.Tolstoi
“Tôn giáo (xét một cách khách quan) là sự thừa nhận tất cả nghĩa vụ của chúng ta đều là những điều răn của Thượng Đế.
Chỉ có một tôn giáo chân chính, mặc dù có thể có nhiều tín ngưỡng khác nhau”.
Kant
Cái ác khiến nhân loại ở thời đại chúng tấiphỉ khốn khổ thường bắt nguồn từ chỗ, phần đông trong số họ đang sống thiếu cái tạo nên kim chỉ nam hợp lí duy nhất cho hoạt động của con người - thiếu tôn giáo, không phải là thứ tôn giáo biến tín ngưỡng thành những giáo điều, thành những cuộc hành lễ mang lại sự giải trí dễ chịu, sự an ủi, vỗ về, mà là thứ tôn giáo thiết lập mối quan hệ giữa con người với Toàn Thể, với Thượng Đế, và nhờ đó, tạo ra phương hướng phổ biến tối cao cho hoạt động của con người mà nếu thiếu nó, loài người sẽ đứng ngang hàng với loài vật và thậm chí thấp hơn cả súc vật. Cái ác đang dẫn loài người tới sự huỷ diệt không thể tránh khỏi ấy đã hiện hình với một sức mạnh đặc biệt ở thời đại chúng ta, bởi vì, khi đã đánh mất kim chỉ nam hợp lí cho đời sống và hướng toàn bộ nỗ lực của mình vào việc khám phá và hoàn thiện những tri thức chủ yếu thuộc lĩnh vực ứng dụng, nhân loại thời nay đã tạo ra cho mình một quyền năng lớn lao trước các sức mạnh của thiên nhiên; do thiếu phương hướng vận dụng hợp lí quyền năng ấy, tất yếu họ sẽ sử dụng nó nhằm thoả mãn những ham muốn thú tính thấp kém nhất của mình.
Đã bỏ mất tôn giáo, lại nắm trong tay một quyền năng lớn lao trước các sức mạnh của thiên nhiên, nhân loại giống lũ trẻ được người ta đưa cho thuốc súng và hơi nổ làm trò chơi. Nhìn vào sự hùng cường mà nhân loại ở thời đại chúng ta có được, và nhìn vào cách mà họ sử dụng sự hùng cường ấy, có cảm giác rằng nếu căn cứ vào trình độ phát triển đạo đức, thì nhân loại không có quyền sử dụng chẳng riêng gì các tuyến đường sắt, điện lực, điện thoại, nhiếp ảnh, vô tuyến điện, mà ngay cả với kĩ nghệ thô sơ gia công sắt thép cũng thế, bởi vì toàn bộ sự hoàn thiện và kĩ nghệ ấy được họ sử dụng vào mỗi mục đích nhằm thoả mãn các dụng vọng của mình, làm trò tiêu khiển, phục vụ sự truỵ lạc của mình và sự tàn sát lẫn nhau.
Vậy phải làm gì bây giờ? Vứt bỏ mọi sự cải thiện trong cuộc sống, mọi sự hùng mạnh mà nhân loại đã thủ đắc? Quên đi tất thảy những gì nó từng biết? Không thể làm được. Những thành tựu trí tuệ ấy dù được sử dụng tai hại thế nào, thì chúng vẫn cứ là những thành tựu và nhân loại không thể quên được chúng. Thay đổi những khối liên kết giữa các dân tộc từng được xây dựng trong nhiều thế hệ và thiết lập những liên kết mới chăng? Hay là nghĩ ra các thiết chế mới ngăn chặn cái thiểu số chuyên lừa gạt và áp bức đa số? Truyền bá tri thức? Tất cả những điều đó đã được thí nghiệm và làm thử hết sức nhiệt tình. Tất cả các thủ thuật sửa đổi giả tạo ấy là cách thức cơ bản để tự lãng quên, giúp bản thân thoát khỏi ý thức về sự diệt vong không tránh khỏi. Biên giới giữa các quốc gia đang thay đổi, các thiết chế đang thay đổi, tri thức đang được truyền bá, nhưng ở những phạm vi khác, với những thiết chế khác, với tri thức được gia tăng, nhân loại vẫn cứ là bầy dã thú lúc nào cũng chực xâu xé nhau, hoặc là lũ nô lệ như bao đời nay vẫn thế và sẽ mãi mãi là như thế, chừng nào họ còn bị điều khiển bởi đam mê, định kiến và những xúi giục bên ngoài, chứ không phải bởi ý thức tôn giáo.
Con người không có lựa chọn: nó phải trở thành nô lệ của một tên nô lệ đểu cáng nhất và trơ tráo nhất, so với những tên khác, hoặc là nô lệ của Thượng Đế, vì con người chỉ có một cách duy nhất để được tự do: đó là nối kết ý nguyện của mình với ý nguyện của Thượng Đế. Những người đánh mất tôn giáo - kẻ này thì phủ định bản thân tôn giáo, kẻ khác thì xem tôn giáo là những hình thức bề ngoài, què quặt đã thay thế nó, lại bị dẫn dắt bởi dục vọng cá nhân, bởi nỗi sợ hãi, bởi các luật lệ của con người và, cái cơ bản là, bởi sự thôi miên lẫn nhau, - những con người như thế không thể chấm dứt kiếp súc vật hoặc nô lệ, và chẳng có nỗ lực bên ngoài nào có thể dẫn họ thoát khỏi tình trạng ấy, bởi vì chỉ có tôn giáo mới làm cho con người được tự do.
Vậy mà đa số nhân quần ở thời đại chúng ta đã đánh mất tôn giáo.
VIII
“Đừng làm những việc mà lương tri của ngươi lên án, cũng đừng nói những điều trái với sự thật. Hãy tuân thủ điều quan trọng nhất ấy, thế là ngươi đã thực hiện được toàn bộ nhiệm vụ của đời mình…”
“Không ai có thể cưỡng bức ý chí của ngươi, ở đây không có kẻ trộm, mà cũng chẳng có kẻ cướp; đừng thèm khát cái phi lí, hãy cầu mong cho lợi ích chung, chứ không phải lợi ích cá nhân, như phần đông người đời vẫn làm thế. Mục tiêu của cuộc đời không phải là làm thế nào để đứng về phía đa số, mà là làm thế nào để không rơi vào hàng ngũ của những kẻ điên…”
“Hãy nhớ là có một Chúa Trời không muốn sự tán tụng hay vinh quang trần thế ở những con người mà Ngài đã tạo ra giống như mình, mà muốn sao cho dựa vào trí năng được Ngài trao cho họ, bằng những hành động của mình, trở nên giống như Ngài. Ngay cả cây vả cũng trung thành với công việc của mình, con chó, con ong cũng như thế. Vậy lẽ nào con người không thực thi thiên chức của mình? Nhưng rất tiếc, những chân lí thiêng liêng vĩ đại ấy cứ mờ dần trong kí ức của ngươi: sự nhộn nhạo của cuộc sống thường nhật, chiến tranh, nỗi sợ hãi phi lí, sự yếu đuối của tinh thần và thói quen làm nô lệ đã làm chúng tiêu tán…”
“Cái nhánh khi đã bị chặt lìa cành, thế là đã bị tách khỏi cái cây nguyên vẹn. Người này khi thù ghét người kia là đã tách ra khỏi khối chung nhân loại. Nhưng nhánh cây thì bị một bàn tay xa lạ chặt đứt, còn con người lại tự xa cánh đồng loại của mình bởi sự thù hận, căm ghét, mà không biết, làm như thế, quả là nó đã tách mình ra khỏi toàn thể nhân loại. Nhưng Thượng Đế từng kêu gọi loài người hãy hướng tới đời sống chung như những anh em, đã ban cho họ tự do sau khi bất hoà lại làm lành với nhau”.
Marcus Aurelius
“Khai sáng là lối thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ của con người được duy trì bởi chính nó. Ấu trĩ là sự không biết sử dụng trí tuệ của mình nếu không có sự hướng dẫn của người khác. Tình trạng ấu trĩ ấy được chính bản thân con người duy trì khi mà nguyên nhân của ấu trĩ không ở sự thiếu hụt trí tuệ, mà ở sự thiếu quyết tâm và dũng khí sử dụng nó mà không cần người khác điều hướng dẫn. Sapere aude.
Hãy dám sử dụng trí tuệ của riêng mình. Đó chính là phương châm của khai sáng”.
Kant
“Hãy giải phóng cái tôn giáo mà Kitô đã tuyên tín khỏi cái tôn giáo mà ở đấy Kitô là đối tượng thờ phụng. Và khi chúng ta hiểu rõ trạng thái tâm thức làm nên hạt nhân cơ bản và khởi nguyên của Tin mừng vĩnh hằng, thì cần phải tuân thủ nó.
Tựa như những đĩa đèn tội nghiệp trong hội hoa đăng hoặc những cây nến nhỏ bé trong đám rước trở nên tù mù trước sự mầu nhiệm bao la của ánh thái dương, cũng như thế những chuyện li kì nhỏ mọn, cục bộ, ngẫu nhiên và đáng ngờ lu mờ đi trước các quy luật của đời sống tinh thần, trước quang cảnh vĩ đại của lịch sử nhân loại do Chúa Trời dẫn lối”.
Amiel
“Tôi thừa nhận luận điểm sau đây không cần bất kì sự chứng minh nào: tất cả những gì con người định làm vừa ý Chúa Trời, ngoài cuộc sống lương thiện, chỉ còn là sự lầm lạc và mê tín tôn giáo”
Kant
“Thực ra, chỉ có một cách tôn kính Chúa Trời - đó là làm tròn các bổn phận của mình và hành xử phải phù hợp với các quy luật của trí tuệ”
Lichtenberg
Nhưng muốn triệt tiêu cái ác đang khiến chúng ta đau khổ, những người say mê các hoạt động thường nhật sẽ nói, thì không phải một nhúm người, mà cả nhân loại phải tỉnh ngộ và, sau khi tỉnh ngộ, phải hiểu giống nhau, rằng mục đích của đời mình là thực hiện ý nguyện của Chúa Trời và phụng sự đồng loại.
Có thể làm được điều đó?
Chẳng những có thể, - tôi xin thưa,- mà còn không thể không thực hiện được điều đó.
Nhân loại không thể không tỉnh ngộ, tức là mỗi người không thể không đặt ra cho mình câu hỏi, mình là ai và sống để làm gì, bởi vì, là một sinh vật có trí tuệ, con người không thể sống mà không biết mình sống để làm gì, nên chi, bao giờ nó cũng đặt ra câu hỏi ấy cho bản thân và tuỳ theo trình độ của mình, bao giờ cũng trả lời câu hỏi này bằng học thuyết tôn giáo; ở thời đại chúng ta đây, mâu thuẫn nội tại mà nhân loại cảm thấy rất rõ đang khiến câu hỏi này trở nên bức thiết đặc biệt và đòi phải tìm cho nó một lời giải đáp. Loài người ở thời đại chúng ta không có lời giải đáp nào khác cho câu hỏi ấy, ngoài sự chấp nhận luật sống trong tình yêu thương đồng loại và phụng sự đồng loại, bởi vì, đó là lời giải đáp hợp lí hợp tình duy nhất cho thời đại chúng ta về ý nghĩa của đời người, và lời giải đáp này đã được bày tỏ trong đạo Kitô từ 1900 năm trước và hiện nay được đại đa số nhân loại từng biết rõ.
Lời giải đáp nói trên vẫn sống dưới dạng tiềm ẩn trong ý thức của toàn thể nhân loại thuộc thế giới Kitô giáo ở thời đại chúng ta, nhưng không được diễn đạt rõ ràng và không trở thành kim chỉ nam của cuộc đời chúng ta chỉ bởi vì, một mặt, do quan niệm sai lầm nghiêm trọng, cho rằng tôn giáo là giai đoạn phát triển nhất thời của nhân loại và sẽ bị nhân loại bỏ qua, rằng loài người không cần tôn giáo vẫn có thể sống, những người có uy tín nhất, được gọi là có học đang gieo rắc sự hiểu lầm ấy cho những người xuất thân từ quần chúng nhân dân, mới bắt đầu học hành, mặt khác, cũng còn bởi tại, những kẻ nắm quyền lực, (do tự mình mắc phải sai lầm cho rằng, tôn giáo của giáo hội là đạo Kitô), vừa tự giác vừa thường không tự giác, cố duy trì và khêu gợi trong nhân dân những mê tín dị đoan thô lậu được mạo nhận là đạo Kitô.
Chỉ khi nào hai điều dối trá nói trên bị tiêu diệt, thì thì cái tôn giáo chân chính vẫn sống dưới dạng tiềm ẩn trong nhân loại ở thời đại chúng ta mới trở thành cái hiển nhiên và bức thiết.
Muốn thực hiện được điều đó, một mặt, phải làm sao để những người có học hiểu rằng, luận điểm về tình huynh đệ của toàn thể nhân loại và nguyên tắc làm cho người khác điều mình muốn cho mình không phải là chuyện ngẫu nhiên, không phải là một trong vô khối luận thuyết của nhân loại có thể bị lệ thuộc những luận thuyết nào đó, mà là luận điểm không thể hồ nghi, đứng trên mọi suy luận, bắt nguồn từ quan hệ bất biến của con người với cái vô tận, với Chúa Trời, và là tôn giáo và toàn bộ tôn giáo, bởi thế mãi mãi mang tính bắt buộc.
Mặt khác, - để những kẻ cố ý hay vô tình, dưới chiêu bài đạo Kitô , gieo rắc những mê tín dị đoan thô lậu, phải hiểu rằng, các tín điều, bí tích, các lễ nghi mà họ duy trì và truyền bá chẳng những không phải là chuyện vô thưởng vô phạt như họ nghĩ, mà còn cực kì tai hại, vì chúng che giấu khỏi nhân loại cái chân lí tôn giáo duy nhất được biểu hiện trong việc thực hiện ý nguyện của Chúa Trời, trong tình huynh đệ của loài người, trong phụng sự người khác, rằng cái quy tắc: hãy đối xử với người như ta muốn người đối xử với ta, không phải là một trong số những lời mệnh lệnh của đạo Kitô, mà là toàn bộ tôn giáo trong thực tiễn, như đã được nói trong kinh Phúc Âm.
Muốn nhân loại ở thời đại chúng ta nhất loạt đặt ra cho mình câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và nhất loạt trả lời câu hỏi ấy, chỉ cần những người tự xem là có văn hoá đừng nghĩ và đừng khiến các thế hệ khác nghĩ rằng, tôn giáo là sự lại giống, là tàn dư của tình trạng mọi rợ đã qua, và rằng muốn cải thiện đời sống của nhân loại, chỉ cần truyền bá học thức, tức là truyền bá những tri thức đa dạng nhất, chúng bằng cách nào đấy sẽ dẫn dắt loài người đến với công lí và cuộc sống đạo lí; mà phải hiểu, rằng muốn đời sống của loài người được an lành, thì cần có tôn giáo, rằng tôn giáo ấy từ lâu đã tồn tại và vẫn sống trong ý thức của nhân loại thời nay; những kẻ cố ý hay vô tình làm ngu dân chúng bằng những chuyện mê tín dị đoan của nhà thờ hãy đừng làm điều đó và thừa nhận, rằng điều quan trọng và cần thiết trong đạo Kitô không phải là lễ rửa tội, lễ ban thánh thểánự tuyên tín các giáo điều, mà chỉ là tình yêu với Chúa Trời và đồng loại cùng sự thực hiện điều răn về việc đối xử với người như ta muốn người đối xử với ta, rằng toàn bộ lề luật và sấm ngôn là ở đấy.
Chỉ cần những kẻ nguỵ Kitô giáo, cũng như những người làm khoa học hiểu điều đó và truyền bá cho con trẻ cùng dân chúng thất học các chân lí giản dị, sáng rõ và cần thiết ấy giống như hiện nay họ đang tuyên truyền những luận điểm dối trá, rối rắm và vô bổ, thì toàn thể nhân loại đều hiểu giống nhau ý nghĩa của cuộc sống và chỉ thừa nhận một loạt bổn phận cùng bắt nguồn từ đó.
IX
Những bức thư của anh nông dân cự tuyệt phục vụ trong quân đội.
“Ngày 15 tháng Mười năm 1895 tôi được gọi thực hành quân dịch. Khi đến lượt rút thẻ, tôi nói, tôi sẽ không rút. Đám công chức nhìn tôi, sau đó trao đổi với nhau và hỏi tôi, vì sao tôi không rút thẻ.
Tôi trả lời, rằng tôi làm như thế vì tôi sẽ chẳng tuyên thệ, cũng không nhận vũ khí.
Họ nói, việc này sẽ để sau, nhưng vẫn phải rút thẻ.
Tôi lại cự tuyệt. Bấy giờ người ta bảo trưởng toán rút thẻ. Trưởng toán rút; trúng thẻ N0 674. Người ta ghi lại.
Thủ trưởng quân sự bước vào, gọi tôi tới văn phòng và hỏi: ai dạy anh tất cả những trò đó, để bây giờ anh không muốn tuyên thệ?
Tôi trả lời, tôi tự học được khi đọc kinh Phúc Âm.
Ông ta nói: ta không nghĩ là anh đã tự hiểu được kinh Phúc Âm như thế, vì ở đó mọi chuyện đều khó hiểu; muốn hiểu, phải học rất nhiều mới đạt được.
Đáp lại điều đó, tôi nói rằng Đức Kitô không dạy sự thông thái, vì thế những người dốt nát, bình thường nhất, chính họ đã hiểu được giáo lí của Ngài.
Đến đây, ông ta bảo người lính đưa tôi về phân đội. Tôi cùng người lính đi vào nhà ăn, chúng tôi ăn trưa ở đó.
Sau bữa trưa, người ta lại hỏi tôi, vì sao tôi không tuyên thệ?
Tôi bảo: vì trong kinh Phúc Âm đã nói: “Đừng bao giờ thề thốt”.
Họ ngạc nhiên; sau đó hỏi: điều đó chẳng lẽ cũng có trong kinh Phúc Âm? Đâu nào, tìm xem.
Tôi tìm thấy, đọc lên, họ lắng nghe.
- Tuy đúng là có, nhưng dẫu sao vẫn không thể không tuyên thệ, vì người ta sẽ hành cho khốn khổ.
Tôi đáp lại: ai huỷ hoại cuộc đời trần thế, kẻ ấy sẽ được hưởng cuộc sống vĩnh hằng”.
“Ngày 20, người ta xếp tôi vào toán lính trẻ khác và dạy cho chúng tôi nội quy của lính. Tôi nói với họ là tôi sẽ không thực hiện bất kì điểm nào ở đó. Họ hỏi: vì sao?
Tôi nói: là tín đồ đạo Kitô, tôi không cầm vũ khí và phòng vệ trước kẻ thù, vì Đức Kitô dạy phải yêu thương ngay cả kẻ thù cũng. Họ bảo: nhưng chả lẽ chỉ mỗi mình anh là tín đồ Kitô giáo? Chính chúng tôi đây, tất cả đều là người Kitô giáo. Tôi nói: chuyện người khác, tôi hoàn toàn không biết, chỉ biết tâm niệm, rằng Đức Kitô đã bảo làm cái mà tôi đang làm.
Thủ trưởng quân sự nói: nếu anh không ăn lời, tôi sẽ tống anh vào nhà tù.
Tôi đáp lại: xin cứ làm với tôi những gì ngài muốn, nhưng tôi sẽ không phục vụ trong quân ngũ đâu”.
“Hôm nay hội đồng xem xét. Viên tướng nói với sĩ quan: kẻ chưa ráo máu đầu kia có những tín niệm thế nào mà dám kháng cự quân dịch? Có đến hàng triệu người vẫn đang phục vụ trong quân ngũ, thế mà một mình hắn dám cự tuyệt, cứ cho nhừ đòn, rồi hắn sẽ từ bỏ các tín niệm của mình”.
“Người ta phái Olkhôvich đến Amur. Trên tàu thuỷ, tất cả đều nhịn ăn, xưng tội, riêng hắn khước từ. Đám lính hỏi hắn, vì sao. Hắn đã giải thích. Binh nhì Kirill Sereda xen vào cuộc trò chuyện. Hắn giở kinh Phúc Âm và cất giọng đọc chương V Matthieu. Đọc xong, hắn khai mào nói: đấy, Kitô ngăn cấm chuyện phát nguyện, xử án và chiến tranh, vậy mà ở ta lại làm tất cả những thứ đó và xem nó là công việc chính đáng. Có một đám lính đứng túm tụm ở đó rất đông, đã phát hiện ra, trên cổ Sereda không đeo thánh giá. Họ hỏi anh ta: thế thánh giá của cậu đâu rồi?
Anh ta nói: cất trong hòm.
Họ lại hỏi: vì sao cậu không đeo trên cổ?
Anh ta bảo: chính vì tôi yêu Đức Kitô, nên tôi không thể đeo thứ công cụ mà Kitô bị đóng đinh câu rút trên đó.
Sau đó có hai viên binh nhất đến và trò chuyện với Sereda. Họ hỏi anh: vì sao mới đây cậu còn nhịn ăn, xưng tội, thế mà bầy giờ lạ bỏ thánh giá.
Anh ta trả lời thế này: bởi vì lúc ấy tôi còn ngu muội, chưa nhìn thấy ánh sáng, còn bây giờ tôi đã đọc kinh Phúc Âm và hiểu rằng, tất cả những thứ đó, theo đạo Kitô, không cần phải làm.
Họ lại hỏi: thế tức là cậu không chịu làm lính giống như Olkhôvich?
Anh ta nói là sẽ không làm.
Họ hỏi: vì sao?
Anh ta bảo: vì tôi theo đạo Kitô, mà tín đồ Kitô giáo thì không được vũ trang chống lại nhân loại.Người ta bắt Sereda và đày tới vùng Jakutsk cùng với Olkhovich, hiện nay họ vẫn đang ở đó”
Từ sách “Những lá thư của P.A. Olkhôvich”.
“Ngày 27 tháng Giêng năm 1894 có một anh Drozhzhin nào đó, từng làm hương sư ở tỉnh Kurs, đã chết trong nhà thương tù Voronezh. Xác anh ta được quăng xuống mồ trong một nghĩa địa tù, giống như xác của tất cả các phạm nhân chết trong tù. Vậy mà đó lại là một trong số những người thánh thiện, trong sạch và chính trực nhất trên đời.
Hồi tháng 8 năm 1891, anh ta được gọi đi làm quân dịch, nhưng đã cự tuyệt làm lính và cầm súng vì xem tất cả mọi người đều là huynh đệ và thừa nhận việc giết người, bạo lực là tội lỗi lớn nhất chống lại lương tri và ý nguyện của Chúa Trời. Những kẻ sống dựa vào bạo lực và giết chóc đã tống anh ta vào nhà tù biệt giam ở Kharkov, lúc đầu chỉ một năm, sau đó lại chuyển tới đội phạm binh Voronezh, nơi anh ta bị hành hạ trong giá lạnh, đói khát và chế độ biệt giam suốt 15 tháng trời. Cuối cùng, khi anh ta mắc bệnh ho lao do khổ sở và thiếu thốn triền miên và được công nhận là không còn đủ sức phục vụ trong quân đội, người ta quyết định chuyển anh sang nhà tù dân sự, nơi anh vẫn phải tiếp tục ngồi tù những 9 năm. Nhưng khi chuyển anh ta từ đội phạm binh sang nhà tù vào một ngày băng giá dữ dội, đám nhân viên cảnh binh, do cẩu thả, đã để anh không quần áo ấm mà dẫn đi, lại đứng ngoài đường, cạnh nhà cảnh binh, quá lâu, vì thế làm anh bị cảm hàn, khiến anh bị viêm phổi rồi chết sau đó 22 ngày.
Một ngày trước khi chết, Drozhzhin nói với bác sĩ: “dù tôi sống không nhiều, nhưng tôi sẽ nằm xuống với sự thức nhận, rằng tôi đã hành xử theo những tín niệm đúng với lương tri của mình. Tất nhiên, chuyện này, người khác có thể phán xét tốt hơn. Cũng có thể…không, tôi nghĩ là tôi đúng”, anh ta nói một cách xác quyết”
Từ sách “Cuộc đời và cái chết của Drozhzhin”.
“Hãy mang toàn bộ binh khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước mọi mưu ma chước quỷ, vì cuộc chiến của chúng ta không chống lại máu mủ và xương thịt, mà chống lại các cấp trên, chống lại chính quyền, chống lại những kẻ thống trị thế giới đen tối này, chống lại các hung thần dưới gầm trời.
Muốn làm được như thế, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh khí của Chúa để các ngươi có thể đương đầu trong ngày dữ và, khắc phục tất cả, không hề nao núng.
Vậy thì hãy đứng dậy, lấy chân lí làm thắt lưng, lấy công chính làm áo giáp”.
Thư của thnáh Paul gửi công đồng Ephesus
Nhưng bây giờ, lúc này, phải hành xử thế nào cho phải,- người ta sẽ hỏi tôi,- vào thời điểm mà kẻ thù đã tấn công chúng ta, đang tàn sát người của chúng ta, uy hiếp chúng ta trên đất Nga của ta, thì người lính Nga, viên sĩ quan, vị tướng, Sa hoàng, mỗi cá nhân phải hành động thế nào? Chẳng lẽ cứ để quân thù tàn phá lãnh thổ của chúng ta, mặc sức chiếm đoạt sản phẩm lao động của chúng ta, tha hồ tàn sát chúng ta? Làm gì bây giờ, khi mà sự việc đã khởi phát?
Nhưng trước khi chiến tranh khởi phát, bất luận việc ấy do ai khởi xướng, - những ai đã tỉnh ngộ đều phải trả lời, - thì trước hết, công việc của đời tôi cũng đã được bắt đầu rồi. Mà công việc của đời tôi thì chẳng có gì liên quan tới vấn đề chủ quyền ở Lữ Thuận Khẩu thuộc về người người Trung Quốc, người Nhật Bản, hay người Nga. Công việc của đời tôi là làm sao để thực hiện được ý nguyện của Đấng đã phái tôi đến với cuộc sống này. Và tôi biết rõ ý nguyện ấy. Nội dung của ý nguyện ấy là tôi phải thương yêu và phụng sự đồng loại. Hà cớ gì tôi lại từ bỏ đạo luật vĩnh hằng, bất di bất dịch với cả đời tôi mà tôi đã thấu tỏ để đuổi theo những yêu sách nhất thời, ngẫu nhiên, phi lí và tàn nhẫn? Nếu có Chúa Trời, Ngài sẽ không hỏi, tôi chết khi nào (điều mà lúc nào cũng có thể xẩy ra), tôi có giữ được Yunampo với những bãi gỗ của nó, hoặc có bảo vệ được Lữ Thuận khẩu, hay ngay cả khối liên kết gọi là nước Nga mà Ngài chẳng hề uỷ thác cho tôi, mà sẽ hỏi: tôi đã làm gì với cuộc sống mà Ngài đã trao cho tôi sử dụng, tôi có sử dụng cuộc sống ấy đúng vào việc đã được dành cho nó và chỉ với điều kiện ấy cuộc sống được uỷ thác cho tôi hay không? Luật của Ngài, tôi có thực hiện hay không?
Cho nên, về câu hỏi bây giờ phải làm gì khi chiến tranh đã xẩy ra, với tôi, một người hiểu rõ sứ mệnh của mình, dẫu tôi giữ cương vị gì, không thể có câu trả lời nào khác câu trả lời, rằng chẳng có thứ hoàn cảnh nào, - chiến tranh đã nổ ra hay chưa nổ ra, hàng nghìn người Nhật hoặc người Nga bị giết hay chưa bị giết, không chỉ Lữ Thuận khẩu, mà ngay cả Peterburg và Moskva đã bị chiếm hay chưa,- có thể buộc tôi xử sự trái với điều Chúa đang đòi hỏi ở tôi, và vì thế, với tư cách là một con người, tôi không thể tham chiến, cả trực tiếp, lẫn gián tiếp, bằng những mệnh lệnh, bằng sự trợ giúp, hay bằng` sự kích động, tôi không thể, tôi không muốn và sẽ không tham chiến. Bây giờ hoặc sắp tới, cái gì sẽ xẩy ra từ chuyện tôi sẽ thôi, không làm những việc trái với ý nguyện của của Chúa Trời, tôi không biết và không thể biết, nhưng tôi tin, việc thực hiện ý nguyện của Chúa sẽ không thể có hậu quả nào khác ngoài điều tốt lành đối với tôi và với tất cả mọi người.
Các vị hoảng hốt nói về những gì có thể xẩy ra, nếu những người Nga chúng ta bây giờ hạ vũ khí và nhường cho quân Nhật tất cả những gì họ đang thèm giật lấy từ tay ta.
Nhưng nếu đúng là để cứu nhân loại thoát khỏi cảnh hoá thú, cảnh tàn sát lẫn nhau chỉ có một phương sách duy nhất: tạo lập giữa loài người một tôn giáo chân chính, tôn giáo kêu gọi tình yêu thương và phụng sự đồng loại (không thể không tán thành điều ấy), thì mọi cuộc chiến tranh, mọi giờ phút của nó cùng sự tham chiến của tôi chỉ khiến cho việc thực hiện sự giải thoát duy nhất khả thi ấy trở thành khó khăn và xa vời hơn. Vậy thì, ngay cả cứ ngả theo quan điểm bấp bênh của các vị - đánh giá các hành vi theo kết quả được giả định của chúng, việc người Nga nhường cho quân Nhật tất cả những gì chúng đang thèm muốn của nước Nga, ngoài lợi ích hiển nhiên từ sự chấm dứt tàn phá và giết chóc, là sự tiến gần tới phương sách duy nhất cứu nhân loại thoát khỏi sự huỷ diệt, trong khi đó, việc kéo dài chiến tranh, bất cứ nó kết thúc thế nào, lại là sự rời xa cái cứu sách duy nhất ấy.
Nếu nó quả là như thế, - người ta nói lại, thì chỉ có thể chấm dứt chiến tranh khi tất cả, hoặc đa số mọi người đều từ chối tham chiến. Sự từ chối của một người, hoàng đế hay lính tráng cũng vậy cả thôi, chỉ phương hại cuộc sống của nó một cách vô ích, chẳng mang lại chút lợi lộc nào cho bất kì ai. Hoàng đế Nga hãy cự tuyệt chiến tranh xem, người ta sẽ lật đổ ngai vàng của ngài, cũng có thể, sẽ giết ngài để giải thoát khỏi ngài; một người thường thử từ chối quân dịch xem, người ta sẽ tống anh ta vào đội phạm binh, mà có thể sẽ xử bắn. Cớ gì lại huỷ hoại một cách vô bổ cuộc sống của mình, một cuộc sống có thể mang lại lợi ích cho xã hội? - những người không suy ngẫm về mục đích toàn bộ đời sống của mình và vì thế mà không hiểu được mục đích ấy, thường nói như vậy.
Nhưng một người hiểu mục đích đời mình, tức là người có đạo, sẽ không nói và không cảm thấy như thế. Trong hành động, con người này không dựa vào hậu quả giả định do các hành vi của mình gây ra, mà dựa vào ý thức về đích sống của mình. Người công nhân đi đến nhà máy và ở đó, anh ta làm công việc được giao mà chẳng cần phải bận tâm về hậu quả của công việc ấy sẽ như thế nào. Người lính cũng hành động như vậy khi thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy. Khi tiến hành công việc được Đức Chúa Trời chỉ định cho mình, người có đạo cũng làm đúng như vậy mà chẳng cần phải tính toán xem đích thị là cái gì sẽ nảy ra từ những việc ấy. Chính vì thế, với kẻ có đạo, không hề tồn tại câu hỏi, những người hành động giống anh ta nhiều hay ít, chuyện gì sẽ xẩy ra với anh ta, nếu anh ta sẽ làm cái việc phải làm. Anh ta biết, sẽ chẳng có gì, ngoài sự sống và cái chết, mà sự sống và cái chết thì nằm trong tay Chúa Trời và anh ta tuân phục. Người có đạo hành động thế này, chứ không thế kia, chẳng phải vì anh ta muốn làm như thế, hay làm như thế thì có lợi cho anh ta, hoặc có lợi cho những người khác, mà chỉ bởi vì, anh ta không thể hành động theo cách khác, do tin rằng, cuộc sống của anh ta nằm trong ý nguyện của Chúa Trời.
Tính đặc thù trong hoạt động của những người có đạo là ở đó.
Cũng chính vì thế, chỉ khi nào trong đời sống của mình, mọi người không còn bị chi phối bởi lợi ích, hay những toan tính, mà chỉ dựa vào ý thức tôn giáo, thì khi ấy nhân loại mới được cứu vớt thoát khỏi những thảm hoạ mà họ tự chuốc lấy cho mình.
X
"... Những người của Chúa là chất muối mặn đầy bí ẩn hằng duy trì thế giới, cho nên chỉ chừng nào chất muối mặn kì diệu chưa mất đi hiệu lực của mình, vạn vật trong vũ trụ mới mới được gìn giữ. "Vì thế, nếu muối mặn mất đi hiệu lực của mình, thì lấy gì mà tạo ra vị mặn cho nó? Nó không thể dùng làm đất, cũng không thể dùng làm phân, nhưng người ta sẽ vứt nó đi không thương tiếc. Ai có tai nghe, sẽ nghe thấy". Về phần mình, chúng ta bị săn đuổi chỉ khi Chúa Trời trao cho kẻ cám dỗ quyền năng săn đuổi chúng ta, nhưng khi Người không muốn làm chúng ta đau khổ, thì chúng ta vẫn tận hưởng được sự bằng an kì diệu ngay giữa thế gian vẫn thù ghét chúng ta, và chúng ta vẫn trông cậy vào sự chở che của Người từng nói: "hãy có niềm tin, ta đã chiến thắng thế gian".
Celsius còn nói, không thể có chuyện toàn bộ cư dân châu Á, châu Âu và Libi, cả người Hy Lạp, cũng như đám người man rợ, lại đồng ý tuân theo một lề luật duy nhất. Nghĩ như thế,- ông nói,- tức là không hiểu gì cả". Nhưng chúng ta nói, điều đó không chỉ có thể xẩy ra, mà sẽ đến một ngày, khi mọi sinh vật có trí tuệ sẽ tập hợp lại dưới một lề luật. Vì rằng, Ngôn Lời hoặc Trí Tuệ sẽ chinh phục được các sinh linh hữu trí và biến cải họ làm thành thể hoàn hảo của chính mình.
Có những căn bệnh và những vết thương thân thể vô phương cứu chữa; nhưng với các chứng bệnh của linh hồn thì không phải như vậy: với Trí Tuệ tối cao, cũng tức là Đức Chúa Trời, chẳng có cái ác nào không thể chữa trị".
Origenes chống Celsius
"Tôi nhận thấy trong tôi hiện có một sức mạnh mà mai sau sẽ biến cải thế giới. Sức mạnh ấy không giục giã và không đè nén, nhưng tôi cảm thấy nó đang dần dà lôi kéo một cách không cưỡng nổi.
Và tôi thấy rằng, có một cái gì đó đang thu hút tôi, hệt như tôi đang vô tình thu hút những người khác.
Tôi lôi cuốn họ, họ cũng lôi cuốn tôi, và chúng tôi nhận ra niềm khát vọng hướng tới một liên kết mới. Hãy tiếp xúc với chiếc nam châm trung tâm, rồi bản thân anh cũng sẽ trở thành nam châm, và chúng ta càng nhận thức rõ hơn mục đích và sứ mệnh của mình, thì một thế giới mới được hình thành càng rõ rệt hơn. Chúng ta sẽ trở thành những người lập ra lề luật thánh thần bằng cách tiếp nhận nó từ bản thân Chúa Trời, còn những luật lệ của loài người sẽ héo úa và tàn lụi trước chúng ta.
Rồi tôi hỏi sức mạnh từng hiện diện trong tôi: ngươi là ai?
Và sức mạnh ấy trả lời: ta là Tình Yêu, là chúa tể của bầu trời, ta muốn trở thành Tình Yêu - chúa tể của mặt đất.
Ta hùng mạnh nhất giữa mọi sức mạnh nơi thiên giới, và ta đã tới đây để tạo lập vương quốc của tương lai"
Crosby
Có đầy đủ cơ sở nói là Vương quốc của Chúa đã hiện ra với chúng ta vào lkhi mà ở đâu đó công nhiên bén rễ nguyên tắc chuyển hoá tiệm tiến từ tín ngưỡng của nhà thờ thành một tôn giáo hợp lí chung, dẫu rằng sự thực hiện toàn vẹn cái vương quốc ấy còn xa cách với chúng ta đến vô tận, bởi vì trong nguyên tắc kia, cũng như trong cái bào thai đang phát triển và sinh sôi nẩy nở về sau này, đã chứa đựng tất cả những gì cần phải khai minh cho thế giới và chiếm lĩnh nó.
Trong đời sống của thế giới, hàng nghìn năm cũng như một ngày. Chúng ta cần kiên nhẫn thực hiện điều đó và chờ đợi nó.
Kant
"Khi tôi nói với anh về Thượng Đế thì anh đừng nghĩ là tôi đang nói với anh về một vật nào đó được làm bằng vàng hay bằng bạc. Thượng Đế mà tôi đang nói với anh, thì anh có thể cảm nhận được trong tâm hồn mình. Anh mang Thượng Đế trong mình và bằng những ý nghĩ dơ bẩn, những hành vi xấu xa anh xúc phạm hình ảnh Ngài trong tâm hồn mình. Trước bức tượng vàng mà anh xem là thần thánh, anh tránh không làm làm điều gì khiếm nhã, thế mà đối diện với Thượng Đế có thể nhìn thấu và nghe thấy tất cả những gì trong lòng anh, thì anh lại không hề biết đỏ mặt khi đắm chìm trong những ý nghĩ và hành vi đốn mạt".
"Giá như chúng ta lúc nào cũng nhớ rằng Thượng Đế trong chúng ta mục kích tất cả những gì chúng ta làm và chúng ta nghĩ, thì chúng ta sẽ không phạm tội nữa, và Thượng Đế sẽ mãi mãi cư ngụ ở trong ta. Nào, hãy làm sao để có thể nhớ đến Thượng Đế, suy ngẫm và trò chuyện về Người thường xuyên hơn"
Epíktetos
Nhưng phải làm thế nào với lũ kẻ thù đang tấn công chúng ta?
Trong "Học thuyết của Mười Hai thánh tông đồ" đã nói: "Hãy yêu thương kẻ thù của các con, thì các con sẽ không còn kẻ thù". Câu trả lời ấy chẳng phải là những lời nói suông như cảm tưởng của những người vẫn quen nghĩ rằng lời răn dạy yêu thương kẻ thù chỉ là một cái gì đó bóng gió và biểu thị một cái gì đó hoàn toàn khác, chứ không phải là cái được nói ra. Câu trả lời ấy là chỉ dẫn về một kiểu hoạt động vô cùng sáng tỏ và cụ thể cùng với kết quả của nó.
Yêu thương kẻ thù: những người Nhật, người Trung Hoa, tất cả những người da vàng mà những kẻ lầm lạc hiện nay đang cố sức khơi dậy ở ta lòng căm thù với họ, yêu thương họ có nghĩa là không giết họ không phải để giành lấy quyền đầu độc họ bằng thuốc phiện như người Anh đã làm, không giết họ không phải để cướp đoạt đất đai của họ như người Pháp, người Nga, người Đức đã làm, không chôn sống họ xuống đất để trừng phạt vì đường sá bị làm hư hỏng, không trói họ bằng những đuôi sam và không nhấn chìm họ xuống Hắc Long Giang như những người Nga đã làm.
"Chẳng bao giờ trò giỏi hơn thầy...Với trò, làm thế nào để bằng được thầy , thế là đủ rồi".
Yêu thương những người da vàng mà chúng ta gọi là kẻ thù tức là không mượn danh đạo Kitô để dạy họ những điều dị đoan về tội tổ tông, về cuộc cứu chuộc, về sự phục sinh v.v..., không dạy họ xảo thuật lừa bịp và giết người, mà dạy họ lẽ công bằng, lòng hào hiệp, từ bi, tình yêu thương, và không dậy bằng lời nói suông, mà bằng tấm gương từ cuộc sống nhân hậu của chúng ta.
Thế nhưng chúng ta đã và đang làm gì với họ?
Thành thử, nếu như đúng là chúng ta từng yêu thương kẻ thù, hay dù bây giờ mới bắt đầu yêu thương kẻ thù là những người Nhật, thì chúng ta đã chẳng có kẻ thù.
Cho nên, với những người đang thực hiện các kế hoạch chiến tranh, mua sắm thiết bị quân sự, đang bận bịu với những toan tính ngoại giao, những biện pháp hành chính, ngân hàng, kinh tế, đang lo tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền xã hội chủ nghĩa, đang bận bịu với những thứ khoa học vô bổ khác nhau mà người ta nghĩ có thể dùng để cứu nhân loại thoát khỏi mọi hiểm hoạ, dẫu điều này có lạ lùng thế nào, thì việc cứu nhân loại không chỉ thoát khỏi thảm hoạ chiến tranh, mà còn thoát khỏi tất cả các thảm hoạ mà người ta tự rước về cho bản thân, sẽ được thực hiện chẳng phải bởi các hoàng đế, các quốc vương sẽ đứng ra tổ chức những liên minh thế giới, cũng chẳng phải bởi những người sẽ lật đổ các hoàng đế , các quốc vương, hay hạn chế quyền lực của họ bằng các bản hiến pháp hoặc thay đổi chế độ quân chủ bằng các nền cộng hoà, chẳng phải bởi các cuộc hội thương quốc tế, bởi việc thực hiện các dự án xã hội chủ nghĩa, chẳng phải bởi những chiến thắng hay chiến bại trên đất liền và ngoài biển cả, chẳng phải bởi các thư viện, các trường đại học, chẳng phải bởi các bài tập của những khối óc nhàn tản mà bây giờ người ta gọi là khoa học, mà chỉ nhờ vào một lẽ, là càng ngày càng có nhiều những người bình thường, như giáo phái dukhobor, như những Drozhzhin, Olkhovich ở Nga, những Nazaréen ở Áo, Goutodier ở Pháp, Turvey ở Hà Lan và những người khác, khi đã xác định mục đích cho mình không phải là thay đổi cuộc sống bề ngoài, mà là thực hiện một cách chính xác nhất ý nguyện của Đấng đã phái họ đến với cuộc sống, thì họ sẽ dồn mọi nỗ lực của mình vào việc thực hiện điều đó. Chỉ những con người ấy, bằng cách dựng lên vương quốc của Thiên Chúa trong bản thân, trong trái tim mình, sẽ kiến tạo, dẫu là không trực tiếp kì vọng đạt được mục đích ấy, cái vương quốc của Thiên Chúa ở ngoại giới, vương quốc mà mỗi tâm hồn con người đều ước ao, khao khát.
Sự cứu độ chỉ xẩy ra bằng con đường ấy, chứ không phải bằng bất kì con đường nào khác. Chính vì thế, những gì đang được làm hiện nay, cả bởi những kẻ khi lãnh đạo dân chúng thì gieo rắc cho họ những mê tín tôn giáo và ái quốc, xúi dục họ tự cao tự đại, nuôi lòng hận thù và máu sát nhân, cả bởi những kẻ muốn cứu nhân loại thoát khỏi áp bức và bóc lột thì lại kêu gọi họ đứng lên làm những cuộc chính biến bên ngoài, bằng bạo lực, hay nghĩ rằng, việc loài người thu lượm được thật nhiều tri thức ngẫu nhiên, phần lớn là vô bổ, tự nó sẽ dẫn họ tới cuộc sống tốt đẹp, - tất cả những việc đó chỉ khiến người đời quên đi điều duy nhất cần thiết cho họ, đẩy họ ra xa khỏi cơ may được cứu độ.
Cái ác đang gây khổ đau cho nhân loại thuộc thế giới Kitô giáo nằm ở chỗ họ đã tạm thời bỏ mất tôn giáo.
Một số người, do nhận thấy sự không ăn khớp giữa tôn giáo hiện nay với trình độ phát triển trí tuệ và khoa học của nhân loại ở thời đại chúng ta, mà cho rằng, nói chung chẳng cần phải có một thứ tôn giáo nào cả, họ sống không có tôn giáo và tuyên truyền về sự vô bổ của mọi thứ tôn giáo, bất luận là tôn giáo nào; những người khác thì bám vào cái hình thức đã bị xuyên tạc của đạo Kitô mà dưới hình thức ấy hiện nay nó đang được truyền bá, cũng sống không có tôn giáo hệt như thế, bởi họ tin vào những hình thức trống rỗng, bề ngoài, không thể làm kim chỉ nam cho cuộc sống của nhân loại.
Trong khi đó, vẫn được biết đến và vẫn có một thứ tôn giáo đáp ứng các yêu cầu của thời đại chúng ta, nó tồn tại kín đáo trong trái tim dân chúng thuộc thế giới Kitô giáo. Vì thế, muốn cho tôn giáo ấy trở thành hiển nhiên và thiết yếu đối với tất thảy nhân loại, chỉ cần làm sao để những người có học, những người dẫn dắt quần chúng hiểu rằng, tôn giáo cần cho mọi người, rằng thiếu đạo, nhân loại không thể sống tốt đời, rằng cái mà người ta gọi là khoa học không thể thay thế tôn giáo; chỉ cần những ai hiện đang có quyền lực và đang duy trì hình thức tôn giáo cũ kĩ, rỗng tuếch hiểu ra rằng những gì mà họ đang duy trì và tuyên truyền dưới dạng tôn giáo chẳng những không phải là tôn giáo, mà còn là trở lực cơ bản ngăn cản nhân loại lĩnh hội thứ tôn giáo chân chính mà họ đã biết rõ và chỉ mình nó mới có thể cứu họ thoát khỏi mọi thảm hoạ.
Vì thế, phương sách duy nhất đúng đắn để cứu độ nhân loại thực ra chỉ là đừng làm những gì cản trở mọi người lĩnh hội thấu đáo thứ tôn giáo chân chính vẫn hằng sống trong tâm thức nhân loại.
XI
"Những chuyện kinh khiếp và ghê tơ,r đã xẩy ra trong xứ này; các nhà tiên tri thì vẫn tuyên sấm điều gian dối, còn các vị tư tế thì cai trị nhờ vào cái đó, thế mà dân ta lại ưa thích như thế. Nhưng mai sau, các người sẽ làm gì?"
Jeremiah V, 30, 31
"Dân này đã làm mắt mình mù, làm tim mình thành chai sạn, mà họ cũng không nhìn bằng mắt, không hiểu bằng tim, và cũng chẳng cầu xin để Ta chữa trị cho họ".
Ioan. XII, 40
"Vũ khí tuyệt vời nhất vẫn là vũ khí phản phúc. Chính vì thế, người khôn ngoan không ỷ vào đó. Anh ta coi trọng sự an tĩnh hơn hết thảy. Anh ta thắng, mà không mừng. Mừng vì chiến thắng tức là mừng việc giết người; kẻ vui với việc giết người sẽ không thể đạt được mục đích".
Lão Tử
"Giả dụ một du khách nhìn thấy trên hòn đảo xa xôi nào đó những người mà nhà họ chất đầy thuốc nổ và lính gác đi quanh các ngôi nhà ấy suốt ngày đêm, thì anh ta không thể không nghĩ, rằng trên hòn đảo này chỉ rặt một lũ cướp sinh sống. Các quốc gia châu Âu chẳng lẽ không giống hệt như thế?
Tôn giáo ảnh hưởng tới nhân loại còn ít biết dường nào, hay chúng ta còn ở xa tôn giáo đích thực biết chừng nào!"
Lichtenberg
Tôi sắp kết thúc bài báo này khi hay tin về vụ tử nạn của sáu trăm sinh mạng vô tội ở Lữ Thuận Khẩu. Đã tưởng, những đau khổ vô ích và cái chết của những con người bất hạnh, bị lừa gạt, đã bỏ mạng chẳng để làm gi bởi cái chết kinh hoàng phải làm những ai từng là nguyên nhân của vụ tử nạn ấy phải tỉnh ngộ. Tôi không nói tới Makarov và những sĩ quan khác - tất cả những người ấy ý thức rõ họ đang làm gì và làm nhằm mục đích gì, chính họ tự nguyện, vì lợi lộc, vì háo danh, che đậy mình bằng cái tình ái quốc giả dối rành rành, nhưng không bị vạch trần vì nó là sự dối trá chung để làm cái mà họ đã làm, tôi nói về những kẻ bất hạnh được tụ tập từ nước Nga, những kẻ sau khi bị bứt ra khỏi đời sống lương thiện, hợp lẽ, hữu ích, bằng lao động, trong gia đình, đã bị họ xua đuổi đến chỗ tận cùng bên kia trái đất, đẩy lên cỗ máy giết người khủng khiếp và mù quáng, rồi lại bị xác ra từng mảng, bị nhấn chìm xuống biển cả xa xôi cùng với cỗ máy sát nhân ngu ngốc ấy , chẳng có tí cần thiết nào và cũng không có dầu chỉ một chút cơ hội tìm ra lợi ích từ tất cả những mất mát, gắng gỏi, khổ đau và từ cái chết đã tìm đến họ.
Vào năm 1830, trong thời gian chiến tranh Ba Lan, một viên sĩ quan tuỳ tùng được Chlopicki cử đến Peterburg tên là Vylezinski đã có cuộc hội đàm tiến hành bằng tiếng Pháp với Diebitsch, đáp trả điều kiện do Diebitsch đưa ra về việc các binh đoàn Nga sẽ tấn công Ba Lan, Vylezinski nói:
- Monsieur le Maréchal, je crois que de cette manière il est de toute impossi-bilité que la nation polonaise accepte ce manifeste...
- Croyez-moi, l'Empereur ne fera pas de concessions.
- Je prevois donc qu'il y aura guerre malheureusement, qu'il y aura bien du sang répandu, bien de manlheureuses victimes.
- Ne croyez pas cela, tout au plus dix mille hommes qui périront des deux côtés et voilà tout. "Tis mille hommes et foilà dout" - Diebitsch nói theo thổ âm tiếng Đức, ông hoàn toàn tin rằng, ông ta, cùng một người khác, cũng tàn nhẫn và xa lạ với đời sống của dân Nga và Ba Lan hệt như ông, Nikolai Pavlovich, có toàn quyền quyết án hoặc không quyết án cho cái chết của hàng chục, hàng trăm nghìn người Nga và người Ba Lan.
Không thể tin là một điều vô nghĩa và khủng khiếp đến thế có thể xẩy ra, vậy mà nó đã xẩy ra: 60 nghìn sinh mạng, những người chủ gia đình đã phải bỏ mình theo ý muốn của họ. Và bây giờ lại đang xẩy ra chuyện đúng như thế.
Để ngăn không cho quân Nhật vào Mãn Châu Lí và đánh bật họ ra khỏi Triều Tiên, rõ ràng, cần phải có không phải 10, mà là 50 nghìn và hơn thế nữa. Tôi không biết, Nikolai II và Kuropatkin có nói thành lời như Diebitsch hay không, rằng vì việc này mình phía Nga và chỉ mình Nga thôi cũng phải mất trên dưới 50 nghìn sinh mạng, nhưng họ đang nghĩ về điều đó và không thể không nghĩ, bởi vì, công việc họ đang làm đã tự nói về mình: dòng thác vô tận những nông dân Nga bất hạnh, bị lừa gạt, hiện đang được chở hàng mấy mươi nghìn đến Viễn Đông,- đó chính là trên dưới 50 nghìn sinh mạng người Nga mà Nikolai Romanov và Alesei Kuporatkin đã quyết định giết chết và sẽ giết chết để chi việc cho việc ngu xuẩn, sự cướp bóc và mọi điều nhơ nhuốc mà lũ người vô đạo đức, háo danh, giờ đang điềm nhiên ngồi trong các cung điện của mình và chờ đợi vinh quang mới, lợi lộc mới cùng những khoản lãi từ việc sát hại 50 000 nhân lực lao động người Nga vô tội, bất hạnh, bị lừa gạt, chẳng kiếm được gì bằng sự đau khổ và chết chóc của mình, đang làm. Vì những vùng đất lạ, những vùng đất mà người Nga chẳng có chút quyền gì, mà chỉ chiếm giữ vì đã cướp được của các chủ sở hữu hợp pháp, nhưng thực ra không cần gì đến những đất ấy, lại còn vì những việc làm đen tối của lũ biển lận muốn kiếm lợi ở những cánh rừng lạ trên đất Triều Tiên, người ta đang chi những món tiền không lồ nhiều triệu bạc , tức là một phần lớn lao động của toàn thể dân tộc Nga, nhiều thế hệ tương lai của dân tộc này đang bị biến thành nô lệ vì nợ nần, những nhân lực ưu tú của nó bị mất việc làm và hàng chục nghìn trai tráng bị ném vào chỗ chết một cách tàn nhẫn. Và cảnh chết chóc của bao người bất hạnh đã bắt đầu. Nhưng như thế vẫn còn ít, chiến tranh đang được tiến hành bởi những kẻ đã châm ngòi cho nó một cách thật tồi tệ, cẩu thả: mọi thứ đều không được trù liệu trước, không được chuẩn bị trước, đến nỗi, như một tờ báo đã nói, cơ may thắng lợi chính cho Nga là ở chỗ, nó có một nguồn vật liệu người vô tận. Những kẻ đẩy hàng chục nghìn người Nga đến chỗ chết đang trông cậy vào đó.
Người ta nói trắng ra: những thất bại cay đắng của hải quân chúng ta cần được bù đắp ở trên bộ. Theo lối Nga, thì điều đó có nghĩa là, nếu cấp trên đã chỉ huy trên biển tồi tệ và do sự tắc trách của mình mà đã huỷ hoại không chỉ hàng triệu bạc của dân, mà còn hàng nghìn sinh mạng, thì chúng ta sẽ gỡ lại bằng việc chuẩn bị để thêm mấy chục nghìn người phải chết ở trên bộ.
Nếu châu chấu chạy bộ vượt sông thì những lớp bên dưới sẽ bị chết đuối cho đến khi những con chết đuối bắc thành cầu để các lớp trên đi qua. Chính dân tộc Nga hiện nay đang bị người ta điều hành như thế đấy.
Và thế là lớp dưới đi trước đã bắt đầu chết đuối, chỉ đường cho hàng nghìn người khác, những người thể nào rồi cũng sẽ bỏ mạng như thế.
Nhưng nếu thế thì những kẻ thủ mưu, những người điều hành và kích động công việc khủng khiếp ấy đã bắt đầu hiểu ra lỗi lầm, tội ác của mình chăng? Tuyệt nhiên không phải vậy. Họ hoàn toàn tin, họ đã tlàm và sẽ làm tròn bổn phận của họ, và lấy làm hãnh diện vì hoạt động của mình.
Người ta bàn tán về cái chết của một Makarov can trường, một nhân vật, như tất cả đều nhất trí, có thể giết người rất diệu nghệ, người ta tiếc thương cho cỗ máy sát nhân tuyệt hảo đáng giá mấy triệu rúp bị đánh đắm, người ta bàn bạc về việc tìm được một tên sát nhân nào khác cũng diệu nghệ như Makarov tội nghiệp và lầm lỗi, người ta nghĩ ra những vũ khí giết người mới hữu hiệu hơn, và từ Sa hoàng cho đến tên viết báo quèn nhất, tất cả đều chúng khẩu đồng từ, kêu gọi làm những chuyện điên rồ, tàn bạo mới, hô hào tăng thêm sự dã man và lòng thù ghét con người.
"Ở nước Nga, không chỉ có một Makarov, và mỗi thuỷ sư đô đốc được đặt vào vị trí của ông đều theo bước chân ông và sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch và tư tưởng của Makarov, người đã hi sinh chính trực trong trận chiến", tờ "Novoe vremja" ( "Thời mới") viết.
"Chúng ta sẽ nồng nhiệt cầu nguyện Chúa cho những người đã hiến dâng mạng sống của mình vì tổ quốc thiêng liêng, và chẳng phút giây nghi ngờ rằng Tổ quốc của chúng ta lại ban tặng cho chúng ta những dũng sĩ mới để tiếp tục chiến đấu và sẽ tìm được nguồn lực chẳng bao giờ cạn kiệt để hoàn thành sự nghiệp một cách xứng đáng", tờ "Tin tức Peterburg" viết.
"Một dân tộc chín chắn không rút ra kết luận nào khác từ thất bại, dẫu nó chưa từng nghe thấy, ngoài kết luận, rằng cần tiệp tục, triển khai và hoàn thành cuộc chiến đấu. Chúng ta sẽ tìm thấy trong bản thân mình những sức mạnh mới, sẽ xuất hiện những tráng sĩ mới của tinh thần", tờ "Nước Nga" viết. V.v...và v.v...
Và sự tàn sát và tội ác đủ loại vẫn tiếp diễn còn điên cuồng hơn. Người ta khoái chá với tinh thần hiếu chiến của những tay thợ săn, những kẻ đã chém phăng tất cả 50 đồng loại vừa bất ngờ bắt gặp, hoặc đã chiếm được một thôn xóm và đâm chết hết toàn bộ dân cư, hoặc đã treo cổ và bắn chết những người bị buộc tội làm gián điệp, tức là làm chính công việc mà ở phía ta cũng xem là ckhông thể thiếu và không thể không tiến hành liên tục. Và các bức điện trịnh trọng báo cáo về những hành vi tàn bạo như thế được gửi cho chỉ huy trưởng của họ, cho Sa hoàng, người sẽ gửi cho các binh đoàn dũng cảm của mình lời tbiểu dương vì những công việc như vậy vẫn được tiếp diễn.
Chẳng lẽ chưa rõ rằng nếu có sự cứu vớt khỏi tình cảnh như vậy, thì chỉ có một cách duy nhất: ấy là cứu sách mà Đức Kitô vẫn truyền dạy.
Hãy tìm vương quốc của Thiên Chúa và chân lí của Ngài (điều vẫn hằng ở trong các ngươi), thế thì cái còn lại, tức là tất cả lợi ích thực tế mà mỗi người có thể mong muốn, tự nó sẽ được thực hiện.
Quy luật của đời sống là thế: lợi ích thực tế thường đạt được không phải vào lúc con người cố đạt tới lợi ích thiết thực ấy - tham vọng này, ngược lại, chỉ đẩy con người ra khỏi kết quả mà nó tìm kiếm,- mà chỉ khi con người cố thực hiện sao cho hoàn hảo nhất điều nó xem là cần thiết trước Chúa Trời, trước Khởi Nguyên và Lề Luật của đời mình, chỉ khi ấy thì nó mới đồng thời đạt được lợi ích thực tế.
Bởi vậy, chỉ có một cách đích thực cứu vớt nhân loại: hãy thực hiện ý nguyện của Chúa Trời bằng từng con người cá thể trong bản thân mình, tức là ở cái phần của thế giới mà chỉ mình nó thuộc quyền năng của bạn. Mục đích chính yếu, duy nhất của con người cá thể là ở đấy, và đồng thời, đó là phương sách duy nhất để mỗi người cá thể tác động đến người khác; vì thế, mọi nỗ lực của mỗi người cá thể cần phải hướng vào đấy, và chỉ vào đấy mà thôi.
XII
Tôi vừa gửi đi những trang cuối cùng của bài báo về chiến tranh, thì nhận được tin khủng khiếp về một tội ác mới đối hvới nhân dân Nga được thực hiện bởi những kẻ thiển cận, mất óc vì quyền lực, những kẻ đã đoạt lấy cho mình quyền lãnh đạo họ. Vẫn lại là những tên nô lệ quỵ luỵ và thô lỗ của những tên nô lệ khác thuộc đủ loại trưng diện những bộ lễ phục sặc sỡ khác nhau, xun xoe, ngu ngốc, những ông tướng, vì muốn nổi trội, hoặc người này muốn chọc giận người kia, hay muốn được quyền đính lên các bộ y phục sặc sỡ lố bịch của mình thêm một ngôi sao, một con chút chít, hoặc một dải băng con, hoặc giả vì ngu ngốc, hoặc giả vì tắc trách, - vẫn lại là đám người hèn mạt thảm hại ấy đã làm chết trong đau đớn kinh hoàng hàng mấy nghìn thợ thuyền đáng kính, nhân hậu, cần cù, những người vẫn nuôi nấng chúng. Và một lần nữa tội ác ấy chẳng những không buộc những tên tội phạm đã gây ra việc ấy phải ngẫm nghĩ hay hối hận, mà ta phải nghe và phải đọc chỉ rặt mỗi chuyện cần phải khẩn trương thế nào để còn làm tàn phế và giết được nhiều người hơn, còn làm các gia đình của cả người Nga lẫn người Nhật phải khánh kiệt hơn nữa.
Nhưng như thế chưa đủ: để chuẩn bị cho dân chúng thực hiện những hành vi mới cũng tàn ác y như thế, lũ tội phạm đã gây ra những trọng tội kia chẳng những không thừa nhận điều mà ai ai cũng rõ rằng với người Nga, dù thậm chí đứng trên lập trường quân sự, ái quốc, thì đó vẫn là một thất bại nhục nhã - mà họ còn cố rót vào tai những người nhẹ dạ, rằng đám thợ thuyền người Nga, những người bị đưa vào bẫy, giống như bầy gia súc bị lùa đến lò mổ, cái đám mấy nghìn người ấy bị tàn sát, làm cho tàn phế chỉ vì một vị tướng không hiểu rõ những điều một vị tướng khác nói,- đấm người ấy đã thực hiện một chiến công anh hùng bởi trong số họ những kẻ không thể bỏ chạy thì đã bị giết, còn những người chạy thoát thì còn sống.Và cũng giống như việc một trong số những con người tồi tệ, vô đạo đức, tàn bạo được gọi là những ông tướng, những thuỷ sư đô đốc, đã dìm chết rất nhiều người Nhật hiền lành, cũng được tô vẽ như là một chiến công vẻ vang, vĩ đại, phải làm nức lòng dân chúng Nga. Và tất cả các tờ báo đều đăng lại lời kêu gọi giết người khủng khiếp:
"Hãy để hai nghìn binh sĩ Nga bị giết ở Yala cùng với thiết giáp hạm "Rättvisan" và những chiến hữu đã bị tàn phế của nó, với những ngư lôi đỉnh của ta dạy cho các tuần dương hạm của chúng ta trút những đòn huỷ diệt dồn dập như thế nào xuống các bờ biển của nước Nhật Bản hèn hạ. Nó đã đem binh lính của mình tắm máu Nga, và không phải thương xót nó; bây giờ không được phép, mủi lòng bây giờ là có tội, phải chiến đấu, phải giáng những đòn chí mạng thế nào để khi nhớ lại, những trái tim thâm độc của bọn Nhật phải ớn lạnh. Giờ đây chính là lúc các tuần dương hạm phải tiến ra khơi để tàn phá các thành phố của Nhật, để trút sự bất hạnh kinh hoàng xuống các bờ biển đẹp đẽ của nó.
Mủi lòng thế là đủ rồi".
Và công việc khủng khiếp được khởi sự vẫn đang tiếp tục. Vẫn tiếp tục sự cướp bóc, cưỡng bức, giết người, trộm cắp và, cái chính là, vẫn tiếp diễn điều dối trá đáng sợ nhất: sư xuyên tạc các học thuyết tông giáo, cả Kitô giáo, lẫn Phật giáo.
Sa hoàng, nhân vật có trách nhiệm chính, vẫn tiếp tục tổ chức duyệt binh, biểu dương, ban thưởng, cổ xuý, hạ lệnh tuyển quân dự bị. Những thần dân trung thành một lần nữa và thêm một lần nữa lại ném xuống dưới chân vị quân chủ ngưỡng kính, như họ gọi, tất cả tài sản và mạng sống của mình, nhưng chỉ trên lời nói. Còn trong thực tế thì họ, vì người này muốn nổi trội hơn người kia không phải bằng lời nói, mà bằng việc làm, họ tiếp tục bứt những người cha, nhữngnhững người nuôi dưỡng khỏi các gia đình cô quả để chuẩn bị đưa vào lò sát sinh. Tình cảnh dân Nga càng tồi tệ hơn thì lũ làm báo càng lừa bịp trâng tráo hơn, biến những thất bại nhục nhã thành thắng lợi, vì biết rằng, sẽ chẳng có ai cải chính, bác bỏ chúng, và chúng điềm nhiên vơ tiền theo số đặt mua, đặt bán. Tiền bạc và công sức của nhân dân đổ vào chiến tranh càng nhiều thì mọi kẻ cầm đầu và lũ hám lợi cướp bóc càng lắm mà chúng không sợ bị ai vạch mặt, vì tất cả đều ăn cướp. Đám quân nhân được dạy giỗ để giết người, từng học hàng chục năm trong trường học của sự bất nhân, bạo hành và ăn không ngồi rồi, thì hân hoan, vì ngoài việc được tăng lương, những người bị giết sẽ tạo ra chỗ khuyết để chúng, những kẻ đáng thương, được thăng quan tiến chức. Các vị chăn chiên Kitô giáo thì tiếp tục kêu gọi dân chúng gây nên những tội ác tày trời, họ tiếp tục phạm thánh, cầu xin Chúa Trời phù hộ cho việc chiến tranh, và chẳng những không phê phán, mà còn bào chữa và tán dương số linh mục cầm thánh giá trên tay mà khuyến khích dân chúng giết người ở ngay chỗ của tội ác. Và chính chuyện ấy cũng diễn ra ở Nhật Bản. Sau loạt chiến thắng của mình, những người Nhật lầm lạc, bắt chước tất cả những gì xấu xa ở châu Âu, đã lao vào việc chém giết còn sốt sắng hơn rất nhiều. Mikado cũng tổ chức diễu binh, ban thưởng như thế. Những vị tướng khác nhau cũng tỏ ra can trường như vậy, khi họ tưởng mình học được việc giết người, tức là mình đã được giáo hoá. Nhân dân lạo động bất hạnh bị bứt khỏi gia đình và lao động hữu ích cũng rên siết như vậy. Đám viết báo cũng lừa bịp và cũng hân hoan với việc người ta đặt mua mua, và chắc là cũng thế, (vì ở nơi mà sự giết người được tôn vinh là việc oanh liệt thì mọi thứ tệ nạn phải được thịnh phát), chắc là mọi kẻ cầm quyền và lũ làm ăn bất chính cũng trục lợi như thế, còn những nhà thần học, những sư phụ của tôn giáo Nhật Bản, không chịu thua kém người Âu trong kĩ thuật lừa bịp tôn giáo và phạm thánh, giống như cánh nhà binh của họ trong kĩ thuật vũ trang, thì đang bóp méo giáo thuyết vĩ đại của đạo Phật, không chỉ cho phép, mà còn biện hộ cho việc giết người vốn bị Đức Phật nghiêm cấm.
Nhà Phật học cầm đầu 800 tu viện, Soien Shaku giải thích rằng, mặc dù Đức Phật có cấm sát sinh, nhưng Ngài lại nói rằng ngài không thể an lòng chừng nào vạn vật chưa hợp nhất lại trong một trái tim từ bi, vô cương giới, vì thế mà để đưa muôn vật tồn tại trong hỗn loại vào trật tự, phải giao chiến và giết người".
Và cứ y như là chưa từng có giáo lí của đạo Kitô và đạo Phật về tính thống nhất của tinh thần nhân loại, về tình huynh đệ của loài người, về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, về tính bất khả xâm phạm của đời sống con người. Những người đã được khai minh bằng ánh sáng chân lí, cả quân Nhật lẫn quân Nga, giống như bầy dã thú, còn tệ hơn cả dã thú, lăn xả vào nhau chỉ với một ước nguyện là làm sao tiêu diệt được thật nhiều sinh mạng hơn. Hàng nghìn người bất hạnh đang quằn quại, rên siết vì đau đớn dữ dội, đang hấp hối một cách khổ sở trong các trạm quân y của Nhật và của Nga mà ngơ ngác tự hỏi, vì sao người ta giáng xuống đầu họ một tai hoạ khủng khiếp như thế, còn hàng nghìn người khác thì đang thối rữa dưới lòng đất và trên mặt đất hoặc đang bồng bềnh, trương phình, tan rữa trên biển cả. Và hàng vạn người vợ, người cha, người mẹ, người con thì khóc thương những ông chủ gia đình mình bị giết hại vô cớ. Nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa thấm tháp vào đâu, và lại tiếp tục có sẵn những nạn nhận mới, ngày càng mới hơn. Mối quan tâm chính của những kẻ chỉ huy việc giết người là làm sao để dòng bia thịt - mỗi ngày phía Nga phải có ba nghìn người tìm đến với cái chết, không được gián đoạn phút nào. Và phía quân Nhật cũng quan tâm như vậy. Người ta liên tục xua những bầy châu chấu vượt sông để những hàng sau có thể đi trên xác kẻ chết đuối...
Liệu đến bao giờ chuyện này mới kết thúc? Và, rốt cuộc, đến bao giờ những người bị lừa gạt sẽ tỉnh ngộ và nói: "xin mời các người cứ việc đi, các vị sa hoàng, thiên hoàng, bộ trưởng, các đại giáo chủ, cha xứ, các ông tướng, các vị tổng biên tập, các tên áp - phe, như người ta vẫn gọi các vị, xin mời các vị cứ việc bước dưới làn đạn, còn chúng tôi thì không muốn và sẽ không đi nữa. Hãy để chúng tôi yên thân cày ruộng, gieo trồng, xây cất, nuôi nấng các vị, những kẻ ăn bám". Giờ chính là lúc đương nhiên phải nói điều đó, khi mà ở nước Nga chúng ta, tiếng khóc than, kêu gào của hàng trăm nghìn bà mẹ người vợ, con trẻ bị người ta cướp mất những ông chủ nuôi dưỡng gia đình được gọi là quân dự bị. Chính bản thân những người ấy, đa số quân dự bị, đều biết chữ: họ biết Viễn Đông là gì; họ biết rằng cuộc chiến tranh xảy ra chẳng phải xuất phát từ một công việc nào đó có chút ít cần thiết đối với nhân dân Nga, mà chỉ vì những đất dai, như họ nói, thuê mướn xa lạ nào đó, thứ đất đai chỉ tiện cho bọn người trục lợi đáng ghét nào đó mở đường và làm những việc mờ ám khác; họ biết hoặc có thể biết, rằng người ta sẽ giết họ như cừu trong lò mổ, bởi vì quân Nhật có những vũ khí giết người hoàn hảo đời chót, trong khi đó, phía ta lại không có những vũ khí như thế, bởi vì, giới chỉ huy Nga, kẻ đẩy họ vào chỗ chết, đã không dự liệu mua sắm những vũ khí như thế đúng lúc, giống như quân Nhật. Biết tất cả những điều đó, tưởng như là rất tự nhiên nói: Xin mời các vị, những ai bày ra việc này, cứ việc đi, tất cả các vị, ai cần và ai biện hộ cho chiến tranh, xin mời cứ bước đi dưới mưa đạn và mìn của quân Nhật, còn chúng tôi sẽ không đi nữa, vì chẳng những chúng tôi không, mà chúng tôi còn không thể hiểu, ai đó có thể cần điều ấy để làm gì".
Nhưng không, họ không nói ra điều đó, họ đi và sẽ đi, họ không thể không đi cho đnến chừng nào họ còn sợ cái sẽ huỷ hoại thân xác, chứ không phải cái huỷ hoại thân xác và linh hồn.
"Vẫn chưa biết, liệu có phải chết hay trở thành tàn phế ở xứ Yunampo nào đó, nơi người ta đang xua chúng tôi tới, hay không, - họ suy luận, có thể chúng tôi sẽ thoát ra lành lặn, mà còn được ban thưởng và ăn mừng chiến thắng giống đám thuỷ thủ hiện đang được ngợi ca trên khắp nước Nga, vì bom đạn của quân Nhật đã không rơi trúng họ, mà trúng những người khác; còn nếu chối từ, có thể bị người ta bỏ tù, bỏ đói, băm vằm, hoặc đẩy đến tỉnh Jakut, mà có khi, bịgiết ngay tắp lự". Và họ để lại cuộc sống tốt đẹp, hợp lẽ, bỏ mặc vợ con để ra đi, mang theo nỗi tuyệt vọng trong tim.
Hôm qua tôi vừa gặp một người lính dự bị được mẹ và vợ đưa tiễn. Cả ba ngồi trên một chiếc thồ. Anh ta đã ngà ngà, mặt vợ thì sưng lên trong nước mắt. Anh hướng về phía tôi:
- Từ biệt nhé, Lev Nikolaevich, tôi đi Viễn Đông đây.
- Thế nào, sẽ tham chiến à?
- Phải có người tham chiến chứ.
- Chẳng ai cần phải tham chiến cả.
Anh ta trầm ngâm.
- Làm thế nào bây giờ? Biết trốn vào đâu?
Tôi thấy là anh ta hiểu tôi, anh ta hiểu rằng, công việc mà người ta phái anh đi làm là công việc xấu xa. "Biết trốn vào đâu?". Đó là sự thể hiện chính xác tình trạng tinh thần mà trong giới quan phương và báo chí được chế biến thành những lời: "Vì đạo, vì Sa Hoàng và Tổ quốc". Những người bỏ mặc các gia đình đói khổ để tìm đến với cái chết và sự bất hạnh thường nói cái điều mà người ta cảm thấy: "Biết trốn vào đâu?". Nhưng những ai ngồi chỗ an toàn trong các cung điện xa hoa của mình thì nói rằng, toàn thể nhân dân Nga sẵn sàng hiến dâng cuộc sống vì đức vua kính yêu, vì vinh quang và sự vĩ đại của nước Nga.
Buổi chiều, tôi nhân được liên tiếp hai lá thư của một người nông dân tôi quen biết.
Đây là lá thứ nhất:
"Lev Nikolaevich quý mến.
Thế là hôm nay tôi nhận được phiếu triệu tập nhập ngũ, ngày mai phải có mặt ở điểm hẹn. Vậy là hết, còn tiếp theo, sẽ đi tới Viễn Đông dưới bom đạn của quân Nhật.
"Tôi chưa kể với ông về tôi và nỗi đau của gia đình tôi, lẽ nào ông lại không hiểu tất cả nỗi kinh hoàng trong cảnh ngộ của tôi và những chuyện khủng khiếp của chiến tranh. Từ lâu ông đã phát ốm vì những thứ đó và ông hiểu tất cả. Còn tôi thì lúc nào cũng thèm đến thăm ông và trò chuyện với ông biết chừng nào. Tôi đã viết cho ông cả một lá thư dài để giãi bày những dằn vặt trong lòng mình, nhưng chưa kịp chép lại thì nhận được phiếu triệu tập. Bây giờ vợ tôi biết làm sao với bốn đứa con? Là người đã già, dĩ nhiên ông không thể để tâm tới số phận của gia đình tôi, nhưng ông có thể nhờ một người bạn nào đó của ông làm một chuyến đi dạo, đến thăm gia đình đơn chiếc của tôi. Tôi thật lòng xin ông, nếu vợ tôi không chịu đựng nổi sự hành hạ của cảnh neo đơn với một đống con mà muốn tìm đến chỗ ông để nhờ giúp đỡ và xin một lời khuyên - mong ông đón tiếp và an ủi cô ấy: dù cô ấy chưa được trực tiếp biết ông, nhưng tin vào lời ông, mà điều đó có rất nhiều ý nghĩa.
"Tôi không thể chống lại lệnh quân dịch, nhưng tôi hứa trước, rằng vì tôi sẽ không có một gia đình Nhật Bản nào hoá thành cô quả. Lạy Chúa, tất cả những điều này khủng khiếp quá, phải vứt bỏ toàn bộ những gì mình đang sống và quan tâm, khổ sở và đau đớn biết chừng nào".
Lá thư thứ hai thế này:
"Lev Nikolaevich quý mến,
Đấy, mới qua chỉ một ngày phục vụ tại ngũ, mà tôi đã trải nghiệm hết sự cùng cực của nỗi thống khổ đáng tuyệt vọng nhất. Từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối, người ta xô đẩy, câu dầm chúng tôi trên sân trại lính giống như bầy súc vật. Ba lần lặp lại trò hề kiểm tra cơ thể, và tất cả những ai khai mình đang có bệnh đều chưa được chú ý tới 10 phút thì đã được ghi: "dùng được". Khi người ta xua chúng tôi, 2000 người khả dụng ấy, từ chỗ chỉ huy quân sự tới trại lính, dọc đường, một đám đông có lẽ đứng dài gần một vecxta - hàng nghìn người thân, những bà mẹ, những người vợ bế con trên tay, và giá như ông được nghe và nhìn thấy họ bám chặt những người cha, những người chồng, những người con mà lê đi trên cổ họ và nức nở đầy tuyệt vọng như thế nào. Nói chung, tôi biết giữ mình điềm tĩnh và làm chủ tình cảm của bản thân, nhưng tôi đã không nén nổi và cũng khóc như họ..." (trong ngôn ngữ báo chí, điều ấy được diễn tả thế này: khí thế ái quốc ngút trời). "Lấy thước đo ở đâu để đo nỗi đau khổ chung mà bây giờ đang trải ra có dễ phải gần một phần ba trái đất kia? Còn chúng tôi, bây giờ chúng tôi là những bia thịt mà sắp tới người ta sẽ nhanh chóng giương lên làm vật hiến sinh cho vị thần của sự báo thù và sự khiếp đảm...
Tôi không sao tạo được sự ổn định nội tâm. Trời ơi, tôi căm thù bản thân biết dường nào vì sự hai lòng đang ngăn trở tôi phụng sự một ông chủ và một Chúa Trời...".
Con người ấy vẫn chưa đủ tin, rằng điều đáng sợ không phải là điều huỷ hoại thân xác, mà là điều huỷ hoại cả thân xác và tâm hồn, chính vì thế, anh ta không thể cự tuyệt; nhưng, khi bỏ lại gia đình, anh ta đã hứa trước, vì anh sẽ không một gia đình Nhật Bản nào trở thành cô quả. Anh ta tin vào luật cơ bản của Chúa Trời, luật của mọi tôn giáo: hãy đối xử với người như mình muốn người đối xử với mình. Và ở thời đại chúng ta, chẳng riêng trong thế giới Kitô giáo, mà còn cả trong thế giới Phật giáo, Khổng giáo, Hindu giáo, không chỉ hàng nghìn, mà phải có hàng triệu người thừa nhận đạo luật ấy một cách ít nhiều có ý thức .
Vẫn có những anh hùng chân chính - đó không phải là những người bây giờ đang được tuyên dương vì họ muốn giết người khác còn bản thân lại không bị giết, mà là những anh hùng chân chính hiện đang ngồi trong khắp các nhà tù ở tỉnh Jakut vì họ cự tuyệt thẳng thừng gia nhập hàng ngũ những kẻ giết người và thà tuẫn nạn còn hơn thoái nhượng giáo luật của Đức Kitô. Có những người như người viết thư cho tôi thuộc loại tuy cũng đi, nhưng sẽ không giết người. Nhưng chính cái đại đa số những người hiện đang đi, tuy không nghĩ, cố không nghĩ về những gì họ đang làm, từ đáy lòng giờ đã cảm thấy, rằng mình đang làm một việc xấu xa, tuy phải tuân lệnh các cấp chính quyền từng li gián họ với lao động và gia đình và đẩy họ vào cảnh chém giết vô ích trái với lương tâm và tín ngưỡng của họ, nhưng họ đi chỉ bởi vì họ ràng buộc tứ phía, vì "biết trốn vào đâu bây giờ?".
Những người còn lại không chỉ cảm thấy, mà còn biết và bày tỏ điều đó. Hôm qua tôi đã gặp trên đường cái những người nông dân trở về từ Tula đi bộ bên cạnh chiếc xe trống rỗng. Một người trong số họ đọc mẩu giấy lúc đi cạnh cỗ xe ngựa thồ.
Tôi hỏi:
- Gì đấy, điện báo à?
Anh ta dừng lại.
- Đây là bức hôm qua, có cả một bức hôm nay nữa.
Anh ta lấy trong túi ra một bức điện khác. Chúng tôi dừng lại. Tôi đọc.
- Chuyện xẩy ra ngoài ga hôm qua khủng khiếp quá,- anh ta bắt đầu nói. Những người vợ, trẻ em, hơn nghìn người; gào khóc rầm trời, họ vây quanh tàu hoả, không thả. Cả những người lạ nhìn thấy thế cũng khóc. Một người đàn bà Tula ối lên một tiếng rồi chết ngay; có năm đứa con. Người ta nhét chúng vào các trại tế bần, mà vẫn xua anh ta cho kì bằng được... Nhưng cái Mãn Châu lí nào đó thì chúng ta cần làm gì mới được chứ? Đất của mình thì chán vạn. Vậy mà giết dân và hoang phí tiền bạc để làm gì...
Đúng là bây giờ thái độ của nhân dân với chiến tranh đã hoàn toàn khác so với thái độ trước kia, thậm chí cách đây không lâu, mới năm 77. Chưa bao giờ xẩy ra những chuyện giống như hiện nay.
Nhiều tờ báo viết rằng, trong các cuộc tiếp đơn Sa hoàng hiện đang đi khắp nước Nga để thôi miên những kẻ được đưa đi giết, trong dân chúng luôn biểu lộ một niềm hoan hỉ khôn tả xiết. Nhưng kì thực, điều được biểu lộ lại hoàn toàn khác. Đâu đâu cũng nghe thấy những câu chuyện về việc chỗ kia có ba tay, chỗ nọ lại có hai tay lính dự bị, được gọi nhập ngũ, bị treo cổ thế nào, ở chỗ khác người đàn bà mất chồng chỉ còn lại một mình đã mang con tới chỗ tập trung binh lính và bỏ chúng lại đấy, còn người đàn bà khác thì treo cổ tự vẫn ngay trong sân nhà chỉ huy quân sự. Tất cả đều bất bình, rầu rĩ, căm uất. Những lời: "vì đạo, vì Sa Hoàng và Tổ quốc", những bài quốc ca và tiếng reo "ura" hoàn toàn không còn tác động tới dân chúng: một làn sóng khác, trái ngược, do nhận thức được sự lừa gạt và tính tội lỗi của công việc mà mọi người được hô hào tham gia, đang bao trùm tnhân dân càng ngày càng rộng lớn hơn.
Đúng, cuộc đấu tranh vĩ đại của thời đại chúng ta không phải là cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa người Nhật và người Nga, hoặc là cuộc đấu tranh có thể được châm ngòi giữa các chủng tộc da trắng và da vàng, cũng không phải là cuộc đấu tranh được tiến hành bằng bom, mìn, súng đạn, mà là cuộc đấu tranh tinh thần, một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ, đã diễn ra và bây giờ đang diễn ra giữa tâm thức được khai minh và sẵn sàng biểu lộ của nhân loại và cái bóng tối cùng sức nặng đang bao vây và bóp nghẹt nó.
Khi xưa, khắc khoải vì chờ đợi, Đức Kitô từng nói: "Ta đã đến mang lửa xuốngôcĩ trần, và ta muốn sao cho nó bùng lên" (Luc XII, 49.).
Điều Đức Kitô trông đợi đang được thực hiện. Lửaânng bùng cháy. Chúng ta sẽ không chống cự, mà sẽ phụng sự Người.
30 tháng Tư năm 1904
Tôi sẽ chẳng bao giờ kết thúc được bài báo về chiến tranh của mình, nếu tiếp tục đưa thêm vào đó tất cả những gì xác nhận tư tưởng then chốt của nó. Hôm qua nhận được tin tức về những thiết giáp hạm của quân Nhật bị đánh đắm, và trong các giới được gọi là chóp bu của xã hội quyền quý, giàu sang, trí thức Nga, người ta hân hoan không một chút liêm sỉ vì cái chết của hàng nghìn mạng người. Ngay hôm nay tôi nhận được từ anh thuỷ thủ binh nhì, người đứng ở bậc thang thấp nhất của xã hội, một lá thư như sau:
"Thư của một thuỷ thủ (sau đó là tên, phụ danh và họ). Xin chào Lev Nikolaevich vô cùng kính mến và gửi tới Ông lòng quý trọng vô hạn lời chào chân thành với tình yêu Lev nikolaevich vô cùng kính mến Như vậy tôi đã đọc tháng tác của ông nó với tui đọc rất Dễ chịu rất thích Đã đọc tháng tác của ông như vậy Lev nikolaievich bây giờ chỗ chúng tôi có chò chiến tranh vậy hãy nàm ơn Viết nó cho Tôi có Hợp ý Chúa hay không khi thượng cấp bắt trúng tôi giết người tôi Xin Ông lev nikolaevich nàm ơn Hãy viết cho tui bây giờ trên đời có Chân lí hay không Lev nikolaevích ở chỗ chúng tôi trong nhà thờ Nàm Nễ Cầu nguyện Ninh mục nói Kitô thích việc chiến chanh điều đó Đúng hay không rằng Chú Sời yêu thích chiến tranh tôi Sin ông lev nikolaevich ông có hay không những cuển sách để thấy trên đời có Trân lí hay không Hãy Gửi cho tôi những cuển sách như thế hết bao nhiêu tiền tôi cũng trả tôi Xin ông lev nikolaevich đừng gác nại yêu cầu của tôi khi nào có sách thì gửi thư cho Tôi tôi Sẽ rất vui nhận được Thư của ông tôi sẽ Lóng Nòng chờ của ông Bây giờ chào tạm biệt ông tôi vẫn sống cầu Chúa Chời cho ông sức khoẻ dồi dào trong mọi việc của ông đạt được kết quả tốt".
Sau đó là địa chỉ: Lữ Thuận Khẩu, tên thiết hạm mà người viết thư đang phục vụ, chức vụ, tên, phụ danh, họ.
Tôi không thể trực tiếp dùng chữ nghĩa để trả lời con người đáng yêu, nghiêm túc và đúng là đã được khai minh. Anh ta ở Lữ Thuận Khẩu, hoàn toàn không thể liện lạc với anh ta cả bằng thư lẫn điện tín. Nhưng dẫu sao chúng ta vẫn có phương tiện giao tiếp với anh ấy. Phương tiện ấy là Chúa Trời mà cả hai cùng tin và nhờ Người cả hai chúng tôi đều biết, rằng "trò" chiến tranh không hợp với anh ta.
Và sự hoải nghi ấy đã xuất hiện và bây giờ đang sống trong tâm hồn hàng nghìn, hàng vạn người, không riêng người Nga và không chỉ người Nhật, mà còn tất cả những người bất hạnh, những ai bằng bạo lực bị buộc phải làm một công việc hoàn toàn trái với bản tính con người.
Phép thôi miên mà người ta từng sử dụng để làm ngu và hiện đang dùng để làm dân chúng, chẳng bao lâu nữa sẽ mất thiêng, và tác dụng của nó ngày càng yếu hơn, yếu hơn nữa; sự hoài nghi với việc "có hợp ý Chúa hay không khi thượng cấp bắt chúng tôi giết người" ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn nữa, không gì có thể xua tan được và càng ngày càng lan rộng.
Mối hoài nghi thượng cấp buộc chúng tôi giết người liệu có hợp với ý Chúa hay không là tia sáng của ngọn lửa mà Đức Kitô đã đưa xuống trần thế và bắt đầu bùng cháy.
Biết được và cảm thấy điều đó là niềm vui sướng lớn lao.
8 tháng Năm 1904
Lã Nguyên dịch
(L.Tolstoi.- Toàn tập, t.36, tr. 100-148)
Helmuth Karl Bernhard von Moltke (1800 - 1891): Người Đức, Bá tước (1870), Tướng - Thống chế (1871), lí luận gia quân sự, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu, chỉ huy các cuộc chiến tranh với Đan Mạch, Áo, Pháp (1858 -1888).- ND
Theo sáng kiến của Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị (1868-1918), ngày 18 tháng 5 năm 1899, một Hội nghị được tổ chức tại Den Haag, thủ phủ của một tỉnh phía Nam Hà Lan. Tham gia Hội nghị gồm đại diện của 26 quốc gia của châu Âu, châu Á và châu Phi. Hội thương có tên gọi là “Vì hoà bình”, bởi nhiệm vụ chính của những người tham gia là tìm giải pháp hạn chế vũ trang và bảo đảm một nền hoà bình bền vững. Tuy không đạt được kết quả cụ thể trong việc hạn chế vũ trang, nhưng hội thương đã thông qua 3 hiệp ước quan trọng: Về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng con đường hoà bình, Về pháp lệnh và luật lệ của chiến tranh trên bộ, Về việc áp dụng Hiệp định Genève về thương, bệnh binh trong chiến tranh đường thuỷ.- ND
Joseph de Maistre (1753 -1821): Nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Pháp. Quan điểm chính trị và triết học của Maistre được trình bày trong cuốn Suy ngấm về nước Pháp (Considérations sur la France, 1796). Ông đưa ra tư tưởng về vai trò có tính thiên mệnh của nước Pháp đối với số phận toàn nhân loại. Maistre xem cách mạng là thử thách được trao cho nước Pháp, nước Pháp phải tiến hành trừng phạt để nhân loại trở nên trong sạch hơn, tốt đẹp hơn.- ND
Mikhain Syrian (1126-1199): Giáo chủ Nhà thờ Chính thống giáo Syri (1166 - 1199), tác giả công trình Biên niên sử đầy đủ, chi tiết nhất về thời trung đại được viết bằng tiếng Syri.- ND
Muraviёv Nicolai Valerianovich (1850-1908): Nhà hoạt động Quốc gia, Bộ Trưởng bộ Tư pháp và Tổng Biện lí của đế quốc Nga (1894-1905).- ND.
Friedrich Fromhold Martens (1845-1909): Luật sư, nhà hoạt động quốc tế, nhà ngoại giao, Uỷ viên Hội đồng Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Nga (từ 1881).- ND
Những câu hỏi cho Bách khoa thư, do những người nghiệp dư soạn, mục "Chế độ nô lệ" (tiếng Pháp).-ND
Assyria: Một quốc gia cổ nằm ở phía bắc vùng Lưỡng Hà (giữa sông Tigris và sông Euphrates, lãnh thổ của Irac ngày nay), tồn tại gần 1000 năm, từ thế kỉ XVII đến thế kỉ VII (quãng năm 609) trước công nguyên.- ND.
Joseph de Maistre (1753-1821): Nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Pháp.- ND
Eugène-Melchior de Vogüé (1848-1910): Nhà ngoại giao, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học người Pháp.- ND
Ferdinand Brunetière (1849-1906): Nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu lịch sử và lí luận văn học người Pháp.- ND
Tức là cuộc chiến tranh Anh - Boeren lần thứ hai 1899 -1902, do Anh châm ngòi (chống lại các nước cộng hoà Boeren, gồm Cộng hoà Nam Phi (Transvaal) và Quốc gia Tự do Oranje) và kết thúc bằng thắng lợi của Anh quốc.- ND
Người theo đạo Zôrôát.- ND.
Hãy dám làm người sáng suốt (La Tinh).
Lữ Thuận Khẩu vốn thuộc đất Mãn Châu (phương Tây gọi là Cảng Arthur, Port - Arthur, ngày nay thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) là nơi xẩy ra trận đánh lớn trên bộ giữa quân đội Nhật Bản và quân Nhà Thanh vào ngày 21 tháng 11 năm 1894, trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (1894-1895). Trong hai ngày 8 và 9 tháng 2 năm 1904, tại Lữ Thuận Khẩu lại xẩy ra cuộc hải chiến giữa hải quân Đế quốc Nga và hải quân đế quốc Nhật. Đây là trân mở đầu cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905- ND
Tiếng Nga: "духобор", chỉ tín đồ của một giáo phái ở thế kỉ XVIII, chống lại Chính thống giáo ở Nga.- ND
Tiếng Nga: "Назарены", tên những người đầu tiên theo đạo Kitô.- ND.
[- Thưa ngài nguyên soái, với những điều kiện như thế, sẽ hoàn toàn không thể có chuyện nhân dân Ba Lan đồng ý tiếp nhận tuyên ngôn này.
- Xin hãy tin, Hoàng thượng sẽ không nhượng bộ đâu.
- Vậy nên tôi đã thấy trước, chẳng may có chiến tranh, sẽ có nhiều máu phải đổ, nhiều nạn nhân bất hạnh.
- Ngài chẳng nên nghĩ thế, cả đôi bên sẽ chết nhiều nhất là 10 000 người, tất cả chỉ thế thôi]
Vylezenski từ phía mình đã bổ sung: "Vậy là thống chế không nghĩ tới việc là trong cuộc chiến này, riêng người Nga sẽ chết hơn 60 000, không chỉ vì lửa đạn, mà chủ yếu vì bệnh tật, và chính ông ấy sẽ ở trong số đó".
Hans Karl Friedrich Anton von Diebitsch (1785 - 1831): Người Đức, năm 1801 đến Nga, về sau mang quốc tịch Nga và trở thành Tướng - Thống chế của Nga, từ tháng 12 năm 1830 là Chỉ huy trưởng các binh đoàn có nhiệm vụ trấn áp cuộc khởi nghĩa Ba Lan 1830-1831. L.Tolstoi giễu Diebitsch khi ông ta phát âm các chữ "d"("dix"), "v"("voilà"), "t"("tout") trong tiếng Pháp thành "t" ("tis"), "f" ("foilà"), "d" ("dout") theo thổ âm tiếng Đức- ND.
Nikolai Pavlovich, hay Nikolai I (1796-1855): Hoàng đế Nga từ tháng 12/1825 đến tháng 2/1855. ND.
Nikolai II (Nikolai Aleksandrovich Romanov - 1868 - 1918): Hoàng đế cuối cùng của Nga.-ND
Kuporatkin Aleksei Nikolaevich (1848 - 1925): Tướng - tuỳ tùng.- ND
Makarov Stepan Osipovich (sinh năm:1848): Phó đô đốc, tư lệnh hải quân Nga, nhà hải dương học, tử nạn gần Lữ Thuận Khẩu ngày 31/3(13/4)/1904.- ND.
Tước vị cổ xưa nhất của người đứng đầu giới quý tộc tối cao ở Nhật Bản. Thời xưa, nó cũng là thuật ngữ được sử dụng để chỉ nhà vua, cung thất của vua, triều đình và thậm chí cả nhà nước nữa.- ND
Trong bài này có nói: "Cõi tam sinh thuộc về ta. Vạn vật trong cõi ấy là các con ta...Tất thảy vạn hữu chỉ là hình ảnh cái Bản Ngã của ta. Vạn hữu cùng chung một gốc... Mọi phần của thân thể ta. Cho nên, chừng nào còn một phần nhỏ nhất của tồn tại vẫn chưa nhập vào chức phận của mình,
ta vẫn còn chưa thể bình tâm.
Thái độ của Đức Phật với vũ trụ là như thế, và chúng ta, những môn đồ khiêm nhường của Ngài, phải đi theo con đường của Ngài.
Tại sao chúng ta phải giao chiến?
Vì vũ trụ chưa phải là cái như nó cần phải có, vì có những sinh thể đoạ lạc, những tư tưởng giả dối, những con tim nhằm hướng tồi tệ, hậu quả của tính chủ quan vô minh. Chính vì thế các Phật tử chẳng bao giờ ngưng giao chiến với tất cả những sản phẩm của sự vô minh, và cuộc giao chiến của họ sẽ tiếp diễn cho đến chỗ tận cùng cay đắng (to the bitter end). Họ sẽ không mở lượng khoan hồng (They will show no quater). Họ sẽ diệt trừ mọi căn nguyên sinh ra những bất hạnh trên đời.
Để đạt được điều ấy, họ không xót thương cuộc sống của mình".
Sau đó, cũng như ở ta, là những lời bàn luận rối rắm về từ bi, hỉ xả, về vòng luân hồi của linh hồn và nhiều thứ khác, tất cả chỉ là để che khuất điều răn giản dị và sáng tỏ không sát sinh của Đức Phật.
Đoạn tiếp theo nói: "Nắm tay giơ lên để đấm, và con mắt nhắm tìm đích, những việc ấy không thuộc về cá nhân, mà chính là những vũ khí được sử dụng bởi cái Căn Nguyên ngự ở nơi cao hơn cuộc sống phù vân" v.v...(:The Open Court", May, 1904, Buddhis Views of War. The Right Rev. Soyen Shaku).- Chú thích của L.Tolstoi.
Dặm Nga, đơn vị đo chiều dài cũ, bằng 1,06 km.- ND
Trong nguyên bản, lá thư này từ đầu đến cuối không có đấu ngắt câu, có rất nhiều lỗi chính tả, dùng từ. Khi dịch, chúng tôi chỉ có thể chuyển các lỗi ấy sang tiếng Việt một cách tương đối. Những chữ chúng tôi in nghiêng là những có lỗi.- ND