Những góc nhìn Văn hoá

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết Lương - Giáo trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955. (Nguồn: tcnn.vn)

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, vừa mới trở về Tổ quốc, Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho cách mạng - xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt đảng phái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo..., tạo nên sức mạnh to lớn đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đó của Hồ Chí Minh, trong tình hình mới, Đảng ta xác định rõ: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi mọi người…, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư”[1].

Nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết Lương - Giáo

Vượt lên các bậc tiền bối đương thời, Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, đặc biệt là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở đó, Người đã giải quyết một cách nhuần nhuyễn giữa quyền con người với quyền tự do tín ngưỡng và giữa quyền con người với quyền dân tộc để thực hiện đoàn kết gắn bó giữa đồng bào Giáo và đồng bào Lương, gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, tinh thần yêu nước của người công giáo đã được Người khơi dậy, đoàn kết Lương - Giáo ngày càng được củng cố, phát triển và luôn được phát huy trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết Lương - Giáo được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:  

Một là,đoàn kết Lương - Giáo là chủ trương nhất quán, lâu dài của cách mạng, là một chính sách dân tộc

Khi đặt vấn đề, vì sao phải thực hiện đoàn kết Lương - Giáo? Hồ Chí Minh cho rằng đồng bào có đạo hay không có đạo đều là công dân của nước Việt Nam, là chủ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Bởi theo Người: “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”[2] và ngược lại dân tộc bị nô lệ thì tôn giáo cũng mất tự do. Cho nên, khi dân tộc bị nô lệ, đồng bào Giáo cũng như Lương phải đứng lên tranh đấu để giành lại tự do độc lập cho dân tộc, khi Tổ quốc bị lâm nguy, nền độc lập bị đe dọa thì tất cả đồng bào Lương và Giáo phải tích cực tham gia kháng chiến để giữ vững nền độc lập tự do đó. Vì “Kháng chiến là cốt làm cho nước ta được độc lập thực sự, cho nhân dân được tự do, đồng thời cho đồng bào Công giáo được tự do thờ Chúa”[3]. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền đã thuộc về nhân dân, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”[4].

 

Năm 1952, trước luận điệu xuyên tạc của kẻ địch về nguy cơ Cộng sản tiêu diệt tôn giáo, nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh, Người kêu gọi đồng bào: “Trong khi bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tìm mọi cách chia rẽ lương giáo, hòng cướp nước ta, thì việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết”[5].

Sau khi miền Bắc được giải phóng, một số bà con tín đồ các tôn giáo còn băn khoăn về sinh hoạt tôn giáo trong chế độ mới, Hồ Chí Minh đã nêu rõ, Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người. Năm 1958, trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không? Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người Cộng sản đối với tôn giáo rằng: “Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”[6].

Với tinh thần đoàn kết rộng rãi, Hồ Chí Minh đã định hướng chiến lược cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nói chung, đoàn kết lương giáo nói riêng trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hai là,đoàn kết Lương - Giáo phải trên cơ sở mục tiêu, lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, vì sự phồn vinh phát triển của đất nước

Là người cách mạng chân chính, Hồ Chí Minh cho rằng, cũng như mọi người dân Việt Nam, người công giáo Việt Nam cũng mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng”, “Rồng, Tiên”, cùng chung một “Bọc” và truyền thống yêu nước được hun đúc trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Mặt khác, Người tìm thấy sự tương đồng giữa mục tiêu, nguyện vọng của tôn giáo, với mục tiêu lý tưởng của cách mạng đều vì tự do, hạnh phúc của con người. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã khéo kết hợp giữa niềm tin tôn giáo với niềm tin, lý tưởng cách mạng, giữa nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào tôn giáo với mục tiêu chung, cao cả của dân tộc để thực hiện đoàn kết Lương - Giáo, nhằm đoàn kết tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo cùng nhau phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Để tăng cường đoàn kết chặt chẽ hơn nữa giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo cùng phấn đấu vì nền độc lập của nước nhà, Hồ Chí Minh từng ca ngợi lý tưởng đạo đức, bình đẳng và lòng nhân ái cao cả của Đức chúa GiêSu - người sáng lập ra tôn giáo, đồng thời Người khuyến khích đồng bào noi theo tinh thần hy sinh cao thượng của các bậc Chí Tôn, đoàn kết một lòng chống lại bọn đế quốc, thực dân xâm lược. Người chỉ rõ: “chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa “Phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống kẻ hung ác”. Kẻ hung ác chính là bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ... Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình”[7].

Bước vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở lời Kinh thánh đã dạy: “Ý dân là ý Chúa”[8], đều mong muốn cho đồng bào được sống trong tự do, được ăn no, mặc ấm và sống trong sự thanh bình, “đẹp đời, đẹp đạo”. Muốn vậy, đồng bào Giáo cũng như Lương phải hăng hái tham gia lao động sản xuất, đồng thời phải tăng cường đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Người cho rằng, chỉ có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, tôn giáo mới tồn tại trong lòng dân tộc.

Ba là, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đi đôi với đấu tranh chống mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ đoàn kết Lương - Giáo

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Năm 1951, trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm: Một là về vấn đề tôn giáo, thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người. Hai là đối với các đảng phái, các đoàn thể bạn trong Mặt trận dân tộc, thì Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: Đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết lâu dài, cùng nhau tiến bộ[9]. Quan điểm tư tưởng đó còn được Người nhấn mạnh và chỉ rõ, đó là một nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nhân dân, cần phải được bảo vệ và được bảo đảm trên thực tế.

Mặt khác, Người cũng luôn quan tâm, chú trọng việc giáo dục cho quần chúng nhân dân phân biệt rõ giữa tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo với lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ đoàn kết Lương Giáo, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Người tỏ thái độ kiên quyết trong việc đấu tranh vạch trần bản chất xấu xa, tàn bạo để nhân dân lao động trên thế giới và đồng bào ta nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, độc ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là chính sách “ngu dễ trị”, “chia để trị” của thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự chia rẽ giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta. Đồng thời, Người còn lên án mạnh mẽ bọn thực dân Pháp câu kết chặt chẽ với các giáo sỹ, chức sắc tôn giáo để xâm lược Việt Nam. Chúng là bọn đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng, Người chỉ rõ: “Những người Công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo gian. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà Phụng sự Đức Chúa, Phụng sự Tổ quốc”[10]. Người còn vạch rõ âm mưu lường gạt một bộ phận đồng bào nhẹ dạ cả tin và công khai bày tỏ quan điểm của Đảng, Chính phủ và kiên trì giải thích các quan điểm đó cho đồng bào có đạo để họ không hiểu lầm chủ trương, chính sách của cách mạng.          

Bốn là, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Lương cũng như Giáo

Để thực hiện đoàn kết Lương - Giáo, theo Hồ Chí Minh là phải thực sự quan tâm đến đời sống mọi mặt của đồng bào Lương cũng như Giáo, mà trước hết phải thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất của đồng bào như: ăn, mặc, ở, đi lại và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Đồng thời phải tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước giúp họ hiểu rõ và tự giác thực hiện, chú trọng nâng cao trình độ dân trí, mở trường lớp cho con em họ được học tập, vui chơi và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo được tự do sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Mặt khác phải xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn giáo trong sinh hoạt của nhân dân. Bởi theo Người, “Ta quan tâm quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả… Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh… sống theo Đảng, chết theo Chúa”[11].

Quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt của đồng bào ta nói chung, đồng bào có đạo nói riêng, đó không những là sự phản ánh giá trị nhân văn, nhân đạo về quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng.

Thực hiện đoàn kết Lương - Giáo trong tình hình mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết Lương - Giáo, trong suốt quá trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định nhiệm vụ: Tăng cường đoàn kết Lương - Giáo, đoàn kết toàn dân; Ra sức chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt của đồng bào có đạo; Thực hiện tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng trên cơ sở pháp luật. Đảng ta nêu rõ: Đồng bào có đạo đa số là nhân dân lao động có lòng yêu nước, đã góp phần cùng toàn dân phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng các chính sách của Nhà nước.

Đại hội VIII (1996) của Đảng chỉ rõ: “Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”[12]. Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta khẳng định: “Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “… đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo”. Hội nghị Trung ương 7 khóa IX xác định: “Vấn đề đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo là những vấn đề chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta”[13]. “Đoàn kết các dân tộc và các tôn giáo là bộ phận rất quan trọng”[14].

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò và quyền tự do tính ngưỡng của đồng bào tôn giáo: “Đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật”[15]. Đến Đại hội XI, Đảng ta còn yêu cầu trách nhiệm của Đảng và chính quyền là “Động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[16]. Tín đồ và chức sắc các tôn giáo đều là công dân, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác và trong họ đều mong muốn được sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa” gắn liền với “yêu nước” để cho “nước vinh, đạo sáng”.

Trong bối cảnh mới, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta nêu rõ: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”[17]. Đây chính là cơ sở vững chắc nhất để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc nói chung, đoàn kết Lương - Giáo nói riêng ngày càng bền vững.

Như vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới đều là hướng tới mục tiêu cao cả và thống nhất, đó là đoàn kết đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết, vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân dân; đồng thời xác định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”[18]. Điều này đã được thể hiện rõ tại Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.

Sự thật hiển nhiên là thế, song trước diễn biến phức tạp của vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay, có thể thấy rằng các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tự do, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc, kích động,… hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ thường vu cáo Việt Nam đàn áp các tôn giáo. Nhưng sự thật, cũng như các quốc gia có chủ quyền khác, Việt Nam chỉ xử lý những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Đó chỉ đơn thuần là việc chính quyền đang ngăn chặn các hoạt động đi ngược lại quy định của pháp luật.

Có thể nói, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Tự nó bác bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng đoàn kết Lương - Giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực tiễn cách mạng chứng minh là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Nó không chỉ có giá trị và ý nghĩa đương thời mà còn có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hiện nay.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr. 272.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 243

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 197

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 8

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 522

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 405.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 515

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 381

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 50

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 375

[11] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hồ Chí Minh và vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 354.

[12] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.126.

[13] ĐCSVN: Văn kiện Hội Nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr.5.

[14] ĐCSVN: Văn kiện Hội Nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr. 6.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 122.

[16] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.245.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.50-51

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr. 141.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513264

Hôm nay

250

Hôm qua

2315

Tuần này

21201

Tháng này

220137

Tháng qua

121356

Tất cả

114513264