Người xứ Nghệ
Huy HUyền - lặng lẽ chẳng tranh cùng ai!
Cuộc đời của nhà giáo, nhà thơ Huy Huyền năm nay đã đến ngưỡng 80, đang vào tuổi trường xuân. Liệt Tử nói “Vì hạnh phúc mười năm: trồng cây; vì hạnh phúc trăm năm: trồng người; vì hạnh phúc nghìn năm: trồng đức”. Xem ra, trồng người và trồng đức là khó và lâu nhất. Ai kiên nhẫn làm được việc này? Chỉ có những bậc tuẫn vì đạo mới làm nổi. Tuy sự nghiệp chung trồng người, trồng đức của thầy Huy Huyền tròn như trăng rằm sáng soi, nhưng đời sống riêng của thầy thì vẫn luôn hao khuyết (?!) Cuộc đời của một nhà giáo đạo cao đức trọng ấy kể như mỹ mãn, chúng tôi xin mượn lời thơ của cổ nhân chúc mừng sư phụ: “Sách vạn pho tiêu khiển tuổi già - Để lại trắng trong cho cháu chắt - Không cần nhà cửa phải nguy nga” ( Trần Tuấn Khanh).
Nhà thơ Huy Huyền làm thơ và bắt đầu được in trên các báo trung ương từ thập niên 50 (Thế kỷ XX) khi còn khoác áo quân nhân. Tôi đã thuộc nằm lòng khá nhiều thơ Huy Huyền. Trong quân đội, ông cùng lứa sáng tác với nhà văn Xuân Thiều, Trúc Hà (Nam Hà) Hải Hồ, khi nhóm này tham gia viết cho tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng rồi, đời sống bình lặng và khó khăn của một ông giáo ẩn cư nơi tỉnh lẻ, lại bị vây hãm giữa tre pheo thôn ổ và sự khốc liệt của chiến tranh đã làm cho tiếng thơ của người lịm dần, thi đàn Việt Nam thưa thớt rồi vắng bóng ông. Thực ra, Huy Huyền vẫn đều đặn thai nghén và viết cho riêng mình, lặng lẽ chẳng tranh đua cùng ai.
Cầm tập thơ Phía sau nỗi nhớ trên tay - thi phẩm rất sang trọng do đám học trò cũ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả nước quyên góp in cho thầy học cũ, tôi bồi hồi như được gặp lại một người anh. Anh bộ đội Cụ Hồ ấy đã từng :
Anh đi ngàn vạn nẻo rừng
Một chiều công tác ghé dừng quê em
Xa rồi còn giữ trong tim
Con sông nước biếc, trăng đêm, mái chèo
Đường quanh quanh những xóm nghèo
Vườn cau rào rạt những chiều gió lên
Thơm thơm bát nước mẹ hiền
Con hươu sao nhỏ và …tên một người.
( Nhớ Hương Sơn)
Hương Sơn là một vùng sơn cước thanh bình, trên bến dưới thuyền, gạo trắng nước trong, nhiều con gái đẹp, là đất học đất khoa bảng lừng danh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn là quê ngoại yêu dấu đẹp như cổ tích của nhà tôi, nơi bắt đầu cuộc luân lạc chìm nổi khắp quê người của Hoàng Liên mà 40 năm sau, mùa thu năm 1999 vợ chồng chúng tôi mới có dịp dắt díu nhau về thăm quê ngoại. Quê ngoại không còn bà ngoại đẹp và hiền như bà tiên nữa. Ông Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin - Nhà thơ Xuân Hoài đưa xe đón chúng tôi về đến tận nơi, còn chu đáo cử Trưởng phòng Văn hoá huyện Hương Sơn thân chinh đưa tôi sang sông viếng mộ Hải Thượng Lãn Ông để chuẩn bị tái bản Kẻ sĩ. Đứng trên bến Tam Soa mênh mang nắng gió, nhà tôi nhìn về Hương Sơn quặn thắt lòng, trào dâng bao kỉ niệm ấm lòng thời niên thiếu. Nhà thơ Huy Huyền đã chiếm được sự đồng cảm của chúng tôi khi nói thay tấm lòng con cháu có chung quê Hương Sơn bằng bài thơ chứa chan tình cảm, chấm phá những nét đẹp rất hoạt, mềm mại, bâng khuâng neo giữ giữa hồn người cảnh sắc và hồn vía một làng quê Việt Nam thân thuộc.
Là thi sĩ ai chẳng đa tình. Từ lưu luyến với “Con hươu sao nhỏ và... tên một người”- từ thiếu nữ này đến một thiếu phụ khác, thi sĩ quả là một kẻ si tình tôn thờ cái đẹp. Khi thần ái tình gương cung lên nhắm trái tim nhà thơ thì người liền ngất ngây như con chiên trước đức mẹ đồng trinh Maria:
Em đẹp làm chi để vấn vương
Để say người lính vắng quê hương
Chao ơi đôi mắt nàng dâng sóng
Xao xuyến chàng trai mấy dặm đường.
( Thương nhớ một thời)
Từ đó, “Ngẩn ngơ như nụ tầm xuân ấy - Xanh biếc hồn tôi một bến sông”, yêu thầm nhớ vụng người đẹp đã có chồng đến cuồng si dâng hiến trước bàn thờ Chúa. Yêu người, chàng yêu cả đường đi lối về. Cảnh sắc quê nàng dường như cũng có duyên ngầm mối lái. Nhưng may, “Mà chuyện trao lời tôi vẫn chưa”, ấp ủ dấu trong tim, mang theo bóng dáng người đẹp suốt cuộc hành quân máu lửa một tình yêu đơn phương dịu ngọt “Dòng đời tuôn chảy qua trăm nẻo - Bạc tóc u hoài một bến xưa”.
Thương nhớ một thời là bài Tiết phụ ngâm - bài ca về sự trinh bạch của người đàn ông, một người lính trước vẻ đẹp hớp hồn của người thiếu phụ kiều diễm.
Những gì làm cho nhà thơ quyến luyến? Ấy là những làng quê xa, những con người “ Những nàng mười tám đôi mươi - Bờ tre đọng mãi tiếng cười đêm trăng - Thẹn thùng mấy nhịp cầu ngang - Cắm đầu bước vội giữa hàng dân công”. Hình bóng mấy cô thôn nữ xinh xắn và hiền thục “ Những chiều nắng ấm mênh mông - Bóng ai chống cuốc bên đồng ngó theo”. Một chàng trai trẻ tuổi chớm đôi mươi lọt vào mắt xanh...
Ai đi dạo giữa vườn hồng
Mà chưa hề chọn một bông hoa nào
Phải vì đứng núi chưa cao
Hay vì cả gió trăng vào đám mây?
Cái gì đến sẽ đến. Tình yêu bén duyên, chạm ngõ. Ý trung nhân của người là một nàng thơ:
... một sáng đẹp trời
Mành tre thoáng bóng có người sang thăm
Tóc ngang vai áo nâu bầm
Thắm như đôi mắt trăng rằm sáng tươi
Tay em rám nắng cuộc đời
Hẳn là cấy lúa, lúa thời chóng xanh
Đầy vườn nở trắng hoa chanh
Nở muôn bướm giữa lòng anh dạt dào
(Cô gái quê tôi)
Rồi yêu ! Rồi tiến tới hôn nhân! Ta cần em như người dân cày cần nắng mưa, cần đất đai. Thế là kẻ tình si mơ mộng bị đánh thức khi thành vợ chồng. Anh tân binh trước lúc lên đường đi vào khói lửa chiến trận cưới được người vợ đảm “ cô hàng xén quê hương” đẹp người đẹp nết, toại nguyện lòng mẹ già. Huy Huyền kể lại cuộc tình của mình bằng giọng trữ tình duyên dáng và đằm thắm. Cuộc tình dẫn nhà thơ đi đến một đắc ý “ Từng đi khắp chốn nhiều nơi - Trở về cô gái quê tôi dịu dàng”. Rõ là “ ta về ta tắm ao ta”.
Họ đã thành vợ thành chồng, đậm đà cái nghĩa tao khang. Bùi Dương Lịch cho rằng “ Vợ chồng là bắt đầu của luân lý làm người”. Ông cha ta xưa cũng xởi lởi “ Gái có chồng như rồng có vây”. Người Lào còn tẩm ngẩm hơn “Được vợ tốt bằng được ngọc đầy gậm sàn”. Người Anh và cả Kinh thánh cũng tán thưởng “Một người vợ tốt là vô giá” ( A good wife is good prize). Vâng đúng, một người vợ tốt và khoẻ mạnh là sự giàu có nhất của người đàn ông. Khi đã thành vợ chồng, bổn phận trước tiên của người đàn ông là che chở cho vợ mình. Người phương Tây xem vợ là nô lệ mà chồng phải biết cách đặt lên ngai. Ai yêu vợ là yêu chính mình. Nhưng oái oăm và đáng tiếc là phần đông các cặp vợ chồng đã không bao giờ hiểu nhau. Phụ nữ thường hướng gia đình vào tương lai, còn đàn ông thường hay hướng gia đình vào quá vãng. Với đàn ông, sống và yêu tách biệt, với đàn bà, yêu là cả cuộc đời. Tạo hoá cho ai một người vợ thì thường cho luôn cả tính kiên trì. Vợ hiền làm nên chồng tốt. Là nhà giáo kiêm nhà thơ, mang tâm hồn nghệ sĩ, Huy Huyền rất rành trên mặt trăng có những gì, nhưng lại không biết vợ mình nghĩ gì, có gì ở trong đầu. Giới tài tử thường khuyên trong gia đình chỉ nên một hoặc cả hai là nghệ sĩ hoặc không ai là nghệ sĩ mới sống nổi. Huy Huyền đã làm vợ của vợ mình, đó là điều thất sủng đối với một người đàn ông. Khi hồi tâm, ông thương vợ như Tú Xương thương bà Tú xắn váy quai cồng tần tảo chợ búa, ông viết những dòng sám hối thật cảm động:
Từ xa tôi nhận ra mình
Bước đi, bước chạy, dáng hình liêu xiêu
Đường quê bóng ngả sang chiều
Dồn trên gánh nặng bao nhiêu nhọc nhằn.
... Tuổi đời làm tóc rối thêm
Cái lo trắng cả phần đêm em nằm
Vì tơ nên héo ruột tằm
Lâu rồi chiếc áo vá chằm đôi vai
Mình nghèo bữa sắn bữa khoai
Nhìn con bước rộng bước dài mà vui.
( Gửi vợ)
Paxcan thường hóm hỉnh đùa “Đa số đàn ông đều cho rằng họ có thể đọc thông suốt được ý nghĩ của vợ như đọc một cuốn sách, nhưng thực ra họ chỉ đọc có lời tựa và phần mục lục của cuốn sách mà thôi”. Thuyền mạnh về lái, gái mạnh về chồng. Huy Huyền tự trách mình vô tâm, hững hờ “Nỗi thương nỗi khó toàn dành cho em”. Ân hận và dằn vặt như người mắc lỗi, chỉ biết lặng thinh, tận cùng biết ơn, vô cùng cảm tạ đức hi sinh quên mình “Trong dầu dãi có nghĩa tình đó em!”. Thương nhau chín bỏ làm mười là vậy.
Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương. Người phụ nữ đẹp nền nã và thảo hiền tôi từng được tiếp xúc đó, bà đã vội ra đi trước ông, bỏ ông trơ trọi một mình giữa hoang mạc thế gian :
Ngang chiều bóng núi đổ sang
Em là nấm mộ đồi hoang xanh rờn,
Một đời trốn chạy cô đơn
Anh là giọt nắng... buồn hơn nỗi buồn
( Em và Anh)
Vợ ta đã nằm dưới mộ, hãy lặng yên cho nàng yên nghỉ, và hồn ta cũng yên nghỉ cùng nàng.
*
Thơ Huy Huyền mang những nét tài hoa bẩm sinh ẩn dấu trong sự giản dị, đằm thắm chất liệu dân gian bởi cái chất phác sáng trong rất đỗi là thi sĩ của người.
Nửa đêm tỉnh dậy mưa rào
Mưa lồng vách nứa, mưa gào mái tranh
Sáng ra nắng ấm trời thanh
Cau nghiêng hong tóc, hoa chanh trắng thềm
Ai từng thao thức mưa đêm
Hẳn vui khi ánh dương lên chói loà.
( Không đề)
Đấy là bức tranh thanh bình gợi cảm, truyền thần được sự giao hoà giữa hồn người và thiên nhiên. Ở khoảng giữa thế kỷ XX khi văn học chỉ ưa chuyện cuốc cày dựng xây và tranh đấu mà viết mượt mà như thế được xem là rất mới, có hồn.
Huy Huyền ít làm thơ thời sự, nhưng nếu viết thì thành công. Nghe bước hành quân, Vào mùa chiêm là những bài thơ thời sự sáng giá được bà con truyền tụng nhiều ở xứ Nghệ trong thời chiến tranh chống Mỹ. Ở những bài thơ ấy, thi sĩ là một cái gì đó rất nhẹ nhàng, bay bổng và thiêng liêng. Huy Huyền chỉ có thể sáng tác loại thơ này khi đã được cổ vũ và trở nên cuồng nhiệt. Thơ Huy Huyền giàu chất hiện thực, dân dã. Thái độ của nhà thơ là rất trân trọng khi nhìn vào hậu trường của sự việc “Nhớ những hạt lúa này - Ta gieo ngày đạn lửa - Nhớ những dãnh lúa này - Ta cấy chiều đông giá ”. Có yêu đồng điền mới có lòng đam mê “Bông lúa nhìn no mắt - Hương lúa nồng men say” (Vào mùa chiêm). Có đồng cảm với cuộc chiến đấu mới có tâm tư lắng theo những đoàn quân Nam tiến trẩy trùng trùng “Đêm tháng mười dài theo bước hành quân”.
Đội ngũ ta đi xuyên những cánh đồng
Lúa nhận người quen giật mình trở giấc
Nhấp nhô sóng. Những bông tròn rướn ngực
Gửi hương nồng bay mấy dặm xa.
Ba lô nặng chắc gói nhiều tiễn biệt?
( Nghe bước hành quân)
Mặt mạnh và hay của thơ Huy Huyền là những mảng thơ thế sự (Tiêu biểu các bài Chuyện em tôi, Lão ăn mày...), và những bài vịnh sử mượn xưa nói nay. Nhà thơ xúc động thương cuộc tình của chàng nghệ sĩ Trương Chi nhưng tỉnh táo chỉ ra lối chơi trèo không thể vượt ra khỏi thân phận và định kiến:
Tiếng hát chỉ say lòng chốc lát
Phận hèn đâu luyến được tình ai
Sông trăng, sóng khoả, con đò dạt
Chìm hận nghìn thu dưới dạ đài.
( Trương Chi)
Nhà thơ cảm thương Mỵ Châu vì sự ngây thơ, trong trắng, cả tin, mất cảnh giác đến mất nước “Duyên con giao giữa cuộc cờ” (Trời, không tin chồng thì còn biết tin ai bây giờ?). Thật đáng thương và đáng được cảm thông:
Ai hay đắm đuối hoá ra dại khờ
Trắng trong nào biết lọc lừa
Gai trong chăn gối bây giờ là đây
Biển xanh với trái tim này
Nghìn sau lông ngỗng vẫn bay trắng đường?
( Mỵ Châu)
Nhà thơ khâm phục Mai An Tiêm thương nhớ quê nhà trong kiên trì đến mềm cả đá:
Ở nơi ấy biển trời và khát vọng
Chiều sang chiều, mây trắng nhởn nhơ bay
Quả dưa đỏ gửi hồn quê trên sóng
Cánh hải âu khắc khoải kẻ lưu đày.
( An Tiêm)
Nhà thơ nhìn nhận Cao Bá Quát trong nỗi bất đắc chí “Tiếng thơ lay động đêm dài - Bạc đầu, một lưỡi gươm mài ánh trăng” (Đọc thơ Chu Thần). Ông căm ghét những gã Lý Thông bạc bẽo và phản trắc “Sông dài lắm nỗi nông sâu - Đời chưa hết những Lý Thông hại người” (Thạch Sanh). Ông trách những gã Chí Phèo mới thời hiện đại chỉ quen đập phá bạo hơn “Đừng như anh Chí tràn say - Đến khi nhạt rượu lại cay nỗi đời” (Đừng như). Ông giễu cười những Thị Nở hoá thân thành hoa hậu “Tình yêu như ánh chớp loà trong đêm” ( Thị Nở).
Bàn về thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng viết: “Thơ là cứu cánh của sự chia sẻ nội tâm, cũng là chút dư ba ở đời”. Nhà thơ Hoàng Minh Châu bàn sâu hơn: “Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng người viết. Còn công việc của nhà thơ: Không phải lao vào cõi vô tận để tìm cái mới, mà là xông vào cái hữu hạn để tìm cái trường tồn”. Thơ Huy Huyền là thứ thơ hướng nội theo xu hướng ấy. Ông nghĩ “Phải vì thắm lắm mau phai - Rạc thân con cuốc kêu hoài bóng trăng” (Ngậm ngùi). Với một người bạn Tưởng Đăng Trữ là giáo sư đại học, ông cám cảnh “Một đời lấy bút làm chèo - Mà chưa chống nổi cái nghèo bạn ơi” (Khóc bạn). Với một người chị tục huyền, ông tiếc nuối “Mái tóc đẹp của một thì dang dở - Quấn lên đầu, sợi bạc lẫn vào trong” (Chị đi bước nữa). Với người vợ kế ốm liệt giường, ông tận tình chăm sóc “Trong tôi ruột xót như bào - Nhìn em nằm đó hanh hao nụ cười - Gối xô mái tóc rối bời - Dấu trong khoé mắt nụ cười héo hon” (Cảm thương). Và, trong tâm hồn ông luôn chập chờn ảnh hình người vợ hiền từ đã khuất “Tuổi xưa mái tóc em dà i- Lưu ly bông tím tôi cài tóc em - Để chờ mộng tím vào đêm - Để khi tỉnh giấc, nửa thềm trăng suông” (Lục bát nửa đêm). Với một ông lão ăn mày gần xong kiếp người vẫn giải không ra bài toán “Chưa hỏi đã rầu rĩ - Kể bao chuyện ưu phiền - Nào cuộc đời dâu bể - Nào tình người đảo điên...” (Lão ăn mày). Với một cô em rơi vào thảm cảnh ly hôn tan đàn xẻ nghé “Thắt buộc nhau ngàn lỗi- Mắt nhìn móc thịt da- Chỉ đứa con vô tội - Ngơ ngác nhìn mẹ cha -... Họ cưa ngang bồ thóc - Họ cưa dọc mái nhà- Tim con giá cưa được - Chắc không chừa nó ra !” (Chuyện em tôi).Trái tim nhà thơ rơm rớm “Nửa đời bươn chải trong kỳ vọng- Nay giữa màu xanh ngỡ lạc đường” (Thăm quê). Nhà thơ tự thú “Tôi như kẻ dại khờ - Làm con bướm trắng ngẩn ngơ giữa chiều” (Tháng ngày còn lại). Nhà thơ còn tự dằn vặt mình “Nắng không đủ ấm giữa ngày đông - Hoa nhãng quên chăm, nhợt vẻ hồng - Bởi quá ngu ngơ nên hụt hẫng - Sổ lồng, con sáo đã sang sông!” (Tự trách mình). Ông rầu cho thói đời ấm lạnh “Vừa mới bên nhau đã thấy dửng dưng”... Cái đắng đót của cuộc người đã ngấm tận gan ruột “Thế thái người chen xui kẻ lấn - Nhân tình ai bán để mình mua - Nỗi riêng không cạn niềm tâm sự - Đang giữa tích chèo tiếng trống khua” (Nỗi riêng). Cô độc nhấm nháp cuộc đời, phả ra nỗi đời tê dại, côi cút “Trà ngon mình rót cho mình - Ngoài hiên con dế tự tình với ai?” (Nửa đêm). Huy Huyền vui là vui gượng, còn hồn người rét lắm “Chủ nhật sao tôi thừa thãi quá - Nắng vàng nhưng ít nắng trong tôi” (Mong ước). Có lẽ “Tội mang kiếp trước trời đày làm thơ” khi biến ông hiện diện giữa cõi đời này chăng?
Nếu quan niệm rằng thơ là để nói tính tình thì tính tình nồng đạm, dày mỏng nên thơ có nồng nhạt, sâu cạn. Tính tình dày thì lời cạn ý sâu, tính tình mỏng thì lời sâu ý cạn. Ông Huy Huyền thừa biết thơ bộc bạch về tâm là cách giãi bày chỗ mà chí đạt tới. Và cuối cùng, thơ lại là để nói chí mình.
Đã nắm được quy luật vận hành của trời đất “Kìa trăng rằm mới sáng soi - Hôm sau trăng khuyết lẻ loi bên trời” (Gửi bạn) thì cớ chi nhà thơ lại còn phải đưa đẩy những giả thiết ngược chiều quy luật sống? Để làm gì? Chắc là để thiền, níu kéo giành lại những gì đã mất!
Giá đừng một thoáng mưa mau
Để mái núi chẳng tím màu hoàng hôn
Giá đừng khuất nẻo đường thôn
Để chia tay chẳng bồn chồn bước chân
Giá đừng ngọn gió ngoài sân
Để hoa chẳng rụng ngày xuân vội vàng
Cuộc đời chưa lật hết trang
Bài thơ còn viết dở dang... giá đừng!
( Giá đừng)
Thế giới này rốt cuộc chỉ còn hai thứ: Thi ca và lòng nhân ái... Vâng, hai thứ đó thôi, không còn gì khác. Tôi rất tán dương nhận định đúng đắn của nhà thơ Trinh Đường “Cũng may mắn là đa số các nhà thơ chúng ta đều biết rằng thơ không giá trị ở quyền chức, càng không đi đôi với buôn bán kinh doanh và cam chịu nghèo đói để làm tròn thiên chức của mình. Dám chấp nhận bần cùng và mọi đen bạc thế nhân cũng là bản lĩnh của chúng ta”.
*
Nhân dịp vào thăm thành phố Hồ Chí Minh, đến chơi nhà, ông giáo già Huy Huyền tâm sự với chúng tôi: “Đến lúc này, khi đã đứng ở gần cuối dốc của đời, mỗi khi hay tin những học sinh ngày cũ của mình, đứa là phó giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ văn học, đứa là nhà thơ nổi danh, là nhà bình luận thời sự quốc tế tầm cỡ, là... tôi hết sức vui mừng chia vui với các em, tự hào về các em, cảm thấy, dù hiện tại, nghề thầy giáo có bạc bẽo đến mấy vẫn thấy đời mình có ý nghĩa. Có phải vì thế mà ngày trước có câu kết của một bài thơ thất ngôn “Một mai chiếm bảng khôi thiên hạ - Đẹp mặt cha ông, rạng mặt thầy!”. Thế là tự dưng sống dậy trong ông cả một vùng kí ức:
... Biết mấy thân thương những tháng ngày
Trường chuyên, lớp học dưới vòm cây
Tranh tre, lán dựng che mưa nắng
Hào dọc hầm nganh bốn phía quây.
Cái thuở trai làng ra trận vắng
Chiến tranh còn ngút lửa quê ta
Thơ Kiều bình giữa ban mai nắng
Trong tiếng bom rền phía núi xa.
Rất cực mà vui tuổi học trò
Nụ cười tan biến mọi âu lo
Bát cơm mì hạt chan canh muống
Nhiều bữa ăn rồi... chẳng biết no?
Lạ cũng thành quen đời tập thể
Nỗi niềm ấm lạnh tấm chăn chiên
Chụm đầu mỗi tối che đèn học
Khát vọng len vào giấc ngủ yên.
Gian khổ nên càng thêm gắn bó
Thầy thương bầy trẻ sớm xa nhà
Khi trời trở gió phong phanh áo
Khi nắng hè lên đốt thịt da.
Cho những mùa thi xanh ước mơ
Cành cao náo nức phượng giăng cờ
Ròng đêm chong mắt ôn bài vở
Thầm lặng dòng Lam nước vỗ bờ!
... Hơn mấy chục năm rồi đấy nhỉ
Các em ngày ấy giờ nơi đâu
Những con tàu hướng chân trời mới
Đây bến bờ xưa... sóng bạc đầu!
( Một vùng ký ức)
Bài thơ này, thầy Huy Huyền có nhã ý gửi tặng các em học sinh các lớp chuyên văn Nghệ An những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX. Người ta bảo thầy giáo là người chèo đò ngang, chở hết lớp này đến lớp khác. Thầy không thể nhớ hết trò, nhưng trò không bao giờ quên thầy, đặc biệt thầy giỏi. Các em có nghe thấu chăng những nỗi niềm thương nhớ của người thầy giáo dạy văn tài hoa thuở ấy? Riêng tôi, tôi cũng rưng rưng trước những lời lẽ chân tình như chép từ gan ruột của người.
Ba lớp người được quý trọng nhất thời xưa là quân sư phụ. Thầy giáo Huy Huyền đóng cả hai vai sư và phụ trong sự nghiệp vẻ vang trồng người của mình.
Ông Huy Huyền là một thầy giáo dạy văn giỏi, chuyên dạy lớp năng khiếu của tỉnh Nghệ. Dạy văn là một nghệ thuật giải mã các xác chữ để tái tạo cuộc sống như nó vốn có ở mức cao hơn, khái quát hơn cái mà nhà văn miêu tả, kể lể. Thầy giáo dạy văn phải chứa đựng trọn vẹn trên đỉnh cao những kiến thức hiện đại thuộc chuyên ngành của mình. Mác nói “Văn học nghệ thuật là niềm vui thích cao nhất mà loài người tự cho mình”. Được đọc văn, học văn, dạy văn là một hạnh phúc to lớn. Nhưng tại sao hiện nay trong nhà trường môn văn lại trở thành một gánh nặng, thậm chí một thứ tai họa cho cả thầy và trò? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là thầy giáo giảng văn không hay, thầy không có lửa, không biết nhen nhóm đốt lửa trong tâm hồn học sinh. Em nào đã học văn với thầy Huy Huyền thì hẳn nhớ không phai, giữ mãi một ấn tượng đẹp đẽ. Ông là người có năng khiếu cảm thụ và lợi khẩu chỉ ra ngọn ngành cho học trò thấy được cặn kẽ và tinh tế vẻ đẹp lấp lánh của văn chương, ngoài văn chương, cái im lặng khi nhà văn không nói. Dạy văn, với thầy Huy Huyền là một nghệ thuật khêu gợi tính ham hiểu biết trong tâm hồn các em và làm thoả mãn tính ham hiểu biết ấy. Trong dạy học ông là người biết phát triển khả năng của học trò đến giới hạn, và học trò ngay lập tức nhận ra được giới hạn đó. Mục đích cuối cùng của dạy học là dạy cách học. Cách học là để người học tự học suốt đời. Đó là chiến lược giáo dục của mọi nhà trường hiện đại. Chính vì thế mà học trò của thầy Huy Huyền phần đông đã đi xa hơn trên con đường học vấn.
Tạo vật đẹp nhất trên thế gian này là Con Người được hấp thu một nền giáo dục tốt. Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu. Tấm gương sinh động nhất đối với học sinh là bản thân người thầy giáo. Làm thầy giáo, một mặt, phải là người có trình độ văn hoá cao, sâu và rộng, một mặt phải trung thực như một tấm gương soi. Đối với người hiếu học, vai trò của người thầy giỏi là rất quan trọng. Có thầy giỏi cũng như thể khách bộ hành có được người hướng dẫn.
Các thầy giáo và học trò đều có chung một vị thầy: đấy là tình thương yêu. Trí tuệ như nguồn suối, tư cách mẫu mực, phong thái ung dung, người như thế thật xứng là ông thầy. Người thầy chân chính bao giờ cũng coi việc dạy người không biết mệt mỏi. Ông thầy là người truyền thụ đạo lý, trao cho trò kiến thức và gỡ những mối nghi nan về học vấn mà trò không gỡ nổi. Nghề giáo mang bản chất nhân văn, nhân ái. Tài năng lớn nhất của thầy cô là tài năng sư phạm. Tài năng này sẽ làm ra của cải quý giá nhất đời, đó là Con Người!
Ở nhà trườg, việc học hành trước hết cần phân biệt được việc nghĩa với việc lợi. Thứ học khó nhất trên đời là học Nhân nghĩa và học làm Người. Ở bất cứ nhà trường thời nào cũng vậy, thầy kinh sách dễ tìm, thầy dạy làm Người khó kiếm. Học sinh đừng lo không có tài, chỉ sợ không có chí. Sư biểu Khổng Phu Tử viết “Bắt đầu là học trò, chung cục là người thánh” ( Chung ư vi sĩ, thuỷ ư vi thánh). Thầy nào trò nấy ( Like teacher, like pupil). Học tập trang hoàng đời sống, tích luỹ kiến thức chuẩn bị hành trang vốn liếng để vào đời. Muốn làm được việc lớn, phải học đến nơi đến chốn. Học cần nhất phải biết biến hoá chí mình. Chữ thầy, học trò vẫn chăm chắm mang theo suốt dặm đường thiên lý. Lòng khoan dung của ông thầy chính là thành quả giáo dục lớn nhất. Người học nhất định phải tôn kính thầy. Có thờ thầy mới được làm thầy. Thầy được tôn kính thì đạo lý mới được trọng vọng, công việc mới hanh thông, phấn phát. Biết ơn là đặc tính của trái tim. Thứ trái cây ngon nhất trần gian là lòng biết ơn. Lòng biết ơn sinh ra lòng yêu mến, lòng yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn. Cho tức là nhận, dạy tức là học, dạy người cũng là dạy mình. Ai cũng là thầy ở một chuyên môn sâu nào đó và là học trò ở nhiều lĩnh vực của học trò mình. Dạy học là sự nghiệp cao cả: quyết định số phận của con người. Chính vì vậy, làm quan ( chính quan) có nhiều quyền và lợi, còn làm thầy (học quan) được nhiều người coi trọng hơn cả...
... Đọc bài thơ Một vùng ký ức của cụ giáo Huy Huyền, chúng ta lấy đó làm chuẩn mực về tình thầy trò, về cách dạy người, về đạo học để noi theo, sống cho phải phép.
*
Cuộc đời có lúc kể cũng cay cực. Tuổi trẻ thì hăng hái cầm súng cứu nước, tuổi trung niên thì hùng hục lo phục vụ nhân dân trong cảnh cơm đùa áo cợt, thiếu trước hụt sau; tuổi chạng vạng chiều thì ngồi buồn xo lo bệnh tật hành và cô đơn bủa vây. Cuộc sống đẫm mồ hôi và có khi còn đẫm cả máu được dệt nên bằng nước mắt và nụ cười! Thực ra, không phải chông gai trên đường đời đã làm đau chân mà chính vì một vài hạt cát lọt vào trong giày ta đó.
Thiền sư Vạn Hạnh thuyết pháp “Thân như ánh chớp có rồi không”. Nguyễn Gia Thiều than “Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Tản Đà chán ngán “Nghĩ cho muôn vạn hoá sinh - Ở trong vũ trụ cái hình ra chi”. Khi tuổi đã cao, Tagor mới phát hiện ra “Sáng nay tôi ngồi bên cửa sổ - Cuộc đời này như một kẻ qua đường - dừng lại đó phút giây - chào tôi, rồi tiếp tục đi”. Cõi đời và cuộc người giống như một sòng bạc lớn, ở đó mọi con bạc đều say nên lẫn lộn. Kẻ tưởng là được hốt bạc thường lại hoá ra là kẻ bị cháy túi thua đau. Ông Huy Huyền bị đẩy vào cái thế “Không giận đời chật chội - Chỉ thương mình bó tay - Cái lưng quen thẳng ngay - Nên mình thường bực bội” (Viết cho mình). Vào những năm cuối của thế kỷ XX, sau khi đã nếm trải mọi mùi thế tục, ông giáo thường mượn chén rượu để tiêu sầu. Tất nhiên, ông không say khướt như Chí Phèo “Đập chai gào giữa đất trờ i- Chửi mình chén ngửa, chửi đời chén nghiêng” (Đừng như). Không mấy khi buông thả “nốc cạn giọt hương đời”, ông uống từ tốn theo kiểu các nhà hiền triết, uống một mình, một mình mình biết mình hay nỗi mình:
Không bạn đến chơi chiều thu này
Riêng mình rót chén, riêng mình say
Ta nhấp từng ngụm từng ngụm một
Cho vị đời cay thấm gan ruột.
Trăm nỗi buồn đau năm tháng qua
Thấp thoáng trước mặt hay lùi xa
Dẫu nguôi ngoai hay còn nhức nhối
Rượu chảy vào cũng thành sương khói.
Ngẫm xem ngày vui được bao nhiêu
Cái khôn chẳng có, dại thì nhiều
Rốt cục thời gian đổi màu tóc
Bệnh tật tuổi già đổi hình vóc.
Đảo điên thế sự tít vòng quay
Muôn nỗi tình đời lắm quắt quay
Bạn cũ ai còn, ai đã mất
Lưng ai còn thẳng, ai sát đất?
Xem ra hoài vọng cũng bằng không
Thà ôm trăng vàng trên mặt sông
Bắt chước người xưa tim chớm cóng
Mượn lửa của rượu để hâm nóng.
Kìa non xa chếnh choáng vầng trăng
Chén tỉnh chén say mình ta chăng?
( Riêng mình ta say)
Đọc tứ thơ này ta lại nhớ đến Khuất Nguyên với chuyện say - tỉnh, đục - trong. Ông giáo Huy Huyền thời nay của nước Việt bản lĩnh sáng suốt hơn quan đại phu nước Sở Khuất Nguyên thời xưa. Thời nay, ai cũng rất tỉnh để lo chạy mánh mung, còn ông Huy Huyền riêng mình ta say là để quên, tức là đã thức thời phần nào nghe theo lời lão ngư phủ. Khổng Tử ngày xưa đã từng thuyết giảng: Một khi thiên định thắng nhân định thì chúng ta gặp phải sự man rợ. Nhưng khi nhân định thắng thiên định thì sẽ gặp sự giả dối. Chỉ có sự cân bằng giữa lòng người với ý trời mới tạo ra được con người hoàn chỉnh. Tất nhiên, cuộc sống, nói theo cách của Xuân Diệu là “chẳng bao giờ chán nản”, cho nên cái ưu thời mẫn thế luôn là nỗi thao thức ám ảnh của bậc trí. Trương Triều đã chỉ ra nguyên lý đó “Vì trăng mà lo có mây, vì sách mà lo có mọt, vì hoa mà lo có mưa, vì tài tử giai nhân mà lo bạc mệnh, đó đều là tấm lòng Bồ tát cả”.
Riêng mình ta say là bài ca ngất ngưởng, hóm về chính khí tổng kết mặt phẩm cách tinh thần một đời tài hoa, một cuộc người, một cõi đời với nỗi trắc ẩn khó nói ra. Bài thơ viết năm 1992, súc tích chuẩn xác làm theo lối hành, dùng độc vần trắc gập ghềnh chứa đầy tâm sự. Điệu thơ gắt, âm thơ chói, nhịp thơ gấp, say mà tỉnh. Cái khẩu khí đó đã làm nên một tuyệt bút, đọc rất sướng.
Huy Huyền có nửa thế kỷ làm thơ, nhưng ông không chuyên chú đeo đuổi mục đích đến cùng. Tôi xin mạn phép kê ra đây 3 sai lầm lớn trong đời nhà thơ:
1. Dạy học là nghề. Thơ là nghiệp. Huy Huyền chỉ loay hoay lo nghề mà không chăm cho nghiệp, lãng phí vốn trời cho và để cho bạn cùng lứa tác, lớp đàn em qua mặt vượt lên trước. Phan Văn Từ người đề tựa cho Tuyển thơ Huy Huyền tiếc nuối “giá như ông còn ở lại quân đội”!? Sát bên cạnh ông, Thạch Quỳ, Xuân Hoài, Lê Quốc Hán... đều là những nhà giáo, nhà thơ thành đạt cả hai thì các vị nghĩ sao?
2. Trữ tình chân chính bao giờ cũng mang tính tự truyện, nhưng tiếc thay, Huy Huyền làm thơ thật thà quá. Trái tim có những gì, ông sao chép ra thế ấy. Đó là ưu mà cũng là nhược. Gần như Huy Huyền rất ít sử dụng đến phép hư cấu nghệ thuật nên tầm khái quát trong hình tượng thơ của ông không cao.
3. Huy Huyền khiêm tốn đến tự ti. Ông chưa phát huy được hết sở trường của mình: tạng thơ ông là tạng Đỗ Phủ (hiện thực) chứ không phải tạng Lý Bạch (lãng mạn).
Nhà văn Nga Karôn gần 70 tuổi mới có kiệt tác Thao thức, Trần Nhuận Minh ngoài tuổi 50 mới có thơ hay, đạt vận... Đối với văn chương, càng lớn tuổi viết càng chín. Vào đời văn không bao giờ sớm hay muộn cả. Đừng để “tuổi thơ [ca] làm hại tuổi đời” (Lê Đạt). Với tiềm năng còn sung sức vốn có, bây giờ chính là lúc khởi sự của nhà thơ Huy Huyền! Ông thử phác cho vài ba chục chân dung mảnh đời đen trắng cỡ như Chuyện em tôi, Lão ăn mày xem nào! Thi đàn Việt Nam đang thiếu và rất cần loại thơ này. Cái đó hoàn toàn nằm trong tầm tay và dư sức làm đối với ông.
Muộn phiền trút cả phía sau
Tình em đâu có nhạt màu thời gian
Tuổi đời là lộc trời ban
Câu thơ đẹp có muôn vàn gió trăng
... Dẫu còn gánh nặng đường trơn
Cái tâm thanh thản quý hơn bạc vàng...
Hành trang tớ đã sẵn sàng
Trời kêu thì dạ, nhẹ nhàng ra đi...
(Gửi bạn)
Cuộc đời của nhà giáo, nhà thơ Huy Huyền năm nay đã đến ngưỡng 80, đang vào tuổi trường xuân. Liệt Tử nói “Vì hạnh phúc mười năm: trồng cây; vì hạnh phúc trăm năm: trồng người; vì hạnh phúc nghìn năm: trồng đức”. Xem ra, trồng người và trồng đức là khó và lâu nhất. Ai kiên nhẫn làm được việc này? Chỉ có những bậc tuẫn vì đạo mới làm nổi. Tuy sự nghiệp chung trồng người, trồng đức của thầy Huy Huyền tròn như trăng rằm sáng soi, nhưng đời sống riêng của thầy thì vẫn luôn hao khuyết (?!) Cuộc đời của một nhà giáo đạo cao đức trọng ấy kể như mỹ mãn, chúng tôi xin mượn lời thơ của cổ nhân chúc mừng sư phụ: “Sách vạn pho tiêu khiển tuổi già - Để lại trắng trong cho cháu chắt - Không cần nhà cửa phải nguy nga” ( Trần Tuấn Khanh).
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.
- Tựa viết cho Thi tuyển RƯỢU KHUYA của Huy Huyền
Nxb Văn Học, Hà Nội 9-2009 – Tăng Thế Phiệt thực hiện)
Nxb Văn Học, Hà Nội 9-2009 – Tăng Thế Phiệt thực hiện)
THÁI DOÃN HIỂU
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511422
Hôm nay
285
Hôm qua
2336
Tuần này
21796
Tháng này
218295
Tháng qua
121356
Tất cả
114511422