Những góc nhìn Văn hoá
Người vợ thầm lặng của văn hào Lev Nikolayevich Tolstoy

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910) là nhà văn Nga vĩ đại. Các tiểu thuyết chính của ông gồm: Thời thơ ấu (1852), Thời niên thiếu (1855), Thời thanh niên (1856), Chiến tranh và hòa bình (1865), Anna Karenina (1877), Bản sonata Kreutzer (1889), Phục sinh (1899)...
Lev Nikolayevich Tolstoy
Ngày 23 tháng 9 năm 1862, Lev Nikolayevich Tolstoy làm lễ cưới với Sofia Andreyevna Bers. Vào thời điểm đó, bà 18 tuổi, còn bá tước - 34. Họ đã chung sống 48 năm, tới tận lúc Tolstoy qua đời, và cuộc hôn nhân này không thể gọi là hạnh phúc êm đềm. Sofia Andreyevna đã sinh cho bá tước 13 người con, xuất bản toàn tập tác phẩm của ông lúc sinh thời cũng như nhật ký, thư từ sau khi nhà văn qua đời. Trong lá thư cuối cùng viết cho vợ sau vụ xích mích và trước khi bỏ nhà ra đi mãi mãi tại ga tàu hỏa Astapovo, Tolstoy thừa nhận rằng ông vẫn yêu vợ, dù thế nào đi nữa - có điều ông không thể tiếp tục chung sống cùng bà.
Lúc sinh thời cũng như sau khi chồng qua đời, Sofia Andreyevna bị kết tội không hiểu chồng, không chia sẻ những tư tưởng của ông, là con người quá thực tế và xa lạ với những quan điểm triết học của bá tước. Chính Lev Tolstoy nói về bà như vậy, điều này thực chất đã trở thành nguyên nhân của rất nhiều sự bất đồng khiến cho 20 năm chung sống cuối đời của họ trở nên u ám. Nhưng dù sao cũng không thể trách Sofia Andreyevna là một người vợ tồi. Dành trọn cuộc đời mình không những cho việc sinh nở và nuôi dạy cả một đàn con mà còn chăm lo nhà cửa, công việc nội trợ, giải quyết những vấn của nông dân và quản lý kinh tế, cũng như gìn giữ di sản sáng tạo của người chồng vĩ đại, bà đã quên đi cả trang phục lẫn cuộc sống thượng lưu.
Trước khi gặp người vợ đầu tiên và duy nhất của mình, bá tước Tolstoy - hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời pha trộn nhiều dòng máu của một số gia đình danh giá, - đã kịp gây dựng được một sự nghiệp quân sự và giáo dục, và đã trở thành nhà văn nổi tiếng. Tolstoy quen biết gia đình Bers trước khi ông phục vụ trong quân đội ở Kavkaz và chuyến công du khắp châu Âu vào những năm 50. Sofia là con gái thứ hai trong số 3 chị em của bác sĩ Andrey Bers và bà Lyubov Bers. Gia đình Bers sống ở Moskva, trong một căn hộ tại điện Kremlin, nhưng thỉnh thoảng họ về thăm trang ấp của gia đình ở làng Ivitsa, cách trang ấp Yasnaya Polyana (Bãi Sáng) của Lev Tolstoy không xa. Lyubov Aleksandrovna là bạn thân của chị gái Lev Tolstoy, Maria, còn em trai bà Konstantin là bạn của bá tước.
Lần đầu tiên, Lev Tolstoy gặp Sofia và các chị gái của bà lúc còn là trẻ con, họ về thăm trang ấp Yasnaya Polyana và Moskva, chơi dương cầm, hát và thậm chí một lần cùng diễn kịch với nhau.
Sofia được tiếp thu một nền giáo dục gia đình tuyệt vời, từ nhỏ,mẹ bà đã bồi dưỡng cho các con tình yêu văn học, sau này bà còn được nhận bằng gia sưở Trường Đại học Moskva. Ngoài ra, nữ bá tước tương lai Tolstaya thời trẻ còn mê viết truyện ngắn và nhật ký. Trở về Moskva, Tolstoy phát hiện ra Sofia không còn là cô bé ngày xưa đã cùng ông diễn kịch mà là một thiếu nữ quyến rũ. Hai gia đình lại đến thăm nhau, và ông bà Bers nhận thấy rõ ràng bá tước để ý tới một trong ba cô con gái của mình, thế nhưng một thời gian dài, họ cho rằng Tolstoy sẽ dạm hỏi cô chị Elizabeta. Có một giai đoạn, rõ ràng bá tước tỏ ra phân vân, thế nhưng vào tháng 8 năm 1862, sau chuyến thăm trang ấp Yasnaya Polyana như thường lệ của gia đinh Bers, ông đã quyết định dứt khoát. Sofia đã chinh phục ông bởi sự chân thành, giản dị và suy nghĩ mạch lạc. Họ chia tay nhau mấy ngày, sau đó bá tước đích thân đến làng Ivitsa tham gia đêm vũ hội do gia đình Bers tổ chức, tại đây Sofia đã khiêu vũ đẹp đến mức trái tim Tolstoy không còn một chút phân vân nào nữa. Thậm chí người ta còn cho rằng nhà văn đã thể hiện những cảm xúc của mình trong cảnh nam tước Andrey quan sát Natasha Rostova tại đêm vũ hội đầu tiên của cô trong tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình”. Ngày 16 tháng 9, Lev Nikolayevich ngỏ lời cầu hôn cô con gái của ông bà Bers, sau khi đã viết cho Sofia một lá thư: “Với tư cách một con người trung thực, hãy cho anh biết, em có muốn trở thành vợ của anh không? Nếu em đủ can đảm để nói “có” với anh thì xin hãy nói một cách thật lòng, còn nếu còn chút hoài nghi nào đó thì thà em từ chối còn hơn. Lạy Chúa, xin em hãy suy nghĩ thật chín chắn. Thật đáng sợ khi nghe em nói: không, nhưng anh sẽ lường trước được điều đó và sẽ có đủ sức lực để chịu đựng. Thật khủng khiếp biết bao, nếu anh sẽ trở thành một người chồng không được yêu thương như chính anh yêu em!”. Ngay lập tức Sofia trả lời đồng ý.
Mong muốn tỏ ra trung thực với người vợ tương lai, Tolstoy đã đưa nhật ký của mình cho Sofia đọc - thế là bà biết hết quá khứ “oanh liệt” của chồng chưa cưới, những cuộc đỏ đen, rất nhiếu mối tình và thú đam mê, kể cả mối quan hệ với cô gái nông dân Aksinya từng có chửa với ông. Sofia Andreyevna bị sốc nặng, nhưng bà đã giấu kín tình cảm của mình, dù sao suốt đời bà không thể quên được những lời bộc bạch chân thành này của chồng.
Một tuần sau lễ đính hôn, đám cưới được tổ chức - bố mẹ cô dâu không thể phản đối áp lực của bá tước muốn kết hôn càng sớm càng tốt. Ông cảm thấy rằng sau bao nhiêu năm tìm kiếm, cuối cùng đã gặp người con gái mà ông mơ ước từ nhỏ. Sớm mồ côi mẹ, lớn lên ông được nghe những câu chuyện kể về mẹ, và nghĩ rằng người vợ tương lai của ông phải là người bạn đời thủy chung, đáng yêu, hoàn toàn chia sẻ quan điểm của ông, một người mẹ và người giúp việc, vừa giản dị, đồng thời vừa biết trân trọng cái đẹp của văn chương và tài năng của chồng.
Chính ông nhìn thấy Sofia Andreyevna là một con người như vậy - một cô gái 18 tuổi đã từ bỏ cuộc sống đô thị, những bữa tiệc chiêu đãi của giới quý tộc và trang phục lộng lẫy vì cuộc sống bên cạnh một người chồng tại trang ấp ngoại ô của ông. Bà đã bắt tay vào công việc quản lý kinh tế, dần dần làm quen với cuộc sống nông thôn vốn xa lạ với cuộc sống trước đây.
Năm 1863, Sofia Andreyevna sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Seryozha. Cũng vào năm ấy, Tolstoy bắt đầu viết tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình”. Mặc dù bụng mang dạ chửa, vợ ông không những vẫn tiếp tục làm các công việc gia đình mà còn giúp chồng chép sạch bản thảo.
Lần đầu tiên Sofia Andreyevna bộc lộ tính cách sau khi sinh Seryozha. Không đủ sữa cho con, bà đề nghị bá tước thuê vú nuôi, mặc dù ông kiên quyết phản đối. Còn tất cả những việc khác thì bà răm rắp làm theo những luật lệ do ông đặt ra, bà giải quyết những khó khăn của nông dân trong các làng lân cận, thậm chí còn chữa bệnh cho họ. Bà tự dạy và giáo dục tất cả các con ở nhà: Sofia Andreyevna sinh được 13 người con, trong đó 5 người qua đời lúc còn bé.
Hai mươi năm đầu tiên trôi qua hầu như bình lặng, tuy nhiên, những nỗi bực bội đã được dồn nén. Năm 1877, Tolstoy viết xong tiểu thuyết “Anna Karenina” và cảm thấy hết sức không hài lòng với cuộc sống, điều này khiến cho bà Sofia đau khổ, thậm chí bị xúc phạm. Bà đã hy sinh tất cả vì ông, thế mà bù lại, bà nhận được sự không hài lòng với cuộc sống mà bà đã toàn tâm toàn ý gây dựng cho ông. Những tìm kiếm đạo đức của Tolstoy đã giúp ông hình thành nên những lời răn mà gia đình ông hiện nay buộc phải thực hiện. Trong đó, bá tước yêu cầu vợ con sống hết sức khiêm tốn, không được ăn thịt, uống rượu, hút thuốc. Ông mặc quần áo nông dân, tự khâu lấy quần áo và giày dép cho mình, vợ và các con, thậm chí ông muốn dành toàn bộ tài sản cho dân làng - Sofia Andreyevna phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục chồng từ bỏ hành động đó. Bà vô cùng tức giận vì chồng bỗng nhiên cảm thấy có lỗi trước toàn thể nhân loại, nhưng lại không cảm thấy có lỗi đối với bà, và sẵn sàng hiến dâng toàn bộ tài sản mà bà đã dành dụm và tích cóp được ngần ấy năm trời.
Chính bản thân Tolstoy từng mong vợ chia sẻ không chỉ cuộc sống vật chất mà cả tinh thần, quan điểm triết học của ông. Sau vụ xích mích lớn đầu tiên với Sofia Andreyevna, Tolstoy bỏ nhà ra đi, còn khi trở về không giao bản thảo cho vợ nữa, bây giờ trách nhiệm chép bản thảo thuộc về các con gái mà bà rất ghen tị. Thêm vào đó, cái chết của đứa con út chưa đầy 7 tuổi, Vani, sinh năm 1888, khiến bà kiệt sức. Nỗi đau này ban đầu xích hai vợ chồng lại gần với nhau, nhưng không lâu - hố sâu ngăn cách họ, những nỗi bực bội và sự thiếu thông cảm lẫn nhau, tất cả những điều đó đã buộc Sofia Andreyevna tìm kiếm sự an ủi bên ngoài. Bà học nhạc, thường lên Moskva học nhạc ở thầy giáo Aleksandr Taneev. Tình cảm lãng mạn của bà với thầy dạy nhạc không phải là điều bí mật ngay cả đối với Taneev lẫn Tolstoy, tuy nhiên quan hệ của họ chỉ dừng lại ở mức bạn bè. Nhưng bá tước ghen và tức giận đến mức không thể tha thứ cho sự “phản bội nửa vời” này.
Vào những năm cuối đời, sự nghi ngờ lẫn nhau và sự bực bội đã chuyển thành gần như bệnh hoạn: Sofia Andreyevna đọc lại nhật ký của Tolstoy để tìm kiếm trong đó một điều gì đó xấu xa mà ông có thể viết về bà. Ông mắng chửi bà vì sự nghi ngờ quá mức: vụ xích mích cuối cùng mang tính định mệnh đã xẩy ra ngày 10 tháng 11 năm 1910. Vào lúc 5 giờ sáng, đại văn hào Lev Tolstoy (82 tuổi) đã rời khỏi ngôi nhà ở trang ấp Yasnaya Polyana. Ông để lại bức thư trên bàn cho vợ, bà Sofya Andreyevna: “Sự ra đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh rất tiếc về điều đó, nhưng hãy hiểu và hãy tin rằng anh không thể khác. Vị thế của anh trong ngôi nhà trở nên không thể chịu nổi. Ngoài tất cả những điều tồi tệ, anh không thể sống tiếp trong những điều kiện xa hoa mà anh đã sống, và anh làm cái điều mà những cụ già vẫn thường làm: đi khỏi cuộc sống trần tục để sống những ngày cuối đời trong sự ẩn dật và yên tĩnh”. Theo lời kể của những người trong gia đình, sau khi đọc lá thư, bà Sofia đã nhảy xuống ao tự tử, rất may người nhà đã cứu được bà.
Nhà văn bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng của mình ở ga tàu hỏa Kozlov Zasek. Trên đường, ông bị viêm phổi và buộc phải nghỉ lại tại ga xép Astapovo (hiện nay là ga Lev Tolstoy, tỉnh Lipetsk), và mất ở đấy ngày 20 tháng 11năm 1910.
Nữ bá tước sống lâu hơn chồng 9 năm, bà đã xuất bản các cuốn nhật ký của ông, và đến tận cuối đời phải nghe những lời chê trách là người vợ không xứng đáng của một thiên tài.
Trần Hậu dịch
Nguồn: Aif.ru
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559095

2112

2301

2413

226638

122920

114559095