Những góc nhìn Văn hoá
Về văn hóa của tiếng Việt ngày nay
- 1.Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với những thay đổi chóng mặt về kinh tế và xã hội, vấn đề phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt ra một cách cấp bách, với những vấn đề rất mới mẻ. Một câu hỏi đặt ra, đó là “Có hay không, sự “khủng hoảng” của tiếng Việt ngày nay?
Theo định nghĩa của Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) thì khủng hoảng (crisis) được hiểu chung nhất nhưlà thuật ngữ để chỉtình huống không mong muốn, bất thường, đe dọa con người, tổ chức hoặc xã hội. (In a general sense, the term implies an undesirable and unexpected situation that possesses latent harm to people, organizations or society) (The Harvard Business School). Khủng hoảng cũng được hiểu là “một sự thay đổi - hoặc bất ngờ hoặc mang tính tiến hóa - dẫn đến một vấn đề khẩn cấp cần phải được quan tâm tức thời” (a change - either sudden or evolving - that results in an urgent problem that must be addressed immediately) (Luecke and Barton, 2004)
Rõ ràng là về nguyên tắc, cũng như tất cả các sinh ngữ khác, tiếng Việt phải phát triển để đáp ứng nhu cầu diễn đạt nhận thức chung của xã hội đang phát triển, nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phức tạp và tinh tế của người Việt. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, một loạt hình thức giao tiếp mới ra đời: điện thư, chát, mạng xã hội v.v… đã kéo theo những dạng giao tiếp ngôn ngữ trước đây chưa từng có. Các ngôn ngữ cũng có sự tiếp xúc liên tục, đặc biệt các ngôn ngữ có vị thế lớn không ngừng ảnh hưởng đến các ngôn ngữ khác, thông qua các hiện tượng vay mượn, trộn mã, chuyển mã.
Tất nhiên, sự phát triển mạnh mẽ ấy cũng kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có những hệ lụy liên quan đến sự trong sáng (purity) của ngôn ngữ. Lấy trường hợp tiếng Việt, nếu gõ vào google cụm từ “giữ gìn” + “sự trong sáng” + “tiếng Việt”, chương trình tìm kiếm sẽ cho ra 76.500 kết quả. Thực tế này phản ánh ý thức cảnh giác, có thể nói là một sự lo sợ, của xã hội đối với vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là lo sợ về sự tha hóa, méo mó của tiếng Việt, lo sợ về sự biến dạng của tiếng Việt khi lớp trẻ hồn nhiên dùng tiếng Anh lẫn với tiếng mẹ đẻ, khi thế hệ @ dùng những kí tự lạ trong chát hay nhắn tin. Những bài viết với tiêu đề như “Tiếng Việt đang méo mó”, “Nỗi lo chính tả”, “Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Tiếng Việt thời nay: nên cười hay nên khóc”, “Nghĩ về tiếng Việt mạng xã hội”, “Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa”, “Cười ra nước mắt, tiếng Việt thời nay” đọc lên như hồi chuông báo động đối với tiếng Việt, hồn Việt và văn hóa Việt... Căn nguyên của tình trạng này, theo lí giải của tác giả các bài báo, đó là do nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều hình thức thái quá, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự nông nổi của các bạn trẻ và cả sự buông lỏng kỉ cương trong việc sử dụng từ ngữ đối với các phương tiện thông tin đại chúng…Tuy nhiên, những báo động như vậy liệu đã đủ để cho rằng tiếng Việt đang bị khủng hoảng?
Ở đây, bên cạnh những ý kiến bi quan như vậy, cần lưu ý cũng có một số ý kiến lạc quan, cho rằng những cái nhố nhăng trong cách diễn đạt sẽ nhanh chóng qua đi, và tiếng Việt đủ nội lực để tự bảo vệ, để trường tồn cùng dân tộc.
Từ góc độ người làm ngôn ngữ học, tôi sẽ xem xét tình trạng sử dụng tiếng Việt “phi chuẩn” hiện nay theo những chiều kích khác nhau và đi tìm cơ sở tâm lí và lí luận ngôn ngữ học hiện đại để trả lời câu hỏi đang được đặt ra một cách bức xúc đối với toàn xã hội: Tình trạng sử dụng tiếng Việt như vậy có thật sự nghiêm trọng không? Tiếng Việt có phải đang bị khủng hoảng hay không? Chúng ta cần phải làm gì để phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cũng là một cách để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt?
2. Những vấn đề có tính truyền thống về giữ gìn và phát triển tiếng Việt: phát triển và bảo tồn, chuẩn và phi chuẩn
Trước khi bàn về vấn đề giữ gìn và phát triển tiếng Việt, cần bàn đến mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn, giữa chuẩn và phi chuẩn.
2.1.Vấn đề phát triển và bảo tồn
Ngôn ngữ thực hiện nhiều chức năng, tuy nhiên, có hai chức năng quan trọng nhất là làm công cụ giao tiếp và biểu đạt tư tưởng. Tiếng Việt với lịch sử phát triển lâu đời đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó, tiếng Việt đã có lịch sử phát triển lâu dài, gắn với sự hình thành và phát triển của dân tộc.
Theo ý kiến của số đông các nhà nghiên cứu, tiếng Việt có nguồn gốc Nam Á (dòng Môn-Khơ me). Trên cơ tầng ấy, tiếng Việt đã có cuộc tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán để có những bước phát triển mạnh mẽ về các phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Sự tiếp xúc đó kéo dài trong thời gian Bắc thuộc. Tuy nhiên, sau thời gian Bắc thuộc, cha ông ta vẫn chủ động vay mượn một số lượng lớn vốn từ tiếng Hán để làm phong phú hơn cho tiếng Việt, đáp ứng những nhu cầu của một xã hội được tổ chức theo mô hình nhà nước phong kiến tập quyền, dựa trên các nguyên lí của Nho giáo, tổ thức học hành, thi cử, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Theo một con số chưa được kiểm chứng đầy đủ, từ vựng tiếng Việt hiện nay có khoảng 60-70 % đơn vị gốc Hán, tồn tại ở các dạng: từ cổ Hán - Việt, từ Hán Việt, từ Hán - Việt Việt hóa (Nguyễn Tài Cẩn 2004: 18) và từ gốc Trung Quốc du nhập vào tiếng Việt qua con đường khẩu ngữ.
Đến thời Pháp thuộc, tiếng Việt cũng có một đợt vay mượn từ vựng lớn, với nhiều từ khoa học kĩ thuật được nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt: săm, lốp, tua bin, may ơ, ô xy, a xít, ghi đông, xà phòng, bi đông v.v… Nhiều cách diễn đạt mới mẻ cũng được hình thành, dựa trên sự tiếp xúc của tiếng Việt với tiếng Pháp.
Sự phát triển ấy tiếp tục được thấy trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn phát triển của các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, thể hiện qua số lượng từ vay mượn từ tiếng Nga và tiếng Anh.
Vấn đề là trong quá trình tiếp xúc, vay mượn để phát triển ấy, tiếng Việt không bị đồng hóa, hòa tan, mà vẫn giữ được bản sắc của mình, thể hiện ở các quy tắc ngữ pháp và đặc điểm ngữ âm của một ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính: Người Việt đã “Việt hóa” các âm mượn của tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga và cả tiếng Anh gần đây, vẫn giữ được căn cốt ngữ pháp với trật tự SVO và mô hình cấu tạo danh ngữ về cơ bản là chính trước phụ sau.
2.2.Vấn đề chuẩn và phi chuẩn
Để đánh giá mức độ trong sáng, trình độ phát triển của một ngôn ngữ, cấn hiểu thế nào là chuẩn/phi chuẩn. Trên thực tế, khái niệm “chuẩn” có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, có những điểm chung trong quan niệm về “chuẩn” của các nhà nghiên cứu, đó là: (1) Chuẩn mang tính quy ước xã hội (do xã hội đánh giá, lựa chọn, thừa nhận), (2) Chuẩn phù hợp với quy luật phát triển nội tại của ngôn ngữ, và (3) Chuẩn có tính lịch sử (tồn tại trong một giai đoạn lịch sử) với nguyên lí có tính biện chứng: cái chuẩn của ngày hôm nay có thể trở thành cái phi chuẩn của tương lai; ngược lại có cái phi chuẩn của hôm nay lại tiềm tàng khả năng thành cái chuẩn của tương lai. Tình hình tương tự đối với khái niệm “phi chuẩn” - cái được cho là không đúng, không phù hợp, đó là cái “phi chuẩn” của ngày hôm nay có thể trở thành cái chuẩn của tương lai. Tất nhiên, do chuẩn mang tính lịch sử nên ranh giới giữa “chuẩn” và “phi chuẩn” không phải khi nào cũng rõ ràng mà có thể chuyển hóa cho nhau.
Trải qua lịch sử phát triển, tiếng Việt đã có một diện mạo chung, thống nhất, được sử dụng rộng rãi trên các vùng miền của đất nước. Tuy nhiên, cũng như tình hình ở các quốc gia khác, ở Việt Nam, tồn tại nhiều phương ngữ địa lí, với những khác biệt nhất định về ngữ âm, từ vựng và cả ngữ pháp, vì thế vấn đề chuẩn hóa càng thêm phức tạp. Đó là chưa tính đến các nhân tố xã hội như tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, vị thế xã hội…có thể tác động đến quan niệm và những lựa chọn về chuẩn.
Về phương diện ngữ âm, hiện nay, chưa có một văn bản chính thức nào của nhà nước quy định giọng chuẩn cho tiếng Việt. Tuy nhiên, do vai trò của Hà Nội với tư cách là thủ đô, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước mà tiếng miền Bắc, tiêu biểu là giọng Hà Nội, đang dần dần trở thành một chuẩn, hay đang vươn tới thành một chuẩn ngầm ẩn trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt. Dĩ nhiên, quá trình khẳng định vị thế của phương ngữ Bắc qua giọng Hà Nội diễn ra song song với quá trình một số yếu tố của phương ngữ Nam và phương ngữ Trung lan tỏa, được nhận vào phương ngữ Bắc, trở thành những yếu tố có tính toàn dân.
(Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong cách phát âm, nếu một số đặc điểm mang tính phương ngữ có thể được chấp nhận thì một số đặc điểm khác lại bị coi là là “nói ngọng”, tức không được chấp nhận. Chẳng hạn, sự phát âm lẫn lộn L/N đã không được xem là một đặc điểm phương ngữ và đã bị chỉ trích rất nhiều).
Nói đến sự phát triển và thống nhất của tiếng Việt, không thể không nhắc đến vai trò của chữ Quốc ngữ của giai đoạn cận đại và hiện đại. Ra đời vào thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ đã trở thành một tài sản quí giá của Việt Nam, là cơ sở để củng cố sự thống nhất ngôn ngữ dân tộc. Vì thế, trong vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt, cần đặt ra vấn đề chuẩn chính tả đối với chữ Quốc ngữ. Đành rằng vẫn có một số trường hợp chính tả còn phân vân giữa hai cách viết, tuy nhiên, số đông vẫn quan niệm cách viết chính tả trong sách giáo khoa, trong văn học nghệ thuật, mà tác giả là các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn có uy tín… là chuẩn của chính tả, không chấp nhận quan điểm “đa chuẩn” làm rối loạn tiếng Việt, như ở một số từ điển chính tả bị Hoàng Tuấn Công phê phán gần đây (xin xem các bài nghiên cứu của Hoàng Tuấn Công trên các báo Tiền phong, Đại đoàn kết, Kinh tế và Đô thị...)
Những vấn đề về phiên âm hay viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài, vấn đề viết i ngắn (i) hay i dài (y), vấn đề có cần bổ sung các chữ cái F,J, W, Z hay không hiện nay đang là những vấn đề thời sự của chuẩn hóa chính tả tiếng Việt.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy rằng đã có một loạt các cuộc vận động và hội thảo khoa học trước đây xoay quanh vấn đề chuẩn hóa.
Vào những năm 1970-1980, có một vận động sôi nổi về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, Hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” do Viện Ngôn ngữ học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 30/10/1979 đã thu hút hơn 300 đại biểu, với hơn 120 bản báo cáo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự Hội nghị. Trong bài viết quan trọng "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh vai trò và tác dụng của công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hóa nó, để phục vụ sự phát triển trí tuệ con người Việt Nam, sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Như vậy, những vấn đề có tính “truyền thống” đối với sự giữ gìn và phát triển tiếng Việt là vấn đề chuẩn hóa chính tả, vấn đề phiên âm, vấn đề dùng từ vay mượn, vấn đề chuẩn hóa thuật ngữ, vấn đề quan hệ giữa tiếng địa phương và ngôn ngữ toàn dân đã được quan tâm và đã có những cố gắng để tiếng Việt được chuẩn hóa. Tuy nhiên, chuẩn hóa là một quá trình, thể hiện ở nhiều phương tiện, tất cả đều không thể ngày một ngày hai mà có được. Và có một thực trạng đáng buồn là cho dù đã được quan tâm rất sớm nhưng cho đến hôm nay, những vấn đề như được nêu trên đây vẫn chưa thực sự có được một sự thống nhất và đồng thuận xã hội.
3. Một số vấn đề mới trong giữ gìn và phát triển tiếng Việt gắn với sự phát triển của xã hội hiện nay
Chúng tôi gọi là “một số vấn đề mới” do tiếng Việt đã phát triển sang một giai đoạn mới, gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là với sự phảt triển của công nghệ thông tin, cuộc sống số hóa, cũng như những nhận thức mới của xã hội, của các nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa “bảo tồn” và “phát triển”.
Trong bối cảnh đó, những cái mới trong ngôn ngữ của giới trẻ là một chủ đề nóng, gây tranh luận với những ý kiến đánh giá trái chiều. Một sự kiện nên được nhắc lại bởi tính thời sự của nó. Đó là vào tối 29/3/2012, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp. L’Espace, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong”. Buổi tọa đàm có sự tham gia nhiều nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội. Rất nhiều người trẻ đã đến để lắng nghe và bày tỏ tiếng nói về những vấn đề của chính họ. Chủ đề chính của buổi tọa đàm là cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" của Thành Phong - cuốn sách vừa mới ra mắt đã bị thu hồi vào tháng 10/2011, với dư luận nhiều chiều. Cuốn sách tranh (tranh minh họa cho một số thành ngữ mới, thời thượng của giới trẻ) bị nhiều người phê phán vì cho rằng cổ súy những câu nói kiểu “Khổ như con hổ”, “Cướp trên giàn mướp”, “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”, "Chán như con gián", "Chảnh như con cá cảnh", "Dở hơi biết bơi", “Ăn chơi sợ gì mưa rơi”... là những kết hợp vô nghĩa, những cách nói làm méo mó tiếng Việt. Rất nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay đã và đang làm mất đi sự trong sáng và cái hay, cái đẹp vốn có của tiếng Việt, chứng tỏ tiếng Việt đang bị mất phương hướng, lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại. Chẳng hạn nhà giáo Văn Như Cương đã bày tỏ sự thích thú với lối sáng tạo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Ông cho rằng, những câu nói như “chảnh như con cá cảnh”, “khổ như con hổ”… đã thật sự mang lại những ý nghĩa rất thú vị và bất ngờ mà lối nói truyền thống không thể nào diễn tả được. Về ý tứ sâu xa, ông cho rằng lối nói này thể hiện một sự chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới. Theo mạch suy nghĩ đó, ông nêu ví dụ, ngày xưa ông cha ta nói “Cái khó bó cái khôn” là để chỉ cái đói cái nghèo ngăn trở chúng ta thành công trong cuộc sống. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc gặp “cái khó” mới “ló cái khôn”, thể hiện ở vô số nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng. Tuy nhiên, nếu cứ đói mãi, cứ khó mãi, thì “cái khó ló cái ngu”. Rõ ràng ba câu nói phản ánh ba thời kỳ lịch sử khác nhau chứ hoàn toàn không phải là sự biến đổi ngôn ngữ tùy tiện. Với cái hay của ba lối nói này, ông kết luận: "Làm sao tôi không mê cho được?" Sự thích thú của Văn Như Cương khiến chúng ta liên tưởng đến chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ, tức chức năng đem lại những cảm xúc thẩm mỹ, những phát hiện ngôn ngữ thú vị, như được thấy trong thi ca, ca dao, trong những cách chơi chữ, trong một số truyện cười về ngôn ngữ…
3.1. Miêu tả thực trạng những bất thường, phi chuẩn trong ngôn ngữ giới trẻ hiện nay
Ngôn ngữ của thế hệ @ cần được đặt trong bối cảnh phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, làm nảy sinh những hình thức giao tiếp độc đáo, chưa từng có trong lịch sử nhân loại: điện thoại di động, email, chát trực tuyến, mạng xã hội, blog… Sau đây là bức tranh về một số hiện tượng ngôn ngữ phi chuẩn của thế hệ trẻ hiện nay.
3.1.1.Những cách sử dụng ngôn ngữ khác lạ, phi lô gic
a) Lớp trẻ thích sử dụng những cách nói trông rất vô nghĩa, kì lạ, kiểu như: “Cướp trên giàn mướp”, “Buồn như con chuồn chuồn”, “Chảnh như con cá cảnh”, “Chán như con gián”, hoặc sử dụng những kết hợp bất thường, kiểu như “Hơi bị đẹp”. Chúng tôi cho rằng cách nói bất ngờ, có vần ở vị trí âm tiết cuối này chịu ảnh hưởng của trào lưu nhạc ráp đang thịnh hành trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay.
b) Lớp trẻ sử dụng cách nói chơi chữ (chủ yếu dựa trên hiện tượng đồng âm), ví dụ: “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”, “Cam-pu-chia tiền ăn trưa”, “Chuối cả nải”… Cách nói “Cam-pu-chia tiền ăn trưa” dựa trên đặc điểm của đơn vị “tiếng” trong tiếng Việt: đa số các “tiếng” trong tiếng Việt có nghĩa hoặc tiềm tàng khả năng có nghĩa (chẳng hạn trong cách nói “Ra-đi-ô với Vô-đi-ô gì!”). Theo đó, “chia” trong Cam-pu-chia là âm tiết phiên âm, vốn vô nghĩa, nhưng đã được dùng với nghĩa “chia” (chia nhau, chia chác). Tương tự, khi ai đó say rượu, nôn hay phun thức ăn ra, lớp trẻ dùng cách nói “Nó Ác-sê-nôn rồi” (phiên âm tên đội bóng Anh Arsenal), “Nó Li-vớc-phun rồi” (phiên âm tên đội bóng Anh Liverpool).
3.1.2. Sử dụng tiếng Việt biến âm trong lời nói và chữ viết
Thực trạng này gây sốc nhiều nhất cho nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ. Họ sốc vì cách nói làm “méo mó” tiếng Việt của bọn trẻ, họ sốc vì không thể hiểu được bọn trẻ nói gì (bố mẹ Việt Nam thường có xu hướng muốn biết được, thậm chí là kiểm soát con cái nói gì, nghĩ gì).
Trong tin nhắn điện thoại đi động, trong chát trực tuyến v.v… rất phổ biến cách diễn đạt kiểu như:từ “rồi” viết thành “roài”, “không” thành “hông”/“hem”, “biết” thành “bít”. Kết quả là có những câu như: “The la cau hem bit roai, hihi” (“dịch” ra ngôn ngữ bình thường là “Thế là cậu không biết rồi, hì hì”). Xa hơn nữa, thế hệ @ còn “sáng tạo” những cách viết kì dị, như chữ “a” viết thành 4, chữ e viết thành 3, i thành j, g đổi sang 9, o thành 0, c thành k, b thành p, vân vân … Câu “Thế là cậu không biết rồi” trên đây sẽ được viết là: “Th3 l4 k4u h3m pjt r04j, hyhy”.
3.1.3. Sử dụng tiếng Anh chen lẫn với tiếng Việt
Thế hệ @ là thế hệ giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Trong ngôn ngữ của họ, có tình trạng dùng tiếng Anh chen lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn đây là một lời tự giới thiệu của một bạn “tuổi teen”:
“Hi mọi người! Mình là …., mình rất vui được làm quen với everybody. Mình đang study ở ……..High School. Mình rất confident trong các extracurricular activities. Hiện nay mình đang cope up with chương trình học rất killer của trường… Nhưng mình tin với capacity của mình, mình sẽ hoàn thành completely cái syllabus đó” (Dẫn theo http://www.bacgiangonline.net/diendan/showthread.php?t=10709&page=1)
Hiện tượng này không chỉ thấy ở thế hệ @ mà còn thấy ở những người lớn tuổi từng đi du học ở nước ngoài hoặc trong công việc hàng này có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài. Chẳng hạn, một khách hàng của Việt Nam Airlines có thể nói với nhân viên phòng vé: “Vé này có cần con phơm (confirm) lại không chị?” hoặc trong nhà hàng, người ta có thể nói “Cho cái bill thanh toán” thay vì nói “Cho hóa đơn thanh toán”.
Nguy cơ của cách nói này là có thể hình thành một loại ngôn ngữ lai (Pidgin), như cách nói “Tây bồi” trước năm 1945. Từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, đây là hiện tượng trộn mã (code-mixing) hay chuyển mã (code-Switching).
Cái gọi là sự tha hóa hay khủng hoảng đối với ngôn ngữ lớp trẻ, theo chúng tôi, chung quy lại là cách dùng những kết hợp khác lạ, sử dụng tiếng Việt biến âm trong lời nói và chữ viết, sử dụng tiếng Anh chen lẫn với tiếng Việt. Nhìn chung, tuy có những lí lẽ bênh vực nhưng ý kiến về những hiện tượng này thiên về phê phán hơn là ủng hộ.
3.2. Nhận thức mới về mối quan hệ giữa “bảo tồn” và “phát triển”
Trong phong trào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trước đây, đã có những quan điểm quá khích, nhân danh sự trong sáng để loại bỏ một số đơn vị từ vựng, một số cách nói đã tồn tại trong tiếng Việt (chẳng hạn, đề nghị dùng “người bắn” thay cho “xạ thủ”, dùng “máy bay lên thẳng” thay cho “trực thăng”…), đặc biệt là xu hướng khước từ một số hiện tượng ngôn ngữ mới xuất hiện, do tiếp xúc, do vay mượn, do sao phỏng tiếng nước ngoài. Sự quá khích này có thể dẫn đến sự mơ hồ (lưỡng nghĩa) về nghĩa hoặc sai nghĩa. “Xạ thủ” là một kết hợp chặt, mang tính từ pháp giữa hai hình vị “xạ” và “thủ”, vì thế câu “Xạ thủ Nguyễn Mạnh Cường đã được trao bằng khen” chỉ có thể có một cách hiểu, đó là “Có một xạ thủ tên là Nguyễn Mạnh Cường và anh ấy đã được trao bằng khen”. Trong khi đó, do kết hợp “người bắn” là một kết hợp lỏng lẻo, có thể hiểu như một kết hợp cú pháp, nên câu “Người bắn Nguyễn Mạnh Cường đã được trao bằng khen” có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất: Giống như cách hiểu câu “Xạ thủ Nguyễn Mạnh Cường đã được trao bằng khen”.
Cách hiểu thứ hai: Có người bắn anh Nguyễn Mạnh Cường và người đó đã được trao bằng khen.
Đối với trường hợp “trực thăng” và “máy bay lên thẳng”, thực tế cho thấy chúng không đồng nghĩa với nhau: có nhiều loại máy bay lên thẳng, trực thăng chỉ là một loại máy bay lên thẳng mà thôi. Hiện nay, các máy bay tiêm kích F-35 thế hệ 5 của Mỹ có những biến thể có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Thực tế đòi hỏi cần phải có một sự nhìn nhận lại mối quan hệ giữa “giữ gìn” và “phát triển” tiếng Việt. Tôi nhớ lại, năm 2000, tôi đến thăm thầy Nguyễn Tài Cẩn khi thầy từ Nga về Việt Nam nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện về ngành, về nghề, thầy nói rất rõ: phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có sai lầm (với hai cái mốc là hai hội nghị toàn quốc về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt năm 1966 và 1979- NVH chú thích), đó là quá nhấn mạnh vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà coi nhẹ vế phát triển. Thầy nói, và tôi còn nhớ, “đó là sai lầm của thế hệ thời bấy giờ”.
Đã hai mươi năm rồi, thầy đã trở thành người thiên cổ, nhưng tôi vẫn nhớ như in những gì thầy nói với tôi chiều hôm đó.
Tôi hiểu rằng, đã có một sự thái quá (kiểu “nhiệt tình cách mạng” ngút trời) của nhiều người thời bấy giờ khi quá nhấn mạnh vào vế “giữ gìn sự trong sáng” của tiếng Việt, mà coi nhẹ, hoặc lờ đi vế “phát triển”. Sau này, có thời gian đọc lại các bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi thấy Thủ tướng thật ra đã có cái nhìn rất biện chứng về mối quan hệ giữa giữ gìn và phát triển. Ông viết:
- “Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó” (Phạm Văn Đồng: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, phát biểu tại hội nghị về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, năm 1966, in lại trong Tạp chí Học tập, số 4-1966)
- “Khi chúng ta nói “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì chữ “giữ gìn” ấy bao hàm một ý quan trọng là chúng ta không thể để cho mất một cái gì vô cùng quý báu, một cái gì khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt, thứ tiếng mà cha ông ta đã xây dựng và bảo vệ trong lịch sử rất lâu đời của dân tộc. Nhưng nói như vậy không có ý chỉ nhìn về quá khứ; trái lại, còn phải nhìn về tương lai: Mà tương lai của đất nước ta, của xã hội ta, của tiếng ta là một sự phát triển với triển vọng vô cùng rộng lớn” (Phạm Văn Đồng: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, phát biểu tại hội nghị về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, năm 1979, in lại trong sách “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ”, Nxb Khoa học xã hội, H. 1981).
Vào năm 1999, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trở lại vấn đề này, với bài viết nhiều trăn trở “Trở lại vấn đề giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt” (đăng đầu tiên trên báo Nhân dân, sau đó đăng lại trên Tạp chí Ngôn ngữ số 6, 1999). Trong bài viết này, một lần nữa ông khẳng định: “Muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam”.
Khi đã có quan điểm cân bằng, không thái quá về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển, chúng ta sẽ có đánh giá đúng mức về vấn đề có hay không sự khủng hoảng của tiếng Việt hiện nay.
4. Tiếng Việt có bị khủng hoảng hay không? Các góc độ khác nhau trong việc đánh giá hiện tượng sử dụng tiếng Việt “phi chuẩn” hiện nay
Những hiện tượng nói theo kiểu tiếng nước ngoài, nói tiếng Việt lẫn với tiếng nước ngoài, cách diễn đạt khác lạ của giới trẻ v.v… đã được giới ngôn ngữ học quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau, với cách đặt vấn đề khác nhau.
Trước hết, hiện tượng dùng tiếng nước ngoài lẫn với tiếng Việt có liên quan đến vấn đề chuyển mã, trộn mã và vay mượn. Với vay mượn, một từ gốc nước ngoài được nhập vào hệ thống từ vựng bản ngữ và được coi là một đơn vị từ vựng trong hệ thống ấy. Trong từ vựng tiếng Việt nay, có nhiều từ có nguồn gốc Hán, Pháp, Nga, Anh và một số ít hơn, có nguồn gốc từ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Hiện tượng chuyển mã, trộn mã có liên quan đến tư cách thành viên thuộc nhóm xã hội nhất định trong các xã hội đa ngữ. Có một mối quan hệ giữa chuyển mã, trộn mã và vị thế giai cấp, vị thế tộc người và vị thế xã hội. Nó cũng được xem là một cách cấu trúc hóa sự trao đổi trong tương tác ngôn từ, xác lập các quan hệ trong giao tiếp. Chuyển mã, trộn mã không chỉ phản ánh các trạng thái xã hội mà chúng còn là công cụ để tạo ra trạng thái xã hội.
Các cách diễn đạt khác lạ, phi chuẩn của lớp trẻ được bàn rất nhiều trong các công trình ngôn ngữ học xã hội. Đặc biệt, các công trình ngôn ngữ học xã hội gần đây bàn rất nhiều về mối quan hệ giữa phong cách và sự thể hiện bản sắc (style and identity). Theo đó, việc giới trẻ dùng ngôn ngữ theo kiểu riêng biệt là một cách thể hiện bản sắc hay căn cước của mình, nói tóm lại, đó là một cách biểu đạt nghĩa cá nhân và liên nhân, thuộc về cái gọi là “phong cách xã hội” (social style), theo đó việc sử dụng ngôn ngữ theo cách đặc biệt cũng là một cách đánh dấu nhóm xã hội (liên hệ: sự thể hiện các sở thích về thời trang, âm nhạc, ô tô, xe máy… cùng các đánh dấu nhóm xã hội). Với những biểu hiện ngôn ngữ như vậy, ngôn ngữ học xã hội nêu ra vấn đề về sự tồn tại của những biến thể cá nhân như một tất yếu. Labov (1972) đã từng nêu vấn đề “biến thể phong cách” để chỉ những biến thể ngôn ngữ mang tính nội nhân (intra-individual) với tư cách là biến thể trong phạm vi lời nói của những cá nhân riêng lẻ.
5. Tiếp cận hiện tượng tiếng Việt “phi chuẩn” từ góc độ ngôn ngữ học lí thuyết
Có thể tiếp cận và đánh giá hiện tượng tiếng Việt “phi chuẩn” từ góc độ của ba lí thuyết ngôn ngữ học nổi tiếng hiện nay là ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday và ngôn ngữ học tri nhân, với những kết quả trái ngược nhau.
Đối với những hiện tượng tiếng Việt “phi chuẩn” hiện nay, những người theo lí thuyết ngữ pháp tạo sinh của Chomsky có một cách đánh giá rất “bao dung”. Dựa trên giả định rằng khả năng ngôn ngữ (competence) là bẩm sinh, được di truyền và cú pháp là những quy tắc hình thức mang tính tự trị, tuân theo các quy tắc của ngữ pháp phổ quát (Universal Grammar) độc lập với nghĩa và cách sử dụng, ngữ pháp tạo sinh của Chomsky cho rằng những hiện tượng ngôn ngữ không hoàn hảo, bị thoái hóa (degenerate) nói chung, hay cách dùng ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay nói riêng sẽ không thể làm sai lệch hay làm biến đổi hệ thống ngôn ngữ, mà cho dù có diện mạo khác nhau, nhưng tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều tuân theo các quy tắc của ngữ pháp phổ quát.
Chomsky cho rằng trong tiếng Anh, một câu như “Colourless green ideas sleep furiously” (tạm dịch: Những tư tưởng xanh lục, không màu, đang ngủ một cách giận dữ”) là hoàn toàn đúng ngữ pháp (mặc dù kì dị, bất thường về ngữ nghĩa và ngữ dụng). Hệ luận là, theo lí thuyết của Chomsky, các kết hợp “phi chuẩn” của người trẻ Việt Nam hiện nay như “cướp trên giàn mướp”, “buồn như con chuồn chuồn”, "nhí nhảnh con cá cảnh" đều hoàn toàn đúng ngữ pháp bởi lẽ các kết hợp này tuân thủ nguyên tắc đã được xác lập trước đó qua các kết hợp được coi là đúng ngữ pháp trong tiếng Việt (vốn cũng tuân theo các quy tắc của ngữ pháp phổ quát), chẳng hạn, như “cướp trên tàu”, “buồn như đám tang”, "nhí nhảnh con nít". Vì thế những kết hợp như vậy không hề làm biến đổi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt, với tư cách là một dạng tồn tại của ngữ pháp phổ quát.
Cũng theo lí thuyết của Chomsky, việc sử dụng tiếng Việt biến âm, thay đổi chính tả, hiện tượng nói chen tiếng Anh vào tiếng Việt (vay mượn, chuyển mã hay trộn mã) v.v… chỉ là những lỗi thể hiện, thuộc lỗi về ngữ thi (performance), cũng giống như những lỗi do chúng ta nói lắp, nói nhịu, dùng từ không chuẩn xác, chúng hoàn toàn không có tác động làm thay đổi các quy tắc của ngữ pháp phổ quát nói chung và ngữ pháp tiếng Việt nói riêng đã được xác lập ở tầng sâu.
Nếu thừa nhận giả thuyết của Chomsky, rằng trí não con người đã được cài đặt sẵn những nguyên tắc ngôn ngữ phổ quát (Universal Grammar), như là các bản thiết kế, giúp trẻ con thụ đắc được ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ một cách dễ dàng, thì hệ luận là một khi đứa trẻ đã xác lập được cơ cấu ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ (theo lí thuyết của Chomsky về quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ, đó là lúc đứa trẻ lên 7 tuổi) thì những sai lệch trong ngữ thi về sau chẳng thể can thiệp và làm thay đổi được hệ thống ngữ pháp đã được xác lập đó.
Như vậy, đối với những môn đệ của Chomsky, sự lo lắng về những hiện tượng “phi chuẩn” trong ngôn ngữ lớp trẻ hiện nay có thể làm hỏng tiếng Việt, làm tha hóa tiếng Việt, rằng tiếng Việt đang bị khủng hoảng, là những lo lắng thái quá, không có cơ sở chính đáng, kiểu “lo bò trắng răng” (ý kiến trao đổi cá nhân với tiến sĩ Trịnh Hữu Tuệ, một môn đệ của Chomsky).
Trong khi đó, ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday xem ngôn ngữ như một nguồn lực tạo nghĩa và cho rằng ngôn ngữ đã tiến hóa để có được những cấu trúc khác nhau, cung cấp cho chúng ta những lựa chọn để biểu đạt các loại nghĩa trong khi giao tiếp, đó là nghĩa kinh nghiệm (chúng ta nói về những gì xảy ra trong thế giới thực, thế giới tâm lí, tưởng tượng), nghĩa liên nhân (chúng ta xác lập những quan hệ giữa các bên giao tiếp với nhau, chúng ta tác động đến người khác thông qua cách sử dụng ngôn ngữ) và nghĩa văn bản (chúng ta sắp xếp câu nói với trật tự các thành tố phù hợp với những câu nói đi trước và đi sau nó, phù hợp với tình huống giao tiếp, để tạo ra những diễn ngôn mạch lạc). Trong hệ thống ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday, những hiện tượng “phi chuẩn” có thể được xếp vào các đặc trưng phương ngữ (dialect), hoặc các đặc trưng ngữ vực (register). Phương ngữ là ngôn ngữ được tổ chức liên quan đến người nói là ai (who the speaker is) theo nghĩa địa lí hoặc xã hội (theo đó mà ta có phương ngữ địa lí và phương ngữ xã hội). Còn ngữ vực là ngôn ngữ được tổ chức liên quan đến “công dụng nào được thực hiện bởi ngôn ngữ” (what use is being made of language). Halliday xem ngữ vực, hay ‘ngôn ngữ theo công dụng’ như là một bình diện của cách tổ chức ngữ nghĩa, có thể được cụ thể hóa thông qua các khái niệm về trường (liên quan dến nghĩa kinh nghiệm), góc độ tiếp cận (liên quan đến nghĩa văn bản) và giọng điệu (liên quan đến nghĩa liên nhân).
Có thể thấy theo Halliday, những đặc trưng ngữ vực là kết quả của những lựa chọn mà lớp trẻ dùng để biểu nghĩa. Vì thế, những cách nói khác lạ, “lệch chuẩn”, suy cho cùng, cũng là những lựa chọn người nói dùng để thể hiện nghĩa, mà những lựa chọn khác không thể hiện được, hoặc thể hiện không rõ nét bằng. Hệ luận là, cho dù ngôn ngữ lớp trẻ có thể đánh giá theo hướng tích cực hay tiêu cực, thì theo quan điểm của ngữ pháp chức năng hệ thống, những cách nói “phi chuẩn” như vậy đều tồn tại một cách khách quan, làm nguyên liệu cho các lựa chọn để biểu đạt nghĩa trong giao tiếp. Hay nói cách khác, ngữ pháp chức năng hệ thống cho rằng ngôn ngữ “phi chuẩn” cũng là một phần của hệ thống các chọn lựa, và về nguyên tắc, các hình mẫu “phi chuẩn” sẽ có tính sản sinh, có thể được nhân lên trong nhiều tình huống giao tiếp khác, nếu được xã hội chấp nhận. Trên quan điểm phát triển, nếu như hiện tượng “phi chuẩn” tích cực có thể có những đóng góp tốt cho ngôn ngữ thì những hiện tượng “phi chuẩn” tiêu cực (dùng từ ngữ tắc tị, khó hiểu, sử dụng hiện tượng trộn mã, chuyển mã tràn lan, không hợp lí) sẽ dần dần làm tha hóa, biến đổi hệ thống ngôn ngữ theo chiều hướng xấu. Hệ quả là, từ cách tiếp cận của Ngữ pháp chức năng hệ thống, thực trạng ngôn ngữ “phi chuẩn” tiêu cực của lớp trẻ hiện nay là đáng báo động, ngôn ngữ đang cận kề với sự khủng hoảng (nếu các hiện tượng phi chuẩn tiêu cực đó được nhân lên, tràn lan trong các lĩnh vực phong cách chức năng khác nhau), vì thế cần có những biện pháp để ngăn ngừa, giáo dục lớp trẻ tìm về những cách nói trong sáng, chuẩn mực, được cộng đồng chấp nhận.
Gần đây, ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive Linguistics) nổi lên như một cách tiếp cận giàu sức giải thích. Nếu trước đây ngôn ngữ học truyền thống quan niệm rằng ngôn ngữ mở cánh cửa đi vào thế giới khách quan quanh ta thì ngày nay, với sự xuất hiện và phát triển của ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ giờ đây được coi là cánh cửa bước vào thế giới tinh thần cũng như trí tuệ của con người, và ngôn ngữ cũng là phương tiện nhằm khám phá ra những bí mật của quá trình tư duy gắn với con người như một chủ thể nhận thức trong hoạt động thực tiễn và tương tác xã hội. Đối với ngôn ngữ học tri nhận, nghĩa (meaning) của một đơn vị biểu trưng, tức là đơn vị có hai mặt hình thức và nội dung (có thể là hình vị, từ, ngữ hay câu) có liên quan chặt chẽ đến ý niệm của con người gắn với đơn vị đó. Đi vào chi tiết, mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ được ngôn ngữ học tri nhận phân biệt qua khái niệm “cấu trúc ý niệm” (conceptual structure) và “cấu trúc ngữ nghĩa” (semantic structure). Cấu trúc ý niệm phản ánh cách con người tri giác và nhận thức thế giới (bao gồm cả thế giới tưởng tượng), được coi là mang tính phổ quát, dựa trên những năng lực chung của con người. Còn cấu trúc ngữ nghĩa gắn với cách mà cấu trúc ý niệm được định dạng sao cho phù hợp với các nguồn lực được quy ước của một ngôn ngữ nhất định, tức tuân theo các quy tắc diễn đạt về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của ngôn ngữ đó.
Có hai khái niệm của ngôn ngữ học tri nhận giúp chúng ta hiểu và đánh giá thực trạng da dạng của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, cũng là để trả lời câu hỏi: có hay không sự khủng hoảng của tiếng Việt hiện nay. Đó là khái niệm “sự giải thích” (construal) và “ẩn dụ ý niệm” (conceptual metaphor).
Với “cách giải thích”, ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ngôn ngữ không phải là sự đồ chiếu (mapping) thế giới bên ngoài vào các dạng thức ngôn ngữ một cách cơ giới, máy móc như truyền thống từng quan niệm. Theo quan niệm truyền thống, hiện thực được cắt ra từng một số mảnh, mỗi mảnh như vậy ứng với một thành tố nào đó của ngôn ngữ, như vậy việc mã hóa hiện thực vào ngôn ngữ là một sự mã hóa 1-1 và sự mã hóa này bị qui định bởi các qui tắc ngữ pháp hình thức (chẳng hạn các quy tắc kết hợp từ với từ thành ngữ đoạn, kết hợp và sắp xếp các ngữ đoạn để tạo thành câu).
Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng sự đồ chiếu là không trực tiếp mà bị quy định bởi cách chúng ta “giải thích” cái hiện thực đó, tức nhấn mạnh vai trò của chủ thể nhận thức. Hệ quả là, cùng một hiện thực có thể được "giải thích" theo nhiều cách khác nhau, phản ánh những cách ý niệm hóa (conceptualisations) khác nhau, dẫn đến những kết cấu khác nhau.
Chẳng hạn, lấy một ví dụ thường được ngôn ngữ học tri nhận dẫn ra, trong tiếng Anh, khi cơ thể bị lạnh, người Anh nói “I’m cold” (dịch sát nghĩa: “Tôi lạnh”), tức dùng kết cấu có tính từ nêu thuộc tính, còn trong tiếng Pháp, người ta nói “J’ai froid” (dịch sát nghĩa “Tôi có cái lạnh”), tức dùng kết cấu chỉ sở hữu. Mặc dù trải nghiệm về lạnh được giải thích khác nhau, nhưng ta không thể cho rằng người Anh và người Pháp có sự khác nhau trong trải nghiệm hiện tượng luận về “sự bị lạnh” (being cold).
Hệ quả là, cùng một hiện thực có thể được "giải thích" theo nhiều cách khác nhau, phản ánh những cách ý niệm hóa (conceptualisations) khác nhau, dẫn đến những kết cấu khác nhau, mang nghĩa khác nhau. Ví dụ, để nói về tính cách của ai đó, ta có thể giải thích theo khoảng cách không gian (Cô ấy rất dễ gần/Cô ấy là người xa cách), hoặc giải thích theo nhiệt độ (Cô ấy là người ấm áp/Cô ấy là người lạnh lùng), hoặc giải thích theo ấn tượng xúc giác (Cô ấy là người mềm dẻo/Cô ấy là người cứng nhắc). Đây cũng chính là nội dung cốt lõi của khái niệm “ẩn dụ ý niệm”, theo đó chúng ta dùng một miền trải nghiệm quen thuộc (miền nguồn), cụ thể để nói về một miền tri nhận trừu tượng hơn (miền đích). Trong các ví dụ vừa nêu, miền đích “tính cách con người” được biểu đạt lần lượt thông qua các miền nguồn “khoảng cách”, “nhiệt độ”, “xúc giác”.
Với ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ sẽ phát triển, có những cách diễn đạt mới gắn với sự phát triển của nhận thức. Với khái niệm “sự diễn giải” và “ẩn dụ ý niệm” của ngôn ngữ học tri nhận, chúng ta sẽ không đồng tình với nhận định về cái gọi là “thảm họa sử dụng sai tiếng Việt” như trong trường hợp sau:
“Đầu năm 2016, trên một diễn đàn về nghiệp vụ báo chí có bài phân tích Thảm họa sử dụng sai tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tác giả Đinh Đức Cần cho rằng có những cái sai thường thấy như: Khối không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”. Đúng ra chỉ có chất lỏng mới dùng từ “mấp mé”.
“Nhiệt độ quanh quẩn ở 18 độ C đến 21 độ C” - Nhiệt độ được nhân cách hóa như con trâu quanh quẩn ở bãi cỏ, như con chó quanh quẩn trong sân… thật kỳ cục phải không?
(Vietnamnet, ngày 06/01/2016:Bản tin Dự báo thời tiết lỗi nghiêm trọng về tiếng Việt?)
Có thể thấy rằng trong ví dụ thứ nhất, người viết đã lấy trải nghiệm về chất lỏng để nói về không khí, còn trong ví dụ thứ hai, đã lấy trải nghiệm về hành vi của động vật để nói về nhiệt độ. Các biểu thức chứa “mấp mé”, “quanh quẩn” trong các ví dụ trên là những biểu thức ẩn dụ ý niệm, phản ánh cách thức tư duy của chúng ta. Chúng hoàn toàn bình thường, như chúng ta đã dùng trải nghiệm về chiến tranh để nói về kinh doanh (Dự án đầu tư chinh phục thị trường Bắc Mỹ đã thất bại/Samsung có thể hạ gục Táo khuyết ở thị trường Việt Nam?), dùng trải nghiệm về cuộc hành trình để nói về tranh luận (Cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt/Đã tìm thấy lối thoát cho cuộc tranh luận), dùng trải nghiệm về chất lỏng về nói về việc đầu tư hoặc một cuộc tháo chạy (Dòng tiền đang được đổ vào bất động sản/Dòng người bồng bế nhau về quê tránh dịch)… Nếu cho rằng những cách diễn đạt như “Khối không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”, “Nhiệt độ quanh quẩn ở 18 độ C đến 21 độ C” là thảm họa về sử dụng tiếng Việt thì những ví dụ vừa dẫn ra để tham chiếu cũng phải bị coi là thảm họa. Đây là một điều vô lí, vì tiếng Việt đã từ lâu đã chấp nhận những cách nói như vậy.
. Bên cạnh những hiện tượng ngôn ngữ phi chuẩn của giới trẻ, đang ở dạng phát triển, sẽ chịu sự sàng lọc theo thời gian của xã hội như đã nêu ra và phân tích (từ nhiều góc độ trên đây), còn có hai hiện tượng ngôn ngữ rất đáng lo ngại, không chỉ thuộc về ngôn ngữ giới trẻ mà thuộc về ngôn ngữ chung. Đó là hiện tượng có từ điển đối chiếu Việt-Hoa hoặc Việt-Hán đã đưa một số từ ngữ tiếng Hoa hiện đại vào tiếng Việt, đọc theo âm Hán Việt, và mặc nhiên được người biên soạn xem là tiếng Việt. Về trường hợp này, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã nhận xét: “Soạn giả không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ, tục ngữ Hán phiên âm Việt và thành ngữ, tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, tác giả đã “Hán hóa tiếng Việt” bằng cách bổ sung nhiều thành ngữ, tục ngữ Hán vào kho tàng tiếng Việt một cách sống sượng” (Xin xem một số bài của Hoàng Tuấn Công trên các báo Giáo dục Thời đại, Kinh tế và Đô thị, và ở địa chỉ blogspot Tuấn Công thư phòng) Hoàng Tuấn Công giải thích về tác hại của hiện tượng này: “Hán hóa tiếng Việt” ở đây được hiểu cụ thể là áp đặt các đơn vị thành ngữ tục ngữ trong tiếng Hán vào tiếng Việt, làm cho tiếng Việt giống với tiếng Hán, người Việt nói theo cách của người Hán”. Tác giả đã liệt kê, chỉ trong một cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Hán, người biên soạn “đã thu thập hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, sau đó phiên âm Hán Việt rồi đặt vào vị trí Việt để so sánh, “đối chiếu” với chính tiếng Hán (tức phần nguyên văn chữ Hán được từ điển mặc định là thành ngữ tục ngữ Hán). Một số ví dụ được Hoàng Tuấn Công dẫn ra là “a kì sở hiếu”, “bạc thần khinh ngôn”, “cách cố đỉnh tân”, “danh cương lợi tỏa”, “đa hành bất nghĩa tất tự tệ”… Hoàng Tuấn Công rất đúng khi cho răng đây là những đơn vị “chỉ có trong tiếng Hán, không có trong tiếng Việt. Khi nghe những thành ngữ tục ngữ này, người Việt không hiểu gì, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng”. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Dũng gọi hiện tượng đưa các đơn vị tiếng Hoa vào tiếng Việt, làm rối loạn tiếng Việt, là hiện tượng “Hoa quân nhập Việt”, rất có hại cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Cùng với hiện tượng đưa những thành ngữ, tục ngữ tiếng Hoa không cần thiết, sống sượng vào tiếng Việt như thế, còn có sự vay mượn những cách nói, từ ngữ tiếng Hoa gây nhiễu loạn tiếng Việt, thường thấy nhất ở các bản dịch lời thoại phim Trung Quốc hiện nay. Như mọi người đều biết, tiếng Việt đã có lịch sử tiếp xúc lâu đời với tiếng Hán, hình thành trong tiếng Việt bốn lớp từ vựng vay mượn: từ cổ Hán-Việt, từ Hán Việt, từ Hán-Việt Việt hóa (Nguyễn Tài Cẩn 2004: 18) và từ gốc Trung Quốc du nhập vào tiếng Việt qua con đường khẩu ngữ. Hiện tượng vay mượn là phổ biến ở tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, diễn ra trong quá trình giao lưu giữa các nền văn minh, tiếp xúc giữa các ngôn ngữ, không có ngôn ngữ nào là không có những từ vay mượn từ những ngôn ngữ khác. Nhưng việc vay mượn phải có nguyên tắc. Nguyên tắc chung là không có (không có đơn vị từ vựng để biểu đạt sự vật, hiện tượng mới được du nhập vào cộng đồng) mới đi vay. Vì thế, việc dùng từ “tiểu tam” để chỉ người thứ ba xen vào cuộc sống vợ chồng là điều không nên làm, vì tiếng Việt đã có ngữ “người thứ ba”. Tương tự, tiếng Việt đã có từ “trẻ trâu” để chỉ những người ngông cuồng, thích thể hiện, cho rằng ta đây là đúng còn lại đều sai, cố chấp và bướng bỉnh không nghe lời ai, thì không cần thiết phải dùng từ “sửu nhi”. Việc hô gọi, xưng hô trong tiếng Việt vốn đã phức tạp, không nên làm rối loạn thêm nữa bằng những cách hô gọi của người Trung Quốc. Trong tiếng Việt, khi gọi anh rể hay chị dâu, người Việt chỉ dùng “anh ơi”, “chị ơi”, ấy thế mà trong nhiều bản dịch thuyết mình phim Trung Quốc, người dịch đã sao phỏng cách gọi của người Hoa, để cho nhận vật gọi là “Anh rể ơi”, “Chị dâu ơi” (trong tiếng Việt, cũng có những trường hợp gọi “Anh rể ơi”, “Chị dâu ơi”, nhưng những trường hợp đó đều bất thường, có hàm ý). Những cách nói như vậy, nếu không thấy tác hại để loại trừ, sẽ dần dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
6. Kết luận
Sự biến động trong ngôn ngữ giới trẻ ngày nay, với nhiều biểu hiện khác nhau, nên được hiểu như một sự vận động tất yếu trong nội tại ngôn ngữ. Tuy nhiên, cuối cùng thì việc loại bỏ những biến động đó sau một thời gian, hay chấp nhận rồi nhân rộng chúng đến đâu sẽ phụ thuộc quy luật chung: cái hay sẽ được phổ biến, được cộng đồng chấp nhận; cái dở sẽ bị đào thải, sử dụng thưa dần rồi mất đi. Ngôn ngữ sẽ tự có cơ chế sàng lọc, điều tiết riêng của nó.
Cho dù chúng ta chọn thái độ bi quan hay lạc quan khi xem xét vấn đề trên cơ sở các góc độ lí thuyết khác nhau thì đứng trước sự biến động hay hiện tượng ngôn ngữ “phi chuẩn” của lớp trẻ hiện nay, điều quan trọng là duy trì và phát triển một nền giáo dục ngôn ngữ tốt, đặc biệt thông qua nhà trường và các phương tiện truyền thông, vừa giữ gìn sự trong sáng, vừa tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển. Có điều, hoạt động ngôn ngữ vừa có mặt xã hội (cái chung) vừa có mặt cá nhân (cái riêng) nên việc giáo dục ngôn ngữ phải luôn tính đến nhân tố tâm lý lứa tuổi và điều này cần đặc biệt được lưu ý khi xây dựng bất cứ một quy định, chính sách nào can thiệp đến việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ.
Về mặt dự báo, tôi cho rằng một số cách nói hài hước, thú vị, không phản cảm của giới trẻ hiện nay sẽ được xã hội chấp nhận, và có thể đi vào hệ thống tiếng Việt như những thành ngữ, tục ngữ mới, những khuôn mẫu diễn đạt mới. Tuy nhiên, phần lớn cách nói, cách viết của thế hệ @ sẽ dần dần trở nên cũ kĩ, hết tính thời thượng. Theo lô gic như vậy, những cách viết bí hiểm, khó hiểu sẽ dần dần bị đào thải, còn những cách nói như “chán như con gián”, “ngất trên cành quất”, “cướp trên giàn mướp”, “buồn như con chuồn chuồn” v.v… sẽ dần dần mất đi tính độc đáo và bị lãng quên. Tuy nhiên, vấn đề là sẽ có những cách viết lạ, bí hiểm, khó hiểu khác xuất hiện và thay thế cách viết hiện nay, nhất là trong ngôn ngữ lớp trẻ, bởi lẽ cái nguyên do, cái động lực cho những cách viết, lối nói như vậy - là tâm lí thoải mái, chuộng sự mới lạ, thích khẳng định mình - vẫn tồn tại với lớp trẻ, với những biến thái khác nhau, song hành cùng sự phát triển của xã hội. Xã hội cần được chuẩn bị tâm lí để đối phó tình trạng này. Theo tinh thần như vậy, tôi cho rằng đã có một số biểu hiện lệch lạc, phi chuẩn, có thể gây lo lắng nhưng không hề có sự “khủng hoảng” nào trong tiếng Việt ngày nay. Tiếng Việt vẫn được giữ gìn những giá trị cốt lõi, đồng thời vẫn không ngừng phát triển về vốn từ vựng - ngữ nghĩa, có thêm những cách diễn đạt mới để đáp ứng nhu cầu diễn đạt của con người, gắn với sự phát triển nhận thức của con người.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Anh
- Coupland N. (2007), Style: Language Variation and Identity, Cambridge University Press.
- Crystal David (2006), Language and the Internet, Cambridge University Press.
- Biber D. and Conrad S. (2009), Register, Genre and Style. Cambridge University Press.
- Bullock B.E and Toribio A.J (eds) (2009), Linguistic Code-switching, Cambridge University Press.
- Chomsky N. (1957), Syntactic Structures, The Hague, Mouton.
- Chomsky N. (1965), Aspects of the Theory of Syntax, Cambridge, Mass., MIT Press.
- Cook V.J and Newson M (2007), Chomsky’s Universal Grammar. Blackwell Publishing.
- Halliday M.A.K. (1985), An introduction to Functional Grammar, London: Arnold.
- Halliday và Hasan (1985), Language, context and text: Aspects of language in a social semiotic perspective. Deakin University Press/OUP: Geelong/Oxford
- Langacker, R, (1987): Foundations of Cognitive Grammar, Vol 1: Theoritical Prerequisites, Stanford University Press, Stanford. Langacker, R, 1987:
- Langacker, R, (2002). Concept, Image, and Symbol: The Cognitive Basis of Grammar.Walter de Gruyte Publisher.
- LUECKE, R. & BARTON, L. (2004) Crisis management : master the skills to prevent disasters, Boston, Mass., Harvard Business School Press
- Lyons J. (2008), Chomsky, Fontana Press.
- Martin J.R and P. White (2005), The language of evaluation: appraisal in English, Palgrave Macmillan Press.
- Nguyen Thuy Nga (2013), Language Contact and English Borrowings in a Vietnamese Magazine for Teenagers. PhD thesis, The University of Queensland.
- Saussure F. Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. (Bản dịch của Cao Xuân Hạo) Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội xuất bản 1973.
- Talmy L.(2000). Toward a Cognitive Semantics. The MIT Press.
- Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Đỗ Hữu Châu (1980), “Mấy vấn đề tổng quát trong việc chuẩn mực hóa và giữ gìn trong sáng của tiếng Việt về mặt từ vựng - ngữ nghĩa”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Bùi Khánh Thế (2014): “Lí thuyết về chuẩn ngôn ngữ và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7.
- Hoàng Phê (1978), “Về quan điểm và phương hướng chuẩn hóa tiếng Việt”,Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Hoàng Phê (1979),“Một số vấn đề về chuẩn mực hóa ngôn ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Hoàng Tuệ (1995), “Chuẩn ngôn ngữ - Bó buộc và lựa chọn - Ổn định và phát triển”; in lại trong Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hóa của Hoàng Tuệ, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 124-141.
- Hoàng Văn Hành (2000), “Những định hướng và bình diện của công cuộc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2001.
- Nguyễn Kim Thản (1979), “Về việc chuẩn hóa tiếng Việt văn hóa ngày nay”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 4/1979
- Nguyễn Quang Hồng (1980), “Về vấn đề chuẩn mực phát âm của tiếng Việt hiện đại”, Ngôn ngữ, số 4/1980.
- Nguyễn Tài Cẩn (2004), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, in lần thứ 3)
- Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Khang (2014), “Biến động của tiếng Việt hiện nay qua giao tiếp trộn mã tiếng Anh và việc xử lí chúng với tư cách là đơn vị từ vựng trong từ điển tiếng Việt” Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 4/2014.
- Nguyễn Văn Toàn , “Tiếng Việt đang bị…bụi bám”, http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/71742/tieng-viet-dang-bi----bui-bam-.html)
- Phạm Dũng (2003), “Ngôn ngữ Email”, Tạp chíNgôn ngữ & Đời sống, số 9/2003.
- Phạm Văn Đồng (1980), “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1/1980.
- Phạm Văn Đồng (1999), “Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/1999.
- Phạm Văn Tình (2011), “Về cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ": Nên lắng nghe giới trẻ”,http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-cuon-sach-sat-thu-dau-mung-mu-nen-lang-nghe-gioi-tre-n20111026062453355.htm.
- Viện Ngôn ngữ học (1981), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ; Nxb KHXH, Hà Nội.
Tài liệu tiếng Việt
- Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Đỗ Hữu Châu (1980), “Mấy vấn đề tổng quát trong việc chuẩn mực hóa và giữ gìn trong sáng của tiếng Việt về mặt từ vựng - ngữ nghĩa”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Bùi Khánh Thế (2014): “Lí thuyết về chuẩn ngôn ngữ và vấn đề chuẩn chính tả tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7.
- Hoàng Phê (1978), “Về quan điểm và phương hướng chuẩn hóa tiếng Việt”,Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Hoàng Phê (1979),“Một số vấn đề về chuẩn mực hóa ngôn ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.
- Hoàng Tuệ (1995), “Chuẩn ngôn ngữ - Bó buộc và lựa chọn - Ổn định và phát triển”; in lại trong Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hóa của Hoàng Tuệ, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 124-141.
- Hoàng Văn Hành (2000), “Những định hướng và bình diện của công cuộc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2001.
- Nguyễn Kim Thản (1979), “Về việc chuẩn hóa tiếng Việt văn hóa ngày nay”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 4/1979
- Nguyễn Quang Hồng (1980), “Về vấn đề chuẩn mực phát âm của tiếng Việt hiện đại”, Ngôn ngữ, số 4/1980.
- Nguyễn Tài Cẩn (2004), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, in lần thứ 3)
- Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Khang (2014), “Biến động của tiếng Việt hiện nay qua giao tiếp trộn mã tiếng Anh và việc xử lí chúng với tư cách là đơn vị từ vựng trong từ điển tiếng Việt” Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 4/2014.
- Nguyễn Văn Toàn , “Tiếng Việt đang bị…bụi bám”, http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/71742/tieng-viet-dang-bi----bui-bam-.html)
- Phạm Dũng (2003), “Ngôn ngữ Email”, Tạp chíNgôn ngữ & Đời sống, số 9/2003.
- Phạm Văn Đồng (1980), “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1/1980.
- Phạm Văn Đồng (1999), “Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/1999.
- Phạm Văn Tình (2011), “Về cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ": Nên lắng nghe giới trẻ”,http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-cuon-sach-sat-thu-dau-mung-mu-nen-lang-nghe-gioi-tre-n20111026062453355.htm.
- Viện Ngôn ngữ học (1981), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ; Nxb KHXH, Hà Nội.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Lenk
Thống kê truy cập
114513304
290
2315
21241
220177
121356
114513304