Những góc nhìn Văn hoá

Nước Lào qua thơ Nguyễn Đức Mậu

Tháp Thạt Luổng ( Ảnh internet)

Có nhiều cây trong rừng Lào

Sao tôi nhớ loài cây đủng đỉnh?

Sao tôi nhớ bầy voi

Chở chiều đi thật chậm?

Mưa lở đất mặc mưa, mặc bốn bề gió đánh

Cây đủng đỉnh xòe tán lá nhởn nhơ xanh

Bầy voi qua thế kỷ chiến tranh

Đủng đỉnh bước đồi, thong dong bước núi

                    

Du khách đến nơi đây tự nhắc mình đừng vội

Khi gặp suối nghe trong veo tiếng suối

Chiếc cọn nước quay tĩnh mịch rừng già...

Quay thật chậm cho mình lắng lại

Buổi sáng Viêng Chăn mặt trời dường trễ nải

Đoàn nhà sư áo vàng yên ả nối nhau qua

Triết lý sống giản đơn nhưng dễ gì có được

Đủng đỉnh chặng đường xa, đủng đỉnh tiếng chuông chùa.

                                                                            (Đủng đỉnh - Nguyễn Đức Mậu)

Trong rừng Lào có một loài cây mang tên đủng đỉnh. Cái tên mới nghe thấy là lạ, ngồ ngộ khiến người ta chú ý, một chút tò mò rồi trong đầu lan man gần xa chuyện này sang chuyện khác. Ừ nhỉ? Cây thì đủng đỉnh, còn bầy voi kia (cũng trong rừng này) thì chở chiều đi thật chậm. Tình cờ thôi, ngẫu nhiên thôi mà sao có gì gần nhau, giống nhau thế.

Vậy là có cớ, có cơ sở để tứ thơ hình thành: Mưa lở đất mặc mưa. mặc bốn bề gió đánh/Cây đủng đỉnh xòe tán lá nhởn nhơ xanh/Bầy voi qua thế kỷ chiến tranh/Đủng đỉnh bước đồi, thong dong bước núi.

Đủng đỉnh không còn là tên riêng một loài cây nữa. Nó đã được chuyển nghĩa sang động từ, chỉ trạng thái chậm chạp, thong thả, bình tĩnh... trong nếp sinh hoạt, công ăn việc làm hay trong những hành vi ứng xử ở đời. Sau những quan sát đơn giản ban đầu, đến đây đã là những cảm nhận thâm trầm với đủ cả thời gian, không gian được đúc kết, rút ra từ thực tế.

Nhưng như thế cũng mới chỉ là không gian địa lý của núi đồi, mưa gió... Khổ tiếp theo thơ khéo léo chuyển vào không gian tâm lý để dẫn vào chiều sâu lắng đọng nội tâm nhẹ nhàng, thoải mái: Du khách đến nơi đây tự nhắc mình đừng vội/Khi gặp suối nghe trong veo tiếng suối/Chiếc cọn nước quay tĩnh mịch rừng già... /Quay thật chậm cho mình lắng lại.

Không ai có thể dửng dưng hay hời hợt, vô ý vô tình. Tác giả và du khách biết tự điều chỉnh lòng mình cho phù hợp với cái trong veo của suối, cái vòng quay thật chậm của chiếc cọn nước để mà thưởng ngoạn, mà cảm nhận. Một thái độ trang trọng, điềm tĩnh trước khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống đầy vẻ hoang sơ, hồn nhiên trong trẻo...

Bao nhiêu những quan sát. Bao nhiêu những cảm nhận, lắng đọng... Nó làm thành cái nền, cái cơ sở và tạo ra cái thế. Rồi từ cái thế ấy, thơ phát triển, thăng hoa qua hình ảnh sinh động và đẹp đẽ: Buổi sáng Viêng Chăn mặt trời dường trễ nải/Đoàn nhà sư áo vàng yên ả nối nhau qua/Triết lý sống giản đơn nhưng dễ gì có được/Đủng đỉnh chặng đường xa, đủng đỉnh tiếng chuông chùa.

Ở đâu đó, trước nay vẫn nói đến “sống chậm”. Ở đây, nhà thơ cảm nhận theo sắc thái riêng biệt, độc đáo đất nước Lào: Đủng đỉnh. Đủng đỉnh là nhịp sống thong thả, tĩnh tâm, hiền lành mang đậm tính bản năng của mỗi con người, của cả cộng đồng. Cái nhịp chan hòa say đắm trong điệu múa lăm vông, trong mỹ tục buộc chỉ cổ tay và trong lễ hội té nước cầu mưa dân gian dân dã... Cũng có thể nói, đó là nhịp sông núi, nhịp đất nước hay nhịp vui tươi cuộc sống thanh bình...

Cái nhịp chậm, nhịp thong thả ấy chắc chắn phải là kết quả, hệ quả lâu dài được hình thành từ một phương châm, một thái độ, một lối sống bản năng, thân thiện, đẹp đẽ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.

Thế nên, thơ đã chạm tới cái vĩnh hằng, cái tự nhiên hồn nhiên giản dị ít ai ngờ tới. Nó được nâng lên tầm triết lý, triết lý sống của cả một dân tộc, một đất nước muôn năm tươi đẹp, thanh bình./.

                    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511728

Hôm nay

254

Hôm qua

2337

Tuần này

22102

Tháng này

218601

Tháng qua

121356

Tất cả

114511728