Những góc nhìn Văn hoá
Văn hóa đại chúng và những mẫu hình nam tính ở Đông Á, trong mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc
Bài viết này cho rằng các hình thức truyền thông mới có tác động lớn đến giới tính và tư tưởng cũng như thực hành tính dục ở khắp Đông Á. Cụ thể, bài viết tập trung vào tác động của truyền thông mới lên những nam tính ở Trung Quốc sau thời kỳ Mao Trạch Đông - giai đoạn trùng khớp với “phép màu kinh tế châu Á” và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đó cũng là lúc những nghiên cứu về nữ giới được xác lập chắc chắn ở phương Tây và những nghiên cứu về nam giới đang trở nên ngày càng nổi bật trong giới học thuật[1]. Nhưng trong suốt thời gian này, nghiên cứu về đàn ông châu Á rất hạn chế, mặc dù phụ nữ châu Á được miêu tả, phân tích và công bố vô cùng nhiều. Các chuyên gia về nam giới như R. W. Connell ý thức rõ rằng phần lớn đàn ông thế giới không nhận được bất cứ sự quan tâm nào trong các nghiên cứu về giới, và sự xao lãng ấy là một vấn đề nghiêm trọng ở lĩnh vực này. Trong bài viết đầu tiên thuộc số mở đầu của tờ Men and Masculinities [Nam giới và những nam tính], ông kêu gọi sự nhận thức mang tính toàn cầu hơn đối với thứ bậc giới tính thế giới [4].
Trên nhiều phương diện, một điều không thể tránh khỏi là những nghiên cứu giới tính bên ngoài khu vực Âu - Mỹ trở nên được chú ý khi trọng tâm của sức mạnh kinh tế và chính trị dịch chuyển sang Đông Á. Chẳng hạn, tạp chí Culture, Society and Masculinities [Văn hóa, xã hội và những nam tính], phát hành năm 2009, được thiết kế đặc biệt để ưu tiên những nền văn hóa và xã hội khác. Tuy nhiên, toàn bộ học giả châu Á và phương Tây vẫn bị mắc kẹt trong khuôn khổ những so sánh Đông - Tây. Ví dụ, trong các nghiên cứu về Trung Quốc, mô hình Trung Quốc - phương Tây được vận dụng trước hết như một khuôn mẫu và các ý tưởng được xem xét thông qua đó. Gần như ngay khi công bố cuốn sách Theorising Chinese Masculinity [Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc] vào năm 2002, tôi đã nhận thức được rằng mặc dù mình đã đề xuất một mô hình mang tính bản địa là văn 文-võ 武(thành tựu văn hóa - võ thuật) như một phương tiện để tìm hiểu các hình mẫu nam tính lý tưởng ở Trung Quốc, nhưng dự đồ của tôi vẫn phải chú ý đến ma trận Trung Quốc - phương Tây. Tôi cũng ý thức được rằng ảnh hưởng của những quan niệm về giới ở châu Á đến nam tính Trung Quốc khá mạnh mẽ nhưng chưa được tìm hiểu[2]. Như tôi đã đề cập trong cuốn sách Asian Masculinities [Những nam tính châu Á] (2003), các biến đổi thú vị nhất trong nam tính và tính dục Trung Quốc bắt nguồn từ những tương tác trong châu Á [22, tr.14], đặc biệt là những tương tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và những tương tác này cần được chú ý cấp thiết.
Trong mười năm kể từ khi tôi bày tỏ cảm giác này, đã xuất hiện những nghiên cứu chất lượng quan sát sự xuất hiện của “nam tính mềm liên Đông Á” (pan-East Asian soft masculinity) và cách nó lưu chuyển khắp khu vực châu Á [15]. Các nghiên cứu này cho thấy, khác những khung khổ Đông - Tây (thường dẫn đến “việc nhấn mạnh quá mức vào tính chất tình dục dị giới và những mối quan hệ, tiêu biểu như giữa đàn ông phương Tây và phụ nữ châu Á [và] bịt kín những dạng thức tình dục và tính dục khác” [20]), những tìm hiểu giới tính từ các mối tương tác trong nội bộ “châu Á” không chỉ miêu tả một thực tế ngày càng phổ biến hơn, mà cả mối liên hệ chủng tộc và dân tộc ít thiên về quyền lực. Cùng với sự quan tâm ngày một lớn đối với các mối liên hệ giới tính trong khu vực này, số lượng bài viết và chuyên khảo dành cho việc nghiên cứu nam giới xuất hiện ngày càng nhiều, làm sáng tỏ đáng kể những mối liên hệ giới tính ở châu Á. Điều đó đặc biệt đúng với những phát triển mới trong nghiên cứu người đồng tính, chúng không chỉ lát đường cho những hướng tiếp cận khác trong nghiên cứu nam giới và nữ giới, mà còn tiếp tục phá dỡ các quan niệm vẫn được chấp nhận nhưng thường là ngộ nhận về tình dục và giới tính ở“dòng chính”.
Với việc trình bày cách hội tụ của những nhóm người và những quan điểm khác nhau trong các thực hành giới tính trên mạng xã hội trực tuyến và những thiết bị kết nối mạng khác, trong các nhóm nhạc nam và nữ, cũng như trong các cuộc thi ca hát dành cho phụ nữ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ở tiểu luận này, tôi sẽ cho thấy văn hóa thanh niên và truyền thông điện tử đã sản sinh ra một hình mẫu lý tưởng mới của nam tính Trung Quốc, khác biệt một cách vi tế nhưng đáng kể so với các chuẩn mực “truyền thống” và “hiện đại”. Hình mẫu được tái cấu trúc này vẫn thể hiện những đặc điểm chính của văn - võ, nhưng quan tâm đến phụ nữ hơn và hệ quả là “nhu” và trở nên “nữ” hơn.
Đàn ông bảnh bao và mĩ nam áo cổ trắng
Trước khi khám phá những khuynh hướng nam tính cách tân hơn - kết quả của văn hóa đại chúng và những tác động của nó ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, tôi sẽ trình bày một phiên bản mẫu mực hơn của nam tính Trung Quốc hiện đại - phiên bản tích hợp khá hoàn chỉnh các hình tượng viên chức Nhật Bản (Japanese salaryman) và đàn ông bảnh bao (metrosexual) phương Tây trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của những nam nhân Trung Quốc chăm chút ngoại hình đặc biệt thấy rõ ở các quốc gia như Mỹ, Úc và Canada - nơi mà mấy thế kỉ trước đã chứng kiến sự thay đổi căn bản trong những kiểu người Hoa di cư đến bờ biển nước họ. Người nhập cư không còn là các lao động ở nông thôn nữa mà là những người có chuyên môn ở thành thị, nhiều người trong số đó là các học viên có trình độ như thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), thế nên, họ có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Hơn nữa, những học viên sau đại học thuộc chuyên ngành kinh doanh cũng trở nên “quốc tế” và “hiện đại” hơn trong quan niệm và các nhóm bạn của họ. Chẳng hạn, nghiên cứu của Connell và Wood [5, tr.359-360] về toàn cầu hóa và những nam tính trên thương trường (dựa trên các cuộc phỏng vấn với những chủ doanh nghiệp tại Úc) cho thấy những người có bằng MBA đánh giá trình độ của họ như một phương tiện cho những kết nối mang tính toàn cầu hơn.
Sự lưu thông tiền tệ và vốn văn hóa là một quá trình hai chiều. Thứ từng được coi là sự chảy máu chất xám - tài năng châu Á sang phương Tây (nhất là Mỹ) giờ đây được thảo luận như sự thâu thái chất xám hay lưu chuyển chất xám cho cả nước chủ nhà và nước khách [39]. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối những năm 1990 và sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc ở ngay thời điểm ấy đồng nghĩa với việc càng ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc quay trở lại Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, có hơn 1,39 triệu sinh viên Trung Quốc học tập ở nước ngoài từ năm 1978 cho đến năm 2008, và 390.000 người trong số đó đã quay trở về quê hương [26]. Những người có chuyên môn này kết hợp với hàng trăm nghìn người được đào tạo tại Trung Quốc, nhanh chóng trở thành bộ phận của tầng lớp trung lưu mới đang phát triển lớn hơn và giàu có hơn qua mỗi năm.
Như tôi đã chỉ ra ở một công trình khác, những chủ doanh nghiệp đi đi về về Trung Quốc để theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Mỹ dường như trở nên bị ám ảnh về những biểu hiện của sự giàu có hào nhoáng và các thương hiệu nổi tiếng như quần áo Armani và đồng hồ Rolex. Hơn nữa, để cho thấy họ “quốc tế” và “hiện đại”, họ công khai thực hiện các hành vi như nói tiếng Anh, uống vang Pháp và lái xe limousine Mỹ [23]. Điều thú vị nhất đối với mục tiêu của bài viết này là những thành viên của tầng lớp siêu việt mới đó đã lập vô số blog và mạng xã hội để kết nối với nhau trong không gian ảo. Trong bài viết trước, tôi đã phân tích truyện “Hồi quốc tuần hỏa ký” [1] - tác phẩm được đăng thành nhiều kỳ trên haiguinet - một diễn đàn trực tuyến có mục đích phục vụ các kiều bào với hàng chục nghìn tài khoản đăng ký từ khắp nơi trên thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là Mỹ và Trung Quốc. Haiguinet không chỉ dành cho độc giả ở Trung Quốc, mà hướng đến mọi độc giả của Trung Quốc trên toàn cầu. Vậy nên, đó là một cộng đồng quốc tế có thực, được tập hợp bởi sự hiểu biết về ngôn ngữ Trung Quốc. Và cộng đồng Trung Quốc trên mạng đó rất rộng lớn.
Năm 2000, Trung Quốc có 22,5 triệu người sử dụng Internet, hay 1,7% tổng dân số. Con số này tăng trưởng theo cấp số nhân [3], và đến năm 2006, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để đứng đầu về số lượng người dùng Internet [27]. Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, đến cuối năm 2011, Trung Quốc có 513 triệu người dùng Internet. Việc phần lớn người sử dụng truy cập Internet thông qua điện thoại di động thay vì máy tính để bàn có nghĩa là con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên [16]. Đối với người Hoa sinh sống tại Trung Quốc và cả những người ở nước ngoài, các website cung cấp những cộng đồng ảo cho phép họ theo dõi các xu hướng mới nhất trên toàn cầu cũng như ở địa phương. Như thế, dòng người dịch chuyển qua các lục địa nhanh chóng bị thay thế bởi những dòng thông tin lưu chuyển qua không gian mạng. Theo đó, Internet trở thành công cụ để truyền tải những cảm xúc và mối quan tâm tức thời qua các quốc gia [37]. Trong suốt những năm 1990 và đầu thiên niên kỷ này, các diễn đàn trực tuyến quốc tế và sự giao lưu trên Internet đóng vai trò là công cụ cho những người có bằng cấp và trình độ chuyên môn phương Tây trưng bày các thành tựu của mình, như đã được minh họa ở câu chuyện “Hồi quốc tuần hỏa ký” (đã nhắc đến trên đây). Nhiều thuộc tính gắn với vị doanh nhân thành đạt trong câu chuyện này tương đồng với những nam nhân bảnh bao mặc áo cổ trắng sẽ được miêu tả dưới đây.
Quả thực, tầng lớp mới này tiếp tục có những khát khao và thị hiếu dường như là bắt chước nước Mỹ. Trong công trình nghiên cứu sự hình thành của tầng lớp này thông qua việc phân tích các tạp chí thời trang, Song Geng và Tracy K. Lee nhận thấy thói quen tiêu thụ của tầng lớp trên “thường gắn với việc ‘sao chép’ đơn giản lối sống phương Tây, hay một lối sống tưởng tượng” [34, tr.165]. Và giá trị dựa trên các phương diện hình thức như thế, chẳng hạn một cơ thể được chăm chút kĩ lưỡng nhờ tập luyện và y phục thời thượng, dường như đối lập trực tiếp và gay gắt với “kẻ sĩ yếu đuối” của Trung Quốc truyền thống. Mặc dù nhiều trong số tạp chí phong cách sống mà Song Geng và Lee khảo sát, như FHM và Men’s Health, có những bản sao hoàn hảo tại Mỹ, nhưng điều đó không gây ngạc nhiên. Bởi vì những tạp chí này rất đắt đỏ trong bối cảnh Trung Quốc, nên các độc giả của chúng có khuynh hướng là tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng một cách nhanh chóng - những con người khát khao thứ văn hóa cao cấp, và điều này khác với tình hình ở các nước phương Tây. Những nam nhân, nữ nhân Trung Quốc khao khát lối sống xa hoa được phô bày trong các tạp chí ấy, trên thực tế, na ná một hiện tượng gần đây có tên là “đàn ông bảnh bao” (metrosexual), được định nghĩa là sự hình thành nhiều người đàn ông thành thị dành không ít thời gian và tiền bạc để chăm chút cho vẻ ngoài của mình [32].
[…] Trên thực tế, về bản chất sâu xa, khái niệm “đàn ông bảnh bao” xác định một hình mẫu nam tính lý tưởng mà có lẽ chỉ có những tầng lớp lắm tiền nhiều của mới đạt được. Mặc dù có thể cho rằng đó là một hình tượng “nhu hơn” so với đàn ông cương mãnh, nhưng trái lại, nó chứa đựng một hạt nhân rất “cứng” và hiếu chiến, giống với phần văn truyền thống trong bộ đôi văn - võ (mà tôi đã đề xuất như một lý tưởng cổ truyền ở Trung Quốc) và biểu tượng “võ sĩ thuộc hạ” (salaryman warrior) ở Nhật Bản hơn. Không hề ngạc nhiên khi cả đàn ông bảnh bao lẫn nam tính văn - võ đều được kiến tạo và mô phỏng bởi các đấng trượng phu là “người chiến thắng” trong khung khổ nam quyền. Với những phát triển thú vị và mới mẻ hơn của nam tính Trung Quốc, chúng ta cần tiếp cận những tác phẩm do phụ nữ hư cấu và được giới trẻ tiêu thụ, nhóm người trong truyền thống không hề có quyền lực.
Ở Đông Á, trong những năm gần đây, “mĩ nam” đã phủ sóng nhiều lãnh thổ với vô số ý nghĩa và biểu hiện ở văn hóa đại chúng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trái với khuynh hướng đánh đồng sự hiện đại với “phương Tây” - và cụ thể là Mỹ - của các nam nhân bảnh bao, nhất là những người ở Trung Quốc, các nhóm trẻ hơn lại có xu hướng đồng cảm mạnh mẽ hơn nhiều với những biểu tượng văn hóa đại chúng xuất phát từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, với việc vận dụng một số ví dụ nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng điện tử như phim hoạt hình, các series và những cuộc thi trên truyền hình theo phong cách American Idol [Thần tượng Mỹ], dưới đây, tôi sẽ cho thấy sự xuất hiện của mẫu hình nam tính “mềm” trong văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trùng khớp với quyền lực ngày một lớn của phụ nữ và giới trẻ - những nhóm người sử dụng Internet hiệu quả nhất - trong việc mua sắm. Tôi sẽ chọn nhiều nhóm và nhiều người cực kì nổi tiếng và có ảnh hưởng tại Đông Á để minh họa cho các loại “mĩ nam” đang lan tỏa những hình mẫu lý tưởng về giới tính và tính dục đến khắp các bạn trẻ ở Đông Á. Những thanh niên đó không hẳn là các nam nhân bảnh bao. Mặc dù mẫu hình được khắc họa trong “Hồi quốc tuần hỏa ký” có thể hấp dẫn những đấng mày râu theo chủ nghĩa tiêu thụ, tự coi mình là trung tâm và khao khát thành công trên thương trường, nhưng các mẫu hình được thảo luận dưới đây lại là những mĩ nam thu hút các cô gái trẻ.
Con trai nữ tính và con gái nam tính
Quan niệm về đàn ông mĩ miều, hay chàng trai thanh tú, tồn tại ở cả Trung Quốc và Nhật Bản truyền thống, với sự hiện diện của những nam nhân trẻ tuổi, ẻo lả hát và diễn các vai phụ nữ trong kinh kịch và kịch kabuki. Những chàng trai trẻ đó thường là đối tượng cho ham muốn đồng tính luyến ái của “những kẻ sành sỏi” thuộc các tầng lớp lắm tiền nhiều của [36]. Tuy nhiên, từ những năm 1970, hình tượng “chàng trai thanh tú” (bishonen) trở nên phổ biến trong truyện tranh Nhật Bản. Thêm vào đó, một tiểu loại truyện tranh quan trọng được biết đến như Boys’ Love [Tình yêu giữa các chàng trai] (viết tắt là BL) đã phát triển ở Nhật Bản từ đầu những năm 1970; trong một thập kỉ, nó lan rộng khắp Hong Kong và Đài Loan và thường lưu hành tại đây với tên gọi đam mĩ [6; 18, tr.7-13]. BL là loại văn học và truyện tranh thường do phụ nữ trẻ sáng tác cho những phụ nữ trẻ khác. Phần lớn tác phẩm BL bắt nguồn từ các truyện của Mori Mari trong những năm 1960, khi ấy, bà không sáng tác riêng cho phụ nữ hay độc giả đại chúng. Nhưng trái lại, những tác phẩm về tình yêu giữa các chàng trai nhanh chóng nổi tiếng và BL với tư cách một thể loại phát triển và lan rộng [24]. Đến những năm 1990, BL được hưởng ứng tại Trung Quốc, trước tiên là ở Đài Loan và Hong Kong, rồi đến lục địa [18]. Mặc dù có thể được xem là để tiêu khiển cho một thị trường nhỏ, nhưng BL/đam mĩ được hưởng ứng một cách nhiệt liệt, và sự hưởng ứng này đáng được đề cập đến.
Thể loại BL được phụ nữ sáng tác và tiêu thụ. Nó thường nói về sức hút lãng mạn hay đồng tính luyến ái giữa hai người đàn ông. Cũng như sự hư cấu bằng ngôn từ, nó phổ biến trong truyện tranh, phim hoạt hình cùng các trò chơi trực tuyến, và càng ngày càng lưu hành rộng rãi thông qua những phương tiện điện tử như YouTube. BL bao gồm rất nhiều loại, từ những tác phẩm khiêu dâm thuần túy đến các tiểu thuyết trong sáng mà ở đó, các nam chính không làm gì hơn ngoài xấu hổ và nắm tay. Tuy nhiên, chủ đề chính là bức tranh tình ái - hoặc lãng mạn, hoặc đầy nhục cảm - của hai người đàn ông, thường là những chàng trai trẻ. Bằng cách lãng mạn hóa những mối quan hệ đồng giới hay đồng tính luyến ái giữa đàn ông, các tác giả nữ tạo ra một thế giới kì ảo, ở đó, nam giới bị nữ hóa và liên hệ với nhau bằng tình yêu hơn là ganh đua.
Mặc dù những câu chuyện kì ảo này khá phổ biến, nhưng trong thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX và những năm đầu của thiên niên kỉ mới, đã có các nghiên cứu xã hội học về sự xuất hiện của những thanh niên dường như thiếu tính cạnh tranh và kỉ luật - thứ khiến viên chức trở thành hình ảnh thu nhỏ của nam tính Nhật Bản trong suốt những năm 1970 và 1980. Trên thực tế, gần như đồng thời với lúc “chàng trai tựa con gái” đang ngày càng phổ biến trong truyện tranh, phim hoạt hình và các chương trình truyền hình, những miêu tả sống động về các thanh niên khác biệt căn bản với những thuộc tính nam nhân truyền thống đã xuất hiện trên sách báo đại chúng. Có thể thấy một ví dụ gần đây cho hình mẫu nam thanh niên như thế trong Otomen オトメン(乙男), một series truyền hình cực kì nổi tiếng tại Nhật Bản, phát sóng từ năm 2006. Nó được phóng tác từ một bộ truyện tranh lãng mạn - hài hước của Nhật Bản, tác giả là nữ nghệ sĩ trẻ Aya Kanno. Chương trình này cũng có sẵn trên Internet với phụ đề bằng tiếng Hàn, tiếng Trung cũng như tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Tên gọi Otomen khái quát hết ý nghĩa của series này: otomen là một cách chơi chữ, bao gồm từ Nhật otome (乙女) - nghĩa là “thiếu nữ” - và từ Anh “men” [đàn ông], vậy nên, nó có nghĩa là “những chàng trai giống như con gái”. Tương ứng với đó, chương trình này được dịch sang tiếng Trung là粉红系男孩[phấn hồng hệ nam hài - chàng trai màu hồng]. Lời dẫn nhập giới thiệu phần đầu tiên của series này định nghĩa otomen là “một kiểu con trai Nhật Bản, mặc dù thạo cả bút và gươm, nhưng giấu kín những sở thích như nấu ăn, khâu vá và cả những suy nghĩ như con gái lẫn các kĩ năng đặc biệt vào sâu trong tim mình!”[3].
Asuka Masamune[4], nam chính của series trên, là hình ảnh thu nhỏ của otomen. Cao ráo và lạnh lùng, cậu là đội trưởng của đội kendo trong trường. Tuy nhiên, ngay từ đầu series, khán giả đã biết cậu thích những thứ của con gái như truyện tranh cho thiếu nữ (shojo manga), đồ vật lấp lánh dễ thương, việc may vá và nấu ăn. Nhưng Asuka buộc phải che giấu phương diện này của mình, sau khi cha cậu tuyên bố rằng ông luôn muốn là phụ nữ rồi bỏ nhà ra đi, mẹ cậu bắt cậu phải hứa rằng cậu sẽ luôn là một người đàn ông đích thực; mẹ ngất mỗi khi cậu có xu hướng hành xử nữ tính. Mặc dù vậy, là quán quân môn judo và kendo, cậu có vẻ mạnh mẽ, và cậu bảo vệ Ryo Miyakozuka, một nữ sinh mới đến, cũng là nữ chính của series này, ngay từ phần đầu tiên.
Trong phần đầu tiên, cha Asuka tuyên bố rằng người ta phải là chính mình, và điều này xác lập chủ đề chính của series. Theo đó, chúng ta được gợi nhắc đến chàng trai nổi tiếng nhất trong số nam tử nữ tính của văn học Trung Quốc truyền thống, Giả Bảo Ngọc, nam chính của tiểu thuyết đời Thanh Hồng lâu mộng [8]. Cuốn tiểu thuyết nói về đòi hỏi được là chính mình của Bảo Ngọc khi nhận thấy gia đình và xã hội kì vọng rằng chàng sẽ là một nam nhân hữu trách trong xã hội. Với trường hợp Bảo Ngọc, là một chân nam tử nghĩa là phải đỗ đạt (đạt những thành tựu về văn) và thành gia lập thất. Ngược lại, một otomen, như bài hát chủ đề đã chỉ ra, phải trân quý những gì anh ấy thực sự mong muốn, song đồng thời cũng phải hướng đến các thành tựu về văn - võ. Nếu chúng ta nhìn nhận rằng một mặt, văn – võ là một lý tưởng cần được truy cầu về nam nhân, và mặt khác, được là phụ nữ như bản ngã đích thực của otomen, thì series trên xoay quanh cách giải quyết những yêu cầu đó ở một chàng trai trẻ. Vì đây là một tác phẩm hài hước với một kết thúc có hậu, nên Asuka đã tìm ra giải pháp nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, và Otomen trở nên nổi tiếng đến mức thành công của nó đã sản sinh ra vô số sách báo và công trình học thuật [9]. Việc Asuka phải chủ động phân giải bản thể nữ giới của mình trước trách nhiệm xã hội để đạt được các kĩ năng văn - võ lần lượt qua từng phần kì thực lại cho thấy thứ “nam tính bị nữ tính hóa” đã được nhận thức này chỉ đúng ở một phương diện. Có thể những chàng trai ấy xuất hiện trước tiên để là những người chơi bị động, song trên thực tế, họ cũng có thể được xem như các nhân tố chủ động - những con người phải tìm ra cách định nghĩa lại nam tính [12].
Erin Michele Gosselin [9] vận dụng series này như một nghiên cứu trường hợp để minh họa cho một xu hướng quan trọng đã xuất hiện tại Nhật trong mấy năm gần đây: “đàn ông ăn cỏ” (草食男子thảo thực nam tử). Theo Maki Fukasawa, người đầu tiên giới thiệu và phổ biến khái niệm này vào năm 2007, động vật ăn cỏ ám chỉ một người hòa nhã, trầm lặng và ôn nhu. Nét đặc trưng của anh ấy là không có những đặc điểm “nam tính” truyền thống như sự táo bạo và chiếm ưu thế về mặt tính dục. Thay vào đó, anh ấy cư xử với phụ nữ không phải như các đối tượng tình dục mà là bạn bè. Anh không quan tâm đến việc liệu mình có bạn gái hay không, và thích những việc mà phụ nữ yêu thích, chẳng hạn nấu nướng và ăn bánh ngọt. Một trong những thần tượng nổi tiếng nhất của văn hóa thanh niên Nhật Bản, Tsuyoshi Kusanagi 草彅剛, thường được xem như ví dụ điển hình cho đàn ông ăn cỏ. Với vẻ ngoài yểu điệu, anh được cho là nhã nhặn và tử tế. Những người hâm mộ nhấn mạnh vào tính đa cảm của anh, bởi vậy, ngay cả Hán tự 草[thảo - cỏ] trong họ của Tsuyoshi Kusanagi cũng khiến hình tượng của anh giống như một người đàn ông ăn cỏ. Tuy nhiên, dù họ đúng là “đàn ông ăn cỏ”, nhưng các nam nhân trẻ tuổi này không hẳn là những hình mẫu chỉ lặng yên ăn cỏ cả ngày mà không đi bất cứ đâu.
Hát và diễn trong rất nhiều chương trình và bộ phim ở Hàn Quốc, Tsuyoshi Kusanagi là thành viên chủ chốt của nhóm nhạc pop cực kì nổi tiếng SMAP. Kĩ năng cùng tiếng Hàn giúp anh ấy trở thành một biểu tượng mang tính xuyên quốc gia thực sự ở Đông Á. Nhóm nhạc nam SMAP bắt đầu hoạt động từ những năm 1990 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp khu vực, vẻ ngoài như trẻ con của họ tạo nên ấn tượng rằng họ là những người vô hại và tử tế, đối lập với các nhóm nhạc rock phương Tây như Rolling Stones ngày trước. Bên cạnh đó, giống như sự nổi tiếng tại Hàn Quốc, họ đến Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2011 và Thượng Hải vào tháng 1 năm 2012, tạo ra một cơn chấn động thực sự ở cả hai dịp. Gần như là một phần của việc thúc đẩy (một cách có ý thức) sự gắn kết mạnh mẽ hơn nữa ở khu vực Đông Á, năm 2011, họ hát những ca khúc như “Keep It Up Japan” [Nhật Bản cố lên!], “Thank You China” [Cảm ơn Trung Quốc], “Asia Is One Family” [Châu Á là một gia đình], ca ngợi việc Trung Quốc hỗ trợ Nhật Bản trong trận động đất năm 2011 [33], cũng như hát các bài tiếng Trung như một phần của lễ chào đón năm mới tại Thượng Hải [11]. Thậm chí các chính trị gia cũng hưởng lợi từ danh tiếng của họ, minh chứng là việc Ôn Gia Bảo gặp họ khi ông đến Tokyo và gửi tin nhắn chúc mừng lúc họ lưu diễn tại Bắc Kinh với ý đồ chính trị là những mối quan hệ trong tương lai giữa hai đất nước [11].
Các nhóm nhạc nam Nhật Bản có những thành viên sở hữu dung mạo và cử chỉ như con gái nổi tiếng tại châu Á trong một thời gian nhất định, và chúng ảnh hưởng đến cách nhận thức nam tính lý tưởng của những phụ nữ trẻ tại châu Á. Tuy nhiên, trong thập kỉ vừa rồi, có lẽ các nghệ sĩ Hàn Quốc thu hút lượng người hâm mộ ở châu Á thậm chí còn lớn hơn, và làn sóng Hàn Quốc hiện nay không cho thấy dấu hiệu nào của sự giảm nhiệt [31]. Các nhóm nhạc nam Hàn Quốc cũng thường có ngoại hình là những anh chàng dễ thương - đối lập sâu sắc với những nhóm nhạc phương Tây như Backstreet Boys và Westlife. Super Junior là một ví dụ. Nhóm nhạc K-pop này mới ra mắt vào năm 2005, nhưng đã lưu diễn rất nhiều lần khắp châu Á. Không chỉ là nhóm nhạc thành công lừng lẫy ở Đông Á, họ cũng vô cùng nổi tiếng tại những quốc gia châu Á khác như Philippines, đến mức “ở Philippines, nhà quản lý tài năng Chris Cahilig nói rằng ông ‘rất lo lắng’ về việc ‘nhiều thanh niên nước ta đánh mất bản sắc và tinh thần Filipino bởi họ tiếp xúc và yêu thích’ các sản phẩm giải trí của Hàn Quốc” [29]. Thêm vào đó, nhóm nhạc này không chỉ hát tiếng Hàn và tiếng Nhật, mà còn biểu diễn bằng tiếng Trung [10]. Thậm chí một thành viên của nhóm là Han Geng [Hàn Canh] (đã rời nhóm vào năm 2011) là người Trung Quốc. Bởi vậy, những nhóm nhạc như thế này đã thâu thái được phần nào đó trong căn tính Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi thảo luận về sự nổi tiếng của riêng nhóm nhạc nam DBSK tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Sun Jung có đề cập đến “nam tính mềm liên Đông Á” và chỉ ra rằng “bởi vì hình tượng nam nhân bị nữ hóa của những anh chàng xinh trai này có những đường nét tương tự nhau, nên gần như không thể nhận ra quốc tịch của họ thông qua vẻ ngoài” [15].
Các nhóm nhạc nam Hàn Quốc thường có ngoại hình là những anh chàng dễ thương. (ảnh: Nhóm nhạc Super Junior. nguồn saopop.com
Quốc tịch không phải là phương diện duy nhất gây bối rối ở hình mẫu đàn ông kiểu mới ở Đông Á này. Khuôn mặt dễ thương của họ gây xáo trộn những quan niệm Âu - Mỹ về nam và nữ. Khi bàn về Bae Yong Joon - ngôi sao điện ảnh vô cùng nổi tiếng của Hàn Quốc, người được phụ nữ Nhật Bản biết đến ngang với phụ nữ Hàn Quốc, cũng được biết đến với cách cư xử hòa nhã và dung mạo như phụ nữ, Sun Jung [14] miêu tả anh sở hữu “nam tính lai”. Thật vậy, khi trình bày về một hiện tượng mang tính phổ biến là đàn ông ăn cỏ và thanh niên lịch lãm này, vài nhà bình luận phương Tây đã miêu tả họ là “những anh chàng bảnh bao không có testosterone” [dẫn theo 9, tr.5]. Dẫu thế, những chàng trẻ tuổi thanh tú đó dường như được phụ nữ toàn châu Á yêu thích, và mặc dù bản chất của niềm yêu thích ấy có thể đơn giản là việc các thiếu nữ thích những món đồ xinh xắn, nhưng có thể có những cách nhìn nhận khác đối với hiện tượng xã hội rộng lớn này, và có lẽ chúng ta cần định hướng lại quan niệm của mình về nam tính.
Như đã đề cập trên đây, văn học và truyện tranh về BL ban đầu và bây giờ vẫn chủ yếu là sáng tác của phụ nữ cho phụ nữ. Điều đó có nghĩa, phụ nữ định nghĩa cái gì làm nên một “người đàn ông hấp dẫn”. Cũng có những phân nhánh khác, quan trọng hơn, ở quyền lực đang ngày càng tăng lên của phụ nữ Trung Quốc trong việc mua sắm. Chẳng hạn, mặc dù phần thảo luận trên đây chỉ ra rằng những thuộc tính tạo nên hình mẫu nam nhân lý tưởng có thể biến đổi thế nào đó, nhưng những phụ nữ này xem cái gì là đặc điểm đáng mơ ước ở những phụ nữ khác? Để giải đáp câu hỏi này, sẽ hữu ích khi quan sát hiện tượng Cô gái siêu đẳng (Super Girl) của Trung Quốc. Super Girl Contest 超級女声là tên tiếng Anh của một chương trình truyền hình tại Hồ Nam tương tự như cuộc thi American Idol, ở đó, các cô gái trẻ biểu diễn và khán giả bình chọn cho họ bằng cách gửi tin nhắn văn bản trên điện thoại di động. Cuộc thi này khởi động vào năm 2004 và lập tức được biết đến rộng rãi. Đến năm 2006, nó thu hút sự đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lưu Trọng Đức, và mặc dù đã thay đổi tên gọi và hình thức, nhưng nó ngừng lên sóng vào năm 2011.
Như vậy, dẫu các nhà phê bình cho rằng chế độ cộng sản thao túng chương trình truyền hình thực tế này vì những mục đích của riêng nó và tạo ra sự tồn tại của “nền giải trí dân chủ” [13], song rốt cuộc, nó vẫn chấm dứt. Có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao một chương trình nổi tiếng như thế lại không thể tiếp tục theo hình thức ban đầu, trong đó có những áp lực chống phá từ các đài đối thủ có thế lực tài chính và chính trị lớn hơn[5]. Với bất cứ sự kiện nào, lý do bề nổi luôn là chương trình vượt quá thời lượng quy định. Đây rõ ràng là một lời bào chữa, và, với những mục tiêu của tiểu luận này, các nguyên nhân liên quan đến hệ tư tưởng là thú vị nhất và xác đáng nhất. Về vấn đề ấy, chúng ta cần tìm kiếm manh mối liên quan đến kết thúc của nó trong lời đánh giá trước đó của Lưu Trọng Đức. Ông Lưu cho rằng series này không nâng cao chí khí và đạo đức cho giới trẻ, và ngành giải trí nên “có trách nhiệm với xã hội” [2]. Thái độ đạo đức và mô phạm ấy của một chính trị gia dành cho truyền thông đại chúng được phản ánh trong một loạt chỉ thị từ Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Nhà nước một năm sau đó. Bên cạnh các tiêu chí khác, “hành vi, ngôn ngữ, kiểu tóc và trang phục của thí sinh phải phù hợp với quan điểm thẩm mĩ của đại chúng” và họ cũng nên có phẩm chất đạo đức - luân lý tốt [28]. Nhận định ở đây là sản phẩm giải trí, dù nó có hấp dẫn quần chúng hay không, phải đề cao đạo đức. Trong trường hợp này, việc hàng triệu người xem được chuẩn bị tư tưởng để dành thời gian và tiền bạc vào việc bình chọn gợi ý rằng đây là một hành vi mang tính dân chủ và đại chúng, và những nhà lãnh đạo chính trị bảo thủ có lẽ không thích sự cuồng nhiệt của giới trẻ đối với hoạt động ấy. Tuy nhiên, liên quan đến giới tính và tính dục, có một lý do trực tiếp hơn giải thích vì sao các nhà bảo vệ đạo đức có thể chống lại chương trình này. Kết quả cuộc thi năm 2005 cung cấp ví dụ minh họa rất hữu ích cho vấn đề trên.
Mùa 2005, vòng chung kết của chương trình có khoảng 400.000 khán giả, một trong những lượng người xem lớn nhất từng có đối với một sự kiện đơn lẻ. Năm đó, có 120.000 người ứng tuyển cho danh hiệu Cô gái siêu đẳng, và người chiến thắng là Lý Vũ Xuân nhận được 3.528.308 phiếu bình chọn. Cô lưu diễn khắp Trung Quốc, trong đó có Đài Loan, và được chọn là gương mặt trang bìa của Time Asia trong số đặc biệt về những người hùng năm 2005 của châu Á. Như rất nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, vị thế ngôi sao và sự nổi tiếng nhanh chóng của cô khiến cả nước kinh ngạc, vì cô ấy không được xem là xinh đẹp, gợi cảm hay ăn nói dễ nghe. Lúc bấy giờ, dường như khán giả Trung Quốc, khi được trao quyền bình chọn cho “cô gái siêu đẳng”, đã lựa chọn một người công khai xuất hiện với trang phục unisex và không cư xử điệu đàng (Chu Bút Sướng, á quân của cuộc thi này, cũng ăn vận theo kiểu lưỡng tính và không hoàn toàn “giống con gái” như nhiều ca sĩ nổi tiếng).
Như một nhà báo giải thích, “trong vòng thử giọng, Lý mặc quần bò cùng sơ mi cài cúc cổ, không trang điểm, và hát bài ‘In My Heart There’s Only You, Never Her’ [Trong tim anh chỉ có em, không bao giờ có cô ấy], giai điệu từng được Lưu Văn Chính, một người đàn ông Đài Loan, hát trước. Suốt hành trình cuộc thi, Lý tiếp tục hát những ca khúc được viết cho ca sĩ nam biểu diễn, vận y phục nam nhân, và tỏa ra sức hút của một nam tử trên sân khấu, rõ ràng đã đánh vào tình cảm của những khán giả là thiếu nữ mới lớn của chương trình” và chiến thắng của Lý Vũ Xuân được nhà bình luận này thực sự tán thưởng như một thắng lợi của việc chấp nhận ước vọng đồng giới tại Trung Quốc [19]. Điều này có lẽ là lạc quan thái quá, vì có thể hàng triệu người bình chọn và hàng chục triệu người theo dõi các màn biểu diễn của Lý Vũ Xuân muốn được giống như cô ấy hơn là khát khao cô ấy, nhưng sự nổi tiếng của mẫu hình Lý Vũ Xuân chắc chắn đã biến đổi những nhận thức truyền thống và chính thống về thứ mà phụ nữ mong muốn. Và dường như điều đó đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở các nhân tố thủ cựu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc - những người tự coi mình như các giám hộ đạo đức cho giới trẻ, đến mức chương trình này rốt cuộc bị chấm dứt. Một vài người trong giới hàn lâm cũng phàn nàn về những hình tượng mới mà giới trẻ hấp thụ quá nhanh chóng. Chẳng hạn, Tôn Vân Hiểu, Giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc, cùng hai đồng nghiệp của mình viết cuốn sách có tựa đề Chửng cứu nam hài [Cứu các cậu bé] - một công trình được hoan nghênh nhiệt liệt nhưng cũng gây nhiều tranh cãi - vào năm 2010. Trong cuốn sách này, ông Tôn cho rằng “ngành công nghiệp văn hóa đại chúng hiện đại, nhất là các chương trình tìm kiếm tài năng trên TV, tạo nên những biểu tượng (chẳng hạn Lý Vũ Xuân) xóa nhòa sự phân chia nam/nữ… [đến nỗi] khi các bé trai Trung Quốc lớn lên, họ bắt chước những ảnh hưởng mơ hồ về mặt giới tính này trong văn hóa đại chúng hiện đại, thay vì cố gắng tiếp tục những vai nam truyền thống hơn” [38].
(còn nữa)
Mai Thu Huyền trích dịch
Nguồn: Kam Louie (2012), “Popular Culture and Masculinity Ideals in East Asia, with Special Reference to China”, The Journal of Asian Studies Vol.71, No.4, tháng 11, tr. 929-943.
*GS - Đại học Hong Kong. Email: kamlouie@hku.hk.
[1] Ví dụ, tạp chí Men’s Studies mới phát hành năm 1992.
[2] Đối thoại xuyên châu Á rõ ràng là một lĩnh vực mà những người khác cảm thấy cần được bổ trợ, bằng chứng là việc phát hành tạp chí Inter-Asia Cultural Studies [Những nghiên cứu văn hóa xuyên châu Á] vào năm 2000.
[3] Xem phần có phụ đề tiếng Anh trực tuyến tại http://www.youtube.com/watch?v=lhjTG5O3xlU(truy cập ngày 18/5/2012). Tìm phiên bản tiếng Trung tại http://v.pptv.com/show/aaGeHITqWpj7eYU.html(truy cập ngày 18/5/2012). Thật thú vị khi phụ đề tiếng Anh dịch văn – võ đơn giản là bút và gươm.
[4] Asuka là tên một cô gái, và Masamune là tên của một trong những thợ rèn kiếm vĩ đại nhất Nhật Bản, thế nên, ngay cả tên gọi cũng mang âm hưởng lưỡng phân nữ/nam.
[5] Về một thảo luận liên quan đến ảnh hưởng qua lại giữa phản ứng của chính phủ đối với “những xu hướng tầm thường” trong các chương trình phát trên truyền hình và các đối thủ về tài chính giữa các đài, xem tường thuật về If You Are the One [Phi thành vật nhiễu 非诚勿扰], chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng nhất và được nói đến nhiều nhất năm 2011-2012 trong [35]
Tài liệu tham khảo
[1] An Puruo (2003 - còn tiếp), “Hồi quốc tuần hỏa ký”, http://www.emperorbook.com/(truy cập ngày 20/3/2011).
[2] Trung Hoa nhật báo (2006), “Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa lên tiếng về định hướng văn hóa”, ngày 8/8, http://www.chinadaily.cn/china/2006-08/08/content_659462.htm(truy cập ngày 15/12/2015).
[3] CNNIC (2010), “China Internet, Telecommunications and Market Report”, http:www.internetworldstats.com/asia/cn.htm (truy cập ngày 5/5/2012).
[4] Connell, R. W. (1998), “Masculinities and Globalization”, Men and Masculinitues 1 (1), tr. 3-23.
[5] Connell, R. W. và Julian Wood (2005), “Globalization and Business Masculinities”, Men and Masculinities 7 (4), tr. 347-364.
[6] Dasgupta, Romit (2006), “The Film Bishonen and Queer(N)Asia through Japanese Popular Culture”, trong Matthew, Allen và Rumi, Sakamoto (biên soạn), Popular Culture, Globalization and Japan, Abington, England: Routledge, tr. 36-55.
[7] Dasgupta, Romit (2010), “Globalisation and the Bodily Performance of ‘Cool’ and ‘Un-cool’ Masculinities in Corporate Japan”, Intersections 23, http://intersections.anu.edu.au/issue23/dasgupta.htm#t16(truy cập ngày 20/5/2012).
[8] Edwards, Louise (1990), “Gender Imperatives in Hongloumeng: Baoyu’s Bisexuality”, Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews 12, tr. 69-81.
[9] Gosselin, Erin Michelle (2010), “The New Diet Sensation: ‘Herbivorous’ Men in Japan”, Khóa luận chưa xuất bản, Middlebury College.
[10] Hanxingwang (2012), “Super Junior Completed Its Extremely Popular Concert in Shanghai”, http://ent.sina.com.cn/y/2012-04-16/15023606824.shtml(truy cập ngày 10/5/2012).
[11] Huanqiuwang (2011), “Wen Jiabao Sends a Congratulatory Message to the Japanese Band SMAP on Their Beijing Performance”, http://v.huanqiu.com/news/201109/2011091621537.shtml(truy cập ngày 15/5/2012).
[12] Iida, Yumiko (2005), “Beyond the ‘Feminization of Masculinity’: Transforming Patriarchy with the ‘Feminine’ in Contemporary Japanese Youth Culture”, Inter-Asia Cultural Studies 6 (1), tr. 56-74.
[13] Jian Miaoju và Liu Chang-de (2009), “Democratic Entertaiment’ Commodity and Unpaid Labor of Reality TV: A Preliminary Analysis of China’s Supergirl”, Inter-Asia Cultural Studies 10 (4), tr. 524-543.
[14] Jung, Sun (2006), “Bae Yong-Joon, Hybrid Masculinity & the Counter-coeval Desire of Japanese Female Fans”, Particip@tions 3 (2), http://www.participations.org/volume%203/issue%202%20special/3_02_jung.htm(truy cập ngày 26/4/2012).
[15] Jung, Sun (2009), “The Shared Imagination of Bishonen, Pan-East Asia Soft Masculinity”, Intersections: Gender and Sexuality in Asia and the Pacific 20, http://intersections.anu.edu.au/issue20/jung.htm#n33(truy cập ngày 13/5/2012).
[16] Kan, Michael (2012), “China’s Internet Users Cross 500 Million”, PCWorld India, ngày 17/1, http://www.pcworld.in/news/chinas-internet-users-cross-500-million-61392012(truy cập ngày 20/3/2012).
[17] Liu Ting (2009), “Conflicting Discourses on Boys’ Love and Subcultural Tactics in Mainland China and Hongkong”, Intersections 20, http://intersections.anu.edu.au/issue20/liu.htm(truy cập ngày 20/5/2012).
[18] Liu Ting (2011), “Boys’ Love in Girl Hands: The Survival of a Gendered Youth Culture in Mainland and Hongkong”, Luận án Tiến sĩ chưa xuất bản, Đại học Quốc gia Australia.
[19] Lo, Malinda (2006), “China’s Super Girl”, After Ellen, ngày 21/2, http://www.afterellen.com/archive/elle/People/20/2/supergirl.html(truy cập ngày 1/5/2012).
[20] Loos, Tamara (2009), “AHR Forum: Transnational Histories of Sexualities in Asia”, American Historial Review 114 (5), tr. 1309-1324.
[21] Louie, Kam (2002), Theorising Chinese Masculinity, Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành.
[22] Louie, Kam (2003), “Chinese, Japanese and Global Masculine Identities”, trong Kam Louie và Morris Low (biên soạn), Asian Masculinities, London: RoutledgeCurrzon.
[23] Louie, Kam (2011), “Globe-trotting Chinese Masculinitiy: Wealthy, Worldly and Worthy”, Tham luận chưa công bố, Hội thảo của Hiệp hội nghiên cứu Trung Quốc tại Australia, Melbourne.
[24] McLelland, Mark (sắp xuất bản), “Introduction”, trong Mark Lelland, Kazumi Nagaike, Katsuhiko Suganuma và James Welker (biên soạn), Boys Love in Japan, Đại học Mississippi ấn hành.
[25] Miller, Laura (2006), Beauty Up: Exploring Contemporary Japanese Body Aesthetics, Berkeley: Đại học California ấn hành.
[26] Nhân dân nhật báo online (2009), “China Sends 180,000 Students Overseas in 2008”, http://English.people.com.cn/90001/90782/6622497.html(truy cập ngày 15/5/2011)
[27] Pace, Natalie (2006), “China Surpasses U.S. in Internet Use”, Forbes.com, ngày 3/4, http://www.forbes.com/2006/03/31/china-internet-usage-cx_nwp_0403china.html(truy cập ngày 15/5/2012).
[28] SARFT (2007), “The SARFT Further Strengthens the Regulation of Broadcast Contests and Programs with Mass Participation”, http://www.sarft.gov.cn/articles/2007/09/21/20070921114606210182.htm(truy cập ngày 16/12/2012).
[29] SCMP Young Post Sunday (2012), “K-pop Clones for Success”, ngày 4/3, tr. 2.
[30] Shamoon, Deborah (2012), Passionate Friendship: The Aesthetics of Girls’ Culture in Japan, Honolulu: Đại học Hawai’i xuất bản.
[31] Shin, Hyunjoon (2009), “Have You Ever Seen the Rain? And Who’ll Stop the Rain? The Globalizing Project of Korean Pop (K-pop)”, Inter-Asia Cultural Studies 10 (4), tr. 507-523.
[32] Simpson, Mark (1994), “Here Come the Mirror Men”, http://www.marksimpson.com/pages/journalism/mirror_men.html(truy cập ngày 18/5/2012).
[33] “SMAP Holds Its First Overseas Concert in Beijing”, 2011, http://www.xiachuncnjp.com/thread-1685419-1-1.html(truy cập ngày 10/5/2012).
[34] Song Geng và Tracy K. Lee (2010), “Consumption, Class Formation and Sexuality: Reading Men’s Lifestyle Magazines in China”, The China Journal 64, tr. 159-177.
[35] Wong, Edward (2011), “China TV Grows Racy, and Gets a Chaperon”, New York Times, ngày 31/12, http://www.nytimes.com/2012/01/01/world/asia/censors-pull-reins-as-china-tv-chasing-profit-gets-racy.html?pagewanted=all(truy cập ngày 20/5/2012).
[36] Wu Cuncum (2004), Homoerotic Sensibilities in Late Imperial China, London: RoutledgeCurzon.
[37] Yang Guobin (2009), The Power of the Internet in China: Citizen Activism Online, New York: Đại học Columbia ấn hành.
[38] Zhao Xing (2010), “Save the Boys: How China Is Emasculating Its Young Men”, CNNGO, ngày 21/1, http://www.cnngo.com/shanghai/none/save-boys-637264(truy cập ngày 12/7/2012).
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Tổng kết, trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ” và Trại sáng tác mỹ thuật về con người văn hóa Nghệ An
Một nước Nhật quá xa xôi!
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Thống kê truy cập
114512750
2287
2400
2687
219623
121356
114512750