Những góc nhìn Văn hoá
Hãy bắt đầu từ con số 1!

Nguồn ảnh hdndthuathienhue.gov.vn
Toán học đôi khi rất đơn giản. Đơn giản, vậy mà nhiều khi người ta lại làm nó phức tạp lên. 2 cộng/nhân 2 bằng 4, nhưng người ta lại không giải như vậy.
Ứng dụng vào việc giải bài toán xã hội, nhiều người cũng làm cho nó phức tạp lên, không muốn đi bằng con đường giản đơn để tìm đáp số. Giải không đúng, giải vòng vèo, loanh quanh, trêu ngươi mọi người, cứ như đùa.
Cái việc kê khai tài sản cho các quan chức từ phó trưởng phòng trở lên đấy. Những năm đầu kê khai, nộp cho tổ chức, đưa vào ngăn kéo khóa lại. Coi như xong.
Về sau, thấy làm vậy không ổn. Mới cải tiến. Cũng mấy năm nay thôi. Lần này, kê khai xong, đưa ra đọc cho đơn vị xem ai có ý kiến gì không. Ai mà có ý kiến gì! Của nả, tiền nong của mỗi người, của từng thành viên trong gia đình người ta, ai mà biết được! Cũng coi như xong, rồi đưa vào hồ sơ.
Ở Việt Nam mình, tự do ở đâu, ở lĩnh vực nào không biết, còn trên lĩnh vực tài chính là tự do nhất thế giới. Riêng đối với công chức, viên chức, rõ hơn bất kỳ thành phần dân cư nào, là biết được lương của họ. Nhưng thu nhập của họ không chỉ là lương. Mà ngoài lương thì không thể kiểm soát được, vì hệ thống quản lý tài chính của Việt Nam, không như các nước trên thế giới.
Cách kê khai, quản lý kê khai, kiểm tra kê khai tài sản ở Việt Nam thế nào?
Báo chí đưa tin rằng, đại diện Thanh tra Chính phủ nêu trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp sáng ngày 15-9-2014: hơn 944.000 trường hợp đã kê khai tài sản thu nhập trong năm 2013, chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Tình hình này đến nay cũng không có gì cải thiện hơn.
Báo cáo vậy, dân cũng chỉ biết vậy!
Năm 2015, tác giả Như Thố đăng báo Năng lượng mới số 443 và báo điện tử cùng ngành PetroTimes đăng lại (28-7-2015): Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo cho biết, tính đến ngày 31-5-2015, trong số 995.383 người thuộc diện phải kê khai tài sản, chỉ phát hiện được 4 người kê khai không trung thực (Đúng ra là người ta xác minh 1.225 bản kê khai tài sản trong số đó thì phát hiện và kết luận 4 người kê khai không trung thực). Bài báo khẳng định rằng, chắc chắn đây là con số ảo, con số "đẹp" ngoài sức tưởng tượng, tỷ lệ 4/1000000 quả thật là con số tinh khiết, quả thật hiếm!?
Kê khai tài sản để mà làm gì?
Có lẽ không ai là không trả lời được câu hỏi này. Nhưng, cách làm cứ như trò đùa. Tốn thì giờ. Tốn tiền của. Dối nhau. Sao không làm thật đi!?
Để làm thật, HÃY BẮT ĐẦU TỪ CON SỐ 1!
Con số 1 ở đây tôi muốn nói là từ người đứng đầu mỗi tổ chức. Hoặc của những người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức. Cứ công khai lên internet đi. Minh bạch đi.
Bản thân thu nhập (cả lương + và các khoản khác) bao nhiêu? Cái nhà đang ở nguồn gốc thế nào, giá của nó là bao nhiêu? Xe cộ ra sao? Của chìm của nổi thế nào? Các thành viên khác trong gia đình có của cải thế nào? v.v… Cứ bày ra cho mọi người biết, sao lại chỉ khai cho đơn vị cơ quan nghe xong rồi bỏ đấy.
Trên thế giới, nhiều chính khách làm được, kể cả nhiều chính khách các nước tư bản. Ở ta, tại sao không? Có những điều, nếu muốn làm, rất dễ. Vấn đề là, có muốn làm thật không?
tin tức liên quan
Videos
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Thống kê truy cập
114559006

223

2301

2324

226549

122920

114559006