Những góc nhìn Văn hoá
Cần phát huy đức tính cần cù, tiết kiệm của người xứ Nghệ trong xây dựng quê hương
Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S này đều hình thành trong điều kiện tự nhiên, xã hội không hoàn toàn giống nhau, chính vì vậy mà ở mỗi cộng đồng hình thành những nét văn hóa khác nhau với những phong tục, tập quán, tâm lý, thói quen, đạo đức, lối sống, tư tưởng... khác nhau. Trong xu thế ngày nay, ranh giới giữa các vùng, miền, các nền văn hóa trở nên mong manh và chỉ mang tính tương đối. Do đó, việc nhận diện, gọi tên những truyền thống quý báu của quê hương, xứ sở để làm tiền đề xây dựng nên phong cách của con người mang đặc trưng vùng miền là rất quý, đáng trân trọng trong quá trình phát triển kinh tế vùng miền nói riêng, cả nước nói chung.
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Nghệ Tĩnh được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là nơi phát tích của nhiều nhân tài. Theo sử liệu, từ đời cổ đến đời Trần, Nghệ Tĩnh là vùng biên viễn. Ngoài cư dân bản địa có mặt ở đây từ thuở bình minh của lịch sử, vùng đất này còn là nơi “di”, “hợp” của nhiều nguồn cư dân khác. Cùng với vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu... nguồn gốc cư dân đã tạo nên một cộng đồng có những nét tính cách, phong tục, bản ngã... đậm đặc, phong phú, mang dấu ấn “hóa thạch ngoại biên”, đủ sức đề kháng với những yếu tố văn hóa ngoại lai, xa lạ, đồng thời lại biết giao lưu, tiếp biến với cái mới, tiến bộ của các vùng miền khác để trường tồn.
Những đặc điểm về tính cách, văn hóa tiêu biểu của người xứ Nghệ đã được nhiều nhà nghiên cứu như: Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Khánh... đề cập đến. Trong bài viết này, tác giả chỉ khai thác hai nét tính cách tiêu biểu của người Nghệ Tĩnh, đã làm nên nét riêng có của con người sinh ra, lớn lên, thụ hưởng không gian văn hóa sinh tồn của vùng quê xứ Nghệ đó là cần cù và tiết kiệm.
Trước tiên nói về đức tính cần cù.
Đây là vùng nắng nóng, mưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi... để sinh tồn, con người buộc phải cần cù, chịu khó, vượt lên hoàn cảnh để tồn tại. Từ nhu cầu tự thân, lâu dần trở thành truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Thông qua sinh hoạt gia đình, họ hàng, làng xã..., người lớn trao truyền cho con cháu những tính cách đã trở nên ổn định thông qua các câu ca dao, tục ngữ gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, nên dễ làm theo.
Người “Nghệ” quan niệm rằng: “Trời nào có phụ ai đâu. Hay làm thì giàu, có chí thì nên”. Họ khuyên nhủ nhau “Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững”, hay “Luyện mới thành tài, miệt mài ắt giỏi”, “Mưu cao chẳng bằng chí dày”... Qua những câu ca dao chân tình mộc mạc nhưng ẩn sâu bên trong lại mang một ý nghĩa, một triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc, góp phần làm phong phú thêm thang giá trị tinh thần của dân tộc Việt. Con người vùng “Nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non” đã biết “lấy sức mình gặt sức thiên nhiên” để có một cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Là một vùng chuyên về nông nghiệp, mà đã làm nông nghiệp sẽ bị chi phối bởi bốn yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nên con người lại càng phải lam lũ, hăng say lao động, bởi thực tế cho thấy rằng “Tay làm, hàm nhai, tay quai, miệng trễ”, “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho” hay “Thế gian chuộng của chuộng công. Nào ai có chuộng người không bao giờ”... Nhưng để lao động tốt thì yếu tố đầu tiên là phải có sức khỏe, tinh thông nghề nghiệp nên người dân đã biết động viên nhau: “Nỏ ốm, nỏ đau làm giàu mấy chốc”, hay “Của rề rề không bằng nghề trong tay”, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.... Nếu trong xóm làng có kẻ lười biếng, dù trai hay gái đều bị cộng đồng lên án “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”... nên không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình để không bị thiếu thốn, cộng đồng bàn tán.
Như vậy, với tính cách là một đức tính, một truyền thống... cần cù của người Nghệ Tĩnh được hiểu là sự nhiệt tình với công việc, yêu lao động, tinh thần trách nhiệm đối với công việc nhằm đạt được kết quả trong lao động tốt nhất.
Đi liền với cần cù là tiết kiệm. Do đất đai không trù phú, là nơi chảo lửa, túi mưa, vùng được xem là “Túi bão lũ mười phương”, từng là vùng biên ải, nên để duy trì cuộc sống, một trong những đức tính cần có là tiết kiệm. Từ việc khắc phục những bất lợi của tự nhiên, chống giặc giã, dịch họa... đã hình thành nên một tính cách, lâu dần trở thành truyền thống quý, ăn sâu vào cách cảm, cách nghĩ, cách hành xử của con người nơi đây có phần đậm đặc, rõ nét đó là biết chắt chiu, dành dụm, ăn bữa hôm dành bữa mai. Trong suy nghĩ của cư dân vùng này, tiết kiệm biểu hiện thái độ biết quý trọng những thành quả lao động, tiết kiệm là để phòng khi thất bát, bất trắc, mất mùa, tiết kiệm xuất phát từ suy nghĩ sống phải có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng làng xã và dành dụm cho thế hệ mai sau. Người Nghệ Tĩnh thường khuyên nhủ nhau “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Trong hoàn cảnh nào, con người nơi đây luôn động viên nhau: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”; “Giàu không kiệm, đói liền tay. Khó mà hoang phí ăn mày trợn sơ”... Từ thủa hồng hoang, con người nơi đây đã tay chống trời, tay giữ nước. Trong cuộc mưu sinh đó, con người phải vật lộn, chống chọi, dành giật để sinh tồn nên trong huyết mạch, người Nghệ Tĩnh không chuộng thói phô trương, xa hoa mà luôn nhắc nhở nhau: “Ăn chắc mặc bền”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Của bền tại người”. Thế hệ trước luôn nhắc nhở thế hệ sau “Ở đây một hạt cơm rơi. Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng” và ghét thói xa hoa phù phiếm kiểu “Con nhà lính, tính nhà quan”.
Tác giả Bùi Dương Lịch (Nghệ An ký) đã khái quát: “Xứ Nghệ tuy đất xấu, dân nghèo” nhưng “Dân đều vui vẻ công việc, sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân, thân thượng và biết lễ nghĩa, liêm sỉ”; “Do đất xấu dân nghèo, nên chịu khổ, nhẫn nại, cần cù, kiệm ước, đã quen nề nếp. Kẻ sỹ không chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn. Người các trấn thường cười là hủ lậu”.
Nhờ cần cù, tiết kiệm nên thế hệ trước đã dành dụm cho thế hệ sau có điều kiện học hành, đỗ đạt “Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái. Mong cho con thành ông trạng, ông nghè”. Nhờ tiết kiệm mà mảnh đất này đã đóng góp sức người, sức của to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước làm nên một Ngã Ba Đồng Lộc, một Truông Bồn bất tử.
Thực tế cho thấy rằng, do ảnh hưởng của giao lưu, hội nhập, lối sống thực dụng, hưởng thụ... từ bên ngoài vào, một bộ phận lớp trẻ ngày nay quay lưng với những giá trị truyền thống của dân tộc, vùng miền, lười lao động, đòi hỏi quyền lợi mà quên đi trách nhhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, cộng đồng, dân tộc; chỉ muốn “làm chơi” mà “ăn thật”, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. Đặc biệt hơn, một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh, sinh viên lười học tập, thích đua đòi nên sa vào các tệ nạn xã hội. Vẫn còn tình trạng, trong giờ làm việc, cán bộ, công chức, viên chức vẫn cứ nhởn nhơ ngoài đường, tụ tập quán cà phê hoặc chơi game trên điện thoại ngay ở các công sở,.... Đã xuất hiện những suy nghĩ lệch lạc cho rằng cuộc sống thật là ngắn ngủi, vì vậy cần phải sống gấp, phải hưởng thụ để sau này khỏi phải hối tiếc... Suy nghĩ đó, lối sống đó đã thực sự xa rời những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của người Nghệ Tĩnh nói riêng, dân tộc nói chung, là trở lực trong quá trình phát triển của quê nhà và đất nước, cần phải được chấn chỉnh.
Cần cù, tiết kiệm không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của người xứ Nghệ mà đã theo con người nơi đây ghi dấu tốt đẹp, tỏa sáng trên tất cả vùng miền của Tổ quốc, từ lịch sử đến hiện tại. Đây có lẽ là một trong những lý do lý giải vì sao trong số rất nhiều truyền thống quý báu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn 2 đức tính Cần và Kiệm làm một trong 4 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Bởi hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người hội tụ đầy đủ, tinh túy những giá trị tiêu biểu của vùng quê xứ Nghệ. Bác hiểu hơn ai hết giá trị của cần cù, tiết kiệm nên đã xem những chuẩn mực đó là những yếu tố thiết yếu để xây dựng một nền đạo đức cách mạng, dân tộc, tiến bộ, nhân văn.
Để hòa nhập không bị hòa tan, để phát triển mang tính bền vững, để đưa xứ Nghệ thoát khỏi vùng quê nghèo, trở thành vùng có kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, những năm tới, lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh cần quan tâm phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các ấn phẩm văn hóa, thông qua các hoạt động cộng đồng..., các nhà tổ chức, quản lý phải khơi gợi, giáo dục, truyền bá những giá trị tinh thần tốt đẹp của quê hương văn hiến cho thế hệ tương lai.
Hiện nay, cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế, vùng quê Nghệ Tĩnh không nằm ngoài xu thế đó. Thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế là cạnh tranh quyết liệt giữa các cá nhân, tổ chức... Vì vậy, để bắt kịp tiến độ của cả nước, khu vực, thế giới thì phải rèn luyện ý thức khẩn trương, cần cù, tiết kiệm trong lao động, sản xuất, cuộc sống... nhằm đạt năng suất và hiệu quả lao động cao. Do đó, phẩm chất cần cù, tiết kiệm của người xứ Nghệ càng phải được phát huy cao độ để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương cũng như cả nước phát triển.
* Trường Chính trị Trần Phú
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511712
238
2337
22086
218585
121356
114511712