Những góc nhìn Văn hoá
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. (Bản chụp lại)
Cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Văn kiện ra đời sau gần 16 tháng nhân dân ta tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng nước nhà và củng cố lực lượng về mọi mặt, tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh biết trước không thể nào tránh khỏi. Chúng ta đã nhân nhượng với thực dân Pháp. Nhưng thực dân Pháp cố tình cướp nước ta lần nữa. Trước nhiều hoạt động trắng trợn của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, tiếng súng toàn quốc kháng chiến đã nổ. Sáng 20-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vang vọng khắp non sông, đất nước.
Lời kêu gọi vỏn vẹn chỉ có 198 từ, nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu lên ý chí sắt đá quyết kháng chiến đến cùng của dân tộc ta. Ðồng thời Lời kêu gọi cũng nêu lên những nét cơ bản về đường lối của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, và khẳng định thắng lợi cuối cùng nhất định về dân tộc ta.
Lời kêu gọi, nếu xét trong tổng thể di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người - từ những lời kêu gọi đầu tiên khi Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời (1930) đến những lời kêu gọi cuối cùng trước khi Người đi xa (1969) thì chúng ta sẽ có được một cách tiếp cận mới từ góc nhìn văn hóa.
Trước hết, mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”, và sau đó Người còn nhắc lại một lần nữa ba từ “hỡi đồng bào”, rồi “người Việt Nam”, “Tổ quốc”. Hiểu một cách phổ thông thì “đồng bào” là khái niệm để gọi những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một Tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Hiểu như vậy thì mọi nơi trên thế giới đều có nội dung để nói tới khái niệm “đồng bào”. Nhưng rõ ràng khái niệm “đồng bào” được Bác Hồ thường dùng trong những lời kêu gọi chứa đựng một tố chất văn hóa sâu nặng mà không dễ dân tộc nào trên thế giới cũng có được.
Người Việt Nam nói đến “đồng bào” là nói tới mạch nguồn văn hóa sâu xa của dân tộc với sự tích bọc trăm trứng, đẻ ra trăm người con, 50 người theo Cha lên rừng, 50 người theo Mẹ xuống biển. Truyện Hồng Bàng thị nói lên cái nghĩa đồng bào, toàn dân trong nước đều cùng một bọc sinh ra, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đều là “con Rồng cháu Tiên”. Truyện Hồng Bàng thị cho thấy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - hạt nhân của văn hóa Việt Nam - ngay từ thời kỳ phôi thai đã mang nội dung phong phú, đã có bề sâu đáng kể.
Với hàm nghĩa văn hóa sâu xa của hai tiếng “đồng bào”, Hồ Chí Minh không chỉ dùng trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), mà được Người sử dụng thường xuyên như một “vũ khí” sắc bén, một “sức mạnh mềm” (Soft power) trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngay khi vừa về nước, Người đã viết bài thơ Lịch sử nước ta (1942), khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa/Hồng Bàng là tổ nước ta/Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử thì Hồ Chí Minh bắt đầu nghe hai tiếng “đồng bào” từ cuộc nổi dậy chống thuế của nhân dân miền Trung năm 1908, ngay khi đang là học sinh tại kinh thành Huế.
Từ đó Người mang theo “tình nghĩa đồng bào” như một hành trang văn hóa trong suốt cuộc hành trình cứu nước, thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Người đã từng kể lại với thanh niên Việt Nam trong một lần Người tới thăm Ðại hội Ðoàn là trong suốt thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người ít khi nghe các dân tộc khác nói tới hai tiếng “đồng bào”, còn ở Việt Nam thì đó lại là cội nguồn thiêng liêng của sức mạnh văn hóa. Cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba, làm cho người nước ngoài rất ngạc nhiên. Ðảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày giỗ Tổ 10-3 (Âm lịch) hằng năm làm ngày Quốc lễ, đó là một điều dễ hiểu vì có nguồn gốc sâu xa của nó, hoàn toàn phù hợp đời sống tâm linh của nhân dân.
“Ðồng bào” là một khái niệm mang cốt cách văn hóa Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu sâu sắc, nặng lòng với nó và biết chuyển tải sức mạnh của khái niệm đó vào trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Thứ hai, Lời kêu gọi nhắc tới khát vọng hòa bình và thái độ nhân nhượng của dân tộc Việt Nam: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng", Hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, hòa đồng là những tố chất văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã được Hồ Chí Minh trân trọng, nâng niu. Những ngày đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã suy nghĩ theo hướng này bằng cách gửi Yêu sách đòi quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam (1919).
Khi đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, cùng với việc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, Hồ Chí Minh luôn nuôi dưỡng một khát vọng hòa bình và đấu tranh cho một nền hòa bình thật sự. Khi buộc phải kêu gọi đồng bào toàn quốc cầm súng đứng dậy bảo vệ nền độc lập dân tộc, Người vẫn khởi xướng đối thoại thay cho đối đầu, vẫn nuôi dưỡng một nền hòa bình bền vững.
Chính người Pháp thừa nhận rằng họ đã làm cho một nền hòa bình bị bỏ lỡ, trong khi đó “Hồ Chí Minh là hiện thân cho nền văn hóa hòa bình”. Còn nhân nhượng tức là chúng ta đã chủ động giảm bớt yêu cầu của mình, chấp nhận một số đòi hỏi của đối phương vì ta muốn có hòa bình. Văn hóa Việt Nam là văn hóa của những cư dân nông nghiệp, mong muốn sống hòa hợp với thiên nhiên, thích sự cân bằng, ưa đối xử với nhau bằng tình cảm. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa giàu tính tế nhị, bao dung, mang nặng tính nhân văn và nhân đạo...
Khi Hồ Chí Minh nói “chúng ta phải nhân nhượng” là nói tới một nét đẹp của văn hóa Việt Nam, mà trong truyền thống ngoại giao của dân tộc đã từng được thể hiện cụ thể bằng những chính sách mềm dẻo, linh hoạt, ngay từ thời nhà nước quân chủ độc lập, như “hòa hiếu”, “nhu viễn”, “trong đế ngoài vương”... Những yếu tố văn hóa này theo suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, cả chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chứ không phải chỉ trong Lời kêu gọi kháng chiến, và ngày càng phát triển nội dung trong những bối cảnh lịch sử mới.
Thứ ba, trong Lời kêu gọi có những câu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”; “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”; “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Ðây là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Khát vọng giành độc lập dân tộc là cái đích đến của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chính chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được động viên vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc chúng ta, chuyển ít thành nhiều, chuyển yếu thành mạnh để cuối cùng chúng ta thắng địch.
Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu khi nghiên cứu lịch sử dân tộc đã khẳng định rằng: “tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam, từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam biểu lộ rõ ràng, đầy đủ, tập trung nhất hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam và nếu dùng từ "đạo" với nguyên nghĩa của nó là "đường", là hướng đi, thì chủ nghĩa yêu nước đích thật là đạo Việt Nam”[1].
Thứ tư, Lời kêu gọi có đoạn: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc”. Ðiều này thể hiện đặc trưng cố kết cộng đồng trong văn hóa Việt Nam. Người Việt ta có tình cảm tự nhiên: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; có triết lý nhân sinh: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; có phép ứng xử và tư duy chính trị: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh/Vì nước mất thì nhà tan”. Vì vậy mỗi lúc giặc đến thì “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm chắc nét đẹp văn hóa cộng đồng, đoàn kết dân tộc, chuyển tải vào Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, xây dựng thành đường lối kháng chiến toàn dân.
Cuối cùng là lạc quan, là tin tưởng vào sức mạnh bản thân mình có thể đạt được mục tiêu chính đáng mình tự đặt ra, mặc dầu có thể chịu nhiều hy sinh, thất bại; là tin vào sức con người có thể nắm được vận mạng của con người, chứ không phải cúi đầu cam chịu số kiếp nô lệ; là tin vào hướng tiến lên của lịch sử nhân loại, tới độc lập, tự do của dân tộc. Các truyện thần thoại lớn của dân tộc Việt Nam như truyện Thánh Gióng, truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh... đều nói lên một chủ nghĩa lạc quan đặc sắc. Ðó là niềm lạc quan trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, trong cuộc đấu tranh chinh phục cải tạo thiên nhiên. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Minh, Thanh..., chủ nghĩa lạc quan biểu hiện rõ nét, khẳng định một quốc gia dân tộc tuy nhỏ mà tự tin, tự cường thì có thể chiến thắng giặc hùng mạnh. Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta”; “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”. Tư tưởng lạc quan đó đã động viên nghị lực, củng cố lòng tin suốt trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp để cuối cùng ta thắng địch thua, đúng như lời dự đoán từ những ngày đầu kháng chiến.
Tóm lại, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa to lớn. Tổng kết các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: đó là “văn minh thắng bạo tàn”. Ngày nay chúng ta và cả đối phương cũng rút ra kết luận rằng Việt Nam đã thắng kẻ thù bằng chính sức mạnh văn hóa của dân tộc. Sức mạnh văn hóa đó không chỉ ở sức mạnh con người, ở dòng chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước, mà đã thể hiện sâu sắc và cụ thể qua các văn kiện lịch sử thấm nhuần tinh thần văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa sống động, luôn luôn tiến tới, hướng về tương lai tươi sáng với niềm tin tất thắng.
_____________
* Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
[1] Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.115-116.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Hình ảnh các thầy cô giáo trong thơ ca
Một nước Nhật quá xa xôi!
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Thống kê truy cập
114513266
252
2315
21203
220139
121356
114513266