Những góc nhìn Văn hoá

Văn Như Cương và bạn bè

Nhà giáo Văn Như Cương (thứ hai từ phải sang) và bạn bè tại sân thơ Văn Miếu Tết 2014

Với mỗi con người, nhất là những người được xem là thành đạt ở một lĩnh vực nào đấy, bạn bè bao giờ cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hai chữ “bạn bè” đối với Nhà giáo Văn Như Cương cũng cần được hiểu sống động và cụ thể trong các mối quan hệ với những người cùng quê, cùng thế hệ, cùng nghề nghiệp, cùng sở thích… và cùng có nhiều thời gian ở bên nhau.

Tôi hiểu, khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của mỗi con người, không thể không nói tới quan hệ bạn bè của người đó. Với Nhà giáo Văn Như Cương, bạn bè có vai trò rất lớn trong cuộc đời ông. Là người con của Làng Quỳnh, ông có quan hệ rất rộng rãi và thân thiết với nhiều người. Điều này có được vì ông là người nhân ái, tốt bụng, có sức lan tỏa và thu hút. Trong khi đó, có nhiều người cho là may mắn, hạnh phúc khi được thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với ông. Do vậy, bạn bè của thầy Cương rất nhiều và rất đa dạng. Mỗi một tuyến bạn bè đều có những đóng góp có ý nghĩa đối với đời sống tình cảm cũng như công việc của thầy Cương. Tìm hiểu về thầy, tôi thấy đây là vấn đề lớn, có giá trị và rất thú vị.

NHỮNG NGƯỜI BẠN CÙNG THẾ HỆ Ở LÀNG QUỲNH

Nhưng thật khó cho tác giả khi viết về những người bạn cùng thế hệ với Nhà giáo Văn Như Cương vì tác giả kém thầy Cương gần 20 tuổi. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm quen biết, trò chuyện với thầy Cương, tác giả cũng hiểu được bạn bè đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Lục tìm trong trí nhớ, lần giở các trang viết, bạn bè của Nhà giáo Văn Như Cương hiện ra đông đảo, phong phú, đa dạng, đa sắc thái…

Trước hết, ông Văn Như Cương cũng như tất cả mọi người, đều có những người bạn cùng lứa tuổi, cùng làng. Làng Quỳnh Đôi là một làng đặc biệt nên quan hệ bạn bè của những người cùng lứa cũng có cái gì đó rất đặc biệt. Một phần rất lớn những người sinh ra ở Làng Quỳnh đều ra đi và lập nghiệp ở những nơi khác. Theo thống kê sơ bộ, ngay tại Thủ đô Hà Nội vào thời điểm này, cũng có tới hàng ngàn người Quỳnh Đôi sinh sống và làm việc. Mở rộng ra địa bàn cả nước, con số đó lớn lắm. Những người làng Quỳnh cùng thế hệ (hơn kém nhau trong vòng 10 tuổi) thường biết nhau và nhớ nhau; song để trở thành bạn bè, họ phải có nhiều kỷ niệm, thường xuyên gặp gỡ nhau, có cái gì đấy chung. Để nói về những người bạn cùng làng, cùng thế hệ với Nhà giáo Văn Như Cương, tốt nhất là nói về những người có cái chung đó là yêu thích văn chương và làm thơ. Đây cũng chính là một trong những loại “đặc sản” của Làng Quỳnh.

Khi tuổi đã xế chiều, để ghi lại những kỷ niệm với bạn bè ở nơi mình đã sinh ra, lớn lên và tỏa đi khắp mọi miền đất nước, thầy Văn Như Cương và những người bạn cùng xóm của mình quyết định in chung một tập thơ có tên là “Xóm Điếm”. Vào năm 2012, khi tập thơ này ra mắt bạn đọc, nó đã khuấy đảo đời sống văn chương không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, mà còn ở Nghệ An và nhiều nơi khác. Sở dĩ điều này xẩy ra vì những người góp mặt trong tập thơ đều là những người sinh ra và lớn lên trong một xóm của xã Quỳnh Đôi. Hơn nữa, ở một phương diện nào đấy, họ là những người nổi tiếng. Thêm vào đó, tập thơ cũng có những điều khá đặc biệt.

Trước hết, người ta tranh cãi về tên “Xóm Điếm” của tập thơ. Ngay từ khi biên tập, những người có trách nhiệm đã đề nghị lấy một cái tên khác cho tập thơ vì cái tên này gợi lên điều gì đó không tốt. Song, các tác giả, đặc biệt là thầy Văn Như Cương đã không đồng ý. Lý do đơn giản vì Xóm Điếm là nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Ở xã Quỳnh Đôi có nhiều xóm với những cái tên Xóm Ao, Xóm Đình, Xóm Bà Cả, Xóm Chợ Nồi,… và Xóm Điếm. Xóm Điếm là địa danh từ xa xưa của một cái xóm nhỏ có điếm (lều, nhà nhỏ) canh để đề phòng những bất trắc xẩy ra. Cả năm nhà thơ đều sinh ra và lớn lên ở đây nên họ lấy tên xóm làm tên tập thơ thì đúng quá rồi! Và năm nhà thơ này là những người bạn cùng xóm của thầy Văn Như Cương. Đó là các nhà thơ Dương Huy, Hồ Phi Phục, Dương Danh Dũng, Lam Giang. Đừng quên, đây là những người cùng làng của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương! Các nhà thơ đàn ông này sinh ra và lớn lên sau bà chúa thơ Nôm những 3 thế kỷ nhưng họ vẫn có một cái gì đây rất chung đầy chất Làng Quỳnh.

Ông Dương Danh Dũng sinh năm 1948, đã từng ở trong quân ngũ nhiều năm, tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Sau chiến tranh, ông là kỹ sư cầu đường. Ông đã từng giữ chức Tổng Giám đốc một đơn vị giao thông lừng danh - Cienco 4; nhưng thơ và truyền thống của làng, bạn cùng làng vẫn chiếm chỗ trang trọng nhất trong tâm hồn ông. Ông đã xuất bản 8 tập thơ, được 3 giải thưởng về thơ. Với những người làm thơ ở Làng Quỳnh, Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương luôn luôn vẫy gọi họ nghĩ, viết. Nhà thơ Dương Danh Dũng viết: “Vinh quy chỉ một tấm bia/Hồn thiêng nữ sỹ đã chia phương nào...”. Với nhiều người Làng Quỳnh, đây là câu thơ động đến tận ruột gan vì nhiều người trong số họ sống xa quê.

Những chàng trai xa quê, nhớ quê và không bao giờ quên những người con gái cùng làng. Ông Dương Danh Dũng cũng không phải là ngoại lệ nên ông viết: “Anh vẫn chưa về em đợi mãi/Đồng trơ gốc rạ nhện giăng sương”. Chỉ một câu thơ đơn giản như vậy thôi cũng đã thấy thần thái của Làng Quỳnh rồi.

Có một điều cũng hơi lạ là ngoài đời, chẳng thấy người đàn ông Dương Danh Dũng buồn bao giờ vì ông được xem là người thành đạt. Ông lại hào hoa, lãng tử, được bạn bè quý trọng, vậy việc gì phải buồn?!. Ấy thế nhưng trong thơ, lại thấy ông là người cả nghĩ, cả lo, nặng nợ với đời, với quê. Chiến tranh đã làm lính chiến luôn đau đáu nhớ quê nhà: “Cứ mỗi lúc vào sâu trận đánh - Lại mơ về mái lá vườn rau”. Cái hồn Làng Quỳnh theo ông, gắn với ông mật thiết để ông khi nào cũng nhớ, cũng nghĩ về quê nên viết được những câu thơ có sức lay động: “Lội qua ruộng lác, đồng năn/Gặp con bìm bịp đang nằm ngủ trưa”. Cái Làng Quỳnh nổi tiếng của ông, oai hùng là vậy nhưng ông vẫn nhìn ra nỗi vất vả vốn phổ biến ở các làng quê miền Trung, nhất là với những người cao tuổi: “Tóc xanh gửi hết cho đời/Bây giờ đầu bạc còn ngồi bán rau”. Chính cách nhìn nhận cuộc đời theo cách đầy cảm thông này mà ông Dương Danh Dũng là bạn bè thân thiết với thầy Văn Như Cương. Ở các ông, tình yêu làng quê vô cùng sâu sắc.

Cũng là người lính làm thơ, và cùng thế hệ, Nhà thơ Lam Giang (tên thật là Hồ Sỹ Thành, sinh năm 1946) cũng có tâm thế gần giống ông Dương Danh Dũng. Ông khôn nguôi nhớ về làng quê nên trong thơ ông hình bóng quê nhà hiện lên rất rõ. Nhà thơ Nguyễn Trong Tạo nói, Làng Quỳnh như có phép màu với Lam Giang, biến ông từ một người lính thành một nhà thơ. Quả là phải yêu Làng Quỳnh, hiểu Làng Quỳnh lắm mới viết được: “Với con đẹp nhất quê mình/Có hòn lèn Bảng, có hình hòn Nghiên/Đất văn hiến, mãi lưu truyền/Xuân Hương nữ sỹ tuổi tên lẫy lừng”.

Ở đây xin đưa lại ý kiến của bạn bè là nhà thơ, nhà phê bình văn học nói về Nhà thơ Lam Giang. Ông Hồ Sĩ Thành lấy tên dòng sông lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Nghệ An làm bút danh. Chính cái bút danh này báo hiệu cho một chuyến đi xa hun hút của người thơ. Điều đó đã nghiệm đúng vào cuộc đời ông - người lính, nhà thơ Lam Giang. Người lính từ quê nhà hành quân dọc 10 năm tuổi trẻ qua chiến trận để đậu lại nơi “hòn ngọc Viễn Đông” sau ngày 30 tháng Tư đầy máu, nước mắt và nụ cười. Thơ của Lam Giang cũng xuất hiện trên báo chí trong cuộc hành quân đằng đẵng ấy. Thơ viết về lính, viết về mặt trận, viết về chiến thắng và thơ viết về quê. Giấc mơ quê luôn ẩn hiện trong tâm hồn người lính với ngày trở về ăm ắp niềm vui, nhưng với Lam Giang, anh đã phải xa quê biền biệt.

Thành phố Hồ Chí Minh đã thành quê thứ hai của anh. Xa ngái như vậy nên thỉnh thoảng anh mới có dịp về thăm quê cha đất tổ. Có lẽ nhờ thế mà anh viết được nhiều bài thơ khi trở lại quê nhà với cảm xúc dồn nén. Có lẽ tính anh không cầu kỳ kiểu cách nên thơ anh khá mộc mạc, dung dị. Một người lính từng trải nơi đạn lửa bỗng làm ta xúc động khi nép mình vào tuổi thơ xa lắc để xác tín mình là đứa con bé nhỏ của quê hương: “Em ơi, có một gã chăn bò rưng rưng mắt/Nơi góc làng tha thẩn chiều nay/Cả mùi hương đọng từ gan ruột/Đang lần theo dấu cỏ về đây…”.

Con người Lam Giang đúng như bài thơ anh đã viết tặng chính mình: “Đam mê nặng nợ giấy nghiên/Làm thơ làm lính đâu phiền lụy ai”. Vậy mà nhà thơ đã phiền lụy nỗi đau và thấy mình nặng nợ với cuộc đời này. Đó cũng là tấm lòng nhân văn của nhà thơ vậy (Nguyễn Trọng Tạo). Điều này đồng cảm với Nhà giáo Văn Như Cương nên khi các ông gặp nhau là hòa vào nhau. Các ông tìm thấy ở nhau sự đồng điệu, cái trục chính của cảm xúc vẫn là Làng Quỳnh.

Nhà thơ Dương Huy, tên thật là Phạm Huy Hương, sinh 1939. Ông là người viết báo, làm thơ chuyên nghiệp, đã từng là Quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An -Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam. Ông viết nhiều, đã xuất bản 13 tác phẩm thơ thiếu nhi và châm biếm - 5 giải thưởng thơ. Đúng là với các nhà thơ của Xóm Điếm, Làng Quỳnh khi nào cũng xôn xao, trăn trở, in đậm trong thơ của họ.

Rất nhiều người yêu thơ của Nhà thơ Dương Huy. Trong đó tôi thấy tác giả Thùy Vinh có những bài viết rất tâm đắc về con người và thơ Dương Huy. Do vậy, xin phép Thùy Vinh, phần nói về Nhà thơ Dương Huy trong quyển sách này, xin lấy lại ý kiến của một số nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, trong đó chủ yếu là nhận xét, đánh giá của Thùy Vinh.

Đối với những người làm báo Nghệ An, Dương Huy là đồng nghiệp, là người cha, người chú; ông gần gũi, thiết thân. Ông không chỉ là nhà báo thế hệ đầu tiên của báo Nghệ An mà còn là một nhà thơ viết cho thiếu nhi nổi danh.

Dương Huy làm báo nhưng lại nặng nghiệp thơ. Ông làm thơ trào phúng châm chọc thói hư tật xấu. Ông làm thơ cho thiếu nhi. Và làm thơ trữ tình. Nhưng nhiều nhất là thơ trào phúng. Ông đã cho in hơn 1.000 bài thơ trào phúng trên báo và xuất bản thành sách. Thơ thiếu nhi của ông ngộ nghĩnh nhờ những quan sát bằng đôi mắt hóm hỉnh, trẻ thơ; và thường là để trả lời những câu hỏi làm khó cho người lớn. Ta thấy trong thơ ông một tâm hồn thật trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời với những phát hiện nhiều khi bất ngờ và độc đáo.

Vậy mà, ông bắt đầu với thơ thiếu nhi muộn hơn cả so với những “mảng” đề tài, thể loại khác của mình. Dương Huy kể rằng, ông đã bắt đầu con đường văn chương của mình bằng…ca dao. Ấy là năm ông ở quê, làm Đoàn trong Văn phòng Ủy ban xã. 16 tuổi, Dương Huy đã sáng tác những bài ca dao cổ vũ phong trào sản xuất, động viên bà con trong hợp tác xã. Năm 1957, ông được đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất. Đó cũng là lần một anh nhà quê nông dân chính gốc được gặp gỡ, ở cùng với những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên…

Ông nói rằng, không phải ngẫu nhiên mà ông biết sáng tác. Dương Huy sinh ra trong gia đình mà cha là ông đồ chuyên đi dạy học và rất hay làm thơ. Mẹ là người phụ nữ chăm nghề canh cửi, không biết làm thơ nhưng lại thuộc rất nhiều thơ. Những điều này của Dương Huy gần như “trùng khít” với hoàn cảnh của Văn Như Cương. Vì vậy, hai ông thân nhau, tìm thấy ở nhau những giá trị quý giá là điều dễ hiểu. Một đặc điểm nữa khiến hai ông thân nhau là thầy Văn Như Cương cũng rất yêu trẻ con. Đây chính là tình yêu mặn nồng dành cho lứa tuổi học trò của một người suốt đời gắn bó với mái trường.

Ông Hồ Phi Phục là người đồng niên với thầy giáo Văn Như Cương, sinh 1937. Ông vốn cũng là một kỹ sư, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Thủ đô Hà Nội. Sau đấy ông chuyển về quê công tác, là Bí thư Huyện ủy huyện Quỳnh Lưu, rồi làm Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An. Ông được cho là một người chín chắn, thâm trầm, luôn luôn trăn trở trước những vấn đề của thời cuộc. Ông đã xuất bản 4 tập thơ và có giải thưởng thơ của Tuần báo Văn nghệ 1988-2000. Ngoài ra, ông viết văn xuôi và đã làm tuyển tập “Kỷ niệm văn chương”. Cũng như tất cả những người bạn cùng làng, dù đi đâu, làm gì thì Quỳnh Đôi vẫn canh cánh trong ông: “Bốn lũy tre làng/Đi biệt tăm/Mang theo khung cửi và chày giã lụa/Mang theo chữ Nho/Của thầy đồ của ngàn người đậu đạt”.

Hồ Phi Phục có một giọng thơ phảng phất triết học về Cái Đẹp. Một giọng thơ vừa xa xôi vừa gần gũi, mà khó nắm bắt. Mỗi lần đọc thơ ông là thêm một lần khám phá những vỉa tầng thoắt ẩn thoắt hiện, không hiểu là bóng hay là hình. Có khi hình hóa bóng. Có khi bóng hóa hình. Nó vừa là hoa. Nó lại cũng là hương. Và Cái Đẹp cũng là vậy hoặc gần như vậy.

Ở bài thơ nào cũng hiện lên bóng hình Cái Đẹp mà nhà thơ vừa run rẩy đón nhận, vừa hoảng hốt sợ đánh rơi. Nhưng Cái Đẹp với ông như là đã mất, và chỉ có ở tương lai hoặc trong quá khứ. Xuyên suốt thơ ông đồng vọng một chữ “hoài”. Đó là sự hoài vọng hay là nỗi hoài nghi cứ canh cánh bên lòng về Cái Đẹp.

Tất nhiên là Cái Đẹp không bao giờ biến mất hoàn toàn trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong lòng người. Nhưng Cái Đẹp lý tưởng bao giờ cũng khó đạt tới, nó là trò chơi trốn tìm không bao giờ kết thúc. Hồ Phi Phục biết rõ điều đó, nhưng anh là một nhà thơ đau đáu tư duy triết học nên không ngại ngần mổ xẻ sự vật nhằm cứu rỗi chính mình. Anh tìm Cái Đẹp từ trong lũy tre làng đến ngọn sóng Bãi Ngang, từ hang động Phong Nha đến bạt ngàn rừng chết, từ người danh ca đến nhà họa sĩ, từ cậu bé săn hươu đến những nhà thơ, từ lòng hồ đến bầu trời sấm sét, từ ngày lại ngày đến thời gian vĩnh cửu… và trong cả những nhà triết học cổ kim. Nghĩa là ông đi tìm Cái Đẹp trong chính cuộc sống biến động quanh mình. Và ông đã nhận ra nhiều điều bình thường cao thượng:

Làm một hành trình đi tìm Cái Đẹp thật không đơn giản. Nhiều khi chỉ “Thấy một vòng đi ám ảnh bước chân về”, nhưng với Hồ Phi Phục, ông vẫn kiên trì trên con đường chinh phục chính mình dù chỉ phát hiện ra cái ổ mối chân đê hay những bài thơ sọt rác để reo vang hồi còi báo động trước con người.Thơ Hồ Phi Phục tạo được sự khác biệt, ám ảnh người đọc. Cũng như ngoài đời ông cũng có sự khác biệt mà ít ai ngờ tới. Ông lặng lẽ hướng tâm vào thơ, nhưng được mời vào Hội Nhà Văn Việt Nam trong khi có nhiều người đua chen thì ông lại cám ơn và từ chối. Điều này phản ánh đúng tình chất con người ông: Ông không chuộng hình thức, không chuộng danh. Có lẽ điều này ở Hồ Phi Phục khiến Nhà giáo Văn Như Cương thấy đồng cảm và nể trọng. Thầy Văn Như Cương cả một đời dạy học nhưng ông không có danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân. Điều đáng nói là chẳng bao giờ ông băn khoăn về điều này cả. Vì vậy, hai ông Hồ Phi Phục và Văn Như Cương có rất nhiều sự đồng cảm, đồng điệu nên họ là bạn bè của nhau thôi. Tôi thấy, dù công việc của hai ông không giống nhau (Hồ Phi Phục là người lãnh đạo, quản lý, chính khách) nhưng họ có rất nhiều thứ để trao đổi cùng nhau. Họ thường quan tâm tới nhau, hỏi han tình hình của nhau.

Nhà giáo Văn Như Cương là Tiến sỹ toán; dù ông làm thơ khá sớm và khá đều đặn nhưng ông không nghĩ tới chuyện in thơ. Tuy nhiên, khi bạn bè cùng làng rủ in chung thơ, ông đã đồng ý in thơ để góp mặt, để giao lưu với bạn cùng làng. Dịp tập thơ “Xóm Điếm” ra đời là dịp gặp bạn bè để ôn lại kỷ niệm. Tôi đã chứng kiến những người bạn cùng làng dành cho nhau tình cảm sâu đậm thế nào khi họ gặp nhau. Sự thật là khi còn nhỏ, ngày nào họ cũng gặp nhau, có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Khi lớn lên, mỗi người đi một nơi, họ vẫn nhớ nhau, nghĩ về nhau, theo dõi công việc của nhau nhưng ít khi gặp gỡ. Bây giờ họ cùng nhau in chúng một tập thơ nên không thể không gặp nhau. Hơn nữa, bây giờ họ đều đã cao tuổi, không quá bận rộn với công việc nữa nên có thời gian dành cho nhau. Thơ thực sự chỉ là một cái cớ để họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm mà thôi. Đặc biệt, với thầy Văn Như Cương, công việc chính là dạy học, ông xem thơ là nơi để thể hiện một chút cá tính của mình.

Trong những người gần gũi với thầy Văn Như Cương, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chịu khó đọc thơ nhất, hiểu sâu nhất. Vậy ở đây xin để anh Nguyễn Trọng Tạo nói về thơ của Nhà giáo Văn Như Cương.

Vốn là người hài hước nên ông viết: “Năm chục như ta cũng khối người/Hơn nhau chỉ mỗi bộ râu thôi…Thơ viết dăm bài vui với bạn/Sách in mươi cuốn góp cho đời”. Tuy vậy, cũng như các bạn cùng làng, dù ở đâu ông cũng đau đáu nhớ quê.  Những năm học tập, nghiên cứu tại Moskva, ông nhớ Làng Quỳnh da diết nên đã viết những câu thơ: “Bỗng như đâu đây hoa nhài thoang thoảng đưa hương/Chắc quê ta mùa này hoa nở trắng…Ôi quê hương, ta sẽ về/Vượt hố bom sâu, vượt cầu giặc phá”.

Nói là xóm thơ, bởi nơi đây có hàng trăm người làm thơ nối nhau từ đời này sang đời khác... Đó là lý do để nhóm tác giả tự hào chọn cho tập thơ của mình cái tên nghe khá lạ "Thơ xóm Điếm".

Đọc tập thơ của 5 tác giả cùng xóm không dễ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người. Nhưng nhận ra sự khác biệt thì chả khó khăn gì. Có thể người này hẫng hụt sự bay bổng, người kia thiếu sự hàm súc; người này hơi lạnh, người kia lại quá nóng,v.v… thì cũng là một cơ hội để bổ sung cho nhau chăng? Thì cũng như tính khí người ta vậy, tính khí và văn hóa, cuộc sống và trải nghiệm, năng khiếu và tài hoa hẳn mỗi người mỗi khác, nhưng cái tình của người cùng xóm, lại là cái xóm giàu truyền thống văn chương, chữ nghĩa, thiết nghĩ chẳng phải so bì.

Như vậy là tôi đã mượn ý, mượn lời của nhiều nhà thơ, nhà phê bình nói về những người bạn cùng làng góp mặt trong cùng một tập thơ với Nhà giáo Văn Như Cương. Qua thơ của họ, chúng ta hiểu sâu thêm những người bạn cùng làng của thầy Cương và hiểu thêm đời sống tình cảm của thầy gắn với làng quê của mình. Những người bạn cùng làng, cùng làm thơ, cùng góp mặt trong một tập thơ đã khiến thầy Văn Như Cương cảm thấy mình gắn với quê hơn nữa. Các ông đã có một thời thơ ấu cùng nhau, khi lớn lên, mỗi người một ngả nhưng khi về già lại có điều kiện tề tựu. Đây là hạnh phúc của những người bạn cùng làng. Tôi hiểu điều này có ý nghĩa lớn với thầy Văn Như Cương - người luôn muốn hiểu rõ nhưng điều gì đang xẩy ra trong cuộc sống hôm nay.

Quan sát những người bạn cùng xóm, cùng góp mặt trong một tập thơ, tôi thấy họ đúng với câu nói của một danh nhân:“Chúng ta giống như những hòn đảo trên biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu”. Điều này đúng với hầu hết những người con của Làng Quỳnh tỏa đi muôn nơi sống, làm việc, xây dựng sự nghiệp nhưng họ luôn luôn hướng về mảnh đất Quỳnh Đôi.

NHỮNG NGƯỜI BẠN CÙNG LÀNG SỐNG Ở HÀ NỘI

Còn bây giờ tôi muốn nói đến những người bạn cùng làng của thầy Cương, họ không làm thơ nhưng họ sống ở Hà Nội, thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với thầy Cương.

Ngoài những người bạn cùng xóm, cùng góp mặt trong tập thơ “Xóm Điếm”, ở Hà Nội, thầy Cương cũng có một số bạn bè người cùng làng nữa.Tôi cũng nhiều lần được tham gia những cuộc gặp gỡ với những người bạn cùng làng của thầy Cương ở Hà Nội. Mỗi người mỗi công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có cái chung là Làng Quỳnh thân thuộc.

Người đầu tiên tôi muốn nói tới là ông Hồ Sỹ Hậu. Ông sinh năm 1946, là con trai nhà cách mạng nổi tiếng Hồ Viết Thắng. Bản thân ông Hồ Sỹ Hậu cũng là người rất nổi tiếng vì nhiều lý do. Thứ nhất, vào năm 1954, khi mới 8 tuổi, ông đã có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Có một bức ảnh chụp Bác Hồ với một số lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước nhưng lại có một cậu bé lọt vào. Cậu bé đó chính là ông Hồ Sỹ Hậu. Nguyên chuyện này cũng đã khiến ông được nhiều người tìm đến hỏi chuyện. Thứ hai, khi lớn lên, vào bộ đội, ông có công trong việc thiết lập đường dây chuyển xăng dầu vào mặt trận phía Nam, vì thế ông được phong tướng. Thứ ba, ông còn viết văn và gây chú ý trong dư luận với tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa”. Thứ tư, ông là người rất nhiệt tình trong việc chắp nối các mối quan hệ đồng họ, đồng hương. Chính vì vậy, ông giao du thân tình với Nhà giáo Văn Như Cương và thường trao đổi những điều tâm huyết về làng quê, về thế sự. Ông Hồ Sỹ Hậu là một vị tướng, ông lại là người có tư tưởng cấp tiến và thẳng thắn trong nhận định về tình hình nên thông tin của ông rất thú vị. Mỗi lần hai ông gặp nhau, họ có rất nhiều điều để nói với nhau và dường như không muốn rời nhau.

Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là ông Hồ Anh Dũng (sinh năm 1940) với tư cách là người bạn cùng làng tại Hà Nội của Nhà giáo Văn Như Cương. Ông Hồ Anh Dũng là 1 trong “100 hạt giống đỏ” đã được Đảng và Nhà nước ta gửi đi học ở Liên Xô từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Ông là con trai cả của ông Hồ Mỹ Xuyên, cháu đích tôn của ông Hồ Tùng Mậu, anh của ông Hồ Hải và Hồ Đức Việt. Có thể nói, ông Hồ Anh Dũng là con cháu của một gia đình đại cách mạng ở Làng Quỳnh, từ ông, đến bố, đến em đều là những người giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ông là một trong những người Việt Nam tốt nghiệp Khoa Ngữ Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov rất sớm.  Ông đã làm tới chức Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nhưng ông có vẻ khiêm tốn và kín tiếng. Khi buộc phải nhận xét về công việc của mình khi lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, ông chỉ nói ngắn gọn: “Khi mình làm Tổng Giám đốc, ít nhất là ở đó không xẩy ra những vụ việc rắc rối”.

Ông Hồ Anh Dũng là nhà báo, nhà văn. Sau khi nghỉ quản lý, ông viết khá đều đặn. Ông đã xuất bản các tác phẩm: “Nắng gió đời người” - Tiểu thuyết, Nxb Thanh Niên 2007; “Như là định mệnh” - Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà Văn 2010; “Chuyện Làng Quỳnh” - Nxb Thanh Niên 2012; “Tha hương” - Tiểu thuyết, Nxb Văn học 2014; “Khoảnh khắc và cuộc đời - Nxb Thanh Niên 2017. Với vốn sống của một người xa nhà, xa quê, xã đất nước sớm; trở về đảm đương chức vụ quan trọng, những tác phẩm của ông Hồ Anh Dũng có giọng điệu riêng, giàu chất suy tư và tính nhân văn. Nhà giáo Văn Như Cương đánh giá cao những điều này, đồng thời ông thấy Hồ Anh Dũng gần gũi với mình không chỉ với tư cách là người bạn cùng làng.

Mỗi khi xuất bản được một quyển sách mới, ông muốn tìm tới bạn bè để chia sẻ, Nhà giáo Văn Như Cương là một trong những người ông tìm đến đầu tiên. Khi trang trại của thầy Cương ở Hòa Lạc còn hoạt động, họ thường gặp nhau ở đó và trao đổi về làng quê, về văn chương, thế sự. Hai ông có nhiều điều tâm đắc để trao đổi với nhau, đưa ra những đánh giá để có thể hiểu sâu hơn về những ngày chúng ta đang sống.

Người thứ ba tôi muốn nói tới là Họa sĩ Hoàng Tân Hưng, ông sinh 1945. Ông được xem là “dị nhân” vì sau khi sống, học tập, làm việc ở Nga hơn 20 năm, có vợ con, có bằng tiến sỹ nhưng về Việt Nam tay không. Ông sống 15 năm tại Hà Nội, ở trong những ngôi nhà gần như bỏ hoang; không hộ khẩu, không tiện nghi, thậm chí phương tiện đi lại cũng không, ngoài chiếc xe đạp cọc cạch. Hoàn cảnh như vậy, nhưng ông không hề than vãn, không cảm thấy thiếu thốn, khổ sở, buồn phiền… Ở tuổi trên 70, với nụ cười thơ trẻ, ông miệt mài tìm cái đẹp, cái thiện trong hội họa.

Là họa sỹ nhưng ông Hoàn Tân Hưng không hút thuốc, không uống cà phê; bia rượu thì chiều bạn bè, chỉ nhấp môi. Có lẽ ông chỉ đạt “tiêu chuẩn” họa sỹ ở một khâu thôi, đó là ở bẩn. Ông Hưng hiền lành, nhũn nhặn, dịu dàng như phụ nữ. Trước những lời trêu chọc, chê bai của bạn bè, ông chỉ cười - nụ cười thơ trẻ như của học trò trường mầm non.

Để trở thành “dị nhân”, một trong những yếu tố cần thiết nhất là gàn. Điều này thì ông Hoàng Tân Hưng không thiếu, vì “phi gàn, bất thành Nghệ nhân”, mà anh lại sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An - nơi tập trung nhiều phẩm chất điển hình của người Nghệ.

Trong chục năm trở lại đây, nơi anh sống dường như trở thành một “điểm du lịch mini” đối với bạn bè, người quen. Căn phòng chỉ 18 mét vuông, lộn xộn, ẩm thấp nằm sâu trong Ngõ Quỳnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng những người hào hoa, phong nhã vẫn thường lui tới. Trong số đó có thầy Văn Như Cương, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Ngô Hoàng Quân, các nhà thơ, nhạc sỹ, nhà ngoại giao… Có người bạn tôi, anh Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường THPT tận Đăk Nông, ra Hà Nội chơi, cứ nằng nặc đòi được đến thăm “dị nhân” Hoàng Tân Hưng. Sau khi được phép chụp một bức ảnh bằng điện thoại di động để làm kỷ niệm, anh Quang xem đây như là một báu vật. Cái thu hút mọi người chính là tính cách và các tác phẩm của ông Hoàng Tân Hưng.

Dù là người không quan tâm đến bản thân mình là mấy, nhưng anh lại rất dịu dàng và chu đáo với bạn bè, khách khứa. Anh không thích bia rượu, nhưng khách đến nhà thường được mời những món này. Có hôm tôi đến, anh đưa ra một chai rượu quý, còn khoảng một phần tư và nói: “Đây là rượu anh Ngô Quang Xuân mang về từ châu Âu. Hôm uống, thiếu một số người, anh Xuân bảo để cho Nguyễn Trọng Tạo và HBK mỗi người một ly, uống để biết “hàng xách tay” khác với rượu mua ở các siêu thị, cửa hàng Việt Nam như thế nào”.

Hoàng Tân Hưng là họa sĩ chuyên nghiệp, hơn nữa, còn là tiến sỹ trong lĩnh vực này nhưng từ ngày thân quen với ông, tôi chỉ chứng kiến anh bán tranh một lần. Đó là bức tranh ba con gà. Thật ra, anh không bỏ nhiều công sức để vẽ bức tranh này, mà anh chỉ vẽ đùa đùa và đặt tên cho bức tranh là “Đánh Ghen”. Một người phụ nữ đến vẽ chân dung cứ nằng nặc đòi mua, chúng tôi nói giúp chị mấy câu, thế là anh nói “thì bán”. Anh không ra giá mà bảo: “Chị trả bao nhiêu thì trả”. Người phụ nữ đưa ví ra xem và nói: “Em có trong người 800 đô la Mỹ, em gửi anh cả”. Anh nhận tiền và kéo chúng tôi đi ăn bún ngan.

Gần đây, thấy tranh của anh thì nhiều mà sống thì thiếu thốn, chúng tôi bảo anh bán bớt tranh đi. Anh chỉ im lặng. Có người đưa ra ý kiến, bán tranh đâu phải dễ, có thể tranh của anh khó bán? Chúng tôi nửa đùa, nửa thật kể câu chuyện: “Ở Italia có một họa sỹ tài năng, vẽ rất nhiều tranh, nhưng không bán được. Một doanh nhân đến đặt vấn đề là sẽ mua lại tất cả tranh giá cao với một điều kiện: Người họa sỹ này phải giả chết và biến khỏi Italia. Người họa sỹ đồng ý…”. Nghe đến đây, anh Hưng giãy nảy lên: “Đấy không phải là một họa sỹ đích thực!”.

Dù có bán tranh hay không thì anh vẫn sống được và vẽ. “Dị nhân” không cần nhiều thứ để sống: Mỗi tháng chục cân gạo, vài cân thịt, mấy chục ngàn tiền rau. Anh cũng chẳng đi đâu, mỗi lần về quê, bạn bè mang xe đến nài nỉ thì anh mới đồng ý về. Dường như anh có một thế giới riêng yên bình, trong trẻo đầy màu sắc giữa cái ồn ào, bụi bặm của phố phường.

Một số người thắc mắc là tại sao ông Hoàn Tân Hưng có ít bạn cùng làng, mặc dù người Quỳnh Đôi ở Hà Nội rất nhiều. Điều này tôi chỉ đoán thôi: Ví nó liên quan một người Làng Quỳnh nổi tiếng khác. Thời điểm họa sĩ Hoàng Tân Hưng về Việt thì câu chuyện về Hoàng Văn Hoan chưa lắng xuống. Hoàng Tân Hưng lại là người họ hàng gần gũi với Hoàng Văn Hoan. Nhà giáo Văn Như Cương hiểu rõ điều này nhưng ông vẫn thường xuyên đến với họa sĩ Hoàng Tân Hưng, mời lên nhà chơi, đàm đạo về tất cả nhưng điều đang diễn ra trong cuộc sống, từ chuyện Hà Nội, chuyện của nước Nga, tới chuyện Làng Quỳnh. 

Dẫu nghề nghiệp, hoàn cảnh, tính cách của thầy Văn Như Cương và họa sĩ Hoàng Tân Hưng rất khác nhau nhưng các ông vẫn chơi thân với nhau. Điều này có hai lý do: 1. Họ cùng sinh ra và lớn lên ở Làng Quỳnh, cùng có thời gian học tập ở nước Nga; 2. Họ đều là những người tận tâm theo đuổi nghề nghiệp của mình, với thầy Cương là dạy học, với ông Hoàng Tân Hưng là vẽ tranh. Thầy Văn Như Cương thấy được những giá trị trong tính cách của họa sĩ Hoàng Tân Hưng cũng như những gì ông gửi gắm trong hàng trăm bức tranh.

Những người bạn cùng Làng Quỳnh nhưng sinh sống ở Hà Nội mang đến cho thầy Cương nhiều điều thú vị. Đó là sự hòa trộn giữa chất Nghệ và chất Bắc rồi chắt lọc ra thành cách ứng xử đặc trưng của người Nghệ nói chúng, người Làng Quỳnh nói riêng, sống ở Hà Nội. Ý nghĩa nhận thức của điều này khá lớn, đặc biệt đối với thế hệ người Nghệ sinh ra và lớn lên ở Thủ đô. Và hình như thầy Cương còn mong muốn thầy nhiều điều thú vị và sâu sắc hơn trong những mối quan hệ này.

BẠN HỌC VÀ ĐỒNG NGHIỆP   

 Về những người bạn học cùng thời phổ thông, ông hay kể về những kỷ niệm “rất học trò”, nghĩa là nhấn mạnh tính hiếu động, nghịch ngợm. Ông gắn bó, yêu thương bạn bè và cũng tỏ ra không thua kém “quỷ” và “ma” là mấy. Ngày đó, ở Trường Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An), học trò Văn Như Cương ở nội trú với bạn bè và gắn bó với nhau cả ngày lẫn đêm. Một hôm, có học trò phạm lỗi nặng, thầy giáo bảo tối sẽ giải quyết vụ này. Thuở đó, có quy định là học trò bị lỗi nặng sẽ bị ăn đòn đánh bằng roi, mà buổi tối mới đánh. Thầy cho phép học trò tự mình “sắm” roi cho thầy dạy bảo.

Trò phạm lỗi tỏ ra rất lo lắng, sợ hãi và run rẩy đi làm roi. Văn Như Cương đến bên bạn thì thầm điều gì đó và cả hai gần như vui vẻ mang dao ra vườn chặt roi. Sau đó cả hai bình tĩnh về chờ thầy đến “xử tội”. Tối, thầy giáo đến, phân tích cho các trò hiểu vì sao phải trừng phạt trò kia. Và theo quy định, trò phạm lỗi phải chịu 10 roi. Trong ánh sáng lờ mờ, trò phạm lỗi nằm lên giường, thầy vung tay quất. Mới được 3 lần, chiếc roi đã gãy tan tànhnên thầy giáo dừng trừng phạt, bảo học trò ra rửa mặt rồi ăn cơm. Học trò bị đòn nhanh nhẹn thực hiện lời thầy. “Màn”trừng phạt diễn ra chóng vánh và khá vui vẻ.

Sau đấy cánh học trò mới biết rằng, trò Văn Như Cương đã có “sáng kiến” là bí mật tiện chiếc roi gần đứt ở nhiều khúc; khi thầy vung roi đánh, những chỗ tiện đó sẽ nhanh chóng đứt rời, khiến cây roi gãy làm nhiều khúc. Bí mật này được các trò giữ kín và mỗi lần có trò bị phạt, nó lại được đem ra sử dụng. Với cách này, “chiếc roi yêu mông trẻ” (vốn không được đầy đặn gì cho cam) đã góp phần khiến những cậu học trò nghịch ngợm (trong đó có cả Văn Như Cương) thoát được những trận đòn đau. Nhiều năm về sau, những người bạn học phổ thông với Nhà giáo Văn Như Cương, mỗi khi có dịp gặp nhau là kể về kỷ niệm đáng nhớ này. Họ cho rằng, ngày đấy vì thương bạn mà Văn Như Cương đã lém lỉnh nghĩ ra cái trò này. Thật ra, các ông giáo ngày đó không xem chuyện đánh đòn đau học trò là điều cần thiết. Cái chính của thủ tục đánh đòn là làm cho học trò nhận ra lỗi của mình, nhớ và không tái phạm. Do vậy, họ không chú ý đến những chiếc roi được “chế tạo” thế nào. Tuy nhiên, “sáng kiến” này của trò Văn Như Cương vẫn được các bạn học phổ thông đánh giá cao. Giá trị của nó nằm ở tình yêu thương bạn bè và có ý nghĩa nhân văn.

Song, chuyện đáng nói nhất trong thời học phổ thông của thầy Văn Như Cương là ông và bạn bè đã được dạy về giá trị của sự trung thực. Chuyện này đã được ông kể lại trên facebook của mình trong status đăng vào ngày 24, tháng 8, 2015  trên Facebook Cương Như Văn.

Chuyện xẩy ra 60 năm trước.

Lúc ấy tôi đang học lớp cuối của bậc Phổ thông, tại Nghệ An. Chuyện xẩy ra vào tiết kiểm tra môn Toán.

Thầy giáo bận không đến lớp, nhưng tối hôm trước thầy đã đưa đề kiểm tra cho lớp trưởng để sáng nay mang đến đọc cho cả lớp chép và làm bài. (Bây giờ thì đố thầy cô nào dám làm như vậy, vì chắc chắn sẽ lộ đề và cả lớp đều biết).

Thế là chúng tôi cắm cúi làm bài. Mặc dầu không có “giám thị” nhưng không ai nhìn bài nhau, không ai trao đổi , không ai quay cóp (Bây giờ mà như thế thì cả lớp thành cái chợ).

Làm bài xong chúng tôi nộp cho lớp trưởng và lớp trưởng mang về nộp cho thầy chấm. (Bây giờ mà như thế thì khối đứa nhờ lớp trưởng để tráo bài…).

Tại sao chúng tôi có hành động mà học sinh bây giờ rất “khó hiểu” như vậy?. Bởi vì chúng tôi được giáo dục một phẩm chất quan trọng “Sống trung thực, không gian dối”.

Muốn một Xã hội mà mỗi cá nhân đều sống trung thực, không gian dối thì phải giáo dục phẩm chất đó cho học sinh ngay từ khi họ ngồi trên ghế nhà trường!

Tiếc thay trong dự án “Chương trình tổng thể của giáo dực phổ thông”(sẽ thực hiện sắp tới) chỉ nói đến 3 phẩm chất mà học sinh cần có: 1) Sống yêu thương; 2) Sống tự chủ và 3) Sống có trách nhiệm.

Với những người bạn học đã trải qua những kỷ niệm như vậy, họ sẽ trân trọng và nhớ nhau suốt đời. Quãng thời gian học cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng đối với thầy Cương có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành tính cách, nhân cách. Không phải ngẫu nhiên, đại đa số những người học ở đây trong giai đoạn sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến kết thúc kháng chiến chống Pháp 1954, đều là những người giỏi giang và đáng kính. Điều này có được là do dân xứ Nghệ hiếu học, lại học ở vùng tự do trong kháng chiến. Điều này khiến học có trách nhiệm và quyết tâm hơn trong việc học tập và rèn luyện. Những phẩm chất cơ bản của người tử tế bắt đầu hình thành một cách rõ nét trong thầy Cương ở giai đoạn này.

Thời học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có nhiều kỷ niệm gắn kết với bạn bè. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là sự đoàn kết, chia sẻ đau khổ khi một người bạn cùng lớp thất bại trong tình yêu. Số là có một người bạn học toán say mê một nữ sinh viên học văn. Anh chàng này theo đuổi người đẹp trong một thời gian dài nhưng cuối cùng nhận phải lời từ chối thẳng thắng và nghiệt ngã: “Anh học toán, khô như ngói ấy, em không yêu được!”. Là đấng nam nhi nhưng khi nghe những lời như vậy, anh bạn của Văn Như Cương dường như không đứng vững nữa. Bạn bè phải xúm lại an ủi, mong cho anh chàng số hẩm hiu kia quên nhanh được nỗi đau thất tình.

Chàng trai hào hoa Văn Như Cương cũng là người cho những lời động viên có hiệu quả nhất. Anh nói với bạn: “Nó không yêu cậu thì cũng không yêu được ai trong số chúng tớ đâu! Chúng tớ quyết định tẩy chay nó. Nó chê cậu khô chứ gì?! Vậy nó chỉ có thể lấy anh đánh dậm cho ướt át mà thôi!”. Những lời an ủi, động viên đó của Văn Như Cương có tác dụng. Anh bạn dần dần nguôi ngoai và tập trung vào học để có kết quả tốt đẹp. Ngày ra trường, cả khóa hẹn gặp nhau sau 20 năm.

Hai mươi năm sau, cuộc gặp gỡ diễn ra vui vẻ, cảm động vì hầu như ai cũng đã trưởng thành, có gia đình, vợ con và trở thành những người thầy, người cô đáng kính. Họ vẫn có một chút tò mò muốn biết xem cô bạn chê dân toán khô khan có người chồng như thế nào. Một trong những người bạn nói, cô đó về dạy cùng trường với mình, chồng con đề huề. Cả hội tò mờ muốn biết, chồng cô là ai, làm nghề gì mà chinh phục được cô giáo dạy văn thích “ướt át”? Và cả “đội” phá lên cười một cách thú vị khi cô bạn đó lấy một ông chồng còn ướt át hơn anh đánh dậm - chồng của cô bạn là một nghệ sĩ múa rối nước!

Những kỷ niệm như vậy với những người bạn học khiến thầy Văn Như Cương khi nào cũng nghĩ về quãng đời đi học với tình cảm nồng ấm. Họ quan tâm đến nhau, trao đổi thông tin và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Khắc Phi tuy là bạn khác khoa (thầy Phi học văn) nhưng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với thầy Văn Như Cương. Thứ nhất, là hai thầy cũng tham gia dạy cho các lớp buổi tối do một người bạn là Phan Đình Diệu tổ chức. Hai là, cả thầy Phi và thầy Cương đều có người yêu ở trường Trưng Vương trong thời gian về đó thực tập.

Thầy Phan Đình Diệu và thầy Nguyễn Khắc Phi còn có quan hệ gắn bó dài lâu về sau này nữa. Họ là hai trong số những người bạn lâu năm của thầy Cương. Và họ giữ quan hệ nồng ấm qua nhiều năm tháng. Có thể nói, những người đó đã có ảnh hưởng nhất định tới cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Văn Như Cương.

Trước hết, phải kể tới ông Phan Đình Diệu. Ông Phan Đình Diệu vừa là bạn, vừa là em rể của thầy Văn Như Cương. Không cần nói nhiều thì chúng ta cũng hiểu hai người quan hệ thân thiết, hiểu nhau, quý nhau như thế nào thì từ bạn mới chuyển thành anh em. Ông Phan Đình Diệu thành thân với bà Văn Xuân Hương, em gái của ông Văn Như Cương và có 3 người con đều là những nhà khoa học.

Ông Phan Đình Diệu sinh ngày 12/6/1936 tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nghĩa là hơn thầy Cương một tuổi và cùng đều là những cháng trai xứ Nghệ. Hai ông quen biết nhau thời đi học. Họ có cái chung là sau khi tốt nghiệp phổ thông vào ở quê nhà, đều ra Hà Nội, đều chọn ngành toán làm lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy. Ông Phan Đình Diệu cũng học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy; thầy Văn Như Cương cũng có quá trình tương tự như thế. Chỉ có điều, ông Văn Như Cương thì học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn ông Phan Đình Diệu học bên Trường Đại học Khoa học (sau này là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hơn nữa, ngay từ thời sinh viên, hai người đã cùng nhau đi dạy thêm vào buổi tối cho những cán bộ đi học bổ túc thêm.

Ông Phan Đình Diệu có một quá trình tích lũy kiến thức đáng nể phục. Ngay từ năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Năm 1965, sau khi hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ, ông được đề nghị ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ (mà bây giờ gọi là Tiến sĩ Khoa học) và đến năm 1967, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học. Như vậy ông Phan Đình Diệu trở thành Phó Tiến sĩ năm 29 tuổi và Tiến sĩ Khoa học lúc mới 31 tuổi. Có thể đây là một kỷ lục của thời bấy giờ.

Điều đáng nói là khi ông Phan Đình Diệu hoàn thành sự nghiệp học tập, nghiên cứu tại Liên Xô thì ông Văn Như Cương lại có cơ hội sang Moskva để học tập, nghiên cứu. Về sự nghiệp khoa học, ông Diệu và ông Cương có vẻ song hành cùng nhau, tuy nhiên hai người công tác ở hai cơ quan khác nhau. Ông Phan Đình Diệu còn “tung hoành” ngang dọc hơn ông Cương, bởi vì ông say mê cả khoa học máy tính và điều khiển, tin học, triết học…

Giáo sư Phan Đình Diệu là một trí tuệ, một nhân cách lớn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tích cực tới Nhà giáo Văn Như Cương. Trong nhiều năm, tôi đều thấy thầy Cương nhắc đến Giáo sư Phan Đình Diệu với sự kính trọng và khâm phục. Kể cả khi Giáo sư Diệu lâm bệnh, tình trạng sức khỏe yếu vẫn nhận được từ thầy Văn Như Cương sự thăm hỏi, săn sóc, động viên và lòng kính trọng. Chúng tôi cũng là những người kính trọng Giáo sư Phan Đình Diệu nhưng những năm cuối đời của Giáo sư, chúng tôi đều biết thông tin qua thầy Văn Như Cương.

 Giáo sư Phan Đình Diệu mất tại nhà riêng ngày 13 tháng 5 năm 2018. Như vậy là ông cũng ra đi không bao lâu sau khi người bạn, người anh rể Văn Như Cương đã rời cõi tạm để về cõi vĩnh hằng. Nếu có cuộc sống thứ hai sau cái chết, chắc chắn hai ông lại vẫn thường xuyên ở bên nhau để trao đổi những vấn đề của giáo dục, của khoa học; đời sống tinh thần và vật chất của con người; tương lai của đất nước.

Người bạn thứ hai cùng thế hệ mà tôi thấy ông Văn Như Cương hay nhắc tới là Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thời phổ thông, ông học tại Trường Huỳnh Thúc Kháng cùng với thầy Văn Như Cương. Mỗi lần nhắc đến ông Nguyễn Tài Tuệ, ông Cương đều nhớ như in là ông Tuệ say mê nghệ thuật, trong đó đặc biệt là âm nhạc ngay từ thời học phổ thông. Chất nghệ sĩ ở con người Nguyễn Tài Tuệ đã bộc lộ ngay từ ngày đó.

Tuy nhiên, tôi chưa thấy một nghệ sĩ nào lại có cách sống chuẩn mực về nhiều phương diện như Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ở ông lưu giữ những nét tốt đẹp nhất của đàn ông xứ Nghệ. Là một nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cách mạng ở Việt Nam, ông được nhiều người ngưỡng mộ. Tác phẩm “Xa khơi” của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc. Không chỉ “Xa khơi”, mà rất nhiều ca khúc khác của ông đã sống mãi với thời gian, nâng ông lên hàng “sao” trong “làng” âm nhạc nhưng ông vẫn sống giản dị, thậm chí hơi khắc khổ. Điều này liên quan đến quan niệm giá trị và tính cách của ông. Ông cho rằng, lao động nghệ thuật đòi hỏi con người phải trong sáng, ngay thẳng thì mới tạo ra những tác phẩm có giá trị. Ngay cả bây giờ, khi đã ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn miệt mài với âm nhạc. Một nhạc sĩ phải duy trì được lòng yêu nghề và chấp nhận cuộc sống thanh bạch thì mới sống và làm việc được thế, vì nếu làm âm nhạc thực thụ, người nhạc sĩ nghèo lắm.

Về phương diện vật chất, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hiện nay vẫn nghèo. Nhưng ông không cần nhiều thứ để sống. Ông không thích bia rượu; thức uống ông thích nhất là chè xanh. Đã trên 80 tuổi những ông vẫn miệt mài làm việc, ông đọc rất nhiều. Ông làm việc chăm chỉ, đều đặn nhưng ông không có nhiều tác phẩm, bởi ông quan niệm: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chớ có nghĩ nhiều là hay, là tốt nhé! Ông vẫn nhớ lời thầy dạy ngày nào: “Nếu không có tác phẩm xuất sắc thì không có gì cả”. Ông chỉ viết  khoảng 15 ca khúc và một số tác phẩm khí nhạc - giao hưởng thính phòng.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có cách sống khác Nhà giáo Văn Như Cương. Hai người chọn hai lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau nên hai người ít có điều kiện trao đổi với nhau về nghề nghiệp nhưng họ vẫn theo dõi nhau trên từng bước đường đời. Thầy Văn Như Cương dường như thuộc tất cả những sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và ông hát chúng một cách thành thục; ông đặc biệt yêu thích bài “Xa Khơi”. Còn Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tỏ ra vui mừng với những gì ông Văn Như Cương làm được với tư cách là một nhà giáo. Hai người thỉnh thoảng gặp nhau trong những sự kiện như đám cưới con cái của bạn bè, người quen, hoặc một sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật nào đấy.

Tôi đã có vài ba lần được tháp tùng thầy Văn Như Cương trong những lần gặp gỡ Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Lần đáng nhớ nhất diễn ra ở Nhà hát lớn đây khoảng 7 năm. Đó là một sự kiện giao lưu vui vẻ mà chủ nhân là cây saxophone nổi tiếng Quyền Văn Minh. Nhà giáo Văn Như Cương và Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ gặp nhau và dường như không muốn rời nhau, họ cùng nhau ôn lại bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa. Một người cũng khá nổi tiếng trong làng âm nhạc là bà Hồ Mộ La cũng thú vị chứng kiến cuộc gặp gỡ của hai người đàn ông cùng thế hệ.

Về mặt phong cách sống, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có vẻ khác biệt rất lớn với Nhà giáo Văn Như Cương. Ông Nguyễn Tài Tuệ sông nghiêm cẩn, chỉn chu, không biết uống bia, rượu; chỉ thích đọc sách và sáng tác âm nhạc. Còn Nhà giáo Văn Như Cương thì ngược lại, ông thích rượu bia, giao lưu rộng rãi… Họ giống nhau ở chỗ có tài năng, có chí khí, ham hiểu biết và có chất kẻ sĩ.

Người bạn cùng thế hệ thứ ba của thầy Văn Như Cương mà tôi được tiếp xúc là Nhà văn Ông Văn Tùng. Ông Ông Văn Tùng (sinh 1936) là một nhà giáo, nhà văn và dịch giả được đánh giá rất cao vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Khi ở tuổi học trò, Ông Văn Tùng và Văn Như Cương rất thân nhau, có nhiều kỷ niệm cùng nhau. Nhưng do những biến động của cuộc sống, kể cả chiến tranh nên hai người mất liên lạc với nhau trong một thời gian dài. Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Văn Như Cương có một mong muốn lớn là được gặp lại Ông Văn Tùng.

Nhà văn - Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho biết là tìm ra chỗ ở và liên lạc với Nhà văn - Dịch giả Ông Văn Tùng là không khó, vì ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và sống ở Hà Nội. Sau một thời gian ngắn, anh Đoàn Tử Huyến cho biết là đã kết nối được với Nhà văn Ông Văn Tùng, ông ấy nóng lòng chờ Nhà giáo Văn Như Cương. Vào một ngày đẹp trời của năm 2011, tôi cùng anh Đoàn Tử Huyến tháp tùng Nhà giáo Văn Như Cương đến gặp Nhà văn Ông Văn Tùng tại nhà riêng của Nhà văn. Đấy là một ngôi nhà bám mặt đê La Thành gần phía Xã Đàn. Nhà văn Ông Văn Tùng là người gần như không biết uống bia, uống rượu. Tuy vậy, để tiếp đón bạn Văn Như Cương, ông cũng chuẩn bị khá chu đáo gồm rượu và đồ ăn nguội. Thầy Văn Như Cương là người chu đáo không kém và có “đồ đệ” chuẩn bị rượu, bánh mì, phomai, thịt xông khói, salami… - Toàn những thứ có xuất xứ từ Nga. Vì vậy, buổi gặp gỡ hôm đó diễn ra trong một bầu không khí tĩnh lặng để hai người bạn đã trên 70 tuổi gặp nhau, ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ. Con của Nhà văn Ông Văn Tùng xuất hiện một lát, chào khách rồi xin phép lui. Tôi và Nhà văn Đoàn Tử Huyến chủ yếu ngồi nghe và thi thoảng châm tửu. Trong câu chuyện, tôi thấy cuộc đời khá gian truân của Nhà văn Ông Văn Tùng hiện lên.

Nhà văn Ông Văn Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo lâu đời ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là con thứ ba trong trong năm người con của bố mẹ ông. Họ hết bậc phổ thông ở Nghệ An, năm 1954, ông được cử đi học ngành sư phạm tại khu học xá thuộc Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nhưng ông chỉ học ở đó một năm thôi. Năm 1956, ông trở về Việt Nam và học tiếp tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học ở nhiều nơi: Thanh Hóa, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tây, Hà Nội. Môn ông dạy là môn Ngữ văn, bậc ông dạy là Trung học phổ thông. Năm 1982, ông không đồng ý với chương trình cải cách giáo dục liên quan đến môn Ngữ văn trong nhà trường; ông đã đề xuất ý kiên của mình nhưng không được lắng nghe. Do vậy, ông xin nghỉ dạy học.

Vào thời kỳ đấy, nghỉ việc là gặp phải muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Ông đã kiếm sống bằng cách bán sách trước ga Hàng Cỏ một thời gian khá dài. Chắc trong những ngày lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán sách, ông Ông Văn Tùng hiểu ra nhiều điều chất chứa trong từng con người. Ông vốn sống một cách chu đáo và đăm chiêu nên muốn môt sẻ cuộc sống bằng cảm nhận của mình. Do vậy, sau đó  có điều kiện một chút, ông chuyên tâm sáng tác văn học, viết khảo cứu văn hóa Trung Quốc và dịch sách tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt. Đây là giai đoạn ông làm việc say mê và rất hiệu quả.

Nhà văn Ông Văn Tùng đã viết và xuất bản 9 tiểu thuyết, 60 truyện ngắn và nhiều bài báo được giới học thuật và độc giả yêu quý, mến mộ và đánh giá cao. Đồng thời, chuyển ngữ từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt hơn 50 tác phẩm văn học, triết học, sử học, văn hóa học, như: Khổng Tử truyện (đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1997), Mai hoa dịch số, Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Võ Tắc Thiên, Triệu Phi Yến, Danh nữ Trung Hoa trong huyền thoại và lịch sử, Tùy Dạng Đế: Cuộc sống đế vương Trung Hoa, Bí mật Tử cấm thành…

Gần như suốt cả một ngày, tôi ngồi nghe thầy Văn Như Cương và Nhà văn Ông Văn Tùng trò chuyện cùng nhau. Đến đây thì tôi hiểu vì sao thầy Cương mong gặp Ông Văn Tùng đến thế. Họ giống nhau ở quan niệm sống: Làm gì thì làm, công việc của anh phải mang lại lợi ích cho xã hội. Nhà văn Ông Văn Tùng buộc phải bỏ nghề dạy học - ông “đau” lắm. Song, ông vẫn lặng lẽ làm lợi cho đời bằng trí tuệ và hiểu biết của mình. Thầy Văn Như Cương đánh giá cao Nhà văn Ông Văn Tùng về phương diện này nên họ có thể nói chuyện với nhau cả ngày mà không biết chán.

Người bạn thứ tư cùng thế hệ với Nhà giáo Văn Như Cương tôi muốn nói tới là Giáo sư Nguyễn Khắc Phi. Mặc dù Giáo sư Nguyễn Khắc Phi hơn thầy Cương 3 tuổi nhưng tôi vẫn xem họ là bạn bè cũng thế hệ. Gần đây Giáo sư Phi có viết một bài báo đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An (số 366 ra ngày 10/6/2018) có tựa đề “Văn Như Cương - Nhà sư phạm độc đáo, tài ba xứ Nghệ”. Trong bài báo này, Giáo sư Phi đã nói rõ quá trình quen biết và công tác cùng Nhà giáo Văn Như Cương thế nào. Cũng phải nhắc lại thế này, cách đây 4 năm khi Giáo sư Nguyễn Khắc Phi tròn 80 tuổi, thầy Văn Như Cương cùng với Tiến sĩ Lê Thống Nhất cũng đã có bài “Mừng bác Phi” in trong quyể sách “Nguyễn Khắc Phi - Người thầy tài hoa, tận tụy”. Dẫn lại như vậy để thấy ông Văn Như Cương và ông Nguyễn Khắc Phi đã có một quá trình quen biết nhau từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng yêu hai cô nữ sinh thực tập, cùng vào xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh từ năm 1959.

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ông sinh năm 1934, quê Hà Tĩnh. Hơn nửa thế kỉ gắn bó với sự nghiệp trồng người, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi từng dạy dỗ, dắt dìu nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa. Ông có rất nhiều học trò ái mộ và tôn kính. Ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ, tiếng sĩ, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi còn cống hiến nhiều cho sự nghiệp xuất bản. Trên các cương vị lãnh đạo Nhà xuất bản giáo dục trong nhiều năm, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã để lại dấu ấn trong nhiều bộ sách giáo khoa, sách tham khảo quan trọng.

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi là một chuyên gia về thơ Đường luật. Ông đánh giá rất cao những bài thơ Đường của thầy Văn Như Cương. Vào tuổi tám mươi, trong khi học trò của ông đang thu thập tài liệu, bài vở để ra một quyển sách về ông thì ông vẫn miệt mài nghiên cứu về những nhà khoa học khác, trong đó có thầy Văn Như Cương. Vì vậy, sau khi thầy Văn Như Cương mất, ông đã có những bài viết quan trọng về một người bạn, một đồng nghiệp đã nhiều năm sát cánh bên nhau. Trong bài báo “Văn Như Cương - Nhà sư phạm độc đáo, tài ba xứ Nghệ”, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi công bố nhiều tư liệu có giá trị về thầy Văn Như Cương, Trên cơ sở những tư liệu đấy, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đánh giá về những cống hiến có ý nghĩa của Nhà giáo Văn Như Cương đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh và ngành sư phạm nói chung. Còn đối với chúng ta và gia đình thầy Văn Như Cương, có thể xem bài báo này là một kỷ vật quý của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi tặng lại.

Trong bài báo quan trọng này, ngoài việc ôn lại những kỷ niệm mà hai người còn là sinh viên, từng cùng đến thực tập ở Trường Trưng Vương, cùng bắt đầu tình yêu ở đấy; từng đi dạy ban đêm cho những lớp do một người bạn khác là Phan Đình Diệu mở (đương nhiên ngày đấy làm hoàn toàn miễn phí), thầy Nguyễn Khắc Phi còn cung cấp những thông tin quan trọng về những năm cuối thầy Cương công tác ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những thông tin này giúp chúng ta hiểu thêm quan điểm của thầy Cương về công tác lãnh đạo, về chức, quyền. Ngoài ra, trong bài báo này, thầy Nguyễn Khắc Phi cũng thể hiện tình cảm, sự yêu mến, kính trọng của mình dánh cho người bạn của mình.

Ngoài bốn người bạn kể trên, tôi còn thấy Nhà giáo Văn Như Cương cũng có những mối quan hệ thân tình với cố Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Phong Lê. Đây là những nhà khoa học đầu ngành trong khoa học lịch sử, văn học. Theo dõi những cuộc gặp gỡ, trao đổi của họ, tôi càng hiểu vì sao những nhà khoa học, giáo dục rất cần mở rộng tầm ảnh hưởng và trường giao tiếp của mình. Điều này giúp họ không bao giờ lạc hậu trong cuộc sống có nhiều biến động và luôn luôn đổi mới.

Ngoài ra, thầy Văn Như Cương cũng thường gặp gỡ, trao đổi với Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Giáo sư Trần Đình Sử, Nhà giáo Phạm Toàn… Đây là những người bạn, những đồng nghiệp không phải là dân xứ Nghệ của Nhà giáo Văn Như Cương. Những điều họ trao đổi thường liên quan đến những vấn đề “nóng” trong giáo dục, hoặc là những vấn đề thuộc học thuật mới mẻ. Họ có thể không phải là những người bạn tri kỷ nhưng rất tôn trọng nhau trong công việc và cuộc sống; tiếp xúc vơi nhau khá thường xuyên. Đây cũng là một kênh thông tin có ý nghĩa với thầy Cương trong lĩnh vực giáo dục.

Giáo sư Trần Đình Sử (sinh năm 1940, quê Thừa Thiên - Huế) có nhiều kỷ niệm với thầy Văn Như Cương trong những chuyến vào Trường Đại học Sư pham Vinh công tác. Thầy Cương thường kể về Giáo sư Trần Đình Sử liên quan đến những chuyến đi, những giai thoại, những câu đối. Là một người dạy văn, Giáo sư Trần Đình Sử rất tinh tế trong giao tiếp, nghiêm túc, nhất quá trong khoa học. Thầy Văn Như Cương dù là dạy toán nhưng biết rất nhiều thứ trong văn học. Ông đánh giá cao Giáo sư Trần Đình Sử trong nghiên cứu thi pháp, đặc biệt là thi pháp Truyện Kiều.

Những đồng nghiệp này chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đến nghề nghiệp dạy học của thầy Văn Như Cương. Tôi đã theo dõi một số buổi gặp gỡ, nói chuyện giữa Nhà giáo Văn Như Cương và Giáo sư Hồ Ngọc Đại (sinh 1936, quê Quảng Trị) tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Giáo sư Hồ Ngọc Đại sang Moskva học tập, nghiên cứu sau thầy Văn Như Cương một năm. Giáo sư Hồ Ngọc Đại nghiên cứu về tâm lý ở Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov, còn thầy Cương nghiên cứu về toán ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đây là hai cơ quan khoa học hàng đầu của Liên xô nên họ có cơ hội tiếp xúc với nhau từ lâu. Khi đã cao tuổi, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc cũng như trong cuộc sống, họ lại có điều kiện gặp nhau. Họ trao đổi vui vẻ, cởi mở, thoải mái nhưng có lẽ không thuyết phục được nhau, khó cộng tác với nhau. Kết quả là mỗi người đều theo đuổi những quan điểm giáo dục riêng của mình. Tuy nhiên, những buổi trao đổi đấy cũng giúp họ thấy được những điểm mạnh của nhau để học hỏi lẫn nhau, lĩnh hội và bổ sung vào chương trình làm việc của mình.

Với nhà giáo Phạm Toàn (sinh năm 1932, quê Hà Nội) thầy Văn Như Cương tiếp xúc nhiều hơn, thoải mái hơn. Thầy Toàn giống thầy Cương ở cái điểm cũng thích nhâm nhi cốc bia, chén rượu và chuyện trò ở những nơi ồn ào như quán bình dân. Thầy Toàn là một nhà giáo hoạt động nhiệt tình, rộng rãi, luôn luốn hướng tới những cái mới. Ông dành nhiều thời gian làm việc với nhóm “Cánh Buồm”, có tham vọng xây dựng những bộ sách giáo khoa song song với sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Cương lắng nghe, chia sẻ, tìm hiểu sách của thầy Toàn; khâm phục tinh thần và nghị lực của thầy trong việc theo đuổi những ý tưởng giáo dục riêng.

NHÓM BẠN VONG NIÊN GIAO TIẾP THƯỜNG XUYÊN

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn nhất với Nhà giáo Văn Như Cương là những người bạn vong niên mà ông giao tiếp thường xuyên. Đó là những người như Nhà văn - Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà thơ Bằng Việt, Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Họa sĩ - Nhà thơ Văn Thao, Học giả Phạm Lưu Vũ, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, Họa sĩ Văn Sáng, Nhà báo Hồ Bất Khuất, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Đạo diễn Trần Quốc Trọng, Nhà ngoại giao - Đại sứ Ngô Quang Xuân, Tiến sĩ - Giám đốc Trung tâm Tâm Việt Phan Quốc Việt, Tiến sĩ Xã hội học Trương Xuân Trường, Doanh nhân Nguyễn Trọng Cử, Ngô Quốc Kỳ… và rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo khác nữa. Họ có tuổi tác khác nhau nhưng đều là những người ít tuổi hơn Nhà giáo Văn Như Cương, người kém ít nhất là 5 tuổi, người kém nhiều là 30 - 40 tuổi.

Thật khó gọi đây là một nhóm bạn bè thông thường, không chỉ vì tuổi tác chênh lệch, nghề nghiệp, quê quán khác nhau, mà vì nhóm này quá đông, lại biến động thường xuyên. Một số người tham gia nhóm này vì quý trọng thầy Cương, muốn gần gũi nghe thầy trò chuyện. Còn thầy Cương với tấm lòng nhân ái rộng mở, thầy đón nhận tất cả mọi người đến với mình.

Có lẽ đây chính là một kênh thông tin sống động đối với Nhà giáo Văn Như Cương, vì vậy ông tỏ ra trân trọng tất cả mọi người. Khi đã giao tiếp với bạn bè, ông tỏ ra rất trọng thị người nói, người nghe. Ông không bao giờ làm việc riêng khi ngồi trò chuyện với bạn bè. Tuy nhiên, nhóm “trung kiên” mà hầu như tuần nào cũng gặp nhau chỉ khoảng 6, 7 người. Đây là những người mà thầy Cương quý mến, muốn gặp gỡ, giao lưu thường xuyên. Hơn nữa, những người tham gia nhóm này là những người làm chủ thời gian của mình, hiểu rõ tính cách của thầy Cương. Với nhóm bạn bè, đông đúc và đa dạng này, Nhà giáo Văn Như Cương có cách tiệp cận riêng. Ông hòa nhập với nhóm nhưng không bao giờ quên mình là một thầy giáo. Thỉnh thoảng ông vẫn “dạy” cho những người trong nhóm những bài học về cách ứng xử.

Có lần, chúng tôi mời ông ra quán bia hơi Bầu Bạn. Ông ngồi được 5 phút thì đứng dậy nói:

  • Mình về đây!

Tất cả chúng tôi đều ồ lên ngạc nhiên và nói:

  • Anh vừa ra, đã kịp uống ly nào đâu mà đã về?
  • Không về thì ở đây làm gì khi mỗi cậu đều dí mắt vào những chiếc máy điện thoại đắt tiền của mình?!

Lúc này, chúng tôi mới nhận ra là tất cả chúng tôi đều lôi điện thoại ra, người thì đọc, người thì nhắn tin… Chúng tôi phải xin lỗi ông, cất điện thoại và cùng nhau nâng ly, trao đổi thông tin một cách tích cực. Đấy rõ ràng là một cách dạy chúng tôi ứng xử cho lịch lãm, tinh tế.

Trong hàng trăm buổi gặp gỡ, giao tiếp, có nhiều buổi cảm động và vô cùng thú vị. Nhưng tôi nhớ nhất là buổi chúng tôi lên trang trại của Nhà thơ - Họa sĩ Văn Thao ở Kỳ Sơn, Hòa Bình. Trong căn nhà sàn bên dòng suối (Nhạc sĩ Văn Cao chỉ có “Suối Mơ”, còn con trai cả của ông có suối thật), chúng tôi nhắc nhiều đến con người và tác phẩm của tác giả Quốc ca. Anh Văn Thao tự hào khi nói về bố mình và kể tên những tác phẩm âm nhạc Văn Cao viết từ xa xưa. Đáng ngạc nhiên là kể đến tác phẩm nào thầy Văn Như Cương cũng biết; không chỉ biết, mà còn thuộc, còn hát được. Hôm đó, tôi mới biết Nhạc sĩ Văn Cao lãng mạn, lạc quan và có tài dự đoán đến thế. Ông viết những tác phẩm âm nhạc “Không quân Việt Nam hành khúc” ngay từ năm 1945. Rồi bài hát “Hải quân Việt Nam” cũng được ông cho ra đời ngay sau đó. Lúc này Quân đội nhân dân Việt Nam làm gì đã có những binh chủng đó. Ấy thế mà Nhạc sĩ Văn Cao đã có những sáng tác như vậy.

Và đáng ngạc nhiên hơn, cả đời tôi chưa được nghe, thậm chí là chưa được biết tới tên những bài hát đó; thế mà thầy Văn Như Cương thuộc hết. Cùng với anh Văn Thao, thầy Cương hát “phục vụ” chúng tôi suốt buổi hôm đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên không biết thầy Văn Như Cương biết đến những bài hát đó khi nào và làm cách nào thầy thuộc, thầy hát được?! (Đừng quên là Nhạc sĩ Văn Cao có “dính” tới vụ án văn chương “Nhân văn - Giai phẩm”, ngoài Quốc ca ra, những tác phẩm khác không được biểu diễn trong một thời gian rất dài; thậm chí, bài hát “Mùa xuân đầu tiên” ông sáng tác vào năm 1976 nhưng bản thân ông không được thưởng thức tác phẩm này trên sân khấu chính thức trước khi ông mất vào năm 1995). Anh Văn Thao hôm ấy cảm động đến rơi nước mắt khi thấy có người (không phải là dân chuyên nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc) biết tường tận sự nghiệp âm nhạc của bố mình đến vậy.

Đây là một trường hợp đặc biệt, còn bình thường Nhà giáo Văn Như Cương thường ngồi lắng nghe, sau đấy mới nhỏ nhẹ lên tiếng. Những ý kiến của thầy Cương thường rất mới, rất thú vị. Chính vì vậy, với tôi và nhiều người nữa, những cuộc gặp gỡ của nhóm bạn bè vong niên của thầy Cương rất bổ ích và rất cần thiết với nhiều người. Trong chúng tôi, ai cũng có những cái riêng, đấy là gia đình và công việc. Chúng ta sử dụng nhiều thời gian ở đó, làm những việc quan trọng trong cuộc đời ở đó. Nhưng để những việc làm ở đó có hiệu quả, những cuộc gặp gỡ, giao tiếp với bạn bè có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đây là sự giải trí tích cực, lành mạnh; nó giúp chúng tôi giảm sự căng thẳng. Thứ hai, ở đây có nhiều loại thông tin mà ở gia đình, ở cơ quan, trên các phương tiện truyền thông không có. Thứ ba, khi trao đổi với nhau về mọi vấn đề, những người nói đều tỏ ra thẳng thắn, chân thành. Nhiều người trong nhóm bạn bè này là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Đây là những người mà sau khi thành lập Trường Lương Thế Vinh, Nhà giáo Văn Như Cương gặp gỡ họ khá thường xuyên, trong đó có một nhóm khoảng gần một chục nguời hầu như tuần nào cũng gặp. Khi thì gặp nhau cuối tuần ở trang trại trên Hòa Lạc của thầy Cương (trước khi bị giải tỏa); lúc thì gặp tại Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây; hôm thì gặp ở quán Bầu Bạn, quán 2V (ở ngõ số 2 Trần Quý Kiên); hôm thì gặp ở nhà của một người nào đó trong nhóm.

Tham gia vào nhóm này, tôi bỗng nhớ lời của một nhà thông thái nào đó: “Có người tìm đến linh mục; có người tìm đến thi ca; tôi tìm đến bạn bè tôi”. Nhưng ở nhóm bạn bè này, có cả “linh mục”, có cả thơ ca, có cả triết học và những gì sinh động nhất đang diễn ra trong cuộc sống.

Chắc có người sẽ băn khoăn là nhóm bạn này gặp gỡ, giao lưu thường xuyên, vậy kinh phí ở đâu ra? Có ai tài trợ không? Đúng là vấn đề này phải đặt ra, bởi vì tôi thấy không ít người nhắc đi, nhắc lại chuyện không lấy gì làm hay ho lắm là có nhóm bạn (thông thường là văn nghệ sĩ) kéo nhau ra quán nhậu, lúc gần thanh toán tiền, người thì đi nhà vệ sinh, người thì ra ngoài nói chuyện điện thoại. Vì thế những chuyện bi bài (thường là bi) đã xẩy ra.

Còn nhóm của chúng tôi thế nào? Trong hàng chục năm tham gia, tôi chưa thấy hiện tượng đó xẩy ra bao giờ. Ngược lại, nhiều hôm có hai, ba người đòi trả tiền nên suýt cãi nhau. Gần như những người tham gia nhóm, ai cũng lần lượt trả tiền. Người trả thường xuyên nhất là Nhà văn Đoàn Tử Huyến (ông là chủ Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây). Người trả tiền thương xuyên thứ hai, có lẽ là thầy Văn Như Cương. Thầy Cương hay đòi trả tiền đến nỗi chúng tôi phải “bắt” thầy khai rõ thu nhập của mình. Thầy nói: “Tôi làm việc cho Trường Lương Thế Vinh nhưng không nhận đồng lương nào. Bù lại, tôi được vợ giao hẳn cho cả hai sổ lương hưu của hai vợ chồng. Khoản này trên chục triệu đồng. Ngoài ra, tôi có tiền nhuận bút từ viết báo, trả lời phóng vấn, tham gia họp hành, nhuận bút từ việc in sách giáo khoa… Những khoản này không ai quản cả, chúng khá thường xuyên. Vị chi mỗi tháng tôi “phải” tiêu khoảng 30 triệu đồng.

Chúng tôi ồ lên: Vậy là cũng kha khá nhưng chưa thể liệt vào hàng “đại gia” được nên không được trả tiền nhậu thường xuyên, mà nói chung không ai có quyền “bao thầu” chuyện trả tiền nhậu cả. Thầy Cương cố vớt vát thêm là ở trong gia đình, thầy hoàn toàn không có cơ hội để tiêu tiền vì cái ăn, cái mặc, thậm chí việc đi lại đã có người lo. Chính vì “quả” vớt vát này mà thầy thường hay được trả tiền. Có hôm, tính ra thì chưa đến lượt thầy Cương được trả tiền nhưng thầy khăng khăng đòi trả với lý do vừa tham gia một “sô” truyền hình về. Thầy đưa ra một chiếc phong bì chưa bóc. Nhà văn Đoàn Tử Huyến vẫn bắt thầy Cương cất phong bì với lý do số tiền trong phong bì không đủ trả cho bữa nhậu này. Thầy Cương cho rằng, tiền trong phong bì đủ trả, nếu không đủ thầy bù thêm. Cả nhóm đồng ý là nếu phong bì đủ tiền bữa nhậu, thầy Cương được trả, nếu không đủ, người khác trả, thầy Cương cầm lại phong bì. Tất cả đồng ý, phong bì mở ra chỉ có 300 ngàn đồng mà số tiền phải thanh toán là 700 ngàn. Thầy Cương đành phải cất tiền trở lại túi.

Cũng xin nói rõ thêm là mỗi lần ngồi với nhau, số tiền thường không lớn, chỉ giao động trong khoảng 400 đến 700 ngàn đồng. Đồ uống là bia hơi, nếu uống rượu thì có người mang từ nhà đi (nhóm này hầu như không bao giờ uống rượu quán, rượu không bảo đảm nguồn gốc). Thức nhắm là dưa chuột chẻ, rau luộc, trứng hấp ngải cứu… Cô chủ quán Bầu Bạn tên Hiền, vốn là nữ diễn viên múa của Nhà hát Tuổi Trẻ có lần tâm sự: “Nếu nhóm nào đến quán Bầu Bạn mà cũng gọi món như nhóm của các chú thì cháu phá sản lâu rồi. Tuy nhiên, nhờ có nhóm của các chú mà quán Bầu Bạn luôn luôn có một lượng khách khá đông. Những nhóm khác người ta gọi gà, gọi cá song, cá chình và những món đắt tiền cơ…”.

Một số người không thuộc nhóm chúng tôi nhưng thỉnh thoảng cũng tham gia đưa ra nhận xét: “Các ông đến quán có phải để uống bia, uống rượu đâu?! Các ông đến đó để “uống” nhau là chính”. Phải công nhận đây là nhận xét khá tinh tế và chính xác. Khi gặp nhau, chúng tôi trao đổi những thông tin, kèm theo cách đánh giá và còn nêu quan điểm của từng người nữa nên rất có ích. Thầy Văn Như Cương luôn luôn có sức thu hút bạn bè bằng cách nói và quan điểm của mình. Nhiều người cho rằng, ngồi nghe thầy Cương nói chuyện “sáng” ra nhiều điều.

Phải công nhận thầy Cương nói chuyện, giao tiếp rất hấp dẫn nên nhiều người muốn nghe. Thỉnh thoảng có những người quen của tôi mời tôi tham gia những cuộc nhậu ở nhà hay ở những quán khác, thấy tôi ngần ngừ chưa nhận lời, người đó thêm câu “thầy Văn Như Cương cũng có mặt”, thế là tôi nhận lời ngay. Tôi là người có cơ hội thường xuyên tiếp xúc với thầy Cương còn thế, những người khác thì chắc chắn xem đây là một sự may mắn.

Một nhà thông thái đã từng nói: “Ai cũng có thể đếm được mình có bao nhiêu dê hay bao nhiêu cừu, nhưng không thể đếm được mình có bao nhiêu bạn bè”. Giá Nhà Văn Như Cương còn sống, ông cũng không thể kể hết những người bạn của mình. Đằng này, tôi chỉ là một trong những người quen, người bạn của ông nên rõ ràng tôi không thể nào nói đầy đủ về “đội ngũ” bạn của ông. Tuy nhiên, có một điều tôi biết rất rõ là ông rất yêu quý bạn bè, dù bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian đáng kể để giao đãi với họ. Những cuộc giao đãi đó có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần, tình cảm của ông; thậm chí, chúng in dấu ấn trong sự nghiệp của ông. Với nhiều người, Nhà giáo Văn Như Cương đã có ảnh hưởng lớn, vượt ra ngoài khuôn khổ của ngành giáo dục, trở thành một nhà văn hóa, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống. Rõ ràng, những người bạn của ông phần nào đã góp phần vào “kho” kiến thức của ông, làm cho nó trở nên đa dạng, phong phú và vô cùng rộng lớn. Hơn nữa, thông qua đội ngũ bạn bè, hình ảnh, ý tưởng của ông có sức lan tỏa rất lớn.

 

_____________________________________________

Rút từ sách: Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559082

Hôm nay

299

Hôm qua

2301

Tuần này

2400

Tháng này

226625

Tháng qua

122920

Tất cả

114559082