Những góc nhìn Văn hoá
Không gian diễn xướng - xương sống của dân ca Ví, Giặm
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu. Có thể nói, không gian diễn xướng là xương sống của dân ca Ví, Giặm. Bởi, đó chính là môi trường để dân ca Ví, Giặm được phát triển và hồi sinh.
Dân ca Ví, Giặm - hồn cốt người xứ Nghệ
Nếu người Thái được nhớ đến bởi các điệu múa, hát nhuôn, xuối, lăm, khắp nhiều màu sắc, kho tàng truyện kể, tri thức dân gian phong phú thì người Mông lại khiến người ta nhớ về tiếng khèn tha thiết cùng nghề rèn bậc thầy; người Kinh lại được biết đến bởi những lễ hội, tín ngưỡng và hơn hết là những làn điệu Ví, Giặm đi vào lòng người.
Nhắc đến dân ca Ví, Giặm là nhắc đến người Nghệ. Những con người chịu khó, cần cù, chân chất. Đây là một loại hình nghệ thuật đã ăn vào nếp sống, nếp nghĩ, vào văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh. Đặc biệt hơn, trải qua bao miền kí ức, dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong những hoạt động thường ngày, dân ca Ví, Giặm len lỏi vào cộng đồng người Nghệ. Không chỉ là những câu hát ru con, dù dệt vải hay cày cấy, dân ca Ví, Giặm vẫn “đượm” tình quê. Lời ca của dân ca Ví, Giặm ngợi ca những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người. Bởi vậy, trong tâm khảm người Nghệ, dân ca Ví, Giặm là “gia vị” được gói sau bao lần lá, phải “bóc” thật kĩ mới thấu được hết cái tình trong ấy.
Loại hình diễn xướng dân gian này là một đặc trưng nổi trội thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu hiện sự tự do tối đa trong việc biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương. Dân ca Ví, Giặm được khởi nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Người Nghệ hát Ví, hát Giặm ở mọi nơi, mọi lúc: khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... Mỗi một nghề lại có những câu hát, làn điệu riêng gắn với từng ngữ cảnh khác nhau.
Các Nghệ nhân đang biểu diễn tại không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm Quảng trường Hồ Chí Minh. ảnh Hà Hồ
Không gian diễn xướng - xương sống của dân ca Ví, Giặm
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu. Có thể nói, không gian diễn xướng là xương sống của dân ca Ví, Giặm. Bởi, đó chính là môi trường để dân ca Ví, Giặm được phát triển và hồi sinh.
Dân ca Ví, Giặm bắt nguồn từ chính đời sống của người dân, là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất những nỗi niềm sâu kín, những tâm tư, nguyện vọng và những ước mơ của họ. Bởi vậy, việc bảo tồn hình thức diễn xướng mới, hoàn cảnh mới, phải có nội dung phù hợp thì vở diễn mới thật sự đi vào lòng người.
Không gian diễn xướng Ví, Giặm xứ Nghệ rất phong phú như không gian đồng ruộng có ví phường cấy, ví đồng ruộng; không gian rừng núi có ví trèo non, không gian lao động sông nước lại có hò trên sông, ví đò đưa,… Đặc sắc của dân ca Ví, Giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, ví, giặm cũng đa phần là nhịp điệu lao động (hò kéo gỗ, hò đầm đất đắp đê, hò trên sông…). Chính vì vậy, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hóa xuất phát từ trong lao động sản xuất của cha ông ta.
“Hỡi là người thương ơi!
Chứ trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn ớ lòng”.
Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng để tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca Ví, Giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra.
Ngày nay, môi trường diễn xướng truyền thống của dân ca Ví, Giặm không còn nữa. Trở lại với vòng quay liên hồi của nhịp sống hiện đại, rất hiếm những cảnh quay tơ dệt vải, hát đò đưa trên sông, cây đa, bến nước, sân đình chỉ là “một thời vang bóng”. Đây là những môi trường diễn xướng cổ, giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là những môi trường diễn xướng mới, từ nhà máy xí nghiệp cho đến những đồng ruộng, từ các hoạt động của đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học cho đến phong trào văn nghệ quần chúng. Nếu xưa kia có cây đa, bến nước, sân đình có quay tơ, dệt vải thì ngày nay chúng ta có các sinh hoạt cộng đồng: mừng Đảng mừng xuân, những sự kiện trọng đại của đất nước, lễ hội các làng nghề... vẫn luôn xuất hiện những câu Ví, điệu Giặm.
Nếu như hội họa là nghệ thuật của màu sắc đường nét, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh tiết tấu thì dân ca Ví, Giặm là nghệ thuật của môi trường diễn xướng, của nhịp sống đời thường.
Chính chất thơ, chất văn học đã nhào nặn cho Ví, Giặm một sức sống mới, dễ làm say đắm lòng người hơn. Một kịch bản dân ca Ví, Giặm muốn hay thì phải có một nhà văn, nhà thơ có nghề tham gia sáng tác. Ấy vậy mà việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm ắt hẳn phải có nhà thơ, nhà văn vào trong tổ chức, và phải có sự đóng góp tài năng của họ.
Nếu chỉ chú tâm vào việc bảo tồn những làn điệu cổ, lời cổ, mà không chú trọng đến môi trường diễn xướng mới, nội dung mới, hay nội dung không gắn bó, không thiết thực thì người ta sẽ hờ hững với dân ca Ví, Giặm thậm chí là quay lưng. Cho nên, việc thổi hồn thơ văn vào các làn điệu dân ca Ví, Giặm sẽ làm những điệu Ví, câu Giặm mượt mà, khoác lên mình một làn gió mới. Làm được như vậy, phải là người “chữ nghĩa”, ăn dầm ở dề với dân ca Ví, Giặm.
Mô hình không gian diễn xướng Dân ca Ví, Giặm tại Bảo tàng Nghệ An.
Muốn dân ca Ví, Giặm ăn sâu, bám rễ vào quần chúng nhân dân, không còn cách nào khác ngoài việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trong những sinh hoạt cộng đồng. Chính những sinh hoạt cộng đồng có sự tham gia của dân ca đã giúp ta bảo tồn một cách hiệu quả và thiết thực nhất, trong đó có việc đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học mà chúng ta đang thực hiện.
tin tức liên quan
Videos
Thế Vận hội Tokyo 2020: Liều thuốc khuây khỏa giữa đại dịch
Mười thư viện lớn nhất thế giới
Nguyễn Duy Trinh - Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, một nhà ngoại giao xuất sắc
EVFTA và cơ hội thay đổi cơ cấu hợp tác kinh tế quốc tế
Cuộc sống bình thường mới và những bất bình thường cũ hiện nay
Thống kê truy cập
114497360
257
2365
22141
214753
120308
114497360