Văn hoá học đường
Truyền thống và cải cách khoa cử Nho học qua trường hợp kỳ thi Hương năm 1912 ở Nam Định (trường thi Hà Nam)
Các kỳ thi Hương được tổ chức ba năm một lần gây ấn tượng sâu sắc đối với người Pháp vì số lượng thí sinh khổng lồ (khoảng 10 ngàn người), việc tổ chức thi kéo dài (hơn một tháng liền, cộng thêm 6 tháng chuẩn bị), sự tận tuỵ của các quan khoa mục (phải ở trong trường thi hơn 1 tháng và làm việc vất vả để kịp thời gian và tránh sai sót), và hơn hết là nhiệt huyết, sự quyết tâm và nỗ lực của các thí sinh, cũng như toàn thể gia đình, dòng tộc của họ. Dường như kỳ thi này thu hút tâm trí và công sức của cả xã hội Việt Nam. Trước năm 1906, chính quyền Pháp gần như không can thiệp gì vào việc học tập thi cử Nho học. Việc duy nhất họ làm là sự có mặt của viên Toàn quyền trong các buổi khai mạc, bế mạc, đồng thời “hỗ trợ một phần kinh phí cho tổ chức thi Hương ở Nam Định và đảm bảo vẻ lộng lẫy và long trọng của các nghi lễ truyền thống”, theo như báo cáo của Phủ toàn quyền Đông Dương[1]. Năm 1906 đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Sự ra đời của Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ (Conseil de perfectionnement de l’Enseignement) vào ngày 8-3-1906 báo trước sự can thiệp sâu rộng của người Pháp vào các hoạt động của hệ thống trường lớp và thi cử Nho học khi thành phần gồm 26 người của Hội đồng này có đến 19-20 người Pháp. Tháng Tư năm 1906, Hội đồng đã thông qua Bản Quy chế Giáo dục và được Vua Thành Thái duyệt y. Bản Quy chế này đưa ra những quy định cụ thể về cải cách các trường Nho học và cải cách kỳ thi Hương cùng các kỳ thi điều kiện Tuyển, Khảo khoá, Hạch, áp dụng cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 16 tháng 11 cùng năm, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định 1551bis về cải cách giáo dục riêng cho Bắc Kỳ.
Trong kỳ thi Hương cải cách lần đầu năm 1909, bài thi Thơ, Phú bằng chữ Hán đã bị loại bỏ hoàn toàn và vai trò của chữ quốc ngữ đã được nâng lên, theo như nhận định của viên Thống sứ Bắc Kỳ trong bài phát biểu tại kỳ thi năm 1912 “Lần đầu tiên trong lịch sử xứ này, trong kỳ thi Hương năm 1909, tiếng Việt và các môn khoa học phương Tây đã chiếm một vị trí quan trọng thay cho những bài chữ Hán”[2] Kỳ thi năm 1912 diễn ra trong bối cảnh chương trình cải cách Nho học đã đi được nửa con đường. Ngay cả khi có tin đồn rằng các kỳ thi Nho giáo sẽ bị bãi bỏ, toàn xã hội Bắc Kỳ vẫn dành cho kỳ thi này một niềm kỳ vọng. Trước khi kỳ thi Hương diễn ra vào tháng 11 năm 1912, vào tháng 6 cùng năm đó cũng diễn ra kỳ thi lấy bằng Cao đẳng tiểu học Pháp - Việt (Diplome de fin d’études complementaires franco-annamites). Chỉ có 53 người dự kỳ thi này. Trong khi đó, số người mong muốn dự thi Hương tiếp tục tăng. Năm 1909 hơn 3000 đăng ký dự thi Hương. Để dự kỳ thi Hương năm 1912, hơn 11 ngàn thí sinh đã dự kỳ thi Tuyển, hơn 8000 dự kỳ thi Khảo khoá và hơn 7000 dự kỳ thi Hạch. Từ kết quả thi Hạch, lựa ra được hơn 1000 đủ điều kiện thi Hương.
Với tiếp cận nghiên cứu trường hợp, dựa vào các tài liệu lưu trữ Pháp, bài viết này sẽ trình bày diễn biến của kỳ thi Hương năm 1912, từ đó hiểu rõ hơn về trình tự thi Hương truyền thống, chẳng hạn việc lập Hội đồng chấm thi, tuyển chọn người chấm thi, quy trình trông thi, cách chấm thi, những biện pháp nhằm hạn chế gian lận thi cử; qua đó hiểu rõ hơn về những cải cách trong khoa cử Nho học và những biến chuyển trong giới Nho sĩ khi đối diện với hệ thống giáo dục kiểu mới.
1- Các kỳ thi điều kiện trong năm 1912 - hạn chế bớt thí sinh dự kỳ thi Hương
Trong quy trình thi cử truyền thống, trước các kỳ thi Hương, nhà nước phong kiến Việt Nam tổ chức các kỳ Khảo khoá và Hạch. Những kỳ thi này hoàn toàn không bắt buộc mà cốt chỉ để kiểm tra trình độ thí sinh và giúp thí sinh làm quen với các bài thi. Theo bản Quy chế giáo dục 1906, trước kỳ thi Hương có 3 kỳ thi: Tuyển, Khảo khoá, Hạch, tương ứng với ba cấp học trong hệ thống Nho học cải cách: Ấu học, Tiểu học, Trung học. Việc đưa kỳ thi Tuyển hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ vào hệ thống khoa cử cải cách chính là nhằm khuyến khích các nho sĩ tích cực học chữ quốc ngữ. Đồng thời, hình thức và nội dung của các kỳ thi này đều dựa trên kiến thức được đưa vào sách giáo khoa, điều này khuyến khích thí sinh theo học các chương trình đã được chuẩn hoá, theo từng cấp độ từ dễ đến khó. Theo đánh giá của chính quyền Pháp, mặc dù thi cử có một vai trò hết sức quan trọng đối với triều đình phong kiến cũng như đối với xã hội Việt Nam, việc quản lý hệ thống trường học và việc học tập dường như lại khá lỏng lẻo. Chính quyền không cần biết học trò học ở đâu, học cái gì, miễn sao thi đỗ là được.
Tháng 11 năm 1911, Thống sứ Bắc Kỳ Simoni đã ra một Nghị định quy định rằng chỉ những thí sinh nào đỗ kỳ thi Hạch mới đủ điều kiện dự thi Hương. Thi Hạch được tổ chức vào tháng tư âm lịch năm 1912, trước khi thi Hương chính thức bắt đầu. Theo Nghị định 1906, chỉ người dưới 30 mới được thi Hạch, kỳ thi 1909 đã nới rộng độ tuổi lên 50, kỳ thi năm 1912 lấy mốc trung bình là 40 cho mọi thí sinh. Kỳ thi Hạch 1912 gồm 1 bài thi chữ Hán (bớt 1 bài so với năm 1909), 2 bài chữ quốc ngữ, 1 bài tiếng Pháp không bắt buộc. Bài chữ Hán có 3 chủ đề (1 bài luận ngắn bàn về đạo đức hoặc văn chương; 1 bài về lịch sử Annam; 1 bài về hành chính Annam). Bài tiếng Việt có 3 chủ đề: 1 bài luận, 1 bài trả lời câu hỏi về lịch sử, địa lý và khoa học, giải 1 bài toán. Mỗi bài thi có điểm từ 1-20, thí sinh có điểm trung bình từ 10 trở lên mới được vào vòng tiếp theo.
Theo thông tri của Thống sứ Bắc Kỳ gửi các tỉnh Bắc Kỳ, Hội đồng chấm thi ở các tỉnh sẽ do tỉnh tự thành lập, gồm các quan học chính trong tỉnh (huấn đạo giáo thụ), các giáo viên trường Pháp-Việt. Tờ thông tri này cũng khuyến nghị các sách giáo khoa dùng cho thi Hạch và thi Hương, gồm có “Tiểu học cách trí”, “Tiểu học toán pháp” của Trần Văn Khánh; liên quan đến bài chữ Hán, các kỳ thi năm 1912 sẽ không có câu hỏi nào liên quan đến Trung Dung hoặc Kinh Dịch, chủ yếu hỏi về đạo đức luân lý, lấy từ sách Đại học, Luận ngữ, Mạnh Tử, Kinh thư, Kinh thi, Kinh lễ, Xuân thu; phần lịch sử Trung Hoa cũng bị lược bỏ, chỉ còn câu hỏi về lịch sử An Nam. Về lịch sử An Nam, thông tri khuyến nghị dùng sách “Nam sử toát yếu” của Phạm Văn Thụ, Ngô Giáp Đậu. Thông tri cũng giải thích về việc giảm số Cử nhân và Tú tài (năm 1909 lấy 50 Cử nhân và 150 Tú tài) bởi vì “do quy định về độ tuổi, số ứng cử viên sẽ giảm đi; mặt khác số lượng người đỗ cần tương thích với nhu cầu về việc làm”[3]. Ngay từ năm 1897, khi chứng kiến hơn 10 ngàn người dự thi Hương, Toàn quyền Doumer đã lo ngại về việc số lượng người đỗ đạt quá nhiều mà không có đủ vị trí việc làm cho họ sẽ là nguồn cơn gây bất mãn trong giới Nho sĩ, gây bất ổn xã hội.
Vào tháng 3 năm 1912, sau khi thu thập thông tin từ các quan học chính ở một số tỉnh, văn phòng Thống sứ đề xuất phương thức chấm thi mới[4]. Theo truyền thống, việc chấm thi Hạch do học quan (đốc học, giáo thụ, huấn đạo) ở từng tỉnh đảm nhiệm. Sau khi kỳ thi Khảo khoá năm 1911 kết thúc, báo cáo của hội đồng thẩm định (commission de la revision du Khao khoa) cho thấy có tình trạng gian lận ở các tỉnh trong kỳ thi này, chẳng hạn có bài thi quốc ngữ có hai thứ chữ, hoặc có 3, 4 bài thi có cùng một thứ chữ, hoặc có thí sinh mới 11 tuổi mà “văn lý thông lắm, ngờ không phải thực tài”, hoặc có những tỉnh chấm điểm quá rộng rãi [5]. Năm 1912, để kỳ thi Hạch được thực sự công minh, sau khi thi xong các tỉnh phải tập trung toàn bộ bài thi về phủ Thống sứ để từ đó gửi về các tỉnh khác nhau để chấm chéo, chẳng hạn bài thi của tỉnh Bắc Ninh sẽ gửi về tỉnh Nam Định để chấm, bài Thái Bình gửi về Ninh Bình.
Kỳ thi Hạch năm 1912 được tiến hành vào hai ngày: ngày 20 tháng 5 (sáng thi bài chữ Hán, chiều thi bài luận tiếng Việt); ngày 21 tháng 5 (sáng thi bài toán và khoa học, chiều thi chữ Pháp không bắt buộc). Có 8.364 người dự thi Hạch nhưng chỉ có 1.008 người đỗ. Số này được bổ sung thêm 354 Tú tài và ấm sinh được miễn thi, tổng số thí sinh đủ điều kiện thi Hương sau kỳ thi Hạch là 1.362[6].
2. Kỳ thi Hương
Theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ năm 1911, thí sinh thi Hương tập trung làm 6 đợt: ngày 2/11: thí sinh đăng ký vào trường thi; ngày 9/11: bài thi chữ Hán; ngày 19/11: bài thi tiếng Việt; ngày 25/11: thi tiếng Pháp tự chọn; ngày 29/11: bài Phúc hạch; ngày 3/12: Lễ xướng danh, công bố kết quả. Tuy nhiên, trên thực tế, do việc chấm bài tiếng Việt chậm hơn dự kiến nên kỳ thi tiếng Pháp đã phải lùi lại 2 ngày và lễ xướng danh lùi sang ngày 10/12 vì phải đợi Toàn quyền Đông Dương thu xếp tham dự.
Từ tháng 8, các thí sinh đã phải gửi giấy thi để xin triện của Hội đồng thi. Kể từ năm 1909, ngoài giấy thi bằng giấy gió để viết chữ Nho, thí sinh phải gửi cả giấy “Tây” để viết chữ quốc ngữ và chữ Pháp (nếu ai chọn thi tiếng Pháp). Trên tờ giấy thi, thí sinh viết họ tên, quê quán của mình và họ tên, nghề nghiệp của ba đời (cụ, ông, bố
Từ tháng 9, Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển xin Bộ học Huế cắt đặt người vào quan trường. Khâm sứ Trung Kỳ cử Tham tri bộ Lại Trần Trạm làm Chánh Chủ khảo, Bố chánh Hà Tĩnh Trần Đình Bá làm Phó, Giám khảo Nguyễn Đức Lý, Đề tuyển Trần Ngọc Tú, Giám sát Nguyễn Trọng Tương giúp đỡ lo việc trường vụ cho trường Hà Nam.[7] Đồng thời Thống sứ Bắc Kỳ bổ nhiệm 4 Phúc khảo, 8 Sơ khảo, 20 lại phòng, 6 người đội thể sát (2 phó quản, 4 xuất đội)- lấy từ quản cơ, lãnh binh đang làm việc tại tỉnh. Lính canh lấy 100 người từ Nam Định và các tỉnh. Kinh phí cho hoạt động thi cử năm 1912 là 5500 đồng, lấy từ ngân sách Bắc Kỳ; Công sứ Darles giám sát toàn bộ kỳ thi (giám thí).[8]
Trong kỳ thi năm 1909, người ta phải sử dụng hai nhóm giám khảo khác nhau để chấm bài thi chữ Hán và chữ quốc ngữ. Các quan Sơ khảo và Phúc khảo chấm 2 bài chữ Nho, đến kỳ thứ ba là kỳ thi chữ quốc ngữ, phải gửi tất cả bài thi lên phủ Thống sứ và mời các thày giáo dạy trường Pháp-Việt đến chấm. Những thày giáo này đến chấm ngày hai buổi rồi lại về nhà, hôm sau đến chấm tiếp, như thế không đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Năm 1912 Hội đồng phải chọn các Giáo thụ, Huấn đạo, Hậu bổ vừa thạo chữ Nho lại “có tân học, biết chữ quốc ngữ, tính hạnh thuần cẩn”. Đặc biệt, tất cả các thày chấm bài quốc ngữ cũng phải ở trong trường để đảm bảo tính nghiêm minh.
Ngày 2 tháng 11, một đoàn tàu rời Hà Nội vào lúc 6 giờ sáng, chở theo Thống sứ Bắc Kỳ Tholance, Kiểm thí trường thi Darles, Henri Gourdon, thanh tra giáo dục và các quan chức Việt Nam Hoàng Cao Khải, Đỗ Tâm. Chuyến tàu tới Nam Định lúc gần 9 giờ sáng.[9] Vào 9 giờ sáng lễ khai mạc kỳ thi Hương bắt đầu. Sau buổi lễ, thí sinh được thông báo về vị trí của họ trong trường thi (ngồi ở vi nào, vào lối cổng nào). Tất cả hội đồng thi ở lại trường thi cho đến khi kỳ thi kết thúc.
Ngày 9 tháng 11, vào lúc 2 rưỡi sáng, trong cơn mưa tầm tã, giám khảo gọi tên thí sinh vào trường thi thứ nhất. Thí sinh được xếp trong 4 vi khác nhau (ất, giáp, hữu, tả) và vào các vi qua 4 cổng. Tổng số thí sinh đăng ký thi là 1398 nhưng chỉ có 1330 người có mặt. Theo đó, trường Hà Nội có 642 thí sinh (gồm các thí sinh Hà Đông, Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng), đông nhất là từ Bắc Ninh (190), ít nhất từ Thái Nguyên (1); trường Nam Định có 688 thí sinh (từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên, Ninh Bình, đông nhất là từ Thái Bình (253), ít nhất từ Quảng Yên (3). Việc gọi tên thí sinh kết thúc vào lúc 6 rưỡi sáng. Giám khảo phát hiện trong hòm của một thí sinh tỉnh Hà Đông ở vi ất có tài liệu in sẵn, sau đó lại phát hiện thêm thí sinh con của Quan án Nam Định cũng mang tài liệu vào trường thi. Hai thí sinh này bị đưa ra toà Nam Định xét xử. Đề thi văn sách được niêm yết lúc 7 giờ sáng. Thí sinh phải ra ngoài lều để chép đề thi. Mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc một mạnh cho tới trưa vẫn chưa ngớt. Vài cái lều bị gió xé rách, nhiều thí sinh run lẩy bẩy vì rét và sợ hãi. Vào lúc 4 giờ chiều, giám khảo ra lệnh thu bài. Cho tới 6 giờ chiều, thu được tổng cộng 1272 bài, tức là có 68 người không nộp bài, chủ yếu vì bị ốm đau đột ngột, không đủ sức làm hết bài.
Kiểm thí Darles ký tên vào từng bài thi để tránh tráo bài, sau đó Đề tuyển làm phách. Ngày 11 tháng 11, bài được chuyển tới quan Sơ khảo và Phúc khảo. Ngày 12, giám khảo duyệt lại vòng hai . Ngày 13, Chánh và Phó chủ khảo xem lại tất cả các bài. Ngày 17 việc chấm thi hoàn tất. Bài thi chuyển cho Đề tuyển khớp phách và lên kết quả. Ngày 18, kết quả được niêm yết. Có 419 thí sinh vượt qua trường 1 để vào trường 2; trong đó trường Hà Nội được 221 thí sinh (đông nhất là từ Hà Đông- 66 người), trường Nam Định được 198 thí sinh (đông nhất là từ Thái Bình, được 73 người). Trong số 419 thí sinh vào vòng 2 có 106 người là Tú tài từ các kỳ thi trước.
Để xác định danh tính của những người vào vòng thi quốc ngữ, trong buổi sáng ngày 18 tất cả thí sinh trúng vòng hai tập trung ở vi ất để chụp ảnh. Tên họ được viết bằng chữ quốc ngữ và đánh theo thứ tự trong bảng chữ cái. Cứ 20 người đứng thành một nhóm và được chụp ảnh. Đây là lần đầu tiên kỳ thi áp dụng lối nhận diện thí sinh theo cách này. Trước đó, trong kỳ thi 1909 và kỳ thi Hạch năm 1912, có nhiều đơn kiện về việc tráo người trong kỳ thi quốc ngữ (vì nhiều thí sinh làm tốt bài chữ Hán nhưng không thông thạo chữ quốc ngữ).
Sáng ngày 19, từ 4 giờ, thí sinh được gọi vào vòng 2. Số có mặt là 417 (vắng 2 người). 7 giờ sáng, tất cả đã vào lều của họ. Việc phát đề thi quốc ngữ khác so với đề thi chữ Hán. Các đề thi chữ Hán được niêm yết trên các bảng, thí sinh có thể được phép ra khỏi lều để chép đề. Trong kỳ thi năm 1912, 419 đề thi quốc ngữ đã được in sẵn. Vào 8 giờ sáng, giám thị phát đề thi cho các thí sinh ngay trước lều của họ. Vào lúc này, số ảnh chụp hôm trước vẫn chưa rửa xong mà phải đợi đến 10 giờ sáng mới có ảnh. Trong thời gian thí sinh làm bài thi, giám thị kiểm tra danh tính thí sinh bằng cách đem ảnh của họ ra đối chiếu. Thí sinh không được ra khỏi lều trong suốt 3 tiếng làm bài. Kết quả của bài thi quốc ngữ khá thấp, chỉ có 140 đạt quá bán, trong đó 22 người đạt từ 13 đến 15 điểm, 118 người từ 10 đến 13 điểm, 277 người dưới 10 điểm. 140 bài thi này chưa được khớp phách và được cất giữ cẩn thận.
Kỳ thi tiếng Pháp tự chọn lùi lại 2 ngày vì việc chấm bài thi quốc ngữ kéo dài hơn dự kiến. Ngày 27, chỉ có 33 thí sinh dự kỳ thi này. Bài thi tiếng Pháp kéo dài từ 7 rưỡi đế 10 rưỡi sáng. Việc chấm thi chỉ trong một ngày 28. Kết quả là chỉ có 20 bài điểm trên trung bình, trong đó 2 bài cao nhất đạt 16 điểm.
Cuối cùng là kỳ phúc hạch. Theo định lệ, thí sinh phải đạt tổng điểm trung bình của các kỳ trước ít nhất là 26 mới được vào phúc hạch. Tuy nhiên, chỉ có 17 thí sinh đạt đủ điểm này. Hội đồng thi quyết định hạ điểm chuẩn xuống 24 để lấy được 48 thí sinh vào vòng Phúc hạch, từ đó chọn ra 30 Cử nhân. Kỳ Phúc hạch được tiến hành trong ngày 29, sáng làm bài thi chữ Hán, chiều làm bài chữ quốc ngữ. Ngày 30/11 và 1/12 các quan Sơ khảo, Phúc khảo, giám khảo chấm bài Phúc hạch, đồng thời xét 140 bài thi đã qua vòng quốc ngữ để lựa được 30 Cử nhân, 90 Tú tài. Sau khi đã chọn đủ số đỗ, bấy giờ Hội đồng mới chuyển bài thi sang Đề tuyển để khớp phách và lên danh sách người đỗ.
Ngày 10 tháng 12 là lễ xướng danh (chậm 7 ngày so với dự kiến ban đầu vì phải đợi sự có mặt của Toàn quyền Đông Dương). Người đỗ đầu kỳ thi quê ở Nam Định, 20 tuổi, có tổng điểm 57 (không dự kỳ tiếng Pháp); Cử nhân trẻ nhất là Bùi Đình Trinh, 19 tuổi, người Thái Bình; trong số 30 cử nhân, chỉ có 3 người trên 30 tuổi, 14 người đã từng có học vị Tú tài trước đó. Trong số 120 người đỗ, chỉ 13 người được điểm cộng từ kỳ thi tiếng Pháp, 41 người là tổng sư, đã học qua các khoá Sư phạm 6 tháng, những khoá học cung cấp kiến thức tổng hợp liên quan đến chữ Hán, chữ quốc ngữ, khoa học. Theo đánh giá của Hội đồng giáo dục, vai trò của các trường Nho học cải cách vẫn còn khá mờ nhạt, đặc biệt trong số các Cử nhân và Tú tài, tỉ lệ từ các trường Tiểu học và Trung học (trong hệ thống trường Nho học) rất ít.
Một số nhận xét
1. Các kỳ thi tuyển chọn nhân tài đã gây ấn tượng sâu sắc với chính quyền Pháp, họ tìm cách thay đổi nó trước khi muốn xoá bỏ hoàn toàn; việc thay đổi nội dung khoa cử là nhằm điều chỉnh nội dung giáo dục (tăng cường vai trò của quốc ngữ và tiếng Pháp, các môn khoa học trong nhà trường);
2. Chính quyền Pháp đã can thiệp sâu vào các kỳ thi Hương: nội dung thi, kiểm soát số thí sinh dự thi và số đỗ;
3. Có nhiều lỗ hổng trong các kỳ thi, việc sử dụng các kỳ thi điều kiện trước thi Hương đã làm giảm đáng kể số lượng thí sinh, nhờ đó đảm bảo được sự nghiêm minh trong công tác coi thi và chấm thi; Sử dụng một số quy định mới trong kỳ thi để đảm bảo tính công bằng: tổ chức chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, sử dụng ảnh để nhận diện thí sinh, nhân bản đề thi để tránh xê dịch trong trường thi;
4. Việc lựa chọn người “tài” trở nên khó khăn hơn khi khối lượng kiến thức đa dạng hơn (sự tổng hợp của ba ngôn ngữ trong kỳ thi, các nội dung bao gồm cả cổ điển lẫn hiện đại). Số lượng thí sinh đủ điều kiện Cử nhân thấp hơn yêu cầu, buộc hội đồng thi phải hạ điểm chuẩn.
5. Tỉ lệ thí sinh theo học các trường Nho học “chính quy” (trường do Nhà nước quản lý) vẫn còn thấp, chứng tỏ số trường tư thục, tự do vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo.
[1] Gouvernement General de l’Indochine, Rapport au Conseil de Gouvernement, Session Ordinaire de 1913, Hanoi-Haiphong IDEO, tr.188
[2] Trung tâm Lưu trữ QGI, phông Thống sứ Bắc Kỳ-RST-73395-01
[3] RST-73395-01
[4] Trung tâm Lưu trữ QG I, Phông Học chính Bắc Kỳ, SET-637
[5] SET 602
[6] SET 643, nhưng trong báo cáo trực tiếp về kỳ thi Hương 1912, Chánh chủ khảo trường thi báo có 1398 thí sinh dự thi.
[7] Theo Đại Nam Thực lục đệ lục kỷ, ĐNTL đệ lục kỷ, tr.207.
[8] Residence de Nam Dinh RDN- 5444 (Concours triennial 1912
[9] SET 643
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm
Thống kê truy cập
114515349
227
2367
2950
213288
121009
114515349