Những góc nhìn Văn hoá
Về sự xâm lăng văn hóa hiện nay

Đặt vấn đề
Xâm lăng văn hóa là một quan niệm chỉ rõ rằng, bản sắc/cốt cách văn hóa của một cộng đồng người nào đó đang bị một thực thể văn hóa của cộng đồng khác từ bên ngoài chèn ép vào làm cho dần mai một hoặc biến dạng đi. Quan niệm này khác với tình trạng giao lưu văn hóa mà xưa nay nhân loại vẫn thường diễn ra. Nếu giao lưu thì quá trình đó là quá trình nhận và cho, nhưng bản sắc/cốt cách của cộng đồng vẫn giữ lại được, không những thế những giá trị nhận và cho đó lại góp phần phát huy bản sắc/cốt cách của một cộng đồng. Còn xâm lăng văn hóa? Phía bị xâm lăng thì chỉ có bị mất đi chứ không bao giờ là được cả. Việt Nam thời nay đang có tình trạng này.
Sự xâm lăng giữa các vùng
Có hay không tình trạng xâm lăng văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc ở trong lòng đất nước? Tôi cho là có. Tất nhiên mức độ ở một số nơi có khác nhau. Ở đây không phải là sự giao lưu văn hóa như một số người lầm tưởng. Việc này không phải ai cũng ý thức được và công nhận có thực trạng đó, bởi vì nó diễn ra có vẻ rất "êm dịu", không gây ra những cú sốc tức thời lay động mạnh tới đời sống văn hóa của cả dân tộc. Các nhà quản lý văn hóa giáo dục nước nhà hình như cũng chưa quan tâm đúng mức.
Lấy một thí dụ ở cộng đồng dân cư Tây Nguyên của nước ta là rõ nhất. Sau năm 1975, dân cư ở miền Bắc và miền Trung ồ ạt di cư đến Tây Nguyên, có cả việc đi theo một cách có tổ chức, có kế hoạch, có cả đi một cách "tự do" (di dân tự do). Đến bây giờ, số dân nơi khác đến định cư ở Tây Nguyên nhiều hơn số dân gốc bản địa. Cư dân tại chỗ vốn là chiếm đa số, nay trở thành cư dân thiểu số. Điều này tác động, làm thay đổi bộ mặt văn hóa ở đây. Đầu tiên là thay đổi về tình hình sử dụng ruộng đất khi các nông trường, hợp tác xã ra đời, khi nhiều người dân nơi khác đến mua đất của người dân bản địa. Thậm chí việc phân bố đất đai đã dẫn đến phân bổ lại dân cư. Tổ chức sản xuất cũng có sự thay đổi. Điều này tất yếu dẫn đến sự xáo trộn văn hóa với mức độ nặng nhẹ tùy mỗi khu dân cư phụ thuộc vào sự quần tụ dày hay thưa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Độ khoảng hơn 20 năm nay, vùng Tây Nguyên lại thêm đạo Tin Lành phát triển nhanh.
Hai điều thiêng liêng nhất của con người: một là quyền sở hữu; hai là niềm tin về cái gì đó (ở đây rõ nhất là tôn giáo, tín ngưỡng), thì dần dần bị xáo trộn. Đó là cái biến đổi mất dần văn hóa bản địa. Một số trong nhiều nguyên nhân chủ yếu nổ ra hai lần bạo loạn ở Tây Nguyên trong những năm 2001, 2004 là do sự biến động của hai điều đó.
Văn hóa của các vùng miền tràn vào Tây Nguyên, lấn lướt, và có nơi, có lúc "chèn ép" văn hóa bản địa. Đã theo Tin Lành rồi thì không được uống rượu. Người vợ, người mẹ dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất thích cho cả nhà mình, cho chồng và con trai mình theo đạo Tin Lành, vì khi đã vào rồi thì chấm dứt được cái tệ nhậu nhẹt, rượu chè say xỉn. Mà không uống rượu, không đánh cồng chiêng, không múa hát thì còn đâu lễ hội, nhất là lễ cúng giàng, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả và hàng loạt các lễ hội khác nữa. Dần dần văn hóa cồng chiêng bị mai một. Nay chúng ta thấy sự cố gắng khôi phục lại văn hóa cồng chiêng nhờ một phần từ sự công nhận của UNESCO về không gian văn hóa cồng chiêng và phần nhờ chú ý khôi phục lễ hội: dùng kinh phí ngân sách nhà nước dựng lại nhà rông công cộng, khôi phục lễ đâm trâu và một số lễ hội khác. Nhưng, một điều thấy rõ là, hiện nay, chủ yếu những lễ hội diễn ra do nhu cầu du lịch, sân khấu hóa để phục vụ cho sinh hoạt gì đó của địa phương chứ chủ yếu không thật sự do chính nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vậy nếu đã sân khấu hóa rồi thì còn đâu cái không gian văn hóa cồng chiêng như UNESCO công nhận, vinh danh!
Văn hóa đi liền với kinh tế. Kinh tế Tây Nguyên như hiện nay thì sự biến động như là một sự xâm lăng về mặt văn hóa càng diễn ra mạnh hơn. Kinh tế ở vùng này đang khó khăn, đời sống nhân dân nói chung, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số, chưa khấm khá gì; hộ nghèo còn nhiều. Quy hoạch trồng trọt các cây chủ lực như cà phê, tiêu, cao su chưa tốt, thói quen chạy theo cái trước mắt chưa được khắc phục. Nay chặt cây này trồng cây kia, mai lại chặt cây kia trồng cây này. Rớt giá…chặt…trồng…El Nino hạn hán năm 2016 bồi thêm cho một nhát nữa làm cho cả kinh tế và văn hóa vùng Tây Nguyên càng khó khăn.
Với thí dụ trên đây về Tây Nguyên, chúng ta có thể nghĩ đến tình hình chung ở các vùng khác. Lễ hội văn hóa đã bị biến dạng nhiều do cả từ nguyên nhân tổ chức chính quyền can thiệp vào, sự can thiệp đó có người cho rằng là cần thiết, nhưng trong rất nhiều trường hợp, các lễ hội đó tồn tại và vận hành không do tất yếu tự nhiên từ cộng đồng dân cư mà do ý tưởng của nhà quản lý.
Sự xâm lăng qua biểu hiện của công nghệ thông tin và TV
Một chiều cạnh khác của xâm lăng văn hóa là ở lĩnh vực phim ảnh vào Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Con người tiếp nhận những tri thức lịch sử và từ đó có những suy ngẫm từ những tri thức đó để giúp cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Tri thức lịch sử có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần rất lớn vào việc giáo dục và hình thành nhân cách của từng cá nhân con người, góp phần làm bộc lộ khả năng của cá nhân con người với tư cách là thực thể của một đơn vị văn hóa, khi coi cá nhân của mỗi một con người là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ của thế giới tự nhiên, v.v… Trong giáo dục, thông qua việc bồi đắp những tri thức lịch sử cho con người, chúng ta thấy người ta sử dụng nhiều con đường và phương thức khác nhau, không chỉ bằng những quyển sách, truyện tranh, những bài giảng, bài học, từ bảo tàng, từ di tích lịch sử… mà còn bằng kênh phim, cả phim ngoài rạp (phim nhựa), cả phim truyền hình, phim tài liệu, v.v…
Nhưng, từ nhiều năm nay, chúng ta thấy tình trạng phim với đề tài lịch sử Việt Nam như thế nào? Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phim về đề tài này ở Việt Nam còn kém, thậm chí là rất kém, không được các cộng đồng dân cư chấp nhận một cách nhiệt thành.
Một trong những phương tiện thông tin đại chúng có tính chất đắc lợi nhất trong cuộc sống tinh thần của con người hiện nay ở vô tuyến truyền hình (TV). Vai trò của TV thời hiện đại, nhất là thông qua hệ thống cáp kỹ thuật số và qua chảo thì không ai có thể phủ nhận được trong truyền tin, trong định hướng những món ăn tinh thần, trong bày tỏ các quan điểm, thậm chí trong giao lưu trực tuyến khi kết nối với xa lộ thông tin với hệ thống băng thông rộng internet. Cứ mở TV lên thì dễ dàng bắt gặp phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở Việt Nam, có bao nhiêu kênh truyền hình? Chúng ta thấy có quá nhiều, từ địa phương, trung ương, ngành. Do vậy, nhiều kênh truyền hình chương trình có khi gượng ép, có lúc như lắp vào cho đủ thời lượng phát sóng. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân phim Hàn Quốc, Trung Quốc có nhiều trên các kênh truyền hình, thậm chí nhiều phim được chà đi phát lại cho đủ thời lượng của kênh đã đăng ký. Tình hình này góp phần làm cho tình trạng có nhiều Việt Nam người nhớ phim lịch sử (dã sử) Trung Quốc và Hàn Quốc hơn lịch sử Việt Nam. Mà phim dã sử Trung Quốc, Hàn Quốc họ dựng hay thật hay do cốt truyện, do kỹ năng kỹ xảo, do trình độ diễn viên, và do cả cách quảng bá, giao thương, v.v…
Hàn Quốc tự nhiên thành công một cách mỹ mãn, một cách không ngờ trong việc đưa văn hóa Hàn vào Việt Nam trong một thời gian không dài. Đó cũng là sự xâm lăng văn hóa, nếu xét cho đến cùng trong quá trình biến đổi văn hóa trong lớp trẻ của Việt Nam. Những mái tóc nâu, tóc trầm, những kiểu túi xách, cách đeo túi của các em học sinh, sinh viên; môi tô son màu tối, rồi thời trang…đã len được vào một phần không nhỏ đối với lối sống lớp trẻ Việt Nam. Những "Hậu duệ mặt trời" và nhiều phim nữa của Hàn Quốc trở thành chủ đề của nhiều phương tiện truyền thông. Ngay cả những người già nghỉ hưu hằng ngày thường xem phim Hàn Quốc trên TV. Phim Nhật Bản chiếu trên TV Việt Nam tuy không nhiều bằng phim của Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng cũng đã cắm chốt được mục từ vựng OSIN cho tiếng Việt! Bây giờ người Việt Nam bất kể ai, từ già tới trẻ, từ nông thôn tới thành thị, hễ nói đến OSIN thì hầu như ai cũng biết có nghĩa đó là người giúp việc.
Nhà nước đã nhiều lần bỏ tiền tỷ ra làm phim lịch sử nhưng hầu như chưa thành công. Nhiều bộ phim như vậy đem ra rạp chiếu thì không mấy ai xem. Chiếu trên TV cũng thế, người ta không thích xem phim lịch sử Việt Nam. Tại sao vậy? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân! Chưa thấy cơ quan văn hóa giáo dục nào của nước nhà ngồi với nhau bàn cho ra nhẽ. Chưa thấy các nhà giáo dục, các nhà khoa học bàn bạc tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Tại sao Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm được mà Việt Nam ta lại không? Nếu có nhiều phim lịch sử hay thì không những học sinh, mà mọi người Việt Nam, sẽ được tiếp nhận tri thức lịch sử phong phú, sâu đậm.
Văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Trung Quốc thời đương đại vào Việt Nam nhanh đến thế! Nó vào nhanh là từ cái kênh truyền thông, trong đó có vô tuyến truyền hình (TV). Lợi thế của phim về đề tài lịch sử là đi vào con người nhanh và đậm, chứ không phải chỉ bằng sách và bài giảng lịch sử ở các trường học. Phim lịch sử không chỉ là giải trí mà là trang bị tri thức và kỹ năng sống cho con người ta, chứ không phải cứ nhồi nhét tri thức ở trường học, bắt học sinh thi là coi như giáo dục được lịch sử có hiệu quả. Nhiều người kêu rằng, hiện nay, nhiều người chán sử. Đúng như vậy, nhưng tình hình đó còn bởi ở Việt Nam không có những bộ phim về đề tài lịch sử nào đáp ứng nhu cầu người xem.
Ngày 30-12-2015, phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015 triển khai nhiệm vụ năm 2016, ông Đinh Thế Huynh lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, nói rằng "báo chí làm ầm lên việc cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, thương lái ngoại quốc lũng đoạn…nhưng truyền hình suốt ngày đêm chiếu phim Trung Quốc. Ta lo trẻ em Việt Nam không thuộc Sử nhưng có dám mời thầy lên giảng Sử trên truyền hình dù biết làm vậy không thể thu hút quảng cáo bằng chiếu phim Tàu?" (Trích trên báo mạng http://giaoduc.net.vn, 30-12-2015).
Trước đây 40-50 năm, thế hệ 8x chúng tôi học lịch sử nước nhà, thầy cô giáo thỉnh thoảng còn dẫn chúng tôi đến ngôi đền này ngôi đền nọ ở quê. Cuối buổi học thứ Bảy (ngày xưa học cả thứ Bảy) có kể chuyện lịch sử mà cả lớp cứ giỏng tai lên mà nghe, hết giờ, hết buổi học rồi, không ai muốn ra về. Học sử, tuy không đều, nhưng ít nhất mỗi một học kỳ có 2 lần, thầy cô giáo dẫn chúng tôi đến các bảo tàng và khu di tích. Học ở đó vào trong đầu "ngọt" hơn là nghe giảng ở lớp. Thầy cô giáo còn thỉnh thoảng dẫn chúng tôi đi xem một số vở kịch, cải lương, chèo, tuồng về lịch sử. Khi học sử ở bậc đại học, chúng tôi vẫn được đi xem trong chương trình một số vở kịch, một số bộ phim lịch sử.
Bây giờ kinh phí nhiều hơn trước; công nghệ thông tin tiến nhanh như gió bão. Bây giờ công nghệ phim ảnh phát triển; công nghệ nghe - nhìn vừa phong phú, vừa có những bước phát triển thần kỳ, có những điều mà cách đây mấy năm mơ cũng không tới. Học sinh bây giờ cầm cái smartphone mà cứ sử dụng rất sành điệu. Tin tức và mọi hình ảnh hằng ngày hằng giờ ở trong nước và toàn cầu ở trong cái smartphone đó. Hệ thống công nghệ 3G sắp kết thúc để nhường chỗ hẳn cho 4G rồi sau này 5G… Công nghệ thông tin thật tuyệt vời. Một phiên bản iphone mới ra thị trường hôm nay nhưng ngày mai đã bị lạc hậu rồi.
Nhưng chúng ta vẫn thấy thiếu quá: thiếu tầm nhìn của quản lý; thiếu tâm huyết của những người hành nghề trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục; thiếu người tài; thiếu những người dám làm dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt là thiếu những người làm ra bộ phim về đề tài lịch sử.
Vậy là, đất nước ta cần sự giao lưu văn hóa chứ nhất thiết không phải là sự văn hóa xâm lăng theo nghĩa văn hóa xô bồ từ nước ngoài hoặc từ vùng nào đó của đất nước tràn ngập vào vùng dân cư nào đó. Đất nước ta cũng cần có sự hợp sức của các cấp, các ngành, sự cố gắng của các nhà hoạt động văn hóa sáng tạo ra những bộ phim đề tài lịch sử thực sự hấp dẫn, thực sự bổ ích.
Thay lời kết
Văn hóa là những giá trị do con người và vì con người. Văn hóa tồn tại vĩnh viễn mặc dù thế giới của con người biến thiên qua năm tháng. Chừng nào còn con người thì chừng ấy vẫn còn văn hóa. Con người là một thực thể của chính văn hóa và nó tồn tại kế tiếp nhau qua từng thế hệ. Văn hóa cũng thế. Văn hóa sẽ còn giữ được cùng với đơn vị cộng đồng người là nhờ ở việc giữ được bản sắc/hay cốt cách của từng cộng đồng. Sự nghiệp đổi mới, chấn hưng đất nước Việt Nam rất cần sự biến đổi theo hướng phát triển bền vững. Vì là phát triển bền vững cho nên không cần tới sự đánh đổi của các giá trị văn hóa, trong đó cần ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa - hiện tượng đang diễn ra với sự tác động của lòng tham con người thời nay. Đã đến lúc những nhà quản lý và những nhà hoạt động văn hóa ngồi lại với nhau, nghiêm túc tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Bài viết nhỏ này hy vọng là một tiếng nói với lòng mong mỏi đó./.
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559038

255

2301

2356

226581

122920

114559038