Những góc nhìn Văn hoá

Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội 1937-1941 (Kỳ 1)

Sau nhiều năm kêu gọi cải cách xã hội trên các tờ Phong HóaNgày Nay, cuối cùng, năm 1937, Nhất Linh (bút danh của Nguyễn Tường Tam) và các cộng sự của ông trong Tự Lực văn đoàn, gồm Khái Hưng, Thạch Lam và Hoàng Đạo đã bắt tay thực hiện các ý tưởng của mình. Được xem là những trí thức có uy tín và ảnh hưởng nhất trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, Tự Lực văn đoàn lần đầu tiên được công chúng chú ý tới là vào năm 1932 khi nhóm khai trương tờ Phong Hóa, tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Cái hài của tờ báo nhắm vào các thành tố văn hóavàxã hội Việt Nam bị nó xem là lạc hậu và cần cải cách, bao trùm nhiều vấn đề, như nghệ thuật, thời trang, chính trị địa phương và chính trị quốc gia, các sự vụ ở nông thôn và thành thị, và vấn đề phụ nữ. Mặc dù có nhiều hoạt động báo chí đa dạng, nhưng có lẽ nhóm được biết đến nhiều hơn bởi các sáng tác văn chương có xu hướng cải cách cả ở nội dung lẫn hình thức, đăng hàng kỳ trên tờ Phong Hóa và tờ báo nối tiếp của nó là Ngày Nay. Sử dụng hình thức văn chương hiện đại như tiểu thuyết và truyện ngắn, Tự Lực văn đoàn chủ trương thay đổi văn hóa và luân lý bằng việc phê phán Khổng giáo và sự kiềm tỏa của nó với đời sống gia đình Việt. Nhóm đã đưa ra một nghị trình cải cách rộng rãi, đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa cá nhân theo quan niệm phương Tây, tình yêu lãng mạn, tự do dân chủ và tiến bộ khoa học công nghệ. Cả trong các tác phẩm báo chí lẫn văn chương, nhóm đều tìm cách thay thế các truyền thống bị xem là lạc hậu bằng những cơ sở mới cho một xã hội Việt Nam hiện đại.

Đỉnh điểm của nghị trình cải cách này là việc nhóm thành lập Hội Ánh Sáng (hay Đoàn Ánh Sáng), bắt tay cùng một số kiến trúc sư và trí thức nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, chống lại tình trạng nhà ở thiếu vệ sinh ở các khu vực đô thị và nông thôn. Nghiên cứu này nhằm tóm lược lịch sử của Hội, từ khởi đầu vào tháng 12 năm 1936 đến thời điểm nó dần đi vào thoái trào vào đầu những năm 1940. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu các hoạt động, triết lý, mục tiêu của Hội, đồng thời đặt chúng trong bối cảnh rộng hơn của việc cải cách nhà ở và quy hoạch đô thị ở Bắc Kỳ cuối thời thuộc địa, cũng như các phong trào cấp tiến trên thế giới. Với tính cách một nghiên cứu chuyên sâu về một tổ chức, bài viết này cho rằng, những người đứng đầu Hội Ánh Sáng không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sống của những người cần lao; mà họ còn có tham vọng tạo ra một không gian công cộng mang tính đa nguyên cho hành động tập thể của công dân, một không gian hầu như chưa từng tồn tại trước đó. Hội có hai mục tiêu: Với người dân quê, Hội muốn thay đổi cách nghĩ và cách hành xử của họ bằng việc thay đổi không gian vật chất mà họ sinh sống. Với giới tinh hoa có học ở thành thị, việc họ tham gia tổ chức là nhằm tạo ra ý thức hiện đại về cộng đồng, bổn phận công dân và trách nhiệm xã hội […].

Bối cảnh địa phương và bối cảnh quốc gia của Hội Ánh Sáng

Nếu có thể coi Hội Ánh Sáng là một phần của cuộc vận động cải cách rộng hơn trên phạm vi quốc tế, tập trung vào nhà ở thiếu vệ sinh, thì Hội cũng là đỉnh hội tụ của các tuyến diễn ngôn bản địa khác nhau trên các tờ Phong HóaNgày Nay. Hội Ánh Sáng không đột ngột xuất hiện với đầy đủ hình hài ngay trong năm 1936; đó là ý tưởng đã được các nhà sáng lập trăn trở cân nhắc và hình thành dần trong nhiều năm. Hội Ánh Sáng phản ánh và chứa đựng những mối bận tâm xã hội nổi bật nhất của Tự Lực văn đoàn, đặc biệt là về phụ nữ, thanh niên và tầng lớp dân quê. Những thảo luận của nhóm trong nhiều năm cho thấy rằng Nhất Linh và các cộng sự của ông tin ba nhóm người này là những nhóm cần giúp đỡ, chỉ dẫn và huy động hơn hết.

Trong ba nhóm này, diễn ngôn của Phong HóaNgày Nay về tầng lớp dân quê có phạm vi rộng và phức tạp nhất, do trên thực tế, vấn đề này gắn liền với nhãn quan về quốc gia - dân tộc của Tự Lực văn đoàn. Mặc dù về cơ bản, nhãn quan này chỉ được thể hiện trên các trang báo Phong HóaNgày Nay, nó vẫn cho thấy sự nối kết sống còn giữa vấn đề nhà sạch của người dân quê và các khát vọng của Tự Lực văn đoàn về một Việt Nam hiện đại. Cả Nhất Linh và Nhị Linh (bút danh của Khái Hưng, một thành viên của Tự Lực văn đoàn và là người đồng sáng lập Hội Ánh Sáng) lần đầu tiên thể hiện mối quan tâm với tầng lớp dân quê ngay từ tháng 4 năm 1933. Trong một chuỗi bài viết đăng tải nhiều kỳ, họ lập luận rằng người Việt ở nông thôn có các nhược điểm khiến họ tụt hậu mãi. Cả hai tác giả đều than phiền rằng các truyền thống và tôn giáo thủ cựu là căn nguyên khiến người Việt có những mối ưu tâm sai lạc. Thay vì dành tiền sửa sang nhà cửa, mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác, hay đầu tư cho việc học hành và tương lai con trẻ, người dân quê sẽ dành tiền để mua chức nhiêu - xã của làng (bằng chứng cho thói háo danh của họ), lập bàn thờ và đền miếu (thói mê tín dị đoan), hoặc ném tiền vào cỗ bàn hoang phí cho ma chay, giỗ chạp (giữ gìn truyền thống một cách mù quáng). Ông tin rằng người dân quê Việt Nam vì muốn tuân theo những lễ nghi và phong tục không có cơ sở trên thực tế mà quên mất hạnh phúc vật chất ngay trước mắt. Nhất Linh viết: họ “chú trọng về tinh thần quá... bây giờ phải làm thế nào cho họ chú trọng về vật chất...”[1]. Trong ngữ cảnh này, các từ “tinh thần” và “vật chất” không mang những đánh giá giá trị theo nghĩa thông thường (ví dụ, thế giới “tinh thần” cao thượng và vĩnh cửu với thế giới "vật chất" tầm thường và ngắn ngủi). Với Nhất Linh, “tinh thần” nhằm chỉ các tín ngưỡng tôn giáo của người dân quê Việt Nam, một thuật ngữ mà ông dùng với nghĩa xấu để mô tả những thực hành mà ông xem là mê tín và tự hủy hoại mình và không có cơ sở thực tế. Ngược lại, ông dùng thuật ngữ “vật chất” để chỉ thế giới có thể quan sát được, tức thực tại hữu hình mà con người đang sống. Tự Lực văn đoàn đi theo thế giới quan thế tục duy vật chủ nghĩa và tin rằng người Việt ở nông thôn phải được hướng dẫn đi theo thế giới quan như vậy. Việc đề cao chủ nghĩa duy vật này không chỉ cho biết quan điểm của Tự Lực văn đoàn về tầng lớp dân quê mà còn tạo cảm hứng cho Hội Ánh Sáng thực hiện sứ mệnh thay đổi hành vi con người thông qua tác động của lý trí lên môi trường vật chất.

[…] Sau khi đã hạ bệ các kỳ mục ở làng xã, Nhất Linh cho rằng người dẫn đạo phải là thành phần tinh hoa Tây học ở thành thị. Đáng tiếc, ông tin là họ quá cách biệt với những người đồng bào của mình ở nông thôn bởi “ít khi có dịp giao thiệp với họ, ít khi chịu khó lắng tai nghe họ, mở mắt trông họ một cách cẩn thận, dò xét tấm linh hồn chất phác, mộc mạc của bọn dân quê ấy”[2]. Bởi các trí thức Tây học và người dân quê hoàn toàn khác biệt về thế giới quan, Nhất Linh tin rằng hai bên có cách biệt quá lớn về văn hoá:

“Thành thử bọn học thức có náo nức muốn cải cách điều gì trong chốn hương thôn, cũng ít khi thành công. Họ muốn cải cách theo cái quan niệm riêng của họ, dân quê chưa thấy ích lợi ở đâu, chỉ thấy việc bọn học thức làm trái với quan niệm cố hữu của mình thì giữ thái độ bất cộng tác, nhiều khi lại tìm cách phá đổ đi.”[3]

Để cải cách thực sự hiệu quả, Nhất Linh khuyên “bọn học thức phải nghĩ cách dạy cho dân quê cái quan niệm như mình đã, rồi hãy bắt đầu cải cách, bắt đầu làm việc”[4]. Giới trí thức phải dạy người dân quê để “phá bỏ cái cuộc đời mê muội, huyền bí của họ đi, lấy cái đời hợp lý thay vào”[5]. Việc Hội Ánh Sáng tập trung vào nhà ở vệ sinh chứng minh cho cảm quan duy vật chủ nghĩa của Tự Lực văn đoàn; bằng việc học cách sinh hoạt theo các tiêu chuẩn vệ sinh, người Việt ở nông thôn học cách loại trừ mê tín dị đoan, tập trung vào hạnh phúc cụ thể thực tế, và tiến đến tạo ra các công dân của một quốc gia Việt Nam mới và hiện đại. Với Nhất Linh, mối liên hệ giữa các nhu cầu vật chất, sự thay đổi quan niệm và sự tự túc là rất rõ ràng:

“Một người thường dân cần cái gì? Cần một túp nhà sạch sẽ, sáng sủa, hợp vệ sinh, cần một ngày hai bữa cơm cho ngon bổ, cần quần áo cho ấm thân, cho lành lặn. […] Họ phải có cái quan niệm vật chất về cuộc đời như thế, thì họ mới chú ý đến những công cuộc dân sinh một cách thiết tha hơn bây giờ: mở mang nông công nghệ, lập nông công đoàn để cho cách sinh nhai của họ dễ dàng hơn. Họ mới học lấy cách làm việc cho có phương pháp, học lấy cái tính cần kiệm phải có nếu muốn cho cái đời vật chất mình được thảnh thơi. Họ sẽ hiểu và sẽ giúp đỡ Chính phủ trong công cuộc về sinh kế.”[6]

Một khi người nông dân đã biết tập trung vào thực tại rồi, họ có thể lao động và dần dần tự tổ chức thành các hộ theo nghề thủ công nghiệp và thậm chí là các phường hội. Dần dần, họ sẽ có thể đóng góp cho quốc gia. Với Nhất Linh, nhà ở cho dân quê là bước đầu tiên để giúp họ có được độc lập về kinh tế, và sau cùng có được độc lập của toàn dân tộc. Hội Ánh Sáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bước đi đầu tiên này bằng việc giúp giáo dục người dân quê, và do vậy có thể được coi là đỉnh điểm của các ý tưởng vốn đã được hình thành dần trên Phong HóaNgày Nay trong nhiều năm.

Thành lập Hội

Lần đầu tiên Hội Ánh Sáng được công chúng chú ý là vào tháng 12 năm 1936, qua một bài viết dài ba trang trên tờ Ngày Nay. Trong những dòng được dẫn ra ở đầu, bài viết than phiền về thực trạng nhà ở thiếu vệ sinh ở Việt Nam:

“Cái nhà của dân ta là cái gì, nếu không phải một đống bùn đen trộn lẫn với rơm rác… ai đi qua cũng phải ghê sợ, vì những cái bẩn thỉu dơ dáy, bao bọc lấy căn nhà. Những vũng nước đọng vàng, đầy rác rơm, làm cho đất bao giờ cũng lầy bùn ướt át. Những đống rác ấy mà nực thì bốc lên những hơi nặng nề, mùa đông thì tiết ra những dòng nước hôi hám. Người và súc vật ăn chung ở lộn với nhau, cùng sống chung trong một chỗ tối tăm chật hẹp ấy.”[7]

Các tác giả của bài viết chỉ ra, nghèo đói không phải là lý do biện minh cho sinh hoạt mất vệ sinh, bởi ở Nhật Bản ngay cả người nghèo vẫn sống trong những căn nhà khiêm tốn nhưng sạch sẽ. Báo Ngày Nay lập luận, vấn đề của người Việt không phải do nghèo đói mà do mông muội: “Dân đã nghèo, lại có cái quan niệm sai lầm về sự sống, ít cần chú trọng về vật chất mà chỉ ngưỡng vọng những cái viển vông về tinh thần, những cái mê muội, huyền bí”. Theo bài báo, những tín ngưỡng dị đoan như vậy phải được chấn chỉnh, và đó là trách nhiệm dẫn đạo cho quần chúng của trí thức Việt Nam: “Họ nghèo, ta phải giúp họ. Họ không biết, ta phải soi sáng họ, phải thực hành và đem những cảnh đời mới đến đổi khác cái đời tối tăm, thảm đạm của họ đi”[8]. Tự Lực văn đoàn kêu gọi thành lập một tổ chức diệt trừ “những nhà hang chuột tối tăm, bẩn thỉu, không đáng cho người ở”[9]. Bởi Hội không thể chính thức thành lập cho tới khi được chính quyền thuộc địa cấp phép, nên bài báo này đóng vai trò mở ra cuộc đối thoại và thăm dò sự đón nhận của công chúng về một tổ chức như vậy. Trong lúc ấy, Hội đã bắt đầu chiến dịch nâng cao ý thức nhằm diệt trừ nhà ở thiếu vệ sinh bằng việc tổ chức diễn thuyết và in ấn thông tin về đời sống hợp vệ sinh và những cách tân kiến trúc mới. Giọng điệu của bài viết đầy hi vọng và quả quyết:

“Bấy lâu ta vẫn hằng mong mỏi trừ tiệt những căn nhà “hang tối”, đem những nhà cao ráo, sáng sủa, đẹp đẽ thay vào. Nay ta không mong mỏi nữa. Ta muốn thế. Muốn là được. Ý muốn của chúng ta phải đổi ra sự thực… Trong công cuộc đổi mới cái xã hội tiêu điều cằn cỗi của chúng ta, có hai thứ giúp chúng ta đi tới đích: Lòng nhiệt thành và lòng tin. Nhiệt thành với công việc và tin ở tương lai tốt đẹp hơn hiện tại.”[10]

Tự Lực văn đoàn kêu gọi các nhà chuyên môn đóng góp kiến thức về kiến trúc, quảng bá, luật pháp và quyên tiền ủng hộ. Hội cũng mời độc giả gửi thư đóng góp ý kiến. Hội Ánh Sáng rõ ràng đã được hoạch định để trở thành một dự án mang tính tập hợp kêu gọi mọi thành phần trong xã hội Việt Nam cùng tham gia. Để đạt được mục đích này, Tự Lực văn đoàn kêu gọi sự đoàn kết giữa các tờ báo đối lập:

“Xin các báo đừng cho là việc riêng của ai, cổ động giùm để dư luận chú ý tới, để cái chủ nghĩa này được lan rộng: việc sẽ thành công. Công cuộc này là công cuộc chung, và phải là công cuộc chung, không thuộc về đảng phái nào hay đạo giáo nào… Châm ngôn của Hội “Ánh Sáng” sẽ là: Xã hội - Nhân đạo - Cải cách.”[11]

Lời kêu gọi hành động của báo Ngày Nay đánh dấu một sự thay đổi trong các mối quan hệ của Tự Lực văn đoàn với các trí thức và người nổi tiếng khác. Mặc dù ban đầu Tự Lực văn đoàn gây dựng danh tiếng nhờ bút chiến và biếm họa nhiều nhân vật nổi tiếng trong xã hội Hà Nội, nhưng lúc này, nó sẵn sàng bỏ quá khứ qua một bên và hợp tác với những tờ báo đối lập vì cải cách xã hội. Đặc biệt đáng chú ý là việc Hội hợp tác với tờ báo bảo hoàng, thân chính phủ Le Patrie Annamite [Tổ quốc An Nam] và ông chủ của tờ này là Phạm Lê Bổng. Cả tờ Le Partie Annamite và ông Bổng trước đó đều từng bị Tự Lực văn đoàn châm biếm. Điều này không tránh được những lời dèm pha. Tờ báo đối thủ Tân Việt Nam - mà chủ bút là Phan Trần Chúc cũng từng là nạn nhân bị Phong Hóa châm biếm sâu cay - về sau bình luận rằng bản chất tập hợp của Hội thực chất đã đi lệch khỏi những tôn chỉ trước đó của Tự Lực văn đoàn:

Phong Hóa và tờ kế nhiệm Ngày Nay đã giữ lập trường hoàn toàn độc lập trong mối quan hệ với chính quyền cũng như các thế lực trong xã hội đương thời. Xòe tay xin tiền chính quyền, chạy theo tờ La Patrie Annamite, Ngày Nay đã phá bỏ Phong Hóa trong quá khứ.”[12]

Trong bức tranh biếm họa ở trang nhất nhắm vào văn đoàn, tờ báo này buộc tội Ngày Nay nịnh nọt chính quyền thuộc địa. Bức tranh vẽ một tên quan lại bị dán nhãn “Patrie”, theo sau là một kẻ hầu mang ô được gán cho báo “Ngày Nay[13]. Tờ Ích Hữu của Vũ Đình Long, đối thủ lớn nhất của Tự Lực văn đoàn, chỉ trích một cách cay độc rằng việc lập Hội của Tự Lực văn đoàn là nhằm tăng thanh thế cho nhóm trước công chúng. Tờ này nói, giờ đây Tự Lực văn đoàn đang cộng tác với những nhân vật thân chính phủ “nổi tiếng” mà nó từng châm biếm như Phạm Lê Bổng và Tôn Thất Bình[14]. Ngày Nay không đáp trả những bình luận này; thay vào đó, Bắc Hà,một tờ báo đối thủ lại biện hộ cho nhóm. Tờ này chê trách các tờ báo khác vì đã buộc tội tờ Ngày Nay về việc thành lập Hội Ánh Sáng để kiếm tiền của chính phủ, và khẳng định những cáo buộc tội này là vô căn cứ và nhỏ nhen. Tờ này cũng đề nghị người Hà Nội nên vì lợi ích chung lớn hơn của tập thể và không nên rắp tâm phá hoại những nỗ lực đầy bác ái của người khác. Tờ Bắc Hà kêu gọi các tờ báo khác bỏ qua những thù địch làm tổn hại đến các quan hệ trong quá khứ: “Vậy các ông muốn công kích nhóm Ngày Nay cứ việc mà công kích, có ghét ông Nguyễn Tường Tam cứ việc mà ghét. Đừng dèm pha đến một công cuộc có tính cách xã hội và nhân đạo, do cả một Đoàn thể đã tốn công gây dựng nên”[15]. Vì những liên hệ với tờ tạp chí thân chính phủ La Patrie Annamite, Hội và dự án của Hội bị một số trí thức dân tộc chủ nghĩa hoài nghi. Ở giai đoạn hậu thuộc địa, các sử gia Marxist coi những liên hệ này là bằng chứng về các hoạt động hợp tác với địch của Tự Lực văn đoàn.

Sự hưởng ứng của cộng đồng độc giả với lời kêu gọi của Ngày Nay rất sôi nổi. Sau 5 tháng, Ngày Nay đã in các lá thư của hơn 70 độc giả đã ủng hộ chương trình của văn đoàn và đóng góp ý kiến về cách thực hiện chương trình đó, một số lượng nhỏ trong số hàng ngàn bức thư mà tờ báo tuyên bố đã nhận được[16]. Những bức thư này phản ánh phổ tương đối rộng trong xã hội Việt Nam, nam phụ lão ấu ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, giai tầng đều viết thư đóng góp ý kiến. Tờ báo cũng nhấn mạnh, thư được gửi từ khắp cả nước, từ những nơi xa xôi như Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn và Cần Thơ. Các thư từ gửi đến cho thấy rằng, trong khi Hội vẫn chủ yếu là mộttổ chức đặt trụ sở tại Hà Nội/ Bắc kỳ, thì sứ mệnh từ thiện và cứu tế của Hội đã được công chúng độc giả khắp Đông Dương chào đón. Sự ủng hộ của độc giả nhiệt liệt tới mức văn đoàn nhiều dịp phải lưu ý các độc giả rằng, Hội không thể nhận tiền cũng như không thể cho đăng ký thành viên cho tới khi Hội nhận được giấy phép chính thức của chính quyền[17]. Để vận động ủng hộ Hội, một ủy ban lâm thời được thành lập và một cuộc họp được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 16 tháng 8 năm 1937 để thu hút hội viên và cung cấp thông tin về mục đích của Hội cho công chúng. Hơn 2000 người đã tham dự, gấp đôi số ghế ngồi trong khán phòng. Thính giả nghe một số diễn giả nói về nhiều chủ đề khác nhau: Tôn Thất Bình và Phạm Văn Bính giải thích chương trình và mục tiêu của Hội. Hoàng Như Tiếp mô tả các nguyên tắc kiến trúc của Hội. Một quý cô có tên Thanh Quý thảo luận về tầm quan trọng của phụ nữ đối với Hội. Cuối cùng, Nhất Linh, người sáng lập Hội, nói về ý nghĩa xã hội và lời tuyên bố về sứ mệnh của Hội.

Trong khi chờ đợi giấy phép chính thức, ủy ban lâm thời đã kêu gọi và củng cố sự ủng hộ của giới chức thuộc địa. Các ủy viên gặp gỡ bác sĩ Pierre Hermant, Tổng thanh tra y tế Đông Dương, người hoàn toàn ủng hộ dự án, và Thống sứ Bắc kỳ Yves Châtel, người đồng ý làm Hội trưởng danh dự[18]. Giới chức thuộc địa tỏ ra nồng nhiệt hoan nghênh Hội Ánh Sáng, đặc biệt là khi những mục tiêu của Hội dường như đưa ra các giải pháp cho hai mối bận tâm lâu nay của người Pháp: 1) tình trạng nhân mãn ở các khu vực nông thôn của đồng bằng sông Hồng, và 2) tình trạng bất ổn trong cộng đồng người lao động ở thành thị[19]. Như Andrew Hardy chỉ ra trong Red Hills: Migrants and the State in the Highlands of Vietnam [Những ngọn đồi đỏ: Di dân và Nhà nước ở vùng cao Việt Nam], mối quan ngại của người Pháp về tình trạng “nhân mãn” là uyển ngữ để nói về tình trạng bần cùng hóa[20]. Mối quan tâm thực sự đằng sau vấn đề “nhân mãn” không phải là những quan ngại về nhân khẩu hay kinh tế mà là những lo ngại chính trị trước những cuộc nổi dậy của đám đông bị bần cùng hóa. Ở các khu vực thành thị, sự phát triển bộc phát và hỗn loạn của Hà Nội đã bộc lộ vấn đề nhà ở và chính sách, thể hiện ở các khu ổ chuột bên ngoài địa giới thành phố và hai bờ sông Hồng[21].

Đặc biệt, giới chức người Pháp đã chẳng che giấu những lo lắng của họ về tình cảnh của tầng lớp lao động, mặc dù vô sản thành thị ở Việt Nam vẫn tương đối ít so với nông dân. Trong một cuộc gặp với những người đứng đầu của Hội, Châtel đề nghị “nhiệm vụ đầu tiên của một tổ chức như Hội Ánh Sáng là xây dựng ngay một cộng đồng của người lao động, nơi các tầng lớp lao động có thể thuê nhà giá rẻ, như vậy họ có thể tận hưởng ánh sáng của ngôi nhà sáng sủa, hợp vệ sinh”. Bác sĩ Hermant cũng cố thuyết phục Hội tập trung các nỗ lực vào tình cảnh của những người lao động thành thị. Khi tình trạng “nhân mãn” trở thành uyển ngữ cho “cuộc nổi dậy của những người bị bần cùng hóa”, thì “lao động thành thị” cũng trở thành một cách nói quy ước trong từ vựng của giới chức người Pháp dùng để chỉ những “người cộng sản tiềm ẩn” [potential communists]. Về sau, trong một bài diễn văn, Châtel nói rõ ràng hơn, rằng “nếu mỗi người đã có một ngôi nhà, một mảnh vườn nhỏ thì họ sẽ không còn là cộng sản nữa”. Đối với nhà nước thuộc địa, Hội đáp ứng hai mục đích rõ ràng: giúp giảm nhẹ vấn nạn dân số tập trung quá đông và nghèo đói đồng thời giúp kiểm soát các mầm mống đe dọa tiềm tàng và gây bạo loạn trong xã hội Việt Nam. Đến lượt mình, Hội giành được sự ủng hộ của công chúng và những nguồn lực có thể có cho tổ chức xã hội dân sự còn non trẻ của mình. Do vậy, nhà nước thuộc địa và xã hội dân sự Việt Nam đi đến một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, và điều này đã thúc đẩy những mục tiêu thường là mẫu thuẫn nhau của hai bên.

Là một tổ chức xã hội dân sự, Hội Ánh Sáng thường phải đương đầu với áp lực từ phía nhà nước. Mặc dù đã được nhà nước thuộc địa ủng hộ ở các vùng đất bảo hộ và thành thị, Hội vẫn thường đối mặt với sự kháng cự ở các địa phương. Ví dụ, năm 1938, Hội đã cố sức tìm đất ở Hà Đông cho dự án phát triển nhà ở đầu tiên của mình. Yves Châtel cố khuyến khích Công sứ Hà Đông hiến đất cho Hội, nhưng đề nghị này bị khước từ; thay vào đó, các giới chức địa phương đề nghị cho thuê diện tích cần thiết cho dự án[22]. Ngay ở khu vực thành thị, nơi Hội hợp tác chặt chẽ với giới chức thuộc địa, nhà nước vẫn không chấp thuận hết các yêu cầu hỗ trợ của Hội. Trong một vài trường hợp, nhà nước thậm chí còn gây cản trở các hoạt động quyên góp của Hội. Tháng 4 năm 1938, Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti thu hồi giấy phép đã cấp cho Hội để tổ chức biểu diễn vở Kim Tiền của Vi Huyền Đắc, vở kịch trước đó đã được diễn ở Hải Phòng. Bất chấp việc ban đầu cho phép vở kịch lưu hành, mật thám vẫn từ chối cấp các giấy phép cần thiết, khi dẫn ra cảnh cuối của vở kịch, trong đó những người thợ mỏ bãi công đã giết chết một tên chủ khu mỏ độc ác. Thêm vào đó, các đề nghị miễn các loại thuế cơ bản cho việc treo các băng-rôn quanh Hà Nội của Hội bị khước từ với lý do thành phố cần các khoản quỹ[23]. Do vậy, trên thực tế, việc Thốngsứ đóng vai trò là người bảo trợ cho Hội không đồng nghĩa với việc Hội được ưu đãi; giới chức thuộc địa thường phải bảo vệ uy quyền của mình bằng việc từ chối một số yêu cầu của Hội. Mối quan hệ thường có tính cảnh giác này cho thấy nhà nước nhìn các tổ chức xã hội dân sự với con mắt có phần nghi ngờ, đặc biệt từ khi các tổ chức này lấn át vai trò của chính quyền trong cương vị là các nhà cung cấp các dịch vụ xã hội.

(còn nữa)

 

NGUYỄN TRƯỜNG SINH dịch,

LÊ NGUYÊN LONG hiệu đính.

(Theo “French Colonial State, Vietnamese Civil Society: The League of Light [Đoàn Ánh Sáng] and Housing Reform in Hà Nội, 1937-1941”, JournalofVietnameseStudies,Vol.11,Issue3-4,pp.17-57).

 


(*)Trợ lý Giáo sư - Baruch College - The City University of New York (CUNY)

 

[1] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”, Phong Hóa, (2/6/1933), tr.1.

[2] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”, Phong Hóa (26/5/1933), tr.1.

[3] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”, Phong Hóa (26/5/1933), tr.1.

[4] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”,Phong Hóa (26/5/1933), tr.1.

[5] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”, Phong Hóa (2/6/1933), tr.1.

[6] Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?”, Phong Hóa (2/6/1933), tr.1.

[7] Thông cáo trên báo Ngày Nay (13/12/1936), tr.537-539.

[8] Thông cáo trên báo Ngày Nay (13/12/1936).

[9] Thông cáo trên báo Ngày Nay (13/12/1936).

[10] Thông cáo trên báo Ngày Nay (13/12/1936).

[11] Thông cáo trên báo Ngày Nay (13/12/1936).

[12] “Ánh sáng trong mộng”, Tân Việt Nam (11/9/1937), tr.1,6. [Dịch lại từ tiếng Anh vì chưa tìm được bài báo gốc - (ND)].

[13] “Ánh sáng trong mộng”, Tân Việt Nam (11/9/1937).

[14] “Từ báo Phong Hóa đến Hội Ánh Sáng: hay là ‘Gỡ mặt nạ một bọn hoạt đầu’”, Ích Hữu, (23/3/1938), tr.2–3.

[15] Việt Thi, “Từ nụ cười đến giọt nước mắt,” Bắc Hà, (26/2/1938), tr.6.

[16] PhạmVăn Bính, “Ánh Sáng: Một giờ với Bác Sĩ Hermant,” Ngày Nay (6/6/1937), tr.409.

[17] “Ánh Sáng: Cùng các anh đoàn trưởng và anh em hướng đạo sinh,” Ngày Nay (25/7/1937), tr.577.

[18] Ngày Nay (6/6/1937), tr.409; và Ngày Nay (13/6/1937), tr.433.

[19] Thậm chí ngày nay, đồng bằng sông Hồng (đồng bằng bao bọc thành phố Hà Nội) vẫn là một trong những khu vực có mật độ dân cư dày đặc nhất trên thế giới.

[20] Andrew Hardy: Red Hills: Migrants and the State in the Highlands of Vietnam. Honolulu: University of Hawaii Press, 2002.

[21] Michael Vann, “White City on the Red River: Race, Power, and Culture in French Colonial Hà Nội, 1872-1954” (PhD dissertation, University of California, Santa Cruz, 1999), p.106.

[22] Thư từ Công sứ Hà Đông, Gallois-Montbrun gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Yves Châtel ngày 11 tháng 4, 1938, Résident Supérieure de Tonkin, Nouveau Fonds 04872, Archives Nationales d’Outre Mer (ANOM), Aix-en-Provence, France.

[23] Hồ sơ về Hội Ánh Sáng, Mairie de Hà Nội, D61.2650, Vietnam National Archives 1 (VNA-1), Hà Nội, pp.38-46; Thư từ Đốc lý Hà Nội, Henri Virgitti gửi Hội trưởng Hội Ánh Sáng, đề ngày 23 tháng 1, 1939, Mairie de Hà Nội, D61.2650, Vietnam National Archives 1 (VNA-1), Hà Nội, tr.59.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525249

Hôm nay

263

Hôm qua

2364

Tuần này

21951

Tháng này

211945

Tháng qua

0

Tất cả

114525249