Những góc nhìn Văn hoá
"Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu"(1)

Nhà Hán Nôm Thế Anh (người đứng giữa) cùng nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn và nhà giáo, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi
Trong một cuộc hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều do Hội Kiều học Việt Nam tổ chức tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các đại biểu và khách mời đều phải ngây ngất trước những mảng tường được trang trí bằng các bức họa thư pháp tài hoa - chủ yếu là minh họa những câu thơ Kiều. Mọi người hỏi ra mới biết: Những bức thư pháp ấy là do cụ Thế Anh thu thập từ bè bạn của cụ, và chính cụ là tác giả của rất nhiều bức trong đó... Và, có một bức thư pháp lạ viết bằng chữ Nôm bài thơ quốc ngữ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, được treo ở một cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khiến nhiều người chú ý và nắc nỏm khen ngợi. Sau chúng tôi được biết, tác giả bức thư pháp nọ là nhà Hán Nôm, nhà Kiều học Thế Anh; với thời gian, khi được làm việc cùng cụ, chúng tôi ngày một thấm thía: chính cụ đã hóa thân vào một ông đồ thời hiện đại...
Xuất thân từ một gia đình nhà nho ở Thanh Chương - Nghệ An, từ nhỏ cụ Thế Anh đã được sống trong cái không khí “Nhà ta quí chữ hơn vàng/Coi tài hơn cả giàu sang ở đời” - như câu thơ gia bảo của cụ Bùi Trình Khiêm, người thầy của những trí thức lớn, những nhà cách mạng nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Nguyễn Thượng Cát... Sau nhiều năm học tiếng Pháp tiếng Nga, làm giảng viên tiếng Nga và phiên dịch tiếng Nga, cụ vẫn không quên được niềm đam mê chữ Hán chữ Nôm thời tóc để chỏm; để tới lúc về hưu (năm 1991), cụ đã dành hết thời gian và tâm trí cho thứ chữ tượng hình này của dân tộc. Cụ giao lưu thân thiết với các nhà Hán Nôm, nhà Kiều học, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học khắp mọi miền, như ông Nguyễn Đình Chú, ông Trần Đình Sử, ông An Chi, ông Hoàng Quốc Hải, ông Nguyễn Quảng Tuân, ông Nguyễn Khắc Bảo, ông Phạm Đan Quế, ông Hoàng Xuân Khóa, v.v... Cụ là thành viên tích cực của nhiều Hội, nhiều Câu lạc bộ có liên quan đến chữ nghĩa cổ và thư pháp Hán Nôm... Càng đi sâu vào kho tàng Hán Nôm của cha ông, cụ Thế Anh như ngày càng khám phá ra cái bản lĩnh văn hóa, cái sở trường của riêng mình; và cụ đã viết hàng trăm bài khảo cứu, tranh luận về văn chương, về chữ Hán chữ Nôm, cùng không ít tác phẩm thư pháp, được đăng tải trên nhiều sách báo, tạp chí chuyên ngành hay phổ thông ở trung ương và địa phương... Mấy năm qua, dù đã vào tuổi ngót cửu thập, nhà Hán Nôm Thế Anh vẫn miệt mài tham gia các hoạt động của Hội Kiều học Việt Nam. Cụ là một trong những người của Ban vận động UNESCO tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2015. Rồi cụ đã cùng các nhà Kiều học "ăn cơm nhà vác ngà voi", hơn chục buổi cặm cụi làm việc để thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hội Kiều học hướng tới Lễ kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du - đó là việc "phục nguyên văn bản Truyện Kiều". Đây là một công trình lớn của Hội Kiều học, là một món quà tặng trang trọng cho các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; và đó cũng là một lễ vật xứng đáng dâng lên anh linh đại thi hào trong ngày sinh của Người tại quê hương Tiên Điền- Hà Tĩnh...
Ngoài công trình chung lớn đó, nhà Hán Nôm Thế Anh còn mê mải phiên dịch, khảo chú các văn bản Kiều Nôm mà cụ sưu tầm được, hay do các nhà làm sách mang tới nhờ cụ xác minh, đính chính về văn bản. Cụ đã làm công việc này với tư cách là một chuyên gia thông thạo về Hán Nôm, và với một niềm say mê, cần cù, tận tụy hết lòng, khiến mọi người yêu kính, nể phục.
Trong khi xử lý văn bản cuốn Kiều Nôm KIM VÂN KIỀU TÂN TẬP của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh do một người ở Sài gòn tự chép tay gửi ra tặng, cụ Thế Anh đã say sưa với những bài "Vịnh Kiều" Nôm và bài "Tựa Truyện Kiều" bằng chữ Nho của người mê đắm nàng Kiều đến mức toan đúc sẵn nhà vàng cho nàng! Cụ phẫn uất trước những luận điểm bôi bác, xúc phạm Chu Mạnh Trinh, và quyết tâm thu thập lại tất cả những gì liên quan đến danh nhân này, làm thành cuốn sách “Chu Mạnh Trinh - Nhà nho tài tử”. Đây sẽ là cuốn sách có thể nói là "tập đại thành" những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Chu Mạnh Trinh của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đi trước - trên cơ sở bước đầu khảo sát tác giả đặc biệt này dưới góc độ lý thuyết "loại hình Nhà nho tài tử" mà nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương lần đầu tiên đã nêu ra từ mấy chục năm trước đây.(2) Cụ còn muốn tìm về quê hương, các di tích có gắn với thi sĩ Chu Mạnh Trinh để khảo cứu một cách tường tận, nhằm góp phần hoàn thiện cho cuốn sách...
Hiểu được nỗi niềm đó, bạn bè và học trò cụ đã tổ chức một cuộc "hành hương thực địa" tập thể, tìm đến những nơi lưu giữ kỷ vật, bút tích của Chu Mạnh Trinh vào đầu Xuân 2016. Tôi là một trong những người đi "hộ tống" tác giả công trình "Nhà nho tài tử Chu Mạnh Trinh"; cùng lỉnh kỉnh các phương tiện làm nghề chuyên nghiệp nhằm bổ sung hình ảnh cho tập bản thảo của ông coi như đã hoàn thành, và cũng để chuẩn bị tư liệu bước đầu cho bộ phim chân dung xứng đáng về Chu Mạnh Trinh mà tôi ấp ủ từ lâu. Đó quả là một vinh dự lớn đối với tôi - kẻ cũng yêu thơ văn cổ, cũng như ông ngưỡng vọng sâu xa con người từng tự nhận: "Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu"; và được đồng hành với ông qua những bước gian nan và đầy hào hứng của Hội Kiều học VN (Hội Khoa học nghiên cứu Truyện Kiều) suốt mấy năm ròng.
Đoàn chúng tôi đến xứ sở của những bờ xôi ruộng mật đang biến dần đi một cách oan uổng song mãi mãi không thể quên được mình là cái nôi của một thiên tình sử đẹp nhất nước Nam! Cái tình yêu lạ đời, trái khoáy và cũng rất tự nhiên của Tiên Dung con Hùng Duệ vương với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử đã đơm hoa kết trái ở Bãi Tự Nhiên - đối diện với làng Phú Thị, nơi chôn nhau của một nhà thơ tài tử vào loại bậc nhất thi đàn Việt. Tại đây có đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung với những công trình tuyệt tác tạo cõi bồng lai tiên cảnh - sản phẩm của bàn tay người thợ tài hoa châu thổ, và đặc biệt óc thẩm mỹ của người thiết kế, làm đốc công là Chu Mạnh Trinh, người giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa, kiến trúc, và dân đã tôn cụ là Thần hộ đền… Ở nhà bia Trấn Giang lâu có dòng văn khắc của Chu Mạnh Trinh: “Từ bãi Thiên Nhiên, từ đầm Dạ Trạch, tiên hạc đã bay về trời. Nào ai thấy tiên hạc ở nơi đâu, mà nơi đây vẫn phảng phất khí thiêng nơi tiên cảnh…”.
Nhưng có một thứ bảo vật đặt ở nơi thờ vị thần hộ đền "ông nghè Phú Thị" khiến cả đoàn phải lặng đi xúc động. Đó là cây đàn thập lục không còn dây mà Chu Mạnh Trinh yêu quý nhất, cây đàn mà thuở sinh thời cụ vẫn chơi khi ngâm vịnh. Từ cây đàn được thờ này, những huyền thoại về tình yêu, về nhân nghĩa của con người Việt Nam lại tiếp tục được nảy sinh, bồi đắp thêm chiều dày văn hóa cho vùng sông nước châu thổ. Ngôi đền có vị hộ thần canh giữ bằng thứ vũ khí không phải là gươm đao mà là cây đàn, đã chợt hé lộ thêm một vẻ đẹp đặc biệt trong tâm hồn, nhân cách của dân tộc ta…
Từ đền Đa Hòa, đoàn chúng tôi đã đi nhiều nơi trên đất Phố Hiến xưa, theo dấu Chu Mạnh Trinh từng thăm viếng, thị sát và để lại nhiều bức châm thư với thư pháp bay bổng, tài hoa, cho thấy tâm hồn khoáng đạt, tình yêu quê hương đất nước và lòng yêu cái đẹp nồng nàn của cụ. Chúng tôi đã dừng rất lâu trước các hoành phi có chính bút tích của Chu Mạnh Trinh ở đền Mây thờ sứ quân Phạm Bạch Hổ, ở đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi đời Tống Trung Quốc - người từng báo mộng cho viên Thái giám họ Du biết thân phận bi thảm của mình (viên thái giám này được dân tôn làm thành hoàng làng, thờ tại đình Hiến, vì đã dựng lên cả một làng Hoa Dương cho những người Hoa cơ nhỡ phiêu bạt). Và ở đây, thêm một lần nữa chúng tôi thấm thía cái triết lý sống chan hoà, bao dung của người Việt cổ qua tâm hồn một nhà nho tài tử dù đương phải sống giữa thời buổi nhiễu nhương của lịch sử. Nhà Tống từng xua quân dày xéo nước ta, nhưng khi người dân lành Trung Hoa của triều đại ấy trở thành nạn nhân dưới vó ngựa giặc Nguyên Mông thì trái tim nhân hậu của vị Tiến sĩ - Án sát sứ tỉnh Hưng Yên đã rung lên trong mối đồng cảm sâu sắc với họ:
Nước cũ non sông ngợp khói chiều
Trời Nam đền miếu dựng cheo leo
Lòng trung thờ Tống vầng dương tỏ
Nỗi hận thù Nguyên sóng bạc reo...
(Dịch từ chữ Hán thơ Chu Mạnh Trinh treo ở gian giữa của cung Trung từ đền Mẫu. Không rõ người dịch)
Và cũng phải "đồng bệnh tương liên" với người "có tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”(3) là thi hào họ Nguyễn tới độ nào đó, cụ Chu Mạnh Trinh mới có thể dày công sưu tầm, tập chú một bản Kiều Nôm cổ, mới vượt qua nổi các danh sĩ đương thời để đoạt giải nhất trong một cuộc thi Vịnh Kiều ở đất Hưng Yên vào năm 1905 do Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm chủ khảo!
Khi cả đoàn tới trước khu mộ Chu Mạnh Trinh, kết thúc cuộc hành trình, cụ Thế Anh đứng lặng hồi lâu với cặp mắt rưng lệ, chú mục đọc các đại tự, câu đối ở mộ. Thế là cuốn sách của cụ: “Chu Mạnh Trinh - Nhà nho tài tử”, dù lúc đó chưa được in ra, cũng đã bắt đầu một cuộc hành trình tìm đến Cõi đời đang khao khát tình thương...
Nhưng có lẽ, niềm say mê lớn hơn cả của cụ Thế Anh chính là Thư pháp. Có lẽ, chỉ trong thư pháp Hán Nôm, cụ mới có điều kiện thể hiện được hết niềm mê say ngưỡng mộ của mình đối với tinh hoa văn hóa cha ông, mới cảm thông hết được với nỗi niềm của các bậc chân nho ái quốc thương dân - như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh... Các cuộc tọa đàm, hội thảo, kỷ niệm về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, v.v..., cuộc nào cũng hầu như đều có mặt cụ, đều có sự hiện diện của tâm hồn bay bổng và đôi bàn tay tài hoa của cụ trên những bức thư pháp thay mặt Hội Kiều học tặng một tập thể, hay của cá nhân cụ tặng riêng một người nào đó. Có lẽ, một trong những niềm vui lớn nhất của cụ là được tặng Chữ cho những ai hiểu và yêu thích thư pháp. Quên tuổi già, quên mệt mỏi, quên thời gian, dồn hết thần khí, cụ đáp ứng một cách vô tư, tự nguyện, tất cả những đòi hỏi của bất cứ ai yêu thư pháp và xin chữ cụ một cách chân thành... Có thể nói, cụ đã bắt đầu từ một thú chơi tao nhã mang bản sắc cái đẹp đặc thù của văn hóa tâm linh phương Đông, để rồi tự lúc nào đã nghiễm nhiên trở thành một nghệ sĩ đạt tới trình độ tinh diệu của nghệ thuật thư pháp Hán Nôm. Nhưng tại nhà riêng, sau những giờ miệt mài đọc sách báo tài liệu để học hỏi, nghiên cứu sâu về văn học cổ điển, cụ lại luyện bút viết thư pháp.
Những năm qua, cứ vào Xuân, cụ Thế Anh lại đứng ra tổ chức các cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa và cảm động với các nhà thư pháp của Thủ đô và các địa phương... Cụ đến với các đồng nghiệp nhiều lứa tuổi bằng một tình cảm đầy ưu ái, trân trọng, khiêm nhường. Và được sống giữa niềm say mê của những nhà thư pháp già/trẻ, cụ như được hít thở bầu không khí trong lành nhất, như được tiếp thêm nguồn sinh lực thực mới mẻ. Các nhà thư pháp - không so đo lâu năm hay mới cầm bút, chẳng phân biệt thủ đô hay tỉnh lẻ, đều mang cái tâm nguyện đã trở thành tiêu chí hàng đầu của họ, là “Dĩ Văn hội hữu”, hoặc “Dĩ Kiều hội hữu”- nghĩa là: dùng Văn kết bạn, dùng thơ Kiều kết bạn...
Ở tuổi cửu thập, nhà Hán Nôm học, nhà Kiều học Thế Anh - trong khi say đắm với những vấn đề hóc búa của văn bản học Truyện Kiều, tầm nguyên Truyện Kiều và thế giới mênh mông của chữ nghĩa văn học cổ điển, cũng vẫn dành một khoảng thời gian và tâm trí không nhỏ cho việc Dạy & Học Truyện Kiều trong trường phổ thông. Tâm huyết đó của cụ Thế Anh đã được các nhà làm sách Giáo khoa của nhóm Cánh Buồm trân trọng; cụ được mời làm Biên soạn phần: TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU, trong SÁCH VĂN 9 - Nghiên cứu nghệ thuật (4). Trong sách này, các nhà Biên tập sách đã đưa vào hai tác giả lớn của văn học kinh điển Việt Nam và thế giới làm đối tượng khảo sát & học tập, với tiêu chí: Môn Văn - công cụ giáo dục nghệ thuật, được nhà giáo Phạm Toàn cụ thể hóa: “Môn Văn trong nhà trường PTCS có mục đích dùng vật liệu văn truyền thống để tổ chức năng lực nghệ thuật - năng lực đến với đời sống trong cái Đẹp nghệ thuật của học sinh.” Những trang viết của cụ trong cuốn sách GK này đã có mặt tại Hội thảo Quốc gia “Học tập & giảng dạy Nguyễn Du - Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông” tổ chức tại Hải Phòng tháng 7-2018, với tư cách là một bản tham luận quan trọng.
Sau gần ba chục năm lăn lộn với trường văn trận chữ, tình yêu văn chương, tình yêu chữ nghĩa cha ông ở trong cụ quả là đã tạo nên một từ trường sống thực nhân hậu và đáng quý biết bao trong cái cuộc sống bề bộn và gay gắt này. Là lớp người hậu học có dính dáng ít nhiều tới chữ nghĩa, chúng tôi đã tìm thấy ở nhà Hán Nôm, nhà Kiều học Thế Anh một tấm gương lao động đáng kính phục; và những gì cụ đã viết ra, đối với chúng tôi tựa những hạt ngọc sáng của tâm hồn... Chúng tôi đã nhặt nhạnh thu góp những trang văn của Ông Đồ Hiện Đại Thế Anh để in thành tập sách “Một chút của tin”, để xin được “Cảo thơm lần giở trước đèn” trước khi trân trọng đưa cuốn sách tới những người đọc yêu văn chương, yêu Truyện Kiều...
Cụ Thế Anh, bằng tình yêu và niềm đam mê của mình, đã và đang lặng lẽ tỏa sáng để góp vào cái ánh sáng mà cuộc đời hôm nay đang hướng tới...
__________________________
1. Chu Mạnh Trinh - Tổng vịnh Truyện Kiều (Bản dịch của Đoàn Tư Thuật).
2. Trần Ngọc Vương - Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, 1995.
3. Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ nhân - Bài tựa Truyện Kiều (Bản dịch của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim)
4. NXB Tri thức, HN 2016 (Tr.198)
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114559031

248

2301

2349

226574

122920

114559031