Những góc nhìn Văn hoá

Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội 1937-1941 (Kỳ cuối)

...

Chợ phiên Ánh Sáng: Khởi đầu của kết thúc

Tháng 1 năm 1939, Hội nhiệt liệt thông báo sẽ tổ chức một chợ phiên gây quỹ từ mùng 1 đến mùng 5 tháng 3, và quảng cáo phiên chợ này sẽ “là một cuộc chợ phiên vô tiền khoáng hậu sẽ làm náo nức, sẽ làm sôi nổi tất cả Hà thành”. Để khai mạc phiên chợ, ban kịch Thế Lữ biểu diễn một vở phóng tác từ tiểu thuyết Đoạn tuyệtcủa Nhất Linh vào tối mùng 1, mùng 2 tháng 3. Chính phiên bắt đầu vào ngày thứ Sáu, trong tháng 3 tại Parc Autos[1], với nhiều trò chơi, hàng hóa và hoạt động. Trong một sự kiện riêng dành cho các hội viên thuộc giới thượng lưu của Hà Nội, Hội tổ chức một dạ hội và khiêu vũ tại biệt thự của Thống sứ vào đêm tiếp theo. Tại vườn hoa Paul Bert, Vũ Đình Hòe tổ chức một cuộc diễu hành để bế mạc cuộc chợ phiên vào ngày cuối cùng[2].

Tại cuộc chợ phiên Ánh Sáng, Hội thông báo chiến dịch gây quỹ lớn nhất cho đến thời điểm đó của Hội, một sự kiện quay xổ số gọi là Tombola Ánh Sáng [xổ số Ánh Sáng]. Vé số có giá 0,30 đồng và người sở hữu vé có cơ hội thắng giải thưởng lớn là một căn nhà gạch trị giá 3.000 đồng trong địa phận Hà Nội. Theo Hội, căn nhà này gồm 3 phòng ngủ, sân trước, sân sau, một nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Căn nhà do Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp thiết kế, song vẫn chưa được xây dựng bởi Hội vẫn đang thương lượng với Đốc lý Virgitti về việc đất cát. Hội lôi kéo người mua vé với viễn tượng về quyền sở hữu căn nhà: “Mơ ước của mọi người là trở thành chủ sở hữu một căn nhà tại Hà Nội. Một căn nhà thuộc về riêng quý vị. Quý vị dọn vào ở càng sớm, quý vị càng sớm có thể nuôi dạy con cái ở đây một cách yên bình mà không ai làm phiền tới quý vị”[3]. Hội ước tính 30.000 tờ vé số được in ra sẽ thu được khoảng 9.000 đồng. Để xây dựng căn nhà sẽ cần chi 3.000 đồng, tiền mua đất và vật liệu cần 1.000 đồng, kết quả là Hội sẽ thu lợi 5.000 đồng. Với số tiền này, Hội lên kế hoạch xây 50 căn nhà Ánh Sáng cho 50 gia đình nghèo. Các nhà bảo trợ triển vọng được hướng dẫn mua vé tại các trụ sở Ánh Sáng ở số 28 đường Richaud (nay là đường Phan Đình Phùng, Hà Nội) hay tại các cửa hàng thuốc quanh thành phố[4].

Thật không may, không phải tất cả người dân Hà Nội đều thích thú với cuộc chợ phiên hay sự kiện quay xổ số. Ngay sau cuộc chợ phiên bắt đầu xuất hiện một loạt các bình luận ác ý từ một tờ báo đối thủ, dần dần các bình luận này phát triển thành một trận chỉ trích mạnh mẽ, và cuối cùng đã hủy hoại danh tiếng của Hội. Trên tờ Vịt Đực, một tờ báo nổi tiếng với những bài tấn công cay độc các đối thủ và những người có vị trí cao trong xã hội Hà Nội, các cây bút bình luận rằng Hội là một tổ chức kinh doanh hơn là một hội từ thiện. Tờ Vịt Đực cáo buộc Hội về những động cơ bị mua chuộc và việc lợi dụng những kẻ nghiện cờ bạc qua sự kiện Tombola Ánh Sáng. Tờ này cho rằng mục đích của Hội là xây nhà cho thuê; mục đích này khiến cho Hội “khác nhà địa ốc ngân hàng một tị”[5]. Tờ Vịt Đực cáo buộc Hội về việc trơ tráo sử dụng những thủ đoạn đáng xấu hổ: “Người ta dùng nó để đỡ những mũi tên dư luận. Người ta dùng cái tên Việc Nghĩa để bán đắt các lá số đánh bạc lấy đồ (tombola)”[6]. Tờ này than phiền rằng không ai dám phê phán Hội Ánh Sáng bởi không ai muốn tỏ ra thiếu đồng cảm với người nghèo, và danh phận từ thiện chỉ là cái cớ để biến thành mục đích lợi nhuận. Vịt Đực cảnh báo Hội chấm dứt sử dụng chiêu bài từ thiện để lừa gạt mọi người, và khuyên Hội “hãy giống như Ánh sáng”, bởi “sáng chửa thấy đâu vẫn thấy đen”[7]. Với cách ứng xử được xem là một sai lầm về quan hệ công chúng, Hội Ánh Sáng vẫn làm theo luân lý và lờ đi các cáo buộc.

Bị sự phớt lờ của Hội kích động, tờ Vịt Đực tiếp tục một loạt tấn công. Tờ này đề cập tới hai vụ Hội đã lãng phí tiền bạc. Đầu tiên, Vịt Đực tấn công Thế Lữ vì đã nhận 350 đồng để chi cho hai buổi diễn tại chợ phiên Ánh Sáng, ám chỉ thói gia đình trị giữa các thành viên của Tự Lực văn đoàn[8]. Thứ hai, tờ này nhắc lại tin đồn rằng trong chuyến đi sự vụ ở Hải Phòng, một số thành viên đã đi nghỉ ở Đồ Sơn, rồi sau đó lại tuyên bố rằng chuyến đi nghỉ riêng đó là thuộc vào một khoản chi của Hội[9]. Theo các bản kê khai khác nhau, những hội viên này đã biển thủ khoảng 100 đồng. Vịt Đực đưa ra luận điệu rằng, vì tiêu phí tiền nong tràn lan như vậy, Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ. Tờ này viện dẫn việc một số hội viên có vị trí cao, gồm Trịnh Thục Oanh và Phùng Tất Đắc, rời Hội làm bằng chứng chứng minh[10]. Tôn Thất Bình, một trong những người đứng đầu của Hội, được cho là đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ bê bối tài chính này[11]. Tờ Vịt Đực hoan hỉ xem những trường hợp ly khai này là một “triệu chứng đáng mừng. Dân ta đã có nhiều người lương thiện”[12].

Vẫn không trực tiếp gửi tới tờ Vịt Đực, Hội Ánh Sáng in đầy đủ từng khoản thu chi của chợ phiên Ánh Sáng trên tờ Ngày Nay La Patrie Annamite. Toàn cuộc chợ phiên, Hội chi 5.189,54 đồng và thu về 6.958,31 đồng, thu lợi 1.768,77 đồng. Hội giải thích, tổ chức một cuộc chợ phiên lớn và ngoạn mục là rất tốn kém và hầu hết các chợ phiên từ thiện chỉ vừa đủ để chi trả các khoản phí. Lợi nhuận chủ yếu đến từ trò may rủi và quyên góp, và bởi chợ phiên của Hội Ánh Sáng không có những hoạt động này, số tiền 1768,77 là được coi là khoản lãi lớn. Kết lại bản báo cáo, Hội gửi một tuyên bố gửi tới các vu cáo: “Chúng tôi nói thẳng ngay rằng: tất cả đều là “tin vịt”, những điều hoàn toàn bịa đặt, không bằng cứ vào đâu cả…”[13]. Hội thừa nhận khi tổ chức một sự kiện lớn như vậy cố nhiên sẽ dẫn tới những sơ sót, nhưng Hội khẳng định “hết sức minh bạch và tiết kiệm về những việc chi thu của Đoàn”. Hội vẫn khẳng định, ủy ban kiểm soát được xây dựng chuyên biệt để ngăn chặn biển thủ hay lãng phí. Hội thông báo: “Bất cứ một hội viên nào, dù ở xa hay ở gần, đều có thể đòi hỏi Ban quản trị cho xem sổ sách và quỹ; giản hoặc nhận thấy có những điều khuất tất, xin cứ việc tố cáo ngay với nhà đương chức”. Gián tiếp gửi tới tờ Vịt Đực, Hội giải thích, “chúng tôi không muốn trả lời thẳng một tờ báo không tốt với chúng tôi, là vì chúng tôi xét rằng không thể cãi lẽ với những người không thành thực… Chúng tôi không bao giờ sờn lòng, nản chí vì những lời vu cáo của một bọn người định phá hoại ngấm ngầm hay công nhiên công cuộc của chúng tôi[14].

Dù là vô căn cứ hay không, những cáo buộc của tờ Vịt Đực và sự ồn ào mà họ tạo ra đã gây thiệt hại cho Hội Ánh Sáng. Trong khoảng thời gian ngắn sau khi cuộc tranh luận này lắng xuống, Hội rơi vào suy thoái nhanh chóng. Nhiều người ủng hộ Hội bắt đầu rời đi. Mặc dù vẫn thường thảo luận về việc lập tờ báo hay bản tin riêng, Hội đã không thể thực hiện nổi do thiếu tiền[15]. Với khó khăn trong việc duy trì một tờ báo nổi tiếng như tờ Ngày Nay và những khó khăn khi phải đối mặt với tờ Vịt Đực, về phương diện kinh tế, chắc chắn một tờ báo của Hội Ánh Sáng khó lòng mà trụ được. Những người ủng hộ sau cùng của Hội là tờ Ngày NayLa Patrie Annamite, nơi vẫn tiếp tục đăng các thông cáo của Hội, nhưng cũng chỉ có vậy. Thậm chí, vào tháng 6 năm 1940, tờ Ngày Nay đã ngừng đăng tin về Hội[16].

Có những dấu hiệu cho thấy Hội đang suy yếu thậm chí trước khi xảy ra cuộc luận chiến về chợ phiên Ánh Sáng. Vào ngày 5 tháng 2 năm 1939, Hội tổ chức một đợt tuyển mộ Ngày Ánh Sáng khác, thu vào 598,80 đồng, ít hơn một nửa so với con số 1.221,09 đồng của đợt đầu tiên[17]. Sau những đợt tấn công của tờ Vịt Đực, Hội dường như không thể gột rửa tiếng xấu. Sự kiện Tombola Ánh Sáng được quảng cáo rộng rãi phải hoãn ngày quay số lần đầu tiên do số vé được bán ra quá ít, và lần thứ hai bị hoãn mà không có lời giải thích. Cuối cùng, cuộc quay số được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 năm 1940, một năm sau thông báo của Hội, thu về cho Hội 4.596,54 đồng sau khi trừ các khoản chi. Căn nhà gạch tại số 154 đường Duvillier[18] đã không được dùng làm giải thưởng, mà được thuê với giá 20 đồng một tháng[19]. Sau tất cả mọi phô trương, sự kiện Tombola Ánh Sáng rốt cuộc là một cuộc xổ số được quảng cáo quá mức.

Dấu vết tồn tại cuối cùng của Hội Ánh Sáng là thông cáo gửi tới Thống sứ đề ngày 26 tháng 1 năm 1941. Trong thông cáo này, Hội điểm ra những thành tựu và hoạt động của mình trong quá khứ kể từ khi thành lập. Trong số những thành tựu của mình, Hội đã liệt kê các khoản tiền chi cho việc ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai, chợ phiên Ánh Sáng, và trại Phúc Xá. Trớ trêu thay, bản báo cáo cũng liệt ra các kế hoạch tương lai của Hội: Hội vẫn ấp ủ hi vọng xây dựng trại thứ hai ở thôn Voi Phục, dự án mà Hội dự định thực hiện “ngay khi tình hình tài chính cho phép”[20]. Tuyên bố cuối cùng trong báo cáo này là dấu hiệu về sự xuống dốc của Hội: “Hiện nay, Hội vẫn tiếp tục cung cấp miễn phí các bản thiết kế nhà ở sạch sẽ cho các cá nhân và các làng có nhu cầu”[21].

Lời bạt và kết luận

Sự kết thúc của Hội Ánh Sáng vào năm 1939 xảy ra đồng thời với hai diễn tiến chính trị nhanh chóng ở hai mặt trận. Ở châu Á, chiến tranh Trung- Nhật lần thứ hai đang diễn ra và thế chiến II mới nổ ra đã đe dọa nhấn chìm Bắc kỳ. Là cửa ngõ vận chuyển viện trợ và vũ khí của phương Tây vào Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam chứng kiến vị trí này ngày càng trở nên bấp bênh khi người Nhật tìm cách ngăn chặn dòng tiếp viện ở khu vực này. Ở châu Âu, sự thất bại của chính sách nhượng bộ, việc Đức chiếm đóng Czechoslovakia, và việc ký kết các hiệp ước bảo hộ đã đưa cả lục địa đến bờ vực chiến tranh. Các tờ báo Việt vào thời điểm này, gồm cả Ngày Nay, say sưa bình luận về tình hình chiến sự đang lan rộng này ở châu Âu. Đến tháng 5 năm 1939, ngay cả các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp dường như cũng đã sao nhãng Hội Ánh Sáng, khi viết cho tờ Ngày Nay các bài về bom và cách xây dựng boong-ke dưới lòng đất. Họ viết, “tình thế quốc tế lúc này rất găng. Ta không nên e dè, sợ người khác kinh hoảng mà không nói tới cách đề phòng những trận tàn phá có thể xảy đến được. Nói đến nó để tìm cách tránh nguy còn hơn khi xảy đến, làm gì cũng không kịp nữa”[22]. Trong hoàn cảnh chính trị căng thẳng như vậy, không ngạc nhiên khi việc cải cách xã hội bị đưa xuống hàng thứ yếu.

[…] Bất chấp lịch sử ngắn ngủi của mình, Hội Ánh Sáng có thể được coi là nỗ lực đáng kể đầu tiên nhằm xây dựng các tổ chức của xã hội dân sự ở Việt Nam. Hội tham dự và cung ứng các dịch vụ xã hội cho dân chúng mà nhà nước thuộc địa không thể (hoặc sẽ không) cung cấp. Hội khẳng định khao khát và tiềm năng của người Việt trong việc xác định các mục tiêu chính trị - xã hội riêng và xây dựng các điều khoản can dự tương đối tự trị trong mối quan hệ với nhà nước trong khi theo đuổi các mục tiêu đó. Hội Ánh Sáng khuyến khích giới trí thức Tây học thành thị hòa mình và hợp tác với các thành phần khác trong xã hội Việt Nam. Hình thức tổ chức của Hội đã chuyển dịch các thực hành chính trị dân chủ mang tính thủ tục sang việc quản trị thường nhật của một tổ chức. Hội Ánh Sáng tìm cách dạy người dân quê bằng cách áp dụng khoa học và lý tính vào không gian sống của người dân. Đối với Nhất Linh và các nhà sáng lập khác của Hội, mục tiêu của Hội không chỉ là giúp lớp người bị bần cùng hóa, mà còn tạo ra một không gian mang tính hiệp đoàn, nơi người Việt có thể chung tay trong quá trình vươn tới các mục tiêu chính trị - xã hội mà họ khao khát. Hội Ánh Sáng tiêu biểu cho cuộc vận động dựa trên cơ sở quần chúng do người Việt tập hợp để xây dựng một trật tự xã hội mới -tập hợp, tự nguyện, tiến bộ, tự quản và giàu lòng trắc ẩn.

NGUYỄN TRƯỜNG SINH dịch,

LÊ NGUYÊN LONG hiệu đính.

(Theo “French Colonial State, Vietnamese Civil Society: The League of Light [Đoàn Ánh Sáng] and Housing Reform in Hà Nội, 1937-1941”, JournalofVietnameseStudies,Vol.11,Issue3-4,pp.17-57).

 


(*)  Trợ lý Giáo sư - Baruch College - The City University of New York (CUNY)

[1] Parc Autos (Vườn Ô-tô), bãi đất cạnh đường Francis Garnier, ngay bên phải Sở Bưu điện lúc bấy giờ; khoảng Vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay. (ND)

[2] «Quảng cáo chợ phiên Ánh Sáng », Ngày Nay (25/ 2/1939), tr.18; Ngày Nay (28/1/1939), tr.3.

[3] Tờ bướm quảng cáo cuộc xổ số của Hội Ánh Sáng, Mairie de Hà Nội, D62.2858, VNA-1, Hà Nội, 75.

[4] Tờ bướm quảng cáo cuộc xổ số của Hội Ánh Sáng.

[5] “Đừng lợi dụng việc nghĩa nữa”, Vịt Đực (15/3/1939), tr.1–2.

[6] “Sau cuộc chợ phiên Ánh Sáng”, Vịt Đực (15/3/1939), tr.1–2.

[7] “Năm con mèo Vịt Đực chúc Tết”, Vịt Đực (7/3/1939), tr.3.

[8] “Có hay không? Việc Ông Con Khỉ định đòi quyền xếp cảnh 350 đồng”, Vịt Đực (15/3/1939), tr.1.

[9] “Ánh Sáng! Để mà soi vào óc tối”, Vịt Đực (24/5/1939), tr.1–2; “Ánh Sáng lục đục”, Vịt Đực (24/5/1939), tr.1,4; và Nước Nam (27/ 5/1939), tr.2.

[10] “Tiếp theo . . . và chưa hết”, Vịt Đực (26/3/1939), tr.3.

[11] “Hội Ánh Sáng lục đục”, Vịt Đực (31/5/1939), tr.4.

[12] “Ánh Sáng! Để mà soi vào óc tối”, “Ánh Sáng lục đục.”

[13] “Kết quả chợ phiên Ánh Sáng”, Ngày Nay (29/4/1939), p.14,22.[Ở đây, tác giả chú nguồn nhầm. Bài viết này được in trên Ngày Nay (5/6/1939) - (ND)]

[14] “Kết quả chợ phiên Ánh Sáng”. Tranh cãi xung quanh những cáo buộc của tờ Vịt Đực cho thấy những cuộc tấn công của tờ này đã không trung thực. Thay vào đó, chúng có thể được hiểu là phản ảnh tình hình tài chính riêng của các tờ báo hoặc là hệ quả của các ganh đua nhỏ nhặt của giới trí thức. Ví dụ, sự phê phán của tờ Vịt Đực có vẻ tập trung vào Thế Lữ hơn là nhắm vào Hội Ánh Sáng. Thậm chí trước các đợt tấn công của tờ này đối với Hội, trênVịt Đực, các cây bút đã có thù với Thế Lữ, thường xuyên phỉ báng diễn viên, nhà thơ này là “Ông con khỉ”. Các nguồn tài liệu cho thấy, các cuộc tấn công của tờ này đã được thực hiện trong tuyệt vọng, khi tờ này đang đi đến cáo chung. Như cây bút của tờ này, Vũ Bằng đã mô tả trong cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo, rằng Vịt Đực đã đấu tranh gần như ngay từ đầu. Mặc dù được mong đợi trở thành một tờ báo hài hước, châm biếm của người trí thức, nhưng tờ này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì những cuộc tấn công dối trá, hằn học và những câu chuyện giật gân. Hơn một tháng sau những cáo buộc chống lại Hội Ánh Sáng, Vịt Đực đình bản sau 53 số trước gánh nặng của các vụ kiện về tội phỉ báng và lâm vào tình trạng phá sản.

[15] “Đoàn Ánh Sáng và báo L’Avenir du Tonkin”, Ngày Nay (5/8/1939), tr.20.

[16] Tin tức cuối cùng về Hội Ánh Sáng đăng trên Ngày Nay (8/6/1940).

[17] “Kết quả ngày Ánh Sáng”, Ngày Nay (25/3/1939), p.21.

[18] Nay là đường Nguyễn Thái Học (ND).

[19] “Notice Sommaire sur l’activité de la Ligue “Anh Sang” depuis sa fondation”.

[20] “Notice Sommaire sur l’activité de la Ligue “Anh Sang” depuis sa fondation”.

[21] “Notice Sommaire sur l’activité de la Ligue “Anh Sang” depuis sa fondation”.

[22] Luyện Tiếp, “Những cách để tránh bom,” Ngày Nay (27/ 5/1939), tr.21.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559037

Hôm nay

254

Hôm qua

2301

Tuần này

2355

Tháng này

226580

Tháng qua

122920

Tất cả

114559037