Những góc nhìn Văn hoá

Boris Kokotov: “Louise Glück là một siêu sao”

Louise Glück

Ngày 8 tháng 10 năm 2020, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel Văn học cho nhà thơ Mỹ Louise Glück “vì một giọng thơ không thể nhầm lẫn mang một vẻ đẹp giản dị khiến cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”. Louise Glück sinh năm 1943 tại New York, tốt nghiệp Đại học Colombia, hiện là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Yale. Bà là tác giả của 16 tập thơ, trong đó có những tập thơ nổi bật như: “Đầu lòng” (Firstborn, 1968); “Ngôi nhà trên đầm lầy” (The House on Marshland, 1975); “Mảnh vườn” (The Garden, 1976); “Hình hài hư hao” (Descending Figure, 1980); “Chiến thắng của Achilles” (The Triumph of Achilles, 1985); “Hoa diên vĩ dại” (The Wild Iris, 1992); “Averno” (2006)... Bà từng được trao giải William Carlos Williams năm 1992, giải Pulitzer năm 1993, giải văn chương Lannan năm 1999, giải Bollingen năm 2001, giải Sách quốc gia Mỹ năm 2014, Huân chương Nhân văn quốc gia năm 2015.

 Năm 2012, nhà xuất bản “Vodoley” của Nga ấn hành tập thơ "Hoa diên vĩ dại” của Louise Glück do nhà thơ, dịch giả Nga Boris Kokotov hiện sống ở Mỹ, chuyển ngữ. Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông.

- Ông đã tiếp xúc với thơ của Louise Glück như thế nào và tại sao ông lại chọn tập thơ này? Ông có quen biết tác giả không?

- Năm 1991, khi đến Mỹ, tiếng Anh của tôi chưa đủ tốt. Ngoại ngữ chính của tôi là tiếng Đức, tôi đã dịch tiếng Đức vào những năm 80 và 90. Tôi bắt đầu đọc tiếng Anh khoảng 5 năm sau đó. Có một tuyển tập những bài thơ Mỹ hay nhất của năm, ở đó tôi bắt gặp một bài thơ của Glück, khiến tôi rất kinh ngạc. Tôi đã dịch bài thơnày, một cách vụng về, khó khăn, nhưng đã dịch. Sau đó tôi bắt đầu quan tâm đến Glück. Rồi tôi mua tập thơ “Hoa diên vĩ dại” và hết sức choáng ngợp, tôi chưa đọc tập nào như thế, mặc dù tôi là người khá am hiểu thơ ca. Tôi nghĩ rằng mình nên dịch tập thơ này. Nhưng mãi 10 năm sau tôi mới thực hiện được điều đó, khi ngôn ngữ của tôi đã vững vàng và khi tôi bắt đầu dịch tiếng Anh. Lúc bấy giờ, tôi gọi điện thoại cho Louise Glück và chúng tôi trò chuyện với nhau. Dịch xong, đương nhiên, phải đưa cho bà xem, và thêm một cuộc trò chuyện nữa.

- Louise Glück có biết cuốn sách của bà được xuất bản ở Nga không, trong tủ sách của bà có cuốn ấy không?

- Có, mặc dù bà không đọc được tiếng Nga. Gần đây, khoảng ba tuần trước, tôi đã nói chuyện với bà, vì một cuốn sách mới của tôi, trong đó có phần “Những bản dịch chọn lọc”, sắp được xuất bản ở Moskva, và tất nhiên, tôi muốn đưa vào các bài thơ của Glück. Tôi gọi điện xin phép bà. Sau “Hoa diên vĩ dại”, tôi đã đọc thêm một vài tập thơ của bà. Những tập thơ nặng kí, nặng kí hơn nhiều so với “Hoa diên vĩ dại”.

- Trong lời bạt của cuốn sách, nhà nghiên cứu Mikhail Gorelik nhận xét về ngôn ngữ thơ giản dị của Louise Glück, và điều này, theo ông, "gây thêm khó khăn cho người dịch - bằng những từ ngữ đơn giản tạo ra một văn bản tiếng Nga tương đương với nguyên bản về sự phong phú của cảm xúc và biểu cảm". Ông dịch "Hoa diên vĩ dại" có khó không?

- Bất kỳ bản dịch nào cũng khó khăn, vì bạn phải hóa thân vào tác giả, bạn phải bắt đầu nói bằng giọng điệu của anh ta. Tôi không chỉ là một dịch giả, tôi còn là một nhà thơ, tôi đã xuất bản 8 tập thơ, nghĩa là là tôi có giọng điệu riêng. Khi dịch, tôi phải quên nó đi, tôi phải sống bằng cuốn sách. Chính điều đó đã xảy ra với "Hoa diên vĩ dại”: tôi sống bằng cuốn sách này, văn bản này giống như một cái phễu, nó tự hút. Mikhail Gorelik đã nói chính xác rằng ngôn ngữ của tập thơ giản dị, trong văn học hậu hiện đại, đôi khi người ta dùng đến những mánh khóe ngôn từ, đôi khi người ta cố tình phức tạp hóa, nhưng trong “Hoa diên vĩ dại” mọi thứ thật đơn giản. Tuy nhiên, cường độ cảm xúc, chiều sâu tư duy thơ, trí tuệ, bi kịch cuộc đời đi qua tác giả, không cần ngôn từ hoa mỹ. Vì vậy, nhiệm vụ chính của tôi không phải là tìm ra những từ tiếng Nga cần thiết, đối với tôi điều quan trọng là phản ánh chiều sâu của tập thơ. Còn thành công đến đâu - đó là chuyện khác. Đặc điểm chính của thơ Louise Glück là sự tương phản giữa cách diễn đạt đơn giản và chiều sâu của nội dung - chuyển ngữ được sự thống nhất này là điều khó nhất.

- Chúng ta đang nói về tập thơ xuất bản năm 1992, khi Louise Glück đã là một nhà thơ nổi tiếng. Còn tập thơ đầu tay của bà xuất hiện vào năm 1968. Đó là thời điểm mà mọi giá trị bị xét lại, còn nhà thơ Mỹ chủ chốt là Allen Ginsberg.  Louise Glück tồn tại như thế nào trong thế giới nơi trào lưu thơ của thế hệ Beat thống trị[1]?

- Tôi không nhìn thấy bà trong phong trào của những năm 60 này. Theo tôi, thi pháp của bà xa lạ với phong trào này. Tôi không muốn nói rằng bà xa rời các vấn đề xã hội, không, nhưng bà quan tâm hơn tới các vấn đề căn bản: sự sống và cái chết, bi kịch của sự tồn tại, trải nghiệm cá nhân. Còn thế hệ Beat ồn ào, nông cạn hơn. Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học, đây là nhận thức của tôi.

- Điều thú vị là tiểu bang Vermont và thiên nhiên của nó đã truyền cảm hứng cho Louise Glück. Nó cũng được nhắc tới trong tập thơ ông đã dịch. Vermont cũng là tiểu bang mà một nhà văn đoạt giải Nobel Văn học khác, Aleksandr Solzhenitsyn, đã định cư, vì ông cảm thấy Vermont giống nước Nga.

- Tôi chưa có dịp trò chuyện thân mật với Louise Glück, sự giao tiếp của chúng tôi chỉ giới hạn trong việc trao đổi về một số bài thơ. Vì vậy, tôi không thể nói về ảnh hưởng của tiểu bangVermont. Nhưng trong thơ bà có sự hòa hợp với thiên nhiên. Tôi không dám chắc rằng đây là sự hòa hợp với chính thiên nhiên của Vermont, mà nó mang tính phổ quát. Nhưng, tất nhiên, mọi thứ phổ quát đến với chúng ta thông qua những biểu hiện cụ thể. Xét về mặt này, ở bà có mối liên hệ xa xưa với thiên nhiên, cụ thể là thiên nhiên Vermont, nghĩa là, dấu ấn của một vùng khí hậu cụ thể phải có ảnh hưởng đối với bà. Từng là một người Moskva, khi nhìn thấy những cây bạch dương này, trong thâm tâm tôi cảm thấy có sự gần gũi với chúng.

- Nhà thơ yêu thích của Louise Glück là William Carlos Williams. Ông có nhận thấy ảnh hưởng của ông ta trong thơ Louise Glück không?

- Những bài thơ đầu tiên của bà chịu ảnh hưởng của nhiều nhà thơ, Mikhail Gorelik có lưu ý đến một số giao thoa nào đó với Rilke. Như bất kỳ nhà thơ nào, những tập thơ đầu tiên, tất nhiên, bao giờ cũng mang đặc điểm của tài năng cá nhân và dấu ấn của ai đó. Trong những tập thơ về sau của bà, tôi không thấy điều đó. Nhưng xin nhắc lại, tôi không phải là nhà phê bình, tôi rất khó nhận xét.

- Ông nói rằng những tập thơ khác của bà khiến ông kinh ngạc?

- Tập "Averno"[2] làm tôi kinh ngạc bởi một giọng điệu hoàn toàn khác. Có cảm giác như nó do một người khác viết vậy. Nếu "Hoa diên vĩ dại" là những chu kỳ thời gian, sự chuyển mùa, sự thay đổi liên tục của các giọng điệu, thì "Averno" là cả một đợt sóng xô vào bạn, nhấn chìm bạn. Một mặt, tôi khao khát chuyển ngữ một cái gì đấy, nhưng mặt khác, tôi có cảm giác bất lực. Khác với “Hoa diên vĩ dại”, ngôn ngữ của “Averno” phức tạp hơn.

- Thông thường, việc lựa chọn người đoạt giải Nobel Văn học làm dấy lên nhiều nhận xét phê phán. Ở Nga, một quốc gia lấy văn học làm trung tâm, nhiều người cho rằng sự lựa chọn này không đúng. Nhà văn Igor Vishnevetsky sống ở Mỹ lâu năm và giảng dạy tại các trường đại học Mỹ, cho rằng có rất nhiều nhà thơ như Louise Glück, và bà không có gì nổi bật. Ông có nhất trí với nhận xét khắt khe như vậy không?

- Thậm chí nếu tôi không dịch thơ của bà, mà chỉ là một độc giả bình thường như bao người khác, tôi cũng không đồng ý với nhận xét đó. Tôi nghĩ bà là nhà thơ của giới tinh hoa. Không bao giờ nên so sánh - đó là một công việc vô vọng. Tôi đã dịch một tập thơ của Billy Collins, Poet Laureate (Thi Khôi) của Mỹ cùng thế hệ với Louise Gluck. Tôi đã đọc thơ của Charles Wright, cũng là một Poet Laureate. Tôi có quen biết các nhân vật hàng đầu của thơ ca Mỹ. Tôi không muốn nói ai hơn ai, nhưng Louise Glück là một siêu sao.

- Ông có ngạc nhiên về quyết định của Ủy ban Nobel không?

- Tôi rất vui vì quyết định này và rất mừng cho tác giả. Theo tôi, đây là điều hoàn toàn xứng đáng. Louise Glück là người đã hoạt động văn học lâu năm, đã viết hơn chục tập thơ, hầu hết đều thuộc về kho tàng quý báu của văn học thế giới, hỏi còn cần gì nữa đối với một tác giả đoạt giải Nobel? Hơn nữa, những tập thơ của bà rất đa dạng, phong phú, chúng nói về những điều hệ trọng nhất đối với con người - sự sống và cái chết, tình yêu, bi kịch cuộc đời, sự mất mát. Bà là một nhà thơ tầm cỡ. Mặt khác, bạn nói đúng, bất kỳ sự lựa chọn nào cũng gây ra những phản ứng trái chiều. Nhưng không thể nói rằng đây là một lựa chọn sai lầm.

 (Theo Svoboda.org)

 

 


[1] Thế hệ Beat là trào lưu văn học được bắt đầu bởi một nhóm tác giả có tác phẩm ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị Mỹ trong thời kỳ hậu chiến. Phần lớn tác phẩm của họ được xuất bản và phổ biến trong những năm1950. 

[2] Averno là hồ núi lửa ở nam Italy nơi qua lại giữa trần gian và địa ngục theo huyền thoại xưa.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513403

Hôm nay

2189

Hôm qua

2315

Tuần này

21340

Tháng này

220276

Tháng qua

121356

Tất cả

114513403