Những góc nhìn Văn hoá
Buổi sáng của chủ nghĩa đỉnh cao*
I
Giữa làn sóng cảm xúc ghê gớm liên quan tới các tác phẩm nghệ thuật, thật mong sao các cuộc đàm đạo về nghệ thuật có được sự điềm tĩnh. Đối với đại đa số, tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn chỉ bởi trong đó bộc lộ rõ cảm quan thế giới của người nghệ sĩ. Đồng thời, cảm quan thế giới đối với người nghệ sĩ lại là công cụ và phương tiện, như cây búa trong nay người thợ đá, và cái duy nhất hiện thực là bản thân tác phẩm.
Tồn tại - đó là sự tự ái cao nhất của người nghệ sĩ. Anh ta không muốn thiên đường nào khác ngoài tồn tại, và khi người ta nói với anh ta về hiện thực, anh chỉ cay đắng cười khẩy, bởi anh đã biết đến một hiện thực hiển nhiên hơn rất nhiều là hiện thực nghệ thuật. Nhà toán học biểu diễn giải bài toán bình phương một số có mười chữ số nào đó làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng rất thường xuyên chúng ta bỏ qua không thấy rằng nhà thơ xây dựng một hiện tượng có mười tầng ý nghĩa, và vẻ bề ngoài khiêm tốn của tác phẩm nghệ thuật không ít khi đánh lừa không cho ta thấy cái hiện thực to lớn dày đặc mà nó chứa đựng.
Hiện thực đó trong thơ ca là từ ngữ trong nghĩa đen của nó. Chẳng hạn giờ đây, trong khi trình bày ý tưởng của mình một cách chính xác nhất có thể, nhưng hoàn toàn không phải bằng thơ, về cơ bản tôi sẽ nói bằng ý thức, chứ không phải bằng từ ngữ. Những người câm điếc có thể hiểu nhau rất tốt, và những đèn tín hiệu đường sắt hoàn thành được nhiệm vụ hết sức phức tạp mà không cần phải dùng đến từ ngữ. Như vậy, nếu như xem ý tưởng là nội dung, thì mọi thứ còn lại có trong từ ngữ đều phải xem là sự bổ sung thuần túy máy móc, chỉ làm cản trở việc truyền đạt nhanh ý tưởng. “Từ ngữ với nghĩa đen” sinh ra chậm chạp. Dần dần, một cách lần lượt, tất cả các yếu tố của từ ngữ bị kéo vào khái niệm hình thức. Chỉ có tư tưởng, Logos, cho đến nay vẫn được tôn lên một cách sai lầm và tùy tiện là nội dung. Sự vinh danh không cần thiết đó chỉ làm hại Logos. Logos chỉ đòi hỏi sự công bình với những yếu tố khác của từ ngữ. Nhà vị lai chủ nghĩa vì không xem tư tưởng như chất liệu của sáng tạo nên đã hồ đồ vứt nó ra khỏi boong [tàu nghệ thuật] và thực chất đã lặp lại sai lầm của những người tiền bối.
Đối với các nhà đỉnh cao, tư tưởng, Logos, cũng đẹp tuyệt như hình thức, như âm nhạc đối với các nhà tượng trưng.
Còn nếu như nơi các nhà vị lai, từ ngữ như trong nghĩa đen còn bò bốn chân, thì trong chủ nghĩa đỉnh cao, nó lần đầu tiên có được dáng đứng thẳng xứng đáng và bước vào thế kỷ đồ đá của sự tồn tại.
Mũi nhọn của chủ nghĩa đỉnh cao không phải là mũi dao găm cũng không phải là ngòi châm của sự suy đồi. Chủ nghĩa đỉnh cao là dành cho những ai tràn ngập tinh thần xây dựng, không hèn yếu chối từ gánh nặng của mình, mà hân hoan đón nhận nó, để đánh thức và sử dụng những sức mạnh còn ngủ trong nó. Kiến trúc sư nói: tôi xây dựng nghĩa là tôi đúng đắn. Đối với chúng ta, trong thơ ca ý thức về sự đúng đắn của mình là quý hơn cả. Trong khi khinh bỉ vứt bỏ những thứ vặt vãnh của các nhà vị lai vốn chẳng có niềm khoái lạc cao cả nào hơn việc dùng kim đan bện ra những từ khó, chúng ta đưa kiến trúc Gothic vào các quan hệ từ ngữ, giống như Sebastian Bach từng khẳng định nó trong âm nhạc.
Nhà văn Nikolai Gumilyov (1886-1921) - một trong những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa đỉnh cao ở Nga
Có kẻ điên nào lại đồng ý xây dựng nếu không tin chất liệu là có thực, và anh ta phải thắng được sức cản của chất liệu đó. Đá cuội qua tay của nhà kiến trúc biến thành một thực thể, và người mà với họ âm thanh của con dao chạm khắc vào đá không phải là một bằng chứng siêu hình thì không phải là kẻ sinh ra để xây dựng. Vladimir Solovyov đã trải qua nỗi kinh hoàng đặc biệt mang tính tiên tri khi đứng trước những tảng đá xám bên vịnh Phần Lan. Sự hùng biện câm lặng của mỏm đá như yêu thuật ác nghiệt đã làm ông xúc động. Nhưng hòn đá của Tyutchev, “từ núi cao lăn xuống và nằm trên thung lũng, do tự mình tách ra hay bị bàn tay trầm tư hất xuống” lại chính là ngôn từ. Giọng của vật chất trong sự rơi bất ngờ đó vang lên như một lời nói khúc chiết. Đáp lại tiếng gọi đó chỉ có thể là kiến trúc. Các nhà đỉnh cao sùng kính nâng viên đá bí ẩn của Tyutchev và đặt nó vào nền móng tòa nhà của mình.
Hòn đá dường như khao khát một tồn tại khác. Bản thân nó cũng tự khám phá khả năng linh hoạt tiềm ẩn trong chính nó, mong muốn tham gia vào sự tương tác đầy hân hoan với những thứ giống nó.
III
Các nhà tượng trưng là những kẻ không giỏi khi phải ở nhà. Họ thích du hành, nhưng họ không cảm thấy thoải mái khi ở trong cái cũi của cơ thể mình và trong cái cũi của thế giới mà Kant đã xây dựng lên nhờ các phạm trù. Để có thể xây dựng thành công, điều kiện đầu tiên là phải biết tôn trọng không gian ba chiều – phải xem chúng không phải như thứ của nợ hay như một sự tình cờ bất hạnh, mà là như một cung điện được Chúa ban cho. Trên thực tế: bạn sẽ nói gì về một người khách vô ơn sống nhờ chủ nhà, lợi dụng sự hiếu khách của họ, đồng thời lại khinh bỉ họ và chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tỏ ra khôn hơn họ. Xây dựng chỉ có thể có được nhân danh “không gian ba chiều”, bởi vì chúng là điều kiện của mọi kiến trúc. Bởi vậy tại sao kiến trúc sư phải là kẻ biết ở nhà, còn các nhà tượng trưng là những kiến trúc sư tồi. Xây dựng nghĩa là đấu tranh với cái trống rỗng, là thôi miên không gian. Mũi tên đẹp trên tháp chuông kiểu Gothic là mũi tên ác, bởi toàn bộ ý nghĩa của nó là đâm lên bầu trời, để quở trách rằng bầu trời trống rỗng.
IV
Đặc trưng của con người, điều làm anh ta trở thành cá thể, là cái chúng ta muốn nói đến và đưa vào một khái niệm lớn hơn nhiều là cơ thể. Các nhà đỉnh cao chia sẻ với thời trung đại thiên tài về sinh lý học tình yêu đối với cơ thể và tổ chức. Trong cuộc chạy đua vì sự tinh tế, thế kỷ XIX đã đánh mất bí mật của sự phức tạp hiện tại. Điều mà vào thế kỷ XVIII tưởng là sự phát triển hợp lý của khái niệm cơ thể - nhà thờ Gothic -ngày nay về mặt thẩm mỹ đã thành như quái vật. Nhà thờ Đức Bà là ngày hội của sinh lý học, là cuộc dạo chơi của thần Dionysos. Chúng ta không muốn bị cuốn vào cuộc dạo chơi trong “khu rừng biểu tượng”, bởi vì chúng ta có khu rừng trinh nguyên hơn, rậm rạp hơn - đó là sinh lý học thần linh, là sự phức tạp vô tận của cơ thể bí ẩn của chúng ta.
Thời trung đại trong khi xác định thân phận con người theo cách của mình đã cảm nhận và thừa nhận từng cá nhân hoàn toàn không phụ thuộc vào công trạng của họ. Chức danh thị trưởng có thể được vận dụng thoải mái và không có băn khoăn gì. Một người thợ thủ công khiêm nhưỡng nhất, một tu sĩ hạng bét nhất cũng nắm được bí ẩn của ý nghĩa giá trị, của phẩm giá mộ đạo rất tiêu biểu cho thời đại bấy giờ. Phải, châu Âu đã đi qua mê lộ văn hóa chạm khắc tinh vi, khi sự tồn tại trừu tượng, sự tồn tại cá nhân không tô vẽ được đánh giá như chiến công. Từ đây mà có sự tâm tình quý phái gắn kết tất cả mọi người, một thứ hết sức xa lạ với tinh thần “bình đẳng ái hữu” của cuộc Đại Cách mạng. Không có bình đẳng, không có cạnh tranh, chỉ có sự đồng lõa của những sự thực để kết án sự trống rỗng và hư vô.
Hãy yêu mến sự tồn tại của sự vật hơn chính bản thân sự vật, và yêu sự tồn tại của bản thân hơn chính bản thân - đó là giáo huấn của chủ nghĩa đỉnh cao.
V
А=А: một đề tài thi ca tuyệt vời làm sao. Chủ nghĩa tượng trưng mệt mỏi, buồn tẻ vì quy luật đồng nhất, chủ nghĩa đỉnh cao làm nó trở thành khẩu hiệu của mình và đề nghị dùng nó thay cho khẩu hiệu đầy hoài nghi “a realibus ad realiora” (“Từ cái hiện thực đến cái hiện thực nhất”)[1]. Khả năng ngạc nhiên là phẩm chất chủ yếu của nhà thơ. Nhưng làm sao lại không ngạc nhiên với quy luật bổ ích nhất trong các quy luật là quy luật đồng nhất? Ai bằng sự ngạc nhiên sùng kính thấm nhuần được quy luật đó, người đó chắc chắn là thi nhân. Như vậy, thừa nhận chủ quyền của quy luật đồng nhất, thơ ca chiếm hữu tất cả tồn tại một cách vô điều kiện và vô giới hạn. Hợp lý là vương quốc của sự bất ngờ. Tư duy hợp lý nghĩa là không ngừng kinh ngạc. Chúng ta yêu âm nhạc của bằng chứng. Mối liên hệ hợp lý đối với chúng ta không phải là bài ca về con chim hoàng tước, mà là bản giao hưởng giữa giọng đàn và lời hát, rất khó nhưng rất hào hứng, khiến nhạc trưởng phải huy động mọi khả năng của mình để giữ cho các diễn viên tuân theo.
Âm nhạc của Bach thuyết phục làm sao! Sức mạnh của bằng chứng ghê gớm làm sao! Chứng minh và chứng minh vô tận: tiếp nhận vào nghệ thuật cái gì đó để tin theo mà không xứng với người nghệ sĩ thì dễ dàng và tẻ nhạt…
Chúng ta không bay, chúng ta chỉ vươn lên những tháp cao mà chính mình có thể xây lên được.
VI
Người thời trung đại đối với chúng ta rất quý giá bởi họ có cảm nhận về phạm vi và ranh giới ở mức độ rất cao. Họ không bao giờ lẫn lộn các thế giới khác nhau và nói về thế giới sau cái chết một cách hết sức chừng mực. Pha trộn đúng mực lý trí và huyềnhoặc, cảm nhận thế giới như một sự cân bằng sống động là những điều khiến chúng ta gần gũi với thời đại này, và thúc ẩy chúng ta khai thác những sức mạnh trong các tác phẩm nảy sinh trên mảnh đất của người Roma ntừ khoảng năm1200. Chúng ta sẽ chứng minh sự đúng đắn của mình để tất cả dãy nhân quả từ alpha tới omega sẽ rung động đáp lại ta, chúng ta sẽ học cách mang “những gông xiềng của tồn tại nhẹ nhàng hơn và thoả imái hơn”.
(1913)
Trần Thị Phương Phương dịch
Nguồn: Мандельштам О. Э., “Утро акмеизма” // Собрание сочинений в 4 томах, том 1, Москва: Арт-Бизнес-Центр, 1993.
Bản dịch đã in trong: Trần Thị Phương Phương (2018), Văn học Nga hiện đại. Những vấn đề lý thuyết và lịch sử, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, tr. 219-224
CHÚ THÍCH
*. Chủ nghĩa đỉnh cao (Akmeism) - một xu hướng hiện đại chủ nghĩa xuất hiện trong văn học Nga năm 1912 - 1914 vừa là sự kế thừa, vừa là phản ứng với chủ nghĩa tượng trưng. Với mong muốn khắc phục tính chất siêu thực, đầy ẩn dụ phức tạp của thơ ca tượng trưng, các nhà đỉnh cao hướng tới sự minh bạch và chính xác của những hình tượng, cũng như sự khúc chiết rõ ràng của từ ngữ. Các đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa đỉnh cao là Nikolai Gumilyov, Anna Akhmatova, Sergei Gorodetsky, Osip Mandelshtam,…
Bài báo này của O. Mandelshtam (1891-1938) được viết vào khoảng năm 1913 (cũng có thể là 1912 hoặc 1914), nhưng không được đăng trên tạp chí Apollon của phái thơ này, có lẽ do có một số khác biệt với quan điểm của các nhà đỉnh cao chủ chốt khác là N. Gumilyov và S. Gorodetsky. Nó chỉ được xuất bản vào năm 1919. Tuy nhiên, chính trong bài báo này, quan niệm về thế giới và nghệ thuật, những nguyên tắc thi ca của chủ nghĩa đỉnh cao được thể hiện rất rõ ràng và sâu sắc.
[1] “Từ cái hiện thực đến cái hiện thực nhất” là khẩu hiệu do Vyacheslav Ivanov đưa ra trong cuốn sách “Về những vì sao. Những kinh nghiệm triết học, mỹ học và phê bình” (По звездам. Опыты философские, эстетические и критические. СПб., 1909, с. 305.)
tin tức liên quan
Videos
Tư tưởng Lão Trang và ảnh hưởng của nó trong văn hóa, văn học nghệ thuật
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513640
2113
2313
21577
220513
121356
114513640