Những góc nhìn Văn hoá
Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội 1937-1941 (Kỳ 2)

…
Cấu trúc tổ chức và văn hóa
Sau khi Hội dành gần một năm để tổ chức và vận động sự ủng hộ của công chúng, chính quyền thuộc địa chính thức phê chuẩn việc thành lập Hội Ánh Sáng vào ngày 14 tháng 10 năm 1937[1]. Theo thông cáo về sứ mệnh của Hội, tổ chức này theo đuổi 4 mục tiêu:
1. Chống lại nhà ở mất vệ sinh.
2. Cổ vũ và hình dung, với sự giúp đỡ của chính quyền và các cá nhân, cơ cấu phát triển và nhà ở hợp vệ sinh trong các khu trung tâm đông dân, đào giếng, làm đường, quản lý chất thải và thiết lập các thôn xóm hiện đại ở làng xã.
3. Quảng bá những ảnh hưởng có lợi của nhà ở hợp vệ sinh bằng việc khuyến khích trên bình diện luân lí và vật chất việc sửa sang nhà cửa, thông qua phát triển việc giáo dục phụ nữ để giữ gìn các hộ gia đình và áp dụng những nguyên lý cốt yếu của kinh tế gia đình.
4. Bằng hình thức phù hợp, giúp đỡ nhiều càng nhiều càng tốt các trường hợp gia đình là nạn nhân của tình trạng nhà ở kém vệ sinh, và dưới hình thức cho thuê hoặc bán, đưa vào sử dụng nhà ở sạch sẽ và rẻ mà Hội sẽ xây dựng.[2]
Như những mục tiêu của Hội đã chứng minh, Hội theo đuổi quan điểm cải cách nhà ở toàn diện hơn so với dự định ban đầu. Chỉ cung cấp những ngôi nhà sạch sẽ thì không đủ; Hội quan tâm tới vấn đề làng xã một cách tổng thể. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đời sống hợp vệ sinh như đường xá, cống rãnh, kênh mương, cũng như hướng dẫn dân làng cách giữ trong lành môi trường xung quanh khu vực mới kiến thiết.
Vì việc hỗ trợ tài chính có tính cách quyết định cho hoạt động, nên việc quyên tiền nhanh chóng trở thành hoạt động hàng đầu của Hội. Thậm chí trước khi nhận được giấy phép chính thức, Hội đã tổ chức nhiều sự kiện quyên tiền, tất cả các sự kiện đó đều được quảng bá rộng rãi trên các số Ngày Nay và các tờ báo địa phương khác. Ví dụ, Hội đã tổ chức buổi ca vũ do một đoàn ca vũ người Hoa có tên May Blossom biểu diễn vào tháng 8 năm 1937. Sự kiện này thu được 518,65 đồng Đông Dương sau khi đã trừ các chi phí[3]. Sau đó, Hội tổ chức một buổi diễn do nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Phùng Há biểu diễn để ủng hộ việc phát triển nhà ở đầu tiên của Hội. Ngoài các buổi biểu diễn văn hóa, Hội đã bảo trợ một sự kiện thể thao gây quỹ kéo dài hai ngày, được tổ chức ở sân Mangin, do Thống sứ Châtel chủ toạ. Hàng tháng, rạp Majestic Cinema tổ chức một buổi chiếu bóng của “Ánh Sáng” vào tối thứ 6, chiếu những bộ phim mới ra mắt như Abused Confidence do Danielle Darrieux thủ vai chính và Mayerling do Charles Boyer thủ vai. Một đêm chiếu như vậy thu được khoảng 330 đồng Đông Dương[4]. Ngoài các hoạt động gây quỹ, Hội cũng tổ chức cho các đợt tuyển mộ. Một sự kiện như vậy, với tên gọi Ngày Ánh Sáng, được thiết kế để nâng cao nhận thức về dự án xã hội của Hội và kết nạp hội viên mới. Ngày Ánh Sáng là một thành công vang dội. Các nhóm đã tuyển mộ được 2352 hội viên mới và đã thu được 1221,09 đồng hội phí[5]. Trong hai tháng đầu xuất hiện, Hội đã kết nạp được 4052 hội viên mới, chủ yếu ở Hà Nội. Một đợt tuyển mộ tương tự cũng được tổ chức ở Hải Phòng đã kết nạp thêm 592 hội viên mới, thu tổng số 481,80 đồng tiền ký giấy gia nhập[6]. Các hoạt động gây quỹ và tuyển mộ hội viên này đã thành công lớn; vào năm 1937-1938, tổng thu của Hội Ánh Sáng là 11.212,89 đồng Đông Dương.
Những con số này, cũng như các tài liệu lưu trữ, cho thấy rằng Hội không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ nhà nước thuộc địa. Như đã đề cập trước đó, đây là cáo buộc thường thấy về Hội ở các đối thủ cũng như của các sử gia Marxist sau này. Theo phe đối thủ của Hội, việc nhận tiền của chính quyền là một chỉ dấu cho sự tham lam và dễ bị mua chuộc của Hội; trong khi đối với các sử gia Marxist, việc nhận tiền này khiến Hội bị gắn mác những kẻ hợp tác với địch. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng tỏ những giao dịch như vậy đã từng diễn ra. Tháng 12 năm 1938 ban kiểm tra tài chính của Hội đệ trình bản báo cáo thường niên lên Thống sứ Bắc Kỳ. Tài liệu này liệt kê chi tiết các khoản thu chi của Hội từ 1937 đến 1938, và không liệt kê bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào từ chính quyền thuộc địa[7]. Mặt khác, bằng chứng lưu trữ chỉ ra rằng chính quyền đã cung cấp cho Hội sự giúp đỡ phi tài chính, chẳng hạn như cho sử dụng miễn phí Nhà hát Lớn Hà Nội, cho phép treo băng-rôn và tờ bướm của Hội quanh thành phố và ghi danh các viên chức cấp cao vào vị trí thành viên danh dự của Hội[8]. Điều này cho thấy rằng Hội đã tự huy động hoàn toàn nguồn kinh phí.
Thực ra thì, các tài liệu lưu trữ cho thấy rằng, nhà nước thuộc địa vẫn thường tìm tới các tổ chức xã hội dân sự theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa mỗi khi có tai họa xảy đến. Năm 1938, Đốc lý tỉnh Kiến An[9] là André Berjoan viết cho Châtel, thông tin về một vụ cháy ở khu mỏ của tỉnh. Ông báo cáo những thiệt hại chủ yếu do vụ hỏa hoạn gây ra, khiến 300 người mất nhà cửa và thiệt hại hơn 5.000 đồng Đông Dương. Berjoan thỉnh cầu Thống sứ giúp kêu gọi Hội hỗ trợ các nỗ lực tái thiết: “Tôi sẽ rất vui nếu trong dịp này, ngài tác động với Hội Ánh Sáng, khi Hội đang có hoạt động hữu ích là cố gắng xây một hoặc hai căn nhà kiểu mẫu ở khu vực này. Những ngôi nhà này sẽ là hình mẫu cho các chủ nhân và sẽ là chương trình tuyên truyền hữu hiệu”[10]. Châtel đã đích thân viết thư cho Hội trưởng Hội Ánh Sáng, bày tỏ mối quan tâm lớn của ông, rằng Hội “thể hiện rõ vai trò trong sự kiện lần này và các công trình mà các ông dự định xây dựng sẽ được thi công nhanh chóng”[11]. Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ lời đề nghị hỗ trợ tài chính nào để hoàn thiện các căn nhà mẫu, được khánh thành vào tháng 4 cùng năm này[12].
Về mặt tổ chức, Hội Ánh Sáng được tổ chức theo mô hình tương tự như các Hội từ thiện của giới trung lưu châu Âu vào thế kỷ XIX -đầu thế kỷ XX mà sử gia người Anh R. J. Morris gọi là “dân chủ theo thể chế hội viên” [subscriber democracy][13]. Trong hình thức đoàn thể này, các hội viên đóng hội phí thường niên và được tổ chức thành một hệ thống phân cấp chặt chẽ. Các khoản hội phí cấp kinh phí cho hầu hết các hoạt động của tổ chức. Việc quản lý do một ủy ban được các hội viên bầu ra điều hành, cách thức được Morris mô tả là “dùng một nhóm tối cao [oligarchy] được bầu từ những thành viên có vị thế cao hơn trong hội để lãnh đạo”[14]. Trong một tổ chức dân chủ theo thể chế hội viên, các thực hành chính trị dân chủ mang tính thủ tục [procedural democratic politics] được chuyển dịch thành việc quản trị thường nhật do một tổ chức tự nguyện đảm nhiệm. Những tổ chức như vậy được xây dựng nhằm bảo đảm sự tín nhiệm cũng như sự tham gia tích cực của các hội viên.
[…] Hội duy trì một chi nhánh ở Hải Phòng, nhưng các cơ quan đầu não vẫn đặt tại Hà Nội, do một ban trị sự gồm 21 người được bầu ra điều hành. Ban trị sự này họp mặt mỗi tháng một lần. Để trợ giúp các công việc của Hội, ban trị sự thành lập 6 ủy ban chính, mỗi ủy ban phụ trách một công tác cụ thể gồm các vấn đề: mua sắm, hội hè, cổ động, giám sát nhà ở, phụ nữ và kỹ thuật. Ngoài các thành viên của Tự Lực văn đoàn, một số thành viên của ban trị sự là những người nổi tiếng bậc nhất trong xã hội Hà Nội. Họ xuất thân từ nhiều ngành nghề và khuynh hướng chính trị khác nhau, và một số người vẫn tiếp tục các sự nghiệp lừng lẫy khác. Chẳng hạn, nhà trí thức phi cộng sản Vũ Đình Hòe lập ra tờ báo rất có ảnh hưởng, Thanh Nghị, sau đó trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của Việt Nam trong Chính phủ Lâm thời của Hồ Chí Minh. Hội trưởng thứ ba, Tôn Thất Bình làm chủ bút tờ La Patrie Annamite, Hiệu trưởng trường tư thục Thăng Long và là con rể của nhà trí thức nổi tiếng Phạm Quỳnh. Một trong những sinh viên nổi tiếng nhất của trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Tô Ngọc Vân sau này tham gia Việt Minh, thành lập một ngôi trường mỹ thuật cách mạng tại chiến khu Việt Bắc, và được công nhận là Anh hùng sau khi mất trong trận Điện Biên Phủ. Bác sĩ Phạm Hữu Chương cũng gia nhập Việt Minh và làm Giám đốc Nha Y tế thôn quê trong Chính phủ Hồ Chí Minh cho đến 1951. Sau đó ông bỏ hàng ngũ chạy sang miền Nam; tại đây Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cất nhắc ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Công tác xã hội. Trong những năm 1950 và 1960, một bệnh viện ở Chợ Lớn được đặt tên theo tên ông. Cuối cùng, Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp cũng trở thành thành viên của mặt trận Việt Minh và hoạt động trong chiến khu Việt Bắc. Ở đây, một số kỹ thuật xây dựng bằng tre do Hội Ánh Sáng phát triển đã được vận dụng thành công trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất[15]. Ngay cả khi đang tích cực hoạt động cùng Hội Ánh Sáng, Nguyễn Cao Luyện đã bị tình nghi phát tán các tài liệu của cộng sản quanh khu vực trường Cao đẳng Công chính[16]. Nhóm các nhân vật kể trên cho thấy rằng Hội Ánh Sáng bằng cách nào đó đã tập hợp được một nhóm trí thức vốn có rất ít điểm chung. Các nghệ sĩ hợp tác với các bác sĩ, nhà báo và nhà văn cộng tác cùng các kiến trúc sư và thương nhân. Các nữ trí thức như bà dược sĩ Nguyễn Đình Hoàng và bà hiệu trưởng Trịnh Thục Oanh hợp tác với nhiều đối tác nam giới trong các dự án cải cách xã hội[17]. Lạ thay, Hội cũng đã kéo những người có khuynh hướng chính trị khác nhau lại cùng nhau, từ những người ủng hộ tư tưởng quân chủ đến các nhà cách mạng mới xuất hiện. Sự hiện diện của các nhân vật đó trong ban trị sự của Hội không chỉ minh chứng cho sức hút rộng rãi của thông điệp cải cách xã hội của Hội, mà còn minh chứng cho mong muốn của Hội trong việc mang những thành phần đối lập vào cùng một tổ chức xã hội dân sự gắn kết chặt chẽ.
[…] Điều lệ Hội phác họa các thủ tục điều hành chặt chẽ nhằm tránh quản lý kém hiệu quả, đặc biệt là liên quan đến tài chính. Hàng tháng cũng như thường niên, thủ quỹ của Hội phải đệ trình các báo cáo tài chính. Các báo cáo này phải được thẩm tra độc lập và công bố trên tờ Ngày Nay, La Patrie Annamite và các tờ báo khác. Mỗi năm một lần, đại hội toàn thể được nhóm họp vào thời điểm nào đó trong ba tháng cuối năm. Tại đây, các hội viên nghe các báo cáo thành tích và báo cáo tài chính của Hội, bầu cử các chức vụ và biểu quyết các dự án mới. Các nhà sáng lập Hội hi vọng một quy trình như vậy sẽ góp phần xây dựng sự tín nhiệm và thông hiểu giữa người điều hành với các hội viên bằng cách tạo dựng sự minh bạch và tính trách nhiệm.
Hình thức tổ chức của Hội cho thấy Hội đã khuyến khích việc hợp tác, đồng thuận giá trị và chung tay hành động giữa các hội viên. Như đã được mô tả trong nghiên cứu về châu Âu và Bắc Mỹ, các hiệp hội tình nguyện ở đô thị có thể tạo ra các căn rễ của xã hội dân sự hiện đại[18]. Điều lệ Hội cho thấy, mặc dù việc quản lý của Hội khá nặng nề và tập trung, nhưng nó nhằm tối đa hóa tính minh bạch và hiệp đoàn. Thông qua các thành tố có tính biểu tượng và nghi thức của văn hoá công cộng, các hoạt động kỷ niệm của công dân và các cuộc mít-tinh, hình thức tổ chức của Hội đã tìm cách củng cố các bản sắc tập thể. Cơ cấu tổ chức của Hội cổ vũ các thói quen của tinh thần đoàn thể và có thể được coi là một biểu hiện của nền dân chủ đang nảy mầm. Do Tự Lực văn đoàn có niềm tin nồng nhiệt vào các giá trị của nền cộng hòa Pháp, hình thức tổ chức của Hội Ánh Sáng hiện diện với tư cách một phương tiện phát triển các giá trị công dân khai sáng ở các hội viên.
Kiến trúc Ánh Sáng: Những nguyên tắc chỉ đạo và việc thực hiện
Như đã mô tả trước đó, người sáng lập Hội, Nhất Linh, và các kiến trúc sư Nguyễn CaoLuyện[19] và Hoàng Như Tiếp đều từng học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tại ngôi trường này, họ chịu ảnh hưởng của những ý tưởng tiến bộ của trường phái môi trường luận tích cực đầu thế kỉ XX ở châu Âu. Ảnh hưởng này thể hiện rất rõ trong thiết kế các khu nhà ở của Hội. Việc xem xét sơ đồ thiết kế của các dự án Ánh Sáng cho thấy triết lý của Hội về môi trường nhân tạo: tình trạng thiếu vệ sinh có thể được kiểm soát và giảm thiểu thông qua việc quy hoạch không gian một cách hợp lý, sắp xếp và phân tách các hoạt động thường nhật trong khắp căn nhà.
Trong bài diễn văn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8 năm 1936, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp đã phác họa những nguyên tắc chỉ đạo kiến trúc “Ánh Sáng”[20]. Ông tuyên bố, kiến trúc không nên chỉ phục vụ người giàu, mà cũng nên phục vụ cả người nghèo. Ông bác bỏ ý tưởng kiến trúc chỉ thuần túy là sự thực hành hời hợt vì mục đích trang trí và phong cách nghệ thuật, và cho rằng, thay vào đó, kiến trúc thể hiện “sự xếp đặt có khoa học các nơi ăn chốn ở, sự áp dụng mọi điều kiện vệ sinh, và sự tìm tòi về mỹ thuật”. Vậy thì, nhà ở của Hội Ánh Sáng phải có đặc điểm gì? Căn nhà trông sẽ thế nào? Hoàng Như Tiếp trả lời: “Vậy muốn là một căn nhà Ánh Sáng, vật liệu đầu tiên mà ta phải có, tất nhiên là: Ánh sáng, trời, cây cỏ, gió mát và không khí trong sạch”. Như ông đã chỉ ra, những nguyên liệu như vậy đều miễn phí và nên tận dụng chúng một cách tối đa. Tuy nhiên, vị kiến trúc sư cũng cảnh báo việc lạm dụng vật liệu tự nhiên này có thể dẫn tới tật bệnh (có thể bởi nóng bức quá độ hay gió lạnh); do vậy, điều rất quan trọng là điều hòa và kiểm soát chúng. Bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh, các căn nhà của Hội Ánh Sáng cũng phải đảm bảo về kinh tế; Hoàng Như Tiếp quả quyết với các khán giả rằng “nhà Ánh Sáng sẽ không bao giờ đắt hơn nhà hiện có”. Để giảm giá thành, các căn nhà sẽ chỉ sử dụng những vật liệu sẵn có như tre, và tập trung vào việc tổ chức không gian sống thật khoa học. Về sau, Hội dự định xây dựng “các trại Ánh Sáng”, mô hình sẽ đóng vai trò là những hình mẫu về hệ thống vệ sinh và quy hoạch cộng đồng. Các trại này sẽ bao gồm chỗ giặt chung, ống dẫn nước và giếng chung, cũng như các dịch vụ cộng đồng khác như một phòng đọc, một phòng sơ cứu và một sân chơi [cho trẻ]. Như bài diễn văn của Hoàng Như Tiếp đã chỉ rõ, căn nhà của Hội Ánh Sáng không được xác định bởi thiết kế hay tính năng đặc biệt, mà bởi một bộ nguyên tắc chỉ đạo: 1) kiểm soát và tận dụng khí hậu tự nhiên để tăng cường tối đa các điều kiện sống hợp vệ sinh; 2) tận dụng các vật liệu sẵn có mọi nơi để hạ giá thành xuống mức thấp nhất; và 3) tin tưởng vào việc sắp xếp khoa học không gian sống[21]. Những dẫn đạo đó cho thấy các kiến trúc sư của Hội đã có ý thức về những hàm ý mang tính nguyên tắc và kỉ luật trong dự án của họ.
Những nguyên tắc này đã được vận dụng vào thực tế như thế nào? Chỉ cần xem xét khu định cư duy nhất của Hội Ánh Sáng sẽ làm sáng tỏ cách Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp áp dụng lý thuyết của mình. Tháng 7 năm 1938, Hội khởi công xây dựng một trại nhà ở tại Phúc Xá, một khu dân cư ngay ngoại thành Hà Nội. Hội đặt tên cho khu định cư này là “Le Cité Madame Jules Brévié” [làng của bà Jules Brévié] theo tên của nhà hảo tâm và là vợ của ông Toàn quyền thuộc Mặt trận bình dân. Bãi Phúc Xá nằm bên bờ sông Hồng, rất dễ bị lụt lội hàng năm, đã đặt ra một thử thách đặc biệt cho Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp. Hội lựa chọn địa điểm này vì bốn lý do: 1) Một số cư dân ở đây đã trở nên vô gia cư sau một vụ hỏa hoạn mới xảy ra. 2) Khu đất này đã có trường học, trạm y tế, và đường lớn. 3) Địa điểm này rất gần Hà Nội, cho phép việc dạy cho người dân cách sinh hoạt mới được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn, và 4) đất ở bãi Phúc Xá sẵn có (dự án thứ hai của Hội ở thôn Voi Phục vẫn đang chờ giấy phép). Đối phó với vấn đề lụt lội, giải pháp của Hội là lường trước việc nước dâng: xây nền cao một mét, và trên đó, xây tường cao khoảng 50 phân. Các kiến trúc sư ước lượng một mét rưỡi là đủ để bảo vệ các căn nhà khỏi hầu hết các trận lũ xảy đến theo mùa.
[…] Nghiên cứu trại Phúc Xá sẽ cho thấy cách các kiến trúc sư áp dụng các nguyên tắc xây dựng của Hội Ánh Sáng như thế nào. Có thể thấy niềm tin của Hội trong việc tổ chức không gian sống một cách khoa học thể hiện ở việc xếp đặt khu phụ, nơi khí hậu tự nhiên có thể được sử dụng để tạo ra các điều kiện sống hợp vệ sinh. Nhà được xây dựng từ các vật liệu rất sẵn: tre, tranh, và một ít gỗ để làm khung cửa. Chỉ có nhà bếp được xây bằng gạch để phòng cháy tốt hơn. Thiết kế này cần chi phí xây dựng thấp; Hội đã dành 3.837,35 đồng để xây toàn bộ khu trại, hay 112,86 đồng cho mỗi căn nhà. Phù hợp với niềm tin của Hội đối với việc hướng dẫn người dân quê, Hội muốn khu định cư Le Cité Madame Jules Brévié không chỉ là một khu nhà ở mà còn là một cộng đồng được quy hoạch tổng thể. Trại Phúc Xá tự hào với một trạm y tế, nơi có một bác sĩ của Hội khám chữa bệnh miễn phí. Một người quản lý được bổ nhiệm quản lý các hoạt động hàng ngày và bảo quản khu nhà. Một trong số các căn nhà được sử dụng làm nhà hội họp cộng đồng và, tính đến năm 1941, trường học đang được xây dựng[22].
Trong suốt bốn năm tồn tại, Hội Ánh Sáng đã cố gắng xây dựng một trại nhà ở tại Phúc Xá, trên bờ sông Hồng. Kết hợp với các chi nhánh của Hội ở Sơn Tây và Hải Phòng, Hội đã xây dựng một số căn nhà mẫu ở Bất Bạt và Kiến An, cũng như một ngôi làng mẫu ở Bắc Giang[23]. Các kế hoạch đang được thực hiện cho trại nhà ở thứ hai ở thôn Voi Phục, nơi Hội có 13 mẫu Anh đất[24] và đã chuẩn bị khoản ngân sách 20.000 đồng[25]. Đáng tiếc, không rõ khu định cư này có được xây hay không. Các học giả như Paul Rabinow và Gwendolyn Wright đã mô tả việc quy hoạch đô thị của người Pháp là một hiện tượng từ trên xuống mà ở đó các thuộc địa là phòng thí nghiệm của các phương pháp quản trị hiện đại. Một mô tả như vậy gợi ra rằng các “nhà khoa học” kỹ trị người Pháp hồi đó đang tiến hành các thử nghiệm xã hội và quản trị đối với các quần thể dân cư thuộc địa hầu như bị động và đã quy phục. Tuy nhiên, như các nguyên tắc kiến trúc riêng của Hội Ánh Sáng đã minh chứng, người Việt đang thực hiện các thử nghiệm riêng, phục vụ chính xã hội của họ.
(còn nữa)
NGUYỄN TRƯỜNG SINH dịch,
LÊ NGUYÊN LONG hiệu đính.
(Theo “French Colonial State, Vietnamese Civil Society: The League of Light [Đoàn Ánh Sáng] and Housing Reform in Hà Nội, 1937-1941”, JournalofVietnameseStudies,Vol.11,Issue3-4,pp.17-57).
(*) Trợ lý Giáo sư - Baruch College - The City University of New York (CUNY)
[1] Quyết định số 4581 do Thống sứ Bắc Kỳ ký ngày 14 tháng 10, 1937. Mairie de Hà Nội, 2858, VNA-1, Hà Nội.
[2] “Ligue de Anh Sang: Projet de Statuts” [Hội Ánh Sáng : Dự thảo điều lệ], Résident Supérieure du Tonkin, D62.79250, VNA-1, Hà Nội, tr.62–75.
[3] “Từng tuần lễ một”, Ngày Nay (29/8/1937), tr.688.
[4] “Kỷ yếu Ánh Sáng”, Ngày Nay (29/5/1938), tr.14.
[5] “Kết quả một ngày Ánh Sáng ở Hà Nội”, Ngày Nay (19/12/1937), tr.6–7.
[6] “Kỷ yếu Ánh Sáng” Ngày Nay (24/4/1938), tr.19.
[7] “Tờ trình của Ban Kiểm Sát Đoàn Ánh Sáng”, Résident Supérieure de Tonkin, D62.79250, VNA-1, Hà Nội, tr.55–58.
[8] Hồ sơ về Hội Ánh Sáng, Mairie de Hà Nội, D61.2650, Vietnam National Archives 1 (VNA-1).
[9] Tỉnh Kiến An là tỉnh cũ ở miền Bắc Việt Nam, thành lập từ cuối thế kỷ XIX cùng với thành phố Hải Phòng. Đến tháng 10 năm 1962, tỉnh này đã sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. (BT)
[10] Thư của Đốc lý tỉnh Kiến An gửi Thống sứ Bắc Kỳ Yves Châtel, đề ngày 13 tháng 1, 1938, Résident Supérieure de Tonkin, Nouveau Fonds 04872, Archives Nationales d’Outre Mer (ANOM), Aix-en-Provence, France.
[11] Thư của Thống sứ Bắc Kỳ Yves Châtel gửi Hội trưởng Hội Ánh Sáng, đề ngày 9 tháng 2, 1939, Résident Supérieure de Tonkin, Nouveau Fonds 04872, Archives Nationales d’Outre Mer (ANOM), Aix-en-Provence, France.
[12] “Une interessante mise au point”, [Một sự phát triển thú vị], L’Avenir du Tonkin (June 26, 1939), p.1.
[13] R.J. Morris, “Clubs, Societies, and Associations”, in F. M. L. Thompson, ed., The Cambridge Social History of Britain, 1750–1950, vol. 3(Cambridge: Cambridge University Press, 1990), p.412.
[14] Morris, “Clubs, Societies, and Associations”, p.413.
[15] Vũ Đình Hòe, Hồi ký. Hà Nội: Văn hóa thông tin, 1994, tr.iv-v.
[16] “Note confidentielle no. 2724, 12Mar 1935,” Mairie de Hà Nội, D611.2663, VNA-1, Hà Nội, tr.102.
[17] Một thành viên khác của ban trị sự là kĩ sư Nguyễn Duy Thanh, sau này là Cục trưởng cục Giao thông công chính và là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Tái thiết của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[18] Các nghiên cứu gồm: Graeme Morton, R. J. Morris, and B. M. A. de Vries, eds. Civil Society, Associations, and Urban Places: Class, Nation, and Culture in Nineteenth-Century Europe. Aldershot, England: Ashgate, 2006; Don E. Eberly and Ryan Streeter, eds. The Soul of Civil Society: Voluntary Associations and the Public Value of Moral Habits. Lanham, Md: Lexington Books, 2002; and Nancy Gina Bermeo and Philip G. Nord, eds. Civil Society Before Democracy: Lessons from Nineteenth-Century Europe. Lanham, MD: Rowman & Littlefield Publishers, 2000.
[19] Ở đây, và một số chỗ khác về sau, tác giả ghi “Nguyễn VănLuyện” thay vì “Nguyễn Cao Luyện”. Có lẽ do ghi nhầm, chúng tôi thống nhất đổi thành Nguyễn Cao Luyện. (ND)
[20] Việc cộng tác giữa Tự Lực văn đoàn với Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp không phải mới bắt đầu với Hội Ánh Sáng – hai kiến trúc sư đã cải tiến các thiết kế và các ý tưởng của mình trên các trang báo của văn đoàn trong nhiều năm. Nguyễn Cao Luyện xuất hiện lần đầu trên báo Phong Hóa vào tháng 7 năm 1934. Tờ này thông báo việc hợp tác với vị kiến trúc sư này, người đã được tờ báo mô tả là có cùng chí hướng xã hội. Phong Hóa sẽ tiếp tục đăng 5 bản thiết kế của Nguyễn Cao Luyện (về sau có sự tham gia của Hoàng Như Tiếp) vào thời gian từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 1 năm 1936. Những bản thiết kế nhà ở đầu tiên này có thể được xem là những công thức đầu tiên của nhà ở phong cách “Ánh Sáng”.
[21] Hoàng Như Tiếp, “Kiến trúc Ánh Sáng”, Ngày Nay (19/ 9/1937), tr.762.
[22] “Notice Sommaire sur l’activité de la Ligue “Anh Sang” depuis sa fondation”.
[23] “Kỷ yếu Ánh Sáng,” Ngày Nay (6/3/1938), tr.14; Ngày Nay, (27/2/1938), p.14, 19.
[24] tương đương 5,26 hecta. (ND)
[25] “Đoàn Ánh Sáng, 1939–1940”, Nước Nam (21/1/1939), tr.3.
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559053

270

2301

2371

226596

122920

114559053