Những góc nhìn Văn hoá
Những tín hiệu vui từ Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2022
Đoạn trích trong vở diễn:" Cánh cò trong bão" của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Ảnh Phong Hồ
Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc được tổ chức 3 năm một lần nhưng Liên hoan năm nay trở nên thiết thực và ý nghĩa hơn khi lần đầu tiên được tổ chức cùng Lễ hội Làng Sen vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại quê hương Nghệ An. Sân khấu Liên hoan kéo dài suốt 10 ngày (18-28/5) đem lại niềm vui và lòng yêu nghề cho nhiều nghệ sỹ, diễn viên đồng thời để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả xứ Nghệ.
Qua 16 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật, dù có những thành công khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện được tính sáng tạo, bám sát đề tài dựa theo những tích truyện lịch sử bi hùng, tráng ca cho đến cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch, tạo nên một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc trong sân khấu truyền thống Việt Nam. Thành công đáng biểu dương của các vở diễn đó là dù câu chuyện lịch sử từ mấy nghìn năm trước hoặc con người hôm nay đều lấy cái cảm quan nóng hổi của thời đại đang sống để soi chiếu, xây dựng các hình tượng nghệ thuật. Các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, mang lại cảm xúc thẩm mĩ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch. Thông qua hình tượng các nhân vật, các vở diễn đã chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, hướng con người tới xã hội lành mạnh và đức tính cao quý. Ở đâu có lối sống cao đẹp nhân ái bao dung vì nghĩa lớn thì ở đó cái đẹp làm xúc động lòng người. Ở đâu con người chỉ chạy theo lợi ích của riêng mình, giẫm đạp lên hạnh phúc người khác thì ở đó cái ác sẽ bị trừng phạt.
Đoạn trích trong vở diễn: "Cô Thần" của Đoàn Nghệ thuật tryền thống tỉnh Bình Định. Ảnh Thúy Vân
Sân khấu Tuồng gồm 9 vở diễn thiên về trình thức kinh điển với các câu chuyện lịch sử bàn về quốc sự mang đậm âm hưởng hùng tráng của những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về đạo lý, khí tiết của người anh hùng trong các hoàn cảnh đầy mâu thuẫn và xung đột như “Truyện ngoài chính sử làm vua” của Nhà hát Tuồng Việt Nam (HCV), “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP. Hồ Chí Minh (HCB), “Hoàng đế Lê Đại Hành” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa (HCB)... Hầu hết các vở diễn này đều mang một nét đặc trưng thẩm mĩ độc đáo đó chính là bi - hùng. Bi trong Tuồng đạt tới mức tột cùng của sự đau thương mất mát, hùng trong Tuồng đạt đến đỉnh điểm của sự hoành tráng, hoài niệm. Đó chính là vẻ đẹp trường tồn của sân khấu Tuồng.
Đoạn trích trong vở diễn: "Sương phủ Hoàng cung" của Đoàn Nghệ thuật tryền thống tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Thúy Vân
Sân khấu Kịch hát với 7 vở diễn về đề tài lịch sử và hiện đại mang đầy đủ sắc màu, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, gay gắt của cuộc sống xã hội hôm nay, thể hiện hình tượng về những con người mới với tư tưởng tiến bộ, có trách nhiệm với gia đình, quê hương đất nước. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể tạo ra những vở diễn mang đặc trưng riêng của mỗi loại hình nghệ thuật và dấu ấn riêng của các vùng miền văn hóa khác nhau như: “Cánh cò trong bão” (HCV) và “Vầng sáng” của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, “Đi qua ngày giông bão” (HCB) của Nhà hát Truyền thống Hà Tĩnh là những vở diễn mang nét rất đặc trưng của vùng quê Nghệ Tĩnh với những làn điệu dân ca Ví Giặm; vở “Cô thần” (HCV) của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định lại mang dấu ấn của nghệ thuật Bài Chòi vùng Nam Trung Bộ; hay vở “Chợ đời” (HCB) của Nhà hát Ca Kịch Huế lại thể nghiệm những làn điệu dân ca Bình - Trị - Thiên...
Đoạn trích trong vở diễn: "Hoàng đế Lê Đại Hành" của Đoàn Nghệ thuật tryền thống tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Thúy Vân
Là những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một, vấn đề khôi phục và bảo vệ nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch là nhiệm vụ đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh văn hóa hội nhập ngày nay. Tuy nhiên, các nghệ sĩ với niềm đam mê và lòng yêu nghề cháy bỏng, họ vẫn không ngừng trăn trở suy tư làm sao để nghệ thuật Tuồng và Dân ca Kịch được bảo tồn và phát triển bền vững. Sau mỗi vở diễn là mồ hôi nước mắt của các diễn viên, là những khó khăn, vất vả của các nghệ sĩ đã dày công rèn luyện và không ngừng phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội có nhiều đóng góp cho sân khấu truyền thống nước nhà như các NSND: Hồng Lựu, Minh Tuệ (Nghệ An), Ánh Dương, Nguyễn Văn Thủy, Lê Văn Quý (Nhà hát Tuồng Việt Nam), NSUT Kiều Oanh, Thanh Loan (Huế) thì cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, nhiều gương mặt mới có triển vọng như NS Trịnh Thế Thủy (Nhà hát Tuồng Việt Nam), NS Duy Thanh, Quỳnh Lê (Nghệ An), đặc biệt diễn viên nhí 7 tuổi Tống Nhật Anh (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa) được Hội Nghệ sĩ Việt Nam trao thưởng là diễn viên nhỏ tuổi nhất tham gia Liên hoan. Bởi vậy, có thể nói, ngành nghệ thuật này tồn tại và phát triển xuất phát từ tình yêu và lòng đam mê của mỗi cá nhân nghệ sĩ, bất chấp khó khăn về đời sống. Đơn cử như Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, trải qua một thời gian dài lao đao vì không đủ tiềm lực thì đến nay, sau 18 năm trở lại Liên hoan, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị đã rất nỗ lực và đã thành công với vở diễn đạt HCB.
Có một thực tế là công chúng ngày càng thờ ơ với sân khấu nghệ thuật truyền thống nhưng tại sân khấu Liên hoan lần này, vở diễn của bất cứ đoàn nghệ thuật nào cũng đều chật kín khán giả. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Những tiếng cười sau mỗi miếng trò, tiếng vỗ tay sau những câu hát, hay tiếng hô hào cổ vũ động viên sau những lần chuyển cảnh, kể cả những giọt nước mắt xúc động của khán giả,… tất cả đều là động lực giúp các nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu, giúp họ diễn hết mình, hóa thân vào nhân vật nhằm mang lại những vở diễn chất lượng. Bởi vậy, Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2022 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp khó quên trong lòng khán giả yêu nghệ thuật truyền thống xứ Nghệ.
Trong bối cảnh hiện nay, với một bộ phận không nhỏ công chúng thờ ơ với nghệ thuật truyền thống thì Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc luôn là một cầu nối hiệu quả gắn kết giữa những người làm nghệ thuật với khán giả yêu thích sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch truyền thống, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp trong nền văn hóa truyền thống dân tộc. Sân khấu Liên hoan không chỉ đồng hành với công chúng mà còn là nơi lưu giữ, truyền bá các giá trị bất hủ của nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ bằng tình yêu của mình đã giữ gìn kho báu nghệ thuật truyền thống dân tộc và trao lại cho tương lai không chỉ bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của dân gian mà còn sáng tạo bồi đắp thêm để vẻ đẹp ấy phát sáng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng hôm nay.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Một nước Nhật quá xa xôi!
Truyện Kiều từ góc nhìn văn học so sánh
Thống kê truy cập
114513034
2135
2436
2971
219907
121356
114513034