Góc nhìn văn hóa
Khăn đội đầu, một nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa đang thành dĩ vãng
Trong số những bệnh nhân tôi cấp phát thuốc hàng ngày, có một cụ bà đến khám và nhận thuốc định kỳ hàng tháng khiến tôi có nhiều tình cảm yêu mến. Bà cụ tuổi ngoài tám mươi, da trắng hồng, dáng người mảnh mai, nhìn thì đoán biết được hồi trẻ hẳn bà là người phụ nữ đẹp. Điều đặc biệt ở bà mà tôi để ý đó là cụ có hàm răng đen nhánh, miệng nhai trầu, trên đầu chịt chiếc khăn nhung (vấn khăn) rất đẹp. Nhìn bà tôi lại nhớ đến bà Ngoại, bà Nội của tôi, nhớ đến bà cụ hàng xóm ở quê. Các cụ, các bà đều giống nhau ở cách ăn mặc của phụ nữ vùng Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam thời trước!
Không còn mấy người phụ nữ thời nay còn dùng khăn vấn tóc
Hồi bà Nội tôi còn sống, tôi thường ngồi nhìn bà chải tóc, vấn khăn. Lúc đó đã ngoài bảy mươi tuổi rồi nhưng tóc bà hãy còn dài và đen lắm, tóc được bà rẽ ngôi ở giữa, sau đó bà khéo léo chải tóc sang một bên, dùng sợi dây vải nhỏ nhỏ cột lại búi tóc lên trên phía mang tai. Sau khi cột tóc xong, bà nhẹ nhàng vuốt tóc lại cho thẳng và gọn gàng. Bà để bó tóc của mình trên chiếc khăn nhung màu đen để cuộn lại, chiếc khăn dài hơn tóc của bà phải gần đến hơn một gang tay, khăn rộng chừng mười lăm centimet. Sau khi cuộn tóc vào khăn xong, bà đưa bó tóc lên và vấn tròn đội trên đầu. Theo tôi nhớ thì vành khăn đội trên đầu cũng phải dài hơn một vòng. Bà vừa vấn khăn vừa chỉ cho tôi: "Muốn vấn khăn đẹp thì phải để vòng khăn hơi nghiêng sang một bên, nếu để vòng khăn ngay ngắn trên đầu quá thì sẽ kém đi sự mềm mại, duyên dáng ". Tôi nhìn bà vấn khăn mà nghĩ thầm, chắc đưa cho tôi vấn tôi sẽ làm thành cái tổ quạ trên đầu!
Những người phụ nữ ăn mặc theo kiểu cách cũ ngày càng hiếm gặp. May ra khi về những miền quê mới có dịp gặp được. Đến một ngày nào đó, hình ảnh những cụ bà chịt khăn với hàm răng đen, miệng đỏ thắm vì ăn trầu sẽ thuộc về lịch sử. Họ là những con người mang trên mình dấu ấn của thời gian, của một nét văn hóa từ xa xưa của dân tộc Việt Nam mà sau này sẽ không còn lặp lại.
Người phụ nữ xưa với kiều vấn khăn truyền thống
Không hiểu sao khi nghĩ đến ngày chia tay với những tập tục, với một phần của linh hồn dân tộc ấy trong lòng tôi thoáng chút chơi vơi. Muốn níu giữ lại nét đẹp những ngày xưa cũ ấy, níu giữ lại những nét đẹp của những người phụ nữ chân quê suốt mấy nghìn năm lịch sử đã đi vào thi ca. Những chiếc khăn vấn tóc đã được cất lên trong những câu ca dao xưa, đã trở thành một vật biết nhớ thương: "Khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai khăn vắt trên vai "? Chiếc khăn trở thành vật làm tin của trai gái yêu nhau:
"Mất một anh sẽ đền ba
Khăn này có mất thì ta đền vàng
- Đền vàng em chẳng lấy vàng
Khăn này có mất thì chàng lấy em".
Ngay cả việc ăn trầu cũng được người xưa đúc rút thành kinh nghiệm nhìn người. Tôi còn nhớ đến câu ca mà ngày xưa bà Nội tôi thường hay ngâm: "Có duyên ăn trầu đỏ tía, có nghĩa ăn trầu đỏ bầm, độc ngầm ăn trầu không đỏ".
Những người phụ nữ với "hàm răng đen nhưng nhức hạt na", những nụ cười rạng rỡ nhưng dịu êm như "mùa Thu tỏa nắng"* trong thơ của Hoàng Cầm, những vành khăn lụa, khăn nhung mai này sẽ không bao giờ gặp nữa. Không bảo thủ như chàng thi sĩ Nguyễn Bính năm xưa: "Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa" nhưng khi nhìn những nét đẹp của những người phụ nữ Việt Nam tần tảo, đôn hậu, chất phác ở chốn làng quê xưa ngày càng trở thành quá khứ trong lòng tôi bỗng thấy nôn nao.
Thương ơi! " Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ"? (Vũ Đình Liên)...
(*): Những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng
Nguồn ảnh sưu tầm
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511958
2284
2337
22332
218831
121356
114511958