Những góc nhìn Văn hoá

Đối thoại toàn cầu về giai cấp*

VÌ SAO CHÚNG TA CẦN LÝ THUYẾT GIAI CẤP - DỰ ÁN PHÂN TÍCH GIAI CẤP JENA (PKJ) TÌM KIẾM ĐỒNG HÀNH

Chúng ta đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng và phản kháng xã hội ngày càng tăng trong khi kinh tế thế giới vẫn còn dễ rơi vào khủng hoảng. Điều này đúng cả với các trung tâm tư bản chủ nghĩa. Theo thống kê chính thức năm 2017, 19% dân cư Đức bị đe dọa nghèo và loại trừ xã hội; những nghiên cứu khác cũng chỉ ra tình trạng phân hóa xã hội ngày càng tăng. Trong khi đó, phần lớn thế giới đang dịch chuyển sang chính trị cánh hữu. Trong bối cảnh ấy, thuật ngữ “giai cấp”, vốn gần hoàn toàn biến mất khỏi tranh luận công cộng suốt mấy thập niên qua - ít nhất là ở Đức -, nay đang từ từ trở lại trong diễn ngôn chính trị và hàn lâm. Đại học Friedrich Schiler ở Jena (Đức) mới khởi động “Dự án Phân tích Giai cấp Jena” [Projekt Klassenanalyse Jena, PKJ]. Chúng tôi muốn tái khởi động những tranh luận trong quá khứ về giai cấp, đóng góp vào lý thuyết giai cấp đương đại, và cung cấp một diễn đàn thảo luận về chính trị học giai cấp [class politics] hiện nay. Ở đây, chúng tôi muốn khởi xướng một cuộc thảo luận với các học giả và các nhà hoạt động trên toàn thế giới.   

VÌ SAO LẠI NÓI VỀ “GIAI CẤP”?

Sức mạnh của các khái niệm xã hội học về giai cấp là ở chỗ chúng tập trung phân tích mối liên kết giữa bất bình đẳng kinh tế, chính trị, và văn hóa. Năng lực phê phán của thuật ngữ “giai cấp” trong truyền thống Marxist là ở chỗ, nó phát hiện ra những cấu trúc quyền lực và kiểm soát cắm rễ sâu trong phân công lao động kinh tế [economic division of labor] và các cấu trúc sở hữu. Vì thế, đối với Marx, giai cấp là một phạm trù mang tính quan hệ [relational category]: giai cấp những người làm công đứng trong một quan hệ mâu thuẫn và xung đột với giai cấp các nhà tư bản. Không giống các tiếp cận “hoàn cảnh” [milieu] hay tiếp cận phân tầng (giai cấp trên, giai cấp giữa, giai cấp lao động, v.v...[upper class, middle class, working class]), thuật ngữ “giai cấp” trong truyền thống Marxist mô tả một kết nối mang tính cấu trúc, nó liên kết các hoàn cảnh lao động và hoàn cảnh sống của các nhóm xã hội với nhau thay vì chỉ mô tả những bất bình đẳng kinh tế. Thông qua khái niệm “bóc lột” [exploitation] (Marx), “khép kín xã hội” [social closure] (Weber), “phân biệt” [distinction] (Bourdieu), và “sự kiểm soát quan liêu” [bureaucratic control] (Wright), thuật ngữ “giai cấp” trước hết ám chỉ những quan hệ bất bình đẳng theo chiều dọc, và nếu hướng đến các quan hệ quyền lực, thì nó đồng thời cũng là một khái niệm lý thuyết xã hội và một thuật ngữ chính trị. Nó bao hàm bá quyền chính trị và đại diện chính trị [political hegemony and representation] cũng như những vấn đề đặc quyền tự sự [narrative prerogatives] trong việc chế biến văn hóa và trí tuệ các quan hệ giai cấp.

NHỮNG THÁCH THỨC MỚI

Liên quan đến những thách thức mới và biến đổi xã hội năng động và đứt gãy, một lý thuyết giai cấp đương đại cần đề cập những chủ đề và vấn đề quan trọng sau đây.

Phân mảnh giai cấp và khủng hoảng tính đại diện chính trị

Dấu ấn lâu dài mà chủ nghĩa tân tự do để lại trên những hoàn cảnh sống của các quần thể dân cư trên toàn cầu đặt ra những thách thức lớn cho phân tích giai cấp. Sự phân mảnh trong các điều kiện lao động và các quan hệ sản xuất đã làm giai cấp lao động ngày càng khu biệt hóa và tạo ra một sự đa dạng lớn bên trong giai cấp lao động. Sự khu biệt ấy đi kèm với tình trạng ngày càng tập trung của cải vào một giai cấp trên cực nhỏ và nổi lên “những giai cấp nguy hiểm mới” [new dangerous classes] (Guy Standing) và những sự phân chia bên trong các giai cấp trung lưu. Đây chính là mảnh đất mầu mỡ lảm nảy nở những hệ tư tưởng phân chia xã hội và chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Việc biến mất một quan điểm giai cấp thống nhất trong công luận và đời sống chính trị hàng ngày thể hiện một “xã hội giai cấp bất động“ [demobilized class society] (Klaus Dorre), ở đó những động năng giai cấp tiếp tục vận hành dưới bề mặt những diễn ngôn xã hội được dán nhãn như là những không gian chính trị. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tài chính và của tính đại diện chính trị, sự yếu ớt và tư thế phòng thủ của các đảng cánh tả và công đoàn, cũng như sự tan rã của ý thức tập thể rộng lớn gắn với tình trạng yếu ớt trên, tất cả những yếu tố ấy tạo điều kiện dịch chuyển sang phía hữu. Đồng thời, ta chứng kiến một sự náo động trong các lực lượng và các dàn xếp bên phe tả ở những nước như Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Hy Lạp. Trong nhiều nước phương Bắc, sự phản kháng chuyển vào các chủ đề liên quan đến di dân. Những cuộc thảo luận trong cánh tả thu hẹp vào chủ đề mâu thuẫn không chính xác giữa “giai cấp” và “bản sắc”. Trong tình hình này nổi lên một số vấn đề đầy áp lực như sau:

  • Những liên kết giữa các cấu trúc kinh tế, ý thức chính trị, và văn hóa là gì?
  • Mối liên kết giữa giai cấp và các trục xung đột khác (giới, di dân, v.v...) là gì?
  • Sự phi giai cấp hóa và phân biệt [distinction] đóng vai trò gì trong các giai cấp bị trị? Các quan hệ giai cấp tác động như thế nào khi không có đại diện của các lợi ích giai cấp trong các tổ chức chính trị?
  • Những phe nhóm giai cấp nào đang thống trị trong các xã hội cụ thể nhưng cũng ở cấp độ toàn cầu và chúng thể hiện lợi ích của mình như thế nào?

Bất bình đẳng theo giai cấp [class-specific] và các quan hệ giai cấp xuyên quốc gia   

Các nước OECD rơi vào tình trạng thất nghiệp cao, nhiều người nghèo hơn, và bất an, đi kèm với suy trầm tiền công thực tế dai dẳng nhiều thập niên. Phân hóa của cải và thu nhập đạt tới mức kịch tính. Những khuynh hướng đó tỏ ra ngày càng đông cứng đến mức bất bình đẳng theo giai cấp đang gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế, đe dọa ổn định chính trị ở ngay các nước lõi của quá trình toàn cầu hóa tân tự do. Ở các nước phương Nam, xung đột giai cấp thường dựa trên các quan hệ kinh tế phi chính thức và không đồng nhất, nó bao gồm (phần nào cùng tồn tại) tính đa nguyên của phương thức sản xuất nông thôn và đô thị. Thêm nữa, còn có tình trạng giải công nghiệp hóa ở các nước phương Bắc. Vì vậy, ta cần đặt ra những vấn đề:

  • Các giai cấp hình thành như thế nào để chống lại bối cảnh toàn cầu hóa và những cuộc khủng hoảng của nó? Nhà nước dân tộc đóng vai trò gì? Ta có thể nói đến cái gì đó như là  các giai cấp xuyên quốc gia chưa?
  • Những cuộc đấu tranh nào có thể thực sự được quan niệm như là những đấu tranh giai cấp? Và những cuộc đấu tranh nào thì không phải là đấu tranh giai cấp? Có những tương tự nào hay kết nối toàn cầu nào giữa những loại đấu tranh đó?
  • Trong điều kiện các quan hệ kinh tế phi chính thức, ta có thể mô tả như thế nào về các giai cấp và các xung đột giai cấp ở phương Nam?

Khủng hoảng sinh thái

Các nguyên nhân của khủng hoảng sinh thái toàn cầu và những nỗ lực xử lý chúng liên kết mật thiết với các quan hệ giai cấp và logic của tích lũy tư bản chủ nghĩa. Động cơ duy tăng trưởng kinh tế và vị tăng năng suất thì không hề khác với những nền tảng sinh thái học và những ranh giới sinh vật lý của nó. Cả việc tiếp cận với nguồn lực tự nhiên và sự phân bố các rủi ro và gánh nặng sinh thái đều mang tính đặc thù giai cấp. Người nghèo toàn thế giới – đặc biệt người nghèo ở phương Nam – chịu gánh nặng chính các thảm họa sinh thái. Những xung đột sinh thái-xã hội [social-ecological conflict] ấy chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai. Một lý thuyết giai cấp đương đại cần bao gồm những vấn đề sau đây:

  • Các biến động sinh thái ảnh hưởng như thế nào đến đấu tranh giai cấp?
  • Các gánh nặng sinh thái tác động đến những giai cấp khác nhau như thế nào?
  • Giai cấp (hay phe nhóm giai cấp) nào có thể được thuyết phục cho một sự chuyển biến sinh thái-xã hội [social-ecological transformation]?
  • Những lợi ích giai cấp nào gây trở ngại cho một sự chuyển biến như vậy?

LỜI MỜI GỌI THẢO LUẬN

Hiển nhiên, còn nhiều câu hỏi nữa phải đề cập và không phải mọi câu hỏi nêu trên đều liên đới đến một bối cảnh quốc gia cụ thể. Chúng mô tả các xu hướng đang định hình chủ nghĩa tư bản thế giới hiện nay. Vì thế chúng tôi mời gọi một cuộc đối thoại toàn cầu về những vấn đề đó để tiếp tục xây dựng một lý thuyết giai cấp có tính đến những đặc điểm riêng của các xã hội cụ thể đồng thời phát hiện những xu hướng chung trên cấp độ toàn cầu. Chúng tôi mong đợi những câu hỏi, sự hợp tác và trao đổi đa dạng. 

 

Chú thích:

 Dự án Phân tích Giai cấp Jena (Đại học Jena, CHLB Đức). Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)

*. Bài đã đăng ở Tạp chí Khoa học xã hội (TPHCM), Số 5 (249) 2019: 58-61. Nguyên tác: “For a Global Dialogue on Class”. Gobal Dialogue, International Sociological Association, Vol. 9 Issue 1 April 2019. Tác giả và tạp chí đã cho phép dịch và xuất bản ở Việt Nam. Bản dịch là sản phẩm của Đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010-2020” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt tài trợ.   

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434599

Hôm nay

2219

Hôm qua

2310

Tuần này

21249

Tháng này

211647

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434599