Những góc nhìn Văn hoá
Quan niệm tiến bộ về giáo dục của Trương Vĩnh Ký - nhà giáo đầu tiên của nền giáo dục quốc học VIệt Nam
Trương Vĩnh Ký (1837-1889)
Trong buổi đầu của nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam, Trương Vĩnh Ký được xem là người “mở đường” cho nhiều vấn đề: nhà giáo dạy chữ quốc ngữ đầu tiên, nhà ngôn ngữ học quốc ngữ đầu tiên, nhà báo quốc ngữ đầu tiên làm chánh tổng tài của tờ báo quốc ngữ đầu tiên; nhà báo tư nhân đầu tiên... Cuộc đời của Trương Vĩnh Ký đã trải qua nhiều thăng trầm và được đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ông đối với nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn chuyển hóa từ trung đại sang hiện đại. Trong đó, quan niệm và tư tưởng về giáo dục của ông có rất nhiều tiến bộ và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Bài viết sử dụng các phương pháp như thống kê, phân tích - tổng hợp, so sánh… để cho thấy rõ những quan niệm tiến bộ về giáo dục của Trương Vĩnh Ký, bao gồm: xây dựng một nền giáo dục mang tính dân tộc, vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam; mục tiêu và kiến thức giảng dạy gắn liền với thực tiễn; nhà giáo bản lĩnh, tận tụy, yêu nghề và cống hiến suốt đời.Những điều này cho đến nay vẫn là những mục tiêu trọng tâm của nền giáo dục Việt Nam.
Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) được xem là một hiện tượng văn hóa đặc biệt nửa sau thế kỷ XIX của Việt Nam. Cho đến nay, những công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn tiếp tục ra đời. Ở lĩnh vực giáo dục, Trương Vĩnh Ký được xem là “người thầy đầu tiên” của nền giáo dục bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam. Trong 61 năm cuộc đời mình, Trương Vĩnh Ký đã dành hơn 30 năm cho hoạt động giáo dục. Sự nghiệp giáo dục của ông bắt đầu từ năm 1866 tại trường Thông ngôn cho đến khi ông tạ thế năm 1898. Trong đó, Trương Vĩnh Ký tập trung vào các hoạt động: giảng dạy trên lớp học; nghiên cứu, viết và xuất bản sách, giáo trình; dịch thuật từ chữ Hán, Nôm, tiếng Pháp sang chữ quốc ngữ; làm báo. Nghiên cứu quá trình này cho chúng ta thấy được quan niệm giáo dục của một nhà giáo tài ba, tâm huyết, tận tụy và cần mẫn với giá trị đích thực của một nền giáo dục mới. Những quan niệm đó góp phần định hướng quan trọng cho việc xác định triết lý giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một số quan niệm tiến bộ về giáo dục của Trương Vĩnh Ký
Xây dựng một nền giáo dục mang tính dân tộc, vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam
Trước hết, Trương Vĩnh Ký mong muốn tạo dựng một nền giáo dục mang tính hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Điều đó thể hiện ở việc ông cổ vũ và làm người tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ - ngôn ngữ theo ký tự Latin mà các nhà truyền giáo phương Tây đã dày công xây dựng trước đó tại Việt Nam. Trương Vĩnh Ký đã kêu gọi rằng: “Chữ Quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện” [6; tr.130].Trong phần mở đầu của Sách mẹo Annam, Abrégé Grammaire annamite, Trương Vĩnh Ký cho rằng chữ Hán “là thứ chữ bị áp đặt bằng bạo lực”[8; tr.143] của chính quyền phong kiến Trung Hoa. Đó là loại chữ tượng hình đã “bức tử” (chữ dùng của Hoàng Lại Giang) chữ ghi âm của nước ta trước đó. Do đó, ông xem chữ Hán không phải là quốc ngữ của An Nam. Đồng thời, Trương Vĩnh Ký thấy rõ những hạn chế, sự lỗi thời của chữ Hán và chữ Nôm nên ông lại càng muốn xây dựng một hệ chữ mới cho dân tộc mình. Mặt khác, vốn là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, Trương Vĩnh Ký đã nhận rõ được tính ưu việt cũng như giá trị trường tồn của chữ quốc ngữ đối với xu hướng phát triển của thế giới. Chữ quốc ngữ có thể giúp tiếng Việt đứng “ngang hàng” với tiếng Pháp, tiếng Anh và các thứ tiếng khác trong khu vực Đông Nam Á (thông qua các công trình dịch thuật, nghiên cứu ngôn ngữ của ông). Như vậy, sẽ giúp dân tộc Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc” năm châu. Và thực tế, lịch sử đã chứng minh tính ưu việt đó của chữ quốc ngữ.
Thứ hai, theo Trương Vĩnh Ký, chữ quốc ngữ là ngôn ngữ mang tính dân tộc, là “tiếng Annam ròng” (Chuyện đời xưa). Nghĩa là chỉ có chữ quốc ngữ mới phản ánh đúng lời ăn, tiếng nói của người dân An Nam. Từ đó, họ có thể hiểu và học rất nhanh. Vì vậy, nó cần được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Trong tác phẩm Chuyện đời xưa (Contes Annametes, 1867), Trương Vĩnh Ký đã khẳng định rằng ông “Góp-nhóp trộn-trạo chuyện kia chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc-ngữ, cùng là có ý cho người ngoại-quốc muốn học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen. Nay ta in sách này lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách này mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm” [3;tr.15].Qua đó, không chỉ thấy Trương Vĩnh Ký có ý muốn giúp người dân Việt Nam được biết chữ, có chữ riêng cho mình mà ông còn muốn loại chữ đó sẽ giúp cho thế giới biết đến Việt Nam. Đó chính là tầm nhìn lớn lao của một nhà giáo lỗi lạc.
Ngày nay, quan niệm phát triển chữ quốc ngữ vẫn là vấn đề quan tâm của nền giáo dục Việt Nam. Chúng ta vẫn luôn tự hào “Tiếng Việt ta giàu đẹp”, và luôn kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trong bối cảnh ảnh hưởng của ngôn ngữ lai căng. Điều đó cho thấy, quan niệm của Trương Vĩnh Ký về sự phát triển và bảo tồn chữ quốc ngữ là đúng đắn và mang giá trị nhân văn đối với dân tộc Việt Nam.
Mục đích và kiến thức giảng dạy gắn liền với thực tiễn
Những kiến thức được Trương Vĩnh Ký truyền dạy gắn liền với những vấn đề trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày của người dân An Nam: học chữ, học lịch sử, học địa lý, sản vật, nghề nghiệp, văn học, nghệ thuật, đạo đức truyền thống Việt Nam. Từ đó, Trương Vĩnh Ký chủ trương một chương trình giáo dục toàn diện. Chương trình này theo Nguyễn Đình Đầu, “Từ những năm 20 của thế kỷ sau, nhóm viết sách giáo khoa phổ thông như Trần Trọng Kim, Nguyễn Duy Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận với các sách Việt Nam sử lược, Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư…đều chịu ảnh hưởng và theo định hướng của Trương Vĩnh Ký” [6; tr.177].
Trước hết, đó là việc ghi chép lại những câu chuyện có ý nghĩa giáo huấn trong dân gian. Ngay từ tác phẩm đầu tay Chuyện đời xưa, ông đã nêu chủ đích rằng: “Kêu rằng: chuyện đời xưa, vì nó là những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử - tế”, “cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh” [3; tr.15]. Tác phầm này gồm 74 mẩu chuyện mà Trương Vĩnh Ký ghi chép lại từ trong lời ăn tiếng nói của người dân. Tác phẩm chủ yếu mang tính giáo dục về luân lý, hướng dẫn cách sống, cách đối nhân xử thế ở đời. Thỉnh thoảng cuối câu chuyện có xen thêm lời bình giảng của Trương Vĩnh Ký. Chẳng hạn như ở cuối truyện Mưu trí hơn là sức mạnh, tác giả nêu: “Chuyện nầy nói xâm kẻ tiểu nhơn hèn hạ bất tài, mà hay nương thế kẻ có oai quờn mà húng hiếp người bình dân. Lại nói người có quờn thế lớn hùng hào, mà lại hữu dõng vô mưu, để cho kẻ dưới mình gạt được” [3;tr.89].
Mặt khác, Trương Vĩnh Ký cũng quan tâm đến việc lí giải ý nghĩa của các công trình, bài giảng của mình để người đọchiểu được giá trị của tác phẩm. Trong tác phẩm Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (1885), Trương Vĩnh Ký nêu mục đích rõ rằng: “Hôm nay tôi muốn phác họa lại bức tranh cả cổ lẫn kim của Sài Gòn…Chúng ta hãy rảo khắp Sài Gòn cổ, hãy tham quan hết mọi nẻo vùng và nói lên những nhận xét của mình cả về mặt địa lý lẫn lịch sử. Sài Gòn thời xưa thế nào? Trước và dưới triều đại Gia Long? Dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức ra sao? Cảnh vật Sài Gòn khi người Pháp mới tới thế nào?” [4;tr.7].Hay trong tác phẩmCổ Gia Định phong cảnh vịnh (1882), mặc dù Trương Vĩnh Ký chỉ có vai trò “chép ra chữ quốc ngữ” và “dẫn giải” nhưng mục đích của ông là“nói về địa cảnh Saigon thuở trước Tây (Phú Lang Sa) chưa lấy, bắt nội Bến Thành, Chợ Sỏi vô tới Chợ Lớn, Chợ Gạo, Lò Gốm, Cây Gõ, Phú Lâm, Cầu Bông, Thị Nghè, Gò Vấp, đường sá, xóm làng, nhà cửa, phố phường, chùa miếu, lại thú người trên bộ dưới thuyền đủ cả… Đặc vãn đã hay mà lại kể tích cũ tên xưa, cùng nêu dấu tích để truyền lại cho đời sau nhớ” [4; tr.15]. Như vậy, theo quan niệm của Trương Vĩnh Ký, muốn người khác hiểu được mình nói gì thì trước hết mình phải nói ý nghĩa của sự truyền giảng của mình. Từ đó, định hướng người học theo mục tiêu mà mình đã đề ra. Ở lĩnh vực báo chí, khi được phong làm Chánh tổng tài tờ Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, Trương Vĩnh Ký đã soạn thảo một đoạn văn bản và in ngay trên trang báo đầu tiên. Trong đó, ông nói rõ ý nghĩa, mục đích ra đời và phổ biến tờ Gia Định báo:“Nhựt trình này có ích cho mọi người vì trong ấy có đủ mọi đều về dân sự, lịnh quan Nguyên-Soái dạy, ý người về sau làm sao cùng là cách thế người làm; Trong ấy người ta biết được các tin về việc buôn bán; Ở trên Châu-đốc Hà-tiên biết được giá hàng tại Saigon Chợ-lớn, mà ngồi một chỗ khỏi đi đâu, nên muốn mua muốn bán cũng gặp chầu, lại biết cho đến giá riêng đồ các Chợ lớn các nơi” [1]
Như vậy, Trương Vĩnh Ký luôn xác định rõ ràng, cụ thể mục đích, ý nghĩa của hoạt động giảng dạy của mình. Kiến thức giảng dạy phong phú, đa dạng nhưng gần gũi, thiết thực. Từ ngữ diễn đạt là những điều gắn với đời sống, lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân. Đó không phải là những kiến thức cao siêu, vĩ đại càng không phải là những lý thuyết suông. Vì vậy, hầu hết những công trình mà Trương Vĩnh Ký đã để lại đều có ý nghĩa sâu sắc.
Nhà giáo bản lĩnh, tận tụy, yêu nghề và cống hiến suốt đời
Trước hết, Trương Vĩnh Ký là một nhà giáo có trình độ ngoại ngữ uyên bác. Có thể nói ông là một trong những học giả biết nhiều ngoại ngữ nhất của Việt Nam. Huỳnh Văn Tòng đã nhận định rằng: “Điều ai cũng chú ý là Trương Vĩnh Ký có thể tự hào là người trí thức Việt Nam đầu tiên có học thức quảng bác mở rộng sang Tây phương. Tuy phần lớn là tự học và học trong nhà dòng nhưng khả năng ngoại ngữ của ông thật là đáng trọng” [7;tr.63]. Theo nghiên cứu, ông biết khoảng 26 ngôn ngữ, trong đó, ông “nói và viết thông thạo chữ Latin, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Trung Hoa, Mã Lai, Cam Bốt và Xiêm La” [6; tr.174]. Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, do hoàn cảnh đưa đẩy nên Trương Vĩnh Ký được học trong môi trường của Giáo hội dưới sự đỡ đầu của các cha cố: hai năm ở giáo hội Cái Nhum, ba năm ở trường đạo Campuchia, tám năm ở chủng viện Dulaimaở Malaysia. Từ đó, ông được học tiếng Latin và tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế ở khu vực Đông Nam Á: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanma…Do đó, ông có điều kiện biết đến nhiều ngôn ngữ hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất, đó chính là sự nỗ lực và niềm đam mê mãnh liệt của Trương Vĩnh Ký. Hầu hết, Trương Vĩnh Ký đều tự nghiên cứu và tự học các ngôn ngữ. Trong sự nghiệp khoảng 120 tác phẩm của ông, có khoảng 50% tác phẩm nghiên cứu về ngôn ngữ, trong đó có nhiều tác phẩm nghiên cứu về từ vựng, câu giao tiếp, cấu trúc ngôn ngữ của các quốc gia khác như Pháp, Lào, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Myanma, Thái Lan… Những tác phẩm này xuất bản rải rác các năm nhưng tập trung nhất vào năm 1894. Nhờ khả năng biết nhiều ngoại ngữ, Trương Vĩnh Ký được cả triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp trọng dụng. Ông được phong các danh hiệu và giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị của Pháp: làm thông dịch viên trong sứ đoàn của Phan Thanh Giản sang Pháp (1863), “Giám đốc” trường Thông ngôn (1866), “Chánh tổng tài” Gia Định báo (1869), “Giáo sư ngôn ngữ” trường Sư phạm thuộc địa (1871), “Giáo sư ngôn ngữ Đông Phương” trường Hậu bổ (1873), “Thành viên Hội đồng thường trực lo việc nghiên cứu tất cả những vấn đề liên quan đến học chính và thanh tra ngành giáo dục” [6, tr.174].
Với những kinh nghiệm trong nền giáo dục Nam kỳ đó, Trương Vĩnh Ký đề nghị cải tổ nền giáo dục theo hướng hiện đại hơn: xóa bỏ lối học từ chương, lập các hội học ở các địa phương, xây dựng Viện hàn lâm theo phương Tây. Tuy nhiên, vì mục đích cai trị, Pháp chỉ tiếp thu một phần những ý tưởng trên của ông. Những ý tưởng này mãi đến những năm đầu thế kỷ XX mới được thực thi với sự chấm dứt chế độ khoa cử ở Huế năm 1918. Qua đó cho thấy được Trương Vĩnh Ký là người mạnh dạn thay đổi, dám đổi mới, dám đề xuất những ý tưởng cấp tiến. Đó là phẩm chất cần có của người làm giáo dục và quản lý giáo dục.
Thứ hai, Trương Vĩnh Ký đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, soạn thảo và xuất bản các tài liệu phục vụ cho giáo dục. Với vai trò là người thầy, Trương Vĩnh Ký tập trung vào hai lĩnh vực: giảng dạy và nghiên cứu. Trong đó, lĩnh vực nghiên cứu của Trương Vĩnh Ký đã để lại một sự nghiệp khá đồ sộ.Theo thống kê của các tác giả trong tuyển tập Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Trương Vĩnh Ký có 121 tác phẩm gồm nhiều thể loại khác nhau: sách nghiên cứu, khảo cứu, giáo trình, từ điển, dịch thuật… Những nội dung thường được ông đề cập là nghiên cứu so sánh, phiên âm, dịch thuật ngôn ngữ (từ chữ Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp (Mencius - Mạnh Tử (1894), Lục Vân Tiên (1888), Truyện Kiều (1886)), nghiên cứu ngôn ngữ của các quốc gia khác: Campuchia (Vocabulaire Francais - Cambodgien, 1894), Pháp (Grammaire francaise, 1872), Trung Quốc (Grammaire de langue chinoise, 1894), Malaysia (Guide de conversation Malaise - Francaise, 1894), Lào (Cours de langue Laotienne, 1894), Indonesia (Cours de langue Indoustane, 1894)... Những nghiên cứu này dù mang tính học thuật nhưng lại có ý nghĩa thiết thực giúp cho các nước khu vực Đông Nam Á bấy giờ “hiểu nhau hơn”. Ngày nay chúng ta mở rộng liên kết học tập, giao lưu văn hóa giữa các nước này cũng dựa trên cơ sở sự hiểu biết về ngôn ngữ của họ. Ngoài ra, có cáctác phẩm sách giáo khoa như Chuyện đời xưa (1866), Giáo trình thực hành tiếng An-nam (1868), Mẹo luật dạy học tiếng Lang Sa (1869), Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ(1875), Kim Vân Kiều truyện (phiên âm, 1875), Quốc ngữ tự vận (1876)…; các tác phẩm khảo cứu chủ đề dân tộc học: Kiến vàng và kiến hôi (1866), Các loại ghe thuyền An-nam (1875), Bàn về rau câu (1876)… Nói về sự nỗ lực của cuộc đời mình, Trương Vĩnh Ký đã tự nhận rằng: “Tôi sinh ra gặp lúc cuối vận, nhờ ơn sáng là thấm nhuần sách thơm, cho nên gắng công học hỏi cổ nhân không biết mệt, học để làm người, chẳng phải vì mong hưởng lợi. Nhân suy nghĩ thế cuộc ngày nay lộn xộn, chính đạo càng suy đồi, thuần phong càng buông thả, nếu không có ý tốt sao có thể phấn khởi làm việc phục hồi chính đạo, phát huy cái hay, dám quên cái thô lậu của mình mà biên tập ra, lấy ý riêng bổ sung ý kiến về sau, lấy bút thay lời để suy tính cho kẻ sau. Không dám qua mặt người xưa, mong có người tiếp tay, hy vọng “thượng an hạc lạc” chẳng phải là điều hay sao? Đấy là điều tôi hy vọng sâu xa mà vui vẻ tự an ủi vậy”[8; tr.107]. Đó là lý tưởng của một nhà giáo chân chính, có tâm huyết, điềm đạm và khiêm tốn. Một nhân cách thanh cao, không tham lam, trục lợi cá nhân. Tất cả chỉ vì mục đích nhân văn phát triển dân tộc, đất nước mình. Như vậy, có thể thấy, với những nỗ lực phi thường cùng với cái tâm trong sáng, Trương Vĩnh Ký xứng đáng là người thầy mẫu mực dù ở bất kỳ giai đoạn giáo dục nào.
Qua việc nghiên cứu những quan niệm về giáo dục của “người thầy quốc ngữ” đầu tiên Trương Vĩnh Ký, chúng ta thấy được ý nghĩa và giá trị của những quan niệm tiến bộ ấy. Trải qua hơn 130 năm, những quan niệm ấy vẫn còn ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay. Những vấn đề về tính dân tộc, tính thực tiễn và yêu cầu về năng lực của nhà giáo là ba trong nhiều mục tiêu tiên quyết của một nền giáo dục hiện đại. Điều đó cho thấy được cái tâm và cái tầm của “bậc hiền tài” này. Hiện nay, nền giáo dục Việt Nam đang tìm kiếm, xác định cho mình một triết lý giáo dục. Thiết nghĩ, để xây dựng triết lý ấy cần có sự nghiên cứu bản chất, ý nghĩa và giá trị của giáo dục Việt Nam. Để làm được điều đó, việc nghiên cứu về quá trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại là điều cần thiết. Trong đó, nên tiếp thu có chọn lọc những giá trị giáo dục trong các giai đoạn có sự đổi mới, phát triển đột phá.
Tài liệu tham khảo
1.Gia Định báo, Năm thứ Năm, số 20, ngày 20/9/1869.
2. Đỗ Quang Hưng (chủ biên) (2001), Lịch sử báo chí Việt Nam, 1865 - 1945, in lần thứ II, Nxb ĐHQG HN, HN.
3. Trương Vĩnh Ký (1867), Chuyện đời xưa, bản in của Nhà sách Khai Trí (1962), số 62, Đại lộ Lê Lợi, Saigon, 1962
4. Trương Vĩnh Ký (1885), Nguyễn Đình Đầu dịch (1997), Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nxb Trẻ, TP HCM.
5. Nhiều tác giả (2009), Gia Định báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên, Nxb ĐHQG TP HCM, TPHCM.
6. Nhiều tác giả (2013),Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Nxb Hồng Đức, Tạp chí Xưa & Nay, TP.HCM.
7. Huỳnh Văn Tòng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945,Nxb TP HCM, TP HCM.
8. Nguyễn Văn Trung (1993), Trương Vĩnh Ký - nhà văn hóa, Nxb Hội Nhà văn, HN.
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Tư tưởng Lão Trang và ảnh hưởng của nó trong văn hóa, văn học nghệ thuật
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513609
282
2313
21546
220482
121356
114513609