Những góc nhìn Văn hoá
Thời đại Hùng Vương qua các thư tịch cổ
Thời đại Hùng Vương, cũng gọi thời đại Hồng Bàng là thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đoạn mở đầu bài diễn ca Lịch sử nước ta sáng tác năm 1941 tạiPác Bó,Cao Bằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có 2 câu:
Hồng Bàng là Tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Ngày 19/9/1954, trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô, Hồ Chí Minh đã đến thăm đền Hùng. Tại đây, trong buổi trò chuyện với bộ đội đại đoàn quân Tiên phong (Đại đoàn 308), Người nói: “Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta. Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ năm 1959 đến năm 1975, giới sử học miền Bắc đã tập trung nghiên cứu thời đại Hùng Vương, thăm dò, khai quật, phân tích trên 200 di chỉ khảo cổ. Trong 4 năm 1968 - 1971 đã tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học. Kết quả đã xuất bản các tập sách: Thời đại Hùng Vương (Nhiều tác giả), Nxb Khoa học xã hội, 1971, tái bản 1975; Hùng Vương dựng nước (Nhiều tác giả), Nxb Khoa học xã hội, 4 tập, 1970 - 1974. Nhờ thành tựu của các ngành khoa học: Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn học dân gian, Văn hóa dân gian, Ngôn ngữ học, Nhân chủng học …, thời đại Hùng Vương đã được soi sáng trên nhiều góc độ, từ trong mây mù huyền thoại từng bước tiến vào lịch sử. Các tác phẩm sử học cổ của Trung Hoa, Việt Nam đã được chú ý khai thác. Đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân, đây đó huyền sử thường lẫn lộn lịch sử, các luận văn vẫn còn thiếu cái nhìn hệ thống xuyên suốt…
Sau ngày đất nước thống nhất, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, các nhà khảo cổ học tiếp tục thăm dò lòng đất các tỉnh phía Nam, một lần nữa ra sức tìm hiểu lịch sử thời đại Hùng Vương.
Lần giở thư tịch cổ Trung Hoa, có lẽ Thái Bình Quảng Ký 太平廣記 (một tuyển tập những câu chuyện do Lý Phưởng - chưa rõ năm sinh, năm mất, từng 2 lần giữ chức tể tướng dưới triều vua Tống Thái Tông (ở ngôi: 976 - 997) và 11 người khác biên soạn vào thời Bắc Tống, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 978 là tác phẩm sớm nhất còn lại đến ngày nay có nhắc đến Giao Chỉ thời Hùng Vương. Thái Bình Quảng Ký trích lại Nam Việt Chí 南越志 như sau: “Giao Chỉ chi địa pha vi cao du, đồ dân cư chi, thủy tri bá thực, quyết thổ duy hắc nhưỡng, quyết khí duy hùng, cố kim xưng kỳ điền vi hùng điền, kỳ dân vi hùng dân, hữu quân trưởng diệc viết hùng vương, hữu phụ tá yên diệc yên viết hùng hầu, phân kỳ địa dĩ vi hùng tướng"交趾之地頗爲膏腴,徙民居之,始知播植,厥土惟黑壤,厥氣惟雄,故今稱其田為雄田,其民為雄民,有君長亦曰雄王,有輔佐焉亦焉曰雄侯,分其地以為雄將。(Đất Giao Chỉ màu mỡ, dời dân đến đấy ở. Bắt đầu biết gieo trồng. Đất ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, nên nay gọi ruộng ấy là hùng điền, dân ấy là hùng dân. Có quân trưởng gọi là hùng vương, có phụ tá gọi là hùng hầu, phân chia đất cho hùng tướng) (Nguồn:https://www.facebook. com/groups/Vietnam. ancient/permalink/1379236065497942/)
Còn Lạc Vương? Ghi chép sớm nhất về Lạc Vương tại Giao Chỉ có thể được tìm thấy trong quyển Thuỷ Kinh Chú 水經注, tác phẩm của Lịch Đạo Nguyên (466 -527) vào thời Bắc Ngụy, chú thích kỹ nơi xuất xứ của các dòng sông, khảo cứu tường tận sự thiên lưu của chúng và các dấu vết của việc thành lập các châu quận cùng sự duyên cách, hưng phế của các thành trì Trung Quốc. Sách này từ phần sông Giang trở xuống có liên quan đến địa lý và lịch sử Việt Nam, rất có ích cho việc nghiên cứu, tham khảo của các nhà địa lý học, các nhà sử học nước ta.
Thuỷ Kinh Chú đã trích dẫn Giao Châu Ngoại Vực Ký 交州外域記 như sau: Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền, kỳ điền tòng triều thủy thượng hạ, dân khẩn thực kỳ điền, nhân danh vi lạc dân, thiết lạc vương, lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi lạc tướng, lạc tướng đồng ấn thanh thụ. 交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。縣多為雒將,雒將銅印青綬 (đất Giao Chỉ ngày xưa, lúc chưa có quận huyện, ruộng đất có lạc điền, ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống mà làm, dân trồng trọt ở các đám ruộng ấy để hưởng hoa lợi, vì vậy có tên là Lạc dân, đặt ra Lạc vương, Lạc hầu để trông coi các quận huyện. Ở huyện phần nhiều là chức Lạc tướng. Lạc tướng có ấn đồng dây thao xanh) (1). Nam Việt Chí là tác phẩm ở thế kỷ thứ 5, viết sau Giao Châu Ngoại Vực Ký khoảng 1 - 2 thế kỷ. Rất có thể Nam Việt Chí đã tham khảo Giao Châu Ngoại Vực Ký, rồi biến (hay chép nhầm vì tự dạng lạc 雒 và hùng 雄 gần giống nhau?) lạc điền thành hùng điền, lạc dân thành hùng dân, lạc vương, lạc hầu, lạc tướng thành hùng vương, hùng hầu, hùng tướng. Và từ đấy cụm từ “Hùng Vương” ra đời. Các bộ sử của ta đã trích dẫn nhiều về Giao Châu Ngoại Vực Ký được Thuỷ Kinh Chú dẫn ra. Giao Châu Ngoại Vực Ký là một tác phẩm ở thế kỷ thứ 3 hoặc 4, nay đã thất truyền. Đoạn văn trên được Thuỷ Kinh Chútrích lại có nhắc đến lạc điền 雒田, lạc dân 雒民, lạc vương 雒王, lạc hầu 雒侯, lạc tướng 雒將, nhưng lại không nhắc đến Hùng Vương. Từ lạc 雒 trong Giao Châu Ngoại Vực Ký vốn chỉ là một cái tên, như hiện nay ở Trung Hoa vẫn còn tên sông Lạc. Lạc còn có nghĩa là quấn (động từ) thì chắc không liên quan gì đến Lạc vương, Lạc dân…. Lạc ở đây có thể bắt nguồn từ ngôn ngữ địa phương, từ gốc là gì thì chưa rõ. Có người cho đó là biến âm của từ nác, nước, ruộng lạc là ruộng nước. Còn từ hùng 雄 trong Nam Việt Chí lại có nghĩa là hùng mạnh. Và tác giả đã viết thêm đoạn đầu - "Đất ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh” - để giải thích cho từ hùng điền, hùng dân, hùng vương, hùng hầu, hùng tướng. Từ lâu, nhiều học giả vẫn cho rằng chữ 雒 (lạc) đã bị chép nhầm thành chữ 雄 (hùng). Có đúng vậy không? Đây vẫn đang là vấn đề cần tiếp tục trao đổi. Trở lại từ hùng 雄 ? Trong thực tế, Văn Lang khi đó mới chỉ là một liên minh bộ lạc, người đứng đầu là một đại thủ lĩnh, được gọi là Kun (Lang Kun trong tiếng Mường), Khun trong tiếng Thái, Môn - Khơme, Khunzt trong tiếng Munđa chỉ người tù trưởng, thủ lĩnh) khi phiên sang tiếng Hán thành Quân (Lạc Long quân), Hùng (Hùng vương) (2). Như vậy, Hùng phải được hiểu là đại tù trưởng, đại thổ tù. Các chức vụ khác như Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng là các tù trưởng, thổ tù trông coi từng lĩnh vực; còn quận, huyện của Văn Lang được gọi là bộ. Mỗi bộ bao gồm một số quê, kẻ, cổ, lũng, làng.
An Nam Chí Nguyên 安南志原 là tác phẩm địa lí, lịch sử do học giả Trung Quốc Cao Hùng Trưng sống vào cuối thế kỉ 17, biên soạn trong thời gian làm quan ở Quảng Tây, cũng trích dẫn đoạn văn trên của Thủy Kinh Chú dẫn từ Giao Châu Ngoại Vực Ký 水經注交州外域記nhưng có thêm mấy dòng sau: hiệu Văn Lang quốc, dĩ thuần phác vi tục, dĩ kết thằng vi trị, truyền thập bát thế 號文朗國, 以淳樸為俗, 以結繩為治, 傳十八世 (Lấy tên nước là Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được18 đời). Rõ ràng Giao Châu Ngoại Vực Ký trích dẫn trong Thuỷ Kinh Chú còn tồn tại đến nay không có chi tiết lấy tên nước là Văn Lang & chi tiết 18 đời vua. Hai chi tiết này có thể xuất hiện ở một nguồn khác, và như vậy tác giả An Nam Chí Nguyên đã kết hợp nó với thông tin từ Thuỷ Kinh Chú, cho ra 18 đời lạc vương & tên nước Văn Lang.
Đến lượt thư tịch cổ nước ta. Khuynh hướng tìm về cội nguồn dân tộc đã nảy nở từ thời Lý - Trần. Bấy giờ đã có các tập ghi chép truyền thuyết, thần thoại về thời mở nước. Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, (hoặc có bản chép Lĩnh Nam trích quái嶺南摘怪 đều có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam") tục truyền do Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV ?) soạn, là một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần, sau đó Vũ Quỳnh (1452 - 1516), Kiều Phú (1447 - ?) thời Lê sơ nhuận sắc, có các thần thoại thời thái cổ như truyện họ Hồng Bàng, truyện Tản Viên, truyện Đổng Thiên Vương... Việt điện u linh 粵甸幽靈 (tập truyện về cõi u linh của nước Việt) do Lý Tế Xuyên 李濟川 soạn xong năm 1329, là một tập hợp các truyền thuyết về các vị thần linh Việt Nam trong đó có các truyện liên quan đến thời đại Hùng Vương như truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, truyện thần Phù Đổng…Tiếp đến là các bộ sử. Theo Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký 大越史記 (nay đã mất) của Lê Văn Hưu hoàn thành năm 1272 chỉ chép bắt đầu từ Triệu Vũ Đế, chưa đề cập đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương. Chỉ đến Việt sử lược 越史略 - một tác phẩm khuyết danh hoàn thành vào khoảng năm 1377còn lại đến ngày nay mới chép trong mục “Quốc sơ diên cách” (國初 沿革) một đoạn nói đến thời điểm ra đời nhà nước Văn Lang của các vua Hùng và 18 đời Hùng Vương như sau: Chí Chu Trang Vương thời, Gia Ninh bộ hữu dị nhân yên, năng dĩ huyễn thuật phục chư bộ lạc, tự xưng Hùng Vương, đô ư Văn Lang, hiệu Văn Lang quốc. Dĩ thuần hậu vi tục, kết thằng vi chính, truyền thập bát thế, giai xưng Hùng Vương 至周莊王時, 嘉寧部有異人焉,能以幻術服諸部落,自稱雄王,都於文郎,號文郎國。以淳質爲俗,結繩爲政,傳十八世,皆稱雄王 (Đến thời TrangVương nhà Chu (696 - 682 tr.CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương 雄王, đóng đô ở Văn Lang 文郎, hiệu là nước Văn Lang 文郎, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương 雄王).(3)
Đặc biệt, có lẽ người có vinh dự đưa thời đại mở nước nửa huyền thoại, nửa lịch sử vào lịch sử nước ta tương đối toàn diện đầu tiên là Hồ Tông Thốc (1324 - ?), tác giả bộ Việt Nam thế chí 越南世誌. Hồ Tông Thốc là một sử gia lớn, cũng là tác giả bộ Việt sử cương mục 越史綱目 từng được đại sử gia Ngô Sĩ Liên (sống vào thế kỷ XV, đậu Tiến sĩ năm 1442) đánh giá rất cao: “Văn Hưu là đại thủ bút thời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên chép lịch sử nước ta, tìm thêm các sách sử còn sót lại, gom hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn; người đọc không khỏi có chỗ còn chưa vừa ý. Riêng có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc làm là ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau cơn binh lửa, sách ấy không truyền”(4).
Không thấy Ngô Sĩ Liên nhận xét gì về tác phẩm Việt Nam thế chí 越南世誌của Hồ Tông Thốc, nhưng chính ông là người đã đi tiếp con đường Hồ Tông Thốc khai sáng: con đường đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. Nguyên bản Việt Nam thế chí nay không còn nữa, nhưng may mắn “Lời tựa” tác phẩm này được nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) chép lại đầy đủ trong thiên Văn tịch chí 文 籍 誌bộ Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌 đồ sộ. Lời tựa này cho ta biết Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng & các đời nhà Triệu. Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa ra danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là quốc hiệu; người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời Hồng Bàng (cũng tức là thời Hùng Vương), về mối quan hệ giữa huyền thoaị & lịch sử: “Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ thời Hồng Bàng thời gian xa cách, trong lúc mở mang, sách vở chưa đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có thì bởi đâu mà xét ra? Cho nên những chuyện cóp nhặt được đều là lượm lặt được ở tiếng vang, chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nếu lưu tâm nhận kỹ, có sức suy nghiệm thì ngọc & đá đều sẽ rõ ràng, những hình bóng tiếng vang của những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ…”(5)
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư大越史記全書 (từ đây gọi tắt là Toàn thư) do Ngô Sĩ Liên biên soạn hoàn thành vào năm 1479, về sau được nhóm Phạm Công Trứ (1600 - 1675), rồi nhóm Lê Hy (1646 - 1702) chỉnh lý và viết tiếp, chép lịch sử nước ta từ Kinh Dương Vương đến năm Đức Nguyên thứ 2 đời vua Lê Gia Tông (1675). Trong Phàm lệ, điều 1, Ngô Sĩ Liên cho biết: “Sách này làm ra, gốc ở hai bộ Đại Việt sử ký 大越史記 của Lê Văn Hưu & của Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí & những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính, biên tập mà thành.”(6). Toàn thư đã dành cả một Kỷ (Kỷ Hồng Bàng Thị) để nói về thời Hùng Vương và nhà nước Văn Lang. Kỷ này sử dụng lối viết kỷ truyện gồm các truyện: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, các vua Hùng, giống như các “kỷ” của Sử ký Tư Mã Thiên. Sau đây là mấy dòng ngắn gọn giới thiệu nước Văn Lang: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ 交趾, Chu Diên朱鳶, Vũ Ninh武寧, Phúc Lộc福祿, Việt Thường越裳, Ninh Hải寧海, Dương Tuyền陽泉, Lục Hải 陸海, Cửu Chân 九真Hoài Hoan懷驩, Vũ Định 武定, Bình Văn 平文, Tân Hưng 新興 và Cửu Đức 九德); đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang文郎 là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương”(7). Về cương vực & tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang Toàn thư cơ bản đã chép theo Lĩnh Nam chích quái (truyện họ Hồng Bàng 鴻龐氏傳), chỉ khác là không có bốn bộ Nhật Nam日南, Chân Định 真定, Quế Lâm 桂林và Tượng Quận 象郡, mà thay vào đó là bốn bộ Vũ Định, Bình Văn, Tân Hưng và Cửu Đức. Danh sách 15 bộ nước Văn Lang này còn được chép không thống nhất trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), trong Việt sử lược (gọi bộ là bộ lạc) của một tác giả khuyết danh đã nói ở trên. Khi dịch Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) chú: “ Theo H. Maspéro, những tên đó phần nhiều có tự đời Đường. Danh sách ấy là do sự hỗn tạp những tên châu, quận, huyện của các thời, thêm vào đó mấy tên trong tập truyền như Văn Lang, Việt Thường. Tất cả các sử gia Việt Nam đã chọn trong các truyền thuyết một số tên đất rồi ghép lại cho đủ số 15 bộ theo tập truyền, sự lựa chọn theo ý riêng của mỗi tác giả”.(8)
Toàn thư cũng dành một kỷ (Kỷ Nhà Thục) để nói về An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc: “An Dương Vương, họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Năm Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN](Chu Noãn Vương năm thứ 58). Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. (9)
Khâm định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑑綱目(từ đây gọi tắt là Cương mục) là bộ chính sử do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng những năm 1856-1884. Khi chép lại địa giới & tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang những người biên soạn đã có Lời cẩn án như sau: “…Sử cũ chép nước Văn Lang phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc giáp Động Đình chẳng cũng xa sự thực lắm ư! Này, Động Đình giáp hai tỉnh Hồ Nam & Hồ Băc thực ra ở về phía Bắc Bách Việt; mà Ba Thục với Văn Lang còn cách Tuấn Điền (nay thuộc Vân Nam) không liền đất nhau. Chẳng qua sử cũ chép quá khoa trương. Việc này với việc Thục Vương sau đây đều là hư truyền cả mà chưa khảo cứu được. Vả lại 15 bộ đã chia đó đểu ở trong địa hạt Giao Chỉ & Chu Diên, chứ không có bộ nào ở về phương Bắc (Trung Quốc). Như thế đủ chứng tỏ là không đúng sự thực”. (10)Thật ra cương vực nước Văn Lang bấy giờ bao gồm toàn bộ đất Lĩnh Nam 嶺南 chính là lãnh thổ của cả cư dân Bách Việt百越. Tuy nói là Bách Việt, nhưng theo Từ Nguyên thìchủ yếu chỉ có 5 nhóm người Việt ờ phía nam sông Trường Giang: 1. Đông Việt 東越ờ Chiết Giang, 2. Màn Việt 閩越ờ Phúc Kiến, 3. Nam Việt 南越ở Quảng Đông, 4. Dương Việt 揚越ờ Giang Tây, 5. Lạc Việt 黯越ờ Việt Nam. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (dựa trên nhiều nguồn cổ sử Trung - Việt): Bách Việt (chữ Hán: 百越hoặc 百粵) là một thuật ngữ lỏng lẻo bao hàm các dân tộc cổ chưa bị Hán hóa hoặc bị Hán hóa một phần đã từng sống ở vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam giữa thiên kỷ I (trước CN) và thiên niên kỷ I (CN). Đây cũng là từ cổ chỉ vùng đất mà các dân tộc này đã sinh sống. Trong tiếng Trung Quốc cổ, các chữ (越, 粵, 鉞) đã thường được dùng thay thế nhau cho nghĩa "Việt". Từ Bách Việt lần đầu tiên thấy chép là trong Sử Ký (Ngô Khởi Truyện) của Tư Mã Thiên hoàn thành năm 91 (trước CN) . Các sách cổ nói đến nhiều nhóm Bách Việt khác nhau, trong đó có Ư Việt 於越, Dương Việt 揚越, Can Việt 干越, Sơn Việt 山越, Dạ Lang 夜郎, Điền Việt 滇越, Mân Việt 閩越, Lạc Việt 雒越, Âu Việt 甌越 , hay còn gọi là Tây Âu 西甌... Các bộ tộc Bách Việt không phải là một khối thống nhất, giữa các bộ tộc này có nhiều sự khác nhau về địa bàn cư trú, văn hóa và ngôn ngữ, nhưng ngày nay khó xác định vì các nhóm bộ tộc này đều không có chữ viết nên không để lại các văn bản ghi chép.
Phần lớn các tộc Bách Việt đã bị đánh bại sau cuộc chinh phạt xuống phía Nam của nhà Tần trong giai đoạn 220 - 210 trước công nguyên. Trong thời nhà Hán họ dần dần đồng hóa với người Trung Nguyên để trở thành tổ tiên của người Hán phía Nam sông Trường Giang hiện nay. Chỉ còn sót lại Lạc Việt và Âu Việt, là 2 nhóm cư ngụ ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, không bị đồng hóa. Âu Việt là tổ tiên của người Tày Nùng, Lạc Việt là tổ tiên trực tiếp của người Kinh ở Việt Nam ngày nay.
Trở lại bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên sống trong giai đoạn hào hùng của lịch sử Đại Việt nên các trang sử của ông đều thấm đẫm tinh thần yêu nước & lòng tự hào dân tộc. Ông đã mạnh dạn đưa lịch sử nước ta lên tận nguồn gốc xa xưa từ thời Hồng Bàng, để rồi từ đó hùng hồn khẳng định nước Đại Việt không kém gì Trung Hoa, tiếp tục tinh thần Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi: “Thủy tổ ta dòng dõi họ Thần Nông, thế là Trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều, mỗi bên làm đế một phương”… “Sách Đại Việt sử ký chép chính sự của đế vương thời trước. Kể từ khi kế nối mở cõi nước Nam, thật đối ngang triều Bắc. Dòng mối ức vạn năm, với trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị, so xưa có sáng. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt đời nào cũng có”. (11)
Chính lòng tự hào dân tộc khiến các tác giả cả Toàn thư & Cương mục đẩy lịch sử mở nước của ta lên ngang hàng với lịch sử mở nước của người Hoa Hạ khi cho rằng Kinh Dương Vương ông nội của Hùng Vương thứ nhất là cháu 4 đời của Viêm đế tức Thần Nông & là tổ của Bách Việt. Viêm đế là 1 trong 5 vị đế (ngũ đế) thời truyền thuyết thượng cổ Trung Hoa dạy dân biết cày bừa trồng trọt. Ngô Sĩ Liên viết: “Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt, Vua Nghiêu sai Hy thị đến Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương. Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu (1063 - 1026 trước CN) mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy)(12). Theo chú giải của các tác giả biên dịch Toàn thư & Cương mục thìViệt Thường thị là tên nước thời cổ ở phía Nam Trung Quốc có quan hệ với nhà Chu (hiến chim trĩ cho Thành Vương), lần đầu tiên được ghi trong Thượng Thư đại truyện. Có nhiều cách giải thích khác nhau, có thuyết nói Việt Thường thị ở miền quận Cửu Đức, tức miền Hà Tĩnh (Thuỷ kinh chú, Cựu Đường thư), có thuyết nói ở vị trí nước Lâm Ấp đời sau (Văn hiến thông khảo, Minh sử, Minh nhất thống chí) (13). Thật ra, GS Đào Duy Anh (1904 - 1988) đã chứng minh có sức thuyết phục cả Giao Chỉ & Việt Thường Thị mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến ở trên đều ở lưu vực sông Dương Tử Trung Quốc “Chúng ta cũng theo sách xưa mà đặt Việt Thường ở phía Nam Giao Chỉ. Đã ức đoán Giao Chỉ ở lưu vực sông Dương Tử thì phải tìm vị trí Việt Thường ở khoảng miền ấy thôi”, chứ không phải là Giao Chỉ & Việt Thường Thị ở miền đất nước ta sau này. Chúng tôi cũng đã từng trao đổi khá tường tận với ông Bùi Thiết (1942 -2019) trong bài Mấy trao đổi về bài “Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị” đăng trên Chuyên san Xã hội & Nhân văn Nghệ An số tháng 6/2016) về vấn đề này, ở đây xin không nhắc lại”.
Dựa vào truyền thuyết & dã sử, sử cũ đã đưa thời đại mở nước từ Kinh Dương Vương, qua thời Hùng Vương đến An Dương Vương vào chính sử (quyển 1 Ngoại kỷ của Toàn thư, quyển 1 Tiền biên của Cương mục). Theo GS Phan Huy Lê (1934 - 2018): “Tính chất huyền thoại của tư liệu cùng với trình độ & phương pháp sử học của đương thời không khỏi làm cho các tác giả nửa tin nửa ngờ, vừa khẳng định, vừa băn khoăn, giữ thái độ “truyền tin truyền ngờ”về thời kỳ lịch sử quá xa xưa này. Nhưng rõ ràng đó là một việc làm có ý nghĩa nêu cao lịch sử lâu đời của đất nước, biểu hiện niềm tự tôn dân tộc & đáp ứng yêu cầu nhận thức & tình cảm của một dân tộc đã trưởng thành thời bấy giờ”. (14)
Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thường bắt gặp câu nói quen thuộc: nước ta có 4.000 năm lịch sử, hoặc nước ta có 4.000 năm văn hiến. Con số này có thể căn cứ theo cách tính của sử thần Ngô Sĩ Liên trong Toàn thư: “Trở lên là (kỷ) Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 (258 trước CN) là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm (2879 - 258 trước CN)(15). Dẫn lại đoạn này, các tác giả Cương mục thận trọng ghi Lời cẩn án: “Sự đó không biết Sử cũ khảo cứu ở đâu, bây giờ cũng hãy cứ chép lại để phòng khi tra xét ”(16). Thật ra đây là con số các tác giả sử cũ muốn chứng tỏ chúng ta cũng có thời mở nước lâu đời ngang với Trung Hoa. Đúng như nhận định của GS Phan Huy Lê, đây là tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần vô tốn Hoa Hạ 無遜.華夏 (không kém gì Hoa Hạ) rất đáng trân trọng!
Công bằng mà xét, thời đại mở nước của dân tộc ta là một quá trình lâu dài, trải qua các nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu: văn hóa Phùng Nguyên sơ kỳ đồ đồng cách ngày nay khoảng 4.000 năm; văn hóa Đồng Đậu trung kỳ đồ đồng cách ngày nay khoảng 3.000 năm; văn hóa Gò Mun hậu kỳ đồ đồng khoảng cuối thiên niên kỷ thứ II trước CN đến đầu thiên niên kỷ thứ I trước CN; văn hóa Đông Sơn đồ đồng phát triển & sơ kỳ sắt vào khoảng đầu thiên niên kỷ I trước CN. Đây là thời kỳ người Việt cổ từ rừng núi từng bước tiến xuống đồng bằng, chinh phục châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả, phát triển nghề nông trồng lúa nước, từ nông nghiệp dùng cuốc chuyển sang nông nghiệp dùng cày với lưỡi cày bằng kim loại & sức kéo của trâu bò. Về mặt xã hội, đây là bước quá độ từ công xã nguyên thủy chuyển sang xã hội có giai cấp sơ kỳ, từ chế độ mẫu hệ chuyển sang chế độ phụ hệ. Do yêu cầu đoàn kết chống ngoại xâm và làm thủy lợi của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, trên cơ sở sự phân hóa giai cấp đã bắt đầu tuy chưa sâu sắc, một nhà nước sơ khai đã ra đời vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn, khoảng trên 2500 - 2700 năm cách ngày nay. Đó cũng chính là thời điểm ra đời nhà nước Văn Lang của các vua Hùng mà Việt sử lược đã chép trong mục Quốc sơ diên cách đã dẫn ở đoạn trên. Đáng tiếc là Việt sử lược không nêu rõ xuất xứ!
Trong Bình Ngô Đại Cáo 平吳大誥 Nguyễn Trãi đã từng viết: Duy ngã Đại Việt chi quốc, Thực vi văn hiến chi bang 惟,我大越之國, 實為文獻之邦. Câu này có bản dịch cũ: Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Câu dịch thêm thắt từ để cho đăng đối theo lối văn biền ngẫu nhưng quả là không chuẩn xác. Thật ra, ngay từ năm 1368, vua Minh Thái Tổ đã công nhận nước ta là “văn hiến chi bang” chứ không phải ta tự xưng, nên dịch đúng phải là: Như nước Đại Việt ta/Thật là một nước văn hiến. Chúng tôi đã nói rõ điều này trong bài: Có nên đề cao Lê Thánh Tông quá mức như vậy không? ( Nhân đọc bài: Xin được nói thêm về Đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông trong lịch sử văn hóa dân tộc của GS NGND Nguyễn Đình Chú đăng trên Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 10/2016) (17), ở đây xin miễn nhắc lại. Trong Toàn thư (Ngoại kỷ), quyển III Ngô Sĩ Liên lại viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương (187 - 226)”.(18). Như vậy, Nguyễn Trãi tự hào nước ta là một nước văn hiến, và nếu theo Ngô Sĩ Liên thì nước ta mới có chưa đầy 2.000 năm văn hiến. Cách hiểu văn hiến 文獻của Nguyễn Trãi & Ngô Sĩ Liênchắchẳn theo cách hiểu của Chu Hy ((1130 - 1200) khi vị đại Nho đời Tống này chú thích lời của Khổng Tử: “Văn là kinh điển, sách vở; hiến là hiền tài.” (Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã文,典籍也, 獻,賢也). Đó cơ bản cũng là cách giảng nghĩa từ văn hiến của Đào Duy Anh và Lê Văn Đức trong các bộ Từ điển Hán Việt của họ. Còn theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì giảng văn hiến là “truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp” hay Đại từ điển tiếng Việt Nguyễn Như Ý chủ biên giảng văn hiến là “truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều nhân tài” …và tính thời điểm ra đời nhà nước Văn Lang của các vua Hùng thì cũng có thể nói cho đến nay nước ta có gần 3.000 năm lịch sử hay gần 3.000 năm văn hiến vậy!
Chú thích:
(1)Lịch Đạo Nguyên. Thủy kinh chú. Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.427.
(2) Xem: Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương trong Hùng Vương dựng nước t III, Nxb Khoa học xã hội. H..1973, tr.353 - 355.
(3), ( 8) Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch). Nxb Thuận Hóa 2005, Phần quốc ngữ tr. 18, phần chữ Hán trang 228 - 229; tr.19. Nhân đây cũng cần nói thêm, danh sách 15 bộ của nước Văn Lang cũng như danh sách các đời vua nước Văn Lang từ Kinh Dương Vương 涇陽王 đến 18 đời Hùng Vương (Lạc Long Quân 雒(貉)龍君Hùng Hiền Vương 雄賢王- tứcHùng Vương thứ nhất) cho đến 雄睿王Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18) đều dùng chữ Hán ghi toàn tên Hán Việt, không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng đây hẳn là do các nhà Nho về sau tạo ra, chứ thời Văn Lang làm gì đã có những tên Hán Việt như thế!
(4) Ngô Sĩ Liên & Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư T1, Nxb Văn hóa - Thông tin, H.2003,tr.122. Xem thêm: Hồ Sĩ Hùy: Bản lĩnh Hồ Tông Thốc trong nền văn hóa Thăng Long - Đại Việt T/c Khoa học & Công nghệ Nghệ An số 1+2/2014
(5) Dẫn lại theo Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, T3, Nxb Khoa học Xã hội, H.1992,tr.163.
(6), (7) , (9), (11), 12), (13), (15), (18) Ngô Sĩ Liên & Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư T1, Sđd, tr.127; 175; 179; 121; 178; 228.
(10), (16)Quốc sử quán triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mụcNxb Giáo Dục. 2007, T1, tr.70; 74.
(15) Phan Huy Lê: Đại Việt sử ký toàn thư Tác giả - Văn bản - Tác phẩmin trong Đại Việt sử ký toàn thư T1, Sđd, tr. 108.
(17) Xin xem: Hồ Sĩ Hùy, Mai Phương Ngọc: Có nên đề cao Lê Thánh Tông quá mức như vậy không? Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 12/2016.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511705
231
2337
22079
218578
121356
114511705