Những góc nhìn Văn hoá
Vai trò kẻ sĩ - trí thức trong "Thông reo ngàn Hống"

Nhà văn Nguyễn Thế Quang
Tiểu thuyết lịch sử "Thông reo Ngàn Hống" của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang (NTQ) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Văn học năm 2015. Trong Báo cáo về việc xét tặng giải thưởng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu: "Trong mỗi tác phẩm của mình, ông lúc nào cũng đắm chìm vào nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử mà nhân vật ông viết. Vì thế, mà ông làm cho những nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử của họ hiện lên như mới hôm qua. Thông reo Ngàn Hống cũng chứa đựng những phẩm chất vô cùng quan trọng đó với một tư duy trầm tĩnh đầy trách nhiệm đã mang lại thành công cho ông".
Sau "Nguyễn Du", "Khúc hát những dòng sông", “Thông reo Ngàn Hống” (NXB Trẻ ấn hành quý I-2015) là cuốn tiểu thuyết thứ ba. Tác phẩm dày 608 trang, tái hiện Lịch sử Việt Nam từ thời cực thịnh của vua Minh Mạng qua Thiệu Trị rồi suy vi đời Tự Đức dẫn đến sự kiện Pháp đánh chiếm Đà Nẵng 1858, Đại Nam rơi vào tay Pháp. Trên bối cảnh ấy, NTQ tập trung khai thác vấn đề Hoàng đế và kẻ sĩ, Quyền lực và Trí thức. Phần đầu tác phẩm, tác giả gợi lại câu chuyện La sơn phu tử giúp Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh “một lời nói mà dựng nổi cơ đồ” để nêu lên một điều: "sức mạnh trí tuệ có khi còn mạnh hơn hàng chục vạn quân". Triều đại Minh Mạng cường thịnh do đâu? NTQ đã bộc lộ "Ngài rất chú trọng đến việc mở lại hội thi hương, thi hội, thi đình tạo được nhiều nhân tài". Ngài cho mua hàng trăm bộ sách tứ thư, ngũ kinh, tiểu học, văn sách đưa vào Quốc Tử Giám và các tỉnh... Ngài còn cho soạn 10 điều giáo huấn cho quan, quân lại từ triều đình đến tỉnh, huyện. Vào được triều đình phải là kẻ sĩ - trí thức được chọn từ thi cử tại triều chứ không là những cái đầu trống rỗng. NTQ đã khéo kết hợp giữa hư cấu và sự kiện lịch sử, giữa tư liệu trong sử sách và đời sống thực tại làm cho tác phẩm vừa chân thực vừa sinh động mượn truyện xưa để nói nay, truyện bên Tàu để chỉ bên ta. Viếng mộ phụ mẫu mà cùng hương hồn đối thoại để nói về dòng dõi gia tộc. Những đêm ca hát cho đến ngắm trăng. Lời hát ông già mù... đến lời vè của người dân "Tự Đức làm hư dần dần". Một vài câu thơ, bài thơ về câu tứ hay nhưng đều có dụng ý. Một buổi đàm đạo với bạn, bộ tứ: Nguyễn, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu. Có bữa tiệc vui với chén rượu, Nguyễn hỏi: "Tam đệ còn nhớ chuyện Thập Bi trả lời Ngụy vương chứ? Rõ là kẻ làm vua mà kẻ có tội không trị, kẻ không công mà thưởng thì triều không có người tài... thì mất nước?".Tất cả đều xoay quanh Nguyễn.
...Triều đình! Dù có nghiêm đến mấy vẫn tồn tại hai hạng quan trường: công thần và nghịch thần. Thông reo Ngàn Hống của NTQ đã có nhãn quan sắc bén, tinh vi, sâu sắc hơn trong tả chân. Tác giả đã phân thành sáu dạng kẻ sĩ - trí thức. Bảo thủ - hiểm độc lại nắm hết quyền bính trong tay đứng bên Vua như Trương Đăng Quế/Đại xu nịnh để được lòng vua, có lợi cho mình như Hồ Tôn Quyền. Chịu ngồi trong triều với chức vị không xứng với con người hay chữ, suốt ngày chỉ lo sửa chữa câu từ trong văn bản mà vô sự như Nguyễn Văn Siêu. Có tài nhưng chán cảnh triều đình bỏ quan đi du ngoạn như Nguyễn Quý Tân. Độc nhất có kẻ sĩ có tài có đức muốn được làm tôi trung nhưng làm quan mà bị dồn nén quá đến chỗ phải quay ra làm giặc như Cao Bát Quát. Đó là lời cảnh báo làm rung động triều đình.
Thông reo Ngàn Hống đã cho ta nhận rõ chân dung hai kẻ sĩ nổi lên trong triều. Trương Đăng Quế và Nguyễn Công Trứ lấy bằng cùng năm. Hai kẻ sĩ đều có tài có thể làm xoay chuyển triều chính, giang san. Nhưng bản chất hai người khác nhau nên đối lập nhau. Sau nhiều lần chìm nổi thời Tự Đức, Cao đã có bức thư tuyệt mệnh là nỗi buồn và uất ức của kẻ sĩ gửi cho đại huynh Nguyễn (trang 599). Nguyễn đã kết luận một câu "Nỗi đau đó của Cao đệ cũng là nỗi đau của tất cả kẻ sĩ chúng ta".
Song NTQ đã dành tâm trí cho kẻ sĩ - quan đại thần Thượng thư, Tổng đốc - Tướng Nguyễn Công Trứ. Nguyễn là kẻ sĩ - viên quan xưa nay hiếm thấy. Xuất thân từ nhà nghèo mà học thành tài chiếm giải nguyên kỳ thi Hương trường thi Xứ Nghệ. Làm quan suốt ba triều vua, gần 40 năm trong triều ngoài nội, thăng giáng giáng thăng vẫn ngạo nghễ ung dung. Ba lần với ba năm làm tướng chỉ huy đi dẹp loạn. Hết đánh giặc vùng đồng bằng lại lên dẹp loạn miền núi, rồi sang đánh Chân Lạp. Tám mươi tuổi còn xin đi đánh giặc. Hai năm trời làm quan dinh điền sứ khai khẩn lập nên hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Dân các vùng này đã lập đền thờ sống cho Nguyễn. Thế mà lúc về hưu còn bị giải về kinh quy tội mưu phản. Dù cuộc đời lận đận có lúc tưởng như không đứng dậy được, song luôn bình thản, tin sẽ có ngày đem tài giúp dân, tiếng Ca trù vẫn ngân lên dìu dặt. Trong khi Nguyễn Du và nhiều kẻ sĩ khác chán cảnh quan trường thì ở Nguyễn hăm hở làm quan: "muốn phò vua giúp nước thì phải làm quan..." mà đã làm quan thì phải "dân vi quý, xã tắc thứ chi", làm gì cũng vì dân, dân trên hết.
Có lần hoàng thượng đã tấm tắc mỉm cười khi đọc tờ sớ Nguyễn xin được đi khai khẩn "Tay này đi đến đâu việc đầu tiên là lo cho dân no dân ấm". Trong buổi mừng thất tuần, Nguyễn đã chỉ vào mặt Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, nói: "Giang sơn điên đảo, điêu linh thì kẻ sĩ sống mà làm chi". Với Nguyễn - kẻ sĩ phải sống vì sự ổn định của đất nược, sự no ấm của dân chúng. Kẻ sĩ phải chịu trách nhiệm trước mọi sự hưng vong của Tổ quốc".
Nguyễn còn là kẻ sĩ có lòng tự hào, tự tôn, ý thức độc lập tự chủ, đoàn kết dân tộc. Khi về Ninh Bình khai khẩn, Nguyễn đến ngắm cảnh đẹp núi Cánh Diều. Nguyễn được dân làng kể tên núi Cánh Diều có từ lúc tướng Cao Biền bên Tàu đem quân sang xâm lược ta cưỡi lên cánh diều bị ta bắn rơi. Từ đó lấy tên núi Cánh Diều. Nguyễn bảo: "Sao lại lấy phương tiện kẻ xâm lược đặt tên cho núi Đại Việt mình?". Công lao Nguyễn như thế mà có lần tự than làm gì rồi cũng hư vô? Nguyễn nghĩ như vậy là chưa phải đạo. Dẹp loạn là cái bất đắc dĩ nhưng đã chấm dứt được "cảnh nối da nối thịt" làm cho yên dân, yên nước. Nguyễn đã đi xa nhưng hương khói những ngôi đền vẫn tỏa mùi thơm mãi mãi trên ba huyện miền Duyên hải xứ Đông. Dân Chân Lạp (nay là Campuchia) mãi mãi nhớ đến Nguyễn cùng Trương Minh Giảng dâng sớ tâu Vua rút quân về nước trả lại sự thanh bình cho họ vì Nguyễn cho rằng: "Sao mình lại đi xâm lược nước người là trái đạo". Phải nói triều Minh Mạng cường thịnh trong đó công lao Nguyễn rất lớn.
Đọc xong 608 trang Thông reo Ngàn Hống có người hỏi: Nguyễn Công Trứ có tài nhưng ngông?
Tiểu thuyết "Thông reo ngàn Hống"
Cái ngông của Nguyễn là rất văn hóa, nó sâu sắc, thâm thúy mà chỉ có ở kẻ sĩ có tài, có đức. Đi khai khẩn, trừ phản nghịch rồi Nguyễn dám tuyên bố lập làng Hưng Hóa mà chưa có chỉ dụ của vua. Nguyễn không tuân lệnh vua giết cố đạo và người theo đạo Gia-tô. Không làm theo sách Tàu mà Nguyễn lúc nào cũng tứ thư ngũ kinh... Cái ngông bao trùm là Nguyễn làm quan mà không chịu ngồi tại triều đội mũ cánh chuồn, cân đai vào chầu ra lạy... mà làm theo ý mình. Đã làm quan phải tìm việc lớn để phò vua, giúp dân. Vua lệnh đi đánh giặc, đi ngay và đã ra trận là thắng. Nhưng sang xâm lược nước ngoài Nguyễn đâu chịu. Hai năm dinh điền đem lại áo ấm cơm no cho dân. Thật gian khổ suýt mất mạng đôi lần vẫn lao vào. Cái ngông đó đáng cho kẻ sĩ học tập.
Dù học thuộc lòng kinh sử Tàu nhưng Nguyễn nói: "Tàu nói theo cách nói của Tàu, ta có cách nói của ta, việc gì phải bắt chước họ"... Lúc làm Tổng đốc Hải - Yên Nguyễn đã cho quân lính ra đảo Chàng Sơn (nay là Côtô, Quảng Ninh), đuổi hết bọn nhà Thanh sang chiếm đất lập làng đưa dân ta ra đó ở và ta quản lý lấy đảo của ta. Nguyễn không phân biệt tôn giáo. Thời làm tuần phủ An Giang, Nguyễn bị giáng chức xuống làm lính cũng vì không theo lệnh vua chém cố đạo và người theo đạo Gia tô. Nguyễn đã có cái nhìn tiến bộ mà các vua và cận thần không có được
Với quan niệm “Thượng vi đức, hạ vi dân” Nguyễn đã giúp cho triều Minh Mạng cường thịnh. Chính hoàng thượng đã khen: "là quan văn thế mà dinh điền giỏi, làm việc quân giỏi, đánh giặc đồng bằng giỏi mà đánh giặc miền núi cao cũng khá. Suốt đời làm quan chỉ vì dân. Mãi đến lúc về lại quê mới được cùng bạn ngắm trăng. "Nguyễn không ngắm trăng trên bầu trời cao thăm thẳm mà ngắm trăng vàng tròn trịa, long lanh dưới đáy hồ trong vắt". "Các cậu sướng thật, ta bảy mươi tuổi đầu mới được đắm mình trong vẻ đẹp này". Nguyễn cưỡi bò vàng lại thêm đạc ngựa kêu loong coong, với tấm mo câu “che miệng thế gian” khẳng định cốt cách cứng cỏi, nhân cách cao đẹ suốt đời liêm khiết vì nước vì dân, đánh một cái tát vào phường quan lại bất tài tham nhũng "giá áo túi cơm". Hay!
Nếu như Cao Bá Quát xin được làm cây mai nhỏ nhỏ trên vách đá chon von bên dòng suối mát thì Nguyễn Công Trứ muốn "làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Nguyễn Thế Quang đã tạo dựng hình tượng cao đẹp sừng sững của một kẻ sỹ - một trí thức lớn giữa một thời và mọi thời, mang đến cho người đọc những ấn tượng thẩm mỹ cao đẹp đáng kính nể.
tin tức liên quan
Videos
Thành phố Vinh: Đa dạng các hoạt động văn hóa, du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5
Cái chết của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Phùng Hưng và Ngô Quyền có hai quê Đường Lâm
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Thống kê truy cập
114558973

2291

2280

2291

226516

122920

114558973