Những góc nhìn Văn hoá

Huy Cận “Cho nghìn sau nối lại nghìn xưa”

  

Nhà thơ Huy Cận

          

Tâm tình một nẻo quê chung (HC)

                                                     

1. Cù Huy Cận (1919-2005) có đóng góp không nhỏ cho nền thơ Việt Nam hiện đại. Có lẽ người Việt Nam trong mai hậu sẽ còn nhắc tên nhà thơ Huy Cận -với tập Lửa thiêng[1] như một niềm tự hào về thơ ca nước Việt...  Người đời đã và sẽ nhớ đến Huy Cận một cách “khôn ngoan” theo lẽ giản đơn như lời Aristote: “thơ thật hơn lịch sử”!

Đâu là nguồn cội thành tựu hồn thơ Huy Cận? Câu trả lời tùy thuộc vào các trường phái nghiên cứu thơ ca, tùy thuộc các nẻo tư duy và tâm hồn của người đọc thơ. Chúng ta đã bắt gặp những lý giải thú vị về thơ Huy Cận qua nhiều công trình nghiên cứu có giá trị từ Xuân Diệu, Hoài Thanh, Bùi Giáng, Đỗ Lai Thúy...

Thơ Huy Cận là một giá trị bất tuyệt, đặc biệt đối với con người vong thể trong thời đại ngày nay! Tìm về thơ Huy Cận hôm nay là chúng ta tìm lại chính mình đã mất trong cõi xa xăm, tìm lại vẻ đẹp uyên nguyên, tìm lại chút ánh sáng, hương hoa thuần khiết của vườn địa đàng trong mịt mù tâm linh nhân loại.

Thơ Huy Cận là lời ấp úng thơ ngây trong suốt của con người trong cuộc chênh chao qua lại giữa bộ ba: Thiên đường -trái tim người -địa ngục: Không biết nữa, thiên đường hay địa ngục/Quên, quên, quên đã mang trái tim người (Trình bày). Nhưng trước sau thơ Huy Cận vẫn là một âm vang thuần túy, một vang vọng nghìn thu về một tinh thể hồn người trước vũ trụ bao la, một cái đẹp tinh suốt trường lưu hằng cửu về sự hòa điệu giữa hồn người và hồn vũ trụ, một câu hỏi đời đời khắc khoải về kiếp con người. Bốn câu thơ khép lại bài Bi ca vừa như một khái quát, vừa như một tuyên ngôn ngấm ngầm của hồn thơ Huy Cận: “Hỡi mây trắng, hỡi nước buồn, gió cũ !/Sao chiều nay ảo não vị sơ xưa/Lòng ta nữa cũng trở về một chỗ/Trong nỗi đau thương vương tự bao giờ”

“Mây trắng”vẫn  nghìn năm lơ lửng. Nước vẫn chảy dưới chân cầu. Gió vẫn miên man thổi về từ thiên cổ… “Đau thương” không biết rõ nguồn cơn! Có phải niềm đau ấy là mạch ngầm khổ đau nhân loại cổ kim đã tỏa ra nhiều nhánh trên cõi trần gian trầm luân, đày đọa, như chính lời than thở của Baudelaire: “Ta nghe máu chảy sầu rười rượi/Khốn nỗi không tìm thấy vết thương”? Và, phải chăng mạch ngầm nhân bản ấy là mạch ngầm thơ Huy Cận  lan tỏa trên ba chủ đề chính:con người vong thân; tâm hồn hoa mộng tuổi hoa niên; tình tự thiên nhiên - quê hương mà thăng hoa, cất cánh... tấu lên một “bản ngậm ngùi dài” cho  “nghìn sau nối lại nghìn xưa”...?

2. Mặc cảm con người vong thân bao trùm lên toàn bộ thế giới nghệ thuật trong Lửa thiêng của Huy Cận đã chi phối ngôn ngữ, giọng điệu, hình tượng, thủ pháp ... nghệ thuật thơ ông.

Vì con người hiện hữu trong một thế giới không do mình tạo dựng nên con người cảm thấy mình bị bỏ rơi, vì  con người hữu hạn trước cái chết, hư vô hóa bởi cái chết cho nên hiện sinh là một đau khổ từ khởi thủy. Thơ Huy Cận là tiếng hát đau khổ của một sinh linh lớn lên trong mặc cảm bị bỏ rơi. Đau khổ tự sơ sinh: “cô độc đã thầm ghi trên trán/Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh”(Trình bày), và người cũng “xa ta, xa tự buổi sơ sinh”(Bi ca). Con người cô đơn, lạc loài ngay từ thưở mới lọt lòng. Cô đơn, lạc loài,bơ vơ, không nơi nương tựa:“Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu”(Trò chuyện), “Hồn bơ vơ, tôi đi dạo giữa đời/Chân theo lòng mà người chẳng theo tôi”(Cầu khẩn). Vì con người sẽ bị hư vô hóa trước cái chết, nên cái chết là một ám ảnh thường trực con người và thành một âu lo. Ám ảnh cái chết trong thơ Huy Cận không kém phần da diết và thấm thía! “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!/Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương/Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương/Tiếng nức nở gọi gió đường quạnh quẽ!/ Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thể!” (Nhạc sầu)

Con người  “bị bỏ rơi” cho nên con người khủng hoảng. Thơ Huy Cận vì thế là một tiếng kêu thương, một buồn bã mênh mông bao trùm vũ trụ, một giãi bày thân phận triền miên. Nhan đề hàng loạt bài thơ trong “Lửa thiêng”  đã tự khắc “phơi mở”  thế giới tâm trạng nói trên đây của thi nhân: Trình bày, Buồn, Cầu khẩn, Tình tự, Vỗ về, Nhớ hờ, Tình mất, Chết, Nhạc sầu, Ngậm ngùi, Ê chề, Điệu buồn, Quanh quẩn, Bi ca, Tâm sự...

Thơ Huy Cận không chỉ buồn vì trời rộng, sông dài, không gian bao la ngát bát ngát, mà buồn đau ê chề, thất bại ngay khi con người nhập cuộc với đời: “ Đầu gối rã, tôi đứng chờ đã mệt/Tôi trông mong hai mắt tối đen rồi/Tôi đã khóc những đêm sầu đến chết/Thuở trần gian - xin Thượng Đế thương tôi? Tuổi non dại lòng tôi say mến bạn/Khi thanh xuân tôi mỏi chạy theo tình/Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán/Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh...” (Trình bày). Con người trong thơ Huy Cận là con người “ mất thiên đường”, “gẫy cánh”, lang thang vất vưởng giữa trần gian, chỉ còn biết cầu cứu, van nài Thượng Đế:“Xin thương lấy những mầm khô, trứng dập/Những thân teo, xin Thượng Đế dung thương!/Thân quá nặng nền hồn sa xuống thấp/Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường!/Nếu Chúa biết bao nhiêu lòng hốt hoảng/Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi/Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng lệ đắng/Chảy như sông, không rửa sạch sầu đời...” (Thân thể). Mặc cảm thua cuộc, bị bỏ rơi, cô đơn, bơ vơ, không nơi bấu víu... “phủ sóng” thi giới Lửa thiêng tạo nên những tiếng kêu buồn bã đìu hiu: “Chiều ơi! Hãy xuống thăm ta với/Thiên hạ lìa xa, đời trống không/Nắng xế ngậm ngùi trên mái cũ/Đìu hiu bên phố, nhớ bên lòng..” (Tâm sự), những tủi hờn: “Chàng yêu lắm nên bị người hắt hủi/Chàng yêu lâu nên thiên hạ lìa xa” (Mai sau). Thượng Đế không một lời đáp trả, người đời ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ còn một thân phận lang thang, một kiếp đi hoang: “Người thi sĩ đã nguyện cầu Thượng Đế/Một đôi lần nhưng vốn nghiệp đi hoang/Thì chết rồi, chắc người vẫn lang thang/Như buổi sống ở trong bầu trăng gió...” (Mai sau)

Con người lang thang, con người bị bỏ rơi, con người cô đơn trước thế giới.. biểu hiện một cách đầy đủ nhất trong thi phẩm tiêu biểu, đặc sắc: Tràng giang với không gian rời rạc, hững hờ, với cành củi khô lạc dòng, với cánh bèo trôi dạt, với cánh chim nhỏ nhoi nghiêng giữa hoàng hôn...

3. Mặc cảm con người vong thân đã làm nên chiều kích nhân bản của thơ Huy Cận. Khi con người vong thân “dự phóng” vào tuổi trẻ vào tình yêu thì lại mang đến ý nghĩa cho thơ Huy Cận trên một khía cạnh khác, tạo sức hấp dẫn rất riêng...

Cảm hứng tuổi trẻ, tình yêu trong thơ Huy Cận khác với ở Xuân Diệu. Huy Cận đã làm sống dậy thế giới đẹp, sáng trong của tuổi học trò, thơ mộng của tuổi hoa niên, tình yêu đầu đời với những ngẩn ngơ, trong trẻo...”Gió thổi sân trường chiều chủ nhật/ - Ôi! Thời thơ bé tuổi mười lăm/Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất/Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm” (Học sinh). Những buổi tựu trường trong thơ Huy Cận làm sống dậy trong ta cảm xúc tươi mới - dầu ta ở tuổi nào: “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ/Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ/Tim run run trăm tình cảm rụt rè/Tuổi mười lăm gập sách lại đứng nghe/Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp...” (Tựu trường). Nhưng rồi sẽ có một ngày  bao nhiêu “trong trẻo”, “vô tư”, “hồn nhiên”... biến mất. Ngày đó đã đến trong một hôm: “Một hôm ngọn gió tình yêu lại/Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” (Học sinh). Phút giây “đứng ngẩn” đã khép lại cảm hứng tâm hồn mơ mộng tuổi hoa niên ngắn ngủi trong thơ Huy Cận. Trang vui khép lại, trang buồn đã mở ra dằng dặc. Giọng điệu giãi bày thân phận đã trỗi dậy, đã trở thành chủ âm.  Vẫn là miêu tả tình yêu đầu đời, “non dại” nhưng lời thơ bây giờ đã là khúc “bi ca”, một khúc “bi ca” đẹp,  một khúc “bi ca” “rất” Huy Cận: “ Buồn đã lại khi bắt đầu yêu mến”/Lòng mê say ngay từ thuở mê tình/Vì ta đợi cho nên người chẳng đến/ Người xa ta, xa từ buổi sơ sinh/ Trời buổi ấy ở trong thời tình tự/Xuân muôn năm, tơ mởn cỏ bên đường/người thì đẹp mà lòng ta mới nở.../Gió mơn ru và mây dục yêu đương/Hoa nắng rải ở trên màu tóc đượm/Áo lùa bay thấp thoáng lá chen phơi/Lòng non dại đã hóa thành chiếc bướm/Cánh bâng khuâng bay tới đậu bên người/Ta cầu khẩn như một lòng tín mộ/Nhạc tim ngây phấp phới tiếng trăm chuông/Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa/Yêu một người: ta dâng cả tình thương/Nhưng chân đẹp vội rẽ đường trăm lối/Gió bay qua thôi đưa tiếng cười chào/Rồi một bữa đứng chờ người chẳng tới/Ta thấy buồn cùng mọc với trăng sao/Bóng đêm tỏa không lấp niềm thương nhớ/Tình đi mau sầu ở lại lâu dài/Ta đã để hồn tan trong tiếng thở/Kêu gọi người, đưa tiễn nỗi tàn phai”  (Bi ca)

Những bài thơ về tâm hồn, tình yêu tuổi hoa niên từ trong trẻo mơ mộng đến khổ đau... tuy chiếm tỷ lệ không nhiều trong thơ Huy Cận, nhưng chủ đề thơ này đã góp thêm một khía cạnh  làm phong phú hơn nguồn cảm hứng nhân bản trong thơ ông. Tuổi hai mươi  không bao giờ chết trong lòng người. Đúng như tâm sự của Hoài Thanh: “Nỗi lòng xưa, nay sực tỉnh. Đọc thơ Huy Cận tôi đã gặp lại một người em. Chỉ một người em? Không. Năm tháng dẫu đi qua, đời tôi dẫu có khác, nhưng tuổi hai mươi đã thực chết trong lòng tôi ?[2].

4. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến thiên nhiên trong Thơ mới và trong trong thơ Huy Cận, sầu vũ trụ trong thơ ông. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong công trình sáng giá - Con mắt thơ đã lý giải thuyết phục cơ sở xã hội và cơ sở triết lý của cái tôi “không gian” của Huy Cận. Chúng tôi muốn nhấn mạnh: thiên nhiên quê hương trong thơ Huy Cận là một “phóng thể” của con người vong thân. “Phóng thể” của con người vong thân ấy đi liền với những khoảnh khắc  phóng chiếu vô thức của cái tôi Huy Cận đã tạo nên một cõi riêng hết sức độc đáo của thơ ông.  Xuân Diệu - người bạn thơ thân thiết của Huy Cận đã sớm nhận ra điều này khi viết lời giới thiệu cho tập Lửa thiêng: “Ấy là Huy Cận đó: - nhưng một thi sĩ “thiên nhiên” như chàng thì ở thời nào cũng được, ở thời này cũng như ở thời xưa, chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian...[3].

 Phóng thể của con người vong thân của cái tôi thời đại Thơ mới là “dự phóng” vào “quá khứ”(như đề cập tương tự của Hoài Thanh và Đỗ Lai Thúy...) cho nên thơ Huy Cận tìm về ký ức, về với thế giới xưa: “Hỡi mây trắng phất phơ màu gió cũ!/Nước buồn ôi!Còn lại bến sơ xưa/Cho ta gởi vọng xuôi về quá khứ/Chút sầu tư nước đẩy mây đưa” (Bi ca). “Bến sơ xưa” chứa đựng thiên nhiên của vũ tru, “bến sơ xưa” cũng chứa đựng cả nguồn thơ xưa của người xưa. Thơ Huy Cận, có phải vì  thế đã khơi nguồn cho cuộc trùng phùng tao ngộ của bao áng cổ thi, của hồn thơ “Chinh phụ”, của Truyện Kiều...  Một tinh thể người “cổ kim”... lắng đọng giữa hồn thơ. Điều này thể hiện thật rõ trong những áng thơ lục bát đơn sơ mà diệu vợị bao la của Huy Cận như: Chiều xưa, Đẹp xưa, Thuyền đi, Ngậm ngùi, Thu rừng...

Bùi Giáng đã xem bài thơ Thuyền đi của Huy Cận “xa vắng mênh mông hơn bất cứ một bài thơ ly biệt nào xưa nay”. Một sự hòa điệu ngọt ngào giữa những tâm hồn lớn,  những thiên tài thơ “bát ngát”- “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” khi Bùi giáng viết: “Trăng lên trong lúc đương chiều/Gió về trong lúc ngọn triều mới lên.

Một cái gì bỗng dưng  về giữa câu thơ, một cái gì đồ sộ, bất tuyệt , vô thủy, vô chung về trong một lúc......Cuộc nảy nở của càn khôn đang phơi mở thịnh triều trì ngự trong tiếng “trăng lên, triều lên”. Tươi thắm của sơ khai hiển hiện trong những tiếng “gió về, trong lúc, trăng lên, đang chiều”[4].

“Tươi thắm của sơ khai”! Vâng, chính “tươi thắm của sơ khai” là nơi mà con người vong thân hướng đến, là nơi tìm về  của con  người bơ vơ giữa hiện tại trần gian.

Vì là phóng thể của con người vong thân, lẽ dĩ nhiên thiên nhiên trong thơ Huy Cận là một thiên nhiên buồn, không gian của lẻ loi, cô đơn, hững hờ, lạc lõng, chia li . . . như nhiều người đề cập. Nhưng thơ Huy Cận còn gắn với một cảm thức thiên nhiên quê hương trong sáng. Đằng sau đó là một tình cảm quê hương, “...một tủi nắng sầu mưa/ cùng đất nước và nặng buồn sông núi” (Mai sau). “Đi giữa đường thơm” là một thi phẩm đẹp, trong sáng của chủ đề thiên nhiên - quê hương trong thơ Huy Cận. Các chi tiêt, hình ảnh thơ như: hoa dại, mùi rơm, đất thêu nắng bóng tre, rồi bóng phượng, buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao, cu gáy, bướm vàng, khóm trúc... làm hiện lên một thiên nhiên gắn với quê hương rất Việt Nam của một thuở ban sơ nào đó với “ cả không gian hồn hậu rất thơm tho”, thật trong suốt trong sự lắng cảm bằng tương giao các giác quan vô cùng tinh tế  của thi nhân. Tuy nhiên, trong không gian đẹp, sáng trong như vậy, mặc cảm vong thân, thua cuộc vẫn không thể buông tha: “Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều/ Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”.

Sinh thời - Bùi Giáng đã dành cho Cù Huy Cận và con người quê hương Hà Tĩnh của ông những lời lẽ nhận định thật nặng tình, ấm áp: “Huy Cận là người đồng quận Nguyễn Du - Hà Tĩnh. Sông núi non nước kia đẹp dị thường. Và con người đất nước kia sống lận đận làm ăn cày cấy cũng cực nhọc dị thường. Giữa phong cảnh và con người từ đó liên miên có một cuộc đối thoại thiết tha không lời, về một nỗi đời bất khả tư nghị. Tình yêu sẽ đưa con người ta tới một cõi xót xa, là căn bản cho một cuộc phát nguyện từ bi, gây dựng nên những thiên tài vô song của Hồng Lĩnh. Chỉ những thiên tài Hồng Lĩnh mới thành tựu một cuộc trùng phục dị thường giũa vũ trụ, trời mây, phong cảnh...”[5].

Do mến tài thi sĩ mà lời lẽ Bùi tiên sinh có hơi quá chăng? Nhưng rõ ràng, Bùi Giáng đã ý thức khá sâu về yếu tố địa văn hóa trong thơ Huy Cận. Huy Cận sinh ra, lớn lên ở Làng Ân Phú giáp ranh giữa hai huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Địa bàn hành chính bao lần thay đổi nhưng không thể làm thay đổi vẻ đẹp “dị thường” kia của một vùng nước non miền sơn cước - địa linh nhân kiệt, nơi có dòng Ngàn Sâu và dòng Ngàn Phố uốn lượn hợp lưu nơi bến Tam Soa để thành dòng La Giang trong xanh bao đời thao thiết chảy, chảy giũa quê hương và chảy trong lòng nghệ thuật, nơi mà những câu ca dao, những câu thơ Truyện Kiều, Hoa Tiên truyện, Mai Đình mộng ký... vẫn khuya sớm vang lên trong thôn  xóm triền đồi, bên bát chè xanh, bên đọi cà, đọi nhút, trong những buổi cuốc cày... Lẽ dĩ nhiên, hồn thơ độc đáo của Huy Cận được thành tựu từ nhiều nguồn cảm hứng như đã trình bày trên đây. Nhưng ai giám bảo những “Canh khuya tạnh vắng bên cồn/Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang”(Thuyền đi) không mang hơi hướm thơ Kiều của Nguyễn Du khi đã được tâm hồn Huy Cận vô thức hóa? Ai giám bảo, những “lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”, “tiếng làng xa vãnchợ chiều”,vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu”, những “mép núi quanh co”, “chiều mưa trên bãi” . . . kia không phải là những ám ảnh quê hương trong vô thức, những tâm ảnh đã di chuyển thành hình tượng nghệ thuật độc đáo của Huy Cận? Những câu thơ quê hương đẹp nao nao trong không gian im ắng như thế này, có phải đã cất lên từ bến Tam Soa -Linh Cảm: “Tới ngã ba sông, nước bốn bề/Nửa chiều gà lạ gáy bên đê/Làng xa lặng lẽ sau tre trúc/Bến cũ thuyền em sắp ghé về” (Em về nhà)?

Sau 1945, cảm hứng thơ huy Cận có sự đổi thay, bút pháp thơ ông nghiêng về tả thực, nhưng tình quê hương lặn sâu trong tâm hồn ông có những lúc trỗi dây thật chân thành, xúc động. Thực và thơ thật khó mà phân biệt trong bài thơ Sớm mai gà gáy(1962) của Huy Cận. Tiếng gà gáy đã thành tiếng thúc giục hồi hương nơi chúng ta - những tâm hồn vong quê, thất thổ: Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi!/Nghe sao ấm áp tựa nghe đời./Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,/Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi./Cha dậy đi cày trau kịp vụ/Hút vang điếu thuốc khói mù bay./Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu,/Chút cá kho tương mẹ vội bày./Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng,/Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen/Cha ơi con chửa nghe gà chú!/Nó cũng như mày hay ngủ quên./Hàng cau mở ngọn đón ngày vào,/Xóm nhỏ nép bên triền núi cao./Gà lại gáy dồn thêm đợt nữa,/Nắng lên xòe quạt đỏ như mào./Gà gáy ơi! tiếng gà gáy ơi!/Nghe sao rạo rực buổi mai đời!/Thương cha lủi thủi không còn nữa,/Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui. Phân biệt thực và thơ lúc này nào có ích gì khi mà nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ tuổi thơ nơi miền quê xứ sở đã trào lên rạo rực trong ta mà trùm lên tất cả..! Nhưng tất cả đã thành quá khứ. Quê hương vẫn là giấc mộng - bởi vì quê hương của loài người đã mất tự thuở con người bị lưu đày trên mặt đất. Câu hỏi về nguồn, câu hỏi tìm quê  nghìn đời lơ lửng như trong thơ Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Hoàng Hạc lâu), hay như trong thơ Bùi Giáng về sau: “Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa” (Thơ tự họa). Huy Cận sáng tạo trên mạch sầu kim cổ ấy - với cái tôi Thơ mới - với vô thức cá nhân - với một “địa văn hóa” đại loại như vừa nói trên đây,  điều đó đã đủ tạo nên cội rễ nhân bản và vẻ độc đáo của cõi thơ ông. Chúng ta không thể và không cần ngây thơ nhận định: “Huy Cận buồn hơn Thôi Hiệu!”

5. Thơ Huy Cận là sự phóng chiếu của con người vong thân vào thiên nhiên với sự phát sáng vô thức bằng những khoảnh khắc xuất thần kỳ diệu với  tất cả  giác  quan tinh tường, nhạy bén. Vai trò của giác quan là hết sức quan trọng trong đời sống và đặc biệt trong nghệ thuật. Chính năng lực giác quan đã biến chủ thể xã hội thành chủ thể thẩm mỹ nơi con người. Huy Cận là nhà thơ hàng đầu của xúc giác và thính giác. Chỉ có xúc giác mới giúp nhà thơ có cảm giác: “có chút gì làm ngợp/Trong không khí hương với màu hòa hợp”, với một niềm tận hưởng tuyệt vời hạnh phúc khi “đi giữa đường thơm”: “Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng/Trí vô tư cho da thở hương tình”. Nhưng  thơ Huy Cận, nổi bật hơn hết là năng lực kết hợp xúc giác và thính giác trong nhận thức cái đẹp của thế giới. Nói cách khác đó là năng lực lắng nghe ở nơi ông. Nghe bằng tai và nghe bằng hồn. Năng lực lắng - nghe là năng lực đặc biệt nơi người nghệ sĩ! Tri âm là nghe được lòng nhau. Nghe với Huy Cận chính là tư thế trữ tình của chủ thể trong thơ. Huy Cận là ngườicó cái “nghiêng tai kỳ diệu”.

Nghe trong thơ Huy Cận đạt cả hai cung bâc: nghe thế giới bên ngoài và nghe thế giới bên trong.

Nghe là phương tiện giao tiếp, cho nên Huy Cận kêu gọi thiên nhiên nghe mình giãi bày: “Hỡi trăng gió đã nghe chàng kể lể/Hồn các người là hồn của người thơ” (Mai sau). Và mình nghe tiếng đời thật não ruột: “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!/Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương...” (Nhạc sầu). “cái nghiêng tai kỳ diệu” giúp cho Huy Cận nghe được sự phản ứng rất nhẹ của thiên nhiên mà những đôi tai bình thường không thể nào nhận biết “Cây mở cành xanh, nghiêng lá phơi/Bụi gieo trên lá, dội nên lời” (Dấu chân trên đường). Cái “nghiêng tai kỳ diệu” giúp Huy Cận lắng nghe được thứ âm thanh đẹp không hiểu là của ngoại giới hay của lòng người “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/Có ai đàn lẻ để tơ chùng/Có ai tiễn biệt nơi xa ấy/Xui bước chân đây cũng ngại ngùng” (Nhớ hờ). Nhưng “cái nghiêng tai kỳ diệu” sẽ “kỳ diệu” hơn hết khi Huy Cận “nghiêng tai” nghe những tiếng mơ hồ. Chỉ có Huy Cận mới nghe được tiếng “động” của  “hoàng hôn” khi ông viết: “Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay”(Vạn lý tình). Chỉ có Huy Cận mới nghe được trong mình âm vang thiên cổ: “Một chiếc linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu” (Ê chề).

Năng lực lắng nghe của Huy Cận đã  tạo hơi thơ, chất thơ độc đáo cho “Lửa thiêng”. Có được chất thơ  len lỏi giữa hơi thở tâm hồn Huy Cận với ngoại cảnh... chính là nhờ năng lực nghe thế giới bên trong, nghe cái “nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới bên trong”. Đúng hơn là nghe thế giới bằng cái “tình bên trong”. Điều đáng chú ý là năng lực “lắng nghe” kỳ diệu này tập trung xuất hiện hầu hết trong thể thơ lục bát của Huy Cận. Có phải điều này chứng thực lợi thế của lục bát trong việc thực hiện chức  năng trữ tình? Đây là một nội dung thú vị trong nghiên cứu thơ Huy Cận?

Khi Huy Cận viết: “Bờ tre rung động trống chầu/Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan”(Chiều xưa) thì câu trước là đôi tai lắng nghe ngoại cảnh, câu sau đã chuyển hóa sự lắng nghe tâm cảnh, tiếng trống chầu nơi bờ tre đã đánh thức tiếng trống chầu trong cõi xa xưa vọng lại làm cho cả bài thơ vang vọng một “hồn xưa thổi về”. Người lữ thứ “Đi rồi, khuất ngựa sau non/Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu”(Đẹp xưa), tiếng “tịch liêu” ở đây chỉ có thể là âm thanh thi nhân nghe được trong xa xăm của cõi lòng mình! Hơi thơ lục bát quá đỗi tự nhiên trong bài Thu rừng diễn ta cảnh rừng thu bằng tất cả sức nghe cho thấy một sự hòa điệu giữa hồn người và linh hồn tạo vật: “Sắc trời trôi nhạt dưới khe/Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng”. Đến “Buồn đêm mưa” thì hồn thơ Huy Cận đã đạt đến sự tương thông, “nhất thể hóa” diệu kỳ giữa con người với thiên nhiên, một tuyệt đỉnh của hài hòa xúc giác, thính giác trong thơ Huy Cận: “Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/Tai nương nước giọt mái nhà/Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn/Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng, dặm mòn lẻ loi/Rơi rơi...dìu dịu rơi rơi.../Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ/Tương tư hướng lạc, phương mờ.../Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe/ Gió về lòng rộng không che/Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...”. Với “Buồn đêm mưa” -  “đất trời và lòng người là một cõi mông lung, một khung mơ nó dịu dàng ru ta, nhưng vừa ru, vừa làm cho ta khóc” (Xuân Diệu). Đó là những giọt nước mắt nhưng là “giọt nước nước mắt ngà” (Ngô Thùy Miên) đã một đi không bao giờ trở lại trong thơ Huy Cận về sau. “Sở trường” về nghe cho nên thơ Huy Cận sau này vẫn tiếp tục viết nhiều về mưa nhưng do quá tập trung hướng vào những “ồn ào xã hội” bên ngoài, ít chú ý  nhìn vào  vô thức, nội tâm cá nhân, bỏ qua sự chăm chút lắng nghe thế giới bên trong, “cái tình bên trong” của hồn mình, thơ Huy Cận vĩnh viễn không bao giờ vươn tới “đẳng cấp” của những “Buồn đêm mưa”... nữa. Đó là sự trả giá của Huy Cận!

Thơ Huy Cận trong tập Lửa thiêng là tiếng hát đau thương của kiếp vong thân, của thân phận lạc loài. Cái “nghiêng tai kỳ diệu” đã giúp ông nghe niềm đau trong lời ru của gió, niềm đau trong lời ru của con người an ủi con người. Âm nhạc du dương trong Lửa thiêng đặc biệt trong thể thơ “lục bát” đã “ru ta ngậm ngùi”. Đó là tiếng ru ngàn đời của nỗi buồn muôn thuở. Nghệ thuật lục bát ở bài thơ “Ngậm ngùi” đã đạt đến tinh hoa điêu luyện. Nhưng trước hết vì hồn thơ “Ngậm ngùi” “đã chín mấy mùa thương đau”. “Trái sầu” đã đọng mật, mật ngọt cho thơ, và mật đắng cho đời.

6. Nhìn thơ Huy Cận từ cái nhìn triết học về con người, giúp chúng ta hiểu sâu hơn những đóng góp giá trị của thơ ông. Hạt nhân triết lý cơ bản của thơ Huy Cận trong tập Lửa thiêng chính là con người vong thân. Các công trình nghiên cứu trước đây về Thơ mới nói chung và thơ Huy Cận nói riêng đã loáng thoáng nhắc đến con người vong thân. Theo chúng tôi sự phóng chiếu của con người vong thân vào các chủ đề của sự sống như: tuổi trẻ - tuổi hoa niên thơ mộng, tìmh yêu, thiên nhiên, quê hương - sông núi...mới thực sự thể hiện cụ thể triết lý, cảm quan và tư duy nghệ thuật độc đáo sinh động của Huy Cận. Tìm về thơ Huy Cận là tìm về vẻ đẹp của nghệ thuật gắn với một triết lý nhân bản sâu xa của một tâm hồn luôn biết lắng nghe thế giới và lắng nghe chính mình bằng giác quan kỳ diệu, bằng cái “tình bên trong”... Thơ Huy Cận là một tâm tình lớn của loài người - thật đúng như câu thơ ông viết: “Tâm tình một nẻo quê chung”(Thông cảm). Tâm tình ấy chính là chiếc cầu “CHO NGHÌN SAU NỐI LẠI NGHÌN XƯA” ./.

 

 


[1] Huy Cận, Lửa thiêng,Nxb Đời nay, Hà Nội 1940.

[2] Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, tái bản, 2005,tr.139.

[3] Xuân Diệu: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”. Dẫn theo: Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao Động 1992, tr. 231.

[4] Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ, Ca dao xuất bản, Sài Gòn, 1969, tr.26.

[5] Bùi Giáng, Sđd,tr.19.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559085

Hôm nay

2102

Hôm qua

2301

Tuần này

2403

Tháng này

226628

Tháng qua

122920

Tất cả

114559085