Những góc nhìn Văn hoá
Những khúc tưởng niệm - Văn hóa tri ân các anh hùng liệt sỹ
“Việt Nam ơi máu và hoa ấy
Có đủ mai sau thắm những ngày”
(Tố Hữu - Việt Nam máu và hoa)
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Bài thơ Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu được in trong nhiều tuyển tập thơ hay, gần nhất là Tuyển tập Thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước (Nxb Hội Nhà văn, 2014). Bài thơ viết về một trường hợp hy sinh anh dũng trong chiến đấu: “Cái chết bay ra từ họng súng quân thù/Nhận cái chết cho đồng đội sống/Ngực chặn lỗ châu mai Hùng đứng thẳng/Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười. (...)/ “Chết - Hy sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi!/Máu thấm cỏ lời ca bay vào đất/Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc” (Thơ Việt Nam 1945 - 1975, Nxb Tác phẩm mới, 1976). Nhưng cái hay của bài thơ là từ một trường hợp hy sinhcụ thể tác giả nâng lên, khái quát thành một hình tượng thơ tráng lệ, điển hình cho phẩm chất của một thế hệ trong chiến tranh với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cấu tứ của bài thơ mang âm hưởng bi tráng này chính là “hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Cùng với bài thơ Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, như hai ví dụ tiêu biểu, có thể nói thơ chống Mỹ thấm đậm chất hùng tráng kể cả khi viết về sự mất mát hy sinh theo nguyên tắc của cái bi kịch - với ý nghĩa như một phạm trù mỹ học cơ bản - có sức mạnh của “thanh lọc tâm hồn”.
Liệt sỹ Lê Nam (tên khai sinh Trần Ngọc Quế, sinh 1922, quê quán Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh) là chiến sỹ Điên Biên, khi chiến dịch lịch sử kết thúc, ông là Chủ nhiệm Chính trị xuất sắc của Trung đoàn 141. Đến năm 1967, ông hành quân tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hy sinh ở mặt trận trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (30-01-1968) với ý nghĩa như một Điện Biên Phủ thứ hai trong suốt mười nghìn ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ và ác liệt (1945-1975). Nhưng ở đây cần nhấn mạnh một nguyên tắc luôn được tuân thủ khi viết về người chiến sỹ anh hùng: các tác giả không tách rời nhân vật chính với tập thể anh hùng (nếu tách họ ra khỏi tập thể thì khác nào ném cá lên bờ). Vì thế độc giả nhận thấy nhân vật Lê Nam thời kỳ chiến đấu ở Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội của mình, đã đi sâu đi sát quần chúng là đồng chí, đồng đội gần gũi và thân thiết của mình, quan tâm động viên kịp thời tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Ông là người phát hiện ra Phan Đình Giót để bồi dưỡng thành tấm gương anh hùng. Các thế hệ chiến binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã được hình tượng hóa trong thơ: “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí, chung câu quân hành” (Tố Hữu - Tiếng hát sang xuân).
Trước lúc hy sinh anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó, Đại đội 58, Tiểu đoàn 248. Khi nhận lệnh của cấp trên phải bịt được hỏa điểm của địch mở đường cho quân ta tiến lên, Phan Đình Giót đã lao lên. Bị thương hai lần vào đùi, nhưng anh cố gắng hết sức mình bò lên, bắn khống chế lỗ châu mai. Nhưng khẩu tiểu liên của anh hết đạn mà hỏa điểm của địch vẫn điên cuồng nhả lửa chết chóc hòng ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta. Sau lưng anh, các chiến sỹ xung kích vẫn nằm chờ cơ hội. Chính vào cái khoảnh khắc độc sáng đó, toàn bộ thân người Phan Đình Giót đã trùm kín cái vùng lửa đang chớp giần giật về phía xung kích. Hỏa điểm trong lô cốt số 3 bỗng nhiên vụt tắt. Quân ta ào lên, vượt qua lô cốt cửa tử số 3 của địch. Phan Đình Giót mãi mãi nằm lại trên miền chiến địa, cạnh anh là những liệt sỹ có tên và chưa có tên trong Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi A1, Điện Biên Phủ từ ngày ấy đến nay. Sự hy sinh anh dũng của Phan Đình Giót đúng là: “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử/Có những lời hơn mọi bài ca/Có con người như chân lý sinh ra” (Tố Hữu - Hãy nhớ lấy lời tôi). Ít người biết chuyện người em trai Liệt sỹ Phan Đình Giót là cụ Phan Đình Giát đã hơn 90 tuổi sống ở quê nhà (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trong cuộc sống riêng còn nhiều khó khăn đã được các con của Liệt sỹ Lê Nam (Đại tá Trần Thu Chung - Bộ đội Biên phòng, và Thạc sỹ Minh Văn - Giám đốc dự án của Vinamilk) ủng hộ giúp đỡ một món tiền lớn (câu chuyện cảm động nghĩa tình này được kể lại vào năm 2014).
Lê Nam, Phan Đình Giót chỉ là hai tấm gương điển hình trong nghìn vạn Liệt sỹ đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại hai đế quốc đầu sỏ của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ. Họ mãi mãi linh thiêng trong hồn sông núi quê hương đất nước, đúng như những câu thơ đi cùng năm tháng: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên - Sao chiến thắng).
Hai tấm gương hy sinh anh dũng trong chiến đấu và văn hóa tri ân các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng được tái hiện trong tác phẩm Trăng Him Lam & nước sông Thu (nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2019)
Người đàn bà không hóa đá
Trong văn hóa dân gian Việt Nam có truyền thuyết/sự tích Vọng Phu hóa đá chờ chồng (theo hai dị bản khác nhau), song dẫu theo cách tiếp nhận nào thì tựu trung nó cũng đều tượng hình cho lòng chung thủy đợi chờ người thân (chồng) của người phụ nữ (vợ). Bạn cùng khóa Ngữ văn 14 (Đại học Tổng hợp Hà Nội), nhà văn Nguyễn Thế Tường, tác giả thiên truyện nổi tiếng Hồi ức binh nhì còn có tác phẩm khác nhiều người thích đọc Người đàn bà không hóa đá (tập truyện ngắn) viết về những người phụ nữ trong và sau chiến tranh đã gánh trên vai mọi nỗi cực khổ nhất trên đời một cách đơn độc cả trong thời chiến tranh, cả trong thời thời hậu chiến khi người chồng mãi mãi không trở về. Với phẩm chất “anh hùng/bất khuất/trung hậu/đảm đang”, rõ ràng với người phụ nữ Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh không thể nào/không được phép “hóa đá”. Mỗi người lính khi ra trận đều có một hậu phương vững chãi của mình - vợ con, gia đình; kể cả khi họ không trở về, thì ở Cõi Ta Bà, vợ con họ vẫn hiện diện, nên người đã khuất là một phần đời sống tinh thần của người sống, vì có cái chết gieo mầm sự sống, có cái chết hóa thành bất tử.
Xin được tôn vinh chị là “Người vợ Việt Nam anh hùng” là cách các tác giả cuốn sách Trăng Him Lam & nước sông Thu kiến thiết một tượng đài bằng ngôn từ văn chương ngợi ca người vợ Liệt sỹ Lê Nam. Đó là bà Huỳnh Thị Hiệp (sinh 1930, quê Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam): 15 tuổi giác ngộ cách mạng, 17 tuổi đứng trong hàng ngũ Đảng, sau 1954 tập kết ra miền Bắc, được đào tạo chính quy để chuẩn bị lực lượng chi viện chiến trường miền Nam. Bà đã gặp Lê Nam - chiến sỹ Điện Biên, thành vợ thành chồng, đã có với nhau ba mặt con (2 trai một gái). Năm 1967, ông Lê Nam đi chiến trường và hy sinh trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968). Khi nghe tin chồng hy sinh ở chiến trường, bà gạt nước mắt nói với tổ chức: “Khó khăn là quá lớn, bởi các anh biết trong một gia đình, người chồng là trụ cột, mà nhà tôi đây cây cột đã đổ, thì...Nhưng các anh hãy tin tưởng tôi, tôi sẽ đảm nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm cha cho các cháu, mọi khó khăn sẽ vượt qua hết”. Chúng ta thử hình dung khi chồng hy sinh ở chiến trường miền Nam (1968), bà Huỳnh Thị Hiệp mới 38 tuổi, một nách ba con nhỏ, việc công việc tư không thể nhất bên trọng nhất bên khinh, đều phải vẹn toàn. Không thể kể hết những khó khăn chồng chất mà mẹ con bà phải vượt qua trong thời chiến tranh cũng như hậu chiến mấy chục năm trời. Không thể kể ra hết bao nhiêu công sức mà bà đã dốc lòng phụng sự công việc chung của cơ quan đoàn thể giao phó. Người phụ nữ ấy đã huy động tối đa tinh thần, nghị lực, sức lực để kiêu hãnh sống và cống hiến cho sự nghiệp chung. Một cựu chiến binh khi gặp bà đã thốt lên: “Chị ơi, đất nước mình đã có danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu như tới đây có thêm danh hiệu Người vợ Việt Nam anh hùng, thì chắc chắn những người chiến sỹ chúng em sẽ bầu chị”. Bà Hoàng Thị Hiệp không phải là người đàn bà thép vì đã nói và sống đúng như lời hứa với tổ chức, như như ai đó nghĩ. Nếu đọc hồi ký Con đường tôi đã chọn (viết 2016-2017) của bà Huỳnh Thị Hiệp, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc về một người phụ nữ tình lý vẹn toàn. Nếu có một nỗi niềm nào đó luôn canh cánh trong tâm cảm của bà thì đó chính là “lỗi hẹn với quê hương” (một phần viết, theo tôi, hay nhất trong hồi ký, lỗi hẹn không phải từ bà mà từ sự phân công nhiệm vụ của tổ chức). Trường đoạn bà kể về cuộc gặp gỡ với chị Trần Thị Lý (tên thường gọi ở nhà là Nhâm), đồng hương và đồng chí bị địch tra tấn dã man, được đưa ra miền Bắc chữa bệnh. Người phụ nữ anh hùng này đã đi vào thơ Tố Hữu: “Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại/Còn một giọt máu tươi còn đập mãi/Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời/Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người/Từ cõi chết, em trở về, chói lọi/Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi/ Em trở về, người con gái quang vinh/Cả nước ôm em, khúc ruột của mình” (Người con gái Việt Nam). Những dòng hồi ký của bà Huỳnh Thị Hiệp viết về cuộc gặp gỡ với người con gái Việt Nam anh hùng Trần Thị Lý trong Bệnh viện Việt - Xô (nay gọi là Bệnh viện Hữu Nghị) khiến độc giả cũng cảm giác như người trong cuộc: “Tôi cầm tay chị, nghẹn ngào hỏi chị
- Chị Nhâm có nhớ tui không?
Chị nhìn tôi, lặng lẽ lắc đầu. Xót xa quá.(...). Ít ngày sau tôi tham gia Đoàn đại biểu phụ nữ Quảng Nam mang tình cảnh của chị Trần Thị Lý đến Ủy ban đình chiến tố cáo Mỹ Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gây nhiều tội ác ở miền Nam. Những dòng nước mắt trào ra nóng bỏng trên má tôi đã làm họ cảm động...”.
Người phụ nữ 92 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng Huỳnh Thị Hiệp, tôi hình dung, như một cây đại thụ tỏa bóng mát cho con cháu, người thân. Bà đã sống theo tinh thần của một thế hệ “thép đã tôi thế đấy”, lửa thử vàng gian nan thử sức. Trong Đôi dòng cuối sách của hồi ký Con đường tôi đã chọn, bà viết về ba niềm tự hào trong cuộc đời của mình: trọn lời hứa với Đảng và Nhân dân; trọn vẹn lời hứa với người đã khuất, người chồng yêu quý; con cái và dâu rể đều là Đảng viên, tiếp bước con đường cha mẹ đã đi. Nếu được phép, tôi gọi bà là một liệt nữ (một kiệt hiệt), tiêu biểu với 8 chữ vàng:“anh hùng - bất khất - trung hậu - đảm đang”.
Người Việt Nam luôn tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Tưởng niệm là một cách tri ân, nói rộng ra đó là văn hóa ứng xử vốn được coi như là chân tủy, cội rễ của các giá trị tinh thần bền vững trong căn tính Việt Nam có truyền thống lâu đời, từ Thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.
Tháng Bảy, trên mảnh đất xứ Nghệ có truyền thống văn hóa - lịch sử đã diễn ra những hoạt động văn hóa tri ân trong những không gian linh thiêng: Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn - những địa danh đã tạo dựng những huyền thoại giữa cuộc đời thực về vẻ đẹp bất tử của những con người thời đại đã đạt đến phẩm chất CON NGƯỜI VIẾT HOA.
Tưởng niệm là tri ân, là “ôn cố tri tân”, là cách lưu giữ ký ức lương thiện./.
Hà Nội, tháng Bảy, năm 2022
B.T.A
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Gia thoại Stalin [4]
Thống kê truy cập
114511023
222
2359
21397
217896
121356
114511023