Những góc nhìn Văn hoá

100 năm bóng đá Nghệ An

 

“Lam Thành túc cầu đội” của Trường Quốc học Vinh,

đội bóng đá đầu tiên của người Việt ở Vinh, thành lập năm 1921

Ở Việt Nam, bóng đá được cho là đã theo chân những người lính lê dương từ Pháp và các thuộc địa của Pháp đến, vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Ở Nghệ An, cũng không ngoại lệ. Những năm đầu thế kỷ 20, lính Tây không chỉ mang theo súng đạn mà còn mang đến đây những quả bóng. Tuy nhiên, đến năm 1921, đội bóng đá đầu tiên của người Việt ở Vinh mới được thành lập. Năm 1920, Trường Quốc học Vinh (Collegle de Vinh) ra đời. Một năm sau, đội bóng của trường cũng được thành lập. Theo hồi ký của Giáo sư Nguyễn Xiển, đây là đội bóng đầu tiên của người Việt ở Vinh. Đội bóng mang tên “Lam Thành túc cầu đội”. Điều thú vị là thành viên đội bóng này hầu hết là những nhân vật sau này lừng danh trên chính trường và khoa học Việt Nam hiện đại, như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Lợi, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai... Hồi ký GS Nguyễn Xiển viết: “Năm 1921, hội bóng đá đầu tiên ở Vinh ra đời lấy tên là “Lam Thành túc cầu đội”. Bây giờ vẫn còn bức ảnh trên đó ta còn có thể nhận ra, xung quanh anh Tôn Quang Phiệt, khăn đóng áo dài, mang cái cặp hội trưởng, là các cầu thủ mặc may-ô quần đùi, trong đó có những người khỏe là Đinh Văn Tường, Trần Văn Thụy, Hoàng Xuân Khang, Phan Tuyên có đủ sức đấu với các cầu thủ lính khố xanh, bên cạnh là các anh nhẹ cân hơn nhưng không kém ham thích như Đặng Thai Mai, Nguyễn Kim Cương, Lợi (Lợi Lù), Sơn (cóc), có cả Hoàng Xuân Hãn là học trò khóa 3”. Lam Thành túc cầu đội thường xuyên đá với đội bóng của lính Tây và các đội khác trong thành phố. Đặc biệt, đội cũng “mang chuông đi đánh” tận Thanh Hóa, Nam Định… 

Ngoài Lam Thành túc cầu đội, ở Vinh lần lượt có tới năm, sáu đội bóng, như: Candasport của lính Tây; Garder Indigene (áo sọc xanh) của lính khố xanh; ASAT của Nhà máy Xe lửa Trường Thi; Lacomec của ngành Y tế; Corix Rouge (áo sọc đỏ) của Hội Chữ Thập đỏ; Loco - Tender… Trong đó nổi tiếng nhất là đội ASNA, là đội bóng của Hội Thể dục Nghệ An (ASNA là viết tắt của chữ “Association sportive Nghe An, có nghĩa là Hội Thể dục Nghệ An). Đây là đội bóng gần như đại diện chính thức của Nghệ An khi tham gia các giải đấu khu vực và Trung Kỳ. Đội có trang phục áo vàng, quần trắng, nên thường gọi là đội Áo Vàng. Ở Vinh những năm 1930, có một số sân bóng (dân thường gọi là “bãi”) như sân của Nhà máy Xe lửa Trường Thi, sân bóng sau Ga Vinh, sân Nhà Tằm ở khu vực Cửa Tả… Sân của đội ASNA (thường gọi là Bãi Áo Vàng) được coi là sân vận động chính thức của thành phố (Stade municipal Vinh). Sân này ở ngoài thành Nghệ An, khu vực đường Phạm Ngũ Lão, phường Cửa Nam ngày nay. Sân được đắp bằng đất thịt, chưa có hệ thống thoát nước, nên mỗi khi trời mưa sân rất trơn, thậm chí lầy lội. Trận đấu giữa đội ASNA và Corix Rouge chiều 18/9/1933 đã phải hủy vì mưa, sân lầy, không đá được. Sân này khi đó chưa có khán đài và được bao quanh bằng hàng rào, ban đầu là tre nứa, sau được thay bằng hàng rào sắt. Mỗi khi lễ, hội, hoặc có trận đấu quan trọng, người ta dựng rạp và mượn ghế từ các rạp hát đặt ở trong rạp. Những trận đấu bóng ở đây được bán vé để làm từ thiện. Vé có ghế ngồi trong rạp thường có giá 1 đồng, vé không có ghế ngồi giá 0,1 đồng. Nếu so sánh với giá 5 xu một cân gạo và đời sống đương thời của người dân thì thấy rằng vé xem bóng đá thời bấy giờ là khá đắt. Một số trận đấu đưa tin trên báo chí là đã thu được số tiền bán vé từ 250 đến gần 400 đồng. Tính ra đã có từ 2.000 đến 3.000 khán giả đến xem các trận đấu. Với dân số Vinh thời đó chỉ trên dưới 2 vạn người, điều này chứng tỏ dân Nghệ An đã rất hâm mộ bóng đá.

 

Một số trận bóng đá những năm 1930 (Ảnh trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn)

Các trận đấu theo giải hoặc giao hữu thường được Công sứ, Phó Công sứ Pháp, Tổng đốc Nghệ An và các quan chức đến dự khán. Trận đấu thường mở đầu bằng bài kèn chào của đội quân nhạc. Sau đó Phó sứ thường là người đá quả giao bóng đầu tiên.

Cho đến những năm 1940, tên gọi “bóng đá” vẫn chưa thịnh hành, mà thường gọi là “bóng tròn”. Đội bóng cũng thường được gọi là “hội bóng tròn”. Cầu thủ thường được gọi là “tướng”, “chiến tướng”, “cầu tướng”. Tương tự các vị trí trên sân cũng có nhiều cách gọi khác ngày nay, như “hậu tập” để chỉ hậu vệ; “trung ứng” là tiền vệ tấn công; “trung ương tiền đạo” là “trung phong”… Không chỉ chưa có các đội bóng chuyên nghiệp, mà lực lượng trọng tài cũng là nghiệp dư. Thậm chí một số giải đấu còn sử dụng thủ quân của các đội làm trọng tài. Điều 9, Điều lệ Giải Bóng tròn hạng nhì Bắc Trung Kỳ, tổ chức tại Vinh tháng 9 năm 1933 quy định: “Các thủ quân của các hội đều được cử làm trọng tài, nhưng không được cầm còi thổi cho hội mình tranh đấu với hội khác”.

Về thời gian mỗi trận đấu cũng không cố định trong 90 phút, mà có thể “du di” chút ít theo thực tế. Trận giao hữu tranh cúp “Lê Đỗ” giữa đội ASNA và Đà Nẵng ngày 17/4/1933, hết hai hiệp vẫn có tỷ số 2-2, hai đội đã nghỉ, nhưng ban tổ chức thấy trời còn sáng (khi đó sân chưa có đèn) nên yêu cầu đá thêm 20 phút nữa để phân thắng bại.

Những năm 1930, ngoài các giải đấu chính thức còn có rất nhiều giải thể thao và bóng đá do các doanh nghiệp (như SIFA, Xe lửa Trường Thi), các doanh nhân (như Lê Viết Lới, Kỳ Sung Thúc,…), các quan chức (như Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ, dân biểu Trần Bá Vinh…) đứng ra tổ chức, hoặc treo giải thưởng. Vì vậy, phong trào thể thao và bóng đá thời kỳ này ở Vinh phát triển khá rầm rộ.

Trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn những năm đầu thập kỷ 30 hầu như tuần nào cũng có bài và ảnh tường thuật các trận thi đấu bóng tròn giữa các hội với nhau. Những năm 1930, thường xuyên có các trận giao hữu bóng đá giữa các đội của Nghệ An, nhất là ASNA và các đội của Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Hà Nội và Hải Phòng. Đội ASNA của Nghệ An đã nhiều lần tham gia các giải đấu chính thức của Trung Kỳ và vào sâu trong giải. Tuy nhiên, mặc dù có một số hảo thủ tham gia đội tuyển Trung Kỳ, nhưng bóng đá Nghệ An thời kì này chưa có thành tích cao ở Trung Kỳ. Trong các giải đấu, họ thường phải nhường bước trước các đội của Huế, Đà Nẵng và Nha Trang.

Tất cả các đội bóng ở Vinh, cũng như ở các địa phương khác đều là nghiệp dư. Các cầu thủ chỉ xem đá bóng là đam mê, chứ không phải là nghề nghiệp. Vì vậy, quân số của các đội bóng thường không ổn định, nhiều cầu thủ vì mưu sinh mà phải đi xa, không tham gia tập luyện và thi đấu được. Sau một thời kỳ phát triển rầm rộ, từ cuối năm 1933, phong trào bóng đá ở Vinh lắng xuống. Suốt trong các năm 1934, 1935 không thấy báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn tường thuật trận bóng nào ở Vinh. Đến nỗi, báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đã phải gióng lên “Tiếng chuông cảnh tỉnh”, trên số ra ngày 14/9/1934. “Đã ngót năm nay môn bóng tròn ở Vinh xem có vẻ hững hờ lắm. Mỗi buổi chiều ngày thường ở bãi bóng không có vết chân người, mà mấy lùm cỏ được thắng thế lân vẫn cao, rào dậu chung quanh bãi thời siêu đổ hư hỏng. Mới cách vài năm thời nào là Cadasport, Crocx-rouge, Loco-tender, Commete, Áo Vàng… Chỉ còn Áo Vàng là duy trì lại được. Dè đâu hội Áo Vàng ý cũng muốn theo gót các hội kia”.

Mãi đến ngày 15/3/1936 mới lại có trận giao hữu giữa đội ASNA và đội Olimpique Hải Phòng trên sân Vinh. “Môn bóng tròn ở Vinh lâu nay im bặt, bà con hâm mộ thể thao đang khao khát”[1]. Bài báo cho biết đó là trận đấu có bán vé. Vé hạng bét vẫn có giá 20 xu (tương đương 4 kg gạo), nhưng “người xem đông như kiến cỏ”. Trận này Áo Vàng thua 1-2, nguyên nhân được cho là “lâu nay ít tập luyện”. “Quan Công sứ Lagreze có lời khen đội Olimpique Hải Phòng và tặng cho OH cái lư đồng to tướng”.

Mặc dù chỉ là nghiệp dư, nhưng bóng đá Nghệ An thời thuộc Pháp cũng nổi lên nhiều gương mặt được coi là “hảo thủ”. Có thể kể đến những cầu thủ như Khánh (tiền đạo, thủ quân của ASNA, tham gia đội tuyển Trung Kỳ); Trí Sùi (trung ứng) của ASNA; Urini (thủ môn của ASNA); A Quang, Rinh, Nhu, Nghĩa (đội Commete)… Báo chí cũng nhắc đến bộ ba tiền đạo (tam phong) Thụ, Tịch, Được của ASNA đã làm mưa làm gió trên các sân cỏ đương thời. Trong đó, những năm 1930, nổi lên danh thủ Tống Viết Khánh, thủ quân của ASNA.

Người thủ quân đầu tiên của ASNA, gắn liền với tên tuổi của đội bóng những năm đầu là trung phong Tống Viết Khánh(1912-1984). Ông cũng đã tham gia đội tuyển Trung Kỳ nhiều lần.

Báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương, ngày 23/4/1944, mục “Mỗi tuần một đầu” có bài về trung phong Tống Viết Khánh. “Cách đây chín, mười năm về trước, hồi mà phong trào thể thao còn mới nhóm ở Vinh đã thấy xuất hiện một đội bóng tròn lấy tên là “Nghệ An Thể dục”. Có nhiều cầu thủ lợi hại và tiếng tăm, đội ban ấy đã ghi lại trong lịch sử túc cầu một thời kỳ oanh liệt mà người ta không quên nhớ kẻ cầm đầu là trung phong Tống Viết Khánh. Hồi ấy nói đến nhà thủ quân họ Tống trong giới túc cầu không một ai là không biết tiếng.

 

Bài viết về Tống Viết Khánh trên báo Sports jeunesse d'Indochine

Người to cao, vạm vỡ, thoạt bước chân ra sân công chúng đã đặt chắc sự thắng ở chàng.

Có những quả sút mạnh như súng thần công và những quả đội đầu chắc chắn, dù ở các trận tranh đấu giao hữu, hay các trận đấu tranh chức vô địch, bao giờ một mình chàng cũng phá thủng lưới bên địch ít nhất là một vài lần. Chàng là tấm gương phản chiếu của hàng tiền đạo, nhờ tài nghệ ấy, chàng đã khoác áo hội tuyển mấy lần”.

Một trong những học trò xuất sắc của Tống Viết Khánh ở ASNA là danh thủ Bùi Nghẽn. Theo báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương[2]: Sau khi rời bỏ đội ban Minh Tân vô địch hạng ba Vinh, Nghẽn gia nhập hội Cimasport, lãnh vai tiếp ứng, rồi sau đó lại đầu quân cho các đội bóng ở Hà Nội, Thanh Hóa, Quy Nhơn.

Biết tài nghệ của Nghẽn, đội ASAT của Nhà máy Xe lửa Trường Thi mời Nghẽn về lại Vinh. Tại đây “nhờ tài nghệ tiến bộ nên chăng đã được ông kỹ sư Coquel yêu mến, ủy thác trọng trách thủ quân và trong đội quân ASAT Nghẽn giữ chức hậu vệ”.

Khi ASNA tái lập, Nghẽn lại chia tay ASAT và trở lại đội bóng Áo vàng của thành Vinh. Mùa bóng 1942, 1943, cùng với danh thủ Trần Xuân, Bùi Nghẽn cũng được tham gia đội tuyển Trung Kỳ đá giải Petain.

 

Bài viết về Bùi Nghẽn trên báo Sports jeunesse d'Indochine

Cầu thủ nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất ở Vinh thập kỷ 40 là danh thủ Trần Xuân. Trần Xuân, quê Nam Định, đi lính cho Pháp, nhưng vì đá bóng giỏi nên được tuyển vào đội Olimpique Hải Phòng. Sau giải ngũ, năm 1941, ông cùng vợ vào Vinh mở quán cơm buôn bán. Vốn là một cầu thủ có danh tiếng trước đó, về Vinh lần này Trần Xuân như được tái sinh và thăng hoa, anh được đội Corix Rouge mời về. Một thời gian ngắn sau, đội Corix Rouge và một vài đội khác được nhập vào ASNA và danh thủ Trần Xuân trở thành Đội trưởng đội Áo Vàng trứ danh. Mặc dù tuổi đã khá cao, nhưng hai năm liền 1942 và 1943, Trần Xuân vẫn được tham gia và thi đấu xuất sắc trong đội tuyển bóng đá Trung Kỳ dự giải bóng đá Đông Dương, mang tên Thống chế Petain.

Báo Thể thao Thanh niên Đông Dương (Sports jeunesse d'Indochine) số ra ngày 26/9/1942 đã có bài viết về Danh thủ Trần Xuân, nhan đề "Trần Xuân, thủ quân số 1 của làng cầu Thanh Nghệ Tĩnh, hay là linh hồn của đội ASNA Vinh".

Bài viết về Trần Xuân trên báo Sports jeunesse d'Indochine

Từ bóng đá, Trần Xuân đã tham gia hoạt động cách mạng. Khi phong trào thể thao Docuroy phát triển mạnh, Trần Xuân lập ra đội Thanh niên thể thao ở Vinh, tập hợp được hàng trăm thanh niên trí thức, tham gia nhiều môn thể thao khác nhau. Đội Thanh niên Thể thao của anh được hướng lái theo các hoạt động yêu nước và cách mạng. Trước Tổng khởi nghĩa, đội của anh được công nhận là đội vũ trang, sau là Đội Thanh niên Cứu quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám ở Vinh, đội Thanh niên Cứu quốc của Trần Xuân là lực lượng nòng cốt tham gia cướp chính quyền. Bức ảnh Trần Xuân dẫn đầu đoàn biểu tình đã trở thành biểu tượng của Cách mạng Tháng Tám ở Vinh.

Sau hòa bình lập lại, Trần Xuân hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao, là Phó ty TDTT Nghệ An. Ông được coi là người có công lớn trong xây dựng nền móng cho bóng đá và thể thao Nghệ An hiện đại. Vì vậy, cũng có thể nói danh thủ Trần Xuân chính là một đường chuyền kết nối nền bóng đá Nghệ An thời thuộc Pháp với nền bóng đá Nghệ An hiện đại. Những người như ông đã làm cho bóng đá xứ Nghệ không bị đứt quãng, thất truyền. Màu vàng của ASNA thần thánh ngày xưa vẫn còn lưu lại trên trang phục của Sông Lam máu lửa hiện nay.

Tên của ông đã được đặt cho con đường nối từ đường Đào Tấn vào Khán đài A và chạy vòng quanh sân Vinh.

Như vậy, dưới thời thuộc Pháp, bóng đá Nghệ An đã ra đời và phát triển. Bộ môn này đã được các thế hệ những người yêu bóng đá Nghệ An duy trì và tiếp nối và không ngừng phát triển.

Nếu tính từ khi đội bóng đầu tiên của người Việt được thành lập ở Vinh, bóng đá Nghệ An đã có 100 tuổi chẵn! Không chỉ là một thú chơi, một môn thể thao, bóng đá còn là nơi thể hiện, trui rèn bản lĩnh và bản sắc của con người xứ Nghệ. Thiết nghĩ 100 năm bóng đá Nghệ An cũng là một sự kiện cần và nên có hình thức kỷ niệm phù hợp.

 


[1] Báo TNT số ra ngày 20/3/1936

[2]Báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương (Sports jeunesse d'Indochine) ngày 8/8/1942 và số ra ngày 19/12/1942. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513288

Hôm nay

274

Hôm qua

2315

Tuần này

21225

Tháng này

220161

Tháng qua

121356

Tất cả

114513288