Những góc nhìn Văn hoá

Ở đuôi con mắt có ngày tháng xưa

Con người tự nhiên sống với thời gian một chiều. Thi ca, nhất là thi ca lãng mạn, sống đồng thời với thời gian ba chiều quá khứ hiện tại tương lai và coi đó là vũ điệu đi tới chân lý thẩm mĩ.

Vào tháng 3 năm 1932, không phải người của phái tân học, ông Phan Khôi - một trong những nhà văn xuất sắc nhất của phái cựu học dõng dạc tuyên bố thơ cũ không chơn và cổ súy mạnh mẽ một lối thơ mới ra đời bằng bài Tình già của chính ông; chẳng ai ngờ được, 10 năm sau, lời nói đó lại mở đầu cho một thời đại thi ca mang tên gọi Phong trào Thơ Mới, thì cũng vào đúng tháng đó, năm đó, ở phía Bắc thành Hà Nội, cậu bé Trần Bích Lan, vốn dòng dõi con quan cháu chúa triều Nguyễn, gốc quê ở Thừa Thiên Huế đã khóc tiếng chào đời. Hơn 20 năm sau. Vào năm 1958; ở Sài Gòn, xuất hiện tập thơ Nguyên Sa, bút danh của Trần Bích Lan, tự nhận và được đánh giá là người kế tục chủ nghĩa lãng mạn của Phong trào Thơ Mới 1930-1945. Trong khi vào thời điểm đó, nhiều thi sỹ trẻ mà rõ rệt nhất là Thanh Tâm Tuyền đã thành công bằng đi con đường khác, náo nức tìm cách khoác bộ cánh mới của chủ nghĩa hiện sinh, một triết lý ảnh hưởng sâu sắc tới văn chương miền Nam 1954-1975. Điều đáng ngạc nhiên là Nguyên Sa rất quen thuộc với triết học ấy từ khi học ở Pháp 1948-1955 để lấy bằng Tú tài và sau đó là Cử nhân ở đại học Sorbone Paris. Hơn thế nữa, khi trở về Sài Gòn 1956, Nguyên Sa lại là giáo sư triết học. Thi sỹ có lần nói không cảm thấy gắn bó sâu xa với triết học hiện sinh, mặc dù hồi ký Nguyên Sa có lần viết Thiên tài là hiện sinh, là những hiện sinh không tận tuyệt. Cũng vì vậy đời thơ ông một vài lần cũng vương vấn những buồn nôn, phi lý mà trước sau chẳng bao giờ theo đuổi triết lý dấn thân.

Theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn, tự nguyện làm người viết thơ tình yêu xúc động trước tình cảm lứa đôi và những khổ đau của quê hương xứ sở mình; Bước vào địa hạt thi ca từ 1953 bằng những sáng tác đầu tiên đến tháng 4/1998, khi qua đời ở Hoa Kỳ, Nguyên Sa tự buộc phận mình vào cõi thơ. Năm 2000, Thơ Nguyên Sa toàn tập được xuất bản ở hải ngoại với bốn tập và một số bài thơ cuối cùng. Bốn tập thơ. Một đời thơ. Cả thảy 194 bài, kể cả những bài chuyển sang Anh ngữ. Dường như đó là bản nhạc màu của thời gian trong ký ức cuộc đời. Lúc khởi đầu man mác buồn nhớ lại Tuổi mười ba khi không biết trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng, để tôi không về bong bóng vỡ trên tay. Nhớ tuổi nàng chỉ tuổi 13 má vẫn đỏ đỏ một màu con gái. Tuổi của áo vàng như màu hoa cúc và áo xanh màu lá sân trường. Khi Tương Tư không biết gặp tự khi nào cũng là lúc rừng không biết nói nên tiếng lau cao lay động cánh tay già. Cho đến lúc cuộc đời dần như khép lại đêm tối của dĩ vãng thì Nguyên Sa Đi chơi cuối tuần cũng dắt ký ức đi theo trong nỗi băn khoăn không biết có còn tiếng vạc lạc loài đêm xưa bay qua nữa hay không? Có lúc như mê sảng ký ức mà xin người xưa một chút áo lụa vàng và gửi cho nàng tiếng thở dài đêm cũ. Cơn mê sảng mới phủ lên bầu trời. Cơn mê sảng có tiếng cười trẻ nhỏ. Nếu tình yêu ngày xưa gửi vào trong màu Áo lụa Hà Đông cũng là lúc hát bài về sông Cửu Long cầm trên tay bát gạo Hậu Giang mà mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng Phương Nam thì giờ đây, trong Trái tim, trí nhớ và dòng sông lại là sông Hồng tuổi nhỏ ngầu phù sa, là thành phố mà tuổi thơ Nguyên Sa thả hồn mình ở đó, nơi ông sinh ra gần vườn hoa Hàng Đậu. Nơi mùa thu vô thủy vô chung trên mái già cổ kính đất Thăng Long, nơi nỗi nhớ da diết bùng lên khi Tiễn bạn trong cơn đau sắp đi về miền cực lạc. Bức tranh ký ức về thành phố tuổi thơ lung linh trong huyền diệu.

Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh

Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa

Tiễn nhau nhớ tháng giêng mưa

Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình

Nguyên Sa viết mấy câu này vào năm 1998 ở Hoa Kỳ, khi ông đã rời xa Hà Nội trước đó 50 năm chưa một lần trở lại. Bởi thế thơ Nguyên Sa là bức tranh của ký ức được tình cảm, tưởng tượng và liên tưởng vốn là vũ khí đầy hiệu lực của chủ nghĩa lãng mạn bồi đắp nên; Điều mà Nguyên Sa gọi tưởng tượng là người đàn bà đẹp kiêu sa. Liên tưởng là cô bạn láng giềng làm cho ở đuôi con mắt có ngày tháng xưa là như vậy đấy.

Thơ Nguyên Sa tập 1, viết từ 1953 đến 1958 là bằng chứng rõ rệt nhất tác giả của nó là người kế tục chủ nghĩa lãng mạn của Thơ Mới 1930-1945 và đó cũng là tập thơ hay nhất của ông. Hồi ký Nguyên Sa xuất bản tại Hoa Kỳ 1998, đã giành nhiều ưu ái cho Phong trào Thơ Mới. Nguyên Sa bày tỏ việc học tập Đoàn Phú Tứ về Luật phản thanh theo đó coi thơ là sự phối âm chặt chẽ trên một nền âm nhạc hiện đại. Hay nói như F.Rabelais (1): thi ca là vũ điệu. Sự phối hợp âm thanh theo luật phản thanh được thực hiện bởi những chữ, những câu đứng bên nhau trở thành êm ái chứ không phải chỉ có vần của những chữ ở cuối câu mới làm được công việc này. Việc học tập sử dụng hình ảnh bậc 2 của Lưu Trọng Lư cũng được trang trọng nhắc đến. Nguyên Sa đưa ví dụ: Mắt em là một dòng sông/Hồn anh bơi lội trong dòng mắt em. Hình ảnh bậc 1 mắt em đưa tới hình ảnh bậc 2 dòng sông, theo cách nói của Nguyên Sa không chỉ còn là sản phẩm của tưởng tượng. Nguyên Sa ca ngợi Xuân Diệu cũng như và giống như René của F.Chateaubriand (2), người tiên phong từ bỏ chân trời của chủ nghĩa cổ điển để làm rạng danh chủ nghĩa lãng mạn trong thi ca. Điều đó thật có ý nghĩa. Bởi vì thế hệ của Nguyên Sa khi bước vào thơ giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn đã buồn cái buồn của phi lý, như ngọn đèn của thời gian leo lét sáng từ vô cực nhỏ đến vô cực lớn hư vô, là giáo điều của chủ nghĩa hiện sinh. Nguyên Sa không làm theo lý thuyết dấn thân của chủ nghĩa ấy và bày tỏ không thích loại thơ thời cuộc. Ngay từ 1966, Vũ Bằng đã gọi Nguyên Sa là thi sỹ của tình yêu lãng mạn. Toàn bộ thơ Nguyên Sa, ngoại trừ thơ văn xuôi đều là những vũ điệu của tình yêu và là một phần lý do ông có tới 19 bài thơ được phổ nhạc, đặc sắc hơn cả bởi nhạc sỹ tài danh Ngô Thùy Miên. Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tháng 6 trời mưa, Tương Tư. Paris có gì lạ không em... Các bài thơ tình yêu được viết theo thể 7, 8 chữ hoặc thơ tự do như phục sinh lại những điều Thơ Mới đã mang đến cho thi ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, nguồn cảm hứng về Mùa thu và về Mưa như là nét chủ đạo của một hồn thơ lãng mạn đã có sức lôi kéo kỳ lạ đối với người đọc. Đến nỗi Nguyên Sa tập 1 được tái bản tới 7 lần. Điển hình nhất và được nhắc đến nhiều nhất là Áo lụa Hà Đông. Mùa thu ở đây là một ký ức bởi vì lúc ấy đang là nắng Sài Gòn và bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông chợt đến chợt đi như trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu. Hình ảnh bậc 2 kiểu Lưu Trọng Lư hiện lên mới lạ.

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

Mùa thu tóc ngắn trở thành thương hiệu mang tên Nguyên Sa. Giống như Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử vậy.

Em ở đâu bởi mùa thu tóc ngắn

Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.

Nhà văn Thụy Khuê có lẽ đã chính trị hóa quá xa khi cho rằng Áo lụa Hà Đông mô tả em gái Bắc Kỳ di cư. Nguyên Sa không có ẩn ý đó, chỉ có điều rõ ràng mùa thu và mưa ám ảnh cả đời thơ Nguyên Sa. Thơ Mới lãng mạn 1930-1945 và thơ Miền Nam 1954-1975 cũng coi mùa thu và mưa là chủ đề quen thuộc. Vậy mà Nguyên Sa vẫn tìm ra tiếng nói độc đáo của riêng mình.

Đó là tháng 6 trời mưa với lời mở đầu mộc mạc không ai nghĩ sẽ kể một chuyện tình. Tháng 6 trời mưa, trời mưa không ngớt. Đó là Tương tư được diễn tả bằng trăng sáng trời khuya, cánh nhạn thưa thốt lúc thu về. Đó là Paris mùa thu lộng lẫy vàng lối đi xưa níu người ở lại. Đặc biệt là hình tượng liễu vốn rất quen thuộc và xưa cũ được Nguyên Sa phổ vào bản tình mang đến dưới những dòng thơ nhiều tầng ý nghĩ.

Anh đi giữa một ngàn thu cũ

Nhớ mãi mùa thu bẽn lẽn chào

... Em gầy như liễu trong thơ cổ

Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường.

Có một lần, đi ngang cửa A Tì, cửa ngục tối theo kinh nhà Phật, Nguyên Sa dường như nhặt lại được câu thơ của Phong trào Thơ Mới lưu lạc ở một bến đò ngang mà thời 30-45 người ta đã bỏ quên.

Cứ tưởng mưa xong có nắng vàng

Tới sông tìm mãi chuyến đò ngang

Bỗng nhìn thấy ở trong lưu lạc

Có ngọn lưu đầy chỗ cuối đêm.

Ký ức về mùa thu và mưa ám ảnh Nguyên Sa cho đến lúc ông sắp lìa khỏi cõi đời. Bốn bài lục bát cuối cùng viết hồi tháng 3, 4-1998 vẫn là thu và mưa.

Nếu khi từ Pháp trở về hồi 1955, 1956 thơ Nguyên Sa có một số câu, số chữ người ta bảo viết theo lối phương Tây; Nhưng từ năm 1966 và đặc biệt sau năm 1975, sống ở hải ngoại, dường như Nguyên Sa muốn tìm lại chủ nghĩa lãng mạn cho thơ mình dưới dạng dân dã của thơ lục bát. Có đến 80 bài lục bát, chiếm gần một nửa tổng số thơ 194 bài. Phần nhiều là những bài thơ ngắn. Khoảng dưới 10 câu. Giản dị, dễ hiểu nhưng chỉ có một vài câu đậm đà hương sắc và ý vị riêng.

Ba phần dỗ, một phần xin

Hôn dâu bãi tạm tìm thêm đất bồi.

Thơ viết ở hải ngoại 1976-1998, Nguyên Sa tiếp tục thể thơ văn xuôi, đã được thử nghiệm từ hồi đầu mới bước vào làng thơ. Thơ văn xuôi không bị câu thúc về vần điệu và dường như thơ không còn là vũ điệu, vốn là thế mạnh của Nguyên Sa nữa. Muốn hay phải có ý tưởng sâu sắc và hình tượng thơ độc đáo. Thơ văn xuôi Nguyên Sa thường động chạm tới những vấn đề thế sự, thời cuộc - vốn không phải là địa hạt ông yêu thích và đằm thắm với nó nên thường nhàn nhạt, dàn trải và ít có đột khởi, hạn chế tầm vóc Nguyên Sa trên thi đàn. Các bài thơ văn xuôi viết từ 1988 đến 1995 in trong tập 3 và từ tháng 10 năm 1995 đến tháng 4 năm 1998 in trong tập 4 nhiều lúc rơi vào trạng thái mê sảng, đôi khi là những mê sảng triết học được cảm nhận ở trạng thái phổ thông ít tạo được những đột phá sáng tạo thơ, mặc dù triết học vốn là địa hạt thuần thục của ông ngay từ khi còn học ở trường đại học. Có quan điểm cho rằng: chặt đứt liên hệ âm thanh và ngữ nghĩa, đưa ra những bức họa, những đoản âm khác nhau là chất mới của thơ văn xuôi Nguyên Sa. Thực chất của điều này là việc sử dụng thủ pháp một câu thơ không đồng nhất với một dòng thơ mà được cắt ra thành nhiều dòng và từng dòng ấy nhiều khi không có nghĩa. Thủ pháp đã được Nguyên Sa sử dụng từ hồi 1956-1957 trong các bài như Cái chết, Gọi em, Ngỏ ý, Ngoài tầm v.v… không đem lại hiệu lực và giá trị thẩm mỹ của câu thơ và dường như phá hỏng vũ điệu của thơ. Điều mà Nguyên Sa tâm đắc. Chẳng hạn.

Một buổi sáng tỉnh dậy thấy em tới

Chay ra mở cửa sổ gọi tên em rất to. Những tiếng kêu

Thất thanh vang trên hè phố.

Thơ văn xuôi dường như là một nghiệp chướng. Nhiều tác giả ở trong nước viết thơ văn xuôi chừng 30 năm gần đây cùng với thủ pháp chặt đứt liên hệ âm thanh và ngữ nghĩa cũng ít có bài đặc sắc lôi kéo được công chúng bạn đọc về thể loại này. Trong khoảng thời gian đó, từ thơ văn xuôi, thường là rất dài, các nhà thơ đương đại Việt Nam lại muốn viết thơ rất ngắn, trong đó có thơ Hai Kâu mà thi sỹ Lê Đạt có câu tựa đề khi viết về nó là ... Em đùi thắng cảnh mắt danh lam. Lê Đạt còn bảo Hình như độc giả thơ hiện đại có thói quen Fast Food (3). Câu này chắc không nhằm vào thơ Hai Kâu, thể thơ mà Lê Đạt rất nể trọng. Nhưng có lẽ Hai Kâu ngắn ngủi cũng chưa có được thành tựu mạnh mẽ thuyết phục số đông người đọc thơ Việt Nam.

Đọc hồi ký Nguyên Sa, trong tâm trạng đồng cảm sẻ chia của những người bạn văn chương, ngẫu nhiên nhận thấy căn nguyên của sự không thành công thể thơ văn xuôi trong thi ca Nguyên Sa. Càng đọc hồi ký khi viết về thế sự trường đời càng thấy Nguyên Sa Trần Bích Lan càng tỏ ra là người chứng kiến ngờ nghệch của xã hội miền Nam Việt Nam thời đó đầy bất trắc, lo âu và trôi nổi phi lý của số phận con người. Những đoạn hồi ký khá dài về Bác sỹ Trần Kim Tuyến, về nhà văn Chu Tử... đều minh chứng cho Nguyên Sa đứng ngoài chính trị; là người ngoài cuộc với những nhân vật mà bản thân một nhà giáo, một nhà thơ không hiểu hết và làm sao biết được chuyện ma ăn cỗ của giới chính trị nham hiểm thời đó. Nhận xét về Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cậu Ngô Đình Cẩn... cùng giống nhau ở đôi mắt như mắt cọp ngủ, mu khép xuống phủ kín; khi hai mu mắt kéo lên để lộ tròng mắt lớn trồi ra dữ dội đã cho Nguyên Sa một cảm giác mơ hồ về sự bất trắc của nền chính trị đương thời. Cả việc hồi đầu năm 1948, bị Việt Minh bắt nhầm ở Vân Đình, khi mà ông lại được người đi bắt cõng đi suốt trong đêm hay món súp rồng để chống lại bệnh sốt rét thời ấy không phải là câu chuyện của một riêng ai; le lói lên ánh sáng của lương tri và lẽ phải. Thân phận Nguyên Sa trước sau chỉ là một thi sỹ ngợi ca tình yêu lứa đôi với quê hương xứ sở. Do đó, hễ khi nào bước vào thơ thế sự, mà rõ nhất là thơ văn xuôi, Nguyên Sa trở nên giản đơn và bằng phẳng. Mặc dù là một giáo sư triết học, nhưng ông chỉ tư duy bằng những mệnh đề lý thuyết ở giai đoạn cuối đời chưa giúp ông chạm đến ngọn nguồn thẩm mỹ của thi ca. Đôi khi nhận thấy những nhầm lẫn của ông về thời cuộc. Điều đó tránh làm sao được trong sự khốc liệt của giai đoạn lịch sử ấy. Bác sỹ Zhivago của Boris Pasternak có lần nói rằng: Mọi sự vận động trên thế gian nếu xem xét riêng, đều được tính toán một cách tỉnh táo; nhưng nhìn toàn diện, gộp lại thì chúng đều là vô thức (4). Hồi ký của Nguyên Sa như một ví dụ cho luận điểm đó chăng? Ít nhất, ở những đoạn nói về thế sự.

Lúc sinh thời Nguyên Sa tâm sự muốn suốt đời vĩnh viễn làm thơ cho những người con gái đi lấy chồng mang theo làm vốn liếng. Nhưng ông cũng nói sẽ bỏ làm thơ khi lòng người cũng yêu đương mà mở toang cửa ngõ bởi khi đó làm thơ chỉ như thầy kiện già biện hộ cho tình yêu. Có lúc lại sợ bỏ làm thơ như sợ người đời bổ nhiệm làm phu lục lộ đi đo sự già nua của tâm hồn mình. Chỉ tiếc một điều cho đến ngày thở hơi cuối cùng ở Hoa Kỳ năm 1998, ông vẫn chưa kịp trở về đất nước để chứng kiến sự đổi thay nơi quê hương ông đã nặng lòng với nó. Mấy chục năm nay, sau cuộc chiến tranh oanh liệt và tàn khốc mà mỗi gia đình Việt Nam khắp Bắc Trung Nam sau cuộc chiến hầu như đều chít khăn tang trắng trên đầu. Bởi thế cứ đến ngày 30 tháng 4 hàng năm lại vang lên tha thiết tiếng gọi đoàn viên khắp núi sông bờ cõi. Sự đoàn viên phải trả giá bằng bao nhiêu khốc liệt của con đường từ chiến tranh về với hòa bình. Hàng triệu người lính có tên và không tên ngã xuống trên bãi chiến trường, không mang theo gươm súng và cờ hiệu lại theo hương khói trở về và đang tiếp tục trở về. Họ kêu gọi khẩn thiết những người sống đoàn tụ trong hòa bình, Ở đuôi con mắt có ngày tháng xưa với bây giờ chỉ là yêu thương, đùm bọc, khoan dung và độ lượng cùng nhau xây dựng mái nhà xum họp của quê hương. Ngày tháng xưa của Nguyên Sa là mùa thu tóc ngắn khao khát yêu thương trong hòa bình. Nguyên Sa viết.

Chỉ miệng cười gặp lạ thành quen

Góp những giọng hò làm trống ngũ liên

Góp những bàn tay dựng thành đại hội.

Con người tự nhiên sống với thời gian một chiều. Thi ca, nhất là thi ca lãng mạn sống đồng thời với thời gian ba chiều quá khứ hiện tại tương lai và coi đó là vũ điệu đi tới chân lý thẩm mỹ. Đã đến lúc Nguyên Sa trở về vào năm nay, năm kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới 1932 - 2022 và 65 năm Đại hội Hội Nhà văn lần thứ nhất 1957. Về để gặp lại Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư … những thi sỹ mà ông thầm tôn kính và noi theo tại một nơi đình miếu xưa nào đó của đất Thăng Long linh thiêng mà bình dị. Rồi Nguyên Sa gặp lại được ở đời thường Áo lụa Hà Đông trong trang phục mùa thu tóc ngắn vốn chỉ là ký ức gần một thế kỷ xa cách nay vẫn còn đó và chỉ cần đi một cung đường thật ngắn thảnh thơi, khép lại đoạn đường dài của ngày trở về.

  1. Francois Rabelais - (1494 - 1533). Nhà văn Pháp nổi tiếng. Tiểu thuyết Gargantua và Pantagruel của ông được mệnh danh là tượng đài bách khoa của thời đại phục hưng ở Pháp. Rabelais đồng thời là linh mục và bác sỹ.
  2. Francois Chateaubriand (1768 - 1848). Nhà chính trị, nhà ngoại giao và nhà văn Pháp. Từng làm đại sứ ở Berlin, London, Rome và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp. Người đi tiên phong của chủ nghĩa lãng mạn Pháp.
  3. Lê Đạt - Đường chữ - NXB Hội nhà văn 2019. Trang 395 và 577.
  4. Bác sỹ Zhivago - Boris Pasternak - NXB văn học 2016 - Trang 19.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511662

Hôm nay

2325

Hôm qua

2336

Tuần này

22036

Tháng này

218535

Tháng qua

121356

Tất cả

114511662