Những góc nhìn Văn hoá

Những quan hệ đạo đức cơ bản trong gia đình Việt Nam truyền thống

         

Gia đình truyền thống nhiều thế hệ. Nguồn baovanhoa.vn

Giá trị đạo đức gia đình Việt Nam truyền thống là sản phẩm tinh thần vô giá được hình thành từ hàng thế kỷ trong lịch sử dân tộc. Sản phẩm ấy là kết quả của sự tiếp biến văn hóa giữa tam giáo với cái bản địa của dân tộc, được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác, và đến lượt mình, bản thân nó cũng có những biến đổi theo thời gian và nhu cầu của thời đại. Trong các yếu tố tích cực từ các học thuyết bên ngoài vào, phải kể đến những phạm trù đạo đức hết sức căn bản mà nhờ đó, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được định hình, góp phần làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của xã hội.

1. Những điều kiện hình thành đạo đức gia đình Việt Nam truyền thống

Thứ nhất, điều kiện kinh tế - xã hội

Trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, các giá trị đạo đức luôn đặt lên hàng đầu. Trong đó, đạo đức gia đình truyền thống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau.

Một là, nền sản xuất nông nghiệp theo đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Nền sản xuất đó về cơ bản phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đòi hỏi nhiều sức lao động. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên của Việt Nam hết sức khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra, vấn đề thủy lợi giữ vị trí quan trọng và quyết định đến kết quả lao động mà điều này không thể chỉ do một người thực hiện được. Những yếu tố đó đòi hỏi sự liên kết, gắn bó chặt chẽ mọi người với nhau. Chính các yếu tố này ảnh hưởng đến con người Việt Nam trở nên cần cù trong lao động, yêu thương, gắn bó và đoàn kết với nhau, tình làng nghĩa xóm trở nên sâu sắc hơn, sống thủy chung có trước sau. Tình yêu đất nước, dân tộc của con người đã trở thành cội nguồn của đạo đức gia đình truyền thống.

Hai là, xuất phát từ việc phát triển nền nông nghiệp lúa nước, mối quan hệ giữa nước - làng - nhà là bền chặt. Nước có thể bị xâm lược, nhưng làng và nhà là đơn vị không thể bị mất, đồng thời, làng - nhà trở thành cơ sở để bảo vệ và xây dựng nước. Chính mối quan hệ này trở thành cơ sở để tạo dựng và duy trì sự gắn kết con người từ phạm vi nhỏ nhất là gia đình. Để có được điều này, việc kính trên - nhường dưới, tôn trọng, chung thủy, v.v… trở thành những giá trị đạo đức của gia đình.

Ba là, trong lịch sử, xã hội Việt Nam có sự phân hóa một cách sâu sắc. Trong lịch sử nước ta cũng như trên thế giới, cơ sở hình thành gia đình dựa trên hôn nhân giữa đàn ông và đàn bà. Chế độ phong kiến Việt Nam là một chế độ quân chủ chuyên chế trong đó Vua là người nắm quyền lực tối cao. Điều đó tạo đà cho vai trò gia chủ của người đàn ông trong việc quản lý gia đình với tư cách là tế bào của xã hội. Sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc thì đòi hỏi tính độc lập, tự chủ của gia đình càng cao, trách nhiệm của người chủ gia đình đối với các thành viên của gia đình cũng như giữa các thành viên với nhau càng trở nên thiết thực hơn nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của gia đình. Nói cách khác, tình thương và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình ngày một cao hơn để đối phó với sự phân hóa giàu nghèo, sang hèn trong xã hội.

Thứ hai, điều kiện lịch sử văn hóa, tư tưởng

Khi nhìn vào giá trị đạo đức của một đất nước, một dân tộc, người ta sẽ nhìn vào lịch sử cũng như văn hóa tư tưởng để đánh giá nó.

Xét về mặt lịch sử, Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử lâu đời với truyền thống chống giặc ngoại xâm. Chính tinh thần yêu nước đã giúp dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thử thách khốc liệt và đi đến thắng lợi. Tinh thần yêu nước đó bắt nguồn từ những tình cảm đơn sơ và bình dị của mỗi con người. Từ sự quan tâm của những người trong gia đình đến tình làng, nghĩa xóm.

Xét về mặt tư tưởng, văn hóa ngoài nền văn hóa bản địa, Việt Nam còn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhiều nhất là văn hóa phương Đông với Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Nói tóm lại, các yếu tố lịch sử địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa tư tưởng đã kết thành một chỉnh thể với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đặc biệt là các yếu tố bản địa được tiếp biến với những nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong các học thuyết triết học, chính trị - xã hội và đạo đức để tạo nên những giá trị riêng có của dân tộc, trong đó có truyền thống đạo đức gia đình.

2. Một số nội dung cơ bản của đạo đức gia đình Việt Nam truyền thống

Một là, đạo hiếu

Từ thuở hồng hoang dựng nước cho đến ngày nay, người Việt luôn thể hiện sự biết ơn của mình đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Đó là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con người Việt Nam. Đạo hiếu được xem là một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trong đời sống của con người Việt Nam. Nó là chất liệu của cuộc sống và là hành trang vô giá không thể thiếu vắng của mỗi con người. Đồng thời, nó phản ánh đời sống văn hóa và đạo đức của một xã hội. Những người con không thể sống thiếu sự quan tâm, chăm sóc của ông bà, cha mẹ, ngược lại khi cha mẹ tuổi già, sức yếu thì người ta nghĩ đến sự đền đáp của con cháu. Vì vậy, dân gian có câu: “trẻ cậy cha, già cậy con”. Ngoài yếu tố xuất phát từ nền tảng đời sống bản địa, đạo hiếu trong đời sống đạo đức gia đình Việt Nam còn chứa đựng yếu tố của Nho giáo.

Đối với gia đình Việt Nam truyền thống, cái hồn trong văn hóa đạo đức chính là đạo Hiếu. Hiếu luôn được đề cao và tôn trọng và mang bản sắc dân tộc. Trong thời phong kiến, các gia đình danh gia, vọng tộc quyền quý ngoài tri thức hiểu biết thì lễ nghĩa luôn được đề cao đặc biệt là chữ Hiếu. Đạo hiếu trở thành nguồn cội, là cơ sở cho nền tảng vững chắc của gia đình. Đó chính là giá trị văn hóa đạo đức rất căn bản mà trong xã hội hiện đại cần kế thừa và phát huy.

Đạo hiếu thể hiện trong tất cả các phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam. Từ lễ tang, lễ cưới, lễ tế đến những việc thuộc phạm vi làng nước đều gắn liền với hiếu. Ca dao tục ngữ của người Việt xưa đã lưu truyền muôn đời về chữ Hiếu, về ơn nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Con cháu phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi già và thờ cúng khi họ mất. Nó được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành phong tục, tập quán, lối sống và đạo lý của mỗi con người Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, Người Việt Nam dù sống ở bất kỳ đâu không bao giờ quên được nơi sinh ra, tình cảm và sự gắn bó với quê hương nơi sinh thành là tự nhiên, rất đỗi “thiêng liêng”, “bền chặt” và chính là tình yêu thương của cha mẹ nuôi dưỡng bản thân mình thành người. Khi đời sống xã hội ngày càng thay đổi, nhiều yếu tố đạo đức cũng có sự thay đổi theo. Song, dù cho thế nào đi chăng nữa thì đạo hiếu vẫn luôn là nền tảng, truyền thống, tình cảm, đạo lý làm người của người Việt Nam.

Thứ hai, đạo vợ chồng

Từ trước đến nay, bất kỳ xã hội nào cũng lấy gia đình làm nền tảng và coi đó là sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia. Trong các mối quan hệ gia đình, mối quan hệ vợ chồng quyết định đến sự bền vững, hạnh phúc của gia đình.

Đối với gia đình truyền thống Việt Nam, quan hệ vợ chồng dựa trên nhiều yếu tố như tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận, … Đây là những giá trị đạo đức căn bản để duy trì, gắn bó và làm cho cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng ngày càng trở nên bền vững.

Tình nghĩa là chuẩn mực vô cùng quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau và thể hiện trong cách ứng xử hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội. Trước kia, các cặp vợ chồng trước khi lấy nhau có thể không biết mặt nhau. Những cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt không có tình yêu, nhưng do tình nghĩa mà họ gắn kết và ràng buộc với nhau suốt cả cuộc đời. Đạo nghĩa vợ chồng “tương kính như tân” làm cho họ tôn trọng và sống hết lòng vì nhau. Tình nghĩa nảy sinh từ cuộc sống chung và cùng chung vai gánh vác việc gia đình. Đồng thời, nó thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với vợ hoặc chồng. Là sự gánh vác, chia sẻ và hi sinh lẫn nhau không chỉ trong cuộc sống mà còn là trong giáo dục con cái. Làm cho mối quan hệ vợ chồng gắn kết và không bị ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài.

Thủy chung là một trong những yếu tố không thể thiếu trong gia đình truyền thống Việt Nam. Có thể hiểu thủy chung là tình cảm trước sau như một, không thay đổi. Vợ chồng là phải chung tình, gắn bó yêu thương suốt đời. Điều này được thể hiện trong những điều luật về gia đình của triều đại Lê, Nguyễn và trong Luật hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay. Đối với gia đình truyền thống, chung thủy chủ yếu đặt ra cho người vợ trong gia đình. Người chồng được quyền có nhiều vợ, nhưng người vợ chỉ được duy nhất có một chồng. Có thể nói rằng, trinh tiết và đức hạnh là những chuẩn mực của người phụ nữ trong gia đình truyền thống.

Sự hòa thuận giữa hai vợ chồng trong gia đình là yếu tố nền tảng để duy trì gia đình bền vững. Ca dao, tục ngữ đã đề cập nhiều đến việc hòa thuận giữa hai vợ chồng như “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay “Chồng nóng thì vợ bớt lời, Cơm sôi nhỏ lửa suốt đời không khê”… Vợ chồng hòa thuận thì mọi việc trôi chảy, thuận lợi và tránh sự đổ vỡ. Thường những phụ nữ trong gia đình truyền thống rất nhường nhịn để giữ yên ấm nhà cửa.

Có thể khẳng định rằng, gia đình truyền thống Việt Nam là một kiểu mẫu gia đình về sự chung thủy, tình nghĩa và hòa thuận. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là người phụ nữ bị thiệt thòi và chịu nhiều sự bất công khi phải hi sinh quá nhiều cho gia đình.

Thứ ba, đạo anh, chị em

Trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình truyền thống, mối quan hệ anh chị em là mối quan hệ xuất phát từ huyết thống trong gia đình. Vì vậy, anh chị em có sự gắn kết và có trách nhiệm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời hòa thuận là yếu tố căn bản để duy trì tình cảm anh chị em bền vững. Đó cũng là mong muốn và là nhu cầu của cha mẹ đối với con cái.

Gia đình truyền thống Việt Nam ảnh hưởng bởi quan điểm gia đình và đạo đức của Nho giáo. Trong mối quan hệ anh chị em trong gia đình, Nho giáo xác lập phạm trù đễ. Đễ là yêu cầu và chuẩn mực đạo đức điều chỉnh mối quan hệ anh chị em.

Đối với người anh, người chị có đễ là người biết thương yêu và có trách nhiệm đối với các em. Khi cha mẹ mất sớm thì trách nhiệm ấy càng trở nên nặng nề hơn vì các em chưa trưởng thành. Lúc này, người anh, người chị có vai trò và trách nhiệm thay cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục các em trưởng thành. Người em có đễ là người biết kính trọng, yêu thương và biết nghe (vâng) lời anh, chị bảo ban, dạy dỗ.

Như vậy, trong những điều kiện lịch sử cụ thể đễ cũng có tác dụng lớn trong việc góp phần xây dựng, củng cố đạo đức gia đình. Vì thế, đễ là một hình thức biểu thị chuẩn mực đạo đức giữa anh chị em trong gia đình Việt Nam truyền thống.

Tóm lại, gia đình Việt Nam truyền thống là gia đình được hình thành và phát triển trong lịch sử Việt Nam. Trong gia đình truyền thống, các giá trị đạo đức gia đình được đề cao, điều đó tạo thành nền nếp gia phong, gia giáo giúp cho gia đình tồn tại bền vững và có điểm nhấn.

Dù có nhiều quan niệm, cách giải thích khác nhau về gia đình, song đều thống nhất ở điểm cho rằng: Gia đình là nguồn cội, là cơ sở, là viên gạch để xây nền móng và phát triển xã hội. Trong đó, các mối quan hệ giữa chồng - vợ, cha mẹ - con cái, anh chị em là những mối quan hệ cơ bản. Gia đình có trở thành môi trường tốt nhất để đào tạo, giáo dưỡng con người hay không dựa trên những mối quan hệ này có tốt hay không. Để xác định được điều đó, những yếu tố của văn hóa truyền thống cùng với các yếu tố của các trào lưu tư tưởng khác, đặc biệt là Nho giáo, trở thành tiêu chuẩn để đánh giá. Theo đó, một số những tiêu chuẩn có thể kể đến là hiếu, đễ, thủy chung, sự tôn trọng…

Có thể nói rằng, những giá trị đạo đức gia đình truyền thống đến nay vẫn còn những giá trị phù hợp trong quá trình xây dựng gia đình hiện đại. Điều này sẽ giúp phát huy ưu thế các mối quan hệ trong gia đình và làm cho nền tảng gia đình ngày càng vững chắc. Gia đình bền vững sẽ là động lực để phát triển xã hội ngày càng giàu đẹp. Vì nếu các giá trị đạo đức gia đình suy thoái, nền tảng xây dựng các mối quan hệ dần mất đi, cơ sở để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước không còn. Việc phát huy các giá trị đạo đức gia đình truyền thống sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo “rễ sâu, gốc bền” cho xã hội phát triển.

____________________________

 

* Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Trần Văn Giàu (1993), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Thị Lan Hương (2004), Quan niệm của Mác - Ăngghen về gia đình và ý nghĩa của nó đối với việc nghiên cứu gia đình trong gia đình xã hội thông tin, Tạp chí Triết học, Số 11, tr. 7-11.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559051

Hôm nay

268

Hôm qua

2301

Tuần này

2369

Tháng này

226594

Tháng qua

122920

Tất cả

114559051