Đất và người xứ Nghệ
Tục ở nhà sàn của người Thái miền Tây Nghệ An
Người Thái là dân tộc thiểu số có số lượng người đông nhất tại Nghệ An, họ cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... Đến nay, người Thái nhiều nơi tại Nghệ An vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình cả về phong tục, ẩm thực, trang phục và đặc biệt là kiến trúc nhà ở. Ngôi nhà sàn cân đối về tỷ lệ, hài hòa với thiên nhiên, thích ứng với khí hậu là nơi gìn giữ tinh thần, truyền thống của người Thái. Những bản làng lưng chừng núi với những ngôi nhà sàn gỗ là hình ảnh đặc trưng của đồng bào Thái ở Nghệ An.
Tục ở nhà sàn của người Thái đã có từ xa xưa, do phong tục sống của họ là ở trên triền các dãy núi, cạnh các dòng suối, con sông nên người dân làm nhà sàn với mục đích tránh hơi ẩm, tránh bị lũ quét và thú dữ v.v… Để làm được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái phải chọn loại gỗ tốt nhất để dựng nhà. Điều đặc biệt, nhà sàn truyền thống sử dụng hệ thống dây chằng bằng lạt tre, dây mây, buộc hết sức công phu, làm cho ngôi nhà hết sức chắc chắn mà không cần sử dụng đến các nguyên liệu như sắt, thép…
Nhà Sàn của người Thái ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong … trước đây đều có kiến trúc kiểu nhà sàn cột chôn. Các loại gỗ được người dân sử dụng để dựng nhà thường là Lim, Sến, Táu, Vàng Tâm, Săng Lẻ... Kết cấu nhà của người Thái khá đơn giản, theo kiểu vì kèo Giao nguyên, có từ 3, 5 đến 7 gian (tùy vào điều kiện và số lượng người trong gia đình), 2 hồi, trung bình rộng 20m, dài 60m. Hệ thống nhà được liên kết với nhau bằng hình thức “ngoạm” tự nhiên. Về số lượng gian chẵn hay lẻ là do quy định của từng dòng họ. Hướng nhà của người Thái thường theo một hướng chung, nếu các nhà ở cạnh nhau thì hoặc cùng ngoảnh ra đường, hoặc cùng ngoảnh ra sông…, nếu hai nhà mà ngoảnh hai hướng là rất kiêng kị.
Nhà có 2 tầng, tầng trên cao hơn tầng dưới khoảng 1,5 đến hơn 2m. Tầng trên là nơi sinh hoạt của mọi người trong gia đình, tầng dưới trước đây người ta dùng làm nơi nuôi gia cầm, để các vật dụng lao động và củi đuốc, trong đó có Khắc Luống (cối giã gạo) v.v… Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình đã sử dụng không gian tầng 1 làm nơi sinh hoạt, có thể tiếp khách, nơi mắc võng để nghỉ ngơi hoặc làm nơi vui chơi của trẻ con. Hiện nay chiều cao sàn đã được nâng dần, nhất là những ngôi nhà mới dựng 10-15 năm trở lại đây, với chiều cao 2,5-2,7m.
Những ngôi nhà sàn hiện còn ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.ảnh Linh Nhâm
Sàn nhà được trải bằng các tấm ván, phổ biến nhất trước đây là thân cây luồng hoặc mét đật dập, lau mắt. Mái nhà hình chữ nhật góc nhọn. Trước đây, mái nhà được lợp bằng lá cọ (tro), hoặc lá gối, nhà có điều kiện thì lợp mái bằng gỗ Pơ Mu, để làm mát vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông.
Nhà sàn được lợp bằng gỗ Pơ Mu tại bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, Quế Phong. ảnh Linh Nhâm
Cầu thang nối giữa tầng 1 và tầng 2 có một vai trò quan trọng trong ngôi nhà. Cầu thang được làm theo bậc lẻ, thường có 7 đến 9 bậc, có cầu thang chính và cầu thang phụ. Cầu thang chính được dựng ở lối chính đi lên tầng trên. Cầu thang phụ được làm ở sau nhà, làm lối đi lên gian bếp, thường là nơi lên xuống của phụ nữ trong gia đình.
Cách bố trí trong ngôi nhà sàn người Thái cũng hết sức độc đáo. Gian gần với cầu thang chính có lan can bên ngoài gọi là “họong nọc” hay “ sâu họong” là không gian thiêng liêng nhất (gian đầu tiên bên phía đặt cầu thang đi lên), nơi đặt bàn thờ gia tiên, nơi thực hiện các lễ nghi quan trọng của gia đình. Các gian giữa là không gian sinh hoạt chung của gia đình. Người thái gọi là “họong cuông” hay “sâu khoắm”. Nơi đây có thể đặt bàn tiếp khách, buồng ngủ của các thành viên trong gia đình… Người Thái nhóm Mãn Thanh nói chung trước đây có tục cấm người lạ vào các phòng riêng của các gian này, trừ trường hợp chính chủ nhà mời vào (trong các trường hợp khám chữa bệnh và làm lễ tâm linh, tuy nhiên ngày nay tục lệ này không còn khắt khe như trước).
Gian cuối cùng là “họong chan” hay “sâu tán” là nơi đặt bếp, cũng là nơi dành cho phụ nữ, nơi đặt khung cửi, sân phơi v.v… Đặc biệt trên bếp đun nấu của người Thái luôn có chiếc chạn, làm nơi cất giữ lương thực. Các món ăn như thịt giàng, da trâu, da bò giàng, cá giàng… đều được để trên chiếc chạn này.
Chạn bếp của người Thái.ảnh Linh Nhâm
Điểm độc đáo tiếp theo của nhà sàn gỗ của người Thái tại các huyện trên tuyến đường 48 là 3 chiếc cột có tên trong tổng số cột của ngôi nhà. Thứ nhất là chiếc cột chính ở gian thờ, gọi là Xẩu Hòng, người Thái sẽ đặt bàn thờ gia tiên ngay cạnh chiếc cột này. Thứ hai, là chiếc cột vía (xẩu vẳn), cột ở gian vía, nơi thường tổ chức cúng vía trong gia đình, đây là cột chính tại gian buồng ngủ cho người lớn tuổi nhất trong nhà. Chiếc cột thứ ba là Xấu tẩu, là chiếc cột cái gian bếp.
Trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái, ngôi nhà sàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, gắn bó với cuộc đời mỗi con người. Từ khi lọt lòng mẹ đã gắn với nghi lễ chào đời, cho đến khi người con trai lớn đi làm nương rẫy, người con gái học bài học đầu tiên về xe tơ, dệt vải, thêu thùa. Lan can bên ngoài nhà sàn là nơi những người đàn ông làm công việc hàng ngày như đan lưới để đánh bắt cá, làm đồ mỹ nghệ thủ công... Nhà sàn còn là nơi gắn liền tình yêu đôi lứa, là nơi vang lên tiếng cồng chiêng, khắc luống, tiếng sáo tiếng khèn... Con người ta sinh ra trong mái nhà ấy, lớn lên rồi chết đi cũng từ mái nhà ấy, các nghi lễ của một đời người, nghi lễ thờ cúng gia tiên … đều được tiến hành tại đây. Có thể khẳng định, phần nhiều phong tục, tập quán của người Thái được thực hành ở ngôi nhà sàn truyền thống. Ngôi nhà như một không gian văn hóa của tộc người thu nhỏ. Toàn bộ không gian đó chứa đựng rất nhiều giá trị, gắn với những nét văn hóa ứng xử đặc trưng của người Thái không trộn lẫn với dân tộc khác. Những nếp nhà sàn ấy như những câu chuyện phản ánh rõ nét tập tục, lối sống, quan niệm thẩm mỹ của đồng bào người Thái nơi miền núi cao.
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, nhà sàn của người Thái có những biến đổi rõ rệt theo hướng kinh (xuôi) hóa, kết cấu nhà làm theo người Kinh, đặc biệt là cột không còn được chôn mà kê trên chân tảng. Hiện nay, khi về với các bản làng, cùng với sự mất dần đi các làn điệu dân ca Thái cổ, các phong tục tập quán đang dần kinh hóa v.v…, thì bóng dáng những ngôi nhà cổ của người Thái ngày một ít đi, thay vào đó là nhiều ngôi nhà xây kiểu miền xuôi, với mái ngói Tây, sơn màu sặc sỡ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, sự biến đổi của nhà sàn Thái trong thời gian qua là kết quả tất yếu của quy luật phát triển, thích ứng với xu thế thời đại, bởi nguồn nguyên liệu gỗ, tre, nứa… ngày càng khan hiếm, cộng thêm sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi của nhiều quan niệm, phong tục, tập quán…
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp để nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào người Thái nói riêng, trong đó có tục ở nhà sàn của người Thái. Nhưng để đạt được hiệu quả cao, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội thì cần có các giải pháp riêng biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành. Mong rằng, dù đời sống kinh tế, xã hội có phát triển đến đâu, thì người Thái vẫn giữ được không gian sống của mình, để ngôi nhà sàn vẫn là đặc trưng, là linh hồn của văn hóa Thái./.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522787
237
2282
21561
220726
121009
114522787