Những góc nhìn Văn hoá
Những Hội nghị Văn hóa toàn quốc trên dòng lịch sử
Ngày 07/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự khai mạc Triển lãm Tuần Văn hóa tại Khai Trí Tiến Đức. Ảnh TL
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đưa tiến trình văn hóa dân tộc đổi mới cùng sự vận động đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Các Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), lần thứ hai (1948) và lần thứ ba (2021) là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa đổi mới của tiến trình văn hóa dân tộc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thành phố Hà Nội ngày 24-11-1946 với hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội tham dự. Do diễn biến tình hình chính trị, quân sự căng thẳng bất ngờ nên kết thúc sớm hơn dự định rất nhiều nhưng Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đã xác định con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa mới của một quốc gia độc lập, dân chủ, cộng hòa.
Diễn văn khai mạc Hội nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, của dân tộc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là trí tuệ, là tri thức, là hệ điều tiết để phân biệt hay dở, đúng sai, để hướng dẫn cộng đồng xây đắp nền văn hóa mới, để xây dựng và bảo vệ đất nước. Hạnh phúc của đồng bào, và sự nghiệp đấu tranh của dân tộc là mục tiêu của nền văn hóa. Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh. Theo Người, nền văn hóa Việt Nam mới sẽ được xây dựng với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Văn hóa có mối liên lạc rất mật thiết với chính trị và có vai trò quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ. Mẫu hình con người Việt Nam mà Ngườixác định là: yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, để văn hóa phải phát huy vai trò của mình với đất nước và cộng đồng? Người cho rằng, văn hóa phải phê phán thói hư tật xấu của con người và xã hội, sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình; Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên/đáng được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Người dân là chủ của nền văn hóa.
Nền văn hóa mới được xây dựng trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay, tức là kết hợp các giá trị truyền thống và những giá trị mới, tiên tiến.
Theo Người, văn hóa Việt Nam là kết quả ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Trước lịch sử và thực tiễn của đất nước, của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề: Ta nên theo văn hóa nào?Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Đây là quan điểm khoa học khách quan được xây dựng từ kinh nghiệm văn hóa của dân tộc cũng như kinh nghiệm của Người sau nhiều chục năm tiếp xúc với các nền văn hóa phương Tây.
Diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một cách sinh động tư tưởng của mình về văn hóa và con đường xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới dưới chính thể dân chủ cộng hòa. Vai trò của văn hóa là “Soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ; Mục tiêu định hướng là hạnh phúc của nhân dân, độc lập của dân tộc; Tính chất của nền văn hóa là Dân tộc, Khoa học, Đại chúng; Nội dung là kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây; Chủ thể là toàn dân trong đó có vai trò quan trọng của giới trí thức văn nghệ sỹ.
Tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cũng cơ bản là quan điểm lúc bấy giờ của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Trước Hội nghị 5 ngày, ngày 16/11/1946, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đệ trình Chủ tịch Hồ Chí Minh bản thuyết trình về Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước.
Bản thuyết trình nêu rõ: Nhiệm vụ của văn hóa sau cuộc cách mạng (Tháng Tám 1954), là phải động viên mọi lực lượng văn hóa của dân tộc, hăng hái tham gia kiến quốc; gây đời sống mới, gột rửa những tư tưởng, tập quán hủ bại, giáo dục nhân dân, làm cho dân tộc có một nền văn hóa tiến bộ. Thái độ các nhà văn hóa Việt Nam lúc này là phải tích cực tham gia mặt trận dân tộc, giành thống nhất và giành độc lập cho Tổ quốc. Phải đem hết năng lực ra cứu nước và xây dựng trước; lập trường của các nhà văn hóa Việt Nam lúc này phải là dân tộc và dân chủ, nghĩa là yêu nước và tiến bộ. Tổng Bí thư nêu ra bốn nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam giai đoạn này như sau:
1. Phát triển tinh thần đoàn kết và yêu nước của dân tộc, củng cố đức tin của dân tộc ở sự nghiệp dân tộc giải phóng.
2. Phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hoá cổ truyền của dân tộc; đồng thời bài trừ những cái xấu xa hủ bại.
3. Ngăn ngừa sức thâm nhập và tấn công của văn hóa phản động, văn hóa thực dân; đồng thời học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới, nhất là văn hoóa Tàu và Pháp.
4. Kiến thiết một nền văn hóa mới cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm: giáo dục nhân dân, gây đời sống mới, phát triển tư tưởng khoa học và học thuật tiến bộ, phát triển văn nghệ đại chúng.
Trở lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, điều đáng nói là có đông đảo các đại biểu đến từ nhiều miền khắp cả nước, có nhiều đại biểu không đảng phái hoặc đảng phái khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết. Học giảĐào Duy Anh mong rằng, muốn cho văn hóa phát triển phải có những điều kiện thuận lợi để cho các nhà trí thức phát triển hết được tài năng của mình. Họ phải được giúp đỡ. Các nhà trí thức giúp đỡ lẫn nhau. Hội nghị Văn hóa ngày hôm nay đã mở đầu cho sự giúp đỡ đó.
Hội nghị lập ra một Ủy ban văn hóa toàn quốc gồm 15 vị chính thức, 5 vị dự khuyết. 15 vị chính thức bao gồm: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên. Nhìn vào danh sách này cho thấy toàn các trí thức, văn nghệ sỹ danh tiếng đã tập hợp và hành động dưới ngọn cờ văn hóa Hồ Chí Minh.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai: Xây đắp nền văn hóa kháng chiến kiến quốc
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, sau khi đánh bại âm mưu bao vây chiến khu Việt Bắc của địch, quân ta chuẩn bị chiến dịch Đông Bắc để phá thế bao vây của địch, mở rộng khu giải phóng. Tình hình chiến sự vẫn còn khó khăn và nhưng khí thế của quân và dân rất hăng hái, mạnh mẽ. Để đoàn kết sức mạnh toàn dân, đầu năm 1948, Đảng ta phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.
Từ ngày 16 đến 20-7-1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã diễn ra tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Hội nghị do Đảng tổ chức, chỉ đạo với sự tham gia của hơn 80 đại biểu trí thức, các văn nghệ sĩ nhằm vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa ở Việt Nam.
Ngày 15-7-1948, trước ngày khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng hội nghị. Trong thư Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng… Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng”. Nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Người động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Tại Hội nghị,Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Có thể xem đây là cương lĩnh văn hóa của Đảng trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp. Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".
Về nhiệm vụ của nền văn hóa mới Việt Nam, báo cáo xác định: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới".
Báo cáo này cũng đã xác định rõ về tính chất của nền văn hóa và vai trò của trí thức, văn nghệ sỹ trong nền văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hóa văn nghệ mới. Nghệ sỹ là chiến sỹ. Trách nhiệm của những chiến sĩ văn hóa, của trí thức, văn nghệ sỹ là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp; Một lòng một dạ phục vụ Nhân dân; Gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi Nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt Nhân dân. Các sáng tạo văn học nghệ thuật theo trào lưu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
So với Hội nghị lần thứ nhất cách đó một năm rưỡi, Hội nghị lần này đã có những chuyển biến quan trọng về lý luận khi xác định rõ chủ nghĩa Mác xít là nền tảng tư tưởng cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; xác định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác văn học nghệ thuật.
Ba ngày sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, từ ngày 23 - 25/7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc đã được tổ chức với sự có mặt của 80 văn nghệ sỹ kháng chiến thuộc mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tại Hội nghị này, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập thay thế cho Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập từ năm 1943. Tổng Thư ký đầu tiên của Hội là nhà văn Nguyễn Tuân.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai và Hội nghị Văn nghệ toàn quốc, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam là sự kiện quan trọng có ý nghĩa bản lề mở ra một thời kỳ mới của văn hóa, văn nghệ dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tư tưởng cơ bản của Hội nghị này có vai trò định hướng tiến trình văn hóa Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến và những thập kỷ đầu sau chiến tranh.
Phát triển văn hóa để chấn hưng dân tộc
Đường lối phát triển văn hóa của Đảng ta trong thời kỳ mới đã hình thành và phát triển trong một thời gian khá dài, có thể tính mốc khởi đầu từ Nghị quyết TW5, khóa VIII năm 1998. Sau hơn hai thập kỷ, qua nhiều lần bổ sung, đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Đảng ta đã chính thức công bố quan điểm và đường lối phát triển văn hóa đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng được xem như Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có diễn văn quan trọng bày tỏ tư tưởng, quan điểm, chiến lược và sách lược phát triển văn hóa của Đảng trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư khẳng định những thành tựu quan trọng của đất nước trên tất cả các mặt về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đặc biệt sau hơn 30 năm Đổi mới. Nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: [… văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. […] tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là "vô văn hóa", "phản văn hóa")].
Bởi vậy, Việt Nam phải lựa chọn con đường chấn hưng văn hóa, xây dựng con người mới để chấn hưng đất nước đất nước. Đây là sự lựa chọn tất yếu vì tình thế văn hóa, lớn hơn là tình thế quốc gia dân tộc đang có những khó khăn trên đường phát triển. Nội lực văn hóa, đặc biệt là yếu tố con người, đang có dấu hiệu bị nghẽn lại trong lúc đó nhu cầu nguồn lực nội sinh cho phát trriển ngày càng cao. Mặt khác, bối cảnh quốc tế tuy rằng thuận lợi hơn rất nhiều so với hồi đầu thế kỷ XX nhưng cũng đầy phức tạp đòi hỏi cao năng lực lựa chọn, tiếp biến, điều chỉnh trong quá trình giao lưu, tiếp nhận.
Phát triển văn hóa để chấn hưng dân tộc là quan điểm lớn nhất quyết định toàn bộ đường lối phát triển văn hóa của Đảng hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:“phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng...”. Trong đó“Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...” để xây dựng, hoàn thiệnhệ giá trị Dân tộc, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh về vấn đề Con người, về giáo dục để có mẫu hình con người mới cho một nền văn hóa mới.“…nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Tổng Bí thư nói đến “nòi giống” trong diễn ngôn của mình với ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố con người trong phát triển văn hóa và quốc gia dân tộc với cái nhìn xuyên suốt từ lịch sử đến hiện tại và tương lai.Chuẩn mực mẫu người mà Tổng Bí thư mong muốn là phải hội đủ các phẩm chất “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận thức sâu sắc và nhấn mạnh mối liên hệ giữa văn hóa và dân tộc: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”.Ý kiến này đã khẳng định quan điểm của Đảng về mối liên hệ giữa văn hóa và dân tộc trong thời đại mới.
Trên cơ sở xác định 6 nhiệm vụ,Tổng Bí thư đã đưa ra 4 giải pháp để chấn hưng nền văn hóa trong đó “Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là một lần nữa Đảng ta phát triển tư tưởng, đường lối văn hóa một cách khoa học, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và thời đại.
Ba kỳ Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ở ba thời điểm khác nhau, bối cảnh khác nhau với những quyết sách khác nhau nhưng những quan điểm cơ bản vẫn được kiên định. Đó là tính chất của nền văn hóa, vai trò của văn hóa, yếu tố con người trong văn hóa và mối liên hệ biện chứng giữa văn hóa và dân tộc, văn hóa và thời đại.
Tuy nhiên, trong mỗi vấn đề, có thể thấy, quan điểm phát triển đã rõ ràng và mạnh mẽ hơn, tiếp cận nhiều hơn với các nhận thức phổ quát về văn hóa của thời đại và nhân loại.
Đó là biện chứng của phát triển.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511785
2111
2337
22159
218658
121356
114511785