Những góc nhìn Văn hoá

Văn hóa - Nguồn lực nội sinh của phát triển

Đây là một trong những quan điểm lãnh đạo cốt lõi của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết chuyên đề về Chiến lược văn hóa Việt Nam (Nghị quyết TW5, khóa VIII, 1998). Nguyên văn là Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương...biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.*

Càng suy nghĩ, càng thấy đây là cách đặt vấn đề rất chính xác, rất bản chất và toàn diện về đường lối, thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đương đại.

Không phải đến bây giờ mà trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống văn hóa Việt Nam luôn đồng hành và góp phần tạo nên những trang lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi mới thành lập đã kế thừa và tiếp thu những bài học quý giá của các bậc tiền nhân, sớm quan tâm đề ra đường lối phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng. Từ Chính cương, Sách lược, Luận cương chính trị (1930) đến Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) rồi văn kiện của các kỳ Đại hội, Đảng đều chủ trương xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân văn, tiến bộ, phục vụ cuộc sống của nhân dân và vì lợi ích chung của đất nước.

Đối với thế giới, quan tâm khai thác các giá trị văn hóa để làm nền tảng phát triển xã hội là câu chuyện không còn gì mới. Từ rất lâu đời sống chính trị và kinh tế Nhật Bản đã không thể tách rời những dấu ấn văn hóa Nhật. Rồi Na Uy, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Singapo... đều dựa vào nền tảng văn hóa để trở thành những biểu tượng của quốc gia thịnh vượng trên thế giới.

Sau nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, tham gia hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế thị trường, Việt Nam đã chuyển sang một bối cảnh phát triển mới. Với tư cách là kết tinh của trí tuệ sáng tạo và tính nhân bản sâu sắc, văn hóa ngày càng có xu hướng chuyển động đúng bản chất và có ảnh hưởng đậm nét trong mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương.

Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh Ngân Thanh

Đó có thể là những minh chứng đầy thuyết phục để Đảng chủ trương phải làm cho văn hóa Việt Nam biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Văn hóa, tự thân nó đã bao hàm ý nghĩa xã hội rộng lớn, được ví như một tấm thẻ thông hành để giao lưu quốc tế. Gần như ở đâu có hoạt động của con người thì ở đó có yếu tố văn hóa. Từ chuyện quốc gia đại sự như xây dựng thể chế chính trị đến những sinh hoạt hàng ngày rất bình thường của con người như việc làm, ăn, ở, mặc, chi tiêu tài chính đến chuyện đi lại, nói năng, thờ cúng, ứng xử đều là những hành vi hàm chứa nhiều yếu tố văn hóa. Nhiều học giả còn cho rằng giá trị văn hóa không chỉ tỏa rộng mà còn lan sâu, ẩn chứa nguồn sức mạnh có thể nói là vô tận trong nhiều lĩnh vực quan trọng và cốt lõi của dân tộc.

Thế kỷ XV, khi tổng kết công cuộc bình Ngô, Đại quân sư chính trị Nguyễn Trãi đã khẳng định việc nghĩa quân Lam Sơn đánh tan giặc Ngô ngoài yếu tố quân sự thì còn phải kể tới giá trị văn hiến của Việt Nam, đó là cuộc chiến dựa trên nguồn lực sức mạnh mềm của văn hóaViệc nhân nghĩa cốt ở yên dân Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo(2).

5 thế kỷ sau, chân lý này lại được tái hiện khi chúng ta thực hiện cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sự thật, chiến tranh chống Mỹ không chỉ là cuộc chiến tranh quân sự. Chúng ta có dáng đứng Việt Nam(3) tựa vững vào truyền thống văn hóa yêu nước, văn hóa khát vọng tự do và chính nghĩa. Đó là ngọn nguồn để cả thế giới sát cánh bên Việt Nam, cả thế giới cùng Việt Nam đánh Mỹ.  

Trong giai đoạn hội nhập và mớ cửa, xuất khẩu là hoạt động có sự gắn kết rõ nét với các giá trị văn hóa. Quy trình sản xuất hàng hóa truyền thống ở nước ta thường chỉ theo quy chuẩn nội bộ và có thể nói là rất dễ dãi, tùy tiện. Bây giờ muốn xuất hàng sang các nước, con tôm con cá cho tới quả nhãn quả xoài, đôi giày cái áo cho tới cuộn thép hay thùng dầu thô tuy có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng phải đạt chất lượng theo những quy tắc vô cùng chặt chẽ mang tính toàn cầu. Điều này đồng nghĩa buộc các nhà sản xuất phải thay đổi quy trình quản lý, thay đổi cách thức tạo ra sản phẩm.

Không chỉ xuất khẩu, sản xuất hàng hóa tiêu dùng nội địa ngày nay cũng chú trọng nhiều hơn về yếu tố văn hóa. Nói chính xác thì văn hóa tiêu dùng đã có thay đổi, đã xuất hiện khuynh hướng tiêu dùng xanh, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa thân thiện với môi trường. Người mua ngày càng thận trọng, ngày càng quan tâm hơn về tính minh bạch của thông tin sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Sản phẩm càng mang nhiều yếu tố văn hóa càng tạo niềm tin và thu hút người tiêu dùng. 

Xét trên gíá trị nội sinh, các yếu tố văn hóa (theo nghĩa rộng, bao hàm cả nhận thức, tâm lý, hành vi, đạo đức, luật pháp...) là sự lựa chọn đúng đắn và có nhiều lợi thế giúp nhà sản xuất điều chỉnh tư duy kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh lành mạnh, làm cho sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của thị trường, tạo hiệu quả kinh doanh cao và bền vững.

Chúng ta biết rằng sau khi Nghị quyết TW5 (Khóa VIII) được ban hành, đất nước nhiều lúc phải dốc toàn lực vật lộn với đời sống cơm áo gạo tiền, cả xã hội phải chăm chăm cày cuốc để tìm cách giải quyết nhu cầu bức xúc nhất là sự sinh tồn. Nhiệm vụ sống còn của cả hệ thống chính trị là tập trung khắc phục nền kinh tế chậm phát triển, giải bài toán nguồn thu ngân sách nghèo nàn để trang trải nhu cầu chi đầu tư, chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chi nguồn lực bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngành vẫn kiên trì quan điểm khai thác các yếu tố văn hóa làm nền tảng để cải thiện chất lượng công việc. Đó thực sự là lựa chọn chính xác. Các yếu tố văn hóa có cơ hội được lan tỏa sâu rộng trongnhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực của đạo đức công vụ, hàng loạt những thủ tục hành chính rườm rà nhiêu khê bị loại bỏ, công sở văn minh hơn, cuộc sống của người dân dễ chịu hơn, tình cảm tương thân tương ái và khát vọng cống hiến xuất hiện ngày càng nhiều, guồng máy xã hội vận hành ngày càng năng động và sức sống của đất nước ngày càng được cải thiện.

Không chỉ lan tỏa vào các lĩnh vực khác, ngay trong nội lực ngành văn hóa cũng ý thức rất rõ việc tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu văn hóa Việt để quảng bá hình ảnh quốc gia. Ở thời điểm này, có thể nói có một con đường rất hấp dẫn để thế giới biết đến Việt Nam đó là qua ẩm thực, qua trang phục, danh thắng, qua tình cảm chân thành và mến khách của con người Việt Nam. Tà áo dài truyền thống, Tháp bút, vịnh Hạ Long, cố đô Huế, nhà thờ Đức Bà, rồi phở Bắc, cà phê Trung Nguyên, trái cây miệt vườn Nam bộ đang trở thành những tín chỉ đầy quyến rũ của dòng văn hóa thuần Việt. Nhiều chính khách quốc tế đã chủ động hòa tan vào môi trường văn hóa Việt khi đi dạo Hồ Gươm, dạo đường hoa Nguyễn Huệ, ăn bún chả và mua cốm vòng Hà Nội.

Tài nguyên thiên nhiên là những nguồn lực có giới hạn. Đất đai, dầu mỏ, gỗ đá khai thác lâu dần sẽ cạn kiệt. Nhưng nguồn lực của văn hóa thì như ngọc càng mài càng sáng, càng khai thác càng thăng hoa đến vô cùng vô tận.

Đó là những giá trị đích thực và bền vững của văn hóa.

Một nội dung rất quan trọng khi nói tới câu chuyện làm cho văn hóa biến thành nguồn lực nội sinh, đó là văn hóa của lãnh đạo. Ở những quốc gia tiên tiến, nền tảng văn hóa chung đã rất đầy đặn nhưng họ còn đặc biệt coi trọng và đề cao yếu tố văn hóa cá nhân. Tự bản thân người lãnh đạo luôn tỏa ra những bài học mẫu mực về đạo đức, về phong cách làm việc, về quan hệ ứng xử trong cuộc sống. Hãy nhớ lại câu chuyện từ chức đầy danh dự của Thủ tướng Nhật Bản để biết hàm lượng văn hóa của ông Shinzo Abe cao đến chừng nào.

Còn với chúng ta, hình ảnh của không ít lãnh đạo vẫn chưa thể làm cho công chúng yên lòng. Việc lựa chọn luôn được chắt lọc kỹ càng, nhưng một thời gian sau là sa ngã, thậm chí sa ngã đến mức không thể gượng dậy nổi. Câu hỏi đặt ra là tạo sao lại như vậy? Suy thoái đạo đức, tha hóa về lối sống, nếp sống, tham ô tham nhũng, quan liêu cửa quyền có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết và sâu xa nhất chính là do sự yếu kém về văn hóa. Chúng ta bổ nhiệm nhầm cho những người mà nền tảng văn hóa non nớt, nhân cách bị bỏ hoang lâu ngày, dục vọng được thả rông không ai kiểm soát. Đó là căn nguyên đau đớn của sự hư hỏng và mất mát cán bộ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Suy ra văn hóa của lãnh đạo mang ý nghĩa là yếu tố định hướng cho cả toàn xã hội. Đảng muốn là đạo đức là văn minh thì phải cần chăm chút nhiều hơn và chu đáo hơn về chuyện văn hóa quan chức, văn hóa quan trường hiện nay.

Cuối cùng, một nội dung mấu chốt cần nhắc lại là để văn hóa biến thành nguồn lực nội sinh của phát triển, ngành văn hóa phải giữ được vai trò rường cột. Ngành phải là trung tâm kết nối để tạo dựng niềm tin, lôi cuốn cả xã hội cùng đồng lòng, cùng đồng hành thì câu chuyện mới sớm có kết quả được như kỳ vọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng tu có cố gắng nhưng tư duy của ngành còn chậm đổi mới, cách làm còn rất bảo thủ. Hoạt động văn hóa cũng như các lĩnh vực khác, cần phải đầu tư nhiều thứ trong đó có kinh phí, nhưng có lúc tiền không phải là tất cả. Việc xây dựng quy ước hương ước, xây dựng quy tắc ứng xử, việc cổ vũ khát vọng làm giàu, cổ vũ bảo tồn thuần phong mỹ tục, cổ vũ truyền thống nhân ái, lối sống hướng thiện, chăm lo cuộc sống gia đình hạnh phúc tiến bộ, bài trừ suy thoái đạo đức lối sống, bài trừ lối làm ăn chụp giật, gian dối và hàng ngàn câu chuyện khác đều là những việc trong tầm tay, đâu phải cần quá nhiều chi phí nhưng lại vô cùng thiết thực để văn hóa biến thành nguồn lực nội sinh của phát triển.

Ai cũng biết để văn hóa phát huy được giá trị cần phải qua một quá trình chưng cất kỹ càng và sự đào thải rất nghiệt ngã. Hơn 30 năm thực thi một quan điểm phát triển văn hóa của Đảng, chúng ta đã dự cảm được những hiệu ứng tốt lành, củng cố thêm niềm tin để các tiềm năng văn hóa Việt Nam tiếp tục được khai thác tốt nhất, thực sự biến thành nguồn năng lượng quý báu phục vụ quá trình phát triển của đất nước.

 

 

(1). Nghị quyết số 03 – NQ/TW ngày  16/7/1998 về ban hành Nghị quyết  Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

(2). Bình Ngô Đại cáo (1482), Nguyễn Trãi, bản dịch của Ngô Tất Tố.

(3). Thơ Lê Anh Xuân.

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513350

Hôm nay

2136

Hôm qua

2315

Tuần này

21287

Tháng này

220223

Tháng qua

121356

Tất cả

114513350