Những góc nhìn Văn hoá
Văn hóa gia đình và bình đẳng giới
Du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông ( Nguồn ảnh: Báo Nghệ An)
Bất bình đẳng giới hình thành từ trong gia đình. Và văn hóa gia đình là nhân tố quan trọng tạo nên bất bình đẳng giới khi mà chế độ gia đình quyết định đến sự trao truyền của cải vật chất cho con trai hay con gái. Nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, văn hóa trở thành một nguồn vốn quan trọng để phát triển thì sự trao truyền vốn văn hóa trong gia đình lại trở thành một nhân tố để hạn chế bất bình đẳng giới.
Văn hóa tạo ra bất bình đẳng giới trong gia đìnhNếu như giới tính (sex) là một phạm trù tự nhiên, được quy định bởi tự nhiên (cho dù ngày nay y học có thể can thiệp để chuyển đổi giới tính, nhưng nó không làm thay đổi bản chất tự nhiên của phạm trù giới tính), thì giới (gender) là một khái niệm mang tính xã hội. Văn hóa và các thể chế xã hội là một nhân tố quan trọng tạo nên sự phân biệt giới và dẫn đến bất bình đẳng giới. Trong đó, văn hóa gia đình là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Lịch sử cho thấy chế độ gia đình ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phân biệt giới. Điều đó thể hiện thông qua việc phân chia tài sản cho con cái trong gia đình. Chế độ gia đình mẫu hệ thì của cải vật chất được trao truyền cho con gái. Người phụ nữ làm chủ gia đình và con gái của họ có quyền thừa kế tài sản. Quan trọng như nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, tiền bạc… Tương tự, chế độ phụ hệ thì người đàn ông làm chủ gia đình và người con trai của họ có quyền kế thừa tài sản quan trọng trong gia đình để lại. Điều đó chứng tỏ không phải giới tính tạo ra bất bình đẳng mà chính văn hóa trong gia đình mới là thủ phạm của tình trạng này.
Ngày nay, pháp luật quy định sự bình đẳng giữa nam với nữ. Trong đó có sự bình đẳng về quyền thừa kế tài sản trong gia đình do cha mẹ để lại. Tuy nhiên, những quy định đó vẫn có phần lép vế so với sự ảnh hưởng của văn hóa. Bằng chứng là hầu hết các gia đình, quyền kế thừa tài sản vẫn thuộc về con trai (trừ một số tộc người theo mẫu hệ ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên). Từ nhà cửa, ruộng vườn, đất ở đến những của cái quan trọng trong gia đình. Nhưng người phụ nữ cũng ít bị thiệt thòi hơn khi mà gia đình vẫn dành cho họ những thứ của cải vật chất bằng những cách thức khác như cho nhiều của hồi môn, hỗ trợ tiền bạc khi xây dựng nhà cửa sau khi lấy chồng. Thậm chí có nhiều gia đình, cha mẹ còn quy định người con được kế thừa đất đai, nhà cửa của cha mẹ thì phải góp một phần giúp những người anh chị em khác khi họ có việc cần. Hay việc cha mẹ làm di chúc để phân chia của cải cho con cái. Và trong những trường hợp này, theo nhiều cách khác nhau, người con gái vẫn được thừa kế một phần của cải do cha mẹ để lại.
Vốn văn hóa là nguồn lực để hạn chế bất bình đẳng giới
Nhiều năm nay, việc nghiên cứu về giới đặt nhiều sự quan tâm đến việc bất bình đẳng giữa con trai và con gái trong vấn đề thừa kế tài sản vật chất trong gia đình. Điều đó được thể hiện trong hầu hết các nghiên cứu trong vòng mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, đặt ra một giả thuyết rằng, những người con gái trong gia đình, qua sự trao truyền vốn văn hóa từ người mẹ đã làm thay đổi sự bất bình đẳng giới đó. Và những cứ liệu mà chúng tôi tiếp cận ở một số trường hợp đã phần nào cho thấy giả thuyết này cũng có những điểm phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Câu chuyện về những người phụ nữ dân tộc Thái làm du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông (Nghệ An) là một minh chứng cho lập luận vốn văn hóa cộng đồng có thể hạn chế bất bình đẳng giới. Trước khi tham gia phát triển du lịch cộng đồng, chị Hoa cũng như nhiều người phụ nữ khác ở đây không có nhiều quyền hành trong gia đình. Những việc lớn nhỏ trong nhà chủ yếu do chồng quyết. Cùng lắm thì được chồng trao đổi. Nhưng từ khi tham gia du lịch cộng đồng, vai trò của chị thay đổi. Những việc sửa sang nhà cửa và mua sắm trang bị trong nhà để đón khách đều do chị quyết định là chủ yếu. Thậm chí mở quán hàng ở nơi khác cũng được chị chủ trì và đi vay vốn làm ăn. Chồng chị tham gia giúp đỡ nhưng không can thiệp sâu hay quyết định những việc này. Để làm được điều này bởi từ bé chị đã được mẹ trao truyền cho nhiều tri thức văn hóa truyền thống của người Thái. Chị biết nhiều, dệt may được, biết nấu các món ăn truyền thống và có thể chia sẻ được với du khách nhiều câu chuyện về văn hóa tộc người mình. Nhìn rộng ra, những người biết nhiều về văn hóa truyền thống như tri thức dân gian, ẩm thực, kỹ năng nghề thủ công, dân ca, dân vũ… ở trong vùng đều có tiếng nói quan trọng hơn trong gia đình. Nó bắt nguồn từ việc họ có thể vận dụng những tri thức đó như là nguồn vốn để tham gia vào phát triển kinh tế và có thu nhập cao hơn trong gia đình nên vị thế của họ cũng được cải thiện. Bình thường, con gái không được kế thừa tài sản từ cha mẹ và người phụ nữ trong gia đình không được quyết định những việc lớn. Tuy nhiên, từ lúc bé, những người con gái Thái được mẹ trao truyền cho nhiều nguồn vốn văn hóa từ kinh nghiệm, kỹ năng về dệt vải, thêu may, tri thức dân gian về y học hay các nghề thủ công như đan lát, làm rượu cần… Trước đây, nguồn lực văn hóa này không có giá trị về mặt kinh tế lắm nên họ chịu thua thiệt nhiều thứ trong đời sống gia đình. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển, những nguồn vốn văn hóa này lại có giá trị lớn giúp cho họ có nhiều nguồn thu nhập hơn nên vị thế của họ trong gia đình cũng được nâng lên.
Hay như câu chuyện của chị Hoàng, một người phụ nữ Thổ ở Quỳ Hợp cũng là một ví dụ. Từ bé, chị được mẹ truyền cho một kho tàng tri thức về y học cổ truyền dân tộc Thổ. Khi lớn lên, chị theo mẹ đi lấy thuốc, giúp đỡ nhiều người trong làng. Do có tài lại khéo léo nên chị được nhiều người theo đuổi. Tuy nhiên, từ khi lấy chồng thì cuộc đời chị lại thay đổi. Chị hay bị chồng đánh đập mỗi khi say rượu vì không sinh được con trai. Nhưng hơn chục năm qua, khi chị biết biến tri thức y học của mình thành hàng hóa và bán ra thị trường thu về nhiều lợi nhuận. Chị xây lại nhà to, mua xe ô tô và quyết định cho con đi học. Chồng chị không còn dám đánh chị như trước, và những việc lớn trong gia đình chị cũng có quyền quyết định cao chứ không bị lệ thuộc nữa.
Trường hợp những người phụ nữ trong bản Văng Môn của người Ơ Đu cũng vậy. Trong gần trăm hộ gia đình ở đây thì 12 người phụ nữ có thu nhập khá hơn từ việc dệt may thổ cẩm, trang phục truyền thống, làm rượu cần hay buôn bán tạp hóa đều có tiếng nói trong gia đình hơn những người phụ nữ khác. Bởi họ có thu nhập kinh tế từ những nghề nghiệp được cha mẹ trao truyền hay bản thân nỗ lực. Không chỉ những người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ở miền núi mà những người phụ nữ người Kinh ở đô thị cũng vậy. Những người được gia đình cho ăn học lên cao, có bằng cấp cao và có vị trí ngoài xã hội thì về nhà, tiếng nói của họ trong gia đình cũng được tôn trọng hơn. Nhìn rộng ra, hầu hết những người phụ nữ có được nguồn vốn văn hóa tốt hơn, đa dạng hơn thì vị thế của họ trong gia đình hay ngoài xã hội cũng được nâng lên cao hơn. Tri thức, bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm, mạng lưới xã hội, quan hệ xã hội là những nguồn vốn văn hóa cơ bản giúp cho người phụ nữ có tiếng nói quan trọng hơn trong cộng đồng.
Những ví dụ như vậy cho thấy nguồn vốn văn hóa được trao truyền trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc hạn chế bất bình đẳng. Dù không được thừa kế những nguồn vốn vật chất như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn nhưng người phụ nữ lại được cha mẹ trao truyền cho những nguồn vốn văn hóa quan trọng. Và khi kinh tế thị trường phát triển, giá trị kinh tế của những nguồn vốn văn hóa này được phát huy, người phụ nữ có nguồn thu nhập cao hơn và vị thế của họ trong gia đình cũng như ngoài xã hội được cải thiện.
Bình đẳng giới từ nguồn lực văn hóa
Từ lâu nay chúng ta nói về đấu tranh bình đẳng giới từ các quyền cơ bản đến các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như việc mở đường tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội nhiều hơn để tăng cường vị thế cho phụ nữ. Bình đẳng giới gắn với quá trình đấu tranh giải phóng phụ nữ. Điều đó không sai nhưng chưa quan tâm đến nhân tố văn hóa một cách xác đáng. Những phân tích về vốn văn hóa trong việc hạn chế bất bình đẳng giới gợi mở cho chúng ta thêm con đường về việc thực hiện bình đẳng giới từ nguồn lực văn hóa. Theo đó, thay vì xây dựng những chính sách can thiệp trực tiếp vào cơ cấu kinh tế xã hội để thực hiện bình đẳng giới thì có thể xây dựng những chính sách để phát huy giá trị kinh tế của các nguồn lực văn hóa mà các nhóm đối tượng khác nhau.
Cuộc sống hiện đại cho thấy, mỗi người đều có những sở trường riêng, có nguồn vốn văn hóa riêng. Mà ở góc độ nào đó, những nguồn lực văn hóa đó đều có giá trị kinh tế nhất định. Điều quan trọng là phải tìm được cách phù hợp để phát huy được giá trị kinh tế của những nguồn lực văn hóa đó. Vậy nên, để thực hiện bình đẳng giới một cách chủ động và tích cực, chúng ta cần xây dựng những chính sách phát triển lấy nguồn lực văn hóa làm trung tâm. Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế dược liệu… là những định hướng cần thiết. Phụ nữ là đối tượng lưu giữ chủ yếu các giá trị văn hóa cộng đồng. Và khi các giá trị văn hóa đó phát huy được vào quá trình phát triển kinh tế thị vị thế của phụ nữ sẽ thay đổi. Lúc đó, giới sẽ bình đẳng hơn./.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513302
288
2315
21239
220175
121356
114513302