Những góc nhìn Văn hoá

Những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Đến tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh vào những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí cả nước đang hân hoan kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác, du khách gần xa đều dừng lại thật lâu bên những kỷ vật của Người.

Tại phòng trưng bày nội dung về ý nghĩa và ảnh hưởng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, du khách có thể cảm nhận được tình cảm của Người đối với quê hương Nghệ An và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như tình cảm của Nhân dân Nghệ An đối với Người thông qua những kỷ vật thiêng liêng, gần gũi và vô cùng giản dị cùng với những mẩu chuyện xúc động. Đó là hai chiếc kính Bác tặng cho cụ Võ Thiện Kế và Nguyễn Văn Nhu là hai Trưởng đoàn sửa sai trong cải cách ruộng đất ở Nghệ An, Hà Tĩnh khi ra Hà Nội báo cáo với Bác năm 1956. Hay chiếc hũ sành của cụ Hoàng Văn Đường quê ở Nghi Lộc, dùng muối cà biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bữa cơm nhân dịp Người về thăm quê lần thứ hai tháng 12/1961.

  Hũ sành của cụ Hoàng Văn Đường dùng muối cà biếu Bác năm 1957

 Kính Bác tặng cho đồng chí Võ Thiện Kế năm 1956

Đặt trang trọng bên cạnh tượng của Người là tấm ảnh lớn ghi lại hình ảnh buổi lễ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/2/1964 tại Phủ Chủ tịch đúng dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng. Lời đề tựa với chữ ký của Bác cùng với những hiện vật như bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu, mẫu ký thử… luôn là những kỷ vật thiêng liêng, vô giá được cán bộ bảo tàng nâng niu, trân trọng. Đọc lời Đề tựa của Người chúng ta càng thấm thía sự quan tâm của Bác giành cho Xô viết Nghệ Tĩnh, giành cho quê hương. Người đã khẳng định thành quả và ý nghĩa của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh: “… Xô - viết Nghệ - Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhấn chìm phong trào cách mạng trong biển máu nhưng truyền thống oanh liệt của Xô - viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ”.

Đồng thời Người đã chỉ rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân lúc bấy giờ: “Ngày nay Nhân dân cả nước ta đương hăng hái xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Toàn Đảng, toàn dân ta cần phải phát huy truyền thống anh dũng của Xô viết Nghệ Tĩnh, nâng cao chí khí cách mạng, vượt mọi khó khăn, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên thắng lợi mới.”

Cuối cùng Người căn dặn: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An, Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương Xô - viết Nghệ - Tĩnh anh hùng”.

Trước khi ký vào Lời đề tựa, Người đã hỏi các đồng chí có mặt trong buổi lễ tại Phủ Chủ tịch “Các chú thích mẫu chữ nào: to, nhỏ hay vừa ?”

Mọi người đều thích mẫu chữ vừa. Bác nói “Thế là dân chủ rồi nhé” và ký vào Lời đề tựa. Chỉ những chi tiết nhỏ nhưng qua đó cho thấy phong cách làm việc giản dị, gần gũi nhưng rất dân chủ của Người.

 

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tại Phủ Chủ tịch ngày 3/2/1964

     

  Sưu tập hiện vật Bác dùng ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/2/1964

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Người về thăm quê lần cuối cùng, những kỷ vật của Người tặng lại cho Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn nguyên vẹn và đong đầy tình cảm yêu thương của Bác giành cho quê hương. Khắc ghi lời căn dặn của Người, thế hệ trẻ hôm nay đến tham quan, học tập tại Bảo tàng nguyện viết tiếp những trang sử vàng của quê hương Xô viết anh hùng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511668

Hôm nay

2331

Hôm qua

2336

Tuần này

22042

Tháng này

218541

Tháng qua

121356

Tất cả

114511668