Những góc nhìn Văn hoá
Phát triển du lịch cộng đồng: Một số vấn đề cần quan tâm
Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị khi tham gia du lịch cộng đồng tại Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt thường ngày và những món ăn dân dã thôn quê. Du lịch cộng đồng khuyến khích người dân bản địa sáng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Du lịch cộng đồng ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, chủ yếu là các hình thức: du lịch homestay, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng người dân bản địa, tìm hiểu lối sống, văn hóa, phong tục của người dân, tham quan nghiên cứu đa dạng sinh học. Gần đây, số du khách đến thăm các điểm du lịch tự nhiên, tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng dân cư ở Việt Nam ngày càng tăng, góp phần làm tăng trưởng du lịch đạt 12,6%, số lượng khách nước ngoài hàng năm đạt trên 18 triệu lượt người. Tuy vậy, du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, tổ chức chưa bài bản và chưa thực chất. Các hình thức hoạt động thường mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địạ.
Từ thực tế này, một số địa phương đã năng động, chủ động gắn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với lợi thế của địa phương mình để tạo hấp dẫn, thu hút khách vào sâu, ở lâu, góp phần phát triển kinh tế, như Đồng Tháp, Quảng Nam, các tỉnh miền núi Tây Bắc nước ta...
Ở Nghệ An, du lịch cộng đồng trong những năm qua đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch ước tính bình quân gần 20.000 lượt người/năm, doanh thu hàng năm đạt trên 4 tỷ VNĐ, bước đầu cải thiện đời sống và thu nhập cho một số hộ dân. Du lịch cộng đồng đã làm thay đổi nhiều về nhận thức, ý thức cộng đồng về giữ gìn cảnh quan môi trường và phát huy nhiều nét đẹp văn hóa của quê hương.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thì kết quả trên là khiêm tốn. Các địa phương từ cấp huyện đến cấp xã tổ chức khai thác loại hình du lịch này còn ít. Nhiều địa phương chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý cụ thể, chủ yếu hoạt động dưới dạng tự phát. Thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng hạn chế, chậm, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý, phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, không đồng bộ. Một số địa phương, nhiều hộ gia đình có nhu cầu muốn tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, nhưng không có đủ các nguồn lực để đầu tư phát triển, v.v…
Homestay số 1 - Hoa Thụ ở bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Hiện nay, dự đoán khách du lịch cộng đồng đến Nghệ An có xu hướng tăng. Điểm đến là các huyện miền Tây Nghệ An và vùng nông thôn miền xuôi, nhất là huyện Nam Đàn để khám phá, trải nghiệm... Miền Tây Nghệ An rộng bao la (chiếm ¾ diện tích toàn tỉnh 16.497 km2) có tiềm năng du lịch về tự nhiên và xã hội rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, vùng quê địa linh nhân kiệt, là vùng nông thôn trù phú thỏa mãn cho du lịch cộng đồng hoạt động. Nam Đàn còn là huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới và đang xây dựng huyện Nông thôn kiểu mẫu theohướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Việc hỗ trợ kinh phí cho phát triển Du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn, trước mắt dành cho miền Tây Nghệ An và huyện Nam Đàn là hợp lý so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà.
Được biết, huyện Nam Đàn đã tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn một số thôn xóm, hộ gia đình có tiềm năng để tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Theo tôi chừng ấy chưa đủ, chưa đồng bộ và chắc chưa thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển của loại hình du lịch này. Ví dụ ba tình huống đại diện sau có thể làm cho du lịch cộng đồng bị động, lúng túng:
(1). Khi khách nước ngoài vào đền, chùa, miếu,... thấy hoành phi, câu đối viết bằng chữ Nho (Hán) thì đọc thạo và hiểu nghĩa. Còn cộng đồng dân làng, có số đông không biết đọc, không hiểu nghĩa, số ít khác biết đọc sơ sơ, nhưng dịch nghĩa, giải thích không chính xác, thậm chí sai. Du lịch cộng đồng xử lý như thế nào đây?
(2). Tại một ngôi đền còn mộ và phế tích đền, đặc biệt có 9 sắc phong từ đời vua Lê Cảnh Hưng (1474) đến vua Duy Tân (1914) nay còn lưu giữ, ca ngợi một vị tướng có công với nước, ghi rằng: “Sắc cho Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Lâm Thịnh xã, Đông Thịnh thôn (làng) phụng sự: Phụ Quốc Thượng tướng quân Vạn Thắng Hầu, Tướng công họ Nguyễn là bậc thần hộ Quốc tý dân xưa nay (tức tướng quân Nguyễn Hoàng Thưởng) tại đền Thần Trụ”, nay thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Đến nay, ngôi đền này vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử. Đây là ngôi đền có từ lâu và rất thiêng, được nhiều người dân trong vùng đến tâm linh, thế nhưng nhiều người dân địa phương nơi đây ít biết đến sự tích trên. Giả sử có khách du lịch biết đến sự tích trên, dừng chân tìm hiểu về ngôi đền này thì cộng đồng du lịch giải thích, thuyết minh và xử lý ra sao?
(3). Về văn hóa ẩm thực, Nam Đàn là huyện kinh tế phát triển không mạnh, nhưng lại có nhiều món ăn ngon và hấp dẫn, thu hút khách du lịch cộng đồng ẩm thực. Đó là món: Cá mòi; Bánh đúc Sa Nam; Thịt dê Cầu Đòn, Thịt Bê (me) Nam Nghĩa; Thịt Gà đồi (thịt gà rú); Bún bò Nam Đàn; Lươn Nam Anh. Khách du lịch sẽ tìm hiểu kỹ, đặt ra nhiều câu hỏi cho chủ du lịch cộng đồng giải thích: Các món ăn ấy có từ bao giờ? Tại sao lại ngon như thế? Muốn trải nghiệm? E rằng chủ nhà sẽ lúng túng... nếu không có sự chuẩn bị trước,…
Với các tình huống tương tự như thế, nếu mở rộng phát triển du lịch cộng đồng khắp trên địa bàn huyện thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ví như câu hỏi: Thầy giáo Thám hoa Nguyễn Đức Đạt dạy các cụ: Nguyễn Sinh Sắc (cha Bác Hồ), Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế... là ai, ở đâu? Đấy là chưa kể đến các địa phương xung quanh, nơi đã sinh ra Danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Du cũng như biết bao anh hùng hào kiệt khác, tạo nên một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, là một trong những vùng địa linh nhân kiệt vào loại hàng đầu của nước ta. Vì thế, miền Tây Nghệ An nói chung và Nam Đàn nói riêng phải chuẩn bị thật chu đáo cho loại hình du lịch này tại các điểm nhấn của mình. Riêng Nam Đàn cần lưu ý khi phát triển du lịch cộng đồng cần gắn các hoạt động du lịch nơi Khu Di tích lịch sử đặc biệt Kim Liên với phát triển văn hóa và tiến trình xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.
Để phát triển du lịch cộng đồng vùng miền núi Nghệ An và vùng nông thôn huyện Nam Đàn, trước hết phải bồi dưỡng nâng cao văn hóa cho cộng đồng dân cư về các kiến thức văn hóa liên quan đến nhu cầu hoạt động của loại hình du lịch này. Đồng thời, cần chuẩn bị tốt các điều kiện khác về tiềm năng tài nguyên, môi trường tự nhiên và nhân văn có ý nghĩa quyết định đến phát triển du lịch cộng đồng, như: Yếu tố chất lượng cộng đồng dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thị trường khách trong nước và quốc tế, cơ chế chính sách hợp lý, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… Đồng thời, cần tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:
1. Khẩn trương xây dựng Qui hoạch, kế hoạch có tính chiến lược về phát triển du lịch Nghệ An nói chung, trong đó có ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, trước mắt cho vùng nông thôn miền núi và huyện Nam Đàn.
2. Các huyện, xã cần chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng cho địa phương mình (con người, ngân sách, cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, hình thức, các điều kiện phương tiện phục vụ...)
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về các tour tuyến du lịch, nội dung, hình thức, sản phẩm du lịch cộng đồng. Trước hết, cần chủ động bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết văn hóa cộng đồng cho người dân của địa phương mình để thực hiện du lịch cộng đồng có hiệu quả. Đặc biệt chất lượng con người cộng đồng phục vụ (trình độ chuyên môn văn hóa, lịch sử, du lịch; ngoại ngữ; công nghệ thông tin...)
4. Ngành Du lịch tỉnh nhà phải tích cực, chủ động mở các chuyên đề bồi dưỡng tận cơ sở cho cộng đồng về loại hình du lịch này. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch, trong đó gắn điểm đến du lịch cộng đồng với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh. Gắn phát triển du lịch với phát triển Nông thôn mới, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ nét đẹp của nông thôn xưa với cây đa, giếng nước, sân đình.
5. Các huyện, xã, nhất là vùng nông thôn miền núi, Nam Đàn, căn cứ tiềm năng, thực tế để có kế hoạch cụ thể, đăng ký nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thực sự có hiệu quả. Xây dựng mô hình, điển hình và nhân rộng.
6. Coi trọng và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, tạo điều kiện, cơ hội để người dân được tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch và quản lý hoạt động du lịch tại cộng đồng. Người dân được hưởng lợi ích một cách công bằng, thiết thực.
7. Xây dựng lối sống văn hóa, ứng xử văn minh lịch sự với khách du lịch, nhất là người nước ngoài. Hướng dẫn tổng quan cho khách du lịch về cộng đồng với quy mô nhỏ, phù hợp để giúp họ có những hành động hợp lý trong quá trình du lịch. Không yêu cầu người trong cộng đồng và khách du lịch phải thực hiện những hoạt động trái với văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán của họ hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
8. Mọi hoạt động du lịch cộng đồng phải tôn trọng nền văn hóa dân tộc, địa phương cũng như các "cấu trúc xã hội" tại cộng đồng, bảo đảm sự phát triển bền vững về văn hóa và môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thức đầy đủ về khái niệm, đặc trưng và ý nghĩa của Du lịch cộng đồng cũng như thực trạng phát triển hiện nay ở Nghệ An và cả nước, chúng ta hy vọng rằng vùng nông thôn miền Tây Nghệ An và huyện Nam Đàn sẽ có bước phát triển du lịch cộng đồng khởi sắc, góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng văn minh, giàu đẹp.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511209
2208
2359
21583
218082
121356
114511209