Những góc nhìn Văn hoá

Hạnh phúc gia đình: Tìm sự cân bằng trong trạng thái "bình thường mới"

Năm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản đã bị đẩy lùi; tình trạng “bình thường mới” đã được thiết lập trong đời sống xã hội. Nói một cách đơn giản, dễ hiểu là dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều điều trong cuộc sống, chúng ta cần làm quen với những thay đổi đó để vun đắp hạnh phúc gia đình.

Giãn cách xã hội đã tác động lớn tới đời sống gia đình

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội (cách ly xã hội). Điều này tác động lớn tới đời sống gia đình, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Tác động tích cực đó là những gia đình hòa thuận thì các thành viên có điều kiện ở bên nhau nhiều hơn, trao đổi tâm tư tình cảm nhiều hơn. Nhiều gia đình cảm thấy hạnh phúc khi bữa cơm chiều đầy đủ các thành viên. Trong thời gian giãn cách xã hội, các ông bố, bà mẹ có thời gian để đánh giá chính xác tình trạng của con cái; từ sức khỏe, sức học cho tới đời sống tình cảm, quan niệm về tình bạn, tình yêu. Điều này giúp các bậc phụ huynh điều chỉnh “chiến lược” giáo dục và hướng dẫn con cái bước vào đời sống của người trưởng thành. Nhiều bậc cha mẹ hiểu ra rằng, chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc và tiền tiêu vặt cho các con là chưa đủ; cần hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như những câu nói dịu dàng, âu yếm và cia nhìn yêu thương.

Còn tác động tiêu cực thì cũng rõ: Những đôi vợ chồng trục trặc trong đời sống tình cảm; bình thường họ ít nhìn thấy mặt nhau nên không tỏ ra khó chịu. Bây giờ, suốt ngày họ ở nhà, luôn nhìn thấy mặt nhau nên sự khó chịu còn tăng lên. Bạo lực gia đình vốn đã là một vấn đề nhức nhối, trong thời gian giãn cách xã hội, nó trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí, có những đôi vợ chồng đã thỏa thuận ra tòa lý hôn nhưng vì giãn cách xã hội nên mọi thứ tạm gác lại. Lúc này, người ta ví đôi vợ chồng đó như “hai còn thú dữ bị nhốt chung trong một chuồng”.

Tóm lại, giãn cách xã hội đã làm lộ rõ một số đặc điểm của đời sống gia đình. Nếu những người có thiên chí, họ sẽ rút ra được nhưng điều bổ ích để điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong sinh hoạt hàng ngày. Họ sẽ trở nên có lý hơn, văn hóa hơn trong việc giao tiếp với các thành viên trong gia đình, nhất là với vợ, hoặc chồng của mình.

Giãn cách xã hội cũng làm lộ rõ một điều khá thú vị. Đó là đại đa số gia đình Việt Nam biết lo xa, biết đề phòng cho rủi ro. Trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều gia đình không có thu nhập nhưng họ không bị đẩy vào tình trạng túng quẫn vì theo điều tra chưa đầy đủ, có tới khoảng 75% gia đình Việt Nam có sổ tiết kiệm hay một món tiền dùng cho trường hợp đặc biệt. Do vậy, nếu không có trợ cấp xã hội, đại đa số các gia đình vẫn có thể cầm cự được trong vòng 3 đến 6 tháng. Điều này cho thấy về mặt vật chất, sức sống của gia đình Việt khá vững vàng, dẻo dai. Còn về mặt tình cảm, gia đình Việt hiện đang tự điều chỉnh, tự biến đổi để phù hợp với thời đại hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Một trong những tác động của nó mà gia đình Việt cũng không tránh được đó là tình trạng ly hôn tăng lên; loại gia đình hỗn hợp (xây dựng gia đình sau khi ly hôn), gia đình không đầy đủ (thiếu vợ, hoặc chồng) ngày càng nhiều.

Cái hay là xã hội cũng đã dần dần có thiện cảm với những loại gia đình này, dành cho họ sự sẻ chia, thông cảm; giúp đỡ họ khi cần thiết. Bản thân các loại gia đình này cũng biết cách tổ chức sinh hoạt hợp lý, biết lấp đầy những khoảng trống và cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống để các thành viên có tâm trạng tốt để vươn lên. Một gia đình có bốn thành viên đang có cuộc sống yên vui thì người vợ gặp “tiếng sét ái tình”, yêu người đàn ông khác. Họ đã ra tòa lý hôn, người vợ ra khỏi nhà theo người yêu mới. Ông bố ở lại với hai con và nói: “Gia đình chúng ta không tan vỡ, chỉ khuyết đi một thành viên thôi”. Và người bố đã cố gắng tổ chức tốt cuộc sống của ba bố con, lo cho các con ăn học tử tế, thậm chí là đi du học.

Có thể thấy là trong thời gian giãn cách xã hội, đại đa số gia đình Việt vẫn duy trì được sinh hoạt bình thường của mình và phát huy được các giá trị truyền thống. Những gia đình có lối sống lành mạnh đã tận dụng được cơ hội giãn cách xã hội để các thành viên gần nhau nhiều hơn, hiểu nhau rõ hơn và giúp đỡ nhau có hiệu quả hơn. Còn những gia đình có vấn đề cũng nhanh chóng bộc lộ điểm yếu, đẩy mâu thuẫn lên gay gắt hơn và thường tìm cách giải quyết bằng ly hôn. Ly hôn không bao giờ là điều tốt nhưng trong một số trường hợp, nó giải phóng cho cả hai người để họ không phải chịu đựng nhau nữa; và điều quan trọng là nó đặt nền móng cho họ xây dựng hạnh phúc mới.

Vun đắp hạnh phúc gia đình trong trạng thái “bình thường mới”

Cụm từ “bình thường mới” xuất hiện sau khi nhiều quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 và dần dần nới lỏng lệnh phong tỏa. Việt Nam là quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào loại thành công nhất trên thế giới nên chúng ta nới lỏng giãn cách xã hội khá sớm, do vậy, chúng ta sống trong điều kiện “bình thường mới” đã được hàng tháng rồi.

Sở dĩ cụm từ “bình thường mới” xuất hiện bởi vì, theo các nhà khoa học và cách nhà quan sát, virus Corona xuất hiện đã làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh do loài virus này gây ra chưa biết khi nào kết thúc; hơn thế nữa, nó có thể không bao giờ kết thúc mà vẫn “trở lại” hàng năm. Do vậy, con người buộc phải sống chung với Covid-19. Dù đã có trên 6 triệu người nhiễm bệnh, gần 400.000 người tử vong nhưng nhiều quốc gia vẫn quyết định trở lại cuộc sống bình thường, nghĩa là con người vẫn đi làm, đi học, hoạt động văn hóa, thể thao như trước khi có dịch Covid-19; chỉ có điều bây giờ con người trở nên thận trọng hơn, cảnh giác hơn để đề phòng nhiễm bệnh. Và nếu nhiễm bệnh thì cũng bình tĩnh điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Việt Nam đã chủ động và nhanh chóng đưa toàn thể xã hội, cộng đồng vào trạng thái “bình thường mới” từ đầu tháng 5.2020. Thực hiện điều này, chúng ta hào hứng nhập cuộc và chấp nhận sống chung với dịch Covid-19 lâu dài. Điều này có nghĩa là chúng ta làm việc, lao động, học tập, phát triển kinh tế - xã hội một cách bình thường trong tình trạng dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn trên thế giới và không loại trừ nó sẽ xâm nhập trở lại Việt Nam. Có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta vận hành hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”, nghĩa là vận hành mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao an toàn dù có dịch Covid-19.

Hoạt động kinh tế - xã hội đã được xác định rõ ràng như vậy, còn sinh hoạt của gia đình trọng trạng thái “bình thường mới” thì sao? Có những gì khác so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện?

Phải nhắc lại điều này: Mục đích lớn nhất của con người là vươn tới hạnh phúc, mà hạnh phúc của con người lại gắn chặt với gia đình. Vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn ưu tiên cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình, trong trạng thái “bình thường mới” lại càng như vậy. Chúng ta phải tỉnh táo phân tích để nhận ra rằng, trong những hoạt động phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, đã có một số thói quen tích cực hình thành ở nhiều người. Đó là những thói quen như: đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng; thường xuyên rửa tay; thực hiện mọi khuyến cáo y tế; ý thức kỷ luật được nâng cao; hạn chế đến những nơi đông người khi không có việc thật cần thiết; nhanh chóng trở về nhà sau khi học tập, làm việc... Đây chính là những thói quen rất hữu ích cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình. Vì vậy, những thói quen này cần được duy trì khi chúng ta sống trong điều kiện “bình thường mới”.

Hiện nay chúng ta đã quen với việc trong bất cứ lĩnh vực gì cũng có những cơ quan xây dựng bộ quy tắc ứng xử; tức là đưa ra những quy chế ứng xử để mọi người tuân theo. Trạng thái “bình thường mới” xuất hiện không quá nhanh, không quá bất ngờ nhưng hình như chưa có cơ quan nào cảm thấy mình có trách nhiệm phải quy chuẩn hóa cách ứng xử trong tình hình “bình thường mới”. Do vậy, không nên chờ sự hướng dẫn, mà mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần có nhận thức rõ ràng về điều này và tự đề ra những quy chuẩn ứng xử phù hợp. Còn về lâu, về dài, chắc chắn sẽ có những cơ quan chức năng làm điều này để cách ứng xử trong trạng thái “bình thường mới” trở nên bền vững và giàu chất thẩm mỹ hơn. Cơ quan mang tính văn hóa như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên nhận trách nhiệm làm việc này ở cấp trung ương; ở cấp địa phương thì một số sở liên quan đến văn hóa, văn nghệ, truyền thông nên liên kết lại để làm việc này.

Cần có cách nhìn nhận mới về hạnh phúc gia đình trong trạng thái “bình thường mới”

Và như vậy, chúng ta đang sống trong trạng thái “bình thường mới” với tất cả những gì có trong đời sống kinh tế - xã hội. Có thể thấy nhiều người vẫn đang ngỡ ngàng với cụm từ hơi trúc trắc “bình thường mới” nhưng vẫn cảm nhận được cần phải sống khác đi để phù hợp với tình hình.

Trong bối cảnh như vậy, tôi ngạc nhiên một cách thú vị khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu chính là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Điều đặc biệt là trong Quyết định này có đề cập đến việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Có lẽ, đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam công khai khuyến khích nam nữ thanh niên lấy vợ, lấy chồng trước 30 tuổi. Còn trước đây, chúng ta chỉ thấy người ta khuyên là hãy tập trung lo lắng cho sự nghiệp, lo học hành, lo phấn đấu; còn yêu đương, xây dựng gia đình tính sau. Còn bây giờ trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “kêu gọi” kết hôn trước 30 tuổi. Điều này rất mới mẻ nên đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các bạn trẻ. Thậm chí, đã hình thành một số diễn đàn trao đổi nghiêm túc về vấn đề này.

Trước hết, có thể nói Chính phủ đã có tầm nhìn chiến lược khi khuyến khích nam nữ thanh niên xây dựng gia đình trước 30 tuổi. Điều này kết hợp được lợi ích quốc gia (số lượng và chất lượng dân số), lợi ích gia đình và lợi ích cá nhân từng con người. Có như vậy xã hội mới phát triển bền vững và con người có hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn. Với cách tổ chức xã hội hiện nay, chúng ta thấy rằng, ở lứa tuổi 22-23, đại bộ phận nam nữ thanh niên đã tốt nghiệp đại học hay một trường nghề nào đó. Họ có khoảng 3 đến 4 năm để tìm việc làm và khẳng định tư chất của mình trong lĩnh vực đó. Đến lúc này, con người đã trưởng thành ở nhiều phương diện, kể cả thể chất, tình cảm, trí tuệ; đã có thể tổ chức cuộc sống tự lập. Vậy, đây chính là lúc phù hợp nhất cho việc lấy vợ, lấy chồng; sinh con và nuôi dạy con cái.

Về phương diện khoa học, việc khuyến khích xây dựng gia đình trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi rất hợp lý. Những nghiên cứu về chất lượng dân số và sức khỏe sinh sản đã chỉ ra rằng, kết hôn và sinh còn sớm quá cũng như muộn quá đều không có lợi về nhiều mặt. Luật pháp cho phép nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi là có thể kết hơn nhưng như vậy là quá sớm vì lúc đó suy nghĩ của con người chưa chín chắn; các cặp đôi chưa có trải nghiệm xã hội, chưa có những kỹ năng cần thiết trong việc xây dựng gia đình; và đặc biệt, ở lứa tuổi đó con người thường chưa độc lập, tự chủ về kinh tế, tài chính. Còn nếu sau 30 tuổi mới tiến hành hôn nhân thì không có lợi trong việc sinh con. Cha ông ta đã nói “cha già, con cọc”, còn mẹ cao tuổi thì khó sinh vì “người chửa, cửa mả”. Do vậy, cần sinh con trong độ tuổi phù hợp để thuận lợi, dễ dàng phụ nữ và tốt cho sự sinh trưởng của con.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi. Cụ thể, ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất; sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, và giảm mạnh sau mốc 35 tuổi. Ở khía cạnh chăm sóc, nuôi dạy con cái sau sinh, phụ nữ 25-34 tuổi thuận lợi hơn cả vì lúc này khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính và các vấn đề khác là rất rõ.

Đương nhiên, việc nam nữ thanh niên kết hôn và xây dựng gia đình ngày nay đều tiến hành trên cơ sở tình yêu. Vì vậy, xã hội cần phải được xây dựng và hoạt động thế nào để nam nữ thanh niên có điều kiện tiếp xúc tìm hiểu và yêu đương trên cơ sở tự nguyện. Muốn có điều này, các phụ huynh, các thủ trưởng cơ quan phải có cái nhìn thông thoáng về giới trẻ. Trào lưu “sống thử” rộ lên trong những năm gần đây hình như không được các phụ huynh và những người có trách nhiệm quản lý trong xã hội ủng hộ. Bỏ sang một bên vấn đề “đạo đức, lối sống”, việc “sống thử” cũng gây ra nhiều hệ lụy như: mang thai ngoài ý muốn; có “đời sống vợ chồng” khi chưa chuẩn bị tâm lý cũng như cơ sở vật chất; làm mất sự lãng mạn, thiêng liêng của hôn nhân...

Tuy nhiên, trên thực tế, dù không được ủng hộ thì hiện tượng “sống thử” vẫn diễn ra và người trong cuộc cũng tìm ra những lợi ích của việc này. Đó là người ta tìm hiểu, “khám phá” nhau để xem có phù hợp về tính cách, về tình dục không; nếu phù hợp, người ta tiến tới hôn nhân; nếu không, người ta chia tay trong hòa bình. Điều này góp phần làm giảm các vụ ly hôn vì đã tránh được những đám cưới không có tương lai.

Đời sống của con người là hành trình vươn tới hạnh phúc, mà hạnh phúc luôn gắn liền với gia đình; còn gia đình lại phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh. Do đó, để có được hạnh phúc, con người phải hiểu rõ hoàn cảnh và xây dựng hạnh phúc gia đình phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Trạng thái “bình thường mới” của xã hội Việt Nam hiện nay đang tạo ra những điều kiện mới để lớp trẻ lấy làm nền tảng xây dựng hành phúc của mình. Đừng quên khuyến khích của Chính phủ là xây dựng gia đình trước tuổi 30! Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ có những gia đình trẻ đáp ứng được mọi đòi hỏi của xã hội hiện đại.

                                                     

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559052

Hôm nay

269

Hôm qua

2301

Tuần này

2370

Tháng này

226595

Tháng qua

122920

Tất cả

114559052