Những góc nhìn Văn hoá

Vốn văn hóa cộng đồng trong quá trình phát triển

Từ lâu nay, khái niệm về của cải được quy phạm trong lĩnh vực kinh tế học với tư cách là những nguồn vốn vật chất được sử dụng trong trao đổi buôn bán hay thậm chí là để tích trữ nhằm đảm bảo sự giàu có của một cá nhân hay một tổ chức xã hội nhất định. Của cải, vì thế được gắn với những hiện vật hữu hình, nắm bắt được, cất giữ được và luân chuyển, trao truyền được. Nhưng sự phát triển của nhân loại gần như làm mọi khái niệm học thuật cũng bị thay đổi nhanh chóng. Và để tồn tại một cách có giá trị thì các khái niệm cũng được các nhà nghiên cứu mở rộng nội hàm để phù hợp với thực tiễn phát triển. Khái niệm của cải và nguồn vốn trong kinh tế học cũng vậy. Một mặt các khái niệm này được thay đổi nhiều về mặt nội hàm trong nghiên cứu và cả ứng dụng, mặt khác các khái niệm này cũng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực chứ không còn là khái niệm độc quyền trong lĩnh vực kinh tế học. Những sự thay đổi đó đều bắt nguồn từ thực tiễn phát triển của các nền kinh tế. Của cải, nguồn vốn luôn được xem xét theo các đối tượng sở hữu và sử dụng nó. Nhưng có những thứ của cải lại rất khó phân biệt chủ sở hữu dù người ta xác nhận được những người sử dụng. Bởi đó là những sản phẩm văn hóa của cộng đồng. Trong bài viết này xem các giá trị văn hóa của một cộng đồng là một nguồn của cải quan trọng của cộng đồng đó. Trong quá trình phát triển, các cá nhân và cộng đồng đã vận dụng nguồn vốn này để phát triển kinh tế và mang lại những giá trị lợi ích nhất định. Nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc sở hữu và sử dụng nguồn của cải này.

Sự chuyển đổi trong quan niệm về nguồn lực phát triển

Khái niệm “Phát triển” được đưa ra từ sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II với mục đích là để đáp ứng nhu cầu tái thiết lại nền kinh tế xã hội vốn bị tàn phá khủng khiếp trong chiến tranh. Trong giới kinh tế học từ giữa thế kỷ XX xem “phát triển” đồng nhất với tăng trưởng kinh tế, và “phát triển” được hiểu đương nhiên là phát triển kinh tế. Người ta tập trung mọi thứ để đạt được sự tăng trưởng của GDP và xem đó như là chỉ số phát triển. Nhưng khi đạt được rồi thì cả mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế, tức là văn hóa thì như thế nào? Vấn đề này đặt ra nhu cầu phải thay đổi cách nhận thức về sự phát triển. Và càng ngày, các lý thuyết về phát triển được thay đổi và hoàn thiện dần, con người được đặt vào trung tâm của sự phát triển. Giờ đây, phát triển không còn chỉ là phát triển kinh tế (hay tăng trưởng kinh tế) nữa, mà là phát triển con người, rồi phát triển bền vững. “Khái niệm về phát triển bền vững được hình thành do những lo sợ sự tàn phá khủng khiếp của con người đối với môi trường sẽ đe dọa sự tồn vong của các thế hệ tương lai” (Nguyễn Văn Chính 2020: 5).

Khái niệm phát triển bền vững hiện nay được hiểu là “quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường... Ngoài ra còn phải quan tâm đến các khía cạnh khác của sự phát triển bền vững như chính trị, văn hóa, tinh thần, dân tộc...” (Lê Văn Khoa, Phạm Văn Tú và cộng sự, 2014, tr. 34). Một vấn đề quan trọng mà gần đây được nhắc đến nhiều hơn là phát triển bền vững con người trong toàn thế giới để vượt qua các ngăn cách chủng tộc, quốc gia, dân tộc và tôn giáo... Tóm lại, khung mẫu phát triển bền vững phải bao gồm 6 thành tố: i- Phát triển bền vững kinh tế, ii- Phát triển bền vững chính trị, iii- Phát triển bền vững văn hóa, iv- Phát triển bền vững xã hội, v- Phát triển bền vững con người, vi- Bảo vệ môi trường bền vững. Như vậy, từ phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trung tâm sang phát triển lấy con người làm trung tâm và hướng đến phát triển bền vững là những bước thay đổi lớn trong nghiên cứu phát triển. Và qua những bước thay đổi đó, nội hàm của khái niệm phát triển cũng được mở rộng rất nhiều so với lúc nó hình thành. Đó cũng là nhân tố làm cho các nguồn lực của sự phát triển cũng thay đổi theo cho phù hợp với diện mạo nhu cầu của sự phát triển. Nhất là sau sự thật bại của chính sách “cú hích lớn” với sự hỗ trợ ồ ạt từ ngoài vào. Từ cuối những năm 1970, người ta nhận ra các nguồn lực nội tại của cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển của các cộng đồng, các quốc gia (Nguyễn Văn Chính 2020).

Trong kinh tế học cổ điển từ thời Adam Smith đến chủ nghĩa tư bản thời Karl Marx vào cuối thế kỷ XIX đều tin rằng nguồn lực chính để phát triển kinh tế trong chế độ tư bản chủ nghĩa chủ yếu là của cải vật chất như tiền bạc, cơ sở vật chất nhà xưởng, các loại tài sản hữu hình…). Nhưng từ vài thập kỷ cuối thế kỷ XX, quan niệm về các nguồn lực phát triển đã thay đổi. P. Bourdieu là người có đóng góp quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về các nguồn vốn phát triển. Bên cạnh vốn kinh tế, Bourdieu đã phân tích rằng các nguồn vốn khác như vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn biểu tượng cũng có những giá trị quan trọng trong phát triển kinh tế (Bourdieu 1986). Đặc biệt ông nhấn mạnh đến vai trò của vốn văn hóa. Trong nghiên cứu của Bourdieu, vốn văn hóa “là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu nó cao hơn, và tương lai hứa hẹn hơn. Cha mẹ cấp vốn văn hoá cho con cái bằng tri thức, thái độ, phong cách sống làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị trí thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công” (Hà Hữu Nga 2020). Khái niệm vốn văn hóa sau đó đã được

Khái niệm vốn văn hóa của Bourdieu sau đó được Putnam (2000) và Fukuyama (2001) tiếp tục phát triển. Theo các học giả này thì vốn văn hoá là những tài sản vật thể và phi vật thể tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Nếu Bourdieu xem vốn văn hoá là tài sản cá nhân của mỗi con người thì Putnam và Fukuyama lại xem vốn văn hoá là tài sản cá nhân lẫn tập thể. Theo Nguyễn Văn Chính (2020: 6-7 ) thì “Dù còn có những khác biệt trong việc xem vốn văn hóa là tài sản cá nhân (Bourdieu 1986) hay tập thể (Putnam 2001) nhưng các nhà nghiên cứu đều có sự đồng thuận trong việc xem vốn văn hóa như một nguồn lực, được đặc trưng bởi mạng lưới xã hội, kinh nghiệm, kỹ năng, hệ giá trị, các quy tắc ứng xử, niềm tin, quan hệ có đi có lại và là một bộ phận cấu thành nên bối cảnh văn hóa của một chương trình phát triển, có thể tạo điều kiện cho sáng tạo và thay đổi”.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, phát triển không còn hàm nghĩa là phát triển kinh tế và nguồn lực phát triển không còn chỉ là các nguồn lực kinh tế nữa mà là đa nguồn lực trong đó nguồn lực văn hóa giữ vai trò quan trọng. Văn hóa ở đây được hiểu theo khái niệm rộng nhất của nó, bao hàm nhiều loại vốn khác. Và phát huy nguồn vốn văn hóa trong phát triển trở thành vấn đề quan trọng của các cộng đồng, các quốc gia.

Vốn văn hóa cộng đồng: một nguồn của cải quan trọng

Văn hóa là một nguồn lực quan trọng để phát triển, nên nó trở thành một nguồn của cải quan trọng không chỉ của các cộng đồng mà còn là của cá nhân. Tuy nhiên, trong bài viết này tập trung vào thảo luận vốn văn hóa trên khía cạnh là của cải của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo, sở hữu, sử dụng và thực hành các giá trị văn hóa đó. Khi bàn về vốn văn hóa, Bourdieu (1986) tập trung vào vốn văn hóa cá nhân chứ không quan tâm đến vốn văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, đến Putnam (2000) và Fukuyama (2001) lại quan tâm đến vốn văn hóa của cộng đồng, mà ở đây là các nhóm xã hội khác nhau. Sự phân biệt giữa nhóm xã hội và cộng đồng là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản rằng trong khi các nhóm xã hội lấy các mối quan hệ xã hội và lợi ích làm cái cốt lõi thì cộng đồng lại được nhận diện bằng bản sắc văn hóa. Cộng đồng thường được xem xét với 4 đặc trưng quan trọng nhất là đặc trưng địa điểm, đặc trưng cộng cảm, đặc trưng sở thích và đặc trưng lợi ích (Hà Hữu Nga 2020). Tuy nhiên, nếu dựa vào mấy đặc trưng này thì vẫn khó phân biệt cộng đồng với nhóm xã hội. Vậy nên cần phải xem cộng đồng ở tình lịch sử và tính bền vững tương đối. Các cộng đồng cần có một lịch sử lâu dài để hình thành và cũng có liên kết chặt chẽ với các thể chế nghiêm ngặt hơn để tồn tại và khu biệt với cộng đồng khác. Xét trên khía cạnh này thì nhóm xã hội hoàn toàn khác. Thế nên cộng đồng được xem là một đơn vị văn hóa và linh hồn của nó chính là bản sắc văn hóa. “Bản sắc của một cộng đồng là sự đồng nhất của tất cả các thành viên trong cộng đồng đó với một hoặc một hệ giá trị thường được biểu hiện bằng một hoặc một hệ biểu tượng được cộng đồng sáng tạo và/hoặc lựa chọn” (Hà Hữu Nga 2020: 4).

Vốn văn hóa cộng đồng là nguồn vốn dựa vào đặc trưng văn hoá cộng đồng và bản sắc văn hoá cộng đồng và có thể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế (Hà Hữu Nga 2020). Trong đó, đặc trưng văn hoá cộng đồng được hiểu là sự thể hiện và bản sắc văn hoá cộng đồng là thuộc tính cốt lõi. Trong phát triển kinh tế thị trường, vốn văn hoá cộng đồng là nguồn lực quan trọng, nhất là đối với cùng dân tộc thiểu số. Theo đó, vốn văn hoá cộng đồng khá đa dạng. Bao gồm các tri thức dân gian, thủ công nghiệp truyền thống, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội,…. và nhiều giá trị văn hoá, thể chế, danh hiệu chung của cộng đồng… Trong xã hội truyền thống, văn hóa cộng đồng vừa thể hiện đặc trưng văn hóa cộng đồng, vừa là công cụ để thực hành quản trị xã hội và tổ chức bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là các thể chế, các kinh nghiệm. Trong nhiều năm gần đây, vốn văn hoá cộng đồng trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển thị trường hương dược liệu, thị trường hàng hoá thủ cộng nghiệp và đặc biệt là phát triển du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.

Văn hóa cộng đồng trở thành một nguồn vốn để phát triển cũng làm cho nó trở thành một nguồn của cải. Giờ đây, văn hóa cộng đồng vừa có giá trị trao đổi, với nghĩa là nó luân chuyển vào tham gia vào thị trường để tạo ra lợi nhuận, lợi ích kinh tế cho con người. Giá trị trao đổi của vốn văn hóa cộng đồng không thể hiện một cách trực tiếp mà lại gián tiếp qua các hoạt động kinh tế khác, tức tạo ra lợi nhuận gián tiếp. Người ta không mua bán tri thức dân gian nhưng từ tri thức dân gian tạo ra được nhiều sản phẩm để đem ra thị trường. Lễ hội không tạo ra tiền bạc nhưng thu hút du khách đến và phát triển thương mại, du lịch từ đó thu về lợi nhuận. Cảnh quan làng bản hay trang phục truyền thống và cả các làn điệu dân ca, dân vũ, dù không đem bán mua được nhưng lại trở thành vốn để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, công nghiệp văn hóa, sản phẩm lưu niệm,… và qua đó cũng tạo ra tiền bạc. Thế nên, nguồn vốn văn hóa cũng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá sự giàu có của một cộng đồng trên phương diện nguồn lực. Một dự án nước ngoài hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng chẳng hạn, họ sẽ đi khảo sát các làng bản khác nhau và sẽ lựa chọn làng bản nào có nguồn vốn văn hóa phong phú hơn. Và vốn văn hóa cũng có những giá trị trao truyền, thừa hưởng và chia sẻ nhất định. Những tri thức dân gian, nghề truyền thống hay nhiều giá trị văn hóa khác được cha mẹ trao truyền cho con cái và giờ nó trở thành một loại của cải để phát triển kinh tế.

Văn hóa cộng đồng trở thành một nguồn của cải làm cho người ta nhận thức lại về sự giàu có cũng như khả năng phát triển của các cộng đồng theo một hướng khác. Nếu trước đây, những bản làng gần trung tâm, gần đường giao thông có cơ sở vật chất hạ tầng tốt hơn, thuận tiện giao thông đi lại hơn sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Nhưng thường các cộng đông như vậy thì tiếp xúc văn hóa mạnh mẽ hơn và biến đổi nhanh chóng hơn nên văn hóa truyền thống cũng bị mai một nhanh hơn. Trong khi đó, các cộng đồng vùng sâu vùng xa ít tiếp xúc trước đây vốn coi là khó phát triển thì nay lại có lợi thế bởi họ giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Và cũng từ đó, nhiều người đã nhận thấy được rằng trong nhiều năm qua, với những con đường khác nhau, chúng ta đã để mất đi rất nhiều của cải khi tác động mạnh mẽ làm các nền văn hóa cộng đồng bị mai một, mất mát rất nhiều.

Sở hữu của cải của cộng đồng và xung đột lợi ích trong sở hữu trí tuệ

Việc vốn văn hóa cộng đồng trở thành những nguồn của cải có thể sử dụng để phát triển kinh tế cũng như trao truyền cho con cháu cũng kéo theo nhiều vấn đề bất cập khác. Nói đến của cải thì phải gắn với chủ sở hữu. Nhưng cộng đồng không phải là một đơn vị tổ chức xã hội có pháp nhân nên việc sở hữu về phương diện luật là khó thực thi. Trong khi tham gia vào phát triển kinh tế từ vốn văn hóa không chỉ còn là cộng đồng hay cá nhân thuộc về cộng đồng mà có sự xuất hiện của các doanh nghiệp hay cá nhân từ ngoài cộng đồng. Điều đó tạo nên những xung đột trong việc sở hữu và sử dụng các nguồn của cải của cộng đồng. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất từ việc thương mại hóa các sản phẩm từ tri thức dân gian của các cộng đồng.

Vấn đề sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền thương mại các sản phẩm từ tri thức dân gian của các cộng đồng và lợi ích của các cộng đồng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Như Paul Sillitoe đã nhận định “… có một cuộc tranh luận nhỏ về quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tri thức đã sử dụng phép ẩn dụ về Tera Nullis (cách nói của người La Mã, ý là “đất đai không thuộc về ai”) để phê phán sự cam kết của các nhà nhân học với phát triển. Một mặt, vấn đề nổi lên từ việc nhận thức rõ rằng người dân địa phương có thể biết về các nguồn lực tự nhiên có tiềm năng thương mại làm tăng lo sợ rằng tri thức của họ có thể bị chiếm đoạt một cách bất công vì mục đích thương mại, thậm chí còn được các công ty nước ngoài cấp bằng sáng chế sau khi đã có can thiệp của công nghiệp mà không thông báo hay chia sẻ lợi nhuận cho người sở hữu ban đầu một cách bình đẳng. Mặt khác, nó liên quan đến ước vọng ngày càng tăng của người dân địa phương muốn kiểm soát tài sản văn hóa và số phận của họ trong thế giới hiện đại vốn gắn chặt vào các mối quan tâm bảo vệ bản sắc văn hóa và mở rộng từ những yêu cầu trả lại các chế tác từ những bảo tàng để yêu cầu có tiếng nói của nhiều bộ phận khác nhau trong hoạch định chính sách, bao gồm cả các cơ quan phát triển, làm ảnh hưởng đến khu vực và cuộc sống của họ” (Paul Sillitoe, 2005: 169-170). Nhận định này cho thấy có rất nhiều vấn đề liên quan đến những cuộc đụng độ giữa sở hữu cộng đồng về vốn văn hóa và sở hữu bản quyền các sản phẩm từ tri thức dân gian.

Trên thế giới đã được chứng kiến nhiều cuộc kiện tụng, tranh luận về sự xung đột giữa sở hữu cộng đồng và sở hữu doanh nghiệp các sản phẩm từ tri thức dân gian. Tri thức dân gian là một nguồn của cải, một nguồn vốn quan trọng và nó thuộc sở hữu của một cộng đồng chủ thể. Và các cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng đó cũng tạo ra các sản phẩm từ tri thức dân gian của cộng đồng mình để đưa ra thị trường. Nhưng có một số doanh nghiệp cũng dựa vào tri thức dân gian của cộng đồng để tạo ra các sản phẩm hàng hóa và đăng ký bản quyền thương mại hay sở hữu trí tuệ. Điều đó nhiều khi dẫn đến xung đột với cộng đồng. Trong một nghiên cứu về việc thương mại hóa tri thức dược liệu, Philip Schuler (2004) đã đưa ra nhiều dẫn chứng về vấn đề này. Đó là sự xung đột liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu từ cây gỗ đào ở Ấn Độ. Người dân Ấn Độ đã sử dụng sản phẩm từ cây gỗ đào để làm thuốc trừ sâu và chống nấm hàng ngàn năm nay. Nhưng ở Mỹ và Châu Âu có nhiều bản quyền chứng nhận sở hữu trí tuệ về sản phẩm cây gỗ đào được cấp cho các công ty hóa chất để sản xuất và buôn bán. Nhưng đến năm 1993, khi công ty P.J. Margo Private Ltd (một đối tác của công ty hóa chất W.R.Grace - công ty được cấp bản quyền về sản phẩm này ở Mỹ) đã sản xuất và tiếp thị loại thuốc trừ sâu từ gỗ đào vào Ấn Độ, đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của một bộ phận nông dân thì nhiều cuộc biểu tình phản đối sự liên kết của hai công ty này. Năm 1995, nhiều nhóm đã liên kết lại kiện các tổ chức cấp bản quyền ở Mỹ và châu Âu vì cho rằng sản phẩm này đã được người dân sản xuất và sử dụng từ nhiều thế kỷ nay. Nó buộc tổ chức cấp bản quyền ở châu Âu phải hủy bỏ bản quyền của sản phẩm này nhưng ở Mỹ thì vẫn còn giá trị. Hay việc Ủy ban Nghiên cứu khoa học và công nghệ ở New Delhi kiện việc cấp bản quyền bài thuốc Ayurvedic cho hai nhà khoa học thuộc Đại học Mississippi vì nó giống với tri thức địa phương của nhiều cộng đồng ở Ấn Độ về chiết xuất thuốc từ củ nghệ. Hay tranh chấp từ bản quyền của gạo Basmati của một số nông dân Ấn Độ với một công ty kinh doanh gạo của Mỹ; Tranh chấp về loại đậu vàng “Mayacoba” của nông dân Mexico với một công ty nông nghiệp Colorado… Hầu hết những cuộc tranh chấp này đều đi đến những kết quả khác nhau, tuy nhiên, những nhà nghiên cứu đều có mục tiêu chung là mong muốn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các cộng động đang sở hữu những tri thức mà nhiều công ty đã và đang tiến hành thương mại hóa các sản phẩm từ những tri thức đó. Và trên thực tế, nhiều cuộc đấu tranh đó đã đưa lại kết quả nhất định khi các doanh nghiệp phải tôn trọng các cộng đồng và chấp nhận chia sẻ lợi ích với nhau trong việc thương mại hóa sản phẩm từ tri thức dân gian.

Phát triển hài hòa

Để hạn chế các xung đột giữa các bên liên quan trong việc thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa từ nguồn vốn văn hóa cộng đồng thì người ta coi trọng việc phát triển hài hòa. Phát triển hài hòa được xem xét trên nhiều phương diện chính của nó. Trước hết là hài hòa về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế thị trường. Việc vốn văn hóa cộng đồng ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế cũng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống bị thay đổi nhanh chóng. Việc văn hóa thay đổi là tất yếu nhưng vì nó thay đổi quá nhanh khiến người ta lo lắng. Vậy nên phát triển hài hòa là coi trọng việc bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, xem đó là việc làm cần thiết trong quá trình phát triển. Bảo vệ được của cải của cộng đồng thì những vấn đề kinh tế xã hội sẽ được giải quyết tốt hơn. Thứ hai là hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, một quan điểm quan trọng của phát triển bền vững đã và đang trở thành trọng tâm của nhiều chương trình nghị sự cũng như chiến lược phát triển của các quốc gia. Văn hóa là sự ứng xử của con người với tự nhiên nên nếu thiên về khai thác tự nhiên mà không bảo vệ thì sẽ làm cho môi trường bị suy thoái, ô nhiễm và hệ quả thì con người phải gánh chịu rất nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự tồn vong lâu dài. Và vô cùng quan trọng là hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Như phần trên đã trình bày, vốn văn hóa cộng đồng thuộc sở hữu cộng đồng. Khi vào thị trường thì các doanh nghiệp và các cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng như là nguồn lực để phát triển. Và việc đăng ký bản quyền thương mại hay sở hữu trí tuệ nếu không khéo sẽ tạo nên những xung đột xã hội do không hài hòa về mặt lợi ích. Và đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, cần có tầm nhìn sâu rộng cũng như những chính sách phát triển phù hợp nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích một cách cân bằng và bình đẳng nhất. Trong đó phải coi trọng lợi ích của cộng đồng chủ thể bởi họ là chủ sở hữu của vốn văn hóa cộng đồng đó.

Trong một nghiên cứu liên quan đến những thỏa thuận về đa dạng hóa sinh học và phân chia lợi nhuận với cộng đồng địa phương ở Ấn Độ, hai nhà nghiên cứu Kerry ten Kate và Sagrah A. Laird (2004) đã cho thấy các nhà nghiên cứu, các công ty sản xuất có thể kết hợp với người dân địa phương trong việc thương mại hóa tri thức cộng đồng. Dẫn chứng là việc các nhà nghiên cứu Vườn thực vật nhiệt đới và Viện nghiên cứu (TBGRI) của Ấn Độ đã phối hợp với một số người dân Kani (một nhóm người thiểu số ở Tây Nam Ấn Độ) đi sưu tầm và tìm ra hoạt chất phục hồi sức khỏe. Họ chuyển quyền sản xuất cho công ty dược Coimbatore Aryavaidya Ltd sản xuất ra thuốc Jeevani và chia sẻ nhau lợi ích với tỷ lệ 50-50. Cộng đồng Kani cũng đã lập ra một hội đồng để quản lý nguồn tiền thu được và sử dụng vào phát triển chung và phúc lợi cho người dân trong vùng. Có lẽ còn vô vàn những vấn đề bất cập trong việc cấp bản quyền sở hữu trí tuệ, việc thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến tri thức dân gian của các cộng đồng. Vì nói cho cùng, chẳng thể rạch ròi được mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống, cũng như giữa cái chung và cái riêng. Tuy nhiên, những tư tưởng cố gắng mang lại nhiều lợi ích cho những cộng đồng nghèo hơn, yếu thế hơn đang được nhiều nhà phát triển quan tâm. Đó là một xu hướng được coi là nhân văn khi mà khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng giãn ra nhanh chóng./.

Tài liệu tham khảo

Bourdieu, P. (1986). The Forms of Capital, in J. G. Richardson (ed.) Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. New York: Greenwood Press. Pp. 241-258.

Nguyễn Văn Chính (2020). Nguồn lực văn hóa và phát triển cộng đồng: Một tiếp cận nhân học. Tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Nhân học và Phát triển ở Việt Nam đương đại”. Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 16/12/2020.

Coenraad J. Visser (2004): Làm cho luật sở hữu trí tuệ phục vụ tri thức cổ truyền. In trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

Daniel Wiiger (2004): Sự ngăn ngừa sử dụng trái phép di sản văn hóa phi vật thể thông qua luật sở hữu trí tuệ. In trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

Fukuyama, Francis (2001) “Social capital, civil ociety and development”, Third World Quarterly, Vol. 22(1), pp. 7-20.

Trần Văn Hải (2012): Khai thác thương mại đối với tri thức truyền thống: tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ. Tạp chí Hoạt động khoa học, số 2, 2012.

Kerry ten Kate và Sagrah A. Laird (2004): Những thỏa thuận về đa dạng hóa sinh học và phân chia lợi nhuận với cộng đồng địa phương. In trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

Lê Văn Khoa, Phạm Quang Tú (đồng chú biên), 2014. “Hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên”. Nxb Tri thức, Hà Nội.

Hà Hữu Nga (2020). Vốn văn hóa và du lịch. Tài liệu biên soạn cho Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du lịch.

Hà Hữu Nga (2009): Tri thức bản địa và phát triển. Bài tham luận tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu một số giá trị tri thức bản địa, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi, ngày 30/12/2009.

Paul Siilitoe (2005): Từ quan sát tham gia đến phát triển có sự tham gia: Làm cho nhân học có hiệu quả. In trong “Nhân học phát triển: lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức. 2005. Trang 163-196.

Philip Schuler: Sự sử dụng bất hợp pháp các nguồn tài nguyên sinh học và việc thương mại hóa các tri thức dược thảo học. In trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

Putnam, Robert D. (2000), “Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community”, Simon and Schuster, New York.

J. Michael Finger: Giới thiệu và tổng quan. Trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511705

Hôm nay

231

Hôm qua

2337

Tuần này

22079

Tháng này

218578

Tháng qua

121356

Tất cả

114511705