Những góc nhìn Văn hoá

Vladimir Chivilikhin bàn về văn học

 

Vladimir Alekseyevich Chivilikhin (1928-1984) là nhà văn, nhà báo, nhà tiểu luận Nga -Xô viết. Các tác phẩm chính của ông gồm: Sức sống (truyện vừa, 1957), Về Klara Ivanova (truyện vừa, 1964), Trên mực nước biển (truyện vừa, 1967), Viên đá nhiều màu (truyện vừa, 1969)... Ông đã đoạt Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1982), Giải thưởng Nhà nước Liên bang CHXHCNXV Nga mang tên M. Gorky (1977) và Giải thưởng Đoàn Thanh niên cộng sản Lenin (1966).

Nhà văn, nhà báo Nga - Xô viết Vladimir Chiviikhin (1928-1984)

 

Trong truyền thống văn học Nga, đạo đức và tài năng của nhà văn luôn luôn được ghi nhận như một chỉnh thể thống nhất. Vả lại, nghề viết văn vốn được coi là một sự phụng sự đạo đức. Những ý kiến về văn học của nhà văn Nga Vladimir Chivilikhin nhắc nhở chúng ta về điều đó.

Nhiệm vụ của nhà văn

*Tôi tin rằng nhà văn là người nghiên cứu và tham dự vào cuộc sống, cả khi cuộc sống can thiệp, phá vỡ và điều chỉnh các kế hoạch của anh ta, lẫn khi nó buộc anh ta phải xen vào một cuộc ẩu đả nào đấy.

*Tất cả những xung đột mà chúng ta suy nghĩ, nói và viết về chúng - đó là xung đột giữa cái đang có và cái cần phải có. Và đó là tác phẩm khởi đầu - trong chính tâm điểm của hiện thực, bản chất của hiện tượng. Trách nhiệm nghề nghiệp và niềm vui của nhà văn không phải là phản ánh một cách máy móc các sự kiện hay sự việc nào đó, mà là xâm nhập vào sự thay đổi liên tục của chúng, vào mâu thuẫn biện chứng sinh động của thực tại, nghiên cứu quá trình này trong sự phát triển, tiến hoá cách mạng, nhưng luôn luôn với một tinh thần tích cực, với một nhiệm vụ bất di bất dịch - nhìn rõ những điều cần phải có trong cuộc đời.

*Cần phải viết về thời hiện đại làm sao để lẩy ra từ cuộc sống cái hạt nhân, trong đó có thể tập hợp được nhiều nhất những quỹ đạo chính của cuộc sống chúng ta, những mặt cơ bản nhất của nó.

*Nếu chúng ta muốn được hậu thế phán xét theo quy luật của thời đại chúng ta, chứ không phải của họ, thì có lẽ cần phải phán xét con người của quá khứ theo các quy luật của thời đại họ, đồng thời lưu ý đến hoàn cảnh và chuẩn mực pháp lý cuộc sống của họ.

*Nhiều sai lầm của các nhà văn trẻ xuất phát từ chỗ họ nhìn thấy nhiệm vụ chính của mình là phản ánh cuộc sống và không đau đớn cụ thể về một vấn đề nào gắn liền với nỗ lực của nhân dân. Nhà văn cần phải đau khổ về một cái gì đó liên quan tới nhân dân. Và ở đây sự gắn bó của nhà văn trẻ với một vùng đất, với những con người cụ thể, với một vấn đề nghiêm túc là rất quan trọng.

*Lẽ đương nhiên, văn học giáo dục không như một bài xã luận trên báo, mà nó đi vào trái tim, khối óc của con người bằng những con đường bí mật. Nhưng dù sao đối tượng của văn học là toàn bộ cuộc sống, bao gồm những mối quan tâm và khát vọng của hàng triệu người cùng sống trên trái đất với người nghệ sĩ, những mối quan tâm và khát vọng của chế độ xã hội. Và nhà văn sẽ tự kìm hãm mình, làm mình nghèo đi, nếu anh ta đuổi theo những vấn đề tâm lý chung trừu tượng. Chúng không phải là những vấn đề toàn nhân loại như đôi khi có người lầm tưởng, bởi cái toàn nhân loại nhất thiết phải bao gồm cả cái có tính xã hội.

*Trên thế giới không có gì được tạo nên nhờ phép thần thông biến hoá, cần phải làm việc, kiên nhẫn chứng minh lẽ phải của mình, đấu tranh, dựa vào những con người thông minh, hiểu biết, có khả năng nhìn xa thấy rộng.

 

Lựa chọn đề tài.

*Vấn đề  lựa chọn thể loại và hình thức tác phẩm của mỗi nhà văn mang tính chất rất cá nhân. Chất liệu đời sống tự nó đòi hỏi sự lựa chọn cần thiết. Nếu nhà văn sống không phải trong tháp ngà văn học, mà trong thế giới của những mối quan tâm, tư tưởng và khát vọng của những người đương thời, thì cuộc sống tự nó bắt buộc nhà văn lựa chọn cả thể loại, lẫn phương thức biểu hiện, sẽ mách bảo những chữ cần thiết.

*Nhà văn trẻ đôi khi vô thức tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước, nhưng thật không may nếu sự tiếp thu đó làm chậm sự phát triển của bản thân, trì hoãn việc tìm kiếm con đường riêng của mình, chìa khoá ngôn ngữ của mình. Bản chất của sự vật, vẻ độc đáo của nó luôn luôn được xã hội quan tâm, còn việc thể hiện phải chứng minh về tính độc lập sáng tạo.

*Về nguyên tắc, đối với một nhà văn và văn học sự kiện không là cái gì cả. Sự kiện là một đống đá khác nhau về hình dạng, độ bền và trọng lượng để xây một ngôi nhà. Kẻ nào không có khả năng xúc động trước điều mình trải nghiệm, khóc than cho chúng, giễu cợt hay phỉ nhổ chúng, kẻ đó không phải là nhà văn. Nhà văn phải tìm được những con chữ có thể truyền đến cho độc giả những xúc động riêng tư của mình, phù hợp với cuộc sống và đạo đức xã hội.

*Tưởng như không có gì đơn giản hơn là lấy một tình huống rõ ràng trong lịch sử và viết về nó. Thực ra không phải như vậy. Ngôn ngữ và bút pháp không được cá tính hoá, không có "hơi thở", nghĩa là sự chuyển tải bầu không khí của thời đại trong các chi tiết, sự kiện, thì không thể có tác phẩm nghệ thuật.

Không thể tìm ngay ra được ngọc trai, và con đường dẫn tới nền văn học lớn, thông thường, lắm chông gai, nhọc nhằn và xa xôi.

 

Vai trò của sách.

*Sách- độc giả: những sợi dây vô hình nào nối chúng lại với nhau? Chúng ta nói: sách là giáo khoa thư của cuộc đời. Nhưng ở đây không nên hiểu"giáo khoa thư" trong nghĩa đen của nó. Tác phẩm nghệ thuật không phải là bảng chữ cái, không phải là một công thức để bắt chước một cách thiếu suy nghĩ. Sức mạnh giáo dục của sách là ở chỗ mỗi người có thể khai thác từ cái nguồn đó chỉ điều cần thiết cho mình, những gì mà anh ta tìm kiếm câu trả lời một cách vật vã, đau dớn. Tất nhiên chỉ trong trường hợp độc giả nhận thức những gì đọc được không phải một cách "trực diện", mà biết phân tích, so sánh, chọn lọc, suy ngẫm.

*Chúng ta vẫn chưa thể biết được những thước đo có thể giúp xác định một cách chính xác quy mô và sức tác động của những cuốn sách văn học đối với trí tuệ và trái tim con người. Những tư tưởng, ý nghĩ, hành động và gương mặt của nghệ sĩ nhân dân đích thực hình thành nên tâm hồn và có ảnh hưởng tới cuộc sống bằng nhiều cách hết sức phức tạp, bí ẩn, đồng thời cũng cực kỳ khó bắt chước và tính toán.

 

Nhân cách và tác phẩm.

*Tất cả những người ngồi trước trang giấy bên bàn viết đều biết một đặc điểm của nghề này: thậm chí có những ý tưởng đã được cân nhắc hết sức cẩn thận được viết vào buổi sáng thế này, nhưng buổi chiều lại viết khác, ngày mai lại hoàn toàn khác, còn một năm sau thì khác đến mức không thể nhận ra. Và ở đây ẩn giấu một bí mật thầm kín nhất của tác phẩm nghệ thuật vốn có mối liên hệ hết sức tinh tế với thời đại, với cuộc sống và nhân cách người viết.

*Phong cách của nhà văn - đó không chỉ ngôn ngữ và cấu trúc câu văn, không chỉ hình thức: trong phong cách được kết hợp nhuần nhuyễn với nội dung, thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan của người nghệ sĩ, dấu ấn của thời đại và tinh thần của tác phẩm.

*Có thể hiểu nhà văn dễ dàng hơn, nếu bạn biết rõ chi tiết đời sống của anh ta, vì rằng tiểu sử sáng tạo và tiểu sử đời thường gắn bó với nhau, tác động lẫn nhau, tạo nên tác phẩm.

*Ngay cả những tác phẩm lỗi lạc nhất  cũng có thể được viết rất nhanh, tuy nhiên, chúng bao giờ cũng là sự tổng kết cuộc đời của tác giả, sự tập trung tinh thần cao độ của nhà văn, kết quả của một hoạt động sáng tạo âm thầm, bền bỉ. Không một nghệ sĩ lớn nào  sáng tác một cách dễ dàng, theo cảm hứng xuất thần.

*Khi tạo ra hình tượng nhân vật chính của mình, mỗi tác giả đều làm phong phú nó bởi thế giới đạo đức của bản thân, gắn cho nó những xúc động, tư tưởng, tình cảm chắt lọc từ vốn sống của mình.

*Những số phận con người là độc nhất vô nhị, mỗi người có một con đường, và tại sao nhà văn đi theo con đường của mình - tôi cảm thấy đó là một bí mật lớn của cuộc sống, được rút ra từ nhiều cảnh ngộ, ngẫu nhiên và có quy luật, dẫn tới việc khám phá trong con người những khả năng truyền đạt một cách tương đối dễ hiểu cho mọi người sự nhận cuộc sống của mình. còn việc học tập ở một trường đại học nào đó, theo tôi, là điều kiện không bắt buộc đối với việc hình thành một nhà văn.

(TheoRospisatel.ru)  

 

 

 

 

 

 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443789

Hôm nay

240

Hôm qua

2307

Tuần này

21602

Tháng này

218963

Tháng qua

112676

Tất cả

114443789