Những góc nhìn Văn hoá

Văn Như Cương với Báo chí - Truyền thông

Trong thời đại chúng ta, dù muốn hay không, những người nổi tiếng đều phải quan hệ với báo chí - truyền thông. Nhất là từ khi có mạng Internet, quan hệ với báo chí - truyền thông là một hoạt động không thể thiếu của những người nổi tiếng, hay còn được gọi một cách đây hình ảnh và sinh động là “người của công chúng”. Với tư cách là một người làm báo, nghiên cứu và giảng dạy báo chí, tôi khẳng định: Không có một nhân vật nào, kể cả những người đáng kính nhất, được báo chí -truyền thông yêu mến một trăm phần trăm; từ những chính khách đầy quyền lực và được nhiều người yêu mến như Tổng thống Nga V. V. Putin, đến những nhà khoa học kiêm doanh nhân như Bill Gates; … đều bị báo chí phê phán ở một khía cạnh nào đó. Đấy là vấn đề hết sức bình thường trong thế giới hiện đại.

Báo chí - Truyền thông có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Văn Như Cương. Có thể coi báo chí - Truyền thông đối với ông là “một người bạn lớn”, cũng như là “một đối thủ lớn”.

Nhà giáo Văn Như Cương bắt đầu được giới truyền thông quan tâm từ năm 1982, khi ông có một đề thi toán được chọn sử dụng cho kỳ thi Toán quốc tế năm đó. Hơn nữa, đề thi đó còn được đánh giá là khó và rất “đẹp”. Chỉ có khoảng 20 thí sinh làm được bài toán đó, trong đó có thí sinh Việt Nam Lê Tự Quốc Thắng. Ngay từ năm 1982, sau khi tham gia một chương trình truyền hình, ông đã được chú ý. Thứ nhất, ông là tác giả đề toán được sử dụng trong kỳ thi quốc tế. Thứ hai, ông có bộ râu “trứ danh” gây ấn tượng (sau này được biết là người mời ông Văn Như Cương tham gia chương trình truyền hình này bị phê bình vì “để cho người có râu” lên hình). Từ đó cho đến cuối đời, thầy Văn Như Cương luôn luôn được báo chí quan tâm. Mỗi khi có một chủ trương, chính sách mới trong giáo dục, báo chí đều tìm đến ông để nghe ông phân tích, bình luận, đánh giá. Phải nói là những ý kiến của ông rất thẳng thắn, chính xác và bổ ích. Vì là thẳng thắn nên không ít lần ông bị lãnh đạo ngành giáo dục phật ý. Thậm chí, Trường Lương Thế Vinh mà ông là người sáng lập và điều hành nhiều lần bị làm khó dễ bằng những cuộc kiểm tra, thanh tra; đình chỉ việc này, việc kia… Tuy nhiên, tất cả những điều này không khiến thầy Văn Như Cương thay đổi tính cách. Thầy Cương vẫn thẳng thắn một cách quyết liệt.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra từ ngày 19/11/2001 trên đường Láng -Hòa Lạc cũng là một sự kiện khiến giới truyền thông chú ý đến thầy Văn Như Cương. Số là hai nạn nhân của vụ tai nạn này là học sinh Trường Lương Thế Vinh do thầy Cương sáng lập và làm Hiệu trưởng. Một trong hai nạn nhân, em Phạm Phương Linh, học sinh lớp 9A1 được Liên hợp quốc chọn làm Sứ giả hòa bình nhỏ tuổi, cử đi Diễn đàn quốc tế về quyền trẻ em, tổ chức tháng 5/2002. Người gây tai nạn lại là con của một người có vị thế trong Phòng Cảnh sát Giao thông của Công An Hà Nội. Chính vì thế dư luận rất quan tâm tới cách người ta xử lý vụ tai nạn thương tâm này như thế nào.

Thầy Văn Như Cương thương tiếc học trò của mình, mong muốn người ta giải quyết hợp tình, hợp lý vụ tai nạn nhưng những người có trách nhiệm lại cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, khiến vụ án kéo dài suốt nhiều năm. Suốt 5 năm, vụ án qua nhiều lần điều tra bổ sung vì những thiếu sót của công an trong quá trình thụ lý hồ sơ. Hàng loạt điều tra viên đã phải nhận kỷ luật. Đây cũng là sự kiện mà giới truyền thông chú ý đến vai trò của thầy Văn Như Cương.Trong vụ án này, Nhà giáo Văn Như Cương tỏ ra là một người đấu tranh không khoan nhượng để chỉ ra những khuất tất trong vụ tai nạn. Thầy Cương làm điều này không chỉ vì thương học sinh của mình, mà còn vì công lý trong xã hội. Thầy Cương rất ghét những người có chức, có quyền tỏ ra xem thường pháp luật, xem thường dư luận.

Nhà giáo Văn Như Cương là nhân vật nổi bật trên báo chí trên báo chí -truyền thông trên cả hai phương diện: vừa là nhân vật của báo chí, vừa là tác giả của những bài báo. Cũng có thể nói, ông là một trong những người có quan hệ tốt với giới truyền thông, thậm chí ở một số thời điểm, ông dẫn dắt được truyền thông. Tuy nhiên, cũng như bao người nổi tiếng khác, ông cũng bị truyền thông săn đuổi, làm phiền, bị mạo danh… Ông đã nhiều lần “than” với tôi là có những nhà báo chỉ gọi điện trò chuyện, hỏi han với ông trong mấy phút. Nhưng sau đó đăng một bài phỏng vấn rất dài trên báo. Các nhà báo đó đặt vào miệng ông những điều ông không nói, thậm chí chưa bao giờ ông nghĩ đến. Nhiều người khuyên ông nên kiện những nhà báo đấy ra tòa. Còn ông, không cần tôi khuyên, ông đã chọn cách im lặng. Ông kể với tôi như một lời tâm sự và cung cấp thông tin cho tôi với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy báo chí.

Hình như ông đã nắm bắt được một điều gần như là chân lý: Ai đó mạnh mẽ, đầy quyền lực, có thể thắng từng nhà báo riêng lẻ nhưng không ai có thể thắng được báo chí nói chung. Vì vậy, có những lúc báo chí viết sai về ông; rồi mạng xã hội cũng có khi “ném đá” vào ông (rất ít thôi!) nhưng ông không đáp trả. Bằng bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin của mình, ông đã vượt quan tất cả, kể cả những rắc rối mà một số ít người nào đó cố tình dựng nên.

Cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, Nhà giáo Văn Như Cương vẫn giữ quan hệ vô cùng tốt đẹp với báo chí. Và đáp lại, báo chí vẫn xem ông là người đồng hành quan trọng. 

 

___________________________________

Rút từ sách: Nhà giá Văn Như Cương và những điều còn mãi                      

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559085

Hôm nay

2102

Hôm qua

2301

Tuần này

2403

Tháng này

226628

Tháng qua

122920

Tất cả

114559085