Những góc nhìn Văn hoá

Chất lượng hàng hóa và văn hóa

Chống hàng giả cần mọi người chung tay. nguồn ảnh từ internet

Hàng giả là các hàng hóa giả về chất lượng và công dụng, giả về nhãn hàng hóa, bao bì, hay giả về sở hữu trí tuệ,…. Còn hàng nhái là loại hàng hóa mô phỏng theo hàng hóa chính hãng nhưng theo một quy trình khác và không được hãng sản xuất cho phép. Hàng giả, hàng nhái đều là hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và những người sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật. Nhưng nó cũng là một hiện thực xã hội thị trường cần được nhìn nhận từ góc nhìn văn hóa.

Quan hệ giữa “người sản xuất” và “người tiêu dùng”

Trong kinh tế học, “người sản xuất” và “người tiêu dùng” là hai khái niệm xuất hiện khi phân chia các khâu đoạn trong hoạt động kinh tế: người sản xuất -người phân phối - người tiêu dùng. Sự phân chia này rất có lợi ích trong việc quản trị doanh nghiệp hay quản lý nền kinh tế bởi nó tạo điều kiện để người ta có thể tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá từng khâu đoạn cũng như từng nhóm người tham gia vào các khâu đoạn đó nhằm cải thiện và nâng cấp quy trình hoạt động kinh doanh hay truy tìm trách nhiệm trong các sai lỗi. Nhưng mặt khác, sự phân chia rạch ròi trong cái gọi là “người sản xuất” và “người tiêu dùng” cũng tạo ra tâm lý ích kỷ, chạy theo lợi ích cá nhân, lợi nhuận kinh tế của nhiều người, đặc biệt là những người sản xuất hàng giả, hàng nhái. Bởi trong cuộc sống thì mỗi người đều vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng.

Xin phân tích mối quan hệ giữa “người sản xuất” và “người tiêu dùng” qua một ví dụ về một người sản xuất nước mắm giả, một người sản xuất bia giả và một người bán hoa quả có sử dụng hóa chất độc hại: Người thứ nhất là “người sản xuất” ra bia giả, nhưng lại là “người tiêu dùng” nước mắm và hoa quả. Người sản xuất bia giả luôn hả hê với nguồn lợi nhuận thu được từ làm hàng giả của mình và họ không bao giờ sử dụng bia do mình làm ra vì biết rõ chất lượng của nó, nhưng họ vẫn sử dụng nước mắm giả và hoa quả có hóa chất. Người sản xuất nước mắm giả cũng vậy, họ bán cho người khác hàng kém chất lượng của mình nhưng vẫn sử dụng bia giả hay hoa quả có hóa chất. Tương tự người bán hoa quả cũng vậy. Cả ba người này đều có chung một suy nghĩ là mình bán hàng giả của mình cho người khác để thu lợi nhuận cao và tránh sử dụng hàng do mình làm ra vì biết rõ là kém chất lượng. Đây có lẽ là một bức tranh thu nhỏ về việc sản xuất và tiêu dùng trong xã hội của chúng ta hiện nay. Một bức tranh khiến nhiều người phải suy nghĩ. Suy nghĩ về xã hội, về bản thân, về tương lai! Liệu có khi nào chúng ta chỉ sản xuất mà không tiêu dùng mặt hàng nào không? Chắc chắn là không bởi nhu cầu trong cuộc sống hiện đại rất nhiều mà mỗi con người khó có thể cung cấp hết cho bản thân và gia đình mình được. Vậy nên, liệu có nên hả hê khi mình thu lợi từ hành vi giả dối của mình dù biết nó sẽ gây hại cho người khác không khi mà rồi mình cũng sẽ phải nhận lại hậu quả như vậy từ những người khác đang nghĩ giống mình?

 Một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tại TP Vinh bị phát hiện và xử lý năm 2019

Văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng

Trước hết là bàn về văn hóa sản xuất. Sản xuất là mọi hình thức tạo ra các sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần hay các dịch vụ xã hội, thông tin thị trường…. Hiện nay, sản xuất được tổ chức theo dây chuyền và sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại để phục vụ thị trường đang chiếm ưu thế, nhưng các hoạt động sản xuất thủ công cũng có vị trí nhất định vì có nhiều mặt hàng, nhất là về giá trị văn hóa. Nói vậy để biết, sản xuất là văn hóa nên có văn hóa sản xuất. Hàng hóa vừa là sản phẩm của văn hóa sản xuất, vừa là thước đo văn hóa sản xuất của các doanh nghiệp, các mặt hàng, các nhóm sản xuất. Văn hóa sản xuất có nhiều giá trị khác nhau, trong đó phải chú trọng đến các giá trị quan trọng như giá trị chất lượng, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng, giá trị bền vững, giá trị hài hòa, giá trị nhân văn…. Hướng đến những giá trị này để nền văn hóa sản xuất phát triển bền vững, vừa đảm bảo các giá trị về kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo về môi trường, phù hợp về văn hóa xã hội, hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan và mang lại giá trị nhân văn tốt đẹp. Chúng ta ít quan tâm đến giá trị văn hóa sản xuất nên việc hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường là một hệ quả tất yếu.

Có văn hóa sản xuất thì có văn hóa tiêu dùng. Nhưng văn hóa tiêu dùng còn được bàn đến nhiều hơn là văn hóa sản xuất và nó trở thành một khái niệm phổ biến. Văn hóa tiêu dùng được hiểu là “một loại hình văn hóa mà ở đó vị thế xã hội, các giá trị, và các hoạt động được tập trung vào việc tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Nói cách khác, trong văn hóa tiêu dùng, một phần lớn những gì người ta làm, những gì người ta xác định giá trị và cách thức xác định giá trị cho bản thân và cho những người khác đều liên quan đến việc tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ”. Có bốn khía cạnh phổ biến và quan trọng nhất: Lưu hành phổ biến và nhanh chóng của các sản phẩm thương mại; Tính độc lập tương đối của các hoạt động tiêu thụ so với những hoạt động liên quan đến sản xuất cũng đem lại cho người tiêu dùng sức mạnh cũng như uy tín ngày càng tăng dựa vào các động thái thị trường; Những biến đổi trong các mối quan hệ giữa các hệ thống sản xuất và thẩm định giá trị khác nhau trong xã hội đến mức là tất cả các biến đổi này ngày càng liên kết với nhau và được dàn xếp bởi các giá trị thị trường, tức là, chi phí bao nhiêu và người ta sẽ trả bao nhiêu; Người ta gán cho hành động tiêu dùng hàng hóa một tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác định vị thế, uy tín, mức độ thịnh vượng và chất lượng cuộc sống cá nhân. Chúng ta cũng có thể hiểu rộng hơn so với cách nhìn của kinh tế học, văn hóa tiêu dùng là các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến việc tiêu dùng, sử dụng, thụ hưởng một sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó của con người. Theo đó, văn hóa tiêu dùng cũng phải đảm bảo một số giá trị quan trọng: tiêu dùng chất lượng, tiêu dùng hợp lý, tiêu dùng lành mạnh.

Văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa tương tác với nhau, vừa kiểm tra, giám sát lẫn nhau qua việc cái này là thước đo của cái kia. Sản xuất cần phải xem xét đến tiêu dùng vì nếu không thể tiêu dùng, không thỏa mãn người tiêu dùng, thì sản xuất sẽ không phát triển được. Muốn phát triển được văn hóa sản xuất thì cần phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, đáp ứng và đảm bảo được các giá trị cho văn hóa tiêu dùng. Còn văn hóa tiêu dùng hình thành từ nền văn hóa sản xuất. Không có sản xuất thì lấy gì mà tiêu dùng. Nhưng không phải sản xuất ra cái gì cũng có thể tiêu dùng. Nếu trước đây, khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng rất xa nhau thì càng ngày, khoảng cách này càng thu hẹp lại, sự tương tác giữa sản xuất và tiêu dùng càng mạnh mẽ hơn. Khi văn hóa sản xuất phát triển thì văn hóa tiêu dùng cũng được nâng lên, và văn hóa tiêu dùng cũng là nhân tố kích thích văn hóa sản xuất phát triển. Khi văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng đảm bảo được các giá trị quan trọng của nó thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ được hạn chế khai trừ dần.

Lợi ích cá nhân và trách nhiệm xã hội

Người ta sản xuất hàng giả, hàng nhái là vì lợi ích cá nhân. Quay trở lại với câu chuyện về ba người sản xuất bia giả, nước mắm giả và hoa quả có hóa chất đã nói trên. Họ đều được thôi thúc bởi lợi ích cá nhân, bởi lợi nhuận từ việc sản xuất hàng giả này cao hơn nhiều so với việc sản xuất hàng đúng quy định và đảm bảo chất lượng. Tất cả họ đều nghĩ, mình sản xuất hàng giả để bán cho người khác. Những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe đều đổ hết lên đầu người mua hàng.

Một cơ sở sản xuất bột giặt giả bị phát hiện và xử lý ở Diễn Châu năm 2019. nguồn ảnh từ internet

Ở đây, cả ba người đều đứng ở tâm thế của “người sản xuất”. Nhưng họ quên mất rằng, không có ai sản xuất mà không tiêu dùng cả. Ngay cả khi họ suy nghĩ rằng khi mình bán các sản phẩm kém chất lượng của mình đem lại lợi nhuận cao rồi lấy khoản tiền đó đi mua các sản phẩm chất lượng cao được kiểm định ở các siêu thị thì cũng chưa hẳn an toàn. Bởi xã hội hiện nay đâu có gì đảm bảo sự chắc chắn khi mà con người luôn tìm cách đạp lên người khác vì lợi ích của bản thân. Để rồi, khi không quản lý được nữa, cái giả, cái dởm lên ngôi, con người chỉ biết tìm cách lừa người và lừa cả mình, xã hội vì vậy mà khủng hoảng niềm tin. Con người, ở một góc độ nào đó, là loài động vật tôn sùng lợi ích. Nhưng phải làm sao để đạt được lợi ích đó, con người vẫn là con người, chứ không thành con vật? Đó là vấn đề lớn của thời đại chúng ta!

Con người chạy theo lợi ích, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng con người bên cạnh lợi ích thì cần phải có trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội chính là tay phanh để con người kìm hãm con tàu lợi ích của bản thân. Sản xuất hàng giả, hàng nhái là chạy theo lợi ích cá nhân và chà đạp lên lợi ích xã hội, nó làm cho con người tự đi vào ngõ cụt, tự đào hố chôn mình. Bởi vì như đã nói, mỗi người vừa là “người sản xuất” cùng vừa là “người tiêu dùng”, nên cần phải tôn trọng văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng.

Tóm lại, hàng giả, hàng nhái đang trở thành một vấn nạn lớn không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế mà còn ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe nhiều người, làm lung lay lòng tin của con người và gây ra sự rối loạn trong quản lý xã hội. Để hạn chế tình trạng này thì cần phải có những chính sách phát triển đảm bảo các giá trị cơ bản của văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng, vực lại văn hóa sản xuất, văn hóa tiêu dùng cho những người tham gia vào thị trường. Trong đó, việc hài hòa giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm xã hội của con người là vấn đề then chốt. Nếu mọi người đều nghĩ đến trách nhiệm xã hội trước khi truy cầu lợi ích cá nhân, thì may ra chúng ta mới có một cuộc sống lành mạnh và hài hòa, con cháu chúng ta may ra mới tránh được sự thoái hóa do hàng giả, hàng dởm, hàng độc hại./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559007

Hôm nay

224

Hôm qua

2301

Tuần này

2325

Tháng này

226550

Tháng qua

122920

Tất cả

114559007