Những góc nhìn Văn hoá
Chí sỹ Phan Bội Châu và Thiền sư Thiện Quảng
Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế đã ghi nhận về Phan Bội Châu (1867 - 1940) như sau:
Chí sĩ, danh sĩ, nguyên tên là Phan Văn San, sau đổi tên là Phan Bội Châu, hiệu Sào Nam và nhiều biệt hiệu khác như Hải Thu, Thị Hán… Ông sinh ngày 1 tháng 12 năm Đinh Mão (26/12/1867), quê làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1900 đỗ giải nguyên của trường thi Nghệ An,…Năm 1904, vận động thành lập hội Duy Tân, năm sau cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản gây dựng phong trào Đông Du…(Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa, 1999, tr.772).
Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam cũng đề cập đến các tác phẩm của Phan Bội Châu. Trong đó có Tiểu truyện Tước Thái Thiền Sư (Truyện ông Thầy Rau). Tước Thái Thiền Sư tức Thiền sư Thiện Quảng (1862 - 1911) - vị thầy tu đặc biệt của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà Phan Bội Châu đã gặp trên quãng đường Đông Du của mình.
Về một số chi tiết chính trong cuộc đời của Thiền sư Thiện Quảng, Phan Bội Châu đã viết hai truyện: Truyện đầu mang tên: Tước thái Thiền sư (Nhà sư ăn rau), viết bằng chữ Hán, đăng trên “Binh Sư Tạp Chí”, xuất bản ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, số 44, tháng 12 năm 1917. (Xem bài dẫn của Chương Thâu, in trong Phan Bội Châu toàn tập, T3, Nhà xb Thuận Hóa, 1990, tr.234-249). Truyện thứ hai mang tên: Đường Tăng Nước Nam, Thiền sư Thiện Quảng, viết bằng chữ Quốc ngữ, đăng trên Tuần báo Mai xuất bản tại Sài Gòn, số 5, 6, tháng 4/1936. (Truyện này được đưa vào sách Văn Thơ Phan Bội Châu, Nhà xb Văn học, H, 1967 tr 437-455)
Tổng hợp từ hai truyện trên, chúng ta có được chân dung của vị Thiền sư xuất chúng như sau:
Thiền sư Thiện Quảng họ Trần, không rõ tên thật, đạo hiệu là Thiện Quảng, người tỉnh Bến Tre, sinh năm 1862, gia đình vào hàng trung phú. Từ từ thời trẻ, Thiện Quảng đã có chí lớn. Tuy vậy, thuận theo lời cha, ông lập gia đình từ rất sớm và đến năm 23 tuổi, khi cha mất, ông xuất gia đầu Phật nhằm cố gắng thực hiện hạnh nguyện Bồ tát của mình.
Tu tập được 10 năm, trở thành một vị sư trụ trì, có nhiều bổn đạo, đệ tử, Thiền sư Thiện Quảng tự xét thấy mình chưa có gì gọi là thể hiện hạnh Bồ tát, nên ông phát nguyện sẽ tìm sang đất Phật để chiêm bái, học hỏi. Để thực hiện chí nguyện này, ông đã chọn phương pháp tu đặc biệt: không ăn cơm, không dùng tiền bạc, chỉ ăn rau, mỗi ngày lúc đầu ăn ba bữa, sau rút lại chỉ còn một bữa trưa, mỗi bận ăn chừng hai tô rau luộc với nước lã.
Năm 1898, khi 36 tuổi, Thiền sư Thiện Quảng lên đường tìm sang Thiên Trúc với chiếc thuyền có hai cột buồm và hai lá buồm lớn do các đệ tử ông chung sức lo liệu. Thực phẩm dành cho cuộc hành trình này là rau quả, chuối và nước uống cũng được các đệ tử chuẩn bị đầy đủ.
Sau gần hai ngày thuyền lênh đênh trên biển cả, gió càng thêm mạnh hơn và đã thổi dạt thuyền vào bờ biển Thái Lan. Tại đây, Thiền sư Thiện Quảng được người dân Thái, vốn phần đông theo đạo Phật, tôn kính, nhất là sau khi biết rõ vị sư này chỉ ăn toàn rau, không ăn cơm cũng như không sử dụng tiền bạc. Thiền sư Thiện Quảng được dẫn tới bệ kiến vua Thái Lan, Thiền sư trình bày tất cả sự thực về con người tu hành của mình nên được nhà vua tỏ lòng kính mộ, truyền chọn chùa riêng cho ông trụ trì, tu tập. Tuy vậy, công việc tìm sang Ấn Độ của Thiền sư vẫn được thực hiện sau khi ông đã hứa với nhà vua, sẽ trở lại đất Thái để tiếp tục tu trì vì đây là đất mà “duyên Phật” đã đưa ông tới.
Từ Thái Lan, cùng với ba người Miến Điện làm hướng đạo, Thiền sư Thiện Quảng đi qua Miến Điện, vào Tây Tạng rồi đến Ấn Độ xứ Phật, bấy giờ chỉ còn lại một người dẫn đường.
Chiêm bái, học hỏi trong vòng năm tháng ở đất Phật, Thiền sư Thiện Quảng từ Ấn Độ sang Trung Hoa, tìm tới chiêm bái núi Thiên Thai ở phủ Hàng Châu, tương truyền là nơi giáng tích của Phật Quan Âm. Ở Hàng Châu, Thiền sư đi Phúc Kiến, qua Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, sang Miến Điện rồi trở lại Thái Lan, chọn ngôi chùa nơi hang Kho Lẻm làm chốn tu hành. Thiền sư được người dân Thái quanh vùng dành cho sự ngưỡng mộ, cung kính hết mực qua cái tên gọi rất dân gian và thân thuộc: Ông Thầy rau.
Chính do tên gọi lạ tai ấy đã khiến Phan Bội Châu chú ý và tìm hiểu, dẫn tới sự gặp gỡ giữa hai người, có thể xem đấy là bước ngoặt thứ hai trong đời Thiền sư Thiện Quảng. Thời gian này, Phan Bội Châu và một số đồng chí đã bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản và đang nương náu tại Thái Lan.
Chúng tôi xin trích dẫn những dòng viết rất sinh động của Phan Bội Châu về Thiền sư Thiện Quảng:
“...Sáng hôm sau, thầy dắt tôi đi chơi núi, vừa đi vừa nói chuyện, tôi kể sơ công việc cùng chí hướng của tôi. Thầy nghe giây lâu, không trả lời một tiếng... Lúc tôi từ biệt thầy rồi, ở trong hang bước ra, tôi ngảnh đầu vào cửa hang, thấy phảng phất như có vị Phật đại từ bi níu lấy áo tôi khiến cho thần hồn tôi vấn vương không đành bỏ hang đi dứt.
Tôi về Băng Cốc, tụ họp hết thảy anh em lưu lạc như tôi, thuật cho anh em nghe hết những lời thầy Thiện Quảng nói. Ai nấy đều nhiệt thành trông mong tới ngày được gặp thầy. Bởi vì chúng tôi lúc ấy có một vấn đề rất khẩn cấp. Anh em chúng tôi từ lúc bị Nhật Bản xua đuổi ra ngoài bờ cõi của họ, chúng tôi dắt nhau về Xiêm, toan tìm một phương pháp để hoạt động. Nhưng khổ quá! Tiền trong túi không có một xu mà tụ nhau ăn không ở nhàn có hàng trăm người, thật là nguy khốn. Cùng kế phải cho người về trong nước vận động với đồng bào Nam Kỳ... Tôi đem việc này bàn tính với ông Hội đồng Hiến... Hồi đó tôi hỏi ý kiến ông về việc chọn người cho về nước viện lương. Ông nói:
- Còn ai hơn Thầy Rau...
... Tôi đem vấn đề dân tình quốc kế và tình cảnh lưu lạc khốn khổ của anh em chúng tôi ở Xiêm nói hết cho Thầy nghe. Nửa giờ đồng hồ Thầy ngồi rất nghiêm trang im lặng, không mở miệng thốt ra một tiếng. Nhưng ngó thấy hai tròng nước mắt Thầy, giọt lệ ròng ròng chảy xuống ướt áo cà sa, mà hình như Thầy không tự biết. Tôi chắc Thầy cảm động lắm! Thầy cúi đầu trầm ngâm ước chừng mười lăm phút đồng hồ, thốt nhiên nói lớn rằng:
- Thế thì các ngài muốn tôi làm được việc gì để cứu được các ngài? Mà lại việc gì là việc sức tôi làm được? Tôi mấy lần đã phát nguyện làm Bồ tát mà gác việc anh hùng ra ngoài óc. Bây giờ tôi biết lấy gì giúp các ngài được đây?
Tôi đỡ ngay câu nói ấy mà tiếp theo rằng:
- Anh em tôi vẫn biết thầy phát nguyện làm Bồ tát mới dám cầu cứu với thầy. Xưa nay trong thế giới sở dĩ có Bồ tát là vì để cứu chúng sinh nhất là chúng sinh ở quê hương mình. Chúng sinh đó mà Bồ tát chẳng cứu giúp thì còn biết nhờ ai?
Thầy nghe tới đó, cảm động phi thường, vừa quẹt nước mắt vừa nói:
- Thế thì các ngài muốn tôi về Nam Kỳ sao?
Tôi thưa:
- Dạ! Thưa phải! Nam Mô A Di Đà Phật.
Thầy nói:
- Mục đích các ngài bảo tôi về Nam Kỳ là cốt ở vấn đề mưu tiền, nhưng hiềm vì tôi bổn lai phát nguyện không cầm tiền trong tay, vậy biết làm sao bây giờ?
Tôi thưa:
- Việc đó chúng tôi cũng đã tính. Chúng tôi cần ngài là muốn rước một vị Phật sống về Nam Kỳ cho đồng bào tín nhậm, nhờ Phật thuyết pháp cho một đôi lời. Còn việc tay cầm tiền bạc thì đã có tay khác cầm, chớ không dám để đồng tiền làm bận tay của Bồ tát...
Tôi với ông Hội đồng đã được thầy nhận lời, trong lòng chúng tôi thiệt mừng rỡ, như câu sách Phật: “Chúng sinh đại hoan hỉ”....
Thấm thoát sau một tháng, đã thấy Thầy Rau trở qua Băng Cốc, trong túi anh Minh Trai kéo ra hai ngàn đồng bạc giấy. Thầy Rau nói số tiền đó là số tiền của đám đồ đệ thầy chung góp, chớ chưa phải quyên thỉnh của ai. Nếu muốn kiếm số tiền cho lớn thì để Thầy về Nam Kỳ một lần nữa.
Thiệt qua năm sau, thầy lại vì anh em chúng tôi mà lên đường về Nam. Anh em khuyên thầy đi đường thủy, nhưng thầy vẫn quyết chí đi đường bộ. Rồi thầy do ngả Cao Miên xuyên đường rừng núi mà xuống Tây Ninh. Rủi cho thầy và một người đồng hành bị bại lộ hành tích nên chi cả hai thầy trò giữa đường ngộ nạn, nhuộm máu với giang sơn! Thương thay! Năm đó Thầy mới trong vòng năm mươi tuổi. Hai chữ Thầy Rau bây giờ còn ghi ở một tấm bia đá kỷ niệm trong hang Kho Lẻm..”.
(Văn Thơ Phan Bội Châu, Nhà xb Văn học, H, 1967, tr.450-455)
Đó là những dòng cụ Phan viết bằng chữ Quốc Ngữ. Còn đây là một số dòng mang tính chất ca ngợi Thiền sư Thiện Quảng nơi truyện viết bằng chữ Hán:
“... Con người của “Nhà sư ăn rau” cũng giống như chiếc máy điện khí trong thời đại điêu tàn, như tia sáng mặt trời trong thời đại hắc ám... Như Nhà sư ăn rau của chúng ta thì thực là có đủ khí khái trác việt, xứng với câu “Trên trời dưới đất chỉ có đạo của ta là chí tôn” đó mà chính bản thân ông đã thực hành..”. (Truyện Tước Thái Thiền sư, Chương Thâu dịch, in trong Phan Bội Châu toàn tập, T3, Nhà xb Thuận Hóa, 1990, tr.236)
Và Phan Bội Châu đã liệt kê 4 điểm kỳ dị, hiểu theo nghĩa là kỳ lạ, phi thường, trong cuộc đời của Thiền sư Thiện Quảng như sau:
“Một mình một thuyền, bơi trên biển cả, ngồi nghiêm trang tụng kinh, thân thể vẫn chu toàn. Đó là việc kỳ dị thứ nhất. Bốn phương trời nam bát ngát, vạn dặm coi như gang tấc, dấn thân vào nơi nước Phật, giác ngộ đạo Phật rồi quay trở về. Đó là việc kỳ dị thứ hai. Là một người đi tu mà vẫn gánh vác việc nước, vào nơi hang hùm miệng sói, dù phải hy sinh cũng không tiếc thân mình. Đó là việc kỳ dị thứ ba. Hạt gạo không ăn, đồng tiền không lấy, nhiệt tâm yêu nước, đem thân đảm nhiệm công việc. Đó là việc kỳ dị thứ tư. Có bốn việc kỳ dị đó nên nhà sư đã trở thành một nhà sư kỳ dị”. (Truyện Tước Thái Thiền sư, Sđd, tr248)
Qua hai truyện được Phan Bội Châu kể trên (nhất là truyện được viết bằng chữ Quốc Ngữ), chúng ta nhận thấy Phan Bội Châu đã có nhiều cảm tình với Phật giáo, quan trọng hơn nữa là đã có những hiểu biết rất chính xác và đánh giá rất đúng đắn về đạo Phật, về sứ mạng của đạo Phật trong cuộc đời.
Về khía cạnh lịch sử: những truyện về Thiền sư Thiện Quảng của Phan Bội Châu, cùng với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Võ Trứ (ở nam Bình Định và bắc Phú Yên, năm 1898), của Vương Quốc Chính ở một số tỉnh miền Bắc (cuối năm 1898)... là những minh chứng hùng hồn cho sự gắn bó tốt đẹp giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào của đất nước.
Cùng với sự việc học giả Lê Thước (1890 - 1975) đã phát hiện tác phẩm Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) tại ngôi chùa Diệc (Nghệ An); Tiến sĩ Đinh Văn Chấp một danh sĩ của đất Nghệ An đã mở đầu cho công việc dịch thơ Thiền thời Lý - Trần hay Hòa thượng Thích Minh Châu (tức Đinh Văn Nam, con trai Tiến sĩ Đinh Văn Chấp) - một vị danh tăng tiểu biểu của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, người mở đầu cho sự nghiệp Việt dịch Đại Tạng Kinh chữ Pali (đã dịch 4 Bộ Nikàya là Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ) góp phần chính để hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền… Tất cả đã cho thấy, nhân tài, danh sĩ của xứ Nghệ, đã lưu giữ, đã đóng góp rất đáng kể cho Phật giáo Nghệ An nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Do đó, văn hóa Phật giáo xứ Nghệ cần được sưu tập, bảo tồn và phát huy, và hiện đại hóa…góp phần giúp cho Phật giáo Nghệ An hiện tại đạt được những thành tựu, vươn tới tầm cao đã từng có trong quá khứ.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511702
228
2337
22076
218575
121356
114511702