Những góc nhìn Văn hoá

Tuyển chọn, sử dụng quan lại thời phong kiến

Xem bảng vàng (ảnh tư liệu)

Thành hay bại của các vương triều, của nhà vua trong xây dựng nhà nước, điều hành đất nước, đặc biệt là phòng chống tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ quan lại. Bởi vậy, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ này luôn là mối quan tâm lớn của các triều đại.

Tuyển chọn linh hoạt, cẩn trọng

Cho đến trước thời nhà Lý, việc tuyển chọn đội ngũ quan lại chủ yếu từ quan hệ họ tộc, hoặc có công lao trong sự nghiệp lập ngôi của các vua, chưa có một chính sách rõ ràng, một cách thức nhất quán. Sang thời Lý, việc tuyển dụng quan lại đã bắt đầu có quy định rõ ràng. Chính sách tuyển chọn quan lại càng về sau càng chi tiết, chặt chẽ hơn với ba phương thức chủ yếu:

Nhiệm tử là tuyển dụng con cháu của quý tộc công thần và quan chức dựa trên ân trạch của ông cha. Phương thức này phổ biến nhất ở thời Lý - Trần. Lệ nhiệm tử vẫn tồn tại thời Hậu Lê và thời Nguyễn nhưng được quy định chặt chẽ về đối tượng, thể lệ và phạm vi tuyển dụng và được gọi là lệ Ấm sung. 

Ấm sung cũng mỗi thời một khác, đối tượng được hưởng rộng hẹp khác nhau. Thời Lê, bao gồm: Các con và cháu trưởng các tước công, hầu, bá; con trai của các quan nhất nhị phẩm và con trưởng các quan từ tam phẩm tới bát phẩm. Sang thời Nguyễn chỉ còn con của các quan có hàm từ tứ phẩm trở lên. Các đối tượng được hưởng lệ này buộc phải sung vào ngạch Nho sinh để học tập, cứ 3 năm Nhà nước sẽ tổ chức khảo hạch 1 lần. Chức vụ và phẩm hàm của ấm sung lệ thuộc vào kết quả thi khảo hạch và dựa trên tước phẩm của ông cha nhưng chỉ từ ngũ phẩm trở xuống.

Khoa cử là lựa chọn thông qua các kì thi, được thực hiện từ năm 1075, dưới triều Lý. Tuy nhiên, đến thời Trần, khoa cử mới dần trở thành thông lệ và tới thời Hậu Lê, Nguyễn mới trở thành phương thức tuyển chọn chủ yếu. Khoa cử không chỉ để tuyển quan văn mà còn áp dụng để tuyển quan võ, thậm chí cả tăng quan. Nội dung khoa cử thay đổi theo yêu cầu tuyển dụng của từng giai đoạn, từng triều đại và theo tính chất của khoa thi. Lệ thi Hương có từ năm 1396 đời Trần Thuận Tông. Từ thời Hậu Lê, việc thi cử được tiến hành đều đặn và quy củ, gồm các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Điều kiện tham gia khoa cử ngày càng chặt chẽ. Thời Lý - Trần, chưa quy định nhưng tới thời Hậu Lê đã quy định rõ ràng: Phải là dân Đại Việt; Có hạnh kiểm tốt thông qua giấy xác nhận của xã quan. Những người bất mục, bất hiếu, loạn luân, làm nghề hát xướng và con cháu không được tham gia khoa cử. Thời Nguyễn, những người làm nghề chủ chứa, cai ngục, đầy tớ, phu thuyền và phu khiêng kiệu không được tham gia.

Tiến cử là tuyển chọn thông qua phát hiện, giới thiệu của một người có chức vị và uy tín xã hội mà không phải qua khoa thi. Bảo cử là đề nghị đưa một người có tài năng, kinh nghiệm thực tiễn vào một chức vụ nào đó đang bị khuyết người. Người tiến cử, bảo cử phải lấy tước vị, danh dự của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử xứng đáng với chức vị được giao. Ngoài ra, trong những trường hợp thời chiến đặc biệt, để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn những người có năng lực có thể tự tiến cử.

Sử dụng gắn liền với thanh tra, giám sát

Nhìn chung, dựa vào yếu tố quyền lực, tính chất công việc, các Nhà nước phong kiến phân các chức vụ thành hai loại: quan lại và nha lại. Quan lại chỉ huy, điều hành; nha lại là người thừa hành, phục vụ cho các quan lại tại các nha môn.

Các triều đại thường dựa vào tiêu chí dân số để quy định về số lượng quan lại. Nhưng thời vua Minh Mạng, lại lấy số lượng và nhu cầu công việc là tiêu chí cơ bản để quyết định biên chế, phân bổ số quan lại, các chức trách của quan, lại dần được chuyên môn hóa.

Nhà nước áp dụng chế độ "quan khứ nha tồn”, thuyên chuyển, điều động đối với quan lại nhưng nha lại thì giữ ổn định. Thuyên chuyển là để đáp ứng yêu cầu công việc, mặt khác để tạo môi trường mới, phát huy được năng lực của người làm quan, tránh những trì trệ, hoặc kéo bè, kéo cánh, phe phái, tham nhũng. Nhưng chỉ là thuyên chuyển nơi làm việc mà không thay đổi công việc để tiếp tục phát huy sở trường, kinh nghiệm của từng người. Đồng thời, để tránh lợi/lạm dụng chức quyền, các Nhà nước đã thực hiện chế độ hồi tỵ hết sức chặt chẽ.

Để đảm bảo vai trò của bộ máy, các triều đại có quy định rõ ràng về chế độ trách nhiệm đối với đội ngũ quan lại. Ví dụ: từ năm 1487, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ buộc quan lại các cấp khi nhận được chỉ dụ của Vua phải đưa ra bàn bạc thật kỹ, không được hùa theo hay nín lặng, khi cần có thể tâu lên Vua. Khi có vấn đề quan trọng cần tấu lên Vua các quan phải cùng nhau ký vào.

Dưới thời Nguyễn, việc sát hạch do Bộ Lễ thực hiện và giao cho Bộ Lại xét bổ được tiến hành nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng. Việc giám sát do Đô sát viện (cơ quan giám sát và tư pháp, hoạt động độc lập) thực hiện, do Nhà vua trực tiếp điều khiển.

Về thanh tra, triều đình thường xuyên cử quan đại thần đi "kinh lược đại sứ" để giúp dân cởi bỏ oan tình, thẳng tay trừng trị những quan lại tham nhũng, hại dân, bán nước, sách nhiễu Nhân dân.

Ngoài ra, việc "khảo khóa là cách để xem xét quan lại”, “truất người hèn, thăng người giỏi". Lệ khảo khóa được thực hiện định kỳ 3 hoặc 5, 6 hay 9, 15 năm tùy vào mỗi thời nhưng luôn đòi hỏi phải khách quan, minh bạch. Nhà Lê quy định: "Quan khảo hạch dám có tư tính xét bậy, Bộ Lại khảo xét không minh, Lại khoa xét bắt không sáng suốt đều phải giao sang Hình bộ theo luật chịu tội".

Đãi ngộ xứng đáng, thưởng phạt nghiêm minh

Từ năm 1067, Lý Thánh Tông cấp bổng lộc cho các vị Sĩ sư các quân Đô Hộ phủ với mức là mỗi người mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá, muối các loại; cấp cho ngục lại mỗi người mỗi năm 20 quan tiền, 100 bó lúa để dưỡng liêm.

Đến đời Trần, năm 1236, Trần Thái Tông định lệ cấp bổng cho các quan văn võ theo thứ bậc.

Đến thời Lê, vào năm 1429, Lê Thái Tổ sắc cho các quan đại thần bàn định về số ruộng cấp cho các quan, từ quan đại thần trở xuống và ban cấp tiền lụa cho các quan theo thứ bậc khác nhau.

Từ thời Lê Thánh Tông trở đi, bổng lộc của quan lại được quy định theo chức tước, phẩm hàm và tùy theo khối lượng công việc, tức là trả lương theo việc làm và công trạng.

Nhà Nguyễn, cuối thời Gia Long đến đầu thời Minh Mệnh, mức lương hàng năm, nếu quy ra thóc, là: Quan chánh nhất phẩm lĩnh 34 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), 37 tấn (nếu nhậm chức từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 68 tấn (nếu nhậm chức ở Nam Bộ). Quan tòng nhị phẩm lĩnh 9 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), 9,5 tấn (từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 18 tấn (Nam Bộ). Quan bát phẩm lĩnh 0,5 tấn thóc (nếu nhậm chức từ Nghệ An trở ra Bắc), gần 0,6 tấn (từ Quảng Bình trở vào đến Nam Trung Bộ) và 1 tấn (Nam Bộ).

Bên cạnh tiền lương, các triều đình còn áp dụng chế độ "dưỡng liêm" cấp cho những viên quan cai trị gần dân như tri phủ, tri huyện nhằm khuyến khích "đức thanh liêm", nhưng không phát đồng đều mà tùy thuộc vào nhiều hay ít công việc của từng phủ, từng huyện.

Các Nhà nước không chỉ đãi ngộ quan lại về vật chất mà còn về tinh thần như phong/truy phong các danh hiệu; cha mẹ vợ con cũng được ban cấp phẩm cấp; có chế độ tang lễ, tiền tuất…

Mặt khác, các triều đại cũng xử phạt nghiêm khắc đối với quan lại. Luật Hồng Đức quy định phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ, quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hàng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hàng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hàng năm) xử tội lưu. Thời Nguyễn, quan lại có công thì được ban thưởng lớn, có tội, có lỗi đều bị xử phạt nghiêm khắc. Năm 1838, Minh Mạng đã cách chức Thượng thư Bộ Lễ của Phan Huy Thực về lỗi do không kiểm tra, đôn đốc để người dưới quyền không trông nom, bảo quản đồ thờ trong nhà Thế miếu, để bọn Giám thủ đánh tráo từ vàng thật thành vàng giả.

Trải hơn 1000 năm tồn tại, các Nhà nước phong kiến Việt Nam nhiều giai đoạn phải đối phó với tình trạng khủng hoảng, trong đó nạn tham nhũng là một nguyên nhân hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ quan lại của các triều đại vẫn có nhiều yếu tố hợp lý và tích cực cho việc xây dựng bộ máy, quản lý cán bộ và chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay./.

(Bài đã được đăng trên Bản tin Văn hoá - Thể thao Nghệ An số 5/2022)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434790

Hôm nay

261

Hôm qua

2349

Tuần này

21440

Tháng này

211838

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434790