Những góc nhìn Văn hoá
Phê phán lý tính thuần túy [kỳ 3]
LỜI DẪN NHẬP
(ẤN BẢN B)*
{*Lời dẫn nhập trong Ấn bản A ngắn gọn hơn nhiều (chỉ gồm hai mục). Ở bản B, Kant viết thêm 5 mục nữa và khai triển có hệ thống giúp người đọc dễ hiểu hơn các thuật ngữ “then chốt” của ông. Trong “Lời dẫn nhập” này, các đoạn khác biệt trong bản A sẽ được in nghiêng. (N.D).}
I.
VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHẬN THỨC THUẦN TÚY VÀ NHẬN THỨC THƯỜNG NGHIỆM
Mọi nhận thức của ta đều bắt đầu bằng kinh nghiệm, đó là điều không có gì phải nghi ngờ; bởi vì thông qua cái gì khiến quan năng nhận thức được đánh thức để đi vào hoạt động nếu không phải thông qua những đối tượng tác động đến các giác quan của ta để, phần thì tạo ra những biểu tượng (Vorstell-ungen), phần thì đưa hoạt động của giác tính chúng ta đi vào vận hành, tức làm công việc so sánh, nối kết hay tách rời những biểu tượng ấy, và như thế là xử lý (verarbeiten) chất liệu thô của các ấn tượng cảm tính thành một nhận thức về những đối tượng được gọi là KINH NGHIỆM (ERFAHRUNG)? Vậy, về mặt thời gian, không có nhận thức nào trong ta lại đi trước kinh nghiệm và tất cả bắt đầu bằng kinh nghiệm.
Thế nhưng, tuy mọi nhận thức của ta đều bắt đầu (an-hebt) từ kinh nghiệm, song không phải vì thế mà tất cả đều bắt nguồn (entspringt) từ kinh nghiệm. Bởi vì, hoàn toàn có thể là, bản thân nhận thức kinh nghiệm của ta là một sự kết hợp giữa những gì ta nhận được từ các ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức của ta tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động); phần thêm vào này chưa được ta phân biệt với chất liệu cơ bản nói trên, cho tới khi sự tập luyện lâu dài khiến ta lưu ý và biết tách riêng được phần thêm vào này một cách thành thạo.
Vậy ít nhất cũng có một câu hỏi cần nghiên cứu kỹ chứ không thể trả lời ngay lập tức khi mới thoạt nhìn, đó là: thật có chăng một nhận thức độc lập với kinh nghiệm và cả với mọi ấn tượng của giác quan? Ta gọi các nhận thức như vậy là TIÊN NGHIỆM (A PRIORI) và phân biệt chúng với các nhận thức THƯỜNG NGHIỆM (EMPIRISCH) có nguồn gốc HẬU NGHIỆM (A POSTERIORI), tức là từ trong kinh nghiệm.
Nhưng thuật ngữ này [tiên nghiệm hay tiên thiên] chưa được xác định đầy đủ để biểu thị toàn bộ ý nghĩa tương xứng với câu hỏi được đặt ra trên đây. Bởi vì ta thường quen nói về một số nhận thức được rút ra từ các nguồn kinh nghiệm rằng ta có thể biết chúng một cách tiên nghiệm hoặc có phần tiên nghiệm, vì ta không rút chúng ra một cách trực tiếp từ kinh nghiệm mà từ một quy luật phổ biến, quy luật này thực ra cũng do chính ta đã vay mượn từ kinh nghiệm. Cho nên người ta nói về một ai đó đã đào móng ngôi nhà của mình rằng: người đào móng có thể biết một cách “tiên nghiệm” rằng ngôi nhà sẽ đổ, tức là không cần chờ có kinh nghiệm [trực tiếp] khi ngôi nhà đổ thật. Chỉ có điều, người nọ thật ra không thể biết được điều ấy một cách hoàn toàn tiên nghiệm. Vì rằng những vật thể đều nặng, do đó, nếu bị rút mất chỗ tựa sẽ đổ, nhận thức này người ấy đã phải biết trước đó nhờ kinh nghiệm.
Vậy, khi theo dõi các nhận thức tiên nghiệm, ta sẽ không hiểu chúng là độc lập với kinh nghiệm này hay với kinh nghiệm nọ mà là tuyệt đối độc lập với MỌI kinh nghiệm. Đối lập với các nhận thức này là những nhận thức thường nghiệm, hay là những nhận thức chỉ có thể có được một cách hậu nghiệm, tức từ kinh nghiệm. Nhưng, trong các nhận thức tiên nghiệm có những nhận thức được gọi là THUẦN TÚY (REIN) là những nhận thức không được pha trộn với bất cứ cái gì thường nghiệm. Do đó, ví dụ mệnh đề “Mọi sự biến đổi đều có nguyên nhân” là một mệnh đề tiên nghiệm, nhưng không thuần túy, vì “sự biến đổi” là một khái niệm chỉ có thể được rút ra từ kinh nghiệm.
[Trong Bản A, mục I này như sau:]
I.
Ý NIỆM VỀ TRIẾT HỌC-SIÊU NGHIỆM
Kinh nghiệm, - không nghi ngờ gì - là sản phẩm đầu tiên do giác tính chúng ta tạo ra (hervorbringt) bằng cách xử lý chất liệu thô của các cảm giác cảm tính. Chính qua đó, kinh nghiệm là bài học đầu tiên và trong quá trình tiến lên, nó mang lại bài học mới một cách không bao giờ cạn khiến cho cả cuộc sống liên tục của mọi sự sản sinh các tri thức mới trong tương lai - có thể được tập hợp trên mảnh đất này - đều sẽ không bị thiếu thốn gì. Dù vậy, kinh nghiệm vẫn không phải là lãnh vực duy nhất, trong đó giác tính của ta chịu bị giới hạn. Kinh nghiệm tuy nói cho ta biết cái gì đang tồn tại, nhưng lại không nói rằng cái ấy phải tồn tại như thế một cách tất yếu chứ không thể khác. Chính vì thế, kinh nghiệm không mang lại cho ta tính phổ biến đích thực nào cả, và lý tính - vốn khao khát những nhận thức thuộc loại ấy - chỉ được kinh nghiệm kích thích hơn là làm thỏa mãn. Các nhận thức có tính phổ biến, đồng thời có đặc tính của sự tất yếu bên trong như thế phải tự bản thân là sáng sủa và vững chắc, độc lập với kinh nghiệm, vì thế được người ta gọi là các nhận thức tiên nghiệm, bởi cái ngược lại, tức cái chỉ được vay mượn từ kinh nghiệm chỉ được nhận thức một cách hậu nghiệm hay là thường nghiệm, theo cách nói quen thuộc.
Vậy, điều hết sức đáng chú ý ở đây là, ngay trong bản thân những kinh nghiệm của ta cũng có chen lẫn các nhận thức nhất thiết phải có nguồn gốc tiên nghiệm, và có lẽ chúng chỉ có nhiệm vụ tạo nên sự nối kết giữa các biểu tượng của giác quan chúng ta. Bởi lẽ, nếu ta gạt bỏ ra khỏi những kinh nghiệm tất cả những gì thuộc về các giác quan, thì vẫn còn lại một số khái niệm nguyên thủy nào đó cùng với các phán đoán được sản sinh ra từ chúng; những khái niệm và phán đoán này phải được ra đời một cách hoàn toàn tiên nghiệm, độc lập với kinh nghiệm, vì chúng làm cho ta có thể - hoặc ít ra làm cho ta tin rằng có thể - phát biểu được nhiều điều về các đối tượng xuất hiện ra cho giác quan hơn là những gì kinh nghiệm đơn thuần có thể truyền đạt; và làm cho các khẳng định ấy chứa đựng tính phổ biến đích thực lẫn tính tất yếu chặt chẽ mà nhận thức đơn thuần thường nghiệm không thể nào mang lại được.
[Bản A tiếp tục từ câu đầu của mục 3 thuộc bản B].
II.
CHÚNG TA SỞ HỮU MỘT SỐ NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM VÀ NGAY TÂM TRÍ BÌNH THƯỜNG*CŨNG KHÔNG BAO GIỜ KHÔNG CÓ CHÚNG
Vấn đề bây giờ là về đặc điểm (Merkmal) nhờ đó ta có thể phân biệt chắc chắn giữa một nhận thức thuần túy với nhận thức thường nghiệm. Kinh nghiệm tuy dạy cho ta biết cái gì đó tồn tại với tính chất như thế này hay thế kia, nhưng không cho biết nó không thể tồn tại cách khác. Vậy, thứ nhất, khi gặp một mệnh đề được suy tưởng với tính tất yếu, nó là một phán đoán tiên nghiệm; ngoài ra nếu nó không được rút ra từ mệnh đề nào khác ngoài mệnh đề mà bản thân cũng có giá trị như một mệnh đề tất yếu, nó là tuyệt đối tiên nghiệm. Thứ hai là: kinh nghiệm không bao giờ mang lại cho các phán đoán của nó tính phổ biến (Allgemeinheit) đích thực hay chặt chẽ, mà chỉ tính phổ biến được giả định hay so sánh (bằng quy nạp), khiến cho thực ra phải nói: trong mức độ ta quan sát được cho đến nay, chưa thấy có ngoại lệ nào đối với quy luật này hay quy luật kia. Vậy, khi một phán đoán được suy tưởng với tính phổ biến chặt chẽ, tức không cho phép có một ngoại lệ nào cả, phán đoán ấy không được rút ra từ kinh nghiệm mà là có giá trị tuyệt đối tiên nghiệm. Cho nên, tính phổ biến thường nghiệm chỉ là sự gia tăng tùy tiện về tính hiệu lực, nghĩa là từ cái có giá trị trong phần lớn các trường hợp trở thành cái có giá trị trong mọi trường hợp, chẳng hạn như trong mệnh đề, “mọi vật thể đều nặng”; ngược lại, ở đâu tính phổ biến chặt chẽ thuộc về phán đoán một cách thiết yếu (wesentlich), tính phổ biến này cho thấy [sự có mặt của] một nguồn nhận thức đặc biệt của phán đoán, đó là một quan năng của nhận thức tiên nghiệm. Vậy, tính tất yếu và tính phổ biến là các dấu hiệu (Kenn-zeichen) của một nhận thức tiên nghiệm, và chúng thuộc về nhau một cách không thể tách rời*.
{*“Tâm trí bình thường” (der gemeine Verstand): xem chú thích* choAVIII. (N.D).
*Trước đây, Platon và Aristoteles (Phân tích pháp II, chương 12) cũng đã xem tính tất yếu (chỉ có thể như vậy chứ không thể khác) và tính phổ biến (không cho phép có ngoại lệ nào) là các đặc điểm để phân biệt tri thức thực sự (episteme) và tư kiến (doxa). (N.D).}
Nhưng vì trong lúc sử dụng chúng, có khi dễ vạch ra tính hạn chế (Beschränktheit) thường nghiệm [tính không phổ biến] hơn là tính bất tất [tính không tất yếu] trong các phán đoán, hay là dễ thấy rõ [chứng minh] tính phổ biến không bị hạn chế mà ta gán cho một phán đoán hơn là tính tất yếu của nó, do đó điều nên làm là cứ sử dụng hai tiêu chuẩn (Kriterien) được suy tưởng nói trên một cách riêng lẻ, dù mỗi tiêu chuẩn tự nó là không thể thiếu.
Chứng minh rằng trong nhận thức của con người thực sự có các phán đoán tất yếu và phổ biến theo nghĩa chặt chẽ nhất như thế, - do đó, là các phán đoán thuần túy tiên nghiệm - là điều dễ dàng. Nếu muốn lấy một ví dụ từ trong các khoa học, người ta chỉ cần nhìn vào mọi mệnh đề của toán học; nếu muốn có ví dụ từ việc sử dụng giác tính thông thường nhất, mệnh đề “mọi sự biến đổi đều phải có một nguyên nhân” có thể phục vụ cho điều ấy. | Vâng, quả thật trong mệnh đề này, bản thân khái niệm về “một nguyên nhân” chứa đựng rõ ràng khái niệm về một sự tất yếu phải nối kết với một kết quả và về tính phổ biến chặt chẽ của quy luật; và quy luật này sẽ hoàn toàn mất đi, nếu người ta muốn rút nó ra, như HUME ** đã làm, từ sự kết nối (Beigesellung) [liên tưởng] thường xuyên của cái gì đang xảy ra với cái đã xảy ra trước và từ một thói quen nảy sinh từ sựliên tưởng để nối kết các biểu tượng lại với nhau (do vậy chỉ là tính tất yếu chủ quan đơn thuần).
{**David Hume: (1711-76) triết gia Anh, đề xướng thuyết hoài nghi. (N.D).}
Ta cũng có thể không cần đến các ví dụ như vậy để chứng minh tính thực tại của các
nguyên tắc thuần túy tiên nghiệm trong nhận thức của chúng ta mà vẫn làm rõ một cách tiên nghiệm sự cần thiết không thể thiếu được của thực tại này cho khả thể của bản thân kinh nghiệm. Bởi vì từ đâu bản thân kinh nghiệm có được sự xác tín, nếu mọi quy luật mà kinh nghiệm tuân theo bao giờ cũng chỉ có tính thường nghiệm, tức bất tất [ngẫu nhiên, không tất yếu/zufällig] khiến ta khó có thể để cho chúng có giá trị như các nguyên tắc đầu tiên được*.
{*Các Nguyên tắc đầu tiên (die ersten Grundstze): còn được Kant gọi là các “Anfangsgrnde” [các cơ sở đầu tiên] (Vd: trong tác phẩm: “Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên - Metaphysische Anfangsgrnde der Naturwissenschaft - 1786), là cách dịch sang tiếng Đức thuật ngữ gốc La tinh: elementa vào thế kỷ 18: các nguyên tắc tuyệt đối thuần túy tiên nghiệm, không bắt nguồn từ kinh nghiệm. (N.D).}
Riêng ở bước đầu này, ta có thể tạm vừa lòng với việc khẳng định có sự sử dụng thuần túy của quan năng nhận thức nơi ta như là một sự kiện có thực (Tatsache) cùng với các đặc điểm của nó [là tính tất yếu và tính phổ biến]. Nhưng không chỉ trong những phán đoán, mà ngay cả trong những khái niệm (Begriffe) cũng cho thấy một số khái niệm là có nguồn gốc tiên nghiệm. Các bạn hãy lần lượt tước bỏ hết tất cả những gì là thường nghiệm trong khái niệm thường nghiệm về một vật thể: màu sắc, tính cứng hay mềm, trọng lượng và cả tính không thể thâm nhập, thì vẫn còn lại không gian mà vật thể ấy (bây giờ đã hoàn toàn biến mất) đã chiếm chỗ là cái các bạn không thể nào lược bỏ [trong tư tưởng] được. Cũng thế, từ khái niệm thường nghiệm về một đối tượng bất kỳ, là vật thể hay không phải vật thể, các bạn lược bỏ mọi thuộc tính do kinh nghiệm mang lại, các bạn vẫn không thể lược bỏ chính điều đã cho phép các bạn suy tưởng về nó như một bản thể (Substanz) hoặc như cái gì tùy thuộc vào một bản thể [tùy thể] (mặc dù khái niệm “bản thể” chứa đựng nhiều quy định hơn là khái niệm về một đối tượng nói chung). Vậy, từ sự tất yếu mà khái niệm này [bản thể] đã áp đặt lên các bạn, các bạn phải thừa nhận rằng khái niệm [bản thể] có mặt trong quan năng nhận thức của các bạn một cách tiên nghiệm.
III.
TRIẾT HỌC CẦN CÓ MỘT MÔN KHOA HỌC XÁC ĐỊNH KHẢ THỂ, CÁC NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI CỦA MỌI NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM
Điều muốn nói xa hơn tất cả những gì trên đây, chính là sự kiện: một số nhận thức lại rời bỏ lãnh vực của mọi kinh nghiệm có thể có và có vẻ mở rộng phạm vi các phán đoán của chúng ta ra khỏi mọi ranh giới của kinh nghiệm bằng các khái niệm mà không một đối tượng tương ứng nào ở trong kinh nghiệm có thể được mang lại.
Và chính trong các nhận thức đi ra khỏi thế giới cảm tính này, nơi kinh nghiệm không thể mang lại manh mối lẫn sự điều chỉnh nào, cũng là nơi diễn ra các nỗ lực nghiên cứu của lý tính chúng ta; các nghiên cứu mà về tính quan trọng được ta xem là ưu tiên hơn, còn về mục đích tối hậu của chúng là cao cả hơn tất cả những gì giác tính có thể học hỏi trong lãnh vực những hiện tượng; do đó bất chấp nguy cơ phạm sai lầm, ta dám liều lĩnh tất cả hơn là chịu từ bỏ các nỗ lực nghiên cứu tha thiết ấy vì bất cứ lý do nào, dù là sự e ngại, xem nhẹ hoặc thờ ơ. Các vấn đề không thể tránh khỏi này của bản thân lý tính thuần túy là: THƯỢNG ĐẾ, TỰ DO [CỦA Ý CHÍ] và SỰ BẤT TỬ [CỦA LINH HỒN]. Nhưng, môn khoa học mà mục đích tối hậu - với mọi sự trang bị - chỉ nhắm vào việc giải quyết các vấn đề ấy chính là SIÊU HÌNH HỌC, môn học đã tự tin đứng ra đảm nhận việc thực hiện, với phương pháp ngay từ đầu là giáo điều, tức là, không có sự kiểm tra trước đó về năng lực (Vermögen) hay sự bất lực (Unvermögen) của lý tính đối với công việc lớn lao như thế*.
{*Đoạn từ: “Những vấn đề...... lớn lao như thế” là được Kant viết thêm vào cho bản B. (N.D).}
Điều có vẻ tự nhiên là, khi đã rời bỏ mảnh đất của kinh nghiệm, người ta không thể xây dựng ngay lập tức một tòa nhà bằng những nhận thức đang có và không biết chúng từ đâu đến, cũng như tin cậy vào những nguyên tắc không rõ gốc gác, nếu trước đó không được đảm bảo vững chắc về nền móng của chúng bằng các nghiên cứu kỹ lưỡng, nghĩa là đúng ra người ta từ lâu đã phải nêu câu hỏi rằng giác tính có thể đi đến được tất cả các nhận thức tiên nghiệm này bằng cách nào và đâu là phạm vi, tính hiệu lực và giá trị của chúng. Trong thực tế, đó là điều không có gì tự nhiên hơn, nếu ta hiểu chữ “tự nhiên” là cái gì phải xảy ra một cách chính đáng và hợp lý; nhưng nếu hiểu tự nhiên là cái gì thường xảy ra, thì lại không có gì tự nhiên và dễ hiểu hơn là việc nghiên cứu ấy đã - từ quá lâu - không được tiến hành. Bởi lẽ, một bộ phận của các nhận thức này, với tư cách là nhận thức toán học, đã có được tính đáng tin cậy từ xa xưa, qua đó tạo nên sự chờ đợi rằng cũng sẽ có sự thuận lợi như thế cho các bộ phận nhận thức khác, dù chúng có bản tính hoàn toàn khác biệt. Vả lại, khi đi ra khỏi vòng kinh nghiệm, người ta chắc rằng sẽ không bị kinh nghiệm phản bác. Sự hấp dẫn nhằm mở rộng các nhận thức là quá lớn khiến người ta chỉ có thể bị chựng lại trong bước tiến lên của mình khi vấp phải mâu thuẫn rõ ràng. Mâu thuẫn này là có thể tránh được nếu người ta chỉ cần thận trọng hơn đối với các ảo tưởng của mình, dù không phải nhờ vậy mà chúng bớt là các ảo tưởng. Toán học cho ta điển hình rực rỡ về việc ta có thể đi xa đến đâu trong nhận thức tiên nghiệm, độc lập với kinh nghiệm. Toán học chỉ nghiên cứu các đối tượng và nhận thức trongchừng mực chúng được diễn tả trong trực quan.
Nhưng tình hình đó rất dễ không được chú ý, vì bản thân trực quan được suy tưởng [trong toán học] cũng có thể được mang lại một cách tiên nghiệm, nên khó phân biệt với một khái niệm thuần túy đơn thuần [khái niệm suông của Siêu hình học]. Bị quyến rũ bởi bằng chứng như thế về sức mạnh của lý tính, lòng khao khát muốn mở rộng nhận thức không còn thấy ranh giới nào nữa. Con chim bồ câu nhẹ nhàng khi rẽ không khí để tung bay vẫn còn cảm thấy sức cản, nên tưởng rằng có thể thành công hơn nhiều trong cõi chân không! Cũng giống như thế, PLATON* đã rời bỏ thế giới cảm tính vì nó đặt giác tính trong những giới hạn chật chội để, trên đôi cánh của các Ý niệm, ông liều lĩnh vượt khỏi thế giới ấy, bay bổng vào không gian trống không của giác tính thuần túy.
{*Platon: (427-347 TCN): đại triết gia Hy Lạp cổ đại. (N.D).}
Ông không nhận ra rằng với các nỗ lực ấy, ông sẽ không đạt được gì, vì không có chỗ tựa làm nền móng để trên đó ông có thể đứng vững và vận dụng sức lực để nâng giác tính lên khỏi chỗ của nó. Số phận thông thường của lý tính con người trong tư biện là muốn xây xong ngôi nhà càng sớm càng tốt và sau đó mới xem xét liệu nền móng có vững chắc không. Nhưng bấy giờ, hoặc người ta tìm cách tô điểm để tự an ủi về tính đắc dụng của nó, hoặc tốt hơn là tránh hẳn công việc thẩm định muộn màng và nguy hiểm kia. Tuy nhiên, điều sẽ giúp ta thoát khỏi mọi lo lắng và nghi ngại trong khi xây nhà cũng như không tự đánh lừa về sự vững chắc giả tạo, chính là sự xem xét sau đây: một phần lớn, và có lẽ là phần lớn nhất trong các công việc của lý tính chúng ta là nhằm tháo rời [phân tích] (Zer-gliederung) những khái niệm mà ta đã có về đối tượng. Việc phân tích này mang lại cho ta khá nhiều nhận thức, dù chúng không gì khác hơn là những sự giải thích hay làm sáng tỏ những gì đã được suy tưởng (tuy bằng cách còn mù mờ) trong những khái niệm ấy. | Tuy về mặt hình thức, chúng được đánh giá như các tri thức mới mẻ, nhưng về mặt chất liệu hay nội dung, chúng không mở rộng những khái niệm ta đang có mà chỉ tháo rời [phân tích] chúng ra thôi. Vì lẽ phương pháp này quả có mang lại nhận thức thực sự tiên nghiệm, có bước tiến lên vững chắc và hữu ích, nên lý tính - một cách vô tình - lén lút đưa lẫn vào trong các tri thức phỉnh phờ ấy những khẳng định thuộc loại hoàn toàn khác, tức lý tính đưa thêm các khái niệm hoàn toàn xa lạ vào cho những khái niệm sẵn có và cũng bằng một cách tiên nghiệm mà không hề biết lý tính bằng cách nào đi đến được với chúng cũng như không hề để cho một câu hỏi như thế được gợi lên trong tư tưởng. Vì vậy, trước hết, tôi muốn bàn về sự khác nhau giữa hai phương cách nhận thức này.
IV.
VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA PHÁN ĐOÁN PHÂN TÍCH VÀ PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP
Trong mọi phán đoán, quan hệ của chủ ngữ (Subjekt) với vị ngữ (Prädikat) được suy tưởng (tôi chỉ xét những phán đoán khẳng định, vì việc áp dụng vào những phán đoán phủ định sau đó cũng dễ dàng). | Quan hệ này có thể có được bằng hai cách. Hoặc vị ngữ B thuộc về chủ ngữ A như là cái gì đã được chứa đựng sẵn trong khái niệm A (dù một cách kín đáo); hoặc B hoàn toàn nằm bên ngoài khái niệm A, dù được nối kết với khái niệm này. Trong trường hợp trước, tôi gọi phán đoán là phân tích; trong trường hợp sau là tổng hợp. Vậy, những phán đoán phân tích (có tính khẳng định) là những phán đoán trong đó sự nối kết của vị ngữ với chủ ngữ được suy tưởng bằng sự đồng nhất (Identität); còn những phán đoán nào trong đó sự nối kết được suy tưởng không có sự đồng nhất là những phán đoán tổng hợp. Ta cũng có thể gọi những phán đoán phân tích là phán đoán giải thích (Erläuterungsurteil), những phán đoán tổng hợp là phán đoán mở rộng (Erwei-terungsurteil) bởi vì, trong phán đoán trước, vị ngữ không bổ sung gì cho khái niệm của chủ ngữ mà chỉ tách nó ra thành những khái niệm nhỏ [bộ phận] vốn đã được suy tưởng sẵn trong chủ ngữ (dù còn hỗn độn); trái lại, trong phán đoán sau, một vị ngữ được thêm vào cho các khái niệm của chủ ngữ vốn chưa được suy tưởng trong chủ ngữ và dù có phân tích bao nhiêu đi nữa cũng không thể rút ra được. Chẳng hạn khi tôi nói: “Mọi vật thể đều có quảng tính”*, đó là một phán đoán phân tích. Vì tôi không được phép đi ra ngoài khái niệm được nối kết với “vật thể” để tìm “quảng tính” như cái gì gắn liền với nó mà chỉ phân tích khái niệm “vật thể”, nghĩa là tôi chỉ tự ý thức về cái đa tạp mà tôi lúc nào cũng suy tưởng trong khái niệm ấy là tìm gặp ngay thuộc tính này ở trong nó; bởi vậy là một phán đoán phân tích. Ngược lại, khi tôi nói: “Mọi vật thể đều nặng”, thuộc tính [hay vị ngữ] “nặng” là cái gì hoàn toàn khác với những gì tôi đã suy tưởng trong khái niệm về “vật thể”. Việc thêm vào một thuộc tính như thế mang lại một phán đoán tổng hợp.
Những phán đoán kinh nghiệm (Erfahrungsurteile) đúng nghĩa, nhìn chung đều có tính tổng hợp. Vì thật vô lý khi đặt một phán đoán phân tích trên cơ sở kinh nghiệm, bởi tôi không được phép đi ra khỏi khái niệm của tôi để hình thành phán đoán nên không cần đến bằng chứng nào của kinh nghiệm cho việc này cả. “Một vật thể là có quảng tính” là một mệnh đề đứng vững một cách tiên nghiệm chứ không phải một phán đoán kinh nghiệm. Vì, trước khi tôi đi đến với kinh nghiệm, tôi đã có mọi điều kiện cho phán đoán của tôi ngay bên trong khái niệm, từ đó tôi có thể rút ra thuộc tính này theo nguyên tắc [lôgíc] về mâu thuẫn là ý thức ngay được tính tất yếu của phán đoán mà kinh nghiệm không bao giờ có thể dạy bảo cho tôi được*.
{*Quảng tính (Ausdehnung) (còn có thể được dịch là “trương độ”, “hậu lượng”) chỉ việc chiếm một khoảng không gian của vật thể. Quảng tính, hình thể (Gestalt), và tính không thể thâm nhập được (Undurchdringlichkeit)... thường được xem là các thuộc tính cơ bản của “vật thể” ở ngoài ta trong triết học cổ điển. Nhưng cần chú ý, với Kant, Quảng tính(cũng như hình thể...) không phải là thuộc tính “tự thân” của bản thân sự vật ở ngoài ta, độc lập với cảm năng, trái lại, là các khái niệm được hình thành từ sự tổng hợp của cảm năng thông qua trực quan thuần túy về không gian. Điều này sẽ rõ hơn ở phần Cảm năng học siêu nghiệm. (Xem B35, 202, 203, 340, 555...). (N.D).
*[Đoạn từ: “Những phán đoán kinh nghiệm...... dạy bảo cho tôi được” là được thêm vào cho bản B. Đoạn tương ứng (đã bị lược bỏ) trong bản A như sau:]}
Ngược lại, dù tôi chưa bao hàm thuộc tính “nặng” trong khái niệm về một vật thể nói chung, khái niệm này vẫn biểu thị một đối tượng của kinh nghiệm thông qua một bộ phận của kinh nghiệm, rồi [sau đó] tôi có thể đưa thêm vào các bộ phận khác của kinh nghiệm như những gì cũng thuộc về bộ phận trước. Trước đó, bằng cách phân tích, tôi đã có thể nhận thức khái niệm về “vật thể” bằng các đặc điểm như quảng tính, tính không thể thâm nhập được, hình thể, v.v... vốn đã được suy tưởng trong khái niệm này. Bây giờ tôi mở rộng nhận thức của tôi, và bằng cách nhìn trở lại kinh nghiệm từ đó tôi đã rút ra khái niệm “vật thể”, tôi thấy thuộc tính “nặng” bao giờ cũng gắn liền với các đặc điểm trước đây, cho nên tôi bổ sung thêm đặc điểm “nặng” như một thuộc tính [mới] vào cho khái niệm trên một cách tổng hợp. Vậy, bây giờ chính kinh nghiệm [bản A: về cái X nằm ngoài khái niệm A] mới là cơ sở cho khả thể của việc mở rộng thuộc tính “nặng” vào cho khái niệm “vật thể”, vì lẽ cả hai khái niệm, dù cái này không chứa đựng sẵn trong cái kia vẫn thuộc về nhau như là các bộ phận của một toàn bộ, tức cũng là của kinh nghiệm vốn bản thân là sự nối kết tổng hợp của các trực quan, dù sự nối kết này chỉ diễn ra một cách bất tất [ngẫu nhiên, zufällig]*.
{*Câu: “Vì lẽ cả hai khái niệm...... một cách bất tất” là được thêm vàocho bản B.(N.D).}
Từ đó rõ ràng là: 1. Thông qua những phán đoán phân tích, nhận thức của ta không hề được mở rộng, trái lại, khái niệm mà tôi đã có chỉ được tháo rời ra và giúp cho bản thân tôi hiểu được nó. 2. Đối với những phán đoán tổng hợp, thì ngoài khái niệm về chủ ngữ, tôi phải có một cái khác nữa (cái X), trên đó giác tính dựa vào để có thể nhận thức một thuộc từ tuy không nằm sẵn trong khái niệm nhưng lại được xem như thuộc về khái niệm ấy.
Nơi những phán đoán kinh nghiệm hay thường nghiệm thì không hề có khó khăn này. Bởi cái X này là kinh nghiệm hoàn chỉnh về đối tượng được tôi suy tưởng thông qua một khái niệm A; khái niệm này chỉ là một bộ phận của kinh nghiệm trên.
Nhưng, đối với những PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM, phương tiện hỗ trợ này [từ kinh nghiệm] là hoàn toàn thiếu. Nếu tôi muốn đi ra khỏi khái niệm A để nhận thức một cái B khác như là cái nối kết với nó, cái gì làm chỗ dựa cho tôi và sự tổng hợp này có thể có được thông qua cái gì? bởi ở đây tôi không còn có thuận lợi là đi tìm nó đâu đó ở trong lãnh vực kinh nghiệm. Hãy lấy mệnh đề sau làm ví dụ: “Mọi cái gì xảy ra đều có nguyên nhân”. Trong khái niệm về “cái gì xảy ra”, tôi cùng lắm có thể suy tưởng về một tồn tại có một thời gian đi trước nó, v.v… để từ đó rút ra các phán đoán phân tích. Nhưng khái niệm về một nguyên nhân lại hoàn toàn nằm bên ngoài khái niệm này, và biểu thị một cái gì khác hẳn với “cái xảy ra”, do đó không hề được chứa đựng sẵn trong biểu tượng này. Bằng cách nào tôi đi đến chỗ nói được về cái gì hoàn toàn khác với cái xảy ra, và nhận thức khái niệm “nguyên nhân” tuy không chứa đựng sẵn trong khái niệm trước nhưng lại được xem là thuộc về nó và thậm chí thuộc về một cách tất yếu? Ở đây, Cái KHÔNG ĐƯỢC BIẾT = X (das Unbekannte = X) đó là cái gì để cho giác tính dựa vào khi nó tin rằng đã tìm ra được một thuộc tính B xa lạ bên ngoài khái niệm A và lại cho rằng chúng được nối kết với nhau? Không thể là kinh nghiệm được, vì chính nguyên tắc được nêu trên đây [nguyên tắc nhân quả] - không chỉ với tính phổ biến lớn hơn [mà kinh nghiệm không thể mang lại] mà cả biểu hiện về tính tất yếu hoàn toàn tiên nghiệm từ các khái niệm đơn thuần - là cái đã thêm biểu tượng thứ hai [nguyên nhân] vào cho biểu tượng thứ nhất [cái gì xảy ra].
Toàn bộ mục đích tối hậu (Endabsicht) của nhận thức tư biện tiên nghiệm của chúng ta là đặt nền tảng trên những nguyên tắc tổng hợp tức là mở rộng như vậy; bởi vì những phán đoán phân tích tuy là hết sức quan trọng và cần thiết để đạt được sự sáng sủa (Deutlichkeit) của các khái niệm; - sự sáng sủa cần thiết cho một sự tổng hợp mở rộng chắc chắn hơn, - nhưng [tự nó] không đưa lại sở đắc (Erwerb) thực sự mới mẻ.
[Bản A thêm một đoạn - đã bị lược bỏ - như sau:]
Vậy, ở đây ẩn giấu một sự bí mật nào đó(1)mà chỉ có sự khai mở bí mật này mới có thể làm cho sự tiến bộ trong lãnh vực vô giới hạn của nhận thức giác tính thuần túy được vững chắc và đáng tin cậy; đó là, với tính phổ biến vốn có, phát hiện cho được cơ sở cho khả thể của những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm và nhận chân các điều kiện làm cho một loại nhận thức như thế có thể có được; và không chỉ biểu thị toàn bộ nhận thức này (vốn tạo nên một chủng loại - Gattung - riêng) trong một hệ thống dựa theo các nguồn suối nguyên thủy, các bộ phận, phạm vi và các ranh giới của nó bằng một sự phác họa sơ sài, trái lại cần xác định nó một cách hoàn chỉnh, đồng thời cũng đầy đủ cho việc sử dụng về nó. Trở lên là những nét sơ bộ về đặc điểm riêng có của những phán đoán tổng hợp.
(1)Giả thử chỉ cần một trong những triết gia ngày xưa biết gợi nên vấn đề này thì ắt chỉ riêng vấn đề này thôi cũng đủ sức đề kháng lại một cách mạnh mẽ tất cả các hệ thống của lý tính thuần túy cho tới tận thời đại chúng ta, và đã tiết giảm được biết bao thử nghiệm huênh hoang đã được tiến hành một cách mù quáng do chỗ người ta không biết thực sự họ phải làm gì.
[Bản A tiếp tục từ câu đầu của mục 7 trong bản B].
V.
TRONG MỌI MÔN KHOA HỌC LÝ THUYẾTCỦA LÝ TÍNH *ĐỀU CÓ CHỨA ĐỰNG NHỮNG PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM NHƯ LÀ CÁC NGUYÊN TẮC
1. Những phán đoán toán học, nhìn chung, đều có tính tổng hợp. Câu nói này có vẻ xa rời với các nhận xét của các nhà phân tích về lý tính con người trước nay, thậm chí trái ngược hẳn với mọi phỏng đoán của họ, dù nó đúng đắn một cách không thể chối cãi và rất quan trọng về hệ quả. Bởi lẽ, nếu ta đã thấy rằng các suy luận của những nhà toán học đều tiến hành dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn** (do bản tính tự nhiên của mọi sự xác tín hiển nhiên - apodiktische Gewissheit - đòi hỏi), người ta đã tưởng rằng các nguyên tắc [toán học] cũng có thể được nhận thức từ nguyên tắc mâu thuẫn; đây là chỗ lầm lẫn vì một mệnh đề tổng hợp tuy có thể được nhận ra theo nguyên tắc mâu thuẫn, nhưng chỉ có thể như thế khi có một mệnh đề tổng hợp khác làm tiền đề để từ đó mệnh đề trên được rút ra chứ không bao giờ tự nơi bản thân nó.
{*“Các khoa học lý thuyết của lý tính” (theoretische Wissenschaften der Vernunft): (có thể nói gọn là: các khoa học thuần lý) là các khoa học, theo Kant, chỉ dựa vào lý tính chứ không (Vd Toán học) hoặc không hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm (Vd: Vật lý học). Xem BX (Lời Tựa 2) và mục B3.3.4 của “Chú giải dẫn nhập”. (N.D).
**Nguyên tắc mâu thuẫn (Satz des Widerspruchs; La tinh: principium contra-dictionis): thật ra phải gọi là nguyên tắc loại trừ hoặc ngăn cấm mâu thuẫn. Một trong các nguyên tắc cơ bản của Lôgíc hình thức (“Lôgíc học phổ biến”, theo cách gọi của Kant) do Aristoteles nêu ra, theo đó các mệnh đề mâu thuẫn nhau không thể cùng đúng; và thường được phát biểu như sau: “Cùng một thuộc tính không thể đồng thời thuộc về và không thuộc về một đối tượng”. (Sự phủ định của A là sai, nếu bản thân A là đúng). Xem thêm ý kiến phê phán của Kant đối với nguyên tắc này ở B190-193). (N.D).}
Trước hết, phải chú ý rằng: những mệnh đề toán học đích thực bao giờ cũng là những mệnh đề tiên nghiệm chứ không phải thường nghiệm, vì chúng mang theo tính tất yếu không thể được rút ra từ kinh nghiệm. Nhưng nếu người ta không chịu như thế, cũng không sao, vậy tôi xin giới hạn mệnh đề của tôi chỉ trong toán học thuần túy thôi mà ngay khái niệm của nó [tên gọi “thuần túy”] đã ngụ ý rằng nó không chứa đựng nhận thức thường nghiệm nào, trái lại chỉ toàn là nhận thức thuần túy tiên nghiệm.
Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ rằng: mệnh đề 7+5=12 chỉ là một mệnh đề phân tích đơn thuần, rút ra từ khái niệm về một tổng của 7 và 5 dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn. Chỉ có điều, nếu xem xét mệnh đề ấy kỹ hơn, người ta sẽ thấy rằng khái niệm về tổng của 7 và 5 không chứa đựng điều gì khác hơn là sự hợp nhất của hai con số này trong một con số duy nhất, nhưng qua đó hoàn toàn không hề được suy tưởng về con số duy nhất nào bao hàm cả hai con số kia. Khái niệm về con số 12 không hề được suy tưởng ngay khi tôi chỉ suy tưởng về sự hợp nhất của 7 và 5, và dù tôi có phân tích khái niệm của tôi về một tổng có thể có ấy bao nhiêu đi nữa, tôi cũng sẽ không thể tìm gặp được trong đó con số 12. Người ta phải đi ra khỏi các khái niệm này bằng cách nhờ đến sự trợ giúp của trực quan tương ứng với một trong hai số đó, chẳng hạn nhờ năm ngón tay, hay (như Segner trong môn Số học của ông) nhờ năm điểm; rồi dần dần đem các đơn vị trong con số 5 được mang lại trong trực quan thêm vào cho khái niệm về số 7. Vì [trong mệnh đề này] trước hết tôi lấy con số 7, nên bằng cách nhờ vào các ngón tay trong bàn tay như là trực quan cho khái niệm về số 5, tôi đem các đơn vị mà trước đó đã được tập hợp để tạo ra con số 5 thêm dần vào cho số 7 dựa trên hình ảnh [cụ thể của bàn tay tôi], và qua đó tôi thấy con số 12 xuất hiện ra. 5 phải thêm vào cho 7 là điều tôi đã suy tưởng trong khái niệm về một tổng = 7+5, nhưng không hề suy tưởng rằng tổng này phải bằng con số 12. Vậy, mệnh đề số học bao giờ cũng có tính tổng hợp, điều người ta càng thấy rõ khi lấy những con số lớn hơn, vì trong trường hợp đó rõ ràng là, nếu không nhờ trực quan giúp đỡ và chỉ dựa vào sự phân tích đơn thuần các khái niệm, dù ta có xoay trở các khái niệm bao nhiêu theo ý muốn thì cũng không bao giờ tìm ra được tổng số.
Cũng vậy, không có nguyên tắc nào của Hình học thuần túy lại có tính phân tích. Mệnh đề: “đường thẳng giữa hai điểm là đường ngắn nhất” là một mệnh đề tổng hợp. Vì khái niệm của tôi về “thẳng” không chứa đựng khái niệm nào về lượng [tức độ ngắn/dài] mà chỉ khái niệm về một chất [tính thẳng]. Khái niệm về cái “ngắn nhất” ấy là cái gì hồn tồn được thêm vào chứ không thể được rút ra từ sự phân tích khái niệm “đường thẳng”. Rõ ràng ở đây cần có sự trợ giúp của trực quan, và chỉ nhờ nó, sự tổng hợp mới có thể có được.
Một số ít nguyên tắc được các nhà hình học giả định tiên quyết như các tiền đề [tiền giả định] (voraussetzen) đúng là có tính phân tích và dựa trên nguyên tắc mâu thuẫn; nhưng chúng chỉ phục vụ như các mệnh đề đồng nhất cho chuỗi của phương pháp chứ không như các nguyên tắc, Vd: a=a, cái tồn bộ là bằng với chính nó, hoặc (a+b)>a, tức là cái tồn bộ là lớn hơn bộ phận của nó. Thế nhưng, ngay các mệnh đề này tuy có giá trị là nhờ dựa vào các khái niệm đơn thuần, nhưng sở dĩ được chấp nhận trong toán học cũng là vì chúng có thể được diễn tả trong trực quan. Điều làm cho ta ngỡ rằng ở đây, thuộc tính của các phán đoán hiển nhiên ấy vốn nằm sẵn trong khái niệm của ta nên phán đoán là có tính phân tích, là do tính nước đôi (Zweideutigkeit) của thuật ngữ. Thật vậy, đối với một khái niệm được cho, ta phải suy tưởng thêm (hinzudenken) một thuộc tính nào đó vào cho nó và sự tất yếu này gắn chặt với các khái niệm. Nhưng vấn đề không phải là những gì ta phải suy tưởng thêm vào cho khái niệm được cho, mà là những gì ta đã thực sự suy tưởng ở bên trong nó, dù còn tối tăm [mù mờ], do đó, ta thấy thuộc tính tuy thiết yếu gắn liền với khái niệm, nhưng không phải như được suy tưởng ngay trong bản thân khái niệm mà là nhờ một trực quan phải được thêm vào cho khái niệm.
2. Khoa học tự nhiên (Vật lý học) cũng chứa đựng bên trong nó các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm như là các nguyên tắc. Tôi chỉ nêu một cặp mệnh đề làm ví dụ, như: “Trong mọi biến đổi của thế giới vật thể, lượng của vật chất không biến đổi” hay: “Trong mọi thông báo (Mitteilung) về vận động, tác động và phản tác động bao giờ cũng phải bằng nhau”. Nơi cả hai mệnh đề này, không chỉ tính tất yếu, tức nguồn gốc tiên nghiệm mà cả việc chúng là những mệnh đề tổng hợp là rất rõ ràng. Bởi vì, trong khái niệm về “vật chất”, tôi không suy tưởng về tính thường tồn (Beharrlichkeit) [tức không thay đổi về lượng] mà chỉ suy tưởng đơn thuần về sự hiện diện của nó trong không gian do sự lấp đầy của nó. Vậy là tôi thực sự đi ra ngoài khái niệm về “vật chất” để suy tưởng thêm cho nó một cái gì tiên nghiệm mà tôi suy tưởng. Như thế, mệnh đề này không được suy tưởng một cách phân tích, mà là tổng hợp, nhưng lại là tiên nghiệm, và những mệnh đề còn lại của phần thuần túy trong khoa học tự nhiên cũng đều như vậy cả.
3. Siêu hình học,- nếu ta xem nó đến nay cũng chỉ mới là một khoa học được thử nghiệm*, dù là một khoa học không thể thiếu được do bản tính tự nhiên của lý tính con người đòi hỏi - ắt phải chứa đựng những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm. | Nhiệm vụ của Siêu hình học không phải là tháo rời và qua đó, giải thích một cách phân tích những khái niệm mà ta đã tạo ra một cách tiên nghiệm về những sự vật; trái lại, do mong muốn mở rộng các nhận thức tiên nghiệm, ta phải sử dụng các nguyên tắc để thêm vào cho khái niệm được cho những gì đã không được chứa đựng sẵn trong nó, và bằng những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, ta đi rất xa ra khỏi những khái niệm mà bản thân kinh nghiệm cũng không thể theo kịp, chẳng hạn trong mệnh đề: “Thế giới [vũ trụ] phải có một khởi điểm đầu tiên”, v.v…; như thế tức là ít nhất về mặt ý đồ, Siêu hình học bao gồm toàn những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm.
{*“Siêu hình học mới là một khoa học được thử nghiệm” [đang được tìm kiếm]: Xem: Mục 1.4.2.1 (Chú thích 2) của “Chú giải dẫn nhập” cho LờiTựa I. (N.D).}
VI.
VẤN ĐỀ CHỦ YẾU *CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY
Người ta đã đạt được rất nhiều điều một khi có thể đưa một số lượng lớn các nghiên cứu [riêng lẻ] vào trong công thức chung của một vấn đề duy nhất. Vì qua đó, không chỉ tự làm cho công việc nghiên cứu của riêng mình được dễ dàng vì xác định nó một cách chính xác, mà còn giúp cho bất cứ ai khác muốn kiểm tra công việc cũng dễ đánh giá xem dự định nghiên cứu của ta đã đạt yêu cầu hay không. Vậy, vấn đề đích thực (eigentlich) của lý tính thuần túy được chứa đựng trong câu hỏi [duy nhất] sau đây: LÀM SAO CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC NHỮNG PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM?
{*“Allgemeine Aufgabe”: vấn đề (chữ “Aufgabe” cũng còn có nghĩa là “vấn đề đặt ra như là nhiệm vụ” - “aufgegeben”) phổ biến hay tổng quát, chung nhất. Chúng tôi dịch là “vấn đề chủ yếu” cho dễ hiểu và có ý nhấn mạnh. (N.D).}
Sở dĩ môn Siêu hình học cho tới nay vẫn còn ở trong tình trạng bấp bênh của sự thiếu vững chắc và đầy các mâu thuẫn là phải quy về cho nguyên nhân duy nhất sau đây: người ta đã không sớm nhận ra vấn đề [chủ yếu] này và có lẽ cả sự khác nhau giữa phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp. Sự đứng vững hay sụp đổ của Siêu hình học là dựa trên việc giải quyết vấn đề này hay là, dựa trên chứng minh thỏa đáng rằng khả thể mà vấn đề này đòi hỏi [tức có các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm trong Siêu hình học] là hoàn không thể có được trong thực tế. Trong số các triết gia, DAVID HUME là người đã tiến đến gần [việc giải quyết] vấn đề này nhất, nhưng do ông không suy nghĩ về nó một cách chính xác đúng mức cũng như trong tính phổ biến [toàn diện], nên đã chỉ dừng lại ở mệnh đề tổng hợp về sự nối kết của kết quả với nguyên nhân (Principium causalitatis - La tinh: nguyên tắc nhân quả), từ đó tin rằng một mệnh đề tiên nghiệm như thế là hoàn toàn không thể có được; và theo các suy luận của ông, tất cả những gì ta gọi là Siêu hình học rút cục chỉ là một ảo tưởng đơn thuần của nhận thức lý tính sai lầm, vì [theo ông] thực ra những gì lý tính đã vay mượn từ trong kinh nghiệm thì lại do thói quen, lý tính đã cho chúng mang vẻ ngoài của tính tất yếu. | Ông chắc hẳn không bao giờ đưa ra khẳng định có tính phá hủy mọi triết học thuần túy như vậy, nếu ông xem xét vấn đề của chúng ta trong tính phổ biến của nó, bởi ông sẽ nhận ra ngay rằng, theo lập luận của ông, cũng sẽ không thể có được môn toán học thuần túy, vì toán học chứa đựng các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm; và chính trí tuệ sáng suốt của ông ắt sẽ ngăn cản ông trước một khẳng định như thế.
Giải quyết vấn đề trên đây cũng đồng thời bao hàm việc giải quyết khả thể của việc sử dụng lý tính thuần túy để đặt cơ sở và tiến hành mọi ngành khoa học khác có chứa đựng nhận thức lý thuyết tiên nghiệm về các đối tượng, tức đồng thời trả lời cho các câu hỏi:
+ LÀM THẾ NÀO TOÁN HỌC THUẦN TÚY CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC?
+ LÀM THẾ NÀO KHOA HỌC TỰ NHIÊN THUẦN TÚY CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC?
Vì các khoa học này đã có thực rồi, nên câu hỏi đúng hơn chỉ là: chúng đã có thể trở thành khoa học thuần túy như thế nào chứ việc chúng phải có thể trở thành khoa học đã được chứng minh bằng thực tế(1).
{(1).Đối với khoa học tự nhiên thuần túy có thể ta còn ít nhiều nghi ngờ về điều sau này [chứa đựng các nhận thức tiên nghiệm]. Nhưng chỉ cần xem xét kỹ các mệnh đề khác nhau xuất hiện ngay từ đầu trong vật lý học thực sự (thường nghiệm) như về tính thường tồn [không biến đổi] của lượng vật chất, về quán tính, về sự bằng nhau của tác động và phản tác động, v.v…, người ta sẽ thấy ngay rằng những mệnh đề ấy tạo thành một môn Vật lý học thuần túy hay thuần lý (physica pura hay rationalis), xứng đáng được trình bày tách rời như một khoa học riêng biệt dù rộng hay hẹp nhưng có phạm vi hoàn chỉnh của nó. }
Nhưng, riêng đối với Siêu hình học, chính tình trạng tồi tệ của nó cho đến nay, và do không một bước tiến lên duy nhất nào của nó cho đến nay liên quan đến mục đích cơ bản cho phép người ta có thể bảo rằng nó đã thực sự tồn tại, nên người ta có lý do để nghi ngờ cả khả năng tồn tại của Siêu hình học.
Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, loại nhận thức này cũng phải được thừa nhận là có thực, và Siêu hình học, dù chưa phải là một khoa học, thì ít ra cũng có thực như là THIÊN HƯỚNG TỰ NHIÊN (NATURANLAGE, META-PHYSICA NATURALIS). Bởi vì lý tính con người, không phải do lòng kiêu mạn muốn hiểu biết tất cả, nhưng do nhu cầu tự thân thúc đẩy, luôn tiến lên không ngừng nghỉ, đi tới những câu hỏi mà không một sự sử dụng kinh nghiệm nào của lý tính, tức không nguyên tắc nào được vay mượn từ kinh nghiệm có thể trả lời được, và vì thế, mỗi khi lý tính tự mở rộng để đi tới tư biện thì trong mọi con người bao giờ cũng đã và sẽ mãi mãi có mặt một Siêu hình học nào đó như là cái gì có thực. Chính từ một thứ Siêu hình học luôn luôn có thực trong mọi con người này mà có câu hỏi: “LÀM THẾ NÀO SIÊU HÌNH HỌC, NHƯ LÀ THIÊN HƯỚNG TỰ NHIÊN, CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC?” tức cũng là hỏi: các câu hỏi mà lý tính tự đặt ra cho chính mình và được chính nhu cầu của mình thúc đẩy để trả lời với tất cả khả năng là được nảy sinh ra như thế nào từ bản tính tự nhiên của lý tính con ngườinói chung?
Nhưng vì mọi cố gắng cho đến nay để trả lời các câu hỏi tự nhiên, chẳng hạn thế giới có một khởi đầu hay có tự vĩnh hằng, v.v… lúc nào cũng gặp phải các mâu thuẫn không thể tránh khỏi, nên người ta không thể thỏa mãn với thiên hướng tự nhiên đơn thuần hướng đến Siêu hình học, tức là với bản thân quan năng lý tính thuần túy lúc nào cũng nảy sinh một thứ Siêu hình học nào đó (tùy theo ý muốn của lý tính); trái lại, nhất thiết phải có khả năng cùng với nền Siêu hình học ấy đi đến sự xác tín rằng có hay không có sự hiểu biết về các đối tượng, tức là, hoặc đưa ra quyết định về các đối tượng của các câu hỏi của Siêu hình học, hoặc về năng lực và sự bất lực của lý tính trong việc phán đoán về các đối tượng ấy; nói khác đi, hoặc mở rộng lý tính thuần túy của ta một cách đáng tin cậy hoặc phải đặt ra cho nó các giới hạn (Schranken) nhất định và chắc chắn. Câu hỏi sau cùng thoát thai từ vấn đề chủ yếu nói trên chính là câu hỏi chính đáng sau đây: LÀM THẾ NÀO SIÊU HÌNH HỌC CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC NHƯ MỘT KHOA HỌC? (WIE IST METAPHY-SIK ALS WISSENSCHAFT MÖGLICH?)
Phê phán lý tính thuần túy, do đó, tất yếu sẽ dẫn đến [một nền Siêu hình học như là] KHOA HỌC; trái lại, sự sử dụng lý tính một cách giáo điều, không có Phê phán nhất thiết dẫn đến các khẳng định không có cơ sở mà lập trường có vẻ đối lập với nó nhất định sẽ dẫn tới thuyết hoài nghi (Skepti-zismus).
Khoa học này cũng có thể không có sự dài dòng lê thê đáng sợ vì nó không đi vào những đối tượng của lý tính mà tính đa tạp là vô tận, nhưng chỉ phải làm việc với chính bản thân nó, tức là với các vấn đề nảy sinh hoàn toàn từ chính trong lòng nó; và không phải do bản tính tự nhiên của những sự vật khác biệt với nó mà do chính bản tính tự nhiên của nó đặt ra. | Bởi vì, nếu một khi lý tính trước đó đã nhận biết một cách hoàn chỉnh năng lực của riêng nó đối với những đối tượng có thể xuất hiện ra cho nó trong kinh nghiệm, lý tính sẽ dễ dàng xác định một cách hoàn chỉnh và chắc chắn phạm vi và các ranh giới của việc thử sử dụng lý tính ra bên ngoài mọi ranh giới của kinh nghiệm.
Vậy, người ta có thể và phải xem mọi nỗ lực đã làm cho đến nay để xây dựng nền Siêu hình học một cách giáo điều như thể chưa từng xảy ra (ungeschehen); bởi lẽ những gì được phân tích trong nền Siêu hình học này hay nền Siêu hình học kia, tức là sự tháo rời đơn thuần các khái niệm vốn có sẵn một cách tiên nghiệm trong lý tính chúng ta, vẫn hoàn toàn chưa phải là mục đích mà chỉ là sự chuẩn bị cho Siêu hình học đích thực, tức là mở rộng các nhận thức tiên nghiệm một cách tổng hợp; việc phân tích ấy là vô dụng đối với mục đích này, vì nó chỉ cho thấy những gì được chứa đựng trong các khái niệm trên, chứ không cho thấy chúng ta làm thế nào đi đến được với các khái niệm như vậy một cách tiên nghiệm, để sauđó có thể xác định cả việc sử dụng các khái niệm này một cách có hiệu lực [chính đáng] đối với những đối tượng của mọi nhận thức nói chung. Một ít sự tự phủ nhận là cần thiết để từ bỏ tất cả các yêu sách này, vì các mâu thuẫn không thể phủ nhận được và cũng không thể tránh được của lý tính với chính nó trong phương pháp giáo điều đã từ lâu hủy hoại uy tín của mọi hệ thống Siêu hình học xuất hiện cho tới nay. Mặt khác, lại cần thiết có nhiều sự kiên định hơn để không lùi bước trước những khó khăn đến từ bên trong và sự chống đối đến từ bên ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của một môn khoa học không thể thiếu được của lý tính con người bằng một sự nghiên cứu khác hẳn, hoàn toàn ngược lại với trước nay; một môn khoa học - [Siêu hình học] - mà người ta có thể chặt bỏ mọi cành nhánh mọc ra từ thân cây nhưng không thể nào đốn bỏ tận gốc được.
VII.
Ý TƯỞNG VÀ SỰ PHÂN CHIA [NỘI DUNG] CỦA MỘT MÔN KHOA HỌC ĐẶC THÙ MANG TÊN PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY
Từ tất cả những điều nói trên mang lại Ý tưởng* về một khoa học đặc thù có thể mệnh danh là Phê phán lý tính thuần túy**.
{*Ý tưởng hay Ý niệm (Idee) về một khoa học: xem thêm B860-B862. (N.D).
**[Bản A thêm câu sau:] “Nhưng nhận thức được gọi là thuần túy khi nó không bị trộn lẫn với cái gì xa lạ. Đặc biệt, một nhận thức được gọi là tuyệt đối thuần túy khi trong đó tuyệt đối không có kinh nghiệm hay cảm giác nào trộn lẫn vào, do đó, có thể có được một cách hoàn toàn tiên nghiệm”.}
Lý tính là quan năng mang lại các Nguyên tắc của nhận thức tiên nghiệm. Vì thế, lý tính thuần túy là quan năng chứa đựng các Nguyên tắc để nhận thức cái gì một cách tuyệt đối tiên nghiệm (schlechthin a priori). Vậy, BỘ CÔNG CỤ (ORGANON) của lý tính thuần túy sẽ là tổng thể (Inbe-griff) những Nguyên tắc, theo đó mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm có thể đạt được và thực sự được hình thành. Việc áp dụng cặn kẽ một Bộ Công cụ như thế sẽ mang lại một Hệ thống của lý tính thuần túy. Nhưng vì điều này đòi hỏi rất nhiều thứ và hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu ở đây cũng có thể có một sự mở rộng nhận thức của ta hay không và có thể mở rộng trong những trường hợp nào; cho nên ta có thể xem một môn khoa học chỉ nhằm đánh giá đơn thuần về lý tính thuần túy, về các nguồn gốc và các ranh giới của nó như là môn Dự bị (Propädeutik) cho [bản thân] hệ thống của lý tính thuần túy. Môn dự bị như vậy chưa thể mang tên là một Học thuyết (Doktrin) mà chỉ mới là sự Phê phán lý tính thuần túy, và ích lợi của nó đối với sự tư biện (Spekulation) thực sựchỉ là tiêu cực (negativ), không nhằm phục vụ việc mở rộng mà chỉ làm trong sạch (Läuterung) lý tính chúng ta, giữ cho lý tính không rơi vào các sai lầm, và như vậy cũng đã là thu hoạch được rất nhiều rồi.
Tôi gọi mọi nhận thức là SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTAL) khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta (Erkenntnisart) về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm. Một hệ thống các khái niệm như vậy sẽ được gọi là TRIẾT HỌC-SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE PHILOSOPHIE). Nhưng, một triết học như thế cũng còn là quá nhiều đối với bước đầu này. Bởi vì, một khoa học như thế phải bao gồm không chỉ nhận thức phân tích mà cả nhận thức tổng hợp tiên nghiệm một cách đầy đủ, tức là đối với mục đích của chúng ta hiện nay, nó có phạm vi quá rộng; trong khi ta chỉ được phép tiến hành công việc phân tích (Analysis) trong mức độ cần thiết (notwendig) không thể thiếu được để nhận ra các nguyên tắc của sự tổng hợp tiên nghiệm trong toàn bộ phạm vi của nó như là điều duy nhất hiện nay ta phải quan tâm tìm kiếm. Do đó, công việc nghiên cứu mà bây giờ chúng ta bắt tay vào chưa thể được gọi đúng nghĩa là Học thuyết mà chỉ là sự Phê phán siêu nghiệm, vì nó không có mục đích mở rộng bản thân nhận thức mà chỉ điều chỉnh (Berichtigung) nhận thức nhằm mang lại hòn đá thử (Probierstein) về giá trị hay vô-giá trị của mọi nhận thức tiên nghiệm. Một sự Phê phán như thế là sự chuẩn bị, trong mức độ có thể, cho một BỘ CÔNG CỤ (ORGANON)*, và nếu việc này cũng không thành công, thì ít nhất cũng chuẩn bị cho một BỘ CHUẨN TẮC (KANON)* của lý tính để một ngày nào đó, căn cứ vào bộ chuẩn tắc này, hệ thống hồn chỉnh của triết học về lý tính thuần túy - dù để mở rộng hay chỉ để giới hạn nhận thức của lý tính - sẽ có thể được trình bày không những một cách phân tích mà cả một cách tổng hợp.
Điều này là khả thi, và thậm chí một hệ thống như thế cũng hy vọng sẽ được hoàn tất trọn vẹn mà có thể không có quy mô quá lớn lao là điều ta có thể lượng định ngay từ đầu, bởi ở đây không phải bản tính tự nhiên của những sự vật vốn vô cùng tận mà là chính giác tính phán đoán về bản tính của sự vật, và giác tính này cũng chỉ ở phương diện các nhận thức tiên nghiệm của nó thôi làm nên đối tượng [nghiên cứu] cho ta; nên trữ lượng của nó - bởi ta không được phép đi tìm ở bên ngoài ta - là không thể ẩn giấu đối với ta được, và theo phỏng đoán, là một số lượng nhỏ có thể được thu thập đầy đủ, xem xét về giá trị hay vô-giá trị và được đánh giá đúng đắn.
Người ta càng không nên chờ đợi ở đây một sự phê phán các tác phẩm hay các hệ thống [triết học] về lý tính thuần túy, mà là sự phê phán bản thân quan năng lý tính thuần túy. Và chỉ khi lấy việc phê phán này làm nền tảng, người ta mới có một viên đá thử chắc chắn để đánh giá nội dung triết học của các tác phẩm xưa cũng như nay trong ngành chuyên môn này; còn ngược lại thì không khác gì nhà viết sử hay vị thẩm phán không có thẩm quyền lại đi đánh giá các khẳng quyết không có cơ sở của người khác bằng các khẳng quyết cũng không có cơ sở của chính mình*.
{*Bộ Công cụ (Organon) của lý tính thuần túy và Bộ chuẩn tắc (Kanon): xem hai mục từ liên quan ở “Mục lục các vấn đề và các thuật ngữ” ở cuốisách. (N.D).
* Đoạn từ: Người ta càng không nên chờ đợi...... không có cơ sở của chính mình” là được thêm vào cho bản B. Trong bản A, ở đây bắt đầu mục 2: “Việc phân chia [nội dung] của Triết học-siêu nghiệm” và tiếp tục cho đến hết. (N.D).}
Triết học-Siêu nghiệmlà Ý niệm (Idee) về một môn khoa học mà sự Phê phán lý tính thuần túy có nhiệm vụ phác họa toàn bộ kế hoạch một cách kiến trúc (architektonisch), nghĩa là, từ các nguyên tắc, với sự đảm bảo hoàn toàn về tính hoàn chỉnh và tính vững chắc [an toàn] (Sicherheit) của mọi bộ phận làm nên tòa nhà ấy. Triết học-Siêu nghiệm là hệ thống tất cả các nguyên tắc của lý tính thuần túy. Sở dĩ công cuộc Phê phán này không được gọi là bản thân Triết học-Siêu nghiệm chỉ là vì, để là một Hệ thống hoàn chỉnh, sự phê phán phải bao gồm một công cuộc phân tích (Analysis) toàn bộ nhận thức tiên nghiệm của con người. Công cuộc phê phán của chúng ta tất nhiên cũng phải kể ra một cách hoàn chỉnh tất cả các khái niệm gốc (Stammbegriffe)* tạo nên nhận thức thuần túy đã nói. Chỉ có điều là sự phân tích cặn kẽ bản thân các khái niệm gốc này cũng như việc xem xét hoàn chỉnh những khái niệm phái sinh được rút ra từ chúng là chưa được làm, với lý do: phần vì việc tháo rời [phân tích] này là không cần thiết vì nó không có sự khó khăn trở ngại như đã gặp phải ở việc tổng hợp (Synthesis) là mục đích thực sự của toàn bộ quyển Phê phán này; phần khác, việc này sẽ đi ngược lại tính nhất trí của kế hoạch, nếu buộc nó phải chịu cả trách nhiệm nghiên cứu về tính hoàn chỉnh của sự phân tích lẫn sự dẫn xuất; điều mà xét về mục đích, chưa phải là việc cần làm lúc này.
{*“Các khái niệm gốc” (Stammbegriffe): các khái niệm căn nguyên (ursprngliche, originale), là các khái niệm tối cao không được rút ra từ các khái niệm nào cao hơn nữa, trái lại từ chúng có thể rút ra (dẫn xuất) các khái niệm phái sinh (abgeleitete Begriffe) khác. Các khái niệm gốc của giác tính chính là các phạm trù (Kategorien). Xem B102... (N.D).}
Bổ sung tính hoàn chỉnh không những của việc phân tích [các khái niệm gốc] mà cả của việc dẫn xuất [rút ra những khái niệm phái sinh] từ các khái niệm tiên nghiệm sẽ được [sự phân tích] mang lại trong tương lai là điều dễ dàng, miễn là một khi ta đã có tất cả các khái niệm gốc làm các nguyên tắc nền tảng cho sự tổng hợp và xét về mục đích cơ bản ấy, không có gì còn thiếu.
Tóm lại, tất cả những gì tạo nên Triết học-Siêu nghiệm đều thuộc về công cuộc Phê phán lý tính thuần túy và sự Phê phán là Ý niệm hoàn chỉnh về Triết học-Siêu nghiệm, tuy nhiên, chưa phải là bản thân môn khoa học này; bởi vì công cuộc Phê phán chỉ tiến hành việc phân tích ở mức độ cần thiết nhằm tìm hiểu hoàn chỉnh về nhận thức tổng hợp
tiên nghiệm.
Đặc điểm cần chú ý hơn cả khi phân chia [nội dung] của một khoa học như vậy là: không được để bất kỳ khái niệm nào có chứa đựng cái gì thường nghiệm chen lẫn vào trong đó, hay [nói cách khác], nhận thức tiên nghiệm phải hoàn toàn thuần túy. Cho nên, dù các nguyên tắc tối cao của Đạo đức (Moralität) và những khái niệm nền tảng của nó đều là những nhận thức tiên nghiệm, nhưng chúng lại không thuộc về Triết học-Siêu nghiệm, bởi lẽ tuy chúng không dùng các khái niệm về khối lạc và đau khổ, về các dục vọng và xu hướng (Neigungen) v.v…- nhìn chung đều có nguồn gốc thường nghiệm - làm nền tảng cho những điều lệnh (Vor-schriften) [đạo đức], thế nhưng trong khái niệm về nghĩa vụ, chúng nhất thiết phải đưa các khái niệm thường nghiệm này vào trong hệ thống đạo đức thuần túy, xem chúng như là trở lực cần phải vượt qua, hay như sự kích thích (Anreiz) không được phép trở thành động cơ hành động [đạo đức]*.
{*Phần câu, từ: “– làm nền tảng cho...... động cơ hành động” là được thêm vào cho bản B. (N.D).}
Do đó, Triết học-Siêu nghiệm là một triết học của lý tính thuần túy và tư biện đơn thuần mà thôi. Vì mọi cái gì thực hành (praktisch) mà có chứa đựng các động cơ (Triebfedern) đều quan hệ với các xúc cảm là những cái thuộc về các nguồn nhận thức thường nghiệm.
Bây giờ, nếu ta muốn, từ quan điểm tổng quát của một hệ thống nói chung, phân chia nội dung của khoa học này, nó phải bao gồm hai phần: phần thứ nhất là một Học thuyết về các yếu tố cơ bản của nhận thức (Elementarlehre), phần thứ hai là một Học thuyết về phương pháp (Metho-denlehre) của lý tính thuần túy, đó là những gì ta sẽ trình bày dưới đây. Mỗi phần chính này có các phần nhỏ mà chưa thể trình bày hết lý do ở đây được. Nhưng, điều có vẻ cần thiết phải nói ngay trong Lời Dẫn Nhập này là: Có hai nguồn gốc (Stämme) trong nhận thức của con người; chúng có lẽ cùng bắt nguồn từ một căn nguyên chung mà ta không biết được, đó là CẢM NĂNG (SINNLICH-KEIT) và GIÁC TÍNH (VERSTAND); nhờ CẢM NĂNG, những đối tượng được mang lại cho ta, nhờ GIÁC TÍNH, chúng được ta suy tưởng. Cảm năng, trong chừng mực chứa đựng các biểu tượng tiên nghiệm làm điều kiện nhờ đó những đối tượng được mang lại cho ta; nó thuộc về Triết học-Siêu nghiệm. Học thuyết siêu nghiệm về cảm năng sẽ phải thuộc về phần đầu tiên của khoa học về các yếu tố cơ bản, vì các điều kiện nhờ đó những đối tượng của nhận thức con người được mang lại phải đi trước phần chúng được ta suy tưởng. [tức phần thứ hai của Học thuyết cơ bản, gọi là Lôgíc học siêu nghiệm bàn về các khái niệm thuần túy của giác tính].
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP
3 LỜI DẪN NHẬP: (B1-B29) MẤY THUẬT NGỮ THEN CHỐT:
“Lời dẫn nhập” thực sự đưa ta bước vào chủ đề và kế hoạch nghiên cứu của tác phẩm. Trong ấn bản B (lần xuất bản thứ hai), Lời dẫn nhập được mở rộng về phạm vi (7 mục thay vì 2 mục như trong bản A) lẫn về nội dung. Những mục được bổ sung này hầu như được trích nguyên văn từ quyển “Sơ luận” (Prolegomena) năm 1783.
Mục đích của Lời dẫn nhập là giới thiệu ý tưởng hay ý niệm (Idee) về một môn khoa học đặc biệt (B24) đúng nghĩa với nhan đề “Phê phán lý tính thuần túy”, là xác định nguồn gốc, phạm vi và ranh giới của nhận thức con người xuất phát từ đặc điểm của “lý tính thuần túy” là quan năng chứa đựng những nguyên tắc giúp ta nhận thức sự vật một cách hồn tồn tiên nghiệm (schlechthin a priori), tức là, độc lập với mọi kinh nghiệm. Vì thế, môn khoa học về chính bản thân lý tính thuần túy phải trả lời câu hỏi: yêu sách đòi nhận thức một cách “hoàn toàn tiên nghiệm” như thế có thể có không? Nếu có, làm sao chứng minh cơ sở “chính đáng” của nó? Và nhất là, loại nhận thức ấy có thể đi xa đến đâu hay nói cách khác: ranh giới của nhận thức tiên nghiệm cũng chính là ranh giới của nhận thức bằng lý tính thuần túy. Những câu hỏi ấy quy về một câu hỏi căn bản: có thể có “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” hay không, hoặc triển khai ra thành bốn câu hỏi:
1. Làm thế nào toán học thuần túy có thể có được? (B20)
2.Làm thế nào khoa học tự nhiên thuần túy có thể có được?
3.Làm thế nào Siêu hình học như khuynh hướng tự nhiên có thể có được? (tức: từ đâu nảy sinh những câu hỏi do lý tính thuần túy tự đặt ra từ bản tính tự nhiên của lý trí con người nói chung?). Nhưng, vì chưa thể xuất phát từ Siêu hình học như từ một khoa học được khẳng định (như toán học và khoa học tự nhiên) nên câu hỏi trở thành:
4. Làm thế nào Siêu hình học có thể có được như một khoa học?
Nếu toán học và khoa học tự nhiên thực sự chứa đựng những “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” thì việc chứng minh những điều kiện cho khả thể của chúng cũng đồng thời chứng minh những điều kiện cho khả thể trở thành khoa học của Siêu hình học.
Một môn triết học không nghiên cứu những lãnh vực đối tượng nhất định (như toán học và khoa học tự nhiên), trái lại chỉ nghiên cứu những điều kiện cho khả thể nhận thức của ta về đối tượng, nhất là khả thể nhận thức tiên nghiệm, được Kant dành cho tên gọi đặc biệt là “triết học-siêu nghiệm” (Transzendental-Philosophie) (B27), cũng như nhận thức của ta về phương cách nhận thức “tiên nghiệm” này được gọi là “nhận thức siêu nghiệm”. Để xây dựng môn học đặc biệt này, hay nói khác đi, để giải quyết câu hỏi căn bản nói trên, trước hết cần làm rõ mấy khái niệm then chốt: “tiên nghiệm-hậu nghiệm”, “phân tích-tổng hợp”, “tổng hợp tiên nghiệm” và “siêu nghiệm”.
3.1. Kant lý giải phương cách nhận thức của toán học, khoa học tự nhiên và cả của Siêu hình học với tư cách là các môn học của lý tính bằng sự phân biệt sau:
- các nhận thức có giá trị một cách tiên nghiệm hoặc hậu nghiệm.
- các phán đoán có tính tổng hợp hoặc phân tích.
Ý nghĩa nhận thức luận và khoa học luận về hai sự phân biệt này đã gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi, đến nay vẫn còn tính thời sự và vẫn chưa ngã ngũ.
3.2 Tiên nghiệm - Hậu nghiệm:
3.2.1 Về mặt thời gian, mọi nhận thức đều bắt đầu bằng kinh nghiệm. (từ gốc Hy Lạp: empeiria, từ đó có tính từ “thường nghiệm”: empirisch hay empirique/empirical trong tiếng Pháp/Anh chỉ cái gì thuộc về kinh nghiệm, dựa vào kinh nghiệm, một tính từ được Kant dùng thường xuyên trong sách này). Nhớ lại Lời Tựa 1, ta thấy Kant tán thành phái duy nghiệm về mặt này, đặc biệt đồng ý với sự phê bình của Locke đối với thuyết các ý niệm bẩm sinh của Descartes. Thực ra, các nhà duy lý như Leibniz, Wolff chắc hẳn cũng không phản đối rằng ít ra về mặt thời gian, không thể có nhận thức nếu không có “các đối tượng tác động đến các giác quan để một phần tạo ra các biểu tượng, phần khác khởi động giác tính của ta làm việc so sánh, nối kết, tách rời các biểu tượng ấy, tức là chuyển chất liệu còn thô của các ấn tượng cảm tính thành tri thức về đối tượng được ta gọi là kinh nghiệm”. (B1).
Nhưng “bắt đầu” không có nghĩa là “bắt nguồn”: từ việc đi trước về thời gian không thể suy ra rằng không có nguồn nhận thức nào khác ngồi kinh nghiệm. Kant cho rằng Locke và phái duy nghiệm đã tổng quát hóa quá sớm. Theo ông, sự bắt đầu về thời gian hồn tồn có thể kết hợp với một “giả thuyết” đáng nghiên cứu, đó là:
“bản thân nhận thức thường nghiệm là một sự kết hợp những gì ta nhận được từ ấn tượng và những gì do quan năng nhận thức tự mang lại (còn các ấn tượng cảm tính chỉ tạo cơ hội cho chúng khởi động)” (nt).
Với “phỏng đoán” này, Kant bắc một nhịp cầu giữa duy nghiệm và duy lý.
3.2.2 Nhận thức “độc lập với kinh nghiệm và với bản thân mọi ấn tượng của giác quan” (B2) ấy được Kant gọi là “tiên nghiệm” (a priori, từ gốc La tinh: prior: có trước). Chữ “tiên nghiệm” rất hệ trọng đối với Kant nên ông cẩn thận nhắc ta đừng lẫn lộn với chữ “biết trước” trong ngôn ngữ hàng ngày. Ví dụ của ông: Ta “biết trước” ngôi nhà sẽ đổ nếu bị đào móng là dùng chữ “biết trước” hay “tiên nghiệm” không theo nghĩa chặt chẽ, vì sự biết trước này thực ra cũng bắt nguồn từ kinh nghiệm (“vật nặng không có chỗ tựa sẽ đổ”).
“Tiên nghiệm” đúng nghĩalà hồn tồn độc lập với mọi kinh nghiệm. Còn ngược lại là “hậu nghiệm” (a posteriori, từ gốc La tinh: post: có sau), tức nhận thức có được nhờ kinh nghiệm, hay nói cách khác, có nguồn gốc “thường nghiệm”.
Phê phán thuyết duy nghiệm và nhằm tìm ra cơ sở cho nhận thức thuần lý của lý tính, Kant chỉ quan tâm phát hiện những nhận thức “tiên nghiệm thực sự ”, “không bị pha trộn với chút gì là thường nghiệm cả”. Nếu tìm được thì - theo ông - sẽ chứng minh giả định về “cách mạng Copernic” của ông là đúng đắn.
3.2.3 Theo Kant, không chỉ một số phán đoán mà cả một số khái niệm thực sự có “nguồn gốc tiên nghiệm” (B5). Ở đây, ông chỉ nêu ví dụ về phán đoán nhân quả và các khái niệm về “không gian”, “bản thể, tùy thể” (B5, B6) nhưng ta sẽ thấy tất cả những khái niệm và phán đoán ấy sẽ được trình bày và chứng minh như những “mô thức trực quan thuần túy tiên nghiệm” (không gian-thời gian) trong phần Cảm năng học siêu nghiệm và như những “phạm trù” của giác tính trong phần Lôgíc học siêu nghiệm.
3.2.4 Nhưng làm sao phân biệt được nhận thức tiên nghiệm với nhận thức hậu nghiệm? Ông đưa ra hai đặc điểm mà xưa kia Platon và Aristoteles (xem Aristoteles: “Phân tích pháp” II, chương I2) đã dùng để phân biệt tri thức thực sự (episteme) và tư kiến (doxa), đó là: tính tất yếu (chỉ có thể như vậy chứ không thể khác) và tính phổ quát (hay phổ biến) (không cho phép có ngoại lệ nào). Hai đặc điểm này không nhận thức thường nghiệm nào có thể đạt được trọn vẹn. Kant đồng ý với David Hume rằng mọi mệnh đề của sự quy nạp thường nghiệm chỉ có tính phổ biến “tương đối, so sánh” chứ không “đích thực hay chặt chẽ” (B3); chúng có tính khái quát (Generalität) chứ không có tính phổ quát (Universalität). Nhưng ông không đồng ý với Hume khi cho rằng không thể có nhận thức mang tính phổ quát và tất yếu chặt chẽ. Ông nêu các ví dụ: “mọi mệnh đề của toán học” (B4) và phán đoán của “việc sử dụng giác tính bình thường nhất rằng mọi sự biến đổi đều phải có một nguyên nhân” (B5). Vậy, nhận thức nào có được hai đặc điểm nói trên (phổ quát và tất yếu), ta biết ở đó có mặt của cái “thực sự tiên nghiệm”.
3.2.5 Những ví dụ về nhận thức tiên nghiệm nói trên đều nằm trong “lãnh vực của mọi kinh nghiệm khả hữu”, bởi vì chúng là những điều kiện không-thường nghiệm hay tiền-thường nghiệm cho khả thể nhận thức thường nghiệm. Nếu “kinh nghiệm” là sự “kết hợp” giữa những ấn tượng cảm tính với những gì do bản thân quan năng nhận thức của ta tự mang lại, tức với cái tiên nghiệm, như giả thuyết đã nêu (xem 3.2.1), thì những nhận thức tiên nghiệm ấy chỉ là những điều kiện để nhận thức chính những đối tượng của kinh nghiệm ấy mà thôi. Vậy, theo Kant, tri thức tiên nghiệm (không-thường nghiệm) là tri thức về cấu trúc nền tảng có tính mô thức (formale Grundstruktur) để nhận thức đối tượng, vì lẽ bất kỳ đối tượng nào cũng tất yếu phải tương ứng với những “điều kiện ấy của khả thể của kinh nghiệm” trong chừng mực đó là đối tượng trong phạm vi kinh nghiệm của ta.
Trước Kant, Descartes đã quay về tìm hiểu năng lực nhận thức của chủ thể và lấy sự xác tín của Tự-ý thức (Cogito: tôi tư duy) làm tiêu chuẩn của mọi tri thức. Locke cũng đã làm như thế khi đề ra học thuyết về những nội dung cơ bản và phương cách tiến hành nhận thức của giác tính con người. Kant kế thừa Descartes và Locke, nhưng đi xa hơn ở điểm then chốt: chứng minh rằng “những điều kiện [tiên nghiệm] của nhận thức cũng đồng thời là những điều kiện [hình thành] những đối tượng của nhận thức, theo tinh thần “cách mạng tư duy” như ta đã biết: không phải nhận thức hướng theo đối tượng mà đối tượng (trong chừng mực ta nhận thức được chúng, tức trong phạm vi kinh nghiệm) hướng theo những điều kiện của nhận thức (xem lại BXVI), tức theo những điều kiện do ta “đặt vào” trong đối tượng một cách tiên nghiệm (xem thêm: Chú giải 8.3.5.4).
Tuy chưa đi vào phần chứng minh, nhưng ngay trong Lời dẫn nhập này, ta đã biết rằng theo Kant, nhận thức tiên nghiệm (không-thường nghiệm) không phải là nhận thức về những đối tượng nằm bên ngoài kinh nghiệm, tức về những đối tượng siêu việt (Thượng đế, Tự do, Linh hồn) của Siêu hình học cổ truyền. Trái lại, nó là nhận thức về những quy luật phổ biến nhất mà mọi đối tượng của kinh nghiệm khả hữu phải phục tùng, trong chừng mực những quy luật này được xác định một cách tiên nghiệm bởi những điều kiện chủ quan của nhận thức. Nói cách khác, dựa vào những trực quan tiên nghiệm của cảm năng và những khái niệm tiên nghiệm của giác tính, ta có thể tạo nên những phán đoán tổng hợp có giá trị tiên nghiệm cho mọi đối tượng của kinh nghiệm khả hữu.
Nhưng trước khi làm quen với phán đoán “tổng hợp tiên nghiệm” này, cần phân biệt giữa phán đoán tổng hợp và phán đoán phân tích (1)
{-(1)Phần “Chú giải dẫn nhập” tự giới hạn trong việc tìm hiểu sơ bộ tác phẩm, nên không thể đi sâu vào cuộc thảo luận chung quanh những vấn đề do Kant đặt ra. Riêng đối với vấn đề nhận thức tiên nghiệm, ngay từ 1784, Hamann trong “Siêu phê phán về cái Thuần túy của lý tính” (Metakritik ber den Purismum der Vernunft) đã không thừa nhận có cái “thuần túy” trong lý tính và tương đối hóa cái “tiên nghiệm” trong quan hệ với cấu trúc ngôn ngữ. Năm 1867, Adolf Trendelenburg phê phán “khiếm khuyết” trong chứng minh của Kant về tính tiên nghiệm của không gian-thời gian (theo đó, Kant đã không chứng minh được tại sao “vật-tự thân” không có bản tính không gian thời gian) và nổi tiếng với tên gọi “lỗ hổng Trendelenburg” (ber eine Lcke in Kants Beweis von der ausschliessenden Subjectivitt des Raumes und der Zeit”, trong Historische Beitrge zur Philosophie, B13, Berlin 1867, trang 215-276). Gần đây, R. Rorty (1970) và nhất là W.V.O.Quine (“Two Dogmas of Empiricism” 1953) cho rằng sự phân biệt giữa “tiên nghiệm và thường nghiệm”, giữa “phân tích và tổng hợp” là không đứng vững, cũng như không thể xuất phát từ những điều kiện của kinh nghiệm để suy ra đặc điểm của những đối tượng của kinh nghiệm. Những ý kiến phản bác cũng như bênh vực Kant chung quanh vấn đề này còn rất nhiều và trải rộng trên nhiều hướng mà ở đây chúng ta chỉ có thể nhắc sơ qua một số tên tuổi:
+ tương đối hóa “cái tiên nghiệm” từ nghiên cứu về ngôn ngữ (Herder, Humboldt, và ngày nay với Kuhn, Feygerabend, Sapir, Wittgenstein, Whorf...)
+ lý giải “cái tiên nghiệm” từ giác độ Nhân loại học và Sinh vật học (Schopenhauer, Hemholz, Nietzsche, H. Spencer, Konrad Lorenz...)
+ tiếp thu và cải biến “cái tiên nghiệm” (và “cái siêu nghiệm”):
{* từ giác độ “Văn hóa học”, “Hiện tượng học”, “Giải minh học” (Hermeneutik) và “Ngữ dụng học” (Sprachpragmatik): Dilthey, Husserl, Heidegger, K.O.Apel ...
* từ giác độ “Lý luận xã hội”: G. Lukács, trường phái Frankfurt, Habermas..
(Xem: Thư mục tham khảo chọn lọc).}
3.3 Phân tích - Tổng hợp:
Cặp khái niệm “tiên nghiệm-hậu nghiệm” phân biệt nguồn gốc của nhận thức, còn cặp “phân tích-tổng hợp” xem xét cơ sở cho tính chân lý của một phán đoán: Cơ sở cho việc nối kết giữa chủ ngữ và vị ngữ trong phán đoán là nằm bên trong hay bên ngoài chủ thể nhận thức? Phán đoán được Kant xét ở đây không theo nghĩa tâm lý học, tức hành vi phán đoán, mà chỉ theo nghĩa lôgíc, tức những mệnh đề hay các khẳng định nối kết (tổng hợp) các biểu tượng nhằm nói lên một nội dung có giá trị khách quan. Về mặt ngôn ngữ, phán đoán có cấu trúc “chủ ngữ-vị ngữ”. Trong thực tế, có những phán đoán không mang cấu trúc này nên ta cần hiểu theo nghĩa rộng.
3.3.1 Kant gọi là phán đoán phân tích khi vị ngữ đã ẩn chứa sẵn trong chủ ngữ (B10), hoặc theo nghĩa đồng nhất (lôgíc), Vd: “Người độc thân là kẻ không lập gia đình”, “Người thất học là kẻ chưa được học”; hoặc theo nghĩa là một khái niệm bộ phận với tư cách là một đặc điểm lôgíc, nghĩa là nếu phủ nhận sẽ phạm phải mâu thuẫn, Vd: “Mọi vật thể đều có quảng tính”... Những phán đoán này đều tất yếu và phổ biến, nên đều là những phán đoán tiên nghiệm. Ai cũng có thể lập gia đình, nhưng người độc thân thì không! Tất nhiên không ai cấm anh ta - hay chị ta - lập gia đình cả, nhưng nếu vậy sẽ không còn là “độc thân” nữa!. Vậy, tính chân lý của phán đoán phân tích hoàn toàn dựa vào các quy luật lôgíc hình thức, tuy có tính tất yếu lôgíc nhưng không mang lại tri thức gì mới mẻ cả, nên còn được gọi là “phán đoán giải thích”. (Chú ý: dù phán đoán phân tích có thể có nội dung thường nghiệm, Vd: “người độc thân” nói trên, nhưng ta không cần dùng kinh nghiệm để kiểm chứng mà chỉ cần dựa vào các quy luật lôgíc. Tính phân tích không liên quan đến các quy tắc về ý nghĩa, chỉ liên quan đến quan hệ “chủ ngữ-vị ngữ” nên Leibniz từng xem phán đoán phân tích là đúng và có giá trị trong “mọi thế giới khả hữu”!)
3.3.2 Phán đoán tổng hợp thì ngược lại, bao gồm nhiều phán đoán đến từ kinh nghiệm: Vd: “ông hàng xóm của tôi là một viên chức già đã về hưu rất khả ái”. Các vị ngữ “viên chức”, “già”, “về hưu”, “rất khả ái” không thể được rút ra một cách “tất yếu và phổ biến” từ chủ ngữ “ông hàng xóm” mà được thêm vào, vì vậy là tổng hợp, gia tăng tri thức thường nghiệm, nên còn được gọi là “phán đoán mở rộng”. Phân biệt như trên không có gì khó, vấn đề là: phán đoán phân tích thì tiên nghiệm nên tất yếu và phổ biến nhưng không mở rộng kiến thức(1); phán đoán tổng hợp mở rộng kiến thức nhưng chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm, tức có giá trị hậu nghiệm, không thể tất yếu và phổ biến. Thế lưỡng nan ấy buộc Kant phải đặt câu hỏi quan trọng: có loại phán đoán nào vừa mở rộng tri thức, lại vừa tất yếu và phổ biến để xứng danh là tri thức khoa học(1)?
{ (G. Frege, Grundlagen der Arithmetik/Các cơ sở của môn Số học, §17, 24). Từ nhận định ấy, Frege - cha đẻ của môn Lôgíc toán- mở đường cho trào lưu “Triết học phân tích” (Analytic Philosophy) hiện đại, theo đó nhiều khái niệm cơ bản (Vd: con người, tồn tại, chân lý, ý thức, sự Thiện, v.v...) không thể được “định nghĩa” một cách minh nhiên (nếu không muốn rơi vào lẩn quẩn) mà chỉ có thể “giải thích” một cách mặc nhiên những gì được chứa đựng trong các khái niệm ấy, qua đó mở rộng nhận thức của ta về nội dung khái niệm.
(1)Chú ý: Kant vẫn còn tuân theo mô hình “khoa học” đương thời, bắt nguồn từ Aristoteles (Siêu hình học, I) theo đó chỉ là “khoa học” (Hy Lạp: episteme) đúng nghĩa khi có tính phổ quát, tất yếu và bất biến, trái với “lịch sử” (historia) chỉ là tri thức về cái cá biệt, bất tất, gắn liền với “kinh nghiệm xuất phát từ dữ liệu” (empeiria, ex datis). Xem thêm B863-864.}
Nói gọn: Có thể có “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” không? Theo Kant, đây là câu hỏi then chốt, quyết định “số phận” của khoa học và cả của Siêu hình học. Để dễ hình dung, ta thấy sự phân biệt “tiên nghiệm-hậu nghiệm” và “phân tích-tổng hợp” ở trên chỉ có thể mang lại 4 khả năng kết hợp:
+ phán đoán phân tích tiên nghiệm (có)
+ phán đoán phân tích hậu nghiệm (không thể có)
+ phán đoán tổng hợp hậu nghiệm (có)
+ phán đoán tổng hợp tiên nghiệm (?)
Kant khẳng định là không chỉ tìm thấy loại phán đoán đặc biệt này một cách hiển nhiên ở trong nhận thức thông thường lẫn ở trong các khoa học, mà còn lý giải được cơ sở của nó nữa.
3.3.3 Kant nêu một ví dụ trong nhận thức thông thường và 2 ví dụ trong khoa học:
- Trong nhận thức thông thường: Mệnh đề: “Tất cả những gì diễn ra đều có nguyên nhân” (B13). Mệnh đề này, hay nói cách khác, nguyên tắc nhân quả không chỉ là tiên nghiệm mà còn là “tổng hợp tiên nghiệm”, vì lẽ: khái niệm “nguyên nhân” vừa không phải là một đặc điểm lôgíc của khái niệm “những gì xảy ra” vừakhông phải là thuộc tính thường nghiệm đã được ẩn chứa sẵn trong khái niệm “những gì xảy ra”. Thế nhưng, khái niệm nguyên nhân không chỉ thuộc về (gehörig) mà còn tất yếu thuộc về khái niệm “những gì xảy ra”. Nói khác đi: sự nối kết (tổng hợp) tất yếu này giữa chủ ngữ và vị ngữ không phải là một tất yếu lôgíc. Vậy, sự tổng hợp tiên nghiệm (tất yếu) ấy từ đâu mà ra? Hay theo cách nói của Kant: “Làm thế nào có thể có được?”.
- Trong khoa học, trước hết là toán học:
- trong số học, mệnh đề 7+5=12 đúng một cách tiên nghiệm vì đáp số của nó là phổ quát và tất yếu. Tuy vậy, nó không phải là phân tích vì trong số 12 không nhất thiết ẩn chứa 7 và 5 mà vẫn có thể là 4 và 8, do đó có tính tổng hợp (1).
- trong hình học, mệnh đề “Đường thẳng là đường ngắn nhất giữa hai điểm” cũng vậy. Từ “thẳng” chỉ nói lên “tính thẳng” chứ không chứa đựng một cách phân tích các khái niệm “điểm” và “ngắn”, vì thế là phán đoán tổng hợp song đúng một cách tiên nghiệm. Kant khái quát: “Mọi phán đoán toán học đều là có tính tổng hợp” (tiên nghiệm) (B14)(1)
- trong vật lý học: các nguyên tắc nền tảng của vật lý học (cổ điển) có tính tổng hợp tiên nghiệm (Vd: các nguyên tắc bảo tồn vật chất, về sự ngang bằng nhau của lực và phản lực, định đề thứ ba của Newton…), phần còn lại là tổng hợp hậu nghiệm.
Vậy, theo Kant, tính khoa học của toán học và khoa học tự nhiên (thuần túy) đã được thực tế chứng minh, và sẽ được lý giải về mặt triết học trong Phần đầu của quyển Phê phán (Cảm năng học siêu nghiệm và Phân tích pháp các nguyên tắc). (Điều đáng chú ý là ở đây Kant chỉ xét toán học và khoa học tự nhiên dưới giác độ là những khoa học thuần lý và dưới mắt Kant, chúng là các khoa học thuần lý “đích thực”. Kant không (đúng ra là chưa) đề cập đến các ngành khoa học “nhân văn” và “xã hội” theo nghĩa rộng của chúng ta ngày nay. Điều này dễ hiểu vì ở thời Kant, các khoa học nhân văn-xã hội còn ít phát triển (các vấn đề: đạo đức, mỹ học, lịch sử, xã hội và pháp quyền sẽ được Kant bàn ở các tác phẩm khác) và nhất là từ quan điểm thịnh hành đương thời: chỉ là “khoa học đích thực” khi chúng mang lại chân lý tất yếu và hiển nhiên (apodiktisch) và thế giới hiện thực, khách quan - trái với thế giới chủ quan - là thống nhất với thế giới của tốn học và khoa học tự nhiên thuần túy).
{(1)Thật ra, để hiểu lý do tại sao Kant đi ngược lại với cả Descartes, Leibniz (duy lý) lẫn Locke (duy nghiệm) khi cho rằng những mệnh đề toán học đều có tính “tổng hợp”, ta cần hiểu quan niệm của ông về nhận thức toán học là nhận thức bằng việc cấu tạo khái niệm ở trong trực quan thuần túy (khái niệm toán học + trực quan thuần túy = đối tượng toán học) (xem: B741). Chung quanh vấn đề: các mệnh đề toán học (và khoa học tự nhiên “thuần túy”) là phân tích hay tổng hợp, tiên nghiệm hay hậu nghiệm, có nhiều ý kiến tranh luận trái ngược nhau:
+ là phân tích (và không có tính “trực quan”): Frege, David Hilbert, B. Russel, R. Carnap...
+ là tổng hợp: J. Brouwer, Paul Lorenzen, J. Hintikka, Brittau, K. Lambert, C. Parsons... (tiếp trang sau).
+ là hậu nghiệm hay quy ước: A. Einstein, H. Poincaré...
+ Đặc biệt, Hegel, khi nghiên cứu về nhận thức phân tích (“Khoa học Lôgíc”, II, trang 502) đã bác ý kiến của Kant cho rằng các mệnh đề toán học như 7 + 5 = 12 là có tính tổng hợp. Theo Hegel, chúng đều có tính phân tích và nhất thiết phải như thế, bởi chúng không chứa đựng yếu tố “khái niệm” (được trung giới, vermittelt) nào cả. Là những con số, chúng là “thuần túy trừu tượng” như mọi cái gì thuộc về “Lượng”, nên không thể đặt vấn đề 7 + 5 và 12 có cùng hoặc không cùng “một nội dung”, bởi chúng không mang “nội dung” nào cả. Bên cạnh “thành kiến” xem thường mọi “chân lý toán học” vì tính trừu tượng, không nội dung của chúng, lập luận của Hegel ở đây cũng đáng chú ý: 7 + 5 = 12 chỉ có nghĩa là: khi ta có 7 và thêm vào đó 5 lần 1, ta có 12; vậy 7 + 5 không phải là “tính quy định” (Bestimmung) có thể bao hàm hoặc không bao hàm 12, trái lại, nó chỉ đơn thuần là “con toán” cộng 5 vào với 7. Nếu tiến hành đúng “thuật toán” này, ta sẽ có đáp số đúng; ở đây không có gì là “tổng hợp” theo nghĩa của Kant cả, vì kết quả “12” không gì khác hơn là sự “tiếp tục đơn thuần của cùng một thao tác” (“cộng dồn vào với nhau” - “Zusammenzhlen”. Thao tác này không mang lại “định lý” (Lehrsatz) nào cả mà chỉ đơn thuần là một “bài toán” (Aufgabe) (Sđd.tr. 507).
+ Ngoài ra, việc phân biệt giữa phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp của Kant cũng trở thành một đề tài tranh luận lớn. Tựu trung xoay quanh câu hỏi liệu có thể và làm thế nào xác định ranh giới giữa chúng. Chẳng hạn ví dụ của Kant về phán đoán phân tích: “Mọi vật thể đều có quảng tính, có hình thể và có tính không thể thâm nhập”, và về phán đoán tổng hợp: “Mọi vật thể đều có sức nặng”. Ai xác định và xác định trong điều kiện nào những thuộc tính ấy? Chừng mực nào chúng là “tiên nghiệm”, chừng mực nào là “hậu nghiệm? Chúng là thuộc tính “lôgíc” hay thuộc tính “từ nghĩa” (semantisch)? (Xem: W.V. O.Quine: Two Dogmas of Empiricism”, 1953 và Morton. G. White: “The Analytic and the Synthetic: an untenable Dualism”, 1949, trong: Semantics and the Philosophy of language. A collection of Readings, Urbana 1952).}
3.4. Trở lại vấn đề, ta thấy mục đích của Kant ở đây không phải là phân biệt phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp nói chung mà chủ yếu là phân biệt ngay bên trong hàng ngũ những phán đoán tiên nghiệm: tức giữa phán đoán phân tích (tiên nghiệm, lôgíc) với phán đoán tổng hợp tiên nghiệm để phát hiện cơ sở khả thể của chúng. Nếu phán đoán phân tích có cơ sở (hay chỗ dựa) là sự tất yếu lôgíc nơi bản thân khái niệm về đối tượng; phán đoán tổng hợp (hậu nghiệm) có chỗ dựa là kinh nghiệm, thì đâu là chỗ dựa của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm? “Cái X vô danh” (B13) mang lại tính tất yếu và phổ biến cho kinh nghiệm chính là những điều kiện chủ quan cho khả thể của kinh nghiệm. “Cơ sở chứng minh duy nhất khả hữu” (“einzig möglicher Beweisgrund” (xem thêm B816) cho phán đoán tổng hợp tiên nghiệm chỉ có thể tìm thấy nơi những điều kiện (chủ quan) nhưng có giá trị khách quan đối với những đối tượng của kinh nghiệm (như ta sẽ thấy, đó là các mô thức trực quan - không gian/thời gian - của cảm năng và các phạm trù của giác tính).
Một lần nữa, với việc xác định cấu trúc của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, Kant vừa bác bỏ thuyết duy lý lẫn duy nghiệm. Thật vậy, ta biết rằng Leibniz (duy lý) phân chia mọi phán đoán ra thành “những chân lý của lý tính” (vérités de raison) và “những chân lý của sự kiện” (vérités de fait) và không hề nghi ngờ rằng mọi chân lý lý tính đều dựa trên nguyên tắc loại trừ mâu thuẫn (lôgíc), còn mọi chân lý sự kiện dựa trên nguyên tắc nguyên nhân đầy đủ (nguyên tắc túc lý). Còn Hume (duy nghiệm) chia mọi phán đoán ra thành “những sự kiện” (“matters of fact”) và “những quan hệ của tư tưởng” (“relations of ideas”). Phê phán của Kant đối với Leibniz và Hume là: cả hai đã giới hạn lãnh vực của phán đoán tiên nghiệm vào những phán đoán phân tích và giới hạn lãnh vực của phán đoán tổng hợp vào những phán đoán thường nghiệm (hậu nghiệm).
Chẳng hạn, đối với nguyên tắc nhân quả (dưới hình thức phán đoán tổng hợp tiên nghiệm tiêu biểu: “Mọi sự việc diễn ra đều có nguyên nhân”), Kant đứng về phía Hume để chống lại nỗ lực của Wolff (trường phái Leibniz) muốn dẫn xuất (rút ra) nguyên tắc nguyên nhân đầy đủ từ nguyên tắc mâu thuẫn (lôgíc) (xem: C. Wolff: Prima philosophia §70), tức là, biến nguyên tắc nhân quả thành một phán đoán phân tích. Nói cách khác, Kant phát hiện ngộ nhận căn bản của phái duy lý (và cũng là của Siêu hình học cổ truyền) là ở chỗ tưởng rằng sở dĩ mọi phán đoán đúng một cách tiên nghiệm đều là do đúng về mặt lôgíc (phân tích). Họ lẫn lộn phán đốn phân tích với phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, hay nói đúng hơn, chưa biết đến phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Mặt khác, Kant đứng về phía Leibniz để phản đoán việc Hume lý giải quan hệ nhân quả chỉ là “thói quen” liên tưởng những “tư tưởng” thường nghiệm, qua đó phủ nhận và “làm mất sạch” (B5) ý nghĩa về mối quan hệ tất yếu giữa nguyên nhân và hậu quả.
Nỗ lực của Kant là cho thấy rằng sự mất mát ấy là không thể chấp nhận được, bởi nó sẽ phá hủy cơ sở của nhận thức “khoa học”. Song, để chứng minh thì không thể chỉ “khẳng định yêu sách” rằng nguyên tắc nhân quả có giá trị như một phán đoán tổng hợp tiên nghiệm (“yêu sách” mà bản thân Hume cũng không phủ nhận), trái lại, phải cho thấy “yêu sách” ấy là “chính đáng” (legitim). Kant đặt câu hỏi: Phải chăng phán đoná tổng hợp rằng “Mọi sự việc đều có nguyên nhân” là có giá trị (đúng) một cách tiên nghiệm? Câu trả lời khẳng định cho câu hỏi này đồng thời bao hàm sự giải thích tại sao nó có thể như thế, nghĩa là, nó đúng trên cơ sở nào. Như đã nói, “cơ sở chứng minh duy nhất khả hữu” cho nguyên tắc nhân quả (cũng là cho mọi phán đoán tổng hợp tiên nghiệm nói chung) là: mọi “sự việc xảy ra” trong không gian-thời gian - những đối tượng của kinh nghiệm như Hume nói - phải là những đối tượng có thể có của kinh nghiệm, còn sự nối kết nhân quả tất yếu giữa chúng - điều mà Hume phủ nhận - là điều kiện của chính khả thể này. Tóm lại, khả thể của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm chính là khả thể của nhận thức khoa học trong phạm vi kinh nghiệm.
3.4.1 Nhưng đó là kết luận mà Kant sẽ chỉ có thể rút ra sau 300 trang phân tích và chứng minh: …“bên ngoài lãnh vực của kinh nghiệm khả hữu, không thể có được các nguyên tắc tổng hợp tiên nghiệm”. (B305). Như ta đã biết, kết luận này sẽ là cơ sở để giải quyết “nhiệm vụ chủ yếu” (B19-24) của công cuộc Phê phán là xét khả thể của Siêu hình học như một khoa học, hay nói cách khác, để trả lời dứt khoát câu hỏi: có thể có nhận thức khách quan, khoa học (tổng hợp-tiên nghiệm) nằm bên ngoài lãnh vực kinh nghiệm như Siêu hình học cổ truyền (tiền-phê phán) đã lầm tưởng hay không? Trong phần sau của quyển Phê phán (Biện chứng pháp siêu nghiệm), Kant sẽ xuất phát từ “thực tế hiển nhiên” là có một nền Siêu hình học như “thiên hướng tự nhiên” (metaphysica naturalis) - giống như sự tồn tại hiển nhiên của toán học và khoa học tự nhiên -, nhưng lại có xu hướng tự “đánh lừa” trong quá trình nhận thức. Lý tính con người tưởng rằng có thể mở rộng vô hạn các thành công trong lãnh vực toán học và khoa học tự nhiên ra các đối tượng nằm bên ngoài kinh nghiệm. Nhưng, mọi nỗ lực giải quyết các câu hỏi “rất tự nhiên nhưng hoàn toàn siêu việt ấy” đều là công dã tràng (hay như cách nói của Kant: “sự hồi công của Sysyphus”. Xem XVIII 94) và chỉ đẩy lý tính vào chỗ bế tắc, đầy mâu thuẫn. Các phán đoán chủ yếu của Siêu hình học cổ truyền (“Thượng đế hiện hữu, ý chí là tự do, linh hồn là bất tử”) đều vượt khỏi ranh giới của kinh nghiệm (thế giới cảm tính). Thượng đế không phải là đối tượng của kinh nghiệm “khả hữu” vì không ở trong không gian/thời gian. Tự do cũng thế vì nó không phải là đối tượng có thể quan sát được; còn sự bất tử của linh hồn là trạng thái của sự sống ở bên ngoài thế giới khả giác. Với những đối tượng siêu việt ấy, không có cơ sở cho việc hình thành những “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm”(1).
{(1)Chỗ đứng rất khó khăn và tế nhị của Kant giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý thể hiện rõ ở nỗ lực chứng minh của ông về “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm”: chúng vừa là “siêu nghiệm” (xem 3.5) tức đi trước kinh nghiệm vừa đồng thời phải cần đến mối quan hệ với kinh nghiệm. Ngày nay, nhiều tác giả không tin rằng Kant đã thành công trong việc chứng minh khả thể và tính chất siêu nghiệm của loại phán đoán đặc biệt này. (Xem: cuộc thảo luận chung quanh vấn đề này trong: Strawson, P.F.: “Die Grenzen des Sinns. Ein Kommentar zu Kants Kritik der reinen Vernunft”/ “Các ranh giới của giác quan. Một chú giải về Phê phán lý tính thuần túy của Kant”, Kưnigstein/Ts 1981).}
3.4.2 Như vậy, với tư cách là khoa học lý thuyết của lý tính, Siêu hình học, theo Kant, chỉ có thể là Siêu hình học về kinh nghiệm, nghĩa là, một học thuyết không-thường nghiệm về những điều kiện không-thường nghiệm của chính khả thể của nhận thức thường nghiệm. Nói cách khác, Siêu hình học tập trung trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để kinh nghiệm có thể có được?” (“Wie ist Erfahrung möglich?”) (xem thêm: XXIII25). Vì thế, ông viết: “khoa học này [Siêu hình học như một khoa học] cũng có thể không có sự dài dòng lê thê đáng sợ, vì nó không đi vào các đối tượng của lý tính mà tính đa tạp là vô tận, nhưng chỉ phải làm việc với chính bản thân nó, tức là với các vấn đề nảy sinh hồn tồn từ chính trong lòng nó, và không phải do bản tính tự nhiên của những sự vật khác biệt với nó mà do chính bản tính tự nhiên của nó đặt ra. Bởi vì, nếu một khi lý tính trước đó đã nhận biết một cách hồn chỉnh năng lực của riêng nó đối với các đối tượng có thể xuất hiện ra cho nó trong kinh nghiệm, lý tính sẽ dễ dàng xác định một cách hoàn chỉnh và chắc chắn phạm vi và các ranh giới của việc thử sử dụng lý tính ra bên ngoài mọi ranh giới của kinh nghiệm”. (B23).
Như vậy ý Kant muốn nói: Siêu hình học - với tư cách là một khoa học - sẽ không bàn về các đối tượng của lý tính như trước nay (Thượng đế, Tự do, Linh hồn, Bất tử...) vì điều ấy không thể làm được mà chỉ nghiên cứu về chính bản thân lý tính để rút ra các nhận thức tuy có tính tổng hợp tiên nghiệm nhưng chỉ có giá trị sử dụng trong phạm vi kinh nghiệm. Vì là các nhận thức tổng hợp tiên nghiệm, nên số lượng của chúng không nhiều, “không dài dòng lê thê đáng sợ”, tuy nhiên là cơ sở cho mọi nhận thức thường nghiệm. Theo Kant, chúng là các nhận thức tổng hợp-tiên nghiệm duy nhất mà lý tính tự mình có thể đạt đến được. (Sau này Kant sẽ tiếp tục chứng minh: ra khỏi lãnh vực nhận thức lý thuyết, phán đốn tổng hợp-tiên nghiệm sẽ thực sự phát huy tác dụng trong lãnh vực hành động đạo đức của lý tính thực hành thể hiện trong “mệnh lệnh tuyệt đối”- Kategorischer Imperativ-, còn các đối tượng cố hữu của lý tính trước đây (Thượng đế, Tự do, Bất tử của linh hồn) trở thành các “định đề” của lý tính thuần túy thực hành, chứ không phải các “nhận thức” của lý tính thuần túy lý thuyết nữa. Nhưng đó sẽ là công việc của tác phẩm “Phê phán lý tính
thực hành”).
- Đi tìm khả thể của phán đốn tổng hợp-tiên nghiệm “trong phạm vi kinh nghiệm”, Kant đề nghị ta hãy “xem mọi nỗ lực xây dựng Siêu hình học theo cách giáo điều cho đến nay như thể không hề tồn tại” nhằm “thay đổi phương pháp, đưa cách làm mới khác hẳn với cách làm trước nay” (B23-24). Đề án nghiên cứu mới hướng tới một nền triết học mới ấy đươc Kant đặt một tên gọi chung là “TRIẾT HỌC SIÊU NGHIỆM” (TRANSCENDEN-TALE PHILOSOPHIE), một từ then chốt khác nữa mà bây giờ ta cần hiểu rõ để mở cánh cửa đi vào toàn bộ triết học Kant.
3.5. Nhận thức Siêu nghiệm - Phê phán siêu nghiệm - Triết học siêu nghiệm:
3.5.1 Thuật ngữ “siêu nghiệm” dễ gây hiểu lầm. Trước hết cần phân biệt nó với “siêu việt” (transzendent), tuy cả hai đều bắt nguồn từ động từ Latinh “transcendere”, nghĩa là “vượt ra khỏi một giới hạn”. Nhưng nếu “siêu việt” chỉ một thế giới nằm bên ngoài thế giới kinh nghiệm của ta (Vd: khái niệm về Thượng đế, về tính vô tận, vô lượng…), thì - theo Kant, thế giới “bên kia” hay “siêu nhiên”, “siêu cảm tính” này không thể là một đối tượng khách quan để có thể mang lại cho ta nhận thức có giá trị trong phạm vi lý thuyết. “Siêu nghiệm” cũng có ý nghĩa vượt ra khỏi kinh nghiệm. Nhưng thay vì vượt ra khỏi theo hướng đi lên như “siêu việt”, ta có thể hình dung “siêu nghiệm” là theo hướng “đi xuống” hay “đi lùi” lại.
Trong lãnh vực lý thuyết, Kant không đi tìm thế giới “bên kia” như triết học cổ truyền. Ông muốn đi tìm những điều kiện tạo nên kinh nghiệm nhưng lại có trước kinh nghiệm. Thay vì tìm cách nhận thức một thế giới khác, ông muốn có nhận thức nguyên thủy về thế giới này và về nhận thức khách quan của ta. Nói cách khác, Kant đi tìm cấu trúc bề sâu có giá trị tiền-thường nghiệm của mọi kinh nghiệm mà ông phỏng đốn rằng nằm ngay trong chủ thể nhận thức theo tinh thần cách mạng Copernic. Vậy, phê phán lý tính đi lùi lại để phát hiện các yếu tố tiên nghiệm kiến tạo nên chủ thể tính của nhận thức lý thuyết. Nói gọn, “Phê phánsiêu nghiệm” là đi tìm các điều kiện khả thể của kinh nghiệm, hay của mọi nhận thức, còn “nhận thức Siêu nghiệm” là lý luận (học thuyết) về khả thể của nhận thức tiên nghiệm. Trong “Sơ luận” (Prolegomena, Phụ lục), Kant viết: “Chữ transzendental (siêu nghiệm) không có nghĩa là cái gì vượt ra khỏi mọi kinh nghiệm mà là cái gì tuy đi trước (vorher-geht) kinh nghiệm (tức a priori/tiên nghiệm) nhưng không có nhiệm vụ gì khác hơn là chỉ làm cho nhận thức kinh nghiệm có thể có được. Nếu những khái niệm [tiên nghiệm] này vượt ra khỏi kinh nghiệm thì sự sử dụng chúng bấy giờ gọi là transzendent (siêu việt)”(1).
{(1)Chỗ đứng rất khó khăn và tế nhị của Kant giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý thể hiện rõ ở nỗ lực chứng minh của ông về “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm”: chúng vừa là “siêu nghiệm” (xem 3.5) tức đi trước kinh nghiệm vừa đồng thời phải cần đến mối quan hệ với kinh nghiệm. Ngày nay, nhiều tác giả không tin rằng Kant đã thành công trong việc chứng minh khả thể và tính chất siêu nghiệm của loại phán đoán đặc biệt này. (Xem: cuộc thảo luận chung quanh vấn đề này trong: Strawson, P.F.: “Die Grenzen des Sinns. Ein Kommentar zu Kants Kritik der reinen Vernunft”/ “Các ranh giới của giác quan. Một chú giải về Phê phán lý tính thuần túy của Kant”, Kưnigstein/Ts 1981).}
Như thế, chữ “siêu nghiệm” (transzendental) là trái nghĩa với chữ “thường nghiệm” (empirisch), song không phải theo nghĩa là “siêu-cảm tính” (übersinnlich) = siêu việt (transzendent) mà là không-thường nghiệm hay tiền-thường nghiệm.
Lý luận siêu nghiệm, như đã nói, là học thuyết về những điều kiện tiên nghiệm của nhận thức chúng ta (gồm Cảm năng học siêu nghiệm, Lôgíc học siêu nghiệm và nói chung là triết học siêu nghiệm). Các đối tượng của học thuyết này như các quan năng nhận thức tương ứng (ví dụ: trí tưởng tượng siêu nghiệm mà ta sẽ gặp), bản thân các mô thức tiên nghiệm (trong hai môn Cảm năng học và Lôgíc học kể trên) và cả chủ thể siêu nghiệm như là sự thống nhất siêu nghiệm của Thông giác (ta sẽ tìm hiểu ở 8.3) đều được gọi là siêu nghiệm.
Tuy trong sách này, Kant không trực tiếp dùng chữ “phương pháp siêu nghiệm” nhưng ta hiểu tinh thần cốt lõi của phương pháp này là: điểm xuất phát của triết học không phải là kinh nghiệm được chấp nhận một cách ngây thơ về những đối tượng được mang lại một cách cảm tính mà là sự phản tư về chủ thể nhận thức và về những điều kiện nằm bên trong chủ thể về khả thể của nhận thức khách quan. Vì Kant cho rằng các điền kiện tiên nghiệm này chỉ có thể được dùng để “cấu tạo” nên những đối tượng như là “hiện tượng” thôi nên phương pháp siêu nghiệm sẽ dẫn ông đến thuyết duy tâm siêu nghiệm hay thuyết phê phán siêu nghiệm (Kritizismus) như ta sẽ thấy.
Vậy, “điều kiện khả thể của nhận thức” là gì ?
“Điều kiện khả thể của nhận thức” thật ra có nhiều loại. Khi nhìn một người hành khất đói khổ đang ngồi bên vệ đường, ta cần nhiều “điều kiện khả thể” để “nhận thức” hiện tượng này: nào là điều kiện khả thể về sinh lý tức đôi mắt; điều kiện tâm lý của sự mẫn cảm đưa đến lòng xúc động và cắn rứt lương tâm; điều kiện đạo lý, xã hội hay tôn giáo của lòng vị tha và các nguyên tắc bình đẳng, từ bi, bác ái, v.v… Nhưng, tất cả các điều kiện ấy đều có tính thường nghiệm và Kant không quan tâm. Lý do là vì: điều kiện thường nghiệm (ví dụ: điều kiện khả thể về sinh lý như mắt hay đại não) bản thân là một đối tượng có thể “kinh nghiệm được” nên không thể lại là điều kiện khách quan cho khả thể của kinh nghiệm thường nghiệm ! Vả lại, về nguyên tắc, cũng không thể loại trừ khả năng có những sinh vật không có mắt hay đại não vẫn có thể có “kinh nghiệm”. Khác với điều kiện thường nghiệm, điều kiện siêu nghiệm cho biết phải thỏa ứng những điều kiện tiên quyết nào để một đối tượng nói chung mới có thể được nhận thức như một đối tượng. Nói khác đi, các điều kiện siêu nghiệm không chỉ đề ra các điều kiện khả thể cho việc nhận thức những đối tượng thường nghiệm mà còn đồng thời giải thích khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm nói chung. Đó chính là bước ngoặt nhận thức luận của Kant đối với khái niệm đối tượng của môn Bản thể học truyền thống(1)
Điều Kant bàn ở đây là điều kiện siêu nghiệm có trước mọi kinh nghiệm, hay như ông định nghĩa rõ hơn ở trang B80: “không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm, trái lại chỉ những nhận thức tiên nghiệm cho ta biết tại sao và bằng cách nào một số biểu tượng (trực quan hay khái niệm) chỉ có thể có được và chỉ được áp dụng một cách tiên nghiệm mới được gọi là siêu nghiệm. Vậy, siêu nghiệm là khả thể tiên nghiệm của nhận thức và việc sử dụng tiên nghiệm nhận thức ấy”. Rõ hơn nhưng cũng chưa dễ hiểu hơn, nên ta cần chịu khó đi sâu phân tích thêm chút nữa.
{(1)Đó cũng là ý nghĩa của câu định nghĩa rất khái quát ở trong B25 trong Lời dẫn nhập này: “Tôi dùng chữ “Siêu nghiệm” để chỉ mọi thứ nhận thức không bàn về các đối tượng mà về Phương cách nhận thức (Erkennt-nisart) của ta về đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm”.
(1)Mở rộng vấn đề hơn như ta sẽ bàn trong 9.6.4, trong quan niệm của Kant về phương pháp siêu nghiệm, chân trời của những đối tượng khả hữu (có thể có được) cho con người bao giờ cũng là hữu hạn (endlich), còn những đối tượng khả niệm (có thể suy tưởng được) thì dành cho các ý niệm điều hành (regulativ) của lý tính như là sự định hướng, kích thích nghiên cứu (heuristisch) và cho lý tính thực hành (đạo đức). Trái lại, trong thuyết duy tâm sau Kant (Fichte, Hegel), chủ thể siêu nghiệm lại được hiểu là cơ sở nguyên thủy (Urgrund) của tất cả và, do đó, sự phân biệt của Kant giữa hiện tượng và vật-tự thân (hay ranh giới của các điều kiện siêu nghiệm) không còn nữa. Trong quan niệm này, chủ thể siêu nghiệm - ngay cả khi được hiện thực hóa nơi con người - vẫn xuất hiện ra như là vô hạn (unend-lich). Trong khi đó, J. Maréchal (Le point de départ de la métaphysique, 1926) và các nhà tư tưởng Thiên chúa giáo theo ông thì đồng thời khẳng định tính hữu hạn của chủ thể con người lẫn tính vô hạn của chân trời hữu thể do con người khám phá. Cũng thế, đối với khái niệm “transzendent” (siêu việt), nếu Kant hiểu nó đồng nghĩa với “siêu-cảm tính”, “siêu nhiên”, “siêu-thế gian”, “không thể nhận thức được” (vượt khỏi mọi khả thể của các điều kiện siêu nghiệm) thì trong triết học hiện sinh, “cái siêu việt” (das Transzendenz) lại được “tái phát hiện” theo nghĩa mới: Karl Jaspers (Philosophie, tập III, 1932) nói về “Hữu thể” (Sein) như là về cái “Bao trùm” (das Umgreifende/Lê tôn Nghiêm dịch là “Bao dung thể”) và để cho “hiện sinh” của con người được cấu tạo bởi cái siêu việt thể ấy, nghĩa là thông qua sự tự-khai mở của nó đến cái Tuyệt đối. Martin Heidegger (Von Wesen des Grundes, 1931) xem Siêu Việt như là sự “vượt lên” của hiện thể cá biệt đến “Thế giới - nói chung”, đến cái hiện thể-trong-toàn-bộ, thậm chí đến “Hữu thể” (das Sein) cho dù vẫn không bao giờ xác định được “Hữu thể” là gì. Như thế, tất cả các nỗ lực ấy (thuyết duy tâm tuyệt đối, tôn giáo, thuyết hiện sinh...) rõ ràng là muốn “đi ra khỏi” Kant chứ không phải là các cách lý giải khác nhau “về” Kant.}
3.5.2 “Không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm”: Các khoa học tuy chứa đựng tồn các nhận thức tiên nghiệm (tốn học) hay một số yếu tố tiên nghiệm (khoa học tự nhiên) nhưng không phải là triết học siêu nghiệm. Vì sao? Ta chú ý, với hai câu hỏi “tại sao và bằng cách nào” ở câu trích dẫn trên, Kant vạch rõ hai nhiệm vụ song hành của nhận thức đúng nghĩa là “siêu nghiệm”.
- trước hết, nhận thức siêu nghiệm phải chứng minh rằng quả thật có một số biểu tượng “không có nguồn gốc thường nghiệm” (B81), tức là tiên nghiệm (như mô thức của trực quan: không gian và thời gian và các khái niệm thuần túy của giác tính, - các phạm trù - như ta sẽ biết).
- thứ hai, chứng minh các biểu tượng tiên nghiệm ấy có thể và bằng cách nào “quan hệ được với các đối tượng của kinh nghiệm” một cách tiên nghiệm.
Do đó, với nhiệm vụ thứ nhất, cần gạt bỏ mọi tiền đề thường nghiệm dù quan trọng đến đâu ra khỏi việc nghiên cứu siêu nghiệm, vì chỉ có nhận thức không-thường nghiệm về chính kinh nghiệm mới là siêu nghiệm.
Với nhiệm vụ thứ hai, ta biết các mệnh đề tốn học và khoa học tự nhiên là những phát biểu về đối tượng, nhưng không phải thuộc về lý luận siêu nghiệm, vì siêu nghiệm là những tiền đề sâu hơn, không có tính tốn học hay vật lý học nhưng luôn có mặt và tác động mỗi khi ta nghiên cứu tốn học và khoa học tự nhiên. Cần hiểu rõ cả hai mặt ấy ta mới nắm được nội dung của từ “siêu nghiệm” theo như Kant hiểu. Từ nội dung này, ta sẽ dễ hiểu tại sao trong phần Cảm năng học siêu nghiệm và Phân tích pháp siêu nghiệm nghiên cứu về các yếu tố cơ bản của nhận thức, Kant luôn đi hai bước: bước 1: “khảo sát siêu hình học” nhằm phát hiện sự tồn tại của những yếu tố tiên nghiệm trong chủ thể nhận thức (“Siêu hình học” là môn học về “tồn tại”!) và bước 2: “khảo sát siêu nghiệm” hay “diễn dịch siêu nghiệm” theo nghĩa chặt chẽ là xem các biểu tượng tiên nghiệm ấy nhất thiết phải được áp dụng và áp dụng bằng cách nào vào đối tượng để có được nhận thức khách quan.
Thật vậy, như đã thấy trên kia, ta có những phán đoán hậu nghiệm về những đối tượng thường nghiệm (ví dụ: quả táo màu đỏ; vật thể rơi theo luật rơi). Những phán đoán này có thể kiểm chứng bằng cách khảo sát đối tượng. Ngược lại, những phán đoán siêu nghiệm lại đòi hỏi có giá trị tiên nghiệm đối với kinh nghiệm, tức độc lập với kinh nghiệm cảm tính. Chúng không liên quan đến những đối tượng thường nghiệm mà đến các điều kiện tất yếu cho việc nhận thức đối tượng. Trong chừng mực đó, chúng giống với các phán đoán lôgíc vì đều có thể được nhận thức một cách tiên nghiệm. Nhưng, trong khi việc phủ định một phán đoán đúng về mặt lôgíc là tự-mâu thuẫn thì điều này lại không áp dụng được cho phán đoán siêu nghiệm ! (ví dụ về phán đoán siêu nghiệm: “Nếu ánh nắng mặt trời chiếu vào hòn đá và làm nó nóng lên thì quan hệ nhân quả này chỉ có thể có được với điều kiện mọi đối tượng của kinh nghiệm đều phục tùng quy luật nhân quả”). Việc phủ nhận phán đoán này là không tự-mâu thuẫn. Bởi vì, nói như Kant, phán đoán lôgíc là phán đoán phân tích-tiên nghiệm, còn ngược lại, phán đoán siêu nghiệm là tổng hợp-tiên nghiệm. Vậy, tính đúng, sai của phán đoán siêu nghiệm không thể giải quyết bằng việc phân tích lôgíc như trong phán đoán lôgíc mà phải bằng con đường khác. Đây sẽ là phần khó khăn nhất (và cũng khó hiểu nhất) để chứng minh tính giá trị khách quan của những phán đoán siêu nghiệm (cũng tức là của các mô thức tiên nghiệm: các phạm trù) được Kant đặt tên là “sự diễn dịch siêu nghiệm về các khái niệm thuần túy của giác tính” mà ta sẽ tìm hiểu sau. (Xem: 8.3).
3.5.3 Nhận thức siêu nghiệm không làm tăng thêm kiến thức về đối tượng vì “sự phân biệt siêu nghiệm-thường nghiệm chỉ thuộc về công việc phê phán các loại nhận thức chứ không nói đến mối quan hệ giữa các nhận thức này với đối tượng của chúng” (B81).
Do đó, phê phán siêu nghiệm khác với các khoa học cụ thể, với các khoa học cơ bản lẫn các lý luận về khoa học. Nếu khoa học cụ thể nghiên cứu về một loại đối tượng nhất định; khoa học về nền tảng (Grundlagewissenschaft) nghiên cứu các khái niệm nền tảng của khoa học ấy, còn lý luận khoa học (Wissenschaftheorie) làm sáng tỏ việc hình thành các khái niệm và phương pháp nghiên cứu, thì phê phán siêu nghiệm đặt câu hỏi triệt để hơn: về nguyên tắc, tất cả các công việc ấy có thể làm được không? Nó không xét các mệnh đề khoa học là đúng hay sai mà hỏi: liệu có thể có một mối quan hệ khách quan và đúng đắn với đối tượng nghiên cứu hay không và nếu có thì như thế nào? Nó xét xem tại sao và bằng cách nào chân lý của nhận thức về đối tượng - có tính tất yếu và phổ biến - không rơi vào mâu thuẫn và nghịch lý.
Kant gọi Phê phán siêu nghiệm là đi tìm “Lôgíc học của chân lý” (B87). Điều này không có nghĩa là đi tìm ý nghĩa của chân lý hay các tiêu chuẩn của chân lý. Ở phần đầu của quyển Phê phán), ông đặt vấn đề nguyên tắc về khả thể của chân lý và về các đối tượng khách quan nói chung tại sao chúng lại cho phép ta đưa ra được các phán đoán hợp với chân lý. Ở đây, Kant lấy lại định nghĩa truyền thống về chân lý là sự trùng hợp (tương ứng) giữa tư duy và đối tượng, nhưng theo tinh thần “cách mạng Copernic”, đối tượng không phải là cái Tự thân, độc lập với chủ thể nhận thức mà được cấu tạo thông qua các điều kiện tiên nghiệm của chủ thể.
Nhận thức về các điều kiện tiên nghiệm của nhận thức đồng thời là nhận ra các giới hạn của bản thân nhận thức. Cho nên theo Kant, lợi ích đầu tiên của phê phán lý tính là có tính “tiêu cực, phủ định”, nó không nhằm mở rộng mà nhằm “làm trong sạch lý tính” (B25).
3.5.4 Mục đích của sự Phê phán siêu nghiệm, như đã nói, “không phải là mở rộng mà là điều chỉnh và hướng dẫn nhận thức, lấy đó làm tiêu chuẩn để kiểm tra mọi nhận thức tiên nghiệm xem có giá trị hay không” (B26). Nó là bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng hệ thống hồn chỉnh về lý tính thuần túy - tức là Siêu hình học - mà Kant gọi là “Triết học siêu nghiệm”. Triết học siêu nghiệm, tức học thuyết về Siêu hình học đã được “điều chỉnh” theo phương pháp mới, chỉ có thể hình thành sau khi việc phê phán siêu nghiệm (nhiệm vụ chính của quyển Phê phán này) đã giải quyết về nguyên tắc các điều kiện khả thể của nó. Kant nhấn mạnh: “Phê phán lý tính thuần túy nghiên cứu những gì tạo nên Triết học siêu nghiệm, nó là Ý niệm toàn diện về Triết học siêu nghiệm nhưng chưa phải là bản thân môn khoa học này vì nó chỉ làm công việc phân tích trong mức độ cần thiết để hiểu được đầy đủ nhận thức tổng hợp tiên nghiệm (B28).
Từ việc phát hiện các yếu tố tiên nghiệm trong “Phê phán siêu nghiệm”, triết học siêu nghiệm sẽ là hệ thống tất cả các nguyên tắc của lý tính thuần túy, triển khai các yếu tố ấy một cách toàn diện trong lãnh vực nhận thức tự nhiên và nhất là trong sinh hoạt đạo đức (1)
3.5.5 Ở trên, Kant nói đến “Ý niệm toàn diện về triết học siêu nghiệm” vì trước đó ông đã nêu: “Triết học siêu nghiệm là Ý tưởng, hay đúng hơn là bản thân Ý niệm (Idee) về một khoa học mà sự Phê phán lý tính thuần túy (này) chỉ là sự phác họa toàn bộ kế hoạch một cách kiến trúc (architektonisch), tức là bao gồm các nguyên tắc đảm bảo sự hoàn chỉnh và vững chắc trong mọi bộ phận để tạo nên Tòa nhà triết học này” (B27). Vậy “Ý niệm về một khoa học” là gì? Ta dừng lại một lát để tìm hiểu điều Kant muốn nói qua thuật ngữ quan trọng này:
“Ý niệm về khoa học” là sự đòi hỏi có được nhận thức khách quan. Đòi hỏi này thường bị các nhà hoài nghi từ thời cổ đại cho đến David Hume bác bỏ vì theo họ, nhận thức khách quan theo nghĩa phổ quát và tất yếu là không thể có được. Trước tình hình đó, xuất phát từ một “lý tưởng” khoa học ở thời đại ông, Kant đặt nhiệm vụ cho công cuộc Phê phán siêu nghiệm là đi tìm các điều kiện, hay theo cách nói quen thuộc của ông, “cơ sở hợp pháp và chính đáng” (Rechtsgrund) cho tính khách quan khoa học. Nếu việc đi tìm các điều kiện này đạt được kết quả thì đòi hỏi về nhận thức khách quan sẽ có cơ sở chính đáng (legitim). Việc phát hiện ra các điều kiện này (theo Kant đó là các mô thức thuần túy của trực quan trong “Cảm năng học siêu nghiệm” và các khái niệm thuần túy - phạm trù - cũng như các nguyên tắc của giác tính trong “Lôgíc học siêu nghiệm”) sẽ cho thấy nhận thức khách quan là có cơ sở.
Cách làm của ông như sau: ông không làm theo kiểu “giáo điều” tức khẳng định ngay từ đầu các điều kiện tiên nghiệm, trái lại theo phương pháp “hoài nghi” là đặt câu hỏi liệu chúng có thể có không, rồi lần theo các “manh mối” (Leitfaden) để đi tìm. Rút cục ông chứng minh: dựa trên các trực quan thuần túy, các phạm trù và các nguyên tắc đã phát hiện được, cho thấy nhận thức khách quan (tất yếu và phổ quát) là khả hữu và chỉ khả hữu trong phạm vi kinh nghiệm thôi. Như vậy, không phải Kant xuất phát từ sự tồn tại khách quan của tốn học và khoa học tự nhiên (thuần túy) - như phái Kant mới diễn giải - để chứng minh (vì như vậy là “giáo điều”), trái lại, phê phán siêu nghiệm có nhiệm vụ đặt cơ sở cho nhận thức khách quan, trong đó có toán học và khoa học tự nhiên. Các môn học ấy không phải là tiền đề mà là kết luận, không phải là cơ sở của chứng minh mà là mục đích của chứng minh.
{(1)Thật ra, phạm vi chính xác của “Triết học-siêu nghiệm” và nhất là quan hệ của nó với một bên là đề án “Phê phán lý tính thuần túy” và bên kia là với Siêu hình học vẫn còn khá mơ hồ và không ít mâu thuẫn vì Kant phát biểu không thống nhất. Mấy điểm chưa thật rõ là:
- bản thân “Phê phán lý tính thuần túy” đã là một bộ phận (tuy chưa phải là “hệ thống hoàn chỉnh”) của Triết học-siêu nghiệm (B25; B27) hay chỉ là phần “dự bị” (“Vorbung”) còn toàn bộ hệ thống sẽ đến sau? (B869). (tiếp trang sau)
- Triết học-siêu nghiệm chỉ là một bộ phận của Siêu hình học (B873) hay toàn bộ Siêu hình học đều là Triết học-siêu nghiệm (B508)?
- Nếu Triết học-siêu nghiệm chứa đựng tất cả mọi phán đoán tổng hợp-tiên nghiệm (B25), tại sao nó không bao gồm cả toán học (B508) mà chỉ giải thích “khả thể” của toán học (B761) thôi? Còn “Siêu hình học về đức lý” (Metaphysik der Sitten), tức triết học đạo đức và pháp quyền, cũng được tính chung vào Triết học-siêu nghiệm? Vị trí quyển “Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên” (Metaphysische Anfangsgrnde der Naturwissenschaft, 1786) được xác định như thế nào khi trong Lời tựa II (1787), Kant vẫn còn hứa hẹn sẽ cho ra đời “Siêu hình học về tự nhiên”, điều không hề được thực hiện? Dù sao, ta chỉ cần ghi nhớ rằng, với Kant, Triết học-siêu nghiệm là môn Siêu hình học nền tảng (fundamental) mà ông muốn xây dựng.}
Ở đây, “nhận thức khách quan” hay “tính khách quan của nhận thức” cũng có hai nghĩa đan xen nhau: tính khách quan là kết quả của việc nhận thức thế giới hiện thực, nó có giá trị phổ biến và tất yếu cho mọi người, tức có giá trị liên-chủ thể (intersubjektiv). Nhưng muốn vậy, tính khách quan phải quan hệ với các đối tượng có thật, chứ không phải với ảo tưởng và các “sản phẩm hoang đường của đầu óc ta”. Ý nghĩa sau quyết định và là tiền đề cho ý nghĩa trước nên Kant tập trung nghiên cứu về nó.
Tóm lại, “Ý niệm về khoa học” có tính tất yếu và phổ biến của Kant gây ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử triết học Tây phương, kể cả trong các trường phái ngày nay không còn chia sẻ phương pháp và kết quả của ông nữa (chẳng hạn K.R.Popper với thuyết duy lý phê phán) khi cho rằng về nguyên tắc, các khoa học - nhất là khoa học tự nhiên - đều có thể và có quyền sai lầm (fallibel), còn cộng đồng các nhà khoa học vẫn đi tìm chân lý nhưng không hề biết chắc nó có hay không. Dù sao, họ vẫn chia sẻ tư tưởng nền tảng của Kant về sự phê phán, về việc cần thiết phải phát hiện và loại bỏ các ảo tưởng, sai lầm và giữ sự phê phán được “trong sạch” khỏi mọi khẳng quyết “giáo điều”.
4 NHÌN LẠI “MỤC LỤC” QUYỂN SÁCH
Giống như khi mới tậu một chiếc xe hay một máy hát, ta mở “catalô” để xem nó gồm những bộ phận nào, được lắp ráp và sử dụng ra sao. Nhìn “mục lục” chi tiết dài dằng dặc ở đầu sách, ta thấy hoang mang và nản lòng hơn là sáng tỏ. Cho nên, trước khi thực sự bước vào nội dung quyển sách, nên phác họa một “mục lục” ngắn gọn, sáng sủa hơn: Quyển sách gồm 2 phần chính:
I. Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố cơ bản của nhận thức
II. Phương pháp học siêu nghiệm
Hai phần khác xa nhau về độ dày (700 trang so với hơn 100 trang) nhưng không vì thế mà xem Phần 2 chỉ là phụ lục, không quan trọng. Trái lại mỗi phần có nhiệm vụ riêng, đều quan trọng như nhau và không được lướt qua như thói quen dễ phạm phải khi đọc quyển “Phê phán” này. Bằng ví dụ đơn giản như khi xây một ngôi nhà, Kant đã giới thiệu rất rõ nhiệm vụ của mỗi phần. Phần đầu là tìm kiếm và kiểm tra chất lượng của các loại vật liệu; phần sau là lên đồ án xây dựng ngôi nhà chỉ từ các vật liệu ấy (B735). Siêu hình học cổ truyền muốn xây một “tòa tháp chọc trời cao tận mây xanh” nhưng không chịu bỏ công chọn lựa và kiểm tra cặn kẽ vật liệu, nên Phần 1 phải làm công việc ấy một cách rất vất vả và tỉ mỉ.
4.1. Phần 1 (Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố cơ bản của nhận thức): Tìm kiếm và kiểm tra các loại “vật liệu” của nhận thức sau đây:
1. Cảm năng học siêu nghiệm: hai chương: về không gian và về thời gian: hai “vật liệu” chính của cảm năng, tức 2 mô thức thuần túy của trực quan cảm tính, trụ cột thứ nhất của nhận thức.
2. Lôgíc học siêu nghiệm: hai nhóm vật liệu khác:
a) Phân tích pháp siêu nghiệm: tìm kiếm các vật liệu chính của giác tính: các Phạm trù (còn gọi là “các khái niệm thuần túy của giác tính”) và các Nguyên tắc, trình bày thành 2 “quyển”: “Phân tích pháp các khái niệm” và “Phân tích pháp các Nguyên tắc”, trụ cột thứ hai của nhận thức. Chỉ các loại vật liệu trên là đủ chất lượng để xây dựng tòa nhà nhận thức trong phạm vi kinh nghiệm. Còn loại vật liệu thứ ba sau đây là rất khả nghi:
b) Biện chứng pháp siêu nghiệm: kiểm tra loại vật liệu đặc biệt của lý tính: các Ý niệm. Chúng đã được Siêu hình học “giáo điều” sử dụng tùy tiện để xây nên ba tòa nhà lộng lẫy nhưng thiếu vững chắc: Tâm lý học thuần lý (làm nảy sinh “các võng luận tâm lý học”); Vũ trụ học thuần lý (nảy sinh các “nghịch lý của lý tính thuần túy”) và Thần học thuần lý (nâng Ý niệm lên thành “Ý thể” tạo ra ba luận cứ thiếu cơ sở nhằm chứng minh sự tồn tại của Thượng đế). Sau khi kiểm tra, phê phán, Kant đề ra phương pháp để giải quyết: các Ý niệm của lý tính không thể cấu tạo nên nhận thức khách quan, nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng và chỉ được dùng để định hướng (regulativ) và thúc đẩy (heuristisch) nhận thức trong nghiên cứu tự nhiên và là các “định đề” trong sinh hoạt đạo đức.
4.2. Phần 2 (Phương pháp học siêu nghiệm): Nói dễ hiểu, sau khi có vật liệu, việc xây dựng ngôi nhà cần làm rõ:
-những gì lý tính không được phép làm (Kỷ luật học)
-những gì lý tính có thể làm (Bộ chuẩn tắc)
-những gì lý tính cần làm và sẽ làm (Kiến trúc học của lý tính thuần túy)
-những gì lý tính đã làm cho đến nay (Lịch sử của lý tính thuần túy).
Cũng chính trong phần này, Kant gieo những hạt giống đầu tiên cho triết học thực hành, tức Đạo đức học sẽ được ông bàn kỹ trong các tác phẩm khác. (“Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý” và “Phê phán lý tính thực hành”).
(còn nữa)
Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513548
221
2313
21485
220421
121356
114513548