Những góc nhìn Văn hoá

Miếu Lịch Đại Đế Vương - một di tích kiến trúc độc đáo của Huế cần được phục hồi

Ở Huế đã từng có một ngôi miếu Lịch Đại Đế Vương được xây dựng đầu thời Minh Mạng, thờ các vị Tổ của dân tộc, những người khai sáng và đặt nền tảng để chúng ta có đất nước Việt Nam hoàn chỉnh ngày nay: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương…Đây có thể xem là ngôi đền thờ Quốc tổ, rất cần nghiên cứu, phục hồi…

*

Phía nam Kinh thành Huế, ngay bên cạnh đồi Hàm Long có ngôi chùa cổ được xếp vào hàng đại danh lam của xứ Thần kinh - chùa Báo Quốc, đến nay vẫn còn một địa danh không kém phần nổi tiếng: LỊCH ĐỢI. Người Huế ai cũng biết địa danh Lịch Đợi, bởi tại đây có cả thôn Lịch Đợi, dốc Lịch Đợi và nay có cả đường Lịch Đợi, nhưng có lẽ lại không nhiều người biết rằng, xuất xứ của địa danh này gắn liền với một di tích kiến trúc rất quan trọng của thời Nguyễn - miếu Lịch Đại Đế Vương.

Nguyên tên gọi Lịch Đợi là do đọc trại từ hai chữ Lịch Đại - tên gọi tắt của miếu Lịch Đại Đế Vương, là ngôi miếu do triều Nguyễn lập ra để thờ các đấng minh quân có công khai sáng văn minh của Việt Nam và Trung Hoa. Theo sử sách triều Nguyễn, miếu Lịch Đại Đế Vương được dựng từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823) trên địa phận xã Dương Xuân, phía nam, ngoài Kinh thành Huế. Miếu có quy chế nghiêm ngặt, được triều đình bảo vệ và tổ chức tế tự định kỳ hàng năm. 

Mặt trước Miếu Lịch Đại Đế Vương - tranh vẽ bằng Bút sắt của Nguyễn Thứ (1914)

Quy mô xây dựng của miếu khá lớn. Miếu chính xây mặt hướng Nam, là một toà nhà kép kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, một thức quen thuộc của kiến trúc cung điện Huế. Chính đường 5 gian hai chái kép, Tiền đường 7 gian 2 chái đơn; nền miếu cao 2 thước 2 tấc (khoảng 1m), mái lợp ngói âm dương; bờ mái đắp nổi hình rồng; trước nền có 3 hệ thống bậc cấp bước lên xây bằng đá, mỗi hệ thống 5 bậc. Hai bên miếu chính là hai nhà Tả vu, Hữu vu, đều 5 gian; mái lợp ngói âm dương. Ba công trình này hợp cùng chiếc cổng tam quan hai tầng ở mặt trước (Tam quan này cũng lợp ngói âm dương) tạo nên một cấu trúc hình chữ  “Khẩu” (một kiểu cấu trúc thường gặp trong kiến trúc truyền thống Huế. Chung quanh miếu có tường gạch bao bọc cả 4 mặt, ngoài cửa tam quan chính còn mở hai cửa bên tại hai mặt đông, tây. Bên ngoài tam quan lại có một khoảng sân khá rộng, rồi đến một cửa phường xây trụ gạch theo lối tam quan. Đầu 4 trụ đều đắp nổi hình hoa sen. Biển ngạch cửa giữa bên ngoài đề “ Đế vương thống kỷ” (nối dòng đế vương các đời), bên trong đề “ Cảnh ngưỡng tiền huy” (Ngưỡng mộ đức sáng đời xưa). Biển ngạch hai cửa bên trái, phải, ngoài đề “Phương huy kim cổ tại” (Xưa nay để dấu thơm), “Đạo thống Bắc Nam đồng” (Nam Bắc đồng mối đạo); bên trong đề” Khoáng nghi quang vãng điệp” (Nghi lễ sáng sử sách trước), “Hồng huống điện viêm giao” (phúc lớn định viêm bang). Hai bên cửa phường này gắn liền với một lớp tường thấp xây gạch nối dài qua hai bên, khiến quy mô miếu thêm rộng rãi, khang trang.

Tam quan và cổng chính của Miếu Lịch Đại Đế Vương - tranh vẽ bằng Bút sắt của Nguyễn Thứ (1914)

Phía bắc tường miếu, năm Minh Mạng thứ 10 (1829), dựng một tòa nhà 3 gian, gọi là Tể sinh sở, tức nơi giết mổ các con vật trong các dịp tế tự. Tòa nhà này đến năm Thành Thái thứ 14(1902) còn được trùng tu.

Về cách bài trí các án thờ, sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ :

Tại miếu chính: Trong gian chính trung, ở giữa thờ Phục Hy, Tả nhất thờ Thần Nông, Hữu nhất thờ Hoàng Đế, Tả nhị thờ Đường Nghiêu, Hữu nhị thờ Ngu Thuấn, Tả tam thờ Hạ Võ, Hữu tam thờ Thương Thang, Tả tứ thờ Chu Văn và Hữu tứ thờ Chu Võ.

Gian tả nhất thờ 5 vị vua khai sáng của người Việt:  Kinh Dương vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương[1]và Đinh Tiên Hoàng.

Gian hữu nhất thờ vua Lê Đại Hành và 3 vị vua triều Lý là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông , Lý Nhân Tông.

Gian tả nhị thờ 3 vị vua triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông.

Gian hữu nhị thờ 4 vị vua triều Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Trang Tông Và Lê Anh Tông.

Tại hai nhà Tả Vu và Hữu Vu: Thờ các vị tướng Trung Hoa và Việt Nam.

Tả Vu thờ 14 vị, gồm 6 danh tướng Trung Hoa là : Phong Hậu, Cao Dao, Long Bá Ích, Phó Duyệt, Thái Công Vọng, Thiệu Mục Công Hổ; và 8 danh tướng Việt Nam là: Nguyễn Bặc, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu, Nguyễn Xí, Lê Niệm và Hoàng Đình Ái

Hữu Vu thờ 15 vị, gồm 8 danh tướng Trung Hoa là Lực Mục, Hậu Quỳ, Bá Di, Y Doãn, Chu Công Đán, Thiệu Công Thích, Phương Thúc, Hồng Hiến; và 7 danh tướng Việt Nam là: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Duy Thoan và Phùng Khắc Khoan[2].

Về quy cách tổ chức lễ tiết tại miếu Lịch Đại Đế Vương, triều Nguyễn quy định: mỗi năm tổ chức hai dịp tế tự chính vào ngày Tân tháng Trọng xuân (tháng Hai âm lịch) sau ngày tế Xã tắc và ngày Tân đầu tháng của tháng Trọng thu (tháng Tám âm lịch). Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), bổ sung thêm quy định, gặp năm có khánh điển (lễ lớn) thì vua sẽ thân chinh đến tế lễ, còn bình thường thì phái các vị hoàng tử đi khâm mạng (thay mặt vua). Ngoài ra, trong các dịp Chính đán, Đoan dương thì chọn một viên quan văn hàm tam phẩm trở lên để thay mặt vua đến tế tự. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), triều Nguyễn tỉnh giảm bớt lễ tế vào dịp Đoan dương.

Cũng xin nói thêm là dưới thời Nguyễn, bên trái miếu Lịch Đại còn có một  ngôi miếu thờ riêng Lê Thánh Tông, dựng từ năm Gia Long thứ 8 (1809). Đến năm 1924, do miếu bị đổ nát, triều Nguyễn đã cho dời bài vị Lê Thánh Tông qua thờ chung tại miếu Lịch Đại[3].

Dưới thời Nguyễn, miếu Lịch Đại Đế Vương thường xuyên được chăm sóc, tu bổ, đặc biệt là vào các năm 1831, 1843, 1848, 1902 .vv... . Tuy nhiên, về cuối triều Nguyễn, do tình hình tài chính eo hẹp, miếu càng ngày càng ít được tu bổ hơn. Đến năm 1914, theo bác sĩ A.Sallet và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hoè trong bài khảo cứu Liệt kê các đền miếu và những nơi thờ tự ở Huế ( Enumération des temples et lieux de culte de Hué B.A.V.H 1914, No2), miếu vẫn còn gần như nguyên vẹn nhưng các văn tự trên cổng tam quan đã bị xoá. Hình ảnh trên thể hiện khá rõ nét trên hai bức tranh vẽ bằng bút sắt vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Thứ thực hiện trong thời kỳ này. Khi ấy diện mạo toàn khu miếu cũng như ngôi miếu chính vẫn còn khá nguyên vẹn và rất đẹp (xem ảnh). Đáng tiếc là sau khi triều Nguyễn sụp đổ, miếu Lịch Đại Đế Vương không được ai chăm sóc, bảo quản nên bị xuống cấp rất nhanh. Trong khoảng thời gian từ năm 1958-1966, chính quyền Sài Gòn cũng đã nhiều lần đề cập đến việc khôi phục ngôi miếu này, tuy nhiên, do nhiều lí do, họ đã không thực hiện được[4]. Rồi chiến tranh cùng nhiều nguyên nhân khác đã khiến ngôi miếu nổi tiếng trên bị đổ nát và dần dần rơi vào quên lãng. Dân di cư và một số gia đình binh sĩ chính quyền miền Nam đã lấn chiếm dần khuôn viên khu miếu và biến nơi này thành bình địa[5].. !

Có lẽ đã đến lúc chúng ta đặt ra vấn đề phục hồi miếu Lịch Đại Đế Vương. 

Còn nhớ, trong dịp tổ chức giỗ tổ Hùng Vương năm trước, một số người đã nêu ý kiến nên xây dựng một ngôi miếu thờ vua Hùng tại Huế. Có lẽ, họ không biết rằng, tại đây đã từng có một ngôi miếu không chỉ thờ Quốc tổ Hùng vương mà còn thờ tất cả các vị vua tiêu biểu của nước ta qua các triều đại, vì vậy mới có tên miếu Lịch Đại Đế Vương. Đây cũng là ngôi miếu duy nhất thuộc dạng này ở Việt Nam còn khá đầy đủ các bằng chứng và vết tích về sự tồn tại của nó. Vậy thì việc phục hồi ngôi miếu này có lẽ là hết sức cần thiết. Hơn nữa, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đủ để chúng ta có được kinh nghiệm và tài lực trong việc nghiên cứu, phục hồi ngôi miếu độc đáo này. 

Dĩ nhiên, nếu phục hồi được miếu Lịch Đại Đế Vương, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu để bố trí thờ tự một cách phù hợp. Đây sẽ là nơi thờ các vị hoàng đế và đại thần tiêu biểu có công lao to lớn với đất nước, các vị “vua sáng, tôi hiền” của các triều đại quân chủ Việt Nam trong lịch sử. Và nếu như vậy, Huế sẽ có thêm một công trình độc đáo, vừa chuyển tải được các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống lại vừa đáp ứng được nhu cầu ngưỡng vọng, chiêm bái các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong lịch sử của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách./.

 


[1]Ở Huế đã từng có một ngôi miếu Lịch Đại Đế Vương được xây dựng đầu thời Minh Mạng, thờ các vị Tổ của dân tộc, những người khai sáng và đặt nền tảng để chúng ta có đất nước Việt Nam hoàn chỉnh ngày nay: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương…Đây có thể xem là ngôi đền thờ Quốc tổ, rất cần nghiên cứu, phục hồi.

[2]Năm Minh Mạng thứ 11(1830), đưa Sĩ Vương vào thờ trong hàng tùng tự tại Văn Miếu và bỏ bớt chỗ thờ Lê Anh Tông; năm Minh Mạng 16 (1835), lại đưa Thái Công Vọng sang thờ trong chính án tại Võ Miếu.

[3]Theo sử triều Nguyễn, miếu Lê Thánh Tông vốn có từ thời chúa Nguyễn, trải qua chiến tranh nên bị hư hỏng, năm Gia Long thứ 8 mới xây dựng lại. Miếu nằm bên tả miếu Lịch Đại Đế Vương, quy mô gồm 1 tòa, chính đường, tiền đường đều 3 gian, chung quanh có tường gạch bao bọc, phía trước trổ cửa Nguyệt môn. Lế tế tại miếu được tổ chức cùng ngày với miếu Lịch Đại (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, bản Duy Tân năm thức 3 (1909), quyển 1, Kinh Sư; bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1960, tr.37).

[4]Năm 1959, Viện Khảo Cổ Sài Gòn đã hoàn tất một số bản vẽ để "tái thiết" tòa điện chính của ngôi miếu này. Tuy nhiên, các bản thiết kế này lại đưa ra một mẫu kiến trúc hoàn toàn khác công trình đã từng có (không phải nhà kép "trùng thiềm điệp ốc", kích thước lại nhỏ hơn, nền bê-tông, kèo sắt..) với lí do chính là không đủ kinh phí. Dù vậy, các bản vẽ này vẫn không được thực hiện (Xem các bản vẽ lưu trữ tại phòng Tư liệu, Trung tâm BTDTCĐ Huế).

[5]Theo bản tường trình của Ủy ban điều tra hiện trạng miếu Lịch Đại Đế Vương, ngày 26/11/1966, tổng diện tích khu miếu tọa lạc là 5.485m2, đến lúc ấy chỉ còn 630m2 nền miếu chính bỏ hoang cùng 1.966m2 đất vườn. Số đất còn lại (2.888m2) đã bị 13 hộ gia đình dân di cư sau năm 1954 và binh sĩ (chính quyền miền Nam Cộng hòa) chiếm đóng. (Xem các văn bản lưu trữ tại phòng Tư liệu, Trung tâm BTDTCĐ Huế).

* Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511710

Hôm nay

236

Hôm qua

2337

Tuần này

22084

Tháng này

218583

Tháng qua

121356

Tất cả

114511710