Những góc nhìn Văn hoá

Sáu mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

 

Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Thành phố Sài Gòn), anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống con tàu mang tên Đô đốc Latouche –Treville sang Pháp với tên gọi mới Văn Ba - khi đó trong vai Người đi tìm hình của Nước với tâm thế: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà” (Chế Lan Viên). Ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Sài Gòn, nên những năm tháng dài rộng sau này đặt chân lên khắp năm châu bốn biển, Miền Nam luôn là một phần máu thịt trong ký ức của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Câu nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!” thể hiện nỗi niềm da diết, sâu lắng của Người hướng về một nửa đất nước luôn đi trước về sau: “Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha/Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa” (Tố Hữu - Bác ơi).

Dằng dặc 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu cặn kẽ thế nào là hạnh phúc và khổ đau, bất công và tủi nhục của một người dân mất nước nô lệ, khi tìm được ánh sáng Lênin, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc (28-01-1941) để lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... Im lặng...Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu - Theo chân Bác). Mặt trận Việt Minh thành lập (1941); Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1945) thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội); cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược chín năm (1946-1954) để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, vãn hồi hòa bình cho một nửa nước (Hiệp định Giơnevơ 1954, về hòa bình ở Đông Dương); đấu tranh thực hiện Tổng tuyển cử và thống nhất nước nhà; miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam đánh thắng xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thuyền trưởng vĩ đại lái con tàu cách mạng và Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, sóng gió đi tới thắng lợi với quyết tâm cao độ: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập”, vì: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người đã xa quê hương mấy chục năm trường kể từ ngày theo cha đi vào phương Nam. Hiềm nỗi việc nước đã cuốn hút tâm trí và sức lực cũng như thời gian của Người ngày ngày vô tận. Nhưng tình cảm cố hương không lúc nào nguôi ngoai trong lòng một người con của quê hương xứ sở uống nước nhớ nguồn. 

Lần đầu Người về thăm quê hương sau nhiều năm xa cách vào tháng 6-1957; lần thứ hai vào tháng 12-1961. Mới đó thấm thoắt đã 60 năm, tròn năm hoa giáp. Năm 1961, tôi mười tuổi, đang sống ở thị xã Vinh. Tôi chưa có cái vinh dự đi trong đội hình Đội thiếu niên danh dự đón Bác ở sân bay Vinh, khi chiếc máy bay mang số hiệu 6842 hạ cánh xuống sân bay Vinh, ngày đó còn đơn sơ, vào lúc 12g30 ngày 8-12-1961. Nhưng niềm hân hoan thì được truyền cảm hứng từ những đoàn người đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón Bác Hồ với khẩu hiệu hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Hồ Chí Minh - Bác Hồ, là một biểu tượng của con người vĩ đại nhưng bình thường, bình thường nhưng vĩ đại. Tài liệu lịch sử còn ghi rõ: Khi máy bay hạ cánh tại sân bay Vinh, vào lúc 12g30p ngày 8-12-1961, Tỉnh ủy Nghệ An chuẩn bị đón Bác Hồ bằng một ô tô sang trọng, nhưng Người đã chọn ngồi cùng các chiến sỹ cảnh vệ trên một ô tô công vụ, về trụ sở tỉnh. Hình ảnh đó nhắc nhớ chúng ta đức tính giản dị, cần kiệm của Lãnh tụ, khác hẳn những cán bộ lãnh đạo các cấp - “đày tớ của nhân dân”- ngày nay đi đâu thì tiền hô hậu ủng, xe cộ rồng rắn, phô trương. Lời Bác Hồ căn dặn cán bộ phải “cần kiệm liêm chính chí công vô tư” thực hiện trong đời sống đâu phải dễ dàng nếu tâm không sáng, chí không bền, nếu không cầu thị theo tinh thần “dĩ công vi thượng”. 

Khi Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, nơi đầu tiên Người đến là làng Hoàng Trù, quê ngoại trước, sau đó mới về thăm quê nội, làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì sao? Câu trả lời cũng giản dị: chừng ấy năm xa quê, hình ảnh người Mẹ luôn khắc khoải tràn đầy trong tâm trí của một người con vì việc nước mà bôn ba, xa quê hương xứ sở, đến nửa thế kỷ. Gần đây, nhà văn - nhà giáo Nguyễn Thế Quang (hiện sống ở Thành phố Vinh, Nghệ An) đã ra mắt tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông. Dẫu tiểu thuyết là hư cấu, nhưng khi thưởng thức, người đọc vẫn cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc hơn tình mẫu tử, càng thấm thía triết lý: “Không có người Mẹ không có mặt trời, không có người anh hùng và không có cả thi ca”. Thân mẫu của Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) ra đi mãi mãi vào cõi thiên thu lúc Người mới 11 tuổi; thân phụ của Bác Hồ, ông Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929) giã biệt thế giới khi Người đang mải miết năm châu bốn biển tìm đường cứu nước. Về quê ngoại, quê nội, ở đâu Người cũng gặp lại những hình ảnh quen thân: mái nhà tranh, hàng râm bụt, bờ tre, ruộng lúa; nghe lại những làn điệu dân ca đã thấm vào tâm hồn từ thuở ấu thơ, nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi nơi Người đến là không khí, âm thanh, đường nét, mùi vị tràn đầy xúc cảm của quê hương trăm dấu ngàn yêu.

Lãnh tụ với nhân dân như cội với cành, chính vì thế nhân dân Việt Nam suốt một dải đất hình chữ S mới kính trọng và thân thương, trìu mến đồng thanh gọi Người là Bác Hồ, là Cha già dân tộc “Người là Cha, là Bác, là Anh? Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Tố Hữu - Sáng tháng năm). Trong chuyến về thăm quê lần thứ hai, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh; thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành); thăm Nông trường Đông Hiếu (Nghĩa Đàn). Ở đâu, Bác Hồ cũng ân cần thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn của người lao động trên các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Là người đã từng trải nghiệm lao động gian nan, vất vả nhưng vinh quang, Bác Hồ đã thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc với những con người lao động tự hào:“Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cùng thành cơm” (Hoàng Trung Thông - Bài ca vỡ đất).

Bác Hồ làm việc với BCH Đảng bộ Nghệ An ngày 8 tháng 12 năm 1961 (Ảnh TL)

Khi nói chuyện với lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An, Bác Hồ chỉ rõ: “Tất cả cái gì thuộc về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc: Một là nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy phải dân chủ nội bộ, phải phê bình và tự phê bình”. Những lời dặn chí cốt, ân tình của Bác Hồ đến nay vẫn rất thời sự - đoàn kết và dân chủ từ trong Đảng trước mới đủ điều kiện đoàn kết và dân chủ rộng ra toàn dân, xã hội (Nước hiệu khi thành lập, kể từ ngày 2-9-1945, mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Đó cũng là nỗi niềm canh cánh của Người khi tiên lượng đường đi nước bước sau này của sự nghiệp cách mạng, do Đảng cầm quyền lãnh đạo. Vì thế, trong Di chúc, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ trung thành của nhân dân ”.

Ngày 2-9-1969 được ghi vào sử sách, bởi nỗi đau thương tổn thất không gì bù đắp nổi với đất nước khi: “Bác đã lên đường nhẹ bước tiên/Mác - Lênin thế giới Người Hiền” (Tố Hữu toàn tập, tập I, NXB Văn học, 2009, tr. 416; khác với nguyên bản nhà thơ viết năm 1969). Trước đó không lâu, ngày 14-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Grama (Cuba). Bài tường thuật buổi phỏng vấn này được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Grama (Cuba), số ra ngày 29-7-1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Grama (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 3-8-1969, dưới đầu đề Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi. Báo Nhân Dân dịch và in lại (dẫn theo Hà Minh Đức - Báo chí Hồ Chí Minh - Chuyên luận và tuyển chọn, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 311). 

Người dân Việt Nam ai ai cũng khát khao trong đời một lần được vinh hạnh gặp Bác Hồ. Vậy nên: “Còn những ai chưa được một lần/Trong đời gặp Bác? Hãy nhanh chân/Tiến lên phía trước! Trên cao ấy/Bác vẫn đưa tay đón lại gần...” (Tố Hữu - Theo chân Bác). Có những kỷ niệm trở thành ký ức văn hóa trong tâm khảm con người. Ai đó, nếu là người dân xứ Nghệ, có hạnh phúc được gặp Bác Hồ trong hai lần Người về thăm quê (tháng 6-1957 và tháng 12-1961), khi có điều kiện hãy kể lại cho con cháu các thế hệ tre già măng mọc nghe về những giờ phút thiêng liêng, hạnh phúc bên Người. Tôi tin, đấy không chỉ là Gia bảo với mỗi người, mà là Quốc bảo, là vốn quý của chung toàn thể nhân dân, để nâng niu, gìn giữ, trân quý, chiêm bái. Bởi vì: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...” (Tố Hữu - Sáng tháng năm).

Khi viết bài báo nhỏ này, bỗng như một sự thôi thúc nội tâm tự nhiên, tôi liền bật radio, tìm kiếm và thưởng thức nhạc phẩm Trông cây lại nhớ đến Người (sáng tác Nguyễn Trung Phong - Đỗ Nhuận), với ca từ giản dị và giai điệu mượt mà, ấm cúng, thiết tha qua giọng hát của NSND Thu Hiền đi vào lòng người: “Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa/Bác thăm già cùng hỏi trẻ/Hàng cây xanh vẫy chào Người mạnh khỏe/Thăm làng Sen thêm yêu cả giang sơn/Cả một đời vì nước vì non!/Cả một đời vì nước vì non/Bác vẫn còn nghe điệu hò ví giặm/Dòng sông Lam núi Hồng nỏ hận/Chào quê hương...Bác dặn...lại...ơ...rồi/Bác vẫn còn như màu xanh bất tử/Tình yêu thương núi đồi ấp ủ/Rừng cây ru Bác ngủ ngon ơ...lành”. Đó chính là động hướng tinh thần “ôn cố tri tân” cần thiết và hữu ích hiện nay với các thế hệ người Việt Nam Thời đại Hồ Chí Minh./.

 

                                                                    Hà Nội, tháng 11-2021

 

                                                                                       B.T.A

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513307

Hôm nay

293

Hôm qua

2315

Tuần này

21244

Tháng này

220180

Tháng qua

121356

Tất cả

114513307