Những góc nhìn Văn hoá

Vua Tự Đức: “Bao nhiêu tài sản đều là máu mỡ con dân của trẫm”

Vua Tự Đức (22/9/1829 – 19/7/1883) lên ngôi từ 1847 khi triều Nguyễn và Đại Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề và toàn diện với nhiều biến cố trầm trọng đặc biệt là bị thực dân Pháp xâm chiếm. Bị lịch sử lên án là nhu nhược không dám chấp nhận cải cách nhưng vua Tự Đức cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong chống khủng hoảng nhất là chống tham nhũng, hối lộ.

Thấu hiểu và lắng nghe

Tự Đức là vị vua thông minh, chăm chỉ, nhân từ, hiếu đễ, luôn nặng lòng việc nước, việc dân. Ông là người lắng nghe và thấu hiểu, thông cảm với tình cảnh khốn khó của người dân bị nạn áp bức, nhũng nhiễu của đám quan tham.

Năm Kỷ Dậu (1849), vua Tự Đức ra chỉ dụ: “Trẫm nghe rằng quan sung sướng thì dân càng khốn khổ. Trên được lợi ích thì dưới chịu thiệt thòi. Cũng bởi những kẻ lộng phép mà làm càn, như xử án thẩm hình dụng tâm thay đổi để sách nhiễu hối lộ, hoặc giả ý đốc sưu thuế rồi nhúng tay vào việc bớt xén, hoặc bắt dân đóng góp, bóc lột nặng nề làm riêng cho mình, đem biếu đãi nịnh nọt để dọn đường tiến thân, xưa nay những mối tệ nạn đó không sao kể xiết”.

Ông chia sẻ với hoàn cảnh của người dân: “những kẻ nghèo khổ, lều tranh rách nát, ngay đến vật dụng trong nhà cũng thiếu thốn, thì lấy đâu mà cung đốn quan nha để khỏi bị phiền phức… Thử nghĩ xem, từ thuở khai thiên lập địa, hạt gạo, sợi tơ nếu không nhờ quân lính mà có thì tất ở dân mà ra vậy. Nên nhớ, bao nhiêu tài sản đều là máu mỡ con dân của trẫm…

Cổ nhân có câu gây được mối lợi không bằng giảm bớt đi một việc. Công việc khẩn yếu ngày nay chẳng gì bằng khoan hình, giảm chính, quan lại thanh liêm, ngõ hầu có thể ngồi khoanh tay mà thiên hạ cũng yên ổn, thịnh trị”.

Ông thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khốn khó của dân chúng, đó là đám quan lại tham nhũng, hách dịch: “Trẫm vẫn quan niệm sâu xa rằng giữ nghiệp đã thành không dễ, mà lo kế thuật trị nước càng khó khăn, phải sửa điều nhân, yêu thương muôn dân, tu chỉnh cách cai trị.

Về phần các khanh nên chăm lo bổn phận, theo đúng phép tắc thanh liêm. Đó là điều rất mong mỏi của trẫm vậy. Giao cho quan Ngự sử và Án sát, bất luận quan lại trong triều ngoài nội. Nếu xét thực tình đúng như vậy thì lập tức tại triều nêu đích danh, để đem ra nghiêm phẩm rồi trừng phạt cho nghiêm phép nước”.

Vua Tự Đức cũng là người biết lắng nghe ý kiến của quần thần. Năm Mậu Thân (1848), khi vua vừa ở ngôi một năm Tả thị lang Bộ lễ là Trương Quốc Dụng dâng sớ tâu bày 5 việc là:1. Sẻn tiêu dùng, mọi việc chi tiêu mua sắm đều phải tiết kiệm; Không xây dựng, sửa chữa xa hoa tốn kém; Không mua hàng của nước ngoài; giảm việc đi tuần ngự miền Bắc… để “Tự nhiên thuế khóa công dịch nhẹ đi, việc di mua hàng ở biển ngoài có thể vĩnh viễn bỏ bớt được, thì đời sống của nhân dân được dồi dào mà cội gốc cả nước sẽ bền vững vậy”. 2. Thương việc hình ngục: Phải xét xử công minh theo luật, không được lạm dùng quyền chức để xử nặng nhẹ cảm tình. 3. Chọn lọc trong ngạch quan lại thì cần chọn người tài giỏi, kẻ nào làm quan mà dốt nát hay kém đức thì giải chức. Bỏ bớt chức quan, “rút bỏ bọn ăn hại”, tránh được tệ mua quan bán tước. 4. Bớt văn thư: Bỏ bớt các công văn giấy tờ không cần thiết để đỡ tốn kém thời gian, giảm được người làm, giảm chi tiêu cho hà nước. 5. Sửa lại thói quen của nhân sĩ: Nhân sĩ phải có đức có tài, không chấp nhận bọn người bẻm mép nói hay làm dở.

Cả 5 điều trên đều nhằm chống lại tình trạng: “… bọn quan lại coi giữ địa phương, phần nhiều chỉ hư trương tiếng hão, hỏi dân số thì nói là gia tang, hỏi lúa ruộng thì nói là phong thu muốn khoe mẽ cái tiếng là dân tang, lúc được mùa, để gọi là tỏ chút lòng vì đức vì dân”. Trương Quốc Dụng “Xin sắc cho trăm ti bớt rút phiền văn, răn điều hư cần điều thực, giản công dịch, nhẹ thuế khóa,, thư rộng tài lực cho binh dân, lấy việc cố kết lòng người làm gốc…”.

Vua Tự Đức đã dụ đình thần xét bàn phúc tâu thi hành.

Điều này chứng tỏ vua Tự Đức rất thấu hiểu tình cảnh của dân, tình trạng bất cập của bộ máy nhà nước, nhất là tệ quan tham và mong muốn cải cách của ông. Tiếc rằng bối cảnh lúc đó lực lương bảo thủ trong bộ máy còn quá mạnh, lực lượng canh tân chưa đủ mạnh và ông đã không đủ bản lĩnh để tiến hành canh tân đất nước.

Kiên quyết không tha tội tham nhũng

Vua Tự Đức không thể thực hiện canh tân đất nước như mong muốn nhưng là người kiên quyết chống tham nhũng. Đối với ông, tham nhũng là tội ác đối với dân với nước trên cả hai phương diện đạo đức và luật pháp. Là người nhân từ nhưng với ông tất cả những kẻ phạm tội đều bị trừng trị đích đáng. Trong thời gian tại vị ông đã xử rất nhiều vụ án tham nhũng để giữ phép nước.

Một người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi trốn ra quán uống rượu. Dù số tiền không nhiều, khi chuyện đến tai Tự Đức, ông đã làm bài thơ kết án: Nhất nhật nhất tiền / Thiên nhật thiên tiền / Thằng cứ mộc đoạn / Thủy trích thạch xuyên / Tội bất dung tru / Ly ưng xử trảm. [Nghĩa là: Một ngày một đồng / Nghìn ngày nghìn đồng / Dây cưa gỗ đứt / Nước chảy đá mòn / Tội bất dung tha / Lệnh truyền xử chém].

Tháng 12/1854, thương nhân Trung Quốc tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc. Biết tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Án được trình lên, 17 người bị xử tội giảo giam hậu, 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức. Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc. Sau khi bị bắt giam, Đặng Kham lâm bệnh chết trong tù.

Năm 1868, Điển ty vệ Trung bảo nhất Nguyễn Du đã bị xử chém vì tội sách nhiễu, nhận hối lộ 17 khoản, tang vật là 184 quan tiền. Nhằm răn đe các quan, năm 1881, vua Tự Đức ra dụ yêu cầu xử nặng với án "nhũng nhiễu" hay với "viên dịch sâu mọt, chấm mút không chỉ một lần". 

Ngăn ngừa tham nhũng một cách căn cơ

Để ngăn ngừa tệ nhận hối lộ, tham nhũng một cách căn cơ, vua Tự Đức đã tiến hành nhiều biện pháp trong đó có thực hiện nghiêm Luật hồi tỵ và chính sách dưỡng liêm cho đội ngũ quan lại.

Thời Tự Đức, nhà vua đã căn cứ vào tình hình thực tế đã có những quy định mới nhằm thắt chặt hơn so với trước. Năm 1857, quy định: “Trong một tổng không được chọn một người trong cùng một xã cùng làm Chánh, Phó tổng; trong một tổng hay trong một xã không được chọn người có thân thuộc “cơ phục” cùng làm Chánh, Phó tổng. Lý trưởng cũng không được có liên hệ hôn nhân. Trước đây nếu có trường hợp như vậy thì sức cho bắt phải hồi tị thôi chức. Nay về sau nếu xem thường phạm tội này, viên Chánh, Phó tổng, Lý trưởng đó bị chiếu theo luật “vi chế” mà xét xử, viên phủ, huyện kiểm tra để cử bị luận vào tội “thất sát”.

Năm 1882, lại có thêm quy định: “Theo lệ phải hồi tị, người nào như đã phân ty cho phép thượng cấp ở đấy chuyển cải. Còn như nha nào chỉ có một ty thì tư cho Bộ Lại để du di bổ đi nơi khác”.

Mặt khác, để giảm thiểu nguy cơ nhận hối lộ, tham nhũng, vua Tự Đức đã có những cải cách về chế độ dưỡng liêm cho quan lại. Theo ông, “…Triều đình nuôi sĩ phu, tất phải đặt ra mực lương cho hậu để bắt phải giữ lòng liêm”. Đối tượng được hưởng chế độ dưỡng liêm mở rộng hơn, không chỉ quan lại ở địa phương mà ở kinh thành cũng được hưởng. “Liệu tặng thêm ân bổng cho các quan viên ở Kinh và cấp tiền dưỡng liêm cho các đốc, phủ, bố, án ở ngoài vì là muốn cho các quan trong ngoài đều có nhiều lương bổng để khuyến khích liêm khiết”. Ngoài tiền dưỡng liêm, vua Tự Đức cũng cấp thêm bổng dưỡng liêm bằng bạc để khuyến khích quan lại công tâm hết lòng vì công việc, từ đó phần nào giảm bớt tệ tham nhũng.

Với Tự Đức, chống tham nhũng là để chăm dân, để cho nước mạnh; Chống tham nhũng phải bắt đầu từ cách làm cho quan phải thanh liêm chứ không chỉ có trừng phạt nghiên khắc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513267

Hôm nay

253

Hôm qua

2315

Tuần này

21204

Tháng này

220140

Tháng qua

121356

Tất cả

114513267